Trong các loại hình nghệ thuật sân khấu Việt Nam, tuồng là một loại hình nghệ thuật độc đáo, đặc biệt trong cách hóa trang mặt nạ. Những chiếc mặt nạ tuồng do tự tay người nghệ sĩ vẽ ra, đầy ẩn ý với đường nét khỏe khoắn, màu sắc tươi mới, nét vẽ linh hoạt. Với bảng màu nguyên chất rực rõ từng gương mặt tuồng có thể ví như những tác phẩm hội họa sống động, giàu sức biểu cảm. Mặt nạ tuồng chính là linh hồn của từng nhân vật trong mỗi vở. Khán giả chỉ cần nhìn vào khuôn mặt là có thể biết ngay nhân vật đó trung hay nịnh, thiện hay ác, tốt hay xấu, nóng nảy, cộc cằn hay đức độ… Chiếc mặt nạ hóa trang mang tính tượng trưng cao, mang một vẻ đẹp riêng nhờ màu sắc thể hiện và bố cục các mảng nét.
Cho đến nay vẫn có nhiều ý kiến trái chiều trong việc tiếp cận cách hóa trang mặt nạ tuồng. Có quan điểm cho rằng: “Thứ nhất, mặt nạ được chế tạo rồi đeo lên mặt người. Thứ hai, mặt nạ được vẽ trực tiếp lên mặt người. Trong nghệ thuật sân khấu nói chung, đã từ lâu, người ta dùng cả hai loại này và hiện nay vẫn vậy” (1). Tác giả Hoàng Chương khẳng định tuồng Việt Nam chưa bao giờ dùng mặt nạ đeo mà mặt nạ trong tuồng Việt Nam là loại mặt nạ được vẽ trực tiếp lên mặt người diễn, dựa trên các tích tuồng.
Màu sắc thể hiện trong mặt nạ tuồng
Giống như những yếu tố tạo hình khác trong nghệ thuật tạo hình, màu sắc giữ vai trò quan trọng, mang đậm nét đặc trưng văn hóa phương Đông. Các sắc màu trong mặt nạ tuồng thường là các màu nguyên chất, ít pha trộn, thường chỉ có từ năm đến sáu màu (đen, đỏ, trắng, xanh, vàng, lục). Cách vẽ mặt nạ tuồng cũng giống như cách làm ở tranh Đông Hồ hay tranh Hàng Trống, đó là vẽ những mảng màu lớn trước, sau đó vẽ những nét lên sau.
Nhiều người cho rằng mặt nạ tuồng Việt Nam thoáng nhìn giống mặt nạ kinh kịch Trung Quốc nhưng càng đi sâu tìm hiểu càng thấy sự khác biệt trong cách tạo hình nhân vật, cũng như cách sử dụng màu sắc. Mặt nạ tuồng Việt dùng ít màu, đa phần là màu nguyên chất, kết hợp với lối vẽ mềm mại vừa đủ. Còn kinh kịch Trung Quốc, tuy cũng sử dụng nhiều màu nguyên chất nhưng còn sử dụng thêm nhiều màu như màu lục, xanh dương, tím, nâu, vàng thư, vàng chanh, vàng đất…
Màu sắc chủ đạo của mặt nạ tuồng truyền thống là ba màu: đen – trắng – đỏ, cùng một số màu phụ như xanh, xám, vàng, lục. Mặt nạ tuồng dùng ba màu gốc: đỏ – vàng- lam. Từ ba màu này, các nghệ sĩ hóa trang đã pha thêm màu đen hoặc trắng để tạo thành màu chết đi một độ. Có thể thấy màu đỏ bầm trên gương mặt Trụ Vương chính là màu đỏ được pha thêm màu đen tạo thành màu đỏ bầm. Màu sắc được sử dụng khá linh hoạt, người nghệ sĩ đã pha màu theo phép xen kẽ, không trộn màu nhưng đặt hai dải màu cạnh nhau, nhìn từ xa tự chúng đã tạo nên một màu thứ ba rất đẹp.
Tương quan cũng là một trong những yếu tố tạo nên sự thành công trong việc sử dụng màu sắc cho các gương mặt tuồng. Về tương quan sắc độ, trong nghệ thuật hóa trang mặt nạ, các nghệ sĩ đã sử dụng màu khéo léo, có tính toán khoa học, tạo nên một tác phẩm mặt nạ tuồng thực sự. Các màu đặt cạnh nhau hài hòa, ăn ý, những cặp màu bổ túc và tương phản càng tạo nên một sức sống mãnh liệt cho các nhân vật trên sân khấu. Cặp màu tương phản thường đi với nhau như đen – trắng, trắng – đỏ, đen – đỏ hay các cặp màu bổ túc như đỏ – lục, vàng – lam, cánh sen – lục… hoặc các màu điểm xuyết cũng có khả năng hỗ trợ cho các mảng màu chủ đạo. Như vậy, với những gương mặt có độ đậm nhạt rõ ràng, màu sắc có xu thế tương phản mạnh, đối chọi nhau về sắc độ thường được vẽ cho các gương mặt của võ tướng, những nhân vật có cá tính, võ biền, quyết liệt hay những nhân vật đặc biệt. Những gương mặt được vẽ với sắc độ trung tính, nhẹ nhàng, hòa sắc dịu thì thường dùng cho gương mặt của lão văn, lão tiều, phụ nữ và trẻ em… Tương quan về lượng cũng thực sự cần thiết, bởi mỗi màu khi vẽ ra đều phải tính toán thật kỹ, phải có sự nhất quán và tuân theo ý đồ của bố cục, nhiều quá không được mà ít quá cũng không được, chỉ cần thêm một vài đường nét hay màu sắc sẽ khiến cho tuổi đời của vai diễn già đi.
Màu sắc trong mặt tuồng còn được thể hiện theo âm dương. Âm là sắc tối yên tĩnh, hấp thụ màu, càng nhiều màu tối thì càng nhiều năng lượng âm; dương là sắc sáng chuyển động, càng nhiều màu sáng thì càng nhiều năng lượng. Do đó những người mang mặt màu đỏ (dương) là người có thể tin cậy như Quan Công, Đổng Kim Lân, đại diện cho chính nhân quân tử, còn mặt màu tối, sắc âm, đại diện cho các thế lực hắc ám thù địch như nhân vật Tạ Ôn Đình mặt rằn màu đen.
Nếu xét màu sắc theo ngũ hành thì những gương mặt mang màu đỏ (hỏa) khắc với nhân vật màu đen (thủy) nên hai màu đen và đỏ là hai màu đối lập, đối chọi nhau, không chung sống hòa bình. Việc sử dụng màu sắc theo ngũ hành của cha ông ta vô cùng hiệu quả với hai màu tương phản đối nghịch nhau, vừa tạo nên tính cách, vừa dễ dàng nhận biết mà lại theo quy luật vận động của vũ trụ. Mặt Tạ Ôn Đình là mặt rằn đen, còn mặt Đổng Kim Lân là mặt màu đỏ nên hai nhân vật này có xu hướng đấu tranh quyết liệt trong vở tuồng Sơn Hậu.
Màu sắc cũng mang cá tính của nhân vật. Trong tuồng truyền thống Việt Nam, màu đỏ tượng trưng cho tính gan góc, nóng nảy, trung thực, mặt mốc giành cho các vai gian thần, thể hiện tính cách bạc bẽo, vong ân bội nghĩa. Màu trắng như lão Tiều thể hiện tính cách cần cù, giản dị. Màu đỏ bầm của Trụ Vương, thể hiện tính ưa rượu chè be bét, hoang dâm, vô độ…
Màu sắc trên mặt nạ tuồng mang tính chất vùng miền. Các nhân vật mặt màu da xanh, xám hoặc các nhân vật mặt màu da đen xuất thân từ vùng núi rừng, như các vai yêu đạo mặt mang màu xanh cây hoặc xanh thẫm, mặt Châu Xương (nhân vật theo hầu Quan Công). Mặt màu trắng chủ yếu dành cho các nhân vật xuất thân từ chốn thị thành, như các vai công tử bột, tiểu thư, các quan văn… Gương mặt Đào Tam Xuân nửa xám, nửa ửng hồng biểu thị nhân vật này xuất thân từ miền núi nhưng về kinh làm quan sống nên nửa mặt có màu trắng.
Theo tác giả Hoàng Chương, tuồng hiện nay thống nhất cả nước, chỉ khác về phong cách từ Nam Bộ, Nam Trung Bộ tới Huế, phong cách gần như giống nhau, ra tới miền Bắc thì tuồng Bắc có đôi nét khác biệt trong cách biểu diễn, đặc biệt về âm nhạc. Về hóa trang, nhìn chung vẫn theo mô hình truyền thống, các nhân vật hóa trang gần như giống nhau, trừ một đôi nơi bị thất truyền nên có phần tùy tiện.
Tuồng Việt Nam đã trải qua những giai đoạn thăng trầm theo lịch sử. Ở miền Bắc thì đứt đoạn, ở Cung đình Huế thì tan rã theo triều Nguyễn, chỉ có miền Trung (tức Liên khu 5 – Nam Trung Bộ) còn giữ được nguyên gốc. Tuồng Bắc tuy lâu đời nhưng cũng bị mai một cho đến năm 1959 mới tập hợp các nghệ sĩ và thành lập tuồng Bắc (bây giờ là Nhà hát Tuồng Việt Nam). Chính vì những biến động trong lịch sử phát triển nghệ thuật tuồng nên mặt nạ biểu diễn cũng có chút thay đổi. Một số nơi còn vẽ tùy tiện, một phần do người diễn viên hóa trang không hiểu sâu các tích tuồng, nhân vật tuồng, phần khác do tay nghề chưa vững, làm thiếu trách nhiệm nên đôi nét vẽ chưa đúng. Mặt nạ tuồng truyền thống ở ba miền có đôi nét vẽ khác nhau, ví dụ một số gương mặt như gương mặt của Võ Tam Tư (mặt truyền thống là màu đỏ, nhưng vẽ nhân vật này là mặt rằn), nhân vật Đào Tam Xuân (mặt truyền thống là một bên ửng hồng nửa còn lại ửng xanh thì vẽ thành mặt trắng hồng).
Bố cục trong mặt nạ tuồng
Trong cuốn Lược sử mỹ thuật và mỹ thuật học, tác giả Phạm Công Thành cho rằng, “đường nét, hình khối và màu sắc là những thuộc tính vốn có của sự vật, nó ở trạng thái tự nhiên, trong từng hình có thể hoàn chỉnh theo ý đồ của tạo hóa, nhưng quan sát nó dưới những góc nhìn và đặt trong những không gian khác nhau thì luôn cho những cảm thụ nghệ thuật khác nhau. Điều đó đặt ra cho nguời nghệ sỹ phải có một sự sắp xếp lại để khi tái hiện thì cho hiệu quả thẩm mỹ cao nhất” (2). Như vậy bố cục chính là sự sắp xếp các yếu tố tạo hình như: đường nét, hình khối, đậm nhạt, màu sắc… trong một khuôn khổ nhất định của một tác phẩm, thông qua cảm xúc và ý tưởng của người nghệ sĩ.
Bố cục theo dạng đối xứng
Đây là kiểu bố cục kinh điển, đặt chủ thể trên đường trung trực, trục là gương mặt, chia không gian ra thành hai phần đối xứng nhau. Bố cục này thường thấy ở những nơi linh thiêng, trang trọng, như ở các ban thờ, trong phòng hội nghị…. Áp dụng thể loại bố cục này dễ mà khó, vì khi không gian gương mặt chia làm đôi, tự nó đánh mất sự linh hoạt, nhưng mặt nạ tuồng đã sử dụng một cách hài hòa hợp lý và tạo ra sức hút gây ấn tượng cho người xem, mà không hề cứng nhắc hay nhàm chán.
Trong mặt nạ tuồng, bố cục đối xứng được sắp xếp rất hài hòa, hợp lý, hình mảng cân đối, rõ ràng, hai nửa khuôn mặt cân xứng hài hòa đẹp mắt. Thông qua dạng bố cục này, có thể thấy được sự táo bạo, phá cách khi xây dựng bố cục đối xứng là dùng chính gương mặt của con người bao gồm mắt, mũi, miệng, cằm… sau đó biến tấu, giản lược những chi tiết rườm rà, cô đọng lại trong một hình thể trọn vẹn. Trong gương mặt Tạ Ôn Đình có thể thấy hình ảnh một con hổ đang vồ mồi, hay hình ảnh con chim ưng đang lao xuống tranh đấu như ở gương mặt Khương Linh Tá.
Bố cục theo nguyên tắc cân đối
Nguyên tắc bố cục này cơ bản dựa vào quy luật tạo hình từ tỷ lệ vàng, đã được biết đến từ khá lâu. Đây là tỷ lệ tượng trưng cho thẩm mỹ, cho tính cân đối của tự nhiên và tạo hóa. Trên gương mặt con người, mọi bộ phận đều tỷ lệ 2/3 (gần tiến tới tỷ lệ vàng). Trục mắt nằm ở vị trí 2/3 so với khuôn mặt vị trí miệng, mũi, trán… đều tỷ lệ với nhau theo quy tắc 2/3.
Tưởng tượng tác phẩm mặt tuồng của các nghệ sĩ hóa trang tựa như một bức ảnh, được chia thành 9 phần không đều nhau bằng 4 đường thẳng. Mỗi đường được vẽ sao cho tỷ lệ giữa chiều rộng của phần diện tích nhỏ hơn của bức ảnh và chiều rộng của phần có diện tích lớn hơn bằng đúng tỷ lệ giữa chiều rộng của phần có diện tích lớn hơn và chiều rộng của cả bức ảnh, 4 giao điểm của 4 đường thẳng nói trên được gọi là 4 điểm vàng của bức ảnh. Trong quá trình hóa trang mặt tuồng, những chi tiết, họa tiết, đường nét, mảng hình tập trung vào các điểm vàng càng làm tăng thêm ý nghĩa và giá trị về tạo hình, sự nhấn nháy có trọng tâm ấy khiến người xem có cảm giác dễ chịu, thoải mái.
Bố cục theo chủ đề
Trong nghệ thuật hóa trang tuồng, người nghệ sĩ đặc biệt chú tâm khi hóa trang khuôn mặt. Chỉ cần bước ra sân khấu, nhìn vào khuôn mặt của diễn viên là khán giả có thể biết ngay nhân vật ấy thuộc dạng trung – nịnh, thiện – ác, văn – võ… Do đó dạng bố cục mặt nạ phải lấy chủ đề làm trọng tâm để xây dựng hình tượng nhân vật chuẩn xác. Điều này đòi hỏi người nghệ sĩ hóa trang phải tìm tòi và sáng tạo để xây dựng nên những bố cục mang họa tiết hoa văn phù hợp với từng chủ đề theo các tuyến nhân vật.
Những hoa văn có xu hướng tương phản mạnh về màu sắc, về đậm nhạt, về hình, về đường nét, hay có sự tranh chấp về mảng… Loại bố cục tương phản ấy thường dành cho những vai võ tướng hoặc các vai phản diện như Đổng Trác, Tào Tháo, Cáp Tô Văn… Nếu chủ đề về hình tượng người trung quân ái quốc thì bố cục hài hòa, màu sắc vừa độ, đậm nhạt hợp lý, đường nét khoan thai như Bao Công, Quan Công, Lưu Bị…
Bố cục theo nhịp điệu
Nhịp điệu trong mặt nạ tuồng chính là những hình ảnh rời rạc được liên kết lại thành sự liên tục trong gương mặt. Nhịp điệu chính là sự thay đổi, có chuyển biến, có tính lặp lại nhưng không phải nguyên si mà thay đổi theo chu kỳ lên xuống. Bố cục dạng này nhằm làm rõ những quy ước về tính cách của nhân vật, quy ước về sự vận động và diễn biến trong tương lai. Nhịp điệu theo xu hướng đột ngột, mạnh mẽ, dứt khoát, đường nét có xu hướng chếch lên trên là loại bố cục thường vẽ cho kẻ mạnh, kẻ ác, người thắng thế, kẻ nắm chính quyền như nhân vật Tạ Ôn Đình, Thái sư Văn Trọng… Nhịp điệu theo xu hướng đi xuống kết hợp với nét cúp, nét vụn đại diện cho người hèn, kẻ yếu, người bị sai khiến, lệ thuộc như các vai diễn của các anh hề, hay công tử Cà Lắp, thày Nghêu.
Mặt nạ tuồng khi hóa trang bằng màu sắc đã hấp dẫn người xem, nhưng khi kết hợp với các cử động trên gương mặt người diễn thì tạo nên một tác phẩm sống động vô cùng. Mặt nạ tuồng là những tác phẩm nghệ thuật, là tài sản vô giá mà cha ông ta đã sáng tạo nên. Người ta tìm thấy trong mỗi gương mặt tuồng cái đẹp của bố cục, mảng nét, màu sắc hài hòa, có nhịp điệu, sự cân bằng các yếu tố tạo hình khác nhau, mang vẻ đẹp bất tận, tràn trề sinh lực và sức mạnh tinh thần.
_______________
1. Lê Thị Hoài Phương, Tìm hiểu nghệ thuật hóa trang vẽ mặt trong sân khấu tuồng, Tạp chí Nghiên cứu Mỹ thuật, số 2, 2012, tr.42.
2. Phạm Công Thành, Lược sử mỹ thuật và mỹ thuật học, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1998, tr.328.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 361, tháng 7-2014
Tác giả : Cao Thị Vân
Bài viết cùng chủ đề:
Nghệ thuật tạo hình trong sân khấu kịch nói
Kế thừa và biến đổi âm nhạc chèo
Nghệ thuật sân khấu dù kê, di sản văn hóa của dân tộc và nhân loại