Một số giải pháp xây dựng, phát triển chi bộ và đảng viên của Đảng bộ Nghệ An


Chi bộ là nền tảng và là hạt nhân chính trị của Đảng ở cơ sở. Tại Nghệ An, trong nhiều năm qua, công tác phát triển đảng, xây dựng chi bộ đã có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, so với yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới, hoạt động của các chi bộ, nhất là chi bộ ở khối dân cư đang còn nhiều khó khăn, bất cập. Trước yêu cầu mới, Đảng bộ Nghệ An thực hiện nhiều nhiệm vụ, giải pháp nâng cao chất lượng phát triển đảng, chi bộ ở các xóm chưa có đảng viên và xóm có nguy cơ không còn đảng viên.

1. Tình hình

Nghệ An có diện tích tự nhiên 16.480 km2, có 17 huyện, 1 thành phố, 3 thị xã; 480 xã, phường, thị trấn, trong đó có 238 xã miền núi, vùng sâu, vùng xa; toàn tỉnh có 5.886 xóm, bản, khối phố (gọi chung là xóm). Dân số toàn tỉnh hơn 3 triệu người, trong đó có khoảng 44,2 vạn đồng bào dân tộc thiểu số cư trú trên địa bàn 10 huyện, 143 xã, với 1.426 xóm và trên 23 vạn đồng bào theo đạo công giáo cư trú chủ yếu ở 13 huyện, 187 xã, với 839 xóm vùng đồng bằng và núi thấp. Đảng bộ Nghệ An có 1.588 tổ chức cơ sở đảng với 10.112 chi bộ trực thuộc đảng ủy, tổng số 189.512 đảng viên (1).

Trong những năm qua, nhận thức sâu sắc vai trò quan trọng của công tác xây dựng, củng cố tổ chức cơ sở đảng, đặc biệt, thực hiện chủ trương xóa thôn, bản “trắng” đảng viên, tổ chức đảng, Đảng bộ tỉnh Nghệ An đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo xây dựng, củng cố tổ chức đảng, đẩy mạnh phát triển đảng viên, thành lập chi bộ ở những xóm chưa có đảng viên, tổ chức đảng như: Nghị quyết số 18-NQ/TU ngày 15-1-2004, của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XV) “Về củng cố, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vùng dân tộc thiểu số, vùng giáo”; Đề án số 05-ĐA/TU, Kết luận số 09-KL/TU và Kết luận số 10-KL/TU ngày 5-12-2006 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XVI) về xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vùng giáo, vùng dân tộc thiểu số; Nghị quyết số 17 NQ/TU ngày 19-5-2008, Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X “Về nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên”; Nghị quyết 09-NQ/TU ngày 13-3-2012 “Về nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng tỉnh Nghệ An giai đoạn 2011-2015”.

Ngày 10-8-2016, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Nghệ An đã ban hành Đề án 01-ĐA/TU “Xây dựng chi bộ, phát triển đảng viên ở các khối, xóm bản chưa có chi bộ, chưa có đảng viên và khối, xóm, bản có nguy cơ không còn chi bộ giai đoạn 2016-2020”. Đề án xác định mục tiêu đến năm 2020 là: Tập trung nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, gắn với thực hiện tốt công tác bồi dưỡng, phát triển đảng viên mới, từng bước giảm số lượng xóm chưa có chi bộ, chưa có đảng viên tại chỗ. Xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có đủ phẩm chất, năng lực và trách nhiệm, đoàn kết, gắn bó mật thiết với nhân dân, chủ động phát hiện và giải quyết kịp thời, có hiệu quả những khó khăn, vướng mắc xảy ra từ cơ sở.

Cụ thể, hằng năm, mỗi xóm chưa có chi bộ, chưa có đảng viên hoặc có nguy cơ không còn chi bộ phải phát hiện, giới thiệu được quần chúng ưu tú để bồi dưỡng cảm tình đảng; mỗi tổ chức chính trị, xã hội cấp cơ sở ở vùng công giáo phát hiện, bồi dưỡng, giới thiệu ít nhất 1 quần chúng ưu tú là người công giáo cho đảng xem xét kết nạp. Đến năm 2020, có trên 50% số xóm chưa có chi bộ, chưa có đảng viên kết nạp được đảng viên mới; giảm 50% số xóm chưa có chi bộ và 50% số xóm có nguy cơ không còn chi bộ; 100% xóm được kiện toàn củng cố và thành lập chi đoàn thanh niên, chi hội phụ nữ, nông dân; trên 90% cán bộ trưởng, phó các đoàn thể chính trị, xã hội cấp xã, phường, thị trấn và 60% xóm trưởng là đảng viên (2).

Thực hiện các nghị quyết, chương trình, đề án công tác xây dựng, củng cố, nâng cao chất lượng chi bộ, phát triển đảng viên trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực. Các tổ chức cơ sở đảng đã giữ vững và phát huy được vai trò hạt nhân chính trị ở cơ sở, lãnh đạo cán bộ, đảng viên, nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị. Tuy nhiên, so với yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới, hoạt động của các chi bộ ở khối dân cư đang còn nhiều khó khăn, bất cập; việc kiện toàn, củng cố chi bộ ở một số nơi chưa được cấp ủy cơ sở quan tâm chỉ đạo kịp thời; đến ngày 30-7-2018, Nghệ An vẫn còn 177 xóm chưa đủ đảng viên để thành lập chi bộ, trong đó 83 xóm không có đảng viên tại chỗ, 94 xóm có dưới 3 đảng viên; 85 xóm có nguy cơ không còn chi bộ, trong đó xóm vùng công giáo chiếm trên 94% (3); số đảng viên là người công giáo kết nạp hằng năm đang có xu hướng giảm.

2. Những giải pháp cơ bản

Để thực hiện được mục tiêu giảm 50% số xóm chưa có chi bộ, trong những năm tới, Đảng bộ Nghệ An cần tập trung thực hiện tốt một số giải pháp cơ bản sau:

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, giác ngộ lý tưởng của Đảng cho quần chúng nhân dân

Trước hết, các cấp ủy Đảng tập trung đổi mới nội dung, cách thức, phương pháp học tập, quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước theo hướng thiết thực, phù hợp với điều kiện của từng địa phương. Thứ hai, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục thông qua hệ thống truyền thông, báo chí. Trong đó tập trung tăng thời lượng truyền phát trên các phương tiện như đài truyền thanh – truyền hình cấp huyện; đài truyền thanh cơ sở; các báo, tạp chí… nhằm truyền tải kịp thời thông tin thời sự, các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với quần chúng nhân dân, qua đó giác ngộ quần chúng phấn đấu vào Đảng. Nâng cao chất lượng chuyên mục “Sống tốt đời, đẹp đạo” trên Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh và Báo Nghệ An… Thứ ba, sắp xếp, đổi mới nội dung, chương trình bồi dưỡng cảm tình đảng, đảng viên mới phù hợp với đặc điểm của từng đối tượng, từng vùng miền, nhất là các đối tượng ở vùng công giáo; tránh nhàm chán, hình thức, chất lượng và hiệu quả không cao.

Làm tốt công tác phát triển đảng viên mới

Để công tác phát triển đảng viên, trước hết cần quan tâm tạo nguồn, bồi dưỡng đối tượng kết nạp Đảng: Cấp ủy cơ sở phải xác định rõ nguồn phát triển đảng ở các xóm chưa có đảng viên, chưa có chi bộ hiện nay là những quần chúng ưu tú, có tín nhiệm và được nhân dân quý mến, trong đó quan tâm tạo nguồn phát triển đảng viên trong ban cán sự xóm, trước tiên là các xóm trưởng, cán bộ đoàn, hội, bộ đội xuất ngũ, thanh niên đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng, trung cấp về ở địa phương… Đồng thời, phát huy vai trò, trách nhiệm của từng cán bộ, đảng viên, các đoàn thể chính trị, xã hội. Thông qua các hoạt động để lựa chọn, bồi dưỡng, giáo dục đoàn viên, hội viên ưu tú giới thiệu cho Đảng. Chú trọng phát huy vai trò của cán bộ, đảng viên, hội viên, người có uy tín trong cộng đồng xã hội vùng giáo để tăng cường vận động cá biệt; thường xuyên quan tâm, kịp thời có kế hoạch giúp đỡ, bảo vệ cán bộ, đảng viên và quần chúng tích cực có hoàn cảnh khó khăn hoặc khi có dấu hiệu bị o ép, cô lập. Làm tốt công tác tuyển quân hằng năm tại các địa phương, trong đó ưu tiên dành chỉ tiêu cho con em người công giáo, dân tộc thiểu số; qua đó phối hợp với các đơn vị nhận quân có kế hoạch bồi dưỡng, rèn luyện, tạo nguồn phát triển đảng.

Bên cạnh đó, Ban Thường vụ các cấp trên cơ sở cụ thể hóa tiêu chuẩn, điều kiện kết nạp đảng viên, nhất là đối với người công giáo theo Quy định 123 – QĐ/TW ngày 28-9-2004 của Bộ Chính trị; xây dựng và thực hiện tốt kế hoạch, quy trình kết nạp đảng viên phù hợp loại hình, đơn vị.

Củng cố, thành lập xóm có chi bộ và chống nguy cơ xóm không còn chi bộ.

Đối với các xóm chưa có chi bộ, trước mắt cần thực hiện giải pháp lựa chọn, tăng cường các đảng viên có năng lực, uy tín, am hiểu phong tục, tập quán để thành lập chi bộ; không để tình trạng xóm không có chi bộ kéo dài và tình trạng một chi bộ phải lãnh đạo từ 2 – 3 xóm. Đối với những chi bộ sinh hoạt ghép, phải có kế hoạch bồi dưỡng, phát triển đảng viên tại chỗ; những nơi nếu chưa đủ số lượng để tách, đảng viên tại chỗ chưa đủ tiêu chuẩn giữ chức vụ bí thư chi bộ thì đảng ủy xã, phường, thị trấn phân công cấp ủy viên hoặc đảng viên là cán bộ, công chức cấp xã, đảng viên có năng lực, kinh nghiệm ở gần địa bàn về sinh hoạt để thành lập chi bộ riêng và giữ chức vụ bí thư chi bộ.

Tập trung nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, trong đó cấp ủy cơ sở hàng tháng phải cung cấp thông tin và định hướng nội dung sinh hoạt cho từng chi bộ, chú trọng công tác phát triển đảng viên, hướng dẫn sinh hoạt chuyên đề và tổ chức sinh hoạt chi bộ mở rộng; hằng năm tổ chức tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ bí thư chi bộ nhằm nâng cao chất lượng điều hành trong sinh hoạt.

Định kỳ hằng năm, cấp ủy cấp trên phải chỉ đạo cấp dưới rà soát, thống kê số lượng đảng viên cao tuổi, đảng viên được miễn sinh hoạt, đảng viên đi làm ăn xa, chi bộ có số lượng đảng viên ít tại các xóm, tổ dân cư, trường học… làm cơ sở xây dựng kế hoạch bồi dưỡng phát triển đảng viên. Đảng ủy, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tiếp tục thực hiện chủ trương chuyển đảng viên là cán bộ, sĩ quan về tham gia sinh hoạt tạm thời, đồng thời có kế hoạch giúp đỡ phát triển đảng viên, xây dựng hệ thống chính trị tại các xóm yếu kém và xóm có nguy cơ không còn chi bộ vùng tuyến biên giới và tuyến ven biển.

Kiện toàn, phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể chính trị, xã hội tham gia xây dựng tổ chức đảng và phát triển đảng viên

Cấp ủy các cấp chỉ đạo các tổ chức đoàn thể chính trị, xã hội tập trung nâng cao chất lượng hoạt động, kịp thời củng cố, kiện toàn, thành lập hệ thống tổ chức của từng đoàn thể tại các xóm đang còn yếu kém và chưa có tổ chức. Tạo điều kiện và môi trường thuận lợi cho các tổ chức đoàn thể tham gia quản lý và phát triển kinh tế, xã hội, tập trung thực hiện có hiệu quả chính sách về vốn vay, chính sách trong đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động… qua đó giúp cho các tổ chức đoàn thể có hướng để tập hợp đoàn viên, hội viên vào tổ chức, phát hiện, bồi dưỡng và tạo nguồn kết nạp Đảng ở địa phương.

Thực hiện tốt các cơ chế chính sách; quan tâm phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.

Xây dựng chính sách ưu tiên trong thu hút, tuyển dụng công chức cấp xã; viên chức là giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở; y, bác sĩ các trạm y tế có đủ tiêu chuẩn, có hộ khẩu thường trú tại các địa phương đang còn xóm chưa có chi bộ và xóm có nguy cơ không còn chi bộ để thông qua đó đào tạo, bồi dưỡng, tạo nguồn kết nạp đảng và quy hoạch bổ sung cho đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp xã. Tập trung phát triển kết cấu hạ tầng vùng giáo, vùng dân tộc, nhất là hệ thống giao thông nông thôn, nhà văn hóa xóm. Ban hành bộ tiêu chí và chính sách để xây dựng nông thôn mới đối với các xóm vùng giáo, vùng ven biển, ưu tiên các xóm chưa có chi bộ, chưa có đảng viên và xóm có nguy cơ không còn chi bộ. Tăng cường gặp gỡ, đối thoại để giải quyết tốt các nhu cầu chính đáng, đúng pháp luật của bà con giáo dân. Đổi mới các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể thao giữa các tổ chức trong hệ thống chính trị với các chức sắc, hội đoàn tôn giáo, tạo sự gắn bó, hiểu biết lẫn nhau, xây dựng mối đoàn kết lương giáo và cộng đồng dân cư.

Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy các cấp và thực hiện tốt công tác cán bộ ở cơ sở.

Để xây dựng tổ chức đảng, phát triển đảng viên có hiệu quả, yêu cầu cấp ủy cấp trực tiếp của cơ sở phải tăng cường sự chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra cấp dưới. Gắn trách nhiệm của cấp ủy cơ sở với chất lượng hoạt động của chi bộ và đảng viên trong đánh giá, xếp loại. Cấp ủy các cấp có kế hoạch phân công cán bộ, đảng viên, thành lập tổ công tác về cơ sở, chi bộ để vừa tham gia chỉ đạo, vừa tham gia sinh hoạt tạm thời tại các xóm còn yếu kém và chưa có đảng viên, xóm có nguy cơ không còn chi bộ. Bên cạnh đó, tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ cơ sở gắn với thực hiện tốt công tác quy hoạch, đào tạo, sử dụng cán bộ; rà soát, phân loại đội ngũ cấp ủy, cán bộ, công chức cấp xã và xóm để tiếp tục có kế hoạch tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn, qua đó có chính sách ưu tiên trong tuyển dụng, bổ nhiệm nhằm phấn đấu có tỷ lệ cán bộ là người công giáo, dân tộc thiểu số phù hợp hơn trong hệ thống chính trị. Kiện toàn đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác tôn giáo, dân tộc; hằng năm có kế hoạch bồi dưỡng, tập huấn để cập nhật kiến thức tôn giáo, dân tộc để nâng cao chất lượng tham mưu và kỹ năng hoạt động.

_______________

1. Ban Tổ chức Tỉnh ủy Nghệ An, Báo cáo tổng hợp tổ chức đảng và đảng viên năm 2019.

2. Tỉnh ủy Nghệ An, Đề án số 01-ĐA/TU ngày 10-8-2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVIII về “Xây dựng chi bộ, phát triển đảng viên tại các khối, xóm, bản chưa có chi bộ, chưa có đảng viên và các khối, xóm, bản có nguy cơ không còn chi bộ giai đoạn 2016-2020”.

3. Ban Tổ chức Tỉnh ủy Nghệ An, Báo cáo kết quả 02 năm thực hiện Đề án 10-ĐA/TU ngày 10-8-2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVIII.

Tác giả: Nguyễn Thế Thái

Nguồn: Tạp chí VHNT số 433, tháng 7-2020

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *