Lịch sử dân tộc Việt Nam là lịch sử dựng nước luôn đồng hành với giữ nước. Ngày từ buổi đầu dựng nước, các thế hệ người Việt Nam nối tiếp nhau cầm vũ khí đấu tranh kiên cường, bền bỉ chống lại các thế lực xâm lược, giải phóng, bảo vệ giống nòi, nền độc lập tự do, bản sắc văn hóa dân tộc. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, chính quyền cách mạng non trẻ đứng trước những khó khăn ngặt nghèo, thù trong, giặc ngoài thi nhau phá hoại với âm mưu tước đoạt nền độc lập, thống nhất đất nước. Trước yêu cầu bức thiết đó, Hồ Chí Minh thay mặt Trung ương Đảng, Chính phủ viết Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, ngắn gọn, súc tích, giản dị nhưng biểu trưng nét đặc sắc trong văn hóa giữ nước Việt Nam.
Dựng nước, giữ nước là nội dung cốt lõi, xuyên suốt tiến trình phát triển lịch sử Việt Nam. Quá trình đó đã sản sinh ra giá trị văn hóa giữ nước, cũng chính là nền tảng văn hóa quyết định sự trường tồn của dân tộc. Lòng yêu nước là một nội dung tiêu biểu, đặc sắc trong bản sắc văn hóa giữ nước Việt Nam, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt, thể hiện ý chí, quyết tâm, hành động bảo vệ quyền sống, bình đẳng, phẩm giá con người, lòng tự tôn dân tộc, thể diện quốc gia. Đồng thời, đó là động lực chủ yếu có ý nghĩa quyết định trong đấu tranh chống lại mọi âm mưu, hành động xâm lược, đô hộ; chống lại cái ác, bất chính, phản văn hóa, phản văn minh của nhân loại.
Trong suốt cuộc đời hoạt động, cống hiến cho cách mạng, Hồ Chí Minh luôn hướng đến một mục đích duy nhất là làm sao cho nước ta được độc lập, dân ta được tự do. Để thực hiện mục đích đó, Người luôn chăm lo xây dựng, phát huy cao độ bản sắc văn hóa giữ nước, đặc biệt là lòng yêu nước trong đấu tranh giành độc lập, tự do cho dân tộc, hạnh phúc cho nhân dân. Nói về lòng yêu nước của nhân ta, Người khái quát: “Nhân dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước” (1).
Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, nhằm tránh cuộc chiến tranh giữa ta và Pháp có thể sớm nổ ra trong điều kiện bất lợi cho ta, giành lấy thời gian hòa bình để xây dựng đất nước, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phải nhiều lần nhân nhượng với Pháp, từ Hiệp định Sơ bộ Việt – Pháp ngày 6-3-1946, đến Bản Tạm ước ngày 14-9-1946. Tất cả sự nhân nhượng của ta đều bị thực dân Pháp phá bỏ với dã tâm, hành động quyết cướp nước ta một lần nữa.
Chúng ta càng nhân nhượng thì thực dân Pháp càng lấn tới. Đúng vào ngày 20-11-1946, quân Pháp mở cuộc chiếm đóng thành phố Hải Phòng, thị xã Lạng Sơn, đổ bộ quân lên Đà Nẵng. Ngày 16-12-1946, những tên trùm thực dân Pháp ở Đông Dương họp tại Hải Phòng, bàn kế hoạch đánh chiếm Hà Nội, khu vực Bắc vĩ tuyến 16. Ngày 17-12-1946, quân Pháp phá các công sự của ta ở phố Lò Đúc, gây ra các vụ thảm sát nhân dân ta ở phố Hàng Bún, Yên Ninh. Đỉnh điểm là sự kiện ngày 18-12-1946, tướng Morliere chỉ huy quân đội Pháp ở Bắc Đông Dương gửi cho ta hai tối hậu thư đòi chiếm đóng Sở Tài chính, đòi ta phải phá bỏ các công sự, chướng ngại vật trên các đường phố, giải tán lực lượng tự vệ chiến đấu, giao quyền kiểm soát an ninh trật tự cho chúng.
Rõ ràng, với thái độ, hành động hung hăng, ngạo mạn, thực dân Pháp đã châm ngòi ngọn lửa chiến tranh xâm lược của chúng trên toàn quốc. Đứng trước cuộc chiến không thể tránh khỏi, chúng ta phải cầm vũ khí chiến đấu để bảo vệ nền độc lập, tự do. Nhân nhượng hay đấu tranh? Độc lập, tự do hay nô lệ? Tình thế cấp bách lúc đó buộc Chính phủ, Hồ Chí Minh phải lựa chọn, kịp thời đưa ra quyết định chiến lược lịch sử để bảo vệ đất nước. Dân tộc Việt Nam không bao giờ muốn trở lại vòng nô lệ, đã đến lúc đứng lên chiến đấu với tinh thần quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Cũng chính vì lẽ đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết định phát động cuộc kháng chiến trong toàn quốc, hạ lệnh kháng chiến toàn quốc vào 20 giờ ngày 19-12-1946.
Mở đầu Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, Hồ Chí Minh nêu rõ: “Hỡi đồng bào toàn quốc! Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa!” (2). Trong điều kiện tình thế cách mạng được ví như ngàn cân treo sợi tóc, từng câu, từng chữ trong lời kêu gọi kháng chiến thiêng liêng của Bác nhanh chóng thấm vào tâm khảm nhân dân ta, khơi dậy mạnh mẽ lòng yêu nước, tự tôn dân tộc, truyền thống anh hùng bất khuất, kiên cường của nhân dân Việt Nam trong đấu tranh chống kẻ thù xâm lăng. Lời kêu gọi là hiệu lệnh làm sục sôi khí thế đấu tranh của mọi người dân Việt Nam, với mọi thứ vũ khí có sẵn, một ý chí quyết tâm sắt đá bảo vệ nền độc lập dân tộc. Nét đặc sắc trong văn hóa giữ nước Việt Nam, thể hiện trong Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, được quy định bởi tính chất chính nghĩa của cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp xâm lược. Tính chất chính nghĩa là nguồn gốc tạo nên tính nhân văn cao cả, tạo nên thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Hồ Chí Minh đã khẳng định đanh thép, dứt khoát về ý chí, quyết tâm chiến đấu của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta: “Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ” (3). Lời tuyên bố đanh thép thể hiện sự phát huy cao độ lòng yêu nước, ý chí quyết tâm sắt đá của khối đại đoàn kết toàn dân tộc đứng lên chiến đấu bằng sức mạnh chính nghĩa, trí tuệ của người Việt Nam với tinh thần quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Đây là sự tiếp nối hợp logic theo quyết tâm bảo vệ nền độc lập, tự do được khẳng định trong Tuyên ngôn độc lập: “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do độc lập ấy” (4). Nhân dân Việt Nam sẵn sàng hy sinh tất cả để bảo vệ quyền sống thiêng liêng của dân tộc, kiên quyết không chịu trở lại với cuộc đời nô lệ lầm than. Sự nhân nhượng từ phía Việt Nam đã bị thực dân Pháp đẩy đến giới hạn, chính thực dân Pháp đã buộc nhân dân Việt Nam phải đứng lên chiến đấu để bảo vệ quyền độc lập tự do thiêng liêng của Tổ quốc. Nét đặc sắc trong Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến là lòng yêu nước của dân tộc Việt Nam. Lòng yêu nước được bắt nguồn từ ý chí kiên cường, bất khuất, tinh thần tự tôn, tự lập, tự cường. Tinh thần đó không chỉ biểu hiện ở lòng dũng cảm, đức hy sinh, mà còn biểu hiện ở sự đoàn kết, nhân ái, yêu thương con người, ý thức bảo vệ nhân phẩm, giữ gìn đạo lý; bảo vệ lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc luôn gắn chặt với bảo vệ giá trị văn hóa đặc trưng của con người, dân tộc Việt Nam. Lòng yêu nước, tinh thần thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ, là động lực chủ yếu để bảo vệ nền độc lập tự do của dân tộc, nó trở thành nghĩa vụ, trách nhiệm thiêng liêng của toàn thể người dân Việt Nam đối với Tổ quốc.
Lời kêu gọi của Hồ Chí Minh đã chỉ rõ những tư tưởng căn bản của đường lối kháng chiến chống thực dân Pháp của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta: toàn dân, toàn diện, trường kỳ và tự lực cánh sinh. Người chỉ rõ: “Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc” (5). Một lần nữa, ta thấy rõ tư tưởng đoàn kết dân tộc được Hồ Chí Minh nêu lên một cách dễ hiểu, giản dị, mộc mạc, dễ đi vào lòng người với mọi tầng lớp nhân dân. Hồ Chủ tịch đã khơi dậy được tinh thần tự cường, tự hào của dân tộc Việt Nam, đó là lòng yêu nước, nét đặc sắc trong văn hóa giữ nước Việt Nam.
Cùng với việc xác định lực lượng kháng chiến, Người chỉ rõ: “Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm. Không có gươm thì dùng quốc, thuổng, gậy, gộc” (6). Chúng ta đánh giặc bằng mọi lực lượng, mọi vũ khí có thể. Đây là nghệ thuật chiến tranh nhân dân độc đáo, nét đặc trưng nổi bật trong văn hóa giữ nước Việt Nam. Đặc trưng đó được biểu hiện trong phương châm, cách thức tiến hành chiến tranh chống thực dân Pháp xâm lược của dân tộc ta. Thực hiện lời kêu gọi của Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam muôn người như một, đồng tâm hiệp lực, không phân biệt già, trẻ, gái, trai, dân tộc, tôn giáo, đảng phái… nhất tề đứng lên kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Nét đặc sắc trong văn hóa giữ nước Việt Nam, lòng yêu nước nồng nàn của mỗi người dân Việt chính là động lực tạo nên sức mạnh đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam, tinh thần trên dưới thuận hòa, ý Đảng lòng dân là một, cả nước một lòng, toàn dân đánh giặc. Tinh thần đó được biểu hiện ở sự cố kết, thống nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta trong cuộc kháng chiến.
Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Hồ Chí Minh chứa đựng sự quyết tâm, niềm lạc quan, tin tưởng vào thắng lợi cuối cùng của cách mạng. Người chỉ rõ: “Dù phải gian lao kháng chiến, nhưng với một lòng kiên quyết hy sinh, thắng lợi nhất định về dân tộc ta” (7). Thực hiện lời kêu gọi ấy, quân và dân ta đã đoàn kết đứng lên, anh dũng chiến đấu, từng bước đánh bại mọi âm mưu của kẻ thù, thực hiện thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược với tinh thần sắt son của dân tộc, không có gì quý hơn độc lập tự do. Đây cũng là văn kiện lịch sử to lớn, đánh dấu sự mở đầu của 9 năm kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp.
Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Hồ Chí Minh là tiếng nói của non sông đất nước, tiếng nói của dân tộc khát khao hòa bình, là mệnh lệnh thiêng liêng giục giã quân dân ta anh dũng tiến lên giành thắng lợi. Đây là nét đặc sắc trong văn hóa giữ nước Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng. Lời hiệu triệu toàn quốc kháng chiến là kết quả của sự hội tụ, phát triển đến đỉnh cao những nội dung cốt lõi của lòng yêu nước, tài năng, sáng tạo, đức hy sinh của dân tộc ta, khi được khơi dậy sẽ trở thành sức mạnh vô địch để chiến đấu, chiến thắng trước mọi kẻ thù.
Trong bối cảnh hiện nay, sự nghiệp xây dựng, bảo vệ tổ quốc chịu tác động sâu sắc từ những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới, khu vực; bức tranh chính trị, an ninh toàn cầu về cơ bản vẫn ổn định, song cục diện thế giới có thể có sự biến chuyển khó lường. Sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch trên nhiều lĩnh vực đã, đang gây ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển đất nước. Kỷ niệm 72 năm ngày toàn quốc kháng chiến là dịp toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta ôn lại những bài học lịch sử về nét đặc sắc trong văn hóa giữ nước Việt Nam, vận dụng sáng tạo và thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
_________________
1. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 7, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.38.
2, 3, 4, 5, 6, 7. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 4, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.534, 534, 3, 534, 534, 534.
Tác giả: Hoàng Văn Vân
Nguồn: Tạp chí VHNT số 414, tháng 12 – 2018
Bài viết cùng chủ đề:
Kinh nghiệm đi du lịch Đà Nẵng dịp tết nguyên đán 2023 chi tết A-Z
Chính sách văn hóa Việt Nam thời kỳ 1945 -1954 và những thành tựu
Khái lược về môi trường văn hóa và xây dựng môi trường văn hóa nơi công cộng