Mây suối Tương Dương


Tương Dương, miền Tây xứ Nghệ được xem là chảo lửa Đông Dương. Nơi mà cái nóng đã trở thành đặc trưng nổi tiếng trong và ngoài nước. Nhưng ai đã đến Tương Dương một lần, bạn sẽ thấy, cái nắng nóng ở đây chỉ là nét son đỏ tô điểm cho đôi môi hồng của người thiếu nữ và mây suối cùng với nhiều “đặc sản” khác mới là đặc trưng duy nhất của Tương Dương mà không nơi nào có được.

Từ thành phố Vinh theo đường quốc lộ 7 khoảng hơn 200 km nữa thì du khách sẽ đặt chân đến Tương Dương. Sau khi đi qua những địa danh bên dòng sông Lam như “miền Trà Lân trúc chẻ tro bay”(nơi Lê Lợi và nghĩa quân Lam Sơn đánh thắng giặc Minh ở thành Trà Lân) thì Tương Dương dần hiện ra ẩn trong rừng, trong sông suối, trong mây như cô gái miền sơn cước nở nụ cười duyên bên chiếc khăn piêu vừa dịu dàng e lệ vừa  mạnh dạn đón chào.

Tương Dương là huyện có diện tích lớn nhất nước (hơn 281.129ha). Ở đây, rừng bạt ngàn một màu xanh bất tận. Ẩn trong những cánh rừng là những dòng suối chi lưu của hai dòng Nâm Nơn, Nậm Mộ gặp nhau nơi Của Rào góp phần làm nên dòng sông Lam huyền thoại.

Suối ở đây nhiều như kênh rạch ở miền Tây và quanh năm chảy róc rách bên những rặng cây cổ thụ và những hòn đá nhẵn bóng được bào mòn hàng triệu năm bởi dòng nước mát đẹp như cảnh tiên giới. Thật không nói ngoa, những khe suối như khe Kiền, khe Phố, khe Chi…v..v  ẩn hiện dọc đường đi chẳng khác nào cảnh núi rừng, sông suối trong phim Tây Du Ký.

Mây trời Tương Dương mới thật làm du khách không thể nào quên được. Dọc đường từ trung tâm xã Tam Quang vào bản Tùng Hương xa mấy chục km, những con đường ẩn hiện trong mây chẳng khác nào Sa Pa, Đà Lạt. Xa xa, những bản làng của người Thái, người Mông, người Khơ Mú, người Tày Poọng… thấp thoáng càng làm cho cảnh sắc ở đây thêm kỳ bí.

Tương Dương có các khu rừng nguyên sinh như : rừng săng lẻ (xã Tam Đình), rừng lạnh nguyên sinh (xã Tam Hợp), rừng cây lùn thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Mát (xã Tam Quang), Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống (Nga My) và nhiều hang động đẹp như: Hữu Khuông, Yên Thắng, Xá Lượng, Tam Đình, Tam Quang…

Cửa Rào, nơi ngã ba sông đón dòng Nậm Nơn, Nậm Mộ làm thành dòng sông Lam có cảnh sắc cực kỳ hùng vĩ. Nơi đây có đền Vạn thờ danh tướng Đoàn Nhữ Hài và nhiều nhân thần khác đã tồn tại hằng trăm năm nay mới được phục dựng, tu bổ cùng với lễ hội đền Vạn vào các ngày 20,21,22 tháng Giêng âm lịch hàng năm với nhiều hoạt động gắn liền với văn hóa tâm linh và văn hóa truyền thống, thu hút hàng vạn người tham dự. Lễ hội có các hoạt động tiêu biểu vừa long trọng, trang nghiêm vừa háo hức người làm lễ và du khách như lễ rước long ngai Đốc tướng Đoàn Nhữ Hài tại bến sông (nơi ông hy sinh) về đền Vạn cùng với lễ rước Tam Tòa Tứ Phủ và Long Vương (thần Sông Lam). Sau đó là lễ chém trâu được tổ chức với nghi lễ truyền thống của người Thái. Đại tế, phần quan trọng nhất của lễ hội được cử hành như lễ tế của người Kinh.

Phần hội tiếp theo trong ba ngày với các trò chơi của đồng bào các dân tộc như tung còn, bắn nỏ, chọi gậy, đi cà kheo, kéo co, bóng chuyền. Phần văn nghệ có hát nhuôm, xuối, lăm của người Thái, re ré của người Khơ Mú, cử xia, lú tẩu, vang của người Mông và nhiều tiết mục khác. Trong những ngày lễ hội ở đền Vạn, khắp bản làng Tương Dương chỗ nào cũng rộn rã, tưng bừng tiếng trống, tiếng chiêng, tiếng khấc luống như một đại nhạc hội âm vang cả núi rừng. Đây là một lễ hội mang nhiều nét văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc thiểu số lẫn người Kinh, hiếm nơi nào có được.

Thị trấn Hòa Bình thanh bình, yên tĩnh với đầy đủ nhà hàng, khách sạn là nơi để du khách trở về nghỉ ngơi sau những ngày tham quan các địa điểm trong và ngoài huyện.

Thăm thủy điện  bản Vẽ, Khe Bố du khách sẽ được chiêm ngưỡng một trong những công trình thủy điện lớn nhất nước. Ở đây có vô số ốc đảo và luồng lạch với nhiều hang động đẹp như Thẳm Nặm, Thẳm Kèo. Từ đây, du khách có thể đến các bản làng của người Thái, người Mông, người Khơ Mú, người Tày Pọong…và tham quan các cơ sở dệt thổ cẩm và thưởng thức văn hóa ẩm thực của đồng bào miền núi.

Tương Dương có nhiều đặc sản như cá lăng, cá mát, chạch suối, gà ác, lợn đen cùng với các loại rau quả như xoài, cà ngọt, măng đắng, khoai sọ, bí xanh mang đậm hương vị núi rừng  và những món ăn ngon như mọc, ngọn dương xỉ, rau rừng…

Cá mát ăn rất giòn, thơm còn cà ngọt không đắng như cà thường mà thanh thanh một vị ngọt dịu chấm với mắm được làm từ cá suối, tép suối làm du khách không thể nào quên . Những con chạch suối, cá suối còn ngon hơn nữa khi được nhâm nhi với rượu men lá của người Thái hoặc rượu cần cùng với tình cảm gần gũi, chân tình của đồng bào lúc nào cũng nở nụ cười hiếu khách.

Những phiên chợ như chợ phiên ở xã Tam Quang, chợ của các xã cũng là một nét văn hóa đặc sắc không thể bỏ qua.

Chợ phiên xã Tam Quang chỉ mở vào thứ Bảy hằng tuần.

Chợ phiên Tam Quang bán nhiều mặt hàng truyền thống được mở vào thứ bảy hằng tuần, bày bán nhiều đặc sản núi rừng như cá mát, chạch suối, cá suối, cà ngọt và những nông sản lâm sản cùng với những sản phẩm thủ công của đồng bào. Chợ còn mổ trâu bán thịt cho du khách và khách hàng địa phương. Mỗi phiên chợ vào ngày cuối tuần thực sự là một điểm nhấn khó quên trong hành trình của du khách. 

Rừng quốc gia Pù Mát nằm trên địa bàn ba huyện Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn, là điểm đến khó bỏ qua. Vào đây, du khách sẽ được trải nghiệm những sản phẩm của núi rừng hiếm có. Những  con thú quý hiếm chỉ có ở Pù Mát như Sao la và những địa điểm du lịch độc đáo khác  như thác Khe Kèm với độ cao 500 mét mát rượi. Vào mùa trông như một dải lụa khổng lồ của nàng tiên đang từ từ rơi xuống đã biến Pù Mát trở thành khu bảo tồn thiên nhiên độc đáo có một không hai ở trong và ngoài nước.

Trước khi rời Tương Dương bằng đường bộ, du khách sẽ đi qua rừng săng lẻ đẹp như cảnh sác trong truyện ngắn Mảnh trăng cuối rừng của Nguyễn Minh Châu.

Tương Dương, vùng đất kỳ bí với rất vô số điểm tham quan và nhiều nét văn hóa hấp dẫn đang chờ đón du khách khám phá!

Tác giả: Phạm Xuân Hậu

Nguồn: Tạp chí VHNT số 441, tháng 10-2020

 

 

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *