Tháng 8-1945, nhân dân ta nghe theo lời hiệu triệu của Đảng và Bác Hồ, đã tập hợp lại nhất tề đứng lên phá tan xiềng xích nô lệ. Đất nước ta, từ một nước thuộc địa, trở thành một nước độc lập dưới chế độ Dân chủ Cộng hòa, nhân dân ta, từ thân phận nô lệ, thành người dân độc lập, tự do, làm chủ nước nhà. Những ngày mùa thu tháng Tám đã để lại dấu ấn sâu sắc trong lịch sử dân tộc: “Cách mạng tháng Tám đã lật đổ nền quân chủ mấy mươi thế kỷ, đã đánh tan xiềng xích thực dân gần 100 năm, đã đưa chính quyền lại cho nhân dân, đã xây nền tảng cho nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, độc lập, tự do, hạnh phúc. Đó là một cuộc thay đổi cực kỳ to lớn trong lịch sử của nước ta” (1).
Nói về thành công của Cách mạng Tháng Tám, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “Vì chính sách của Đảng đúng và thi hành chính sách ấy kịp thời và linh động, cuộc tổng khởi nghĩa tháng Tám đã thành công” (2). Thành công ấy trước hết thuộc về Đảng, trong đó có vai trò đặc biệt của Bác – người giữ vị trí lãnh đạo cao nhất, người có khả năng hội tụ sức mạnh của Đảng, của dân tộc và của thời đại. Dấu ấn lịch sử của một thời đại anh hùng in đậm trí tuệ và tài thao lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó là sự kết hợp nhịp nhàng giữa các yếu tố của thời cơ khách quan với nhân tố chủ quan. Đó là sự nhận thức thời cơ, nắm bắt lấy nó để giành thắng lợi, để đưa con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua bão tố đến bến bờ vinh quang. Cuối tháng 7-1945, Bác Hồ bị bệnh rất nặng, tại lán Nà Lừa, Tân Trào có đêm sốt cao, miệng toàn nói mê, khi tỉnh dậy, Bác gọi đồng chí Võ Nguyên Giáp dặn: “Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập” (3). Ngày 15-8-1945, Bác phát biểu ở Hội nghị toàn quốc của Đảng: Tích cực thì nắm được thời cơ, không tích cực thì thời cơ không chờ mình. Ngày 18-8-1945, lệnh tổng khởi nghĩa được truyền đi. Ngày 19-8 khởi nghĩa ở Hà Nội, tiếp đến là Huế, Sài Gòn, các địa phương khác trong cả nước… Trong hơn một tuần lễ nhân dân ta đã đập tan gông xiềng phát xít, thực dân, phong kiến giành lấy độc lập tự do.
Cách mạng Tháng Tám thành công, Trung ương Đảng cử đồng chí Lê Đức Thọ lên chiến khu đón Chủ tịch Hồ Chí Minh về Hà Nội và nghỉ tại thôn Phú Gia, xã Phú Thượng, Từ Liêm. Sau đó Người về ở nhà số 48 Hàng Ngang, ngôi nhà đã chứng kiến những ngày đầu bộn bề công việc của người đứng đầu đất nước. Đồng chí Võ Nguyên Giáp kể lại, Bác đã về Hà Nội, sau trận ốm nặng ở Tân Trào vừa qua, Bác vẫn chưa lại sức… nhưng Bác vẫn nhanh nhẹn, sáng suốt trong mọi công việc. Chỉ trừ những lúc Bác chợp mắt, thấy mồ hôi vã ra đầy trán, mới biết Bác đã quá sức như thế nào.
Sáng ngày 26-8-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã triệu tập và chủ trì cuộc họp của Thường vụ Trung ương Đảng. Trong số các quyết định của cuộc họp này, Thường vụ nhất trí chuẩn bị Tuyên ngôn độc lập và tổ chức mít tinh lớn ở Hà Nội để Chính phủ lâm thời ra mắt nhân dân, cũng là ngày nước Việt Nam chính thức công bố quyền độc lập và thiết lập chính thể dân chủ cộng hòa. Chỉ mới cách đó hơn một tuần, Hà Nội còn là một thành phố bảo hộ, mật thám như rươi, thoáng thấy màu cờ đỏ là cả bộ máy cai trị của kẻ thù lồng lên như thú dữ. Thế mà giờ đây, cờ đỏ phấp phới bay khắp phố phường. Mọi việc chuẩn bị ngày lễ độc lập đều gấp rút, đều quan trọng nhưng gấp rút nhất, quan trọng nhất là dự thảo bản Tuyên ngôn độc lập.
Lúc bấy giờ, Thủ đô Hà Nội đã rực bay cờ đỏ sao vàng nhưng Lai Châu vẫn còn nằm trong tay của tàn quân Pháp rút về từ sau ngày Nhật đảo chính 9-3. Hà Giang, Lào Cai, Móng Cái nằm trong tay của bọn Tàu tràn vào từ tháng 8. Ở Vĩnh Yên, với sự giúp sức của quân đội Nhật, bọn Quốc dân đảng chiếm đóng tỉnh lị và nhiều nơi khác. Ngay tại Hà Nội cũng có mấy sào huyệt võ trang của bọn Quốc dân đảng. “Hoa quân nhập Việt” sắp kéo vào tước vũ khí của quân đội Nhật, để lấy cớ chiếm luôn Việt Nam. Ở miền Nam thì quân Anh kéo vào. Tướng Đờ-gôn Pháp lại tuyên bố: Chúng ta sẽ trở lại Đông Dương vì chúng ta mạnh hơn Hà Nội. Mặc dù niềm vui độc lập đang tưng bừng nhưng đất nước còn bộn bề những mối nguy. Trong hoàn cảnh ấy, giữa lòng Hà Nội, trên gác hai của một nhà tư sản, ở một khu phố ngày đêm ầm ĩ, bằng chiếc máy chữ nhỏ mang từ chiến khu về, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trầm ngâm suy nghĩ, phác thảo Tuyên ngôn độc lập. Kể từ ngày 28-8-1945, Người tập trung vào việc soạn thảo Tuyên ngôn độc lập. Sáng 30-8-1945, cũng tại số nhà 48 Hàng Ngang, Thường vụ Trung ương Đảng họp dưới sự chủ tọa của đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh, thông qua bản dự thảo Tuyên ngôn độc lập mà Bác vừa hoàn thành đêm trước. Lúc này, ngoài đường phố vẫn đông vui nhộn nhịp, còn ở trên gác hai là một không gian đầy nghiêm trang, lịch sử như đang chậm lại để chứng kiến giây phút thiêng liêng, giây phút giao thừa của toàn bộ dân tộc, chuyển từ kỷ nguyên nô lệ sang kỷ nguyên tự do. Sau khi đọc bản thảo cho các đồng chí nghe và góp ý kiến, Bác đã không giấu nổi nỗi sung sướng nói rằng: “Trong đời tôi, tôi đã viết nhiều, nhưng đến bây giờ mới viết được một bản Tuyên ngôn như vậy” (4). Đại tướng Võ Nguyên Giáp kể lại trong hồi ký: Với bản Tuyên ngôn độc lập, “Người đang thay mặt cho cả dân tộc hái quả của tám mươi năm đấu tranh. Bữa đó chúng tôi đã nhìn thấy niềm vui rạng rỡ trên khuôn mặt còn võ vàng của Người” (5).
Bác còn tham khảo ý kiến của Thiếu tá, sĩ quan Cục Tình báo chiến lược (OSS) A.Patti cũng là đại diện đầu tiên của nước Mỹ trên đất nước Việt Nam độc lập. Rất thân tình và cởi mở, Bác đọc cho vị khách Mỹ nghe câu mở đầu của bản Tuyên ngôn độc lập của nước Việt Nam. Thoạt đầu những người Mỹ tưởng mình nhầm: “Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Đây là câu mở đầu của bản Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của nước Mỹ! Các vị khách không giấu nổi ngạc nhiên, Bác Hồ vẫn bình thản diễn tả đúng tinh thần và lời văn của mình. “…Suy rộng ra, câu ấy có nghĩa là: Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do…”. Từ ngạc nhiên đến xúc động, những người khách Mỹ như phát hiện một điều kỳ lạ ở đất nước xa xôi, chưa từng có tên trên bản đồ thế giới này. Điều kỳ lạ đó được một cụ già mảnh khảnh, mặc chiếc áo nâu, quần sooc lửng, thể hiện bằng một phong thái lịch lãm và một thứ ngôn ngữ uyển chuyển đến mức không thể tưởng tượng nổi. Patti kể lại: “Lúc đầu tôi hơi nghi ngại nên cứ nghe và không bình luận” nhưng “sự hoàn hảo của ông làm tôi phải ngạc nhiên và xúc động. Tôi khen ngợi và chúc ông thành công. Đã có một ủy ban để soạn thảo lời tuyên thệ nhận chức của ông và các bộ trưởng nhưng bản thảo Tuyên ngôn độc lập cần phải làm xong gấp… Rõ ràng trong việc khởi thảo bản này đã có bàn tay già dặn của ông” (6).
Ngày 31-8-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh bổ sung cho dự thảo Tuyên ngôn độc lập. Chiều hôm đó, Bác bảo đưa cho Bác xem sơ đồ địa điểm tổ chức mít tinh và nhắc ban tổ chức chú ý cả nơi vệ sinh cho đồng bào và dặn nếu trời mưa thì kết thúc sớm hơn, tránh cho đồng bào bị mưa ướt, nhất là đối với các cụ già và các cháu nhỏ.
Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội – Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Ảnh: Tư liệu
Và ngày 2-9-1945 thiêng liêng ấy đã đến, một ngày hội lớn của non sông, một mốc son chói lọi trên con đường dài đấu tranh dựng nước và giữ nước suốt mấy nghìn năm của dân tộc Việt Nam. Từng đoàn người đã cuồn cuộn đổ về vườn hoa Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn đầu phái đoàn Chính phủ bước lên lễ đài và buổi lễ bắt đầu. Lá cờ đỏ sao vàng rực rỡ từ từ được kéo lên trên nền bài hát Tiến quân ca hùng tráng. Trong cuộc mít tinh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập trước 50 vạn đồng bào, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Biển người lặng im, lắng nghe từng câu từng ý, “Giọng của Người, không phải sấm trên cao/ Thấm từng tiếng, ấm vào lòng mong ước” (7). Trong bản Tuyên ngôn độc lập lịch sử ấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định trước thế giới: “Nước Việt Nam có quyền được hưởng tự do và độc lập và sự thật đã trở thành một nước tự do và độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy!”. Sau khi Chính phủ lâm thời làm lễ tuyên thệ và nhân dân thề một lòng ủng hộ Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu: “Độc lập tự do là của quý báu, quý giá vô ngần, ta đã khổ sở trong bao nhiêu năm mới giành được, cần phải cố gắng giữ gìn, bảo vệ”. “Độc lập, tự do đã đến với mỗi người dân. Mỗi người đã thấy được giá trị thiêng liêng của nó, thấy trách nhiệm phải bảo vệ. Vô vàn khó khăn còn ở trước mắt” (8).
Đồng chí Vũ Kỳ, thư ký của Bác Hồ cho rằng: Bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1945 của nước Việt Nam cũng là một mốc lớn quan trọng của dân tộc. Đó thực sự là lời tuyên bố đanh thép về sự cáo chung của chế độ thuộc địa dưới mọi hình thức. Đồng thời nó cũng báo hiệu sự mở đầu của một thời đại mới, thời đại trỗi dậy của các dân tộc nhược tiểu đứng lên làm chủ vận mệnh của mình. Trước đó hai mươi năm, nhà yêu nước Nguyễn Ái Quốc đã có “Bản án chế độ thực dân Pháp”. Nhưng lúc đó, Người mới là đại biểu dân thuộc địa. Bây giờ, chính Người và cả dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Người sẽ thi hành bản án ấy. Như chúng ta đã biết, bản án đã được thực hiện bằng chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy địa cầu chín năm sau đó. Thời gian viết Tuyên ngôn chỉ vỏn vẹn 3 ngày, nhưng để có bản Tuyên ngôn đó, Người đã mất 34 năm chuẩn bị (1911-1945). Để có bản Tuyên ngôn độc lập tuyên bố với thế giới vào ngày 2-9, toàn thể dân tộc ta đã phải chiến đấu kiên cường suốt 87 năm, kể từ khi liên quân Pháp – Tây Ban Nha nổ súng tấn công đánh chiếm bán đảo Sơn Trà năm 1858. Tuyên ngôn độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh là sự tiếp nối, kế thừa truyền thống anh dũng bất khuất, đấu tranh cho độc lập, tự do của ông cha ta suốt mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước. Đây được xem là bản Tuyên ngôn thứ ba của dân tộc Việt Nam sau bài thơ thần Nam quốc sơn hà của Lý Thường Kiệt và áng thiên cổ hùng văn Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi. “Bản Tuyên ngôn độc lập là kết quả của bao nhiêu máu đã đổ và bao nhiêu tính mạng đã hy sinh của những người con anh dũng của Việt Nam trong nhà tù, trong trại tập trung, trên những hải đảo xa xôi, trên những máy chém, trên chiến trường. Bản Tuyên ngôn độc lập là kết quả của bao nhiêu hy vọng gắng sức và tin tưởng của hơn 20 triệu nhân dân Việt Nam” (9).
Từ mùa thu vinh quang năm ấy, ngày 2-9 mãi đi vào lịch sử như ngày độc lập đầu tiên của dân tộc Việt Nam và trở thành ngày Quốc khánh của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Cứ mỗi dịp Quốc khánh, không khí hào hùng của mùa thu cách mạng lại sống dậy sôi nổi trong trái tim đầy tự hào của nhân dân cả nước. 75 năm đã đi qua, Thủ đô Hà Nội và cả nước hôm nay lại bát ngát cờ hoa giữa mùa thu. Chúng ta lại như thấy dáng hình Người vạch đường đi, từng bước, từng giờ, như nghe vang vọng trên quảng trường Ba Đình đầy nắng gió lời Bác dạy từ non sông: “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần, lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”. Nói về sự kiện ngày 2-9-1945, nhà thơ Chế Lan Viên cho rằng: “… Giá trị bản Tuyên ngôn không hề thay đổi… Trái lại, hình như càng đi xa trong thời gian, gạt bỏ cái tính chất tạm thời, nó càng có tính vĩnh cửu. Vĩnh cửu trong ấy là vấn đề lần đầu tiên nhờ có Bác, nhờ có Đảng, dân là chủ, làm chủ non sông và chủ cuộc đời mình. “Tôi nói đồng bào nghe rõ không?”. Thưa Bác, Bác đi xa rồi, nhưng chúng con còn nghe rõ. Con cháu muôn đời sau còn nghe rõ… Không những nghe mà còn như thấy cả bầu trời xanh cao cả của sáng Tuyên ngôn” (10).
________________
1. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 6, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.160.
2, 4, 9. Trần Dân Tiên, Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb Văn học, 1970, tr.110, 110, 110.
3, 5, 8. Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng tập hồi ký, Nxb Quân đội nhân dân, tr.130, 130, 157.
6. Archimedes L.A.Patti, Tại sao Việt Nam?, Nxb Đà Nẵng, tr.443.
7. Tố Hữu, Sáng tháng Năm.
10. Trần Đình Sử (tuyển chọn), Giảng văn chọn lọc văn học Việt Nam hiện đại, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, tr.90
Tác giả: Thu Hằng
Nguồn: Tạp chí VHNT số 435, tháng 8-2020
Bài viết cùng chủ đề:
Kinh nghiệm đi du lịch Đà Nẵng dịp tết nguyên đán 2023 chi tết A-Z
Chính sách văn hóa Việt Nam thời kỳ 1945 -1954 và những thành tựu
Khái lược về môi trường văn hóa và xây dựng môi trường văn hóa nơi công cộng