NHỮNG BẤT CẬP TRONG QUẢN LÝ KHU DI TÍCH VÀ LỄ HỘI CHÙA TIÊN

/* Style Definitions */
table.MsoNormalTable
{mso-style-name:”Table Normal”;
mso-tstyle-rowband-size:0;
mso-tstyle-colband-size:0;
mso-style-noshow:yes;
mso-style-priority:99;
mso-style-qformat:yes;
mso-style-parent:””;
mso-padding-alt:0cm 5.4pt 0cm 5.4pt;
mso-para-margin-top:0cm;
mso-para-margin-right:0cm;
mso-para-margin-bottom:10.0pt;
mso-para-margin-left:0cm;
line-height:115%;
mso-pagination:widow-orphan;
font-size:11.0pt;
font-family:”Calibri”,”sans-serif”;
mso-ascii-font-family:Calibri;
mso-ascii-theme-font:minor-latin;
mso-hansi-font-family:Calibri;
mso-hansi-theme-font:minor-latin;
mso-bidi-font-family:”Times New Roman”;}


Trong bối cảnh của một thế giới mở cửa, văn hóa được mọi người chú ý, tầm quan trọng của văn hóa được đặt lên hàng đầu. Càng ngày, văn hóa càng trở thành cội nguồn trực tiếp của sự phát triển xã hội, có vị trí trung tâm và đóng vai trò điều tiết xã hội.
Hội nghị lần thứ 10 khóa IX khẳng định: Bảo đảm gắn kết nhiệm vụ kinh tế là trung tâm, xây dựng, chỉnh đốn Đảng là then chốt với không ngừng nâng cao văn hóa – nền tảng tinh thần xã hội, tạo nên sự phát triển đồng bộ của cả ba lĩnh vực. Đó là điều kiện tiên quyết đảm bảo sự phát triển toàn diện và bền vững của đất nước.
Trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập mạnh mẽ như hiện nay, di sản văn hóa của nước ta có nhiều cơ hội để quảng bá và phát triển song cũng có không ít những khó khăn, trở ngại.
Là những thành tố đặc biệt quan trọng trong kho tàng di sản văn hóa Việt Nam, di tích và lễ hội có vai trò và ý nghĩa to lớn không thể tách rời trong đời sống của cộng đồng dân tộc. Trong giai đoạn hiện nay, cùng với sự thay đổi nhiều mặt của đất nước thì hệ thống di tích và lễ hội Việt Nam cũng đang có nguy cơ bị xuống cấp và mất đi. Thực tế đó đang đặt ra cho các nhà nghiên cứu, các nhà quản lý tìm cách khai thác, sử dụng để đáp ứng những yêu cầu đặt ra.
Hòa Bình là một tỉnh miền núi, có nhiều dân tộc sinh sống. Lịch sử đã để lại cho vùng đất này nhiều di sản vô cùng quý báu, có khả năng thu hút, lôi cuốn khách du lịch. Xu hướng liên kết kinh tế vùng và mở rộng quan hệ kinh tế trong nước là một thuận lợi để Hòa Bình phát huy các tiềm năng, lợi thế của tỉnh để phát triển kinh tế xã hội đặc biệt là thương mại du lịch.
Quần thể di tích lịch sử văn hóa và danh thắng chùa Tiên thuộc xã Phú Lão, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình gồm 15 điểm di tích. Trong đó, có 5 điểm di tích thuộc loại hình di tích lịch sử văn hóa và 10 di tích thuộc loại hình thắng cảnh như: chùa Tiên, đình Trung, đền Trình, đền Mẫu, di tích thắng cảnh động Tam Tòa, động Tiên, đình Thượng, đình Hạ… Ngoài ra còn rất nhiều các di tích khác mà nhân dân tôn tạo để thu hút khách du lịch.Tại đây, các di tích mang đủ các loại hình từ di tích lịch sử văn hóa đến thắng cảnh hang động. Các di tích bổ sung cho nhau, tạo cho du khách có cảm giác như được đắm chìm trong không gian văn hóa truyền thống, với vẻ đẹp tự nhiên của cảnh quan khu vực.
Quần thể di tích này được tọa lạc ở hai thôn Lão Nội và Lão Ngoại – nơi có di tích khảo cổ học nổi tiếng động Tiên đã được xếp hạng di tích cấp quốc gia năm 1989.
 Trong những năm gần đây, khu di tích và lễ hội chùa Tiên đang được đầu tư phát triển để tương xứng với tiềm năng vốn có của một địa điểm du lịch chứa đựng nhiều giá trị và thấm đượm sắc thái văn hóa của dân tộc Mường. Nhưng cũng trong quá trình đó, công tác quản lý đã bộc lộ nhiều vấn đề bất cập đòi hỏi phải có sự giải quyết kịp thời.
Hiện tại, khu di tích và lễ hội chùa Tiên được đặt dưới sự quản lý của UBND huyện Lạc Thủy, trực tiếp là UBND xã Phú Lão. Với cơ cấu quản lý như vậy, rõ ràng khu di tích chùa Tiên chưa có một cơ quan quản lý phù hợp. Vì vậy, những tồn tại nảy sinh trong công tác quản lý có thể xem là tất yếu, khó tránh khỏi.
Bên cạnh những ưu điểm, công tác quản lý khu di tích và lễ hội chùa Tiên vẫn còn bộc lộ rất nhiều những hạn chế, tồn tại cần phải giải quyết.
Trước hết, có thể nhận thấy rõ ràng một hiện thực là hệ thống di tích chùa Tiên chưa nhận được sự quan tâm đúng mức. Vì vậy, công tác bảo quản các giá trị văn hóa tại di tích không được thực sự chú trọng, nên theo thời gian, nhiều di tích bị xuống cấp.
Trong khu vực chùa Tiên, bên cạnh những di tích lịch sử, di tích khảo cổ còn có rất nhiều danh lam, thắng cảnh đẹp có khả năng thu hút khách du lịch. Song, tình trạng lập nhiều ban thờ, hòm công đức, nhiều khay đĩa để tiền giọt dầu còn phổ biến: trên đường đi, dưới gốc cây, trong hốc đá…hay nói cách khác hàng loạt các di tích ảo đã mọc lên dưới nhiều cái tên khiến du khách không ngần ngại đặt tiền, và cầu khấn. Chính tâm lý coi nặng giá trị vật chất đã gây ra sự phản cảm đối với du khách và làm giảm đi sự linh thiêng của các di tích. Bên cạnh đó, đa số người đến với di tích và dự hội không quan tâm nhiều đến những giá trị văn hóa nghệ thuật dân gian khác ngoài nghi thức tín ngưỡng và hệ quả là khối lượng đồ sộ các giá trị văn hóa dân gian của dân tộc Mường đã bị quên lãng.
Tại các điểm đặt các bát hương đều có ghi tên vị thần được thờ cúng. Nhưng quả thật, khi đến đây, bản thân tôi tự hỏi vì lẽ gì mà bất kể chỗ nào người ta cũng có thể đặt bát hương? Tâm lý của con người khi đến di tích và đi dự hội là muốn thỏa mãn nhu cầu tâm linh, muốn đặt niềm tin của mình và gửi gắm những mong ước về sức khỏe, hạnh phúc, sự may mắn cho mình và những người thân xung quanh. Chính vì có tâm lý đó nên nhiều du khách coi việc thắp hương, đặt tiền, ghi công đức là con đường để các thánh thần thấu được lòng thành của họ. Mặc dù biết trong nền kinh tế thị trường hiện nay, thương mại hóa là xu hướng tất yếu. Nhưng các di sản văn hóa mà bị thương mại hóa thì có lẽ cả cộng đồng cần xem xét lại một cách thực sự nghiêm túc. Sẽ không quá nếu nói rằng tình trạng chung ở nhiều di tích, tại nhiều lễ hội, con người đangvắt kiệt các di tích vì mục đích lợi nhuận mà không hoặc chưa quan tâm thực sự đến cái gọi là giá trị văn hóa. Tại đây, chúng tôi nhận thấy có một thực tế là có những điểm di tích đáng được đầu tư thì lại không được quan tâm đúng mức. Trong khi đó bát hương, bàn thờ lại cứ mọc lên một cách vô nghĩa ở rất nhiều nơi không đúng quy định vì những mục đích không trong sáng.
Thời gian qua, các phương tiện thông tin đại chúng nói nhiều đến một vấn đề mà thật ra trong vài năm gần đây người ta mới chú ý tới đó là việc sử dụng các khoản tiền công đức, tiền giọt dầu của các di tích như thế nào? Trên thực tế, vì liên quan đến hoạt động tâm linh, tôn giáo nên đôi khi các ngành chức năng hình như cũng có chút ngại ngần khi tiếp cận. Và cứ như thế, năm này qua năm khác, mùa lễ hội này qua, mùa lễ hội sau đến mà tình trạng trên vẫn gần như không được cải thiện, còn câu trả lời cho thắc mắc xung quanh vấn đề này lại vẫn bị bỏ ngỏ. Việc tu bổ di tích và sử dụng nguồn thu công đức thiếu hiệu quả, không rõ ràng đã tác động đến nhận thức về mục đích của lễ hội tại di khu di tích, coi di tích và lễ hội là nguồn lợi của địa phương nên chỉ chú trọng đến khai thác giá trị kinh tế mà chưa chú ý nhiều đến gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa dân gian đó.
Công tác kiểm tra khách cư trú qua đêm trên địa bàn đã được thực hiện song chưa thường xuyên nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến trật tự và đời sống của nhân dân địa phương, tạo điều kiện cho một số các tệ nạn xã hội nảy sinh.
Trong quá trình diễn ra lễ hội, đội ngũ cán bộ quản lý và nhân dân vẫn còn có tâm lý coi nhẹ hoặc không quan tâm tới việc thực hiện quy chế tổ chức lễ hội. Nên đã phát sinh nhiều lộn xộn và sai phạm trong những mùa lễ hội.
Tình trạng tranh dành khách, ép khách của các nhà hàng, xe ôm, thợ chụp ảnh, sự hành nghề của những người ăn xin vẫn còn diễn ra phổ biến, ảnh hưởng nhiều đến hình ảnh của khu di tích và lễ hội, tạo ra sự phản cảm đối với du khách
Một hạn chế nữa trong công tác quản lý khu di tích và lễ hội chùa Tiên là việc đầu tư cở sở vật chất phục vụ cho hoạt động tham quan, tìm hiểu, nghiên cứu tại đây còn nghèo nàn, dịch vụ còn kém và chưa có sự quy hoạch đồng bộ. Cứ đến mỗi mùa lễ hội, các hàng quán bán đủ thứ, chỗ thì bày bán trên bàn, chỗ lại trải chiếu dưới đất. Người đứng, người ngồi, lô nhô chỗ cao chỗ thấp tạo nên một khung cảnh lộn xộn, nhốn nháo làm ảnh hưởng đến tính chất linh thiêng của các di tích.
Việc thực hiện nếp sống văn hóa trong lễ hội còn hạn chế. Văn hóa ứng xử trong lễ hội còn kém, trách nhiệm và ý thức của du khách chưa cao nên dẫn tới việc xả rác bừa bãi. Bên cạnh đó, công tác vệ sinh môi trường chưa được chú ý cũng đã ảnh hưởng đến yếu tố cảnh quan và thẩm mỹ. Trên đường tới các điểm di tích, có thể dễ dàng bắt gặp tình trạng vứt rác bừa bãi, không đúng nơi quy định. Trong không gian thiêng người thì thắp hương cầu khấn, người lại vừa ngắm nhìn vừa ăn uống và sẵn sàng vứt rác ngay xuống chân mà không hề ngập ngừng mảy may suy nghĩ, còn các nhân viên làm việc tại đó cũng dường như phớt lờ trước những hành vi ấy.
Công tác tuyên truyền sâu rộng để nhân dân hiểu rõ giá trị của các di tích, công đức danh nhân, bảo vệ nơi thờ tự, bảo vệ môi trường cảnh quan chưa được chú trọng. Trong khi đó đã có những văn bản cụ thể về quản lý di sản văn hóa vật thể và phi vật thể nhưng sự hiểu biết và quan tâm của nhân dân còn không đáng kể. Và ngay nhận thức của đội ngũ cán bộ quản lý về lĩnh vực này cũng còn nhiều hạn chế nếu không muốn nói là còn yếu.
Trong quá trình phát triển của lễ hội ở Việt Nam, đã có thời chúng ta đã đồng nhất tín ngưỡng và lễ hội với phong kiến và mê tín dị đoan. Do vậy mà hầu hết các đình, đền, miếu… đều bị phá hủy và lễ hội bị dẹp bỏ.
Do bị cấm đoán trong một thời gian dài, nhiều làng trong hàng chục năm không tổ chức được lễ hội của mình. Vì thế, đến khi được phép tổ chức lễ hội họ đã gặp nhiều lúng túng, đa phần người dân không còn nhớ các nghi trình, nghi thức, đồ thờ như kiệu, long đình… bị mất mát, hư hỏng. Hơn nữa, bản thân người dân do ảnh hưởng bởi những tư tưởng cực đoan một thời cũng đã có những quan niệm lệch lạc về những nghi thức.
Chính điều đó đã dẫn đến một thực trạng là người ta buộc phải bắt chước một cách máy móc lễ hội của các vùng khác, tạo sự mất cân đối giữa phần lễ và phần hội, điều đó dẫn đến sự pha tạp, chất lượng lễ hội thấp, làm mất đi bản sắc của rất nhiều lễ hội trong đó lễ hội chùa Tiên cũng không là một ngoại lệ.
Đối với lễ hội chùa Tiên, qua tìm hiểu và quan sát chúng tôi nhận thấy một số tồn tại và hạn chế cơ bản như sau:
 Được biết, với sự phát triển nhanh chóng của khu di tích và lễ hội chùa Tiên, lượng khách ngày càng đông. Đầu những năm 2000, UBND huyện Lạc Thủy đã phối hợp với ngành văn hóa thông tin xây dựng kịch bản lễ hội như hiện nay. Cũng chính từ đây, hoạt động lễ hội tại khu di tích này đã có nhiều biến động cần phải bàn đó là hiện tượng pha tạp, cải biên, vay mượn làm thay đổi lễ nghi và phai mờ những giá trị văn hóa của dân tộc.
Trước hết, việc đưa lễ hội lên sân khấu với xu hướng sân khấu hóa, kịch bản hóa đã làm nhạt đi màu sắc dân gian trong lễ hội. Không gian lễ hội thay đổi đã tạo nên một lễ hội mà yếu tố hiện đại và dân gian đan xen lẫn lộn. Đôi lúc, giữa không gian sắp diễn ra lễ hội, âm thanh của tiếng nhạc trẻ nhạc sàn ầm ỹ khiến cho nhiều người không khỏi lắc đầu mà đặt dấu chấm hỏi: đây là lễ hội dân gian hay là một chương trình ca nhạc tạp kỹ? Nói lễ hội chùa Tiên là lễ hội lớn của người Mường ở vùng đất Lạc Thủy nhưng trong lễ hội đó lại khó tìm ra những giá trị văn hóa truyền thống đặc trưng của người Mường. Ngoại trừ những bộ trang phục truyền thống của phụ nữ Mường thì có thể thấy sự na ná với các lễ hội khác và chẳng khác nào một món thập cẩm. Nói một cách khác, lễ hội này có vỏ bọc và hình thức bên ngoài là của người Mường nhưng nội dung thì lại không ăn nhập, làm cho lễ hội chùa Tiên không còn những nét đặc trưng truyền thống.
Gọi là lễ hội nhưng trong lễ hội chùa Tiên chỉ nặng về phần lễ, việc bỏ qua phần hội đã làm mất đi rất nhiều giá trị văn hóa dân gian. Sau phần rước rất linh đình và phần tế lễ thì hoạt động lễ hội dường như là kết thúc. Ở đó, không thấy có các trò chơi dân gian của dân tộc Mường, và như thế, cái tuyệt vời của tả tơi khi đi chơi hội không còn nữa mà lễ hội chỉ còn là hoạt động tâm linh đơn thuần. Song cái đáng nói ở đây là cả người tổ chức và người xem hội đều có vẻ không quan tâm nhiều đến điều đó, nên năm này qua năm khác lễ hội vẫn thế, có khi lại còn bị tô thêm cả những màu sắc phản cảm.
Bên cạnh đó, lễ hội chưa có được sự đầu tư lớn trong công tác sưu tầm nghiên cứu và bảo tồn, chưa có sự thống nhất cao trong việc phối kết hợp và gắn kết giữa công tác quản lý, đầu tư, khai thác giữa các ngành ở địa phương. Cùng với những tồn tại đó, công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động lễ hội chưa thường xuyên và triệt để đã tạo cơ hội cho các hoạt động trái phép, mê tín dị đoan có cơ hội để phát triển.
Trong công tác xã hội hóa việc tổ chức và quản lý khu di tích và lễ hội chùa Tiên còn một thực tế nữa có thể thấy đó chính là sự thiếu định hướng, thiếu sự quản lý chặt chẽ làm cho một số yếu tố tiêu cực nảy sinh tạo đất sống cho không ít các tệ nạn xã hội.
            Lễ hội và các di tích vừa là di sản vô giá lại vừa là một sản phẩm văn hóa tinh thần có thể đem lại nguồn lợi cho nền kinh tế. Mối quan hệ giữa kinh tế và văn hóa luôn là vấn đề phức tạp, phát triển văn hóa không chỉ vì mục đích lợi nhuận mà còn phải chú trọng tới bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa. Trước những tồn tại nảy sinh trong công tác quản lý tại khu di tích và lễ hội chùa Tiên, thiết nghĩ cần có sự quan tâm hơn nữa của cả cộng đồng. Sự nhận thức đúng đắn về ý nghĩa của di tích và lễ hội chùa Tiên đối với quá trình phát triển kinh tế xã hội của địa phương sẽ là điều rất quan trọng quyết định sự phát triển bền vững của khu di tích và lễ hội, hiện tại và trong tương lai.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 315, tháng 9-2010

Tác giả : Đỗ Thị Thanh Hương

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *