Một trong những tác phẩm kinh điển đặt nền móng cho nhiều luận giải khoa học về nguồn gốc loài người, trong đó đề cập sâu sắc đến sự hình thành của tổ chức gia đình, tộc họ là công trình của Lewis Morgan, xuất bản từ năm 1877 – Xã hội cổ sơ (hay những con đường tiến bộ của loài người từ thời đại mông muội, qua thời đại dã man đến thời đại văn minh). L.Morgan cũng đã có kế thừa một số luận điểm của những công trình trước đó như Chế độ mẫu quyền (1861) của học giả người Đức J.Bachofen, hoặc Hôn nhân nguyên thủy (1865) của J.F Lennan…, nhưng ông chính là người đầu tiên sắp xếp thời kỳ tiền sử của loài người theo một trật tự nhất định và trong mỗi thời đại, ông lại chia ra 3 giai đoạn: giai đoạn thấp, giai đoạn giữa và giai đoạn cao. Khẳng định của ông “Tất cả các thời đại tiến bộ lớn lao của loài người, nhiều hay ít, đều trực tiếp ăn khớp với những thời đại mở rộng các nguồn sinh sống”(1), sự phát triển của gia đình cũng diễn ra song song với tình hình đó. Từ quan sát bộ tộc người I-rô-qua, L.Morgan đã phát hiện ra chế độ hôn nhân từng cặp một, hình thành nên gia đình cặp đôi. Ông nhận xét: “Gia đình là một yếu tố năng động; nó không bao giờ đứng nguyên ở một chỗ, mà chuyển từ một hình thức thấp lên một hình thức cao, khi xã hội phát triển từ một giai đoạn thấp lên một giai đoạn cao. Trái lại, những hệ thống họ hàng thì thụ động; chỉ có trải qua những thời kỳ lâu dài, những hệ thống đó mới phản ánh được những tiến bộ do gia đình đã đạt được trong những thời kỳ đó, và chỉ khi nào gia đình đã hoàn toàn thay đổi thì những hệ thống ấy mới hoàn toàn thay đổi”(2).
Từ công trình đặt nền móng của L.Morgan, Priedrich Engels đã xây dựng nên một tác phẩm kinh điển nổi tiếng của chủ nghĩa Marx, xuất bản lần đầu tiên năm 1892, Nguồn gốc của gia đình, của sở hữu tư nhân và của nhà nước. Trên cở sở tán thành có phê phán những khảo sát và nhận xét của L.Morgan về 4 hình thức gia đình: gia đình cùng dòng máu, gia đình punaluan, gia đình cặp đôi và gia đình một vợ một chồng, F.Engels đã có những kết luận tổng quát sâu sắc như: “Chế độ mẫu quyền bị lật đổ là sự thất bại lịch sử có tính chất toàn thế giới của giới phụ nữ”(3) và “có ba hình thức hôn nhân chính, tương ứng về đại thể với ba giai đoạn phát triển chính của nhân loại. ở thời đại mông muội, có chế độ quần hôn; ở thời đại dã man, có chế độ hôn nhân cặp đôi; ở thời đại văn minh, có chế độ một vợ một chồng được bổ sung bằng tệ ngoại tình và nạn mãi dâm. Ở giai đoạn cao của thời đại dã man, thì giữa chế độ hôn nhân cặp đôi và chế độ một vợ một chồng, có xen kẽ sự thống trị của người đàn ông đối với nữ nô lệ và chế độ nhiều vợ”(4).
Về tổ chức dòng họ, F.Engels cũng có nhiều phân tích và luận giải sâu sắc qua phần nhận xét sự khảo sát của L.Morgan về thị tộc Irôqua và thị tộc Hy Lạp để khẳng định sự hình thành một tổ chức mới là nhà nước. Qua sự phân tích của F.Engels, một sơ đồ hình thành và phát triển của loài người và xã hội đã được vạch ra: con người/chế độ hôn nhân > gia đình > dòng họ/thị tộc > nhà nước. Khi nhận xét về tổ chức dòng họ, ông cũng lưu ý: “Nhưng gens trong tiếng Latin, genos trong tiếng Hy Lạp lại đặc biệt được dùng để chỉ một tập đoàn cùng dòng máu, tập đoàn này tự hào là cùng chung một dòng họ (ở đây là cùng chung một ông tổ) và được những thiết chế xã hội và tôn giáo nhất định, gắn bó lại thành một cộng đồng riêng biệt mà cho đến nay, nguồn gốc và bản chất vẫn còn mù mịt đối với tất cả các nhà sử học của chúng ta”(5).
Cùng với những tác phẩm kinh điển này, ở phương Tây, việc nghiên cứu về lịch sử gia đình, dòng họ được triển khai theo nhiều hướng khác nhau, nhưng chủ yếu vẫn là sự tiếp cận từ góc độ dân tộc học, nhân chủng học, nhân học, địa lí học… Tiêu biểu là các công trình của nhà cấu trúc học lừng danh người Pháp Claude Lévi Strauss như Gia đình (1971), Huyền thoại học (1964), Cái nhìn dĩ vãng (1983) và đặc biệt là tác phẩm đã đạt tới trình độ điển phạm, mang tính vạch đường cho lý thuyết thân tộc học – Cấu trúc sơ đẳng của thân tộc (6).
Xu thế chung là từ những lý thuyết đặt nền móng, các công trình nghiên cứu, khảo sát chuyên sâu về một số địa phương, tộc người hoặc một dòng họ, các tín ngưỡng liên quan. Hiện nay, ở nhiều nước như Anh, Pháp, Mỹ…, một số trường đại học, viện nghiên cứu đã có một môn học riêng liên quan đền dòng họ (gia tộc sử hoặc lịch sử gia đình). Như vậy là, cùng với hệ thống các công trình nghiên cứu về lịch sử hình thành, phát triển của gia đình, họ tộc gắn với lịch sử xã hội loài người và các nền văn minh, đã xuất hiện từ khá sớm (chủ yếu từ nửa sau TK XVI, nếu không tính đến Huyền phả trong Kinh thánh và một số bản phả sơ khai khác) những công trình nghiên cứu về lịch sử các gia đình, dòng họ cụ thể và thường được gọi là gia phả học hay phả học (généalogy) với những tác phẩm tiêu biểu của Delussignan (Etienne De Chypre) như Lịch sử tổng quát các vương quốc Jérusalem, Chypre, Arménie (1575 – 1579), Gia phả của 67 nhà quý phái đại gia Pháp và ngoại quốc (1586); hai nhà gia phả học nổi tiếng là Ménéstrier và Jean De Laboureur với tác phẩm Khảo luận về nguồn gốc và cách sử dụng các đời trong một dòng họ (1683); Nguồn gốc lịch sử dòng họ quý phái 20 tập (xuất bản khoảng 1903 – 1929) của Gustave Chaix D’Est, Gia đình và phả hệ (1943) của De Maricourt, Phương pháp phê bình bộ môn gia phả học (1945) của De Marsay, Truy tìm gia phả của Galy William Thexton… Nhờ sự khám phá ra định luật di truyền của Naudin và Gregor Medel cùng một số thành quả khảo cứu khác, TK XX đã chứng kiến những bước tiến lớn của ngành gia phả học ở châu Âu. Năm 1909, Edounard Heydenbreuch xuất bản cuốn Nguồn gốc lịch sử dòng họ; tiếp đó Séphane Kekule Von Stradonitz đã xuất bản tác phẩm về 32 dòng họ các vị lãnh tụ, vua chúa của châu Âu… Năm 1959, ở Brusel thiết lập một thư viện của các nhà sưu tầm phả học và luôn đấu tranh để ngành này được coi như một khoa học riêng biệt – khoa học khảo cứu về lịch sử các dòng họ. Năm 1929, hội nghị gia phả học quốc tế đầu tiên đã họp tại Barcelona; hội nghị thứ hai vào năm 1953 tại Naples dự định thành lập Viện Quốc tế Phả học và Huy hiệu; hội nghị lần thứ 3 họp tại Madrid năm 1955 với 408 đại biểu thuộc 76 tổ chức của 31 quốc gia; hội nghị lần thứ tư họp tại Seoul năm 1991 với sự tham gia của học giả trên 180 nước và khu vực… Cơ quan lưu giữ gia phả lớn nhất hiện nay trên thế giới có lẽ là thư viện gia phả của Nhà thờ Jesus Christ đức thánh ngày tận thế ở Salt Lake bang Yota (Mỹ) với một triệu cuốn microfilm và hiện mỗi tháng vẫn bổ sung thêm khoảng 4.000 cuốn… Khác với quan niệm lập phả của Trung Quốc, người phương Tây cho rằng tất cả các dòng họ, gồm đủ thành phần sang hèn, tiện phú, đều là nền tảng của xã hội, trong đó quan trọng nhất là mọi người phải được đối xử đồng đều (7). Vì vậy, đến nay, phả học ở châu Âu được công nhận như một chuyên ngành khoa học thuần túy – khoa học khảo cứu lịch sử các dòng họ.
Ở Trung Quốc, việc nghiên cứu về lịch sử dòng họ cũng có từ rất sớm, chủ yếu thể hiện qua các công trình ghi chép tên họ và các tộc phả. Khoa ghi chép tên họ có thể được hình thành từ thời Xuân Thu – Chiến Quốc, sang thời Tiên Tần và đến thời Hán (bắt đầu từ Tây Hán) coi như đã được định hình. Sau thời kỳ dài có sự phân chia giữa tính và thị (tính bắt nguồn từ xã hội mẫu hệ, thị là sản phẩm của xã hội phụ hệ?), đã có sự hợp tụ giữa tính và thị, mà thời gian cố kết bắt đầu từ nhà Hán. Nhà sử học Cố Viêm Võ trong Nhật tri lục đã khẳng định chính Thái Sử Công (tức Tư Mã Thiên) đã viết như vậy trong tác phẩm vĩ đại Sử ký mà tác giả, tác phẩm đều thuộc về thời Tây Hán. Cũng vào thời đó, có lưu hành một cuốn sách có tên là Cấp tựu thiên thống kê được tên họ của 132 dòng họ ở Trung Quốc (và cả từ trước đó truyền lại mỗi một họ là tên đơn, dưới đó ghi thêm hai từ nữa để có tên họ kép, như Tống Diên Niên, Trịnh Tử Phòng, Vệ Ích Thọ, Sử Bộ Xương, Chu Thiên Thu…). Có thể 132 dòng họ này là bách gia tính của thời Hán được truyền lại về sau?
Thời Đông Hán, nhà sử học Ban Cố biên soạn sách Bạch hổ thông nghĩa, chuyên bàn đến vấn đề dòng họ; sau đó là Tiềm phu luận: chí thị tính thiên của Vương Phù và Phong tục thông: tính thị thiên của Ứng Thiệu… Phong tục thông vốn có 31 thiên, gồm Tính thị thiên đến nay chỉ còn lại 10 quyển, được trích dẫn lại trong các sách Quảng Ước của Trần Bành Niên, Tính thị cập tựu chương của Vương Ứng Lân vào thời nhà Tống, và từ sau đó nguyên văn của Phong tục thông bị thất lạc. Nhưng vào thời nhà Minh, trong phần Thông tự ước của bộ Vĩnh Lạc đại điển có giới thiệu tóm tắt sách Phong tục thông và hai bộ sách từ thời Hán là Phong tục thông và Tiềm phu luận được lưu lại về sau. Lúc đó, ước tính có đến 600 dòng họ, được phân chia làm 9 loại hình cấu thành dòng họ:
Lấy tộc hiệu của tổ tiên làm tên họ (Đường, Ngu, Hạ, Ân);
Lấy tước vị được phong thưởng làm tên họ (Vương, Công, Hầu);
Lấy tên nước được phong làm tên họ (Tề, Lỗ, Tống, Vệ);
Lấy tên quan tri nhậm làm tên họ (Tư Mã, Tư Không…);
Lấy thụy hiệu của quý tộc làm tên họ (Vũ, Tuyên, Tráng);
Lấy tên đất nơi cư trú làm tên họ (Thành, Quách, Viên, Trì);
Lấy vị trí trong thân tộc làm tên họ (Bá, Trọng, Thúc, Quý);
Lấy tên công việc đang làm thành tên họ (Đào, Tượng, Bốc, Vu);
Lấy tên chức vụ làm tên họ (Tám Điểu – Đại Phu, Ngũ Lộc – Đại Phu)…
Từ đó về sau, ở các triều đại phong kiến của Trung Hoa tiếp tục xuất hiện các sách chuyên khảo về họ và tên họ; chẳng hạn nhà Tống thời Nam triều có sách Tính uyển của Hà Thừa Thiên gồm 10 quyển; nhà Tề thời Nam triều có Tính phổ của Vương Luân gồm 26 quyển; thời nhà Đường có Tính nguyên ước phả của Trương Cửu Hàm, Nguyên hòa tính toản của Lâm Bảo gồm 18 quyển; thời Tống có Tính thị cập tựu thiên của Vương Ứng Liên 2 quyển, Tính giải… của Thiệu Ân 3 quyển, Cổ kim tính thị thư biên chương của Đặng Danh Thế 3 quyển; thời Minh có Tính lâm của Trần Tương 5 quyển, Tính giải của Trần Sĩ Nguyên 10 quyển, Kỳ tính thông của Hạ Thu Phương 14 quyển, Vạn tính tổng phả của Lăng Địch Trì 14 quyển; thời Thanh có Tính thị khảo lược của Trần Diên Vỹ, Tính thị giải phân của Hoàng Bản Soạn 10 quyển, Tính thị tầm nguyên của Trương Thụ 45 quyển… Hầu hết các bộ sách này đều nghiên cứu về dòng họ với các nội dung cơ bản như tên gọi, âm đọc, tự dạng, nguồn gốc, diễn biến, sự phân bổ…
Từ nhà Thanh, qua Trung Hoa dân quốc đến nay, việc nghiên cứu các dòng họ và tên họ vẫn diễn ra rất phong phú, vừa có nhiều tác phẩm nghiên cứu tổng quan được biên soạn khá công phu, vừa có nhiều công trình chuyên khảo đặt ra nhiều vấn đề lý thú về các dòng họ ở Trung Quốc. Riêng việc thống kê và khảo tả quá trình phát triển của các dòng họ, năm 1987, Bắc Kinh xuất bản xã đã cho công bố tác phẩm Trung Quốc tính thị đại toàn của Trần Minh Viễn và Uông Tống Hổ, thống kê 5.923 dòng họ ở Trung Quốc từ xưa đến nay và hiện nhiều dòng họ trong số trên đã không còn tồn tại. Rất tiếc là đến nay, ở Việt Nam chưa biên dịch được một công trình khoa học lớn nào của Trung Hoa nghiên cứu về dòng họ.
Ở Hàn Quốc, nhiều học giả căn cứ vào sự ghi chép trong Tam quốc sử ký và Tam quốc di sự cho rằng 6 họ (Lý, Thôi, Tôn, Trịnh, Bùi, Tiết) do đời vua thứ ba của Sin La là Nho Lý Vương ban cho sáu bộ thôn (năm 32) là thủy tổ của các họ ở Hàn Quốc. Căn cứ vào tác phẩm Nhật Bản thư ký dẫn trong Hàn Quốc sử đại hệ niên biểu, nhà nghiên cứu Hàn Quốc Lý Tương Phi nêu ra 5 tên người là Tân tế đô viên, Nộ lợi tư trí khế, Thi đức tam cân, Quý đức dĩ ma thứ và Quý đức tiến mô đi sứ Nhật Bản đều là tên bốn hoặc 5 âm tiết so với những tên người đó trong sử thư Trung Quốc ghi bằng 2 hoặc 3 chữ Hán để đoán định rằng cách ghi của người Nhật là cách phiên âm gần đúng âm Hàn, còn sử sách Trung Quốc ghi tắt theo tập quán Trung Quốc. Còn học giả Tô Tính Hựu thì cho rằng lịch sử các dòng họ ở Hàn Quốc phải đẩy lên sớm hơn rất nhiều vào thời thượng cổ… Tộc phả Hàn Quốc cũng khá hoàn chỉnh về thể chế và phương pháp ghi chép, đồng thời lại có mức độ phổ cập quốc gia rất cao; quốc gia này cũng là nơi đã đăng cai Hội nghị tộc phả học thế giới năm 1991. Tổ chức Hồi tưởng xã ở Hàn Quốc hiện đang lưu giữ khoảng 2.250 cuốn gia phả, tộc phả (trong đó có gia phả của Lý Long Tường ở Hoa Sơn); hiện nay, theo số liệu thống kê, Hàn Quốc có 274 họ với 3.435 chi phái (8).
Ở Nhật Bản, từ TK VI đã xuất hiện các tập Đế ký, Truyền kỳ tương tự như phả ký của hoàng tộc ghi chép lại tên các hoàng đế kế vị nhau, gia đình trực thuộc của dòng họ, năm trị vì của từng ông vua, kinh đô, vị trí lăng tẩm… Năm 620, phả ký của hoàng gia và các thị tộc được biên tập thành bộ sách Kojiki (Cổ sự ký); năm 761, chính quyền thiết lập cơ cấu Sen Shizokusho (Sở biên tập tộc phả, còn gọi là Soạn thị tộc sở). Cuộc Đại hóa cải tân năm 625 đã hủy bỏ hệ thống thị tộc ở Nhật, các triều vua sau đã cho biên soạn phả ký về các thị tộc như bộ Tân soạn tính thị lục (Shinsen Sojiroku), Khoan chính trùng tu chư gia phổ (Kaisei Choshu Chokafu); đặc biệt nhất là bộ sưu tập tộc phả (biên soạn năm 1821, xuất bản năm 1964-1967) là Samurai gồm 26 tập (9). Khác với gia phả của Trung Quốc và Việt Nam, gia phả ở Nhật thường có kết cấu gồm 18 nội dung rất cụ thể về từng thành viên; hầu hết gia đình Nhật Bản đều có gia phả riêng ghi chép lịch sử và sự phát triển của tổ tiên mình, họ cũng thường dựng bia kỷ niệm ông tổ sáng lập dòng họ và rước vào thờ trong một đền thờ đạo.
Ở Ấn Độ, gia phả được xác lập với tên gọi bảng gia phả. Nếu như bộ lạc Kuki Aimol theo huyết thống truyền từ cha xuống con trai, người đàn ông có thể lấy vợ vào bất cứ lúc nào, sau 3 năm ở rể lại quay về gia đình thì bộ lạc Garo lại theo dòng mẫu hệ (matrilocal). Tài sản được kế thừa từ mẹ cho con gái (nokna – nữ thừa kế); đất đai cũng thuộc về phụ nữ, đàn ông chỉ canh tác và thực hiện công việc theo uỷ quyền, phân công hoặc nhân danh của nữ giới…
Nhìn chung, hoạt động nghiên cứu về lịch sử hình thành và phát triển của dòng họ ở nhiều nước được triển khai khá căn cơ, mang tính hệ thống, và thường được gắn với hai lĩnh vực nghiên cứu: thứ nhất là những công trình mang tính lý thuyết về nguồn gốc loài người, sự hình, phát triển và da dạng của các nền văn minh; thứ hai là chuyên ngành gia phả, gia tộc học hay là lịch sử gia tộc. Trải qua nhiều thế kỷ, việc nghiên cứu lịch sử tộc họ đã đạt được nhiều thành tựu, từ việc xác định khung lý thuyết mẫu dù có thể khác nhau, đối nghịch, mâu thuẫn nhau của một số công trình điển phạm đến việc xác lập cụ thể, chi tiết, chính xác thế thứ của nhiều tộc họ mà qua đó, các ngành khoa học khác có thể vận dụng để phân tích được về lịch sử của một vùng miền, dân tộc, quốc gia cũng như bản sắc văn hóa, đặc thù riêng của các tộc người…
Một điều rất đáng tiếc là cho đến nay, hầu như những thành tựu nghiên cứu trên lĩnh vực này chưa được giới thiệu một cách có hệ thống ở nước ta.
_______________
1, 2, 3, 4, 5. C.Mác, Ph.Ăngghen, Tuyển tập, Tập 6, Nxb Sự thật, Hà Nội, tr.48, 54, 95, 119, 134.
6. Claude Lévi Strauss, Structures élémentaires de la parenté, PUF (1949), Paris.
7. Francois Héran, Figures de la parenté, une histoire critique de la raison structurale, Presses Universitaire de France, Paris, 2009.
8. Nhiều tác giả, Văn hóa dòng họ ở Nghệ An, Nxb Nghệ An, 1997.
9. Nhiều tác giả, Gia phả khảo luận và thực hành, Nxb Hà Nội, 2008.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 343, tháng 1-2013
Tác giả : Võ Hồng Hải
Bài viết cùng chủ đề:
Có một nền văn minh nga
Thương điếm hirado trong hệ thống thương mại đông á của công ty đông ấn anh
Phát triển văn hóa và con người ở chdcnd lào