Một số giải pháp huy động mọi nguồn lực để thực hiện tốt chính sách xã hội ở cơ sở


Hơn 30 năm đổi mới, trong quá trình lãnh đạo đất nước, Đảng đã không ngừng nâng cao nhận thức, tổ chức thực hiện ngày càng có hiệu quả chính sách xã hội (CSXH), điều này đã góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, bảo đảm trật tự và an sinh xã hội, ổn định chính trị.

Bảo đảm thực hiện tốt CSXH là chủ trương nhất quán và xuyên suốt của Đảng. Trong hơn 30 năm đổi mới, mặc dù đất nước còn gặp nhiều khó khăn, song CSXH luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt từ Đảng và Nhà nước ta. Nghị quyết số 15-NQ/TW, ngày 1-6-2012, của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI Một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 – 2020 đã khẳng định: “Tiếp tục cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người có công, phấn đấu đến năm 2015 cơ bản bảo đảm gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư trên địa bàn. Ðến năm 2020, cơ bản bảo đảm an sinh xã hội toàn dân, bảo đảm mức tối thiểu về thu nhập, giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch và thông tin, truyền thông, góp phần từng bước nâng cao thu nhập, bảo đảm cuộc sống an toàn, bình đẳng và hạnh phúc của nhân dân” (1). Tiếp đó, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng tiếp tục nhấn mạnh: bảo đảm CSXH là một trong các nhiệm vụ trọng tâm trong thời kỳ mới; gắn kết chặt chẽ chính sách kinh tế với CSXH, phát triển kinh tế với nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, bảo đảm để nhân dân được hưởng thụ ngày một tốt hơn thành quả của công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước.

Để phát huy có hiệu quả các nguồn lực trong thực hiện CSXH ở cơ sở; thực hiện tốt phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” theo tinh thần Nghị quyết số 15-NQ/TW và Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng về CSXH, cần thực hiện tốt một số giải pháp cơ bản sau:

Một là, cấp ủy, chính quyền địa phương, người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải nắm chắc, đánh giá chính xác thực lực, tiềm năng của địa phương, có chủ trương, biện pháp và kế hoạch khai thác, phát huy mọi nguồn lực để thực hiện chính sách xã hội.

Theo đó, cấp ủy, người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong chính quyền địa phương ở các cấp, các ngành cần quán triệt, nắm vững các quan điểm, nguyên tắc, chỉ thị, chính sách của Đảng, Nhà nước về CSXH; nhất là Nghị quyết số 15-NQ/TW, ngày 1-6-2012, của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI Một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 – 2020; Nghị quyết số 70/NQ-CP ngày 1-11-2012 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW. Bên cạnh đó, cấp ủy, chính quyền địa phương, người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải thường xuyên nắm chắc và đánh giá chính xác thực lực và tiềm năng của các nguồn lực ở địa phương; tình hình kinh tế, xã hội của địa phương, khả năng, năng lực tài chính, cơ sở vật chất của từng tổ chức chính trị, xã hội, tổ chức kinh tế, tổ chức nghề nghiệp, khả năng đóng góp của các nhà tài trợ, các tổ chức nhân đạo ở địa phương, cũng như các tổ chửc, cá nhân của địa phương đang đi làm ăn xa ở trong nước và nước ngoài… Trên cơ sở đó, xác định những chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo sát đúng, có hiệu quả. Đồng thời, xác định kế hoạch cụ thể, khoa học để khai thác và phát huy tốt mọi nguồn lực cho thực hiện CSXH ở địa phương mình.

Hai là, phát huy vai trò nòng cốt của cơ quan chức năng, các tổ chức đoàn thể chính trị – xã hội và đội ngũ cán bộ chuyên trách trong thực hiện CSXH ở cơ sở.

Các cơ quan chức năng, các tổ chức, đoàn thể chính trị – xã hội, trong đó nòng cốt là ngành Lao động – Thương binh và Xã hội vừa có chức năng làm tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương, vừa chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện công tác CSXH ở cơ sở. Chất lượng, hiệu quả thực hiện công tác CSXH ở cơ sở phụ thuộc chủ yếu vào năng lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, tổ chức trên. Vì vậy, cần phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, đoàn thể ở địa phương trong việc tham gia thực hiện công tác CSXH ở cơ sở.

Đối với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội: Cần thực hiện tốt vai trò nòng cốt trong tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương về thực hiện CSXH. Đồng thời, phải làm tốt chức năng phối hợp, hiệp đồng với các cơ quan chức năng khác ở địa phương trong việc nắm bắt tình hình, đánh giá đúng tiềm năng, nguồn lực ở địa phương. Từ đó, làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, phải làm cho mọi cán bộ, các tầng lớp nhân dân thấy rõ những thuận lợi, khó khăn của đất nước, của địa phương, quan điểm tự lực tự cường, với phương châm: Nhà nước, nhân dân và những người được hưởng chính sách ưu đãi cùng phấn đấu; gắn quyền lợi với nghĩa vụ, quyền hạn với trách nhiệm theo cương vị, chức trách của mỗi người. Tạo sự đồng thuận cao và khuyến khích sự tham gia đóng góp của mọi thành phần trong xã hội về việc huy động nguồn lực để đảm bảo đầy đủ, ngày càng tốt hơn các chế độ, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Đối với các cơ quan chức năng, các tổ chức đoàn thể chính trị – xã hội khác như: Cơ quan quân sự địa phương, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân… cần phải nắm chắc và phát huy tốt chức năng, nhiệm vụ của mình để tham gia, giáo dục tuyên truyền, vận động, khai thác có hiệu quả các tiềm năng, nguồn lực của địa phương cho thực hiện CSXH.

Đối với đội ngũ cán bộ làm công tác chính sách: Đây là lực lượng trực tiếp nghiên cứu, tham mưu cho cấp ủy, cán bộ chủ trì trong lãnh đạo, chỉ đạo và hướng dẫn tổ chức thực hiện chế độ, chính sách. Vì vậy, cấp ủy các cấp cần căn cứ vào quy định, hướng dẫn, tính chất nhiệm vụ của đơn vị để lựa chọn, bố trí, sử dụng phù hợp. Có kế hoạch đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ mọi mặt cho cán bộ, nhân viên làm công tác chính sách. Cán bộ chuyên trách làm công tác CSXH phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, tích cực tu dưỡng, rèn luyện theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, thực sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, coi đó là bổn phận, trách nhiệm, tình cảm của thế hệ hôm nay đối với những người có công với Tổ quốc. Xây dựng phương pháp, tác phong công tác khoa học, trách nhiệm cao với công việc; nhiệt tình, chu đáo, chân thành, cởi mở, khiêm tốn, thận trọng, kiên trì, tận tụy, khách quan, thấu tình đạt lý khi tiếp xúc với nhân dân. Nắm chắc chức trách, nhiệm vụ, đồng thời tích cực nghiên cứu, nắm vững quan điểm, nguyên tắc, chế độ, chính sách, sâu sát cơ sở, vận dụng vào thực tiễn một cách sáng tạo, hiệu quả.

Ba là, đẩy mạnh thực hiện chủ trương xã hội hóa, khai thác và phát huy mọi nguồn lực của các tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội và các tầng lớp nhân dân trong thực hiện công tác CSXH ở cơ sở.

Trong điều kiện nền kinh tế đất nước còn nhiều khó khăn, sự đóng góp của các tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội và nhân dân địa phương trong thực hiện CSXH ở cơ sở là vấn đề hết sức quan trọng và cần thiết. Điều 68, Hiến pháp năm 2013 của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nêu rõ: “Nhà nước phát huy tinh thần yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng của nhân dân. thực hiện chính sách hậu phương quân đội, bảo đàm đời sống vật chất tinh thần của cán bộ, chiến sĩ công nhân viên quốc phòng, xây dựng các lực lượng vũ trang hùng mạnh, không ngừng tăng cường khả năng bảo vệ Tổ quốc” (2).

Hiện nay, các địa phương thực hiện chủ trương xã hội hóa công tác CSXH đã thu hút được nguồn lực rất lớn từ các tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội và nhân dân địa phương, nhất là các doanh nghiệp trên địa bàn. Nhiều doanh nghiệp đã tích cực tham gia chăm sóc, giúp đỡ và hỗ trợ các đối tượng chính sách, tặng quà, tặng sổ tiết kiệm, xây nhà tình nghĩa và nhiều hình thức hỗ trợ khác. Nhiều công ty, doanh nghiệp coi việc quan tâm, chăm sóc các đối tượng chính sách là hoạt động truyền thống của công ty, của doanh nghiệp mình.

Để công tác vận động có hiệu quả, cần tập trung tuyên truyền cho các tổ chức, doanh nghiệp cá nhân về nghĩa vụ và trách nhiệm trong việc tham gia thực hiện CSXH, gắn tuyên truyền với vận động. Đối với các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tích cực tham gia thực hiện CSXH, cấp ủy, chính quyền cần tạo điều kiện thuận lợi và cơ chế thông thoáng cho họ trong hoạt động sản xuất, kinh doanh theo khuôn khổ của pháp luật. Đồng thời, làm tốt công tác động viên, khích lệ và biểu dương, khen thưởng, nhân rộng các tổ chức, cá nhân tiêu biểu.

Bốn là, đẩy mạnh phong trào đền ơn đáp nghĩa, “uống nước nhớ nguồn” trong cộng đồng dân cư.

Hoạt động này không chỉ thể hiện truyền thống, đạo lý tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, góp phần nâng cao đời sống của các đối tượng CSXH, mà còn là một hình thức giáo dục truyền thống yêu nước và cách mạng cho mọi tầng lớp nhân dân; nâng cao trách nhiệm xã hội của các tổ chức, cá nhân với các đối tượng chính sách, tăng cường tinh thần đoàn kết dân tộc.

Thực tế những năm qua, gắn với ngày thương binh liệt sĩ và các ngày lễ lớn của dân tộc, quân đội, các cấp ủy đảng, chính quyền đã đặc biệt quan tâm, tổ chức tốt các phong trào “đền ơn đáp nghĩa”, “uống nước nhớ nguồn”. Nhiều chủ trương đã có sức lan tỏa sâu rộng, huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị cùng tham gia. Các phong trào như “Áo lụa tặng bà”, “Tấm chăn ấm lòng mẹ”, “Xây dựng nhà tình nghĩa”, “Phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng suốt đời”, “Chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ”, “Chăm sóc phần mộ và nghĩa trang liệt sĩ”, công việc tìm kiếm, cất bốc, quy tập hài cốt liệt sĩ được chăm lo trọn vẹn, nghĩa tình… thực sự đã trở thành trách nhiệm và nghĩa cử cao đẹp của toàn xã hội. Đời sống các đối tượng chính sách từng bước được cải thiện và nâng cao, hàng vạn ngôi nhà tình nghĩa đã được trao tặng, nhiều công trình tưởng niệm được xây dựng và tôn tạo… Trong thời gian tới, các địa phương cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc Nghị định 45/2006/NĐ – CP của Chính phủ, quy định của địa phương về quản lý, sử dụng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”; tăng cường tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tích cực đóng góp, ủng hộ, xây dựng quỹ và thực hiện phong trào. Tập trung phát triển cả về bề rộng và chiều sâu phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, hướng tới thực hiện tốt chương trình xây dựng nhà tình nghĩa tặng các đối tượng chính sách, người có công với cách mạng; chăm sóc, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Thực hiện tốt chủ trương đỡ đầu con liệt sĩ, bố trí việc làm cho con thương binh, bệnh binh nặng; hỗ trợ các trung tâm điều dưỡng thương, bệnh binh, nuôi dưỡng người có công; thăm hỏi, tặng quà, tặng sổ tiết kiệm, tặng công cụ sản xuất, đồ dùng sinh hoạt; khám, chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí; tham gia ủng hộ ngày công lao động giúp đối tượng chính sách; chăm sóc, tôn tạo, thắp nến tri ân tại nghĩa trang liệt sĩ trên các địa bàn…

Tóm lại, việc huy động các nguồn lực có vai trò rất quan trọng trong việc thực hiện công tác CSXH ở cơ sở. Nhưng kết quả thực hiện chính sách xã hội ở cơ sở quyết định đến niềm tin của nhân dân đối với mọi chủ trương, chính sách xã hội của Đảng và Nhà nước, đồng thời, quyết định đến mục tiêu cao nhất mà Đảng, Nhà nước muốn đạt được, tìm đến, đó là: lòng dân, ý dân, trí tuệ, sáng tạo của nhân dân, là sự đoàn kết, thống nhất của tổ chức, cán bộ, đảng viên và nhân dân… Thực hiện tốt các giải pháp trên nhằm góp phần nâng cao hơn nữa kết quả huy động nguồn lực trong việc thực hiện công tác CSXH ở cơ sở; đây là nền tảng, cơ sở xã hội của Đảng, Nhà nước và sự phát triển bền vững của chế độ.

_____________

1. Nghị quyết số 15 – NQ/TW, ngày 01-6-2012, Về một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 – 2020.

2. Điều 68, Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, 2013.

Tác giả: Nguyễn Văn Anh

Nguồn: Tạp chí VHNT số 425, tháng 11-2019

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *