Một góc nhìn mới về tình yêu trong truyện thơ tum tiêu

Tum Tiêu là một tác phẩm nổi tiếng, một kiệt tác văn học của Campuchia và khu vực. Câu chuyện dựa theo tấm bi kịch có thật, xảy ra vào TK XVI, vùng Tboung Khmum thuộc tỉnh Prey Veng. Câu chuyện được lưu truyền trong dân gian suốt nhiều thế kỷ sau đó. Cái chết vì tình yêu của Tum và Tiêu giống như cái chết của Romeo và Juliet trong thiên bi kịch của đại văn hào W. Shakespeare. Đến cuối TK XIX, Okhna San Thor Voha Mok dựa vào câu chuyện này viết thành truyện thơ Tum Tiêu, nhưng ít được biết đến. Năm 1915, vị sư Bo Tum Therat Som (1852 – 1932) viết lại Tum Tiêu theo thể thơ 7 chữ. Bài viết đem đến một cách nhìn mới, đi sâu giải mã thông tin từ không gian văn hóa vật chất đến không gian văn hóa tinh thần.

1. Tình yêu mang màu sắc nhục thể

Truyện thơ Tum Tiêu được viết trong thời kỳ đất nước Campuchia đang tồn tại, phát triển dưới hệ quy chiếu của Phật giáo Tiểu thừa. Lúc này, Phật giáo đi sâu và ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống, văn hóa, xã hội của con người. Tác giả là một nhà sư đi tu từ nhỏ, trụ trì một ngôi chùa nên đạo Phật đã thấm sâu vào suy nghĩ, tư tưởng, tình cảm. Bo Tum Therat Som viết truyện Tum Tiêu với cái nhìn chịu sự chi phối của triết lý nhà Phật. Câu chuyện về một chàng trai tên Tum đi tu, gặp gỡ và yêu nàng Tiêu xinh đẹp nên xin thày hoàn tục để tiến tới hạnh phúc với tình yêu của mình. Tự thân tác phẩm đã thể hiện những vấn đề về cuộc sống trần tục, trái với đạo nhà Phật, nhưng cái tồn tại ngay trên bề mặt câu chữ là những triết lý sâu sắc về nghiệp chướng, luân hồi, quả báo, tình, khổ, duyên…

Đạo Phật Tiểu thừa ở Campuchia có hai giáo phái: phái Thammayut thuộc nguồn gốc quý tộc và phái Mahanikai thuộc nguồn gốc nông dân (đại chúng). Giữa hai giáo phái này chỉ phân biệt ở cách mang bình bát khi đi khất thực và cách đọc kinh. Bên cạnh những mặt tiến bộ và tích cực, đạo Phật bộc lộ những mặt hạn chế cơ bản ở sự diệt dục, duy tâm, xoa dịu con người một tinh thần cầu an, thủ phận, chịu đựng. Văn học trở thành một hoạt động sáng tạo tương đối độc lập, nhuốm đậm màu sắc Phật giáo. Quan niệm nghiệp căn Karma của Phật giáo chi phối hầu hết các tình tiết cốt truyện. Văn học nhiều khi chỉ làm việc minh họa giản đơn cho các giáo lý nhà chùa.

Đối với Tum Tiêu, tình yêu là truy cầu duy nhất, trên tất cả. Họ dám làm, dám đấu tranh cho tình yêu để đạt được nguyện vọng, giành được hạnh phúc trong tình yêu. Theo thuyết phân tâm học tính dục của Freud, xúc cảm con người bên trong họ đến tự nhiên như bản năng. Có lẽ vậy nên hai người sẵn sàng gạt mọi nguyên tắc trong tập quán truyền thống dân tộc mình, không ngần ngại trao thân cho nhau dù chưa kết hôn. Sự đắm say cuồng nhiệt của ái tình tuổi trẻ thể hiện mạnh mẽ, quên mình cống hiến cho tình yêu cao đẹp: “Em hãy lại đây anh bế/Bõ những ngày gian khổ xa nhau/Đẹp duyên cặp vợ chồng son trẻ/Tay trong tay đầu sát bên đầu” (1).

Để đạt được tình yêu của mình, đôi uyên ương đã phá vỡ mọi quy định nghiêm ngặt trong truyền thống dân tộc, phá vỡ giáo lý đạo Phật, đương đầu với mọi thử thách xã hội. Thậm chí khi gần kề cái chết, họ vẫn liều mình để được sống với tình yêu. Tác giả đã cho rằng phải luôn nghe theo lời giáo huấn của Phật: “Phật pháp dạy: không không sắc sắc/Tu là cởi hết mọi dây tình/Làm nên tội có đà địa ngục/Tới bến bờ diệt dục, tái sinh” (2).

Thế nhưng Tum đã vượt lên trên luật lệ nhà sư, bỏ qua lời tiên đoán trong quẻ bói của sư thày, quyết tâm hoàn tục để sớm được sống trong tình yêu của mình. Sư thày là một người bề trên vốn hiểu rõ giáo lý nhà Phật, cũng là người thấu hiểu lòng chàng trai trẻ. Sự lưu luyến trần tục đã bỏ lại sau lưng Tum, khiến sư thày linh cảm điều bất ổn nên đã dặn dò kỹ hai trò theo lời dạy của Phật: “Nhưng lối lạ, gập ghềnh lắm khúc/Nhớ điều răn cốt nhục vẹn toàn/Xa sắc đẹp để ghìm tâm tính/Đừng để ta mang tiếng khó an” (3).

Hạnh phúc của con người đã phải đổi bằng cái chết, nhưng vẫn không thể ngăn cản con người tìm đến tình yêu, hạnh phúc. Đó là một nhu cầu bản năng, thôi thúc, tạo động lực cho con người đấu tranh đòi quyền lợi. Với những người đi tu, điều giới trong Phật phải xa sắc đẹp, không được gần con gái. Khi Tum tự cởi bỏ tấm áo chùa mà không có sự đồng ý của sư thày, sư thày đã trách Tum: “Cửa Phật rộng lòng thày chẳng hẹp/Đã đi tu sao chẳng đầu đuôi” (4). Tum xin hoàn tục vì tình yêu sắc giới – phạm một điều cấm kỵ của đạo Phật. Điều này đã dự báo cuộc đời bất hạnh trong tương lai sẽ đến với chàng, hoàn toàn do Tum tự chuốc lấy khi cố tình đi ngược lại lời dạy của Phật: “Nếu chẳng muốn chọn nơi cửa phật/Thì cũng đừng trách Phật bất nhân” (5). Đây cũng chính là những điều thể hiện tư tưởng của tác giả khi nói về triết lý Phật giáo trong một câu chuyện tình ngang trái, ở một đất nước bị chi phối mạnh mẽ bởi tư tưởng của đạo Phật.

Trở lại giây phút Tum và Tiêu dung hòa vào nhau ở lần gặp gỡ thứ hai: Em tinh khiết sao trời gió nội/Vây quanh anh sáng chói hào quang/Xin dâng hết tình yêu dâng hết/Phút giây này quên cả nhân gian (6).

Tum coi giây phút hạnh phúc ấy là cõi niết bàn của cuộc đời mình, là nơi mình sẽ đến. Chàng đã lựa chọn ánh sáng của tình yêu mặn nồng chảy xuyên qua dòng máu hừng hực tuổi trẻ trong huyết quản mình thay cho thứ ánh sáng cõi niết bàn. Hạnh phúc giản đơn nơi trần ai là sự đắm mình giữa bao la trần tục, hết sức đời thường. Chàng đã quyết định, đã bước chân đi, đến với tình yêu mà không hề hối tiếc quá khứ. Tum Tiêu không phải là tiếng hát ủy mị, héo hắt, trốn đời mà chính là tiếng hát yêu đời, tha thiết với cuộc sống, dám đấu tranh cho khát vọng, hạnh phúc cá nhân.

2. Sức mạnh tình yêu dưới góc nhìn văn hóa học

Truyện thơ Tum Tiêu là một tác phẩm tiêu biểu viết về đề tài tình yêu, vừa khẳng định sức mạnh tình yêu, vừa tố cáo mạnh mẽ những ngang trái trong cuộc sống. Những vấn đề xã hội của thời đại đều xoay quanh nó. Tác phẩm là tiếng nói nhân đạo biểu hiện chủ yếu ở tinh thần khẳng định phẩm chất đẹp đẽ của người phụ nữ, khát vọng chân chính của những người bị áp bức, đề cao tình yêu và lòng thủy chung. Không những thế, yếu tố dân chủ trong tác phẩm còn được biểu hiện trong mối quan hệ giữa đạo và đời. Tinh thần nhân đạo chủ nghĩa, yếu tố dân chủ chính là cơ sở nguồn gốc, có tác dụng tạo nên mọi giá trị ưu tú, tiến bộ của tác phẩm.

Tác phẩm là một minh họa cho giáo lý nhà Phật. Bo Tum Therat Som là một nhà sư nên triết lý đạo Phật thấm nhuần trong các trang sách. Trong suốt mạch nguồn tác phẩm, Phật lúc nào cũng hiện hữu kịp thời để đưa ra giáo lý khuyên răn. Truyện mang nhiều thuật ngữ nhà Phật như: kinh Phật, Phật danh, nghiệp, duyên, căn duyên… Đặc biệt, hình ảnh sư thày mang dáng dấp tác giả. Sư thày luôn hiển hiện đúng lúc trong mối tình của Tum và Tiêu. Nỗi đau thân phận con người trong Tum Tiêu được thể hiện qua triết lý về nghiệp căn quả báo. Trong truyện, những thứ triết lý nghiệp báo, quả báo có màu sắc siêu hình Phật giáo được thể hiện rõ nét trong cuộc sống đời thường của các nhân vật.

Hai yếu tố Phật giáo và tình yêu, hay nói rộng ra là đạo và đời, chính là hai yếu tố quan trọng làm nên giá trị tác phẩm. Tình yêu giữa Tum và Tiêu xung đột với triết lý Phật giáo, đi ngược lại với lời răn của nhà Phật. Nếu Phật giáo yêu cầu con người, đặc biệt những tín đồ như Tum phải khắc phục, phải diệt dục thì chính Tum lại tha thiết yêu Tiêu bằng thứ tình cảm rất bản năng. Đây chính là mâu thuẫn song hành trong tác phẩm. Truyện thơ Tum Tiêu có 6 lần xuất hiện lời nhắc nhở, khuyên răn của giáo lý nhà Phật. Lần đầu tiên, mượn lời sư thày, nhân dịp Tum, Pếch muốn đi bán mâm bồng, thày khuyên hai chàng trai trẻ phải: “Xa sắc đẹp giữ gìn tâm tính”. Lần thứ hai, khi Tum và Pếch đến xin thày cho hoàn tục, sư thày khuyên nhủ và căn dặn: “Khoác áo Phật là không giới tính/Nay con đà nặng nỗi trần ai” (7). Lần thứ ba, Tum quyết chí lên xin thày cho hoàn tục thì một lần nữa Phật giáo khẳng định triết lý: “Ai bền tính ắt thành con Phật”. Lần thứ tư, hình ảnh Phật giáo xuất hiện trong lời khuyên của sư thày khi Tum đến xin phép thày vào cung vua ca hát. Lại một lần nữa sư thày khuyên: “Với nhân gian khiêm nhường phải pháp/Với đàn bà cảnh giác vô tai” (8). Lần thứ năm triết lý Phật giáo xuất hiện báo trước kết cục của đôi bạn Tum và Pếch: Chớ học lối dại khờ Tum – Pếch/Một người sa tình ái mang vong/Một người khổ suốt đời vì bạn. Lần cuối cùng, khi kết thúc câu chuyện, tác giả lại đưa vào triết lý của Phật giáo, nêu căn nguyên cái chết của Tum và Tiêu là vì tình và kêu gọi:

Hỡi tất cả thiện nam tín nữ/Sinh làm người học chữ mà xem/Lẽ thường quả báo là nhân học/ Tu trí, tu tâm ấy phải rèn (9).

Như vậy, mỗi lần khuyên răn, mỗi lần Phật giáo lên tiếng là mỗi hoàn cảnh Tum đang từng bước dấn thân vào con đường tội lỗi. Tum đi tu nhưng chẳng đầu đuôi, ham sắc đẹp, nhục dục.

Bo Tum Therat Som đã lý giải căn nguyên nỗi khổ chuyện tình Tum và Tiêu và cái chết của họ do nghiệp báo. Bởi hai người đã sống theo bản năng tự nhiên nhất của con người. Họ hòa vào nhau bùng cháy mãnh liệt, nhuốm màu nhục dục, trái với đạo lý nhà Phật. Câu chuyện được viết ra nhằm răn dạy thiện nam tín nữ không nên say đắm trong tình yêu nhục thể mà phải biết tu tâm, dưỡng tính, để lý trí làm chủ con tim. Trong cuộc tình oan trái này, Tum chết vì chàng đã phạm vào thuyết diệt dục của nhà Phật. Đó là sự trừng phạt do mê mải chạy theo cám dỗ cuộc đời. Bo Tum    Therat Som muốn hướng con người đến với triết học Phật giáo để được giải thoát. Tác giả cũng tự trói buộc mình trong giới luật nhà chùa, tu được quả phúc, cho đến khi chết ông vẫn khoác áo cửa Phật. Ông viết câu chuyện như một ý đồ răn dạy của Phật. Thế nhưng bên cạnh đó, ông cũng không thể tự kiểm soát được sự phát triển của mạch truyện. Trong khi ông cố gắng dùng triết lý đạo Phật để răn dạy cuộc đời cũng là lúc ông nhận ra có một mặt khác của con người luôn song song tồn tại trong cá thể. Đó là con người của đời sống cá nhân, con người hết sức đời thường với những bản năng nhục cảm, những khao khát tình cảm luôn hiện hữu. Lúc này, ông cũng bất ngờ về một phát hiện đáng kinh ngạc. Đó là Phật giáo không hoàn toàn là căn nguyên gây nên cái chết của Tum, Tiêu.

Tình yêu của Tum và Tiêu là thứ tình yêu của bản năng, bất chấp phong tục tập quán, bất chấp giáo lý nhà Phật. Trao thân trước khi cử hành hôn lễ có thể xem là hành động thách thức mọi khuôn khổ giáo lý và luật tục truyền thống để thể hiện tình yêu của đôi trẻ. Trong suốt tác phẩm, hai dòng chảy mạnh mẽ làm nên giá trị tác phẩm là tình yêu và Phật giáo cứ song hành vừa tương hỗ, vừa tương phản. Cái chết của Tiêu bên cạnh Tum khi chàng bị sát hại là sự chiến thắng của tình yêu. Tình yêu đã chiến thắng nỗi sợ hãi để trở thành một biểu tượng bất tử. Đây cũng là cái thiện đích thực.

3. Vấn đề tính dục và những ứng xử văn hóa

Tình yêu, từ muôn thuở đã thật đẹp và tính dục trong Tum Tiêu được tác giả làm nổi bật lên chất tự nhiên một cách bản năng nhất. Tum Tiêu là một bản tình ca mới mẻ, ca ngợi cái đẹp, sức mạnh của tình yêu, khác hẳn với những tác phẩm trước đây. Tum và Tiêu gặp và yêu nhau say đắm ngay từ những phút đầu tiên. Họ không chỉ yêu nhau bằng trái tim, suy nghĩ tâm hồn mà cả thể xác. Tum yêu, nhớ, đau khổ vì cách xa đến hao gầy: Ra thế tình yêu ghê gớm thế/Quên mình chỉ nghĩ đến người yêu/ Đêm ít ngủ, ngày cơm biếng trễ/ Sức trai tơ mà hóa tiêu điều (10).

Trong mắt người đang yêu, nhìn đâu Tum cũng thấy vẻ xinh đẹp của người yêu: Hoa lau trắng mùa khô rối rít/Phải dáng em lả lướt mỗi chiều/Dòng nước nhỏ như màu mái tóc/Mỗi hoàng hôn trải thắm tình yêu (11).

Yếu tố nhục cảm trong tác phẩm là nét đẹp cho mối tình oan trái. Họ dâng hiến cho tình yêu. Sau những nhớ nhung xa cách, họ vui mừng hạnh phúc trong vòng tay ân ái. Nhựa sống tuổi xuân tràn trề trong cô gái trẻ, máu nóng hừng hực chảy trong huyết quản chàng trai. Lúc này, không gian thời gian đều dừng lại bao quanh đôi uyên ương niềm hạnh phúc ngọt ngào, tột cùng của tình yêu tự nguyện, dâng hiến: Lời Tiêu lấp trong rừng hôn đắm/ Tóc em đây mây thắm bồng bềnh/Môi em nở nồng nàn hoa trái/Ngực em tràn lên cả môi anh (12).

Đây là những câu diễn tả tình yêu huyền diệu kết hợp với đắm say tình dục hay nhất, đẹp nhất trong tác phẩm Tum Tiêu nói riêng, trong văn học truyền thống Campuchia nói chung. Tác giả muốn thể hiện rõ sức mạnh vô biên của tình yêu chân chính. Vì một sắc đẹp mê hồn của nàng Tiêu mà Tum, một chàng trai đang nấp bóng cửa Phật đã dứt áo ra đi. Còn với Tiêu, một cô gái đoan trang, hiền thục dám bỏ ngoài tai những lời răn dạy của mẹ cha vốn đầy quyền uy để chạy theo tiếng gọi tình yêu. Hơn thế nữa, vì tình yêu mà Tiêu còn dám liều lĩnh bước qua ngưỡng cửa của tập tục khắt khe về thân phận người con gái để tự nguyện trao tặng, dâng hiến sự trắng trong cho người mình yêu. Tum và Tiêu vì yêu mà dám vượt qua tất cả, vượt qua mọi tập tục, quy định, vượt qua mọi thế lực nhằm chia rẽ họ. Họ đến với nhau trong vòng kiềm tỏa của các quan niệm xã hội và những bó buộc của triết lý đạo Phật nhưng họ vẫn cháy hết mình vì tình yêu. Tình yêu của Tum và Tiêu thực sự rất đẹp, ngời sáng, trắng trong, vĩnh cửu. Không được sống cùng nhau, họ nguyện chết cùng nhau để giữ trọn vẹn mối tình.

Cái chết trong tình yêu mãnh liệt, thủy chung của Tum và Tiêu đã để lại nhiều xót xa nhưng cũng tiếp thêm nghị lực, khát khao được sống, được yêu và cháy hết mình cho thế hệ sau. Ca ngợi tình yêu của Tum và Tiêu đồng thời cũng là tố cáo xã hội phong kiến kìm hãm con người, buộc họ không thể đến với hạnh phúc của mình, ngăn cấm cả những nhu cầu bản năng chính đáng nhất.

Tum Tiêu từ khi ra đời đã mang một số phận riêng, vượt qua giới hạn, vượt qua mục tiêu giáo lý, để trở thành một tác phẩm đánh dấu cuộc cách mạng thật sự của truyện thơ Campuchia. Tum Tiêu mang đến cho người đọc sự cảm thông, chia sẻ về mối tình thủy chung của đôi trai tài, gái sắc với những câu thơ làm mê hoặc lòng người. Đó chính là sự khởi đầu, khơi gợi bao câu hỏi về tình yêu hay của cải, bạo lực hay tự do, về các mối quan hệ bố mẹ với con cái, gia đình và xã hội, cái cũ và cái mới. “Quan trọng hơn, nó còn chuẩn bị những tiền đề để tham gia vào con đường hiện đại hóa nền văn học Campuchia sau này trên tất cả nội dung và thi pháp” (13).

____________

1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12. Truyện Tum Tiêu, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2000, tr.124, 146, 30, 49, 61, 83, 50, 91, 146, 48, 65, 82.

13. Nguyễn Sỹ Tuấn, Bàn thêm về giá trị của Tum Tiêu trong nền văn học Campuchia, Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á, Hà Nội, 2010, số 5, tr.16. 

Nguồn : Tạp chí VHNT số 400, tháng 10 – 2017

Tác giả : CÙ THỊ ÁNH NGỌC

1/5 - (1 bình chọn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *