Long Phú – hoạt động thông tin lưu động cơ sở đối mặt với nhiều khó khăn


Hiện nay, những chương trình văn nghệ tuyên truyền lưu động (TTLĐ) đang dần vắng mặt ở tuyến cơ sở do nhiều nguyên nhân. Việc duy trì mô hình thông tin lưu động vì thế trở thành câu chuyện đáng bàn trong hoạt động của các Trung tâm Văn hóa – Thể thao cơ sở.

Theo phân tích của một số lãnh đạo các Trung tâm Văn hóa – Thể thao cơ sở, trước sự bùng nổ của công nghệ hiện đại, người dân có xu hướng thích xem nghệ sĩ nổi tiếng trình diễn, nên những chương trình văn nghệ “cây nhà, lá vườn” của các Trung tâm thường rơi vào tình trạng “ế” khách. Giám đốc Trung tâm VH – TT huyện Long Phú (Sóc Trăng) – Đặng Kim Khánh chia sẻ: “Bà con mình bây giờ ít mặn mà xem những chương trình văn nghệ TTLĐ. Trước đây đông khán giả nên ca sĩ, diễn viên có động lực biểu diễn. Bây giờ từ sâu khấu nhìn xuống lưa thưa vài chục người xem, ca sĩ, diễn viên cũng có phần “mất hứng”. Nếu bà con tham gia nhiệt tình, chúng tôi sẽ có động lực cống hiến hơn. Còn như hiện tại thì rất khó giữ vững phong trào”.

Một nguyên nhân nữa cũng được đề cập đến, đó là thiếu kinh phí. Kinh phí khoán cho các Trung tâm hoàn toàn không đủ để giữ vững hoạt động  TTLĐ ở địa phương. Một chương trình văn nghệ đơn thuần thì rất dễ dàn dựng. Thế nhưng, để có một chương trình thông tin lưu động mang tính nghệ thuật cộng với việc lồng ghép nội dung tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, là chuyện không đơn giản. Có rất nhiều yếu tố hợp thành một chương trình văn nghệ đúng nghĩa, đúng mục đích, thu hút đông đảo khán giả, dù chỉ diễn ra trong vài chục phút đồng hồ. Nguồn kinh phí eo hẹp đã khiến các trung tâm VH – TT cơ sở khó có thể dàn dựng được những chương trình công phu từ kịch bản đến trang phục, ánh sáng, đạo cụ…

Không chỉ vậy, chuyện nhân lực “mỏng” và kiêm nhiệm cũng là trở ngại đối với hoạt động thông tin lưu động. Không đủ kinh phí thì không thể thuê cộng tác viên. Trong khi đó, đối với cộng tác viên lâu năm, cũng phải nghĩ đến chuyện cho họ “danh phận” bằng một hợp đồng dài hạn, họ mới an tâm cống hiến. Bài toán này khiến cho các trung tâm không khỏi “đau đầu”. Chính vì thế, nhiều trung tâm phải tự thân vận động bằng cách xã hội hóa. Tuy nhiên, xã hội hóa chỉ vài chương trình thôi, còn lâu dài cũng rất khó. Khắc phục và vượt qua khó khăn chung ấy, một số trung tâm đã “tùy cơ ứng biến” để các chương trình văn nghệ TTLĐ được diễn ra thường xuyên. Bà Đặng Kim Khánh cho biết thêm: “Mùa mưa thì Trung tâm không thể phục vụ bà con được. Để lấp đầy khoảng trống thời gian và giữ cho phong trào “không bị chết”, các ca sĩ, diễn viên của Trung tâm chia nhau xuống các câu lạc bộ Đờn ca tài tử xã, ấp để sinh hoạt, biểu diễn. Chúng tôi chia trách nhiệm, phân công hẳn hoi mỗi nhân viên phụ trách một câu lạc bộ Đờn ca tài tử của xã. Điều này cũng tạo điều kiện thuận lợi cho việc tìm kiếm và chọn lựa cộng tác viên mạnh để duy trì, phát triển phong trào”.

Một cách nữa được nhiều trung tâm đang áp dụng là tận dụng các ngày lễ, Tết, hay sự kiện chính trị quan trọng, những chủ trương mới trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa – xã hội… để tổ chức văn nghệ lồng ghép nội dung tuyên truyền. Ví dụ như tuyên truyền về biển, đảo, xây dựng nông thôn mới, xây dựng đô thị văn minh…

Trước những khó khăn trên, để duy trì hoạt động thông tin lưu động là câu chuyện cần được tính toán kỹ càng hơn. Với mong muốn nâng cao dân trí, làm phong phú đời sống văn hóa của bà con nông thôn, thiết nghĩ các cấp lãnh đạo cần giúp các Trung tâm vượt qua khó khăn này.

Tác giả: Sóc Ca

Nguồn: Tạp chí VHNT số 456, tháng 3-2021

 

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *