/* Style Definitions */
table.MsoNormalTable
{mso-style-name:”Table Normal”;
mso-tstyle-rowband-size:0;
mso-tstyle-colband-size:0;
mso-style-noshow:yes;
mso-style-priority:99;
mso-style-qformat:yes;
mso-style-parent:””;
mso-padding-alt:0cm 5.4pt 0cm 5.4pt;
mso-para-margin-top:0cm;
mso-para-margin-right:0cm;
mso-para-margin-bottom:10.0pt;
mso-para-margin-left:0cm;
line-height:115%;
mso-pagination:widow-orphan;
font-size:11.0pt;
font-family:”Calibri”,”sans-serif”;
mso-ascii-font-family:Calibri;
mso-ascii-theme-font:minor-latin;
mso-hansi-font-family:Calibri;
mso-hansi-theme-font:minor-latin;}
Nghệ thuật Phật giáo Việt Nam là một trong những minh chứng cho quá trình du nhập và phát triển của Phật giáo ở nước ta. Trải qua gần hai nhìn năm lịch sử, nghệ thuật Phật giáo Việt Nam thể hiện tính triết lý về vũ trụ quan, nhân sinh quan từ bi, hỉ xả, bác ái… Những tư tưởng nhân vân văn thấm đượm tình tương thân tương ái thấm sâu vào tâm thức người Việt là hạt giống gieo mầm cho đạo Phật phát triển ở khắp làng, xã, vùng miền trên lãnh thổ Việt Nam.
Mỗi vùng miền tùy vào bối cảnh văn hóa, địa lý, khí hậu mà tự tạo cho mình những cách sử dụng màu sắc riêng. Cơ bản để làm sao cho phù hợp với tâm lý, đời sống, văn hóa xã hội của vùng miền đó, và cũng từ đó mà con người đã dần hình thành những quan niệm có tính triết lý về màu sắc. Cùng với thời gian, trải qua hàng thế kỷ, những quan niệm mang tính triết lý đó đã được vun đắp, phát triển ngày càng hoàn thiện hơn. Đặc biệt, từ lâu, các nhà nghiên cứu mỹ thuật Việt Nam thường chú ý đến bố cục, đường nét mà không chú ý, hoặc chú ý rất ít đến màu sắc. Từ ngàn xưa, tổ tiên ta đã sử dụng màu sắc một cách tinh tế, mỗi một màu đẵ đặt ra với chúng ta một ý nghĩa mang tính triết học sâu sắc, như theo đặc điểm của kim – mộc – thủy – hỏa – thổ. Thấy được màu sắc nóng lạnh khác nhau hoặc đi vào phương hướng ngũ hành trắng (phương tây) – xanh (phương đông) – đen (phương bắc) – đỏ (phương nam) – vàng (trung phương). Tất cả các màu ấy phối hợp với nhau tạo thành màu sắc của cuộc sống.
Ở nước ta, từ TK XI đến TK XV, các triều đại Lý – Trần – Hồ đã tạo nên một bước phát triển mạnh mẽ của nền nghệ thuật kiến trúc ít nhiều gắn với Phật giáo. Nó góp phần phản ánh sự đấu tranh anh dũng kiên cường của dân tộc, một mặt chống lại nguy cơ diệt vong và bị đồng hóa, mặt khác nhằm xây dựng và phát triển nền văn hóa của một nhà nước độc lập, tự chủ. Cho đến những thế kỷ sau này, nhân dân Việt có thể tự hào về nền nghệ thuật kiến trúc đậm đà sắc thái dân tộc và độc đáo, còn tồn tại trên nhiều di tích, thể hiện sự sáng tạo của cha ông chúng ta ở thời kỳ lịch sử vẻ vang này.
Nghệ thuật Phật giáo Việt Nam là sự tổng hợp, hài hòa giữa các loại hình nghệ thuật bài trí cảnh quan môi trường, kiến trúc, điêu khắc, hội họa, xử lý ánh sáng…
Trong cuộc sống muôn màu muôn vẻ, ánh sáng, màu sắc đóng vai trò quan trọng, giúp con người nhận biết được độ sáng tối, đậm nhạt, ngày đêm… Màu sắc, ánh sáng trong nghệ thuật là sự chuyển tải thể hiện nội dung chủ đề, đặc điểm, tính chất sự vật…
1. Màu sắc, ánh sáng trong không gian cảnh quan chùa Việt
Trước khi xây dựng chùa, nhà chùa bao giờ cũng chọn vị trí, địa thế đất có phong cảnh hữu tình, thế tựa núi, mặt hướng sông, hồ. Đó là vấn đề vận dụng thuyết phong thủy, quy luật ngũ hành trong xây dựng kết hợp đặc điểm tâm lý á Đông với thuyết tam tài thiên – địa – nhân.
Màu sắc xanh của cây cối trong cảnh quan không gian chùa Việt góp phần làm tăng giá trị thẩm mỹ, cũng như tính tôn nghiêm của cảnh giới Phật. Mỗi một loại cây được trông trong cảnh quan không gian vườn chùa điều mang tính tượng trưng, triết lý của nhà Phật. Màu sắc của cay xanh kết hợp với ánh sáng tự nhiên theo giờ, khắc, mùa tạo nên cảnh chùa thanh vắng, tĩnh mịnh, trầm mặc…
Hồ nước trong xanh với những bông sen, bông súng tô sắc sinh động trong không gian cảnh chùa. Bên cạnh đó là sắc sẫm màu của ngói, sắc xám của núi đồi góp phần tạo nên một bức tranh phong cảnh hữu tình.
Phải chăng, sự kết hợp của sắc màu tự nhiên với sắc màu nhân tạo trong cảnh quan của chùa Việt là sự thể hiện tài khéo của các bậc tiền nhân?
Ngày nay, đến thăm bất cứ cảnh chùa nào, ta cũng có cảm giác như đến thăm một phong cảnh hữu tình mang đậm nét truyền thống dân tộc. Từ ngoài xa đã thấy những mái ngói đầu đao cao thấp, xa gần nhấp nhô giữa um tùm màu xanh cây cối. Cây ở chùa thường là những loại cổ thụ quanh năm xanh tươi như đa, đề, xoài, nhãn… và cũng thường phải có cây gạo với gốc xù xì, được xem là chỗ trú ngụ của các linh hồn, thân nhô như những bậc thang lên tầng cao, và dịp cuối xuân đầu hè nở vô vàn hoa đỏ rực như bát hương khổng lồ đang thắp. Cái không gian ấy quen thuộc mà đầy bí ẩn, mỗi buổi bình minh hay chiều tà, lúc giao thời sáng tối, tiếng chuông chùa ngân lên như xóa niềm mê, như xua niềm tục, gợi những gì mênh mang, sâu lắng trong tâm khảm từng người. Đến gần, cảnh chùa như được nhân đôi bởi gương nước trong in bóng lung linh, cảnh thực hư như gắn quyện với nhau. Bắt đầu vào chùa là tòa tam quan với ba cửa biểu thị ba cách nhìn huyền diệu của nhà phật về thế gian. Một số chùa lớn như chùa Keo (Thái Bình), sau tam quan ngoại còn có cả tam quan nội. Qua tam quan là vào nội tự, ở đây có khu vực chín là tòa tam bảo với ba tòa tiên đường – thiêu hương – thượng điện phần lớn gắn với nhau theo kiểu chữ công, hoặc chữ đinh, cũng có khi kiểu chữ tam tạo một không gian nội thất chung. Ngoài ra, có nhiều khu vực phụ mà đa phần là hành lang ở hai bên thường có hậu đường ở đằng sau, để tất cả quây lại thành chữ quốc. Lối cấu trúc này luôn tạo cho cảnh quan một vẻ u tịch nhưng không tối tăm, mà hài hòa giữa kiến trúc, màu sắc, ánh sáng tự nhiên. Nhiều ngôi chùa còn có bảo tháp, gác chuông, cây đại thụ…, chẳng những cho ta sắc màu mà còn tạo nên những nhịp điệu cao thấp, nông sâu, sáng tối… rất huyền diệu.
Cũng như các loại hình kiến trúc phương Đông, sự ra đời của ngôi chùa Việt là một dấu ấn trong lịch sử kiến trúc Phật giáo. Đứng trước các công trình xưa dù bề thế như ngôi đình, trang nghiêm cổ kính như ngôi chùa hoặc huyền bí, khiêm nhường như những am, đền, miếu mạo…, con người dễ có cảm giác choáng ngợp trước vẻ đẹp thi vị, kỳ ảo và đầy sức quyển rũ của nghệ thuật tôn giáo
Khác với ngôi đình, ngôi chùa thường nằm kín đáo, lẩn khuất sau những lùm cây um tùm. Bước vào cổng chùa là bước đến với thế giới u tịch biệt lập với những đan xen cành cao lá thấp, không khí trong lành, hương thơm quyến rũ. Ánh sáng tán xạ qua đám lá đậm, dát vàng, dát bạc trên mái ngói nâu đỏ rêu phong. Ngôi chùa Việt từ khi ra đời đã gắn kết, hòa nhập trong đời sống tâm linh người Việt với những nhu cầu lễ bái dân gian. Nhưng từ ngàn xưa, con người ta đến chùa không phải chỉ để phụng thờ, dâng cúng, cầu xin, lễ lạt, mà còn đến để xem thanh vãn cảnh. Chùa còn là chốn tiêu dao cho các bậc văn nhân quân tử, nho sinh, hàn sĩ đến ngâm vịnh, thưởng thức hoặc thả thơ, tìm tứ cho áng văn chưong bất hủ. Cả những con người không có niềm tin tôn giáo cũng đến chùa để tìm sự yên tĩnh, để quên lãng, để lấy lại sự thư thái trong tâm hồn, hoặc để có cái cảm giác được tha thứ, được chở che, được tẩy gột những bụi bặm trần ai hoặc để sống thật với chính mình. Với vị trí cách xa những sinh hoạt cộng đồng, bước vào chùa, người ta có cảm giác lọt vào tận cùng của cõi thanh u, biệt lập.
2. Màu sắc, ánh sáng trong không gian nội thất chùa Việt
Việc sử dụng màu từ chất liệu, vật liệu tự nhiên để sử dụng trong kết cấu, cấu kiện kiến trúc trong không gian nội thất chùa Việt luôn được các bậc tiền nhân chú trọng. Đó là những vật liệu gỗ, đá, đất, gạch ngói…
Bên cạnh màu sắc của kết cấu, cấu kiện kiến trúc, màu sắc của hệ thống tượng thờ, đồ thờ, hoành phi, câu đối được các bậc tiền nhân sử dụng chất liệu sơn son, thếp vàng tạo hiệu quả lung linh với ánh sáng đèn nến, thể hiện được tính tôn nghiêm, linh thiêng trong không gian thờ cúng.
Trong nghệ thuật trang trí cũng như nghệ thuật nói chung, nghệ nhân xưa đã dựa trên truyền thống dân dã và chịu ảnh hưởng Phật giáo cùng triết lý Khổng, Lão… Những vật có thật hay tưởng tượng trong những đồ án trang trí, những tác phẩm mỹ thuật thường mang ý nghĩa tôn giáo hay ít nhiều có nét triết học, tư tưởng. Nghệ nhân không những cách điệu đồ án cho đẹp và thích hợp với bố cục của cách trang trí, mà có điểm thêm ý nghĩa nhất là liên tưởng, làm cho các vật được biến thể để gia tăng thêm đặc tính tâm linh và tính chất trang trí của đồ án. Vạn vật trong thiên nhiên có muôn vàn màu sắc, nhưng theo quy luật khí vật tương ứng và ngũ hành, người ta chọn ra năm màu khác biệt nhau nhất là ứng với ngũ hành và tâm sinh lý con người… Năm màu thường dùng trong dân gian là trắng, xanh, đen, đỏ, vàng, tương ứng với ngũ hành: kim – mộc – thủy – hỏa – thổ, mặt nào cũng phản ánh tính cách tâm lý buồn – giận – sợ – vui – lo. Trong nghệ thuật tạo hình, không lúc nào màu sắc tách rời hình thể, vì vậy màu sắc luôn là thành phần phối hợp tác động tới hình và các yếu tố khác nữa. Ví như màu vàng, màu nâu đất ở một lĩnh vực giới hạn là màu của thế giới bên kia. Các pho tượng biểu tượng cho thế giới cực lạc thường được tô màu vàng dòng (thếp vàng). Tượng có da mặt hoặc tay chân (không sử dụng màu trắng) sử dụng màu hồng đào là còn lăn lộn với đời để cứu độ chúng sinh. Hoặc như chúng ta đã gặp các pho tượng Đức ông được tô mặt màu đỏ để gắn với sự cương quyết của đạo pháp, của sức mạnh hay da mặt của pho tượng Kim Cương được tô sắc trắng biểu tượng cho sự khuyến thiện… Mỹ thuật cổ truyền sử dụng màu đen không nhiều, duy có một vài pho đáng chú ý như tượng tứ pháp có màu gần đen ở chùa Dâu, Bắc Ninh hay pho tượng đồng đen Trấn Vũ ở đền Quán Thánh là khá điển hình. Màu đen, nhất là màu đen của sơn then càng nổi bật hơn màu vàng đỏ, đôi khi được điểm xuyết ở nếp áo các pho tượng để nhấn mạnh các phần khác của áo. Trong tín ngưỡng dân gian, màu sắc tùy thuộc vào không gian vũ trụ, ngũ hành, ngũ phương, tương ứng theo thứ tự sau: phương bắc – hành thủy – màu đen, phương nam – hành hỏa – màu đỏ, phương đông – hành mộc – màu xanh, phương tây – hành kim – màu trắng, trung ương – hành thổ – màu vàng. Khái niệm này vừa cụ thể lại vừa trừu tượng, đa nghĩa. Trong số các ý nghĩa này thì về mặt văn hóa, gắn với tín ngưỡng dân gian, như ở đạo Mẫu đặc biệt đáng chú ý về mặt biểu trưng thì màu đỏ thuộc không gian gắn với mẫu thượng thiên; mẫu thượng ngàn… hay có màu xanh lục, xanh lam, tím; da mặt của các mẫu thường cũng có màu hồng đào, hoặc cờ phướn trong những ngầy lễ hội thường có các sắc màu đỏ, vàng, lục, sẫm. Tuy nhiên đến thời Nguyễn, màu sắc trong kiến trúc cổ truyền Việt Nam nói chung cũng có nhiều thay đổi. Lối tư duy về màu sắc có phần quên đi yếu nghĩa của tổ tiên (sử dụng nhiều sắc màu lòe loẹt, thậm chí có những công trình sử dụng các màu hóa chất phát sáng làm mất đi vẻ thâm nghiêm của nơi vốn nằm trong tiềm thức của mọi người. Chính vì lẽ đó mà bức tranh toàn cảnh về kiến trúc của làng Việt mới có những vấn đề vừa phong phú, hấp dẫn và đang cần có những đóng góp của các nhà khoa học. Ở Việt Nam kiến trúc tôn giáo tín ngưỡng cũng có những sự khác biệt giữa các ngôi chùa ở châu thổ Bắc Bộ và ngôi chùa của người Khơme Nam Bộ cả về hình dáng kiến trúc bên ngoài đến những yếu tố trang trí kiến trúc bên trong như hệ thống các tượng phật và màu sắc của các bức vẽ điển tích trong kinh Phật
Hệ thống tượng thờ được đặt trên các bậc ban từ thấp đến cao. Sự đan xen các tầng lớp với những thay đổi về kích cỡ (to, nhỏ), thế, dáng (đứng, ngồi) với nhiều điểm nhìn làm cho quần thể này chiếm lĩnh, thu hút toàn bộ không gian trong chùa. Tất cả dều được sơn son thếp vàng lộng lẫy. Khi ánh sáng rọi vào những khối đơn căng phồng sống động, những khối này dường như phát sáng, soi rõ các Adiđà, Quan Âm Bồ Tát… đang cúi nhìn xuống chúng sinh. Những ánh hào quang, ánh nến chập chờn, cả không gian tràn ngập màu vàng, đỏ vừa rực rỡ vừa lung linh huyền ảo.Mỗi ngôi chùa thường có mặt bằng nội thất khác nhau, mang những sắc thiền khác nhau. Điều đó người ta chỉ có thể cảm nhân chứ không thể lý giải
Cảm giác đó tăng lên bởi không gian đóng kín và sự câm lặng vĩnh cửu của những pho tượng thờ. Ánh sáng thiên nhiên luồn lách qua những ô cửa hẹp, hoặc khúc xạ qua những tầng mái ngói tạo nên sự biến hóa trong không gian vốn đã huyền ảo. Ánh sáng tự nhiên bổ trợ cho ánh sáng nhân tạo làm tăng hiệu quả tâm linh cũng như giá trị thẩm mỹ.
Trong không gian nội thất, các khoảng trống trên tường cũng được thể hiện các bức tranh về tích nhà Phật: sự ra đời của đức Phật, quả trình tu hành của đức Phật.. Những bức tranh tường này vừa diễn tả quá trình ra đời và phát triển của đạo Phật, nhưng cũng thể hiện vũ tru quan, nhân sinh quan và triết lý nhà Phật
3. Kết luận
Đạo Phật du nhập vào đất Việt, được tiếp thu và Việt hóa nên đã thấm sâu vào tâm thức nghìn đời nay. Triết lý nhân sinh từ bi, hỉ xả, bác ái… được người Việt tiếp nhận và biến hóa trong cuộc sống, và cụ thể, được thể hiện trong nghệ thuật Phật giáo Việt.
Màu sắc – ánh sáng trong không gian cảnh quan chùa Việt là sự thể hiện tài khéo của các bậc tiền nhân trong việc vận dụng màu sắc, ánh sáng tự nhiên kết hợp với màu nhân tạo nhằm thể hiện được đặc điểm, tính triết lý của đạo Phật. Từ cảnh quan không gian cây xanh, hồ nước… đến hệ thống tượng thờ, đồ thờ, hoành phi câu đối…, tất cả minh chứng cho một nền nghệ thuật Phật giáo Việt phát triển rực rỡ và đạt được những giá trị thẩm mỹ.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 315, tháng 9-2010
Tác giả : Đỗ Lê Cương
Bài viết cùng chủ đề:
Note ngay các trải nghiệm du lịch Huế dịp Valentine chi tiết nhất
Kinh nghiệm đi du lịch Đà Nẵng dịp tết nguyên đán 2023 chi tết A-Z
Nghệ nhân Nguyễn Đức Bằng thổi hồn vào lá bồ đề mạ vàng