Lược sử nón lá


Hằng trăm năm qua, nón lá
không chỉ là vật vô tri để che mưa
che nắng mà còn sống động trong
thơ ca, truyện kể. Nhưng có lẽ, còn
ít người chú ý đến những chiếc nón
lá của quê hương Bình Định, đây
mới là chiếc nón được ghi khá nhiều
trong sử sách, là thứ nón duy nhất
của cả nước mà mỗi khi cứ đến lệ
xuân, được chọn mua để nộp cho
triều đình từ gần 200 năm trước.
Đến đầu TK XX, nón lá Bình Định
còn xuất khẩu cả ra nước ngoài.

Thuở xưa ba miền nón lá

Không phải chỉ Bình Định mới có nón lá, cả ba miền đều có nghề chằm nón lá. Có lẽ, khó xác định mốc thời gian chính xác chiếc nón lá ra đời ở quê hương Bình Định. Có người cho rằng, nón lá từng ra đời ở làng Mạ Lôi, thuộc lộ Hồng Châu, nay thuộc vùng Hưng Yên – Hải Phòng thời nhà Trần. Hình ảnh nón lá được miêu tả qua một vài trích dẫn trong Lĩnh ngoại đại đáp của Chu Khứ Phi, năm 1178 hay Văn hiến thông khảo của Mã Đoan Lâm, năm 1307 và trong bức họa Trúc Lâm đại sĩ xuất sơn đồ của Trần Giám Như ra đời vào nửa cuối TK XIV (1)… mà một số người ngầm khẳng định: chiếc nón lá ở nước ta đã có lịch sử gần một nghìn năm.

Vẻ đẹp phụ nữ trong tà áo dài và nón lá

Ảnh: Dulichbinhdinh.com.vn

Trong Địa chí Văn hóa dân gian Nghệ Tĩnh, nhà nghiên cứu Nguyễn Đổng Chi (chủ biên) có kể lại chuyện hát đối rôm rả thâu đêm suốt sáng ở các phường nón thuộc huyện Thạch Hà, huyện Nghi Xuân xưa kia, trong đó có “câu ca dụ dỗ” con gái làng Bảo Kệ của chàng trai làng nón Giáp Tiền đầy thi vị: “Em đừng bứt niệt mỏi tay/ Về đây làm nón đợi ngày du xuân” và câu chuyện đại thi hào Nguyễn Du từng khai thác lời trai phường nón của làng mình với gái phường vải làng Tràng Lưu (2).

Ở tận phía Nam, cách đây hơn 200 năm, khi ghi chép về sản vật, phong tục vùng Gia Định – Nam Bộ trong Gia Định thành thông chí, Trịnh Hoài Đức cho biết, trước thời vua Lê Thế Tông định lại sắc phục vào năm Mậu Ngọ (1738), người Việt ở vùng đất này vẫn theo tập tục người Giao Chỉ, quy định theo từng cấp bậc, trừ quan chức, con gái mặc váy không gấp nếp, đội nón lá lớn (3). Ở Huế, sau chuyến công du sang Pháp dự hội chợ thuộc địa Marseille, vào tháng 9-1924, vua Khải Định đã tổ chức lễ Tứ tuần đại khánh (lễ mừng thọ 40 tuổi). Qua những hình ảnh lẫn phim tư liệu còn lưu lại, có thể thấy hàng nghìn người dân đất kinh kỳ đội nón trắng đứng xem đại lễ trong thành nội. Trong cuốn Kỹ thuật của người An Nam (Technique du peuple Annamite) do Henri Oger và các nghệ nhân người Việt Nam thực hiện năm 1908-1909 với 4.577 bức tranh khắc, cũng thấy hình ảnh một vị quan đội nón lá (có lẽ là nón ngựa) và các kiểu nón của người An Nam thời đầu TK XX.

Qua các tư liệu trên đây, cũng đã thấy ít nhiều sự xuất hiện của nón lá ở cả ba miền từ rất lâu đời. Hà Nội còn có làng nón Thanh Oai, nón Làng Chuông, có phố Hàng Nón. Ở Hà Nam có làng nón Giải Tây. Ở Phú Thọ có các làng nón Sai Nga, Sơn Nga, làng Dền. Ở Quảng Trị có làng nón Bố Liêu. Ở Thừa Thiên – Huế có các làng nón: Phủ Cam, Đốc Sơ, Dạ Lê, Kim Long, Mỹ Lam, Tây Hồ và làng nón Bài Thơ mà giờ đây, vẫn còn câu ca dân gian truyền lại “Ai ra xứ Huế mộng mơ/ Mua về chiếc nón Bài Thơ làm quà”. Ở Quảng Ngãi có nón Tịnh Bình. Theo Địa chí Tây Ninh (2006), ở Nam Bộ còn có các làng nón An Hòa, Ninh Sơn (Tây Ninh), nón Lộc Giang (Long An) mà những sản phẩm nón lá ở các vùng này còn được bán lên tận Chợ Lớn lẫn các tỉnh miền Tây Nam Bộ và cũng đã làm mềm lòng những chàng trai đa tình: “Nào khi anh dỗ chẳng nghe/ Bây giờ xách nón chèo ghe đi tìm”… Ngoài nón lá của người Việt còn có nón lá của người Tày gắn liền với một nghi lễ cầu may trong đám cưới. Nhưng có lẽ, không có nón lá của địa phương nào lại được sử sách đề cập nhiều như nón lá Bình Định.

Nón lá – sản vật đặc trưng từ xưa của miền đất võ

Trong Hoàng Việt nhất thống địa dư chí, bộ sách sử đầu tiên dưới thời nhà Nguyễn, do Lê Quang Định – Thượng thư Bộ Binh khởi biên từ đầu thời Gia Long và hoàn thành năm 1806, có ghi chép về thổ sản Bình Định gồm: kỳ nam, trầm hương, mỏ sắt, diêm tiêu, hồ tiêu, sáp mật ong, tê giác, voi, lụa sống, lụa đen, tơ màu, vải trắng, trà ngọt đắng, lông nhím, nón trắng, cá chình, than củi, muỗng dừa, dầu rái, trầu nguồn (4). Hay trong Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ của Nội các triều Nguyễn, khi đề cập đến mục thuế khóa của các địa phương thì chỉ có Bình Định là nơi phải chịu nộp thuế nón lá. Sách này cho biết, vào năm Gia Long thứ 7 (1808), nhà vua chuẩn lời tâu cho lệ thuế ở trại Lá Trám, nguồn Hà Thiêu, thuộc Bình Định, mỗi năm 210 quan và “thợ làm nón trắng 20 người phải nộp thuế sản vật cả năm nón trắng 20 cái; nay số dân nộp thuế sản vật đã sung vào lính tuyển mà lệ cũ về nón trắng vẫn còn, nên trừ miễn lệ cả năm nộp 20 năm nón trắng…” (5). Trong Đại Nam nhất thống chí, quyển IX, các tác giả của Quốc sử quán Triều Nguyễn khi ghi chép về thổ sản Bình Định cũng cho biết: Ở Bình Định “nón lá non sản ở huyện Phù Cát, nón lá già sản ở huyện Tuy Phước” (6).

Nón ngựa Phú Gia, Bình Định

Ảnh: Thongtindiadiem.com

Trong bức ảnh Émile Gsell (1838-1879) chụp một nhân sĩ khoảng những năm 70 của TK XIX ở Nam Kỳ có đội chiếc nón mà theo nhiều người cho rằng đó chính là nón ngựa Bình Định. Quách Tấn, trong Non nước Bình Định, còn liệt kê lẫn đánh giá các loại nón ở Bình Định: “Có 3 loại bằng lá kè: nón ngựa làm ở Kiều Đồng, Kiều Nguyên, Phú Đa (Gò Cũ) thuộc quân Phù Cát, thường đi bán ở chợ Gò Găng nên tục gọi là nón Gò Găng, đẹp và sáng, nhưng không chịu nổi mưa gió, nên chỉ dành cho khách phong lưu, khuê các. Nón lá buôn nhiều nhất ở Hoa Dõng (Phù Cát). Nón chỉ đác, tục gọi là nón trủm, vùng Đồng Dài ở An Lão chuyên môn. Đó là hai loại nón bình dân, vừa chắc vừa rẻ. Nắng mưa đều không ngại. Nếu phết thêm một lớp dầu trong nữa thì bền không kém nón mây của người Trung Hoa” (7). Qua các tài liệu có thể thấy rằng, chiếc nón lá Bình Định đã có từ lâu đời, được dùng phổ biến ở nhiều nơi, nhất là ở Sài Gòn, Nam Kỳ, thậm chí ra cả nước ngoài từ thuở xa xưa.

Bình Định – nơi duy nhất cứ dịp xuân có lệ nộp nón

Đọc Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ có một chi tiết khá thú vị: Trong quyển 66, mục Nhà nước thu mua có kể về nhiều loại sản vật, khí dụng mà triều đình cho thu mua hàng trăm loại ở các địa phương, trong đó có nón lá. Nón lá có ở nhiều nơi, nhưng trong mục mua nón lá chỉ thấy triều đình chuẩn cho mua toàn là nón Bình Định.

Thợ làm nón lá

Ảnh: Thongtindiadiem.com

Năm Minh Mạng thứ 4 (1823), nhà vua xuống chỉ hằng năm, cứ đến mùa xuân, chọn mua 50 chiếc nón bằng trắng của Bình Định, trong đó có 20 chiếc thượng hảo hạng, 30 chiếc tốt vừa và xem đó là lệ mãi mãi về sau. Tiếp theo vào các năm 1824, 1827, 1830, 1831, nhà vua đều xuống chỉ tiếp tục mua nón Bình Định, có nêu rõ số lượng, số tiền, cách chuyên chở… Riêng năm Minh Mạng thứ 8 (1827), lại chuẩn cho mua 30 chiếc nón trắng Bình Định hảo hạng có vảy trắng ba ba, mỗi chiếc giá 1 quan 9 tiền và hạng tốt vừa, mỗi chiếc giá 1 quan 3 tiền. Năm Minh Mạng thứ 12 (1831) có định lệ, từ năm này về sau, khi chở nón trắng Bình Định về nộp cho triều đình, không nên đi theo đường bộ cho vất vả mà chở theo đoàn thuyền vận tải chở các sản vật khác (8). Từ định lệ mua nón Bình Định cho thấy, từ lâu, nón Bình Định đã có thương hiệu, là loại nón lá đẹp, bền mà không có nơi nào sánh được.

Còn nghề chằm nón lá Bình Định đã ra đời bao lâu, rất khó để xác định. Có một số người cho rằng: Nghề chằm nón Bình Định đã ra đời khoảng 300 năm nay, khi viết về các làng nghề nón lá ở Thuận Hạnh (huyện Tây Sơn), Thuận Đức, Tân Đức, Châu Thành, Phú Thành (huyện An Nhơn), Kiều An, Kiều Đồng, Kiều Huyên, Xuân Quang (huyện Phù Cát)…, đặc biệt là nón trắng Gò Găng và nón ngựa Phú Gia. Nhưng vì sao cứ dịp xuân, triều đình lại chọn duy nhất nón lá của Bình Định thì vẫn là câu hỏi chưa có lời giải đáp.

_______________

1. Bùi Quang Thắng, Nét cũ duyên xưa, Nxb Lao động, Hà Nội, 2017.

2. Nguyễn Đổng Chi (chủ biên), Địa chí Văn hóa dân gian Nghệ Tĩnh, Nxb Nghệ An, 2010, tr.404.

3. Trịnh Hoài Đức, Gia Định thành thông chí, Lý Việt Dũng dịch, chú giải, Huỳnh Văn Tới hiệu đính, giới thiệu, Nxb Đồng Nai, 2005, tr.181.

4. Lê Quang Định, Hoàng Việt nhất thống dư địa chí, bản dịch của Phan Đăng, Nxb Thuận Hóa – Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, tr.247.

5, 8. Nội các triều Nguyễn, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, quyển 51, bản dịch của Viện Sử học, tập III, Nxb Thuận Hóa, Huế, 2005, tr.325, 645.

6. Quốc sử quán Triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, tập III, Phạm Trọng Điềm dịch, người hiệu đính: Đào Duy Anh, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1971, tr.58.

7. Quách Tấn, Nước non Bình Định, Nxb Nam Cường, Sài Gòn, 1967, tr.398, 399.

Tác giả: Nguyễn Đăng Vũ

Nguồn: Tạp chí VHNT số 452, tháng 2-2021

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *