Một chuyên khảo giá trị về nghi lễ lên đồng


 

Nghi lễ lên đồng – Lịch sử và giá trị là nhan đề cuốn sách của TS.Nguyễn Ngọc Mai do Nhà xuất bản Văn hóa – Thông tin ấn hành vào tháng 11-2013. Cuốn sách là kết quả của quá trình nhiều năm kinh nghiệm quan sát, làm bạn, làm tín đồ với các căn đồng của tác giả để khám phá một cách chân thực, khoa học về nghi lễ lên đồng.

Trong lời mở đầu, tác giả nêu rõ: “Lên đồng hầu bóng đã được tìm hiểu dưới nhiều góc độ với những cách tiếp cận khác nhau. Tuy nhiên, chưa có công trình nào đặc biệt quan tâm đến quá trình vận động của nghi lễ lên đồng, cũng như chỉ ra được bản chất đích thực của nghi lễ với những biến đổi về tầng ý nghĩa và cách thức biểu hiện của nó từ khi xuất hiện tới nay”. Cuốn sách do đó sẽ lý giải những vấn đề còn ít được đề cập trong nghi lễ lên đồng xưa và nay, với cách tiếp cận hoàn toàn mới mẻ so với các nhà nghiên cứu đi trước thông qua góc nhìn nhân học tôn giáo, tâm lý học tôn giáo và tâm lý bệnh học.

Nội dung cuốn sách được chia làm 2 phần với 10 chương tương ứng.

Phần 1: Nghi lễ lên đồng & lịch sử phát triển. Trong phần này tác giả trình bày quá trình hình thành và phát triển của nghi lễ lên đồng ở đồng bằng Bắc Bộ – khu vực hội đủ mọi yếu tố dễ nhận biết của lên đồng hầu bóng ở Việt Nam. Nội dung cụ thể được triển khai thành 5 chương bao quát các vấn đề như: lên đồng hầu bóng ở đồng bằng Bắc Bộ Việt Nam và lịch sử phát triển; nghi lễ lên đồng hầu bóng ở châu thổ Bắc Bộ Việt Nam và mối quan hệ với các tôn giáo khác trong khu vực; nghi lễ lên đồng hầu bóng và tín ngưỡng thờ thánh, thánh mẫu ở đồng bằng Bắc Bộ; hiện tượng lên đồng hầu bóng ở châu thổ Bắc Bộ từ đổi mới đến nay và những tác động của kinh tế thị trường; trang phục trong nghi lễ lên đồng – một góc nhìn văn hóa.

Phần 2: Chủ thể thực hành & giá trị của nghi lễ lên đồng. Phần này tác giả tìm hiểu một cách cặn kẽ đời sống tâm, sinh lý, kinh tế xã hội của các căn đồng với tư cách là chủ thể văn hóa lên đồng hầu bóng. Đây cũng là đóng góp mới của tác giả trong nghiên cứu về lên đồng. Trong phần này, cuốn sách đã trả lời được những câu hỏi như vì sao lên đồng có số phận thăng trầm trong lịch sử lại tồn tại mạnh mẽ như vậy; khi phải đối diện với vấn đề nhu cầu, lợi ích, vai trò, chức năng của mình thì hành động của họ vận động theo hướng tha hóa hay giải phóng; những ý thức và động lực hành nghề của họ chịu sự tác động gì từ bên ngoài vào với tư cách chủ thể xã hội và lĩnh hội được gì từ bên trong nghi lễ với tư cách chủ thể sinh vật; những giá trị và ý nghĩa của nghi lễ lên đồng đối với xã hội, văn hóa đồng bằng Bắc Bộ cũng được làm rõ hơn. Về nội dung chi tiết được làm rõ trong 5 chương: đời sống tâm, sinh lý các căn đồng hiện nay với tư cách là chủ thể văn hóa lên đồng; nghi lễ lên đồng hầu bóng và sự chuyển đổi nhận thức về tâm linh tôn giáo của các căn đồng hiện nay; nghi lễ lên đồng và đời sống kinh tế xã hội của các căn đồng hiện nay; nghi lễ lên đồng hầu bóng, những giá trị về y học; ý nghĩa xã hội, vai trò của nghi lễ lên đồng hầu bóng đối với văn hóa đồng bằng Bắc Bộ.

Đây là một chuyên khảo có giá trị lý luận và thực tiễn về nghi lễ lên đồng ở đồng bằng Bắc Bộ nói riêng, tín ngưỡng tôn giáo bản địa Việt Nam nói chung. Xin trân trọng giới thiệu cuốn sách cùng bạn đọc.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 356, tháng 2-2014

Tác giả : Trần Mạnh Quang

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *