Một số giải pháp phát triển du lịch di sản theo hướng tăng trưởng xanh ở Quảng Nam hiện nay


Tăng trưởng xanh được coi là một định hướng chính sách mới ở cấp độ quốc tế cũng như ở mỗi quốc gia, nhằm cải thiện đời sống xã hội và công bằng của con người, đồng thời giảm thiểu đáng kể những nguy cơ kiệt quệ về môi sinh, đảm bảo tính chịu đựng của hành tinh và sự sống còn của nhân loại.

Tăng trưởng xanh được coi là cách thức phát triển phù hợp với yêu cầu đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cấu trúc nền kinh tế từ nâu (1) sang xanh. Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 201/QĐ-TTg ngày 22-1-2013, đã xác định tầm quan trọng của du lịch xanh đối với du lịch Việt Nam. Du lịch vì nền kinh tế xanh cũng được coi là sự chuyển đổi từ du lịch cổ điển (nhấn mạnh các khía cạnh: tăng trưởng, thị trường, quảng bá, duy trì) sang du lịch thông minh (bao gồm các khía cạnh mới về: xanh, sạch, đạo đức và chất lượng). Đây được coi là một nội dung then chốt của phát triển bền vững và góp phần quan trọng để thực hiện chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu tại Việt Nam. Vì vậy, việc chọn một số địa phương, các điểm phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh đang là một đòi hỏi cấp thiết ở nước ta hiện nay.

1. Vài nét về tài nguyên du lịch tỉnh Quảng Nam

Nằm ở khu vực ven biển miền Trung, Quảng Nam là tỉnh có tiềm năng về tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên nhân văn, tài nguyên văn hóa rất lớn. Nơi đây có tới 48 di tích cấp quốc gia, 256 di tích cấp tỉnh và 2 di sản văn hóa thế giới (phố cổ Hội An và khu đền tháp Mỹ Sơn). Cư dân Quảng Nam, bên cạnh dân tộc Kinh chiếm đa số, trên địa bàn tỉnh còn có 4 dân tộc thiểu số Cơ tu, Co, Xơ đăng, Giẻ triêng với dân số trên 90.000 người sinh sống ở dãy Trường Sơn, phía Tây của tỉnh. Chính họ cùng với những tập quán, nếp sinh hoạt và canh tác hằng ngày đã tạo nên bản sắc văn hóa độc đáo cho tài nguyên du lịch nhân văn của Quảng Nam. Trải qua bao biến động của lịch sử, đồng bào các dân tộc vẫn bảo lưu nhiều tài sản văn hóa vật thể và phi vật thể quý báu. Những giá trị văn hóa tiêu biểu nhất của các dân tộc Cơ tu, Giẻ triêng, Xơ đăng như kiến trúc nhà làng truyền thống (gươl, rông, ưng), điêu khắc gỗ, lễ hội dân gian, văn học dân gian, âm nhạc dân gian, luật tục… đã làm nên diện mạo độc đáo của văn hóa dân tộc và tiếp tục phát huy, phát triển với một sức sống mạnh mẽ trong cộng đồng.

So với các tỉnh miền Trung, Quảng Nam là nơi tập trung khá nhiều làng nghề có tuổi đời hàng trăm năm như: làng mộc Kim Bồng (thành phố Hội An), làng đúc cồng chiêng Phước Kiều (huyện Điện Bàn), làng chài Bãi Hương (Cù Lao Chàm), làng dệt Mã Châu, làng gốm Thanh Hà, làng rau Trà Quế… Hầu hết, các làng nghề có từ những năm đầu của TK XV-XVI, do những người dân Bắc Bộ đem theo trên đường di cư vào Nam. Nhiều làng nghề truyền thống ở đây có sức hấp dẫn lớn với nhiều du khách trong và ngoài nước. Điều đó được chứng minh qua số lượt ghé thăm làng nghề của du khách mỗi năm lên đến vài trăm nghìn lượt. Có thể nói, mỗi làng nghề không chỉ đơn thuần là nơi sản xuất hàng hóa mà còn là nơi ẩn chứa cả tính cách, tâm lý, nét văn hóa của người dân nơi đây.

Về tài nguyên du lịch, không thể không nhắc đến lễ hội, đây được coi là một trong những trải nghiệm văn hóa có ý nghĩa đối với du khách. Theo thống kê năm 2000, tỉnh Quảng Nam có gần 200 lễ hội lớn nhỏ. Nổi bật là lễ hội đâm trâu của các tộc người Cơ tu, Co, Xơ đăng, Giẻ triêng. Bên cạnh đó còn có hàng trăm lễ hội của các đình làng, lễ hội tín ngưỡng thờ mẫu như lễ hội Bà Chiêm Sơn, lễ hội Bà Thu Bồn, lễ hội Bà Phường Chào, lễ hội rước cộ Bà Chợ Được… hay các lễ hội cầu ngư của cư dân miền biển. Lễ hội cầu Ngư, thờ cúng Cá Ông là một hiện tượng văn hóa dân gian tiêu biểu của ngư dân ven biển, đặc biệt là ven biển Nam Trung Bộ. Có thể nói, lễ hội cầu ngư không chỉ thể hiện bản sắc văn hóa dân gian đặc sắc, mang tính vùng miền của ngư dân mà còn là môi trường bảo tồn, làm giàu và phát huy sự đa dạng của bản sắc văn hóa dân tộc, là cơ hội phát huy giá trị văn hóa biển Việt Nam.

Bên cạnh các tài nguyên du lịch nhân văn kể trên, Quảng Nam còn có nhiều tài nguyên khác có giá trị cho du lịch như các hoạt động văn hóa, văn nghệ dân gian, ẩm thực. Vì đây là vùng đất có sự giao lưu với nhiều luồng văn hóa khác nhau nên đã để lại những dấu ấn đậm nhạt khác nhau trên mọi mặt sinh hoạt xã hội, thể hiện trong các hình thái văn hóa dân gian. Các hoạt động văn nghệ dân gian ở Quảng Nam mang những sắc thái riêng, không quá sôi động như ở Nam Bộ, cũng không trầm lắng nhẹ nhàng như của Huế. Văn nghệ của xứ Quảng trung hòa, thể hiện sự giao lưu giữa văn hóa Bắc và Nam, giữa văn hóa Việt Nam và Chămpa. Đặc biệt, nổi bật ở đây là hai loại hình diễn xướng bài chòi và hò khoan đối đáp.

Khách Hàn Quốc tại Hội An – Ảnh tư liệu: Minh Quân

Với nhiều thế mạnh về nguồn tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên nhân văn, tài nguyên văn hóa có giá trị cho lĩnh vực du lịch nên Quảng Nam đã thu hút được nhiều tổ chức và cá nhân đầu tư cho phát triển lĩnh vực du lịch. Điều này mang lại những kết quả tăng trưởng khá lớn về mặt kinh tế, văn hóa, xã hội. Nhưng cũng chính quá trình vận động du lịch ồ ạt, thiếu kiểm soát ở một số nơi đang có những tác động tiêu cực tới di sản văn hóa như: sự khai thác thương mại hóa quá mức, quá tải về khách, sự lạm dụng di sản, phục dựng sai quy cách, làm mới di sản, làm cho di sản nhanh xuống cấp, méo mó, nhạt nhòa giá trị… Hệ lụy của việc phát triển du lịch di sản thiếu kiểm soát, thiếu bền vững đó làm một số di sản bị xuống cấp, đe dọa tới tính nguyên vẹn của di sản, thậm chí là dẫn tới sự suy vong những giá trị, bản sắc văn hóa… Trong khi đó, đối với du lịch bền vững, bên cạnh các mục tiêu kinh tế, văn hóa, xã hội, việc sử dụng tài nguyên di sản văn hóa gắn liền với bảo vệ môi trường, không gian cảnh quan của di sản, hạn chế mọi sự ảnh hưởng và những tác động làm phá vỡ cấu trúc văn hóa, lịch sử và xâm hại tới môi trường sinh thái, nhân văn của di sản văn hóa rất quan trọng. Vì thế, việc xây dựng các nhóm giải pháp nhằm bảo vệ và phát huy giá trị của các di sản trên địa bàn tỉnh là rất cần thiết.

2. Một số giải pháp phát triển du lịch di sản theo hướng tăng trưởng xanh ở tỉnh Quảng Nam hiện nay

Quy hoạch tổng thể vấn đề bảo vệ và phát huy giá trị di sản gắn với phát triển du lịch tỉnh Quảng Nam

Thứ nhất, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, tiến hành khảo sát, kiểm kê, nghiên cứu lại toàn bộ các loại hình di sản trong tổng thể không gian văn hóa Quảng Nam nhằm nhận diện, xác định giá trị và thực trạng của các di sản, từ đó đề xuất hướng bảo vệ và phát huy. Đối với các di sản văn hóa, cần lập các danh mục cần thực hiện một cách cụ thể, đơn cử như: lễ hội dân gian và di sản văn hóa phi vật thể khác tại các địa phương có di sản; nghệ thuật truyền thống (ca dao, dân ca, dân vũ, võ thuật…) tại các địa phương có di sản văn hóa; kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể, tại các địa phương; lập hồ sơ đề cử Danh mục di sản văn hóa cấp quốc gia, kiểm kê, lập danh mục chi tiết nghề thủ công và trò chơi dân gian truyền thống tiêu biểu gắn với hoạt động du lịch, tại các địa phương có di sản… Đối với các di sản thiên nhiên, tỉnh cần xác định giá trị và thực trạng di sản để có hướng bảo vệ và phát huy.

Thứ hai, chú ý quy hoạch di sản trọng điểm và di sản văn hóa gắn với du lịch. Các di sản văn hóa trọng điểm là những di sản văn hóa đang xuống cấp, đang có nguy cơ mai một hay biến mất cần có kế hoạch lưu giữ, bảo vệ khẩn cấp. Cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với các di tích lịch sử văn hóa đang được trùng tu trên địa bàn. Đối với quy hoạch di sản văn hóa gắn với du lịch – tiêu biểu là di sản văn hóa Mỹ Sơn nên có sự tính toán, đề ra kế hoạch theo mốc thời gian cụ thể, với tầm nhìn chiến lược.

Thứ ba, cần có sự đầu tư, chỉ đạo, tổ chức nghiên cứu phục vụ cho công tác bảo tồn các di sản văn hóa trên địa bàn. Sở VHTTDL tỉnh Quảng Nam, các đơn vị liên quan nên tổ chức những cuộc hội thảo, trưng cầu ý kiến của các nhà nghiên cứu, nhà quản lý, người làm công tác bảo tồn di sản văn hóa, các cấp, các ngành liên quan đang hoạt động trong khu vực có di sản để góp ý cho bản quy hoạch. Ngoài ra, chú ý đến vai trò phản biện của người dân địa phương.

Thứ tư, quy hoạch tổ chức không gian du lịch phải phù hợp với Công ước Bảo vệ Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới và các quy định pháp lý được quy định trong các Luật Di sản văn hóa, Luật Du lịch và các luật có liên quan.

Thứ năm, xây dựng sản phẩm du lịch mới, mở rộng không gian du lịch và liên kết các điểm đến trên địa bàn Quảng Nam. Đồng thời, nâng cấp, đa dạng hóa sản phẩm du lịch và dịch vụ tại các điểm đến quan trọng như: điểm Hội An và khu vực lân cận thì tập trung liên kết du lịch sinh thái và du lịch văn hóa (ví dụ, Cẩm Nam – Cẩm Kim, làng sinh thái Trà Nhiêu được tiếp cận thông qua chuyến tham quan du lịch dọc sông Thu Bồn – sông Trường Giang, và Hòn Kẽm Đá Dựng); Đảo Cù Lao Chàm; Di sản Mỹ Sơn và khu vực lân cận có thể phát triển du lịch làng sinh thái Trà Kiệu, hồ Bàn Thạch, sông Thu Bồn, suối nước nóng Tây Viên, Dự án thủy điện Duy Sơn II, Suối Tiên, làng Ðại Bình, Hòn Kẽm Đá Dựng, Khe Tân và Khe Lim. Điểm Tam Kỳ và các khu vực Ðông Nam ven biển có thể kết nối các điểm tham quan Ðịa đạo Kỳ Anh – Vãn Thánh – Khổng Miếu – sông Ðầm… với du lịch biển Tam Thanh.

 Thứ sáu, cần có công tác quản lý và đánh giá “sức chứa” phù hợp với khả năng chịu tải của tài nguyên và môi trường du lịch. Cần đánh giá tác động của hoạt động du lịch, căn cứ vào báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với các dự án đầu tư phát triển du lịch tại các khu vực di tích, đặc biệt là hai di sản văn hóa thế giới là Hội An và Mỹ Sơn để nghiên cứu, đề xuất các phương án bảo vệ.

Khai thác các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể vào hoạt động du lịch di sản theo hướng tăng trưởng xanh

Khai thác, phát huy giá trị quý giá của các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể vào hoạt động phát triển du lịch là việc làm cần thiết. Có nhiều phương thức tiếp cận để phát huy các giá trị văn hóa, tuy nhiên du lịch được xem là phương thức phát huy có hiệu quả nhất, đặc biệt đối với bạn bè quốc tế. Qua hoạt động hướng dẫn du lịch, du khách có cơ hội không chỉ được được tận mắt nhìn thấy trong thực tế, mà còn được hiểu về giá trị các di sản văn hóa nơi mình đến du lịch. Nhiều giá trị văn hóa chỉ có thể cảm nhận được trong những khung cảnh thực của tự nhiên, của nếp sống truyền thống cộng đồng mà không thể có phim ảnh, diễn xuất nào có thể chuyển tải được. Và chỉ có du lịch mới có thể đem lại cho du khách những trải nghiệm đặc biệt, sống động. Quảng Nam có đầy đủ điều kiện thực tế để phát triển du lịch di sản theo hướng tăng trưởng xanh. Bởi Quảng Nam không chỉ có di sản phố cổ Hội An và khu đền tháp Mỹ Sơn, mà Quảng Nam còn đang sở hữu một loại di sản đặc biệt là cảnh quan thiên nhiên. Tiêu biểu như khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm, vùng dừa nước ngập mặn xã Cẩm Thanh, Hồ Phú Ninh, khu du lịch sinh thái Trà Nhiêu Xanh… Đây là điều kiện thuận lợi để phát triển mô hình du lịch xanh. Vì vậy, để phát huy thế mạnh của du lịch di sản theo hướng tăng trưởng xanh là hướng trọng tâm có tính chất chìa khóa hướng tới mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, các bên cần cùng hành động, có những giải pháp hữu hiệu về bảo tồn và phát huy bền vững đối với di sản văn hóa trong phát triển du lịch.

Xã hội hóa và phát huy vai trò của cộng đồng trong công tác bảo vệ, phát huy giá trị di sản

Ngoài nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, cần đẩy mạnh công tác xã hội hóa, tăng cường vai trò của các doanh nghiệp, các tổ chức phi chính phủ, các quỹ văn hóa, xã hội và đặc biệt là cộng đồng cư dân trong việc bảo vệ và phát huy giá trị của di sản trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. Hơn thế, tỉnh Quảng Nam nói chung và các ban, ngành, Sở VHTTDL nói riêng cần tăng cường phối hợp với các tổ chức trong và ngoài nước để thu hút nguồn tài trợ dưới nhiều hình thức khác nhau nhằm giúp cho di sản được bảo vệ và phát huy tốt nhất.

Hơn thế, cần thu hút được sự tham gia của cộng đồng địa phương trong phát triển du lịch. Cộng đồng cần trở thành nhân tố tích cực góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản của quê hương. Bên cạnh ý nghĩa trên, phát triển du lịch văn hóa gắn với cộng đồng còn khai thác được những giá trị văn hóa bản địa, góp phần làm đa dạng và phong phú hơn sản phẩm du lịch điểm đến, làm tăng tính hấp dẫn và hiệu quả kinh doanh du lịch. Vì thế, nâng cao hiểu biết của người dân về di sản, thúc đẩy ý thức bảo vệ di sản là việc làm cần thiết. Theo công ước quốc tế về du lịch văn hóa: ngày nay, việc bảo vệ, bảo tồn, lý giải và giới thiệu di sản và tính đa dạng văn hóa của bất kỳ một nơi hoặc khu vực nào là một thách đố quan trọng đối với mọi người ở khắp mọi nơi. Tuy nhiên, việc quản lý di sản đó, trong khuôn khổ các chuẩn mực được quốc tế thừa nhận và được áp dụng thỏa đáng thông thường lại là trách nhiệm của một cộng đồng riêng biệt hoặc một nhóm trông nom. Do đó, việc giáo dục để nâng cao ý thức tự giác của người dân, khơi dậy lòng tự hào và trách nhiệm đối với di sản văn hóa của cộng đồng mình là công việc có ý nghĩa rất lớn. Đây cũng là tiêu chí được UNESCO, ICOMOS và nhiều tổ chức quốc tế coi trọng và đề cao trong khuyến cáo về công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa. Ngoài ra, chính quyền địa phương nên khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để cộng đồng được tham gia vào hoạt động dịch vụ du lịch tại các khu di sản. Điều này góp phần hạn chế đáng kể “sức ép” của cộng đồng lên các giá trị di sản đồng thời sẽ khuyến khích họ trở thành chủ nhân thực sự đóng góp vào nỗ lực chung nhằm bảo vệ và phát huy các giá trị di sản.

Tăng cường, nâng cao vai trò của Nhà nước trong quản lý di sản và phát triển du lịch

Để công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa tỉnh Quảng Nam có hiệu quả, chúng tôi đề xuất các cấp ủy Đảng, chính quyền tỉnh Quảng Nam cần triển khai một số hoạt động:

Thứ nhất, tuân theo công ước bảo vệ di sản văn hóa của UNESCO; thực hiện hiệu quả Luật Di sản văn hóa cũng như vận dụng linh hoạt các Nghị định của Chính phủ, tỉnh Quảng Nam trong hoạt động bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa địa phương.

Thứ hai, có sự phối hợp với các tổ chức chính trị xã hội trên địa bàn khu vực văn hóa để triển khai nhiệm vụ bảo vệ, phát huy di sản văn hóa. Nhà nước phải giữ vai trò chính trong việc xây dựng các dự án bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa tỉnh Quảng Nam.

Thứ ba, tăng cường tuyên truyền, quảng bá di sản trên các phương tiện thông tin đại chúng và trong quần chúng nhân dân.

Thứ tư, đẩy mạnh công tác giáo dục trong nhà trường. Thông qua những hoạt động ngoại khóa, những chương trình lồng ghép trong các môn học từng bước đưa những giá trị cốt lõi, bản sắc của các di sản văn hóa của tỉnh đến với các em học sinh.

Thứ năm, cần chú trọng bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý nhà nước trong công tác văn hóa và du lịch bằng các giải pháp cụ thể như: đào tạo và thu hút cán bộ đúng chuyên môn; đẩy mạnh công tác phân cấp, phân quyền; hoàn thiện cơ cấu tổ chức bộ máy đảm bảo vận hành hiệu quả…

Trong bối cảnh hiện nay, việc phát triển du lịch di sản theo hướng tăng trưởng xanh nhằm đảm bảo sự bền vững về môi trường mà vẫn phát huy và bảo vệ được di sản là một vấn đề có ý nghĩa thực tiễn, cấp thiết. Vì vậy, tỉnh Quảng Nam cần xác định kế hoạch tổng thể và những lộ trình phát triển cụ thể, rõ ràng để du lịch không chỉ là ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế – xã hội mà nó còn góp phần bảo vệ môi trường.

________________________

1. Khái niệm “kinh tế nâu” (Brown Economy), đề cập tới các mô hình phát triển rất phổ biến trước đây, đó là phát triển kinh tế trước và xử lý ô nhiễm sau. Đây được coi là nền kinh tế dựa trên các nguồn năng lượng hóa thạch, đã bộc lộ phát thải khí nhà kính, khủng hoảng biến đổi khí hậu, không bảo đảm an ninh năng lượng dẫn đến chiến tranh và xung đột, không bảo đảm an ninh lương thực…

Tài liệu tham khảo

1. ICOMOS – Công ước quốc tế về du lịch văn hóa – thông qua tại Đại Hội đồng lần thứ 12 ở Mexico, 10-1999.

2.Võ Văn Lợi, Tăng trưởng xanh ở các nước vàViệt Nam hiện nay, Tạp chí Lý luận chính trị, số 2, 2016, tr.109-114.

3. Phạm Trung Lương, Tiềm năng và triển vọng du lịch sinh thái tại Việt Nam, Tạp chí Môi trường, số 2, 2017, tr.42-43.

4. UNESCO, Công ước Bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa, Cục Hợp tác Quốc tế, Bộ VHTDL, Văn phòng UNESCO tại Việt Nam, 2005.

Ths NGUYỄN THỊ THU TRANG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 479, tháng 11-2021

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *