Một số kinh nghiệm trong lãnh đạo phát triển nguồn nhân lực của Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng


Nguồn nhân lực là nguồn tài nguyên quý giá, là nhân tố cơ bản quyết định sự phát triển của lực lượng sản xuất trong mọi thời đại. Tại Việt Nam, trong tiến trình đổi mới và hội nhập quốc tế, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa cũng là tiến trình đổi mới nhận thức và phương thức phát triển nguồn nhân lực. Để xây dựng Lâm Đồng trở thành một tỉnh theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng đã đưa ra các chủ trương, quan điểm, chính sách nhằm phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của địa phương trong tình hình mới.

Đại hội Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ VIII (nhiệm kỳ 2006-2010) đã xác định: “Xây dựng chiến lược, chính sách đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng nguồn nhân lực, tạo môi trường phát huy tối đa năng lực nội sinh; đồng thời chú trọng thu hút nhân tài từ nơi khác đến, đặc biệt là các nhà khoa học đầu ngành, kỹ thuật viên lành nghề nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa” (1).

Trên cơ sở phương hướng, mục tiêu trên, ngày 20-10-2008 Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng đã Nghị quyết số 17-NQ/TU Về đào tạo, nâng cao và phát triển nguồn nhân lực tỉnh Lâm Đồng đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020. Ngày 18-4-2017, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU Về đào tạo, phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tỉnh Lâm Đồng, giai đoạn 2017-2020 và định hướng đến năm 2025 nhằm tạo ra bước đột phá trong phát triển nguồn nhân lực.

Qua quá trình triển khai và thực hiện các nghị quyết, công tác đào tạo, nâng cao và phát triển nguồn nhân lực của Lâm Đồng đã đạt nhiều kết quả quan trọng trên một số lĩnh vực như sau:

Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chc, viên chc về trình độ chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị, tin học văn phòng, ngoại ngữ: Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng đặc biệt chú trọng đến công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực toàn diện. Đến nay đã đào tạo: “Sau đại học 662 người, đại học 1.257, lý luận chính trị 7.380 người; quản lý nhà nước 4.259 người, ngoại ngữ và tin học 1.007 người; toàn tỉnh mở gần 400 lớp bồi dưỡng về chuyên môn theo yêu cầu vị trí việc làm, bồi dưỡng theo chức danh lãnh đạo quản lý, kỹ năng lãnh đạo, giao tiếp, đạo đức công vụ cho 21.241 lượt cán bộ công chức” (2).

Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực sự nghiệp giáo dục – đào tạo: Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên cơ bản đủ về số lượng và đáp ứng yêu cầu về chất lượng: “Tổng số cán bộ, giáo viên, nhân viên quản lý là 23.285 trong đó cán bộ quản lý là 1.594 người, giáo viên là 18.143 người, nhân viên là 3.584 người. Tỷ lệ giáo viên (mầm non, phổ thông) đạt chuẩn 99,38%, trên chuẩn 61,35%” (3).

Đào tạo công nhân lành nghề: tỉnh Lâm Đồng có 39 cơ sở dạy nghề, hoạt phù hợp với yêu cầu phát triển và nhu cầu của thị trường. “Có khoảng 192.000 lao động được đào tạo nghề; tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề 70%, lao động qua đào tạo cấp chứng chỉ đạt 55%. Bình quân hằng năm giải quyết việc làm từ 29 đến 30 ngàn lao động, có trên 600 lao động đi làm việc ở nước ngoài” (4).

Như vậy, công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực Lâm Đồng có nhiều chuyển biến tích cực: đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức bảo đảm về số lượng và chất lượng; cơ cấu nguồn nhân lực từng bước được điều chỉnh hợp lý hơn; đào tạo nghề cho đội ngũ lao động trực tiếp được quan tâm, trình độ tay nghề, đạo đức, văn hóa người lao động được nâng lên; việc hợp tác với các trường đại học, viện nghiên cứu lớn, có uy tín đạt những kết quả quan trọng bước đầu; sự phát triển nguồn nhân lực là một trong những yếu tố có tính chất quyết định đến sự phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh, xây dựng hệ thống chính trị, đưa địa phương tiếp tục phát triển nhanh và bền vững.

Với những kết quả đạt được như trên, một số kinh nghiệm được rút ra trong quá trình lãnh đạo phát triển nguồn nhân lực của Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng như sau:

Một là, nhận thức đúng và vận dụng sáng tạo chủ trương của Đảng về phát triển nguồn nhân lực vào điều kiện thực tiễn địa phương

Quá trình lãnh đạo, chỉ đạo công tác phát triển nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng là quá trình nâng cao nhận thức, chất lượng, hiệu quả lãnh đạo của các cấp ủy Đảng. Điều này được quán triệt sâu sắc, thể hiện cụ thể trong các nghị quyết, chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện của các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, lãnh đạo các sở, ngành, đoàn thể và doanh nghiệp trong tỉnh.

Cấp ủy, chính quyền các cấp đã nhận thức rõ những khó khăn thuận lợi; đánh giá đúng kết quả thực hiện là cơ sở để nâng cao năng lực, trình độ thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chế độ, chính sách của Nhà nước về phát triển nguồn nhân lực thành các chương trình, kế hoạch thực hiện cụ thể phù hợp với thực tiễn của địa phương, coi đây là nhiệm vụ có tính chiến lược trước mắt và lâu dài trong sự phát triển kinh tế, xã hội. Công tác đào tạo nguồn nhân lực đã góp phần nâng cao năng lực, trình độ lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các thể chế, chế độ, chính sách, chương trình, kế hoạch phát triển nguồn nhân lực của các cấp ủy. Trong xây dựng chương trình, kế hoạch tuyên truyền phổ biến cũng như chương trình, kế hoạch cụ thể triển khai thực hiện các thể chế, chế độ chính sách sửa đổi, bổ sung về phát triển nguồn nhân lực đã xác định rõ mục đích, yêu cầu nội dung, nhiệm vụ, thời gian, các bước, các giai đoạn thực hiện, kinh phí, điều kiện cơ sở vật chất, nguồn nhân lực thực hiện, các giải pháp thực hiện. Đó là cơ sở để các chương trình, kế hoạch đào tạo, phát triển nguồn nhân lực trở thành hiện thực.

Ngoài ra, Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng đã cụ thể trong việc phân công cán bộ phụ trách, cơ quan chủ quản về đào tạo nguồn nhân lực: thành lập Hội đồng phát triển nhân lực do Chủ tịch UBND tỉnh làm Chủ tịch Hội đồng. Hội đồng có nhiệm vụ tham mưu giúp UBND tỉnh trong công tác phát triển nhân lực, đáp ứng nhu cầu của địa phương; thực hiện việc kiểm tra, giám sát, hướng dẫn các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố, các cơ sở đào tạo xây dựng và triển khai thực hiện Quy hoạch phát triển nhân lực đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; xây dựng kế hoạch đào tạo 5 năm và hằng năm của địa phương, đơn vị theo đúng định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ về nhu cầu nhân lực phát triển kinh tế xã hội cho từng năm và đến năm 2020.

Xác định rõ vai trò, trách nhiệm từng đơn vị, địa phương đối với việc xây dựng quy hoạch phát triển nhân lực đồng bộ với chiến lược, kế hoạch phát triển chung của tỉnh; coi trọng và quyết tâm thực thi chính sách giáo dục và đào tạo phù hợp là nhân tố quyết định tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự phát triển nhanh và bền vững. Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; chủ động phát hiện, đề xuất với Trung ương mô hình phát triển và các cơ chế, chính sách đặc thù; bám sát các bộ, ngành, tranh thủ tối đa sự tài trợ của Trung ương. Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và đổi mới quản lý nhà nước về phát triển nguồn nhân lực; xây dựng kế hoạch và giải pháp thực hiện hằng năm, 5 năm và dài hạn trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực của từng ngành, từng địa phương. Thực hiện việc phân cấp, tách bạch và phân định rõ việc quản lý, sử dụng nhân lực trong cơ quan hành chính nhà nước, các đơn vị sự nghiệp công lập, các doanh nghiệp, các hợp tác xã để thực hiện chiến lược phát triển nguồn nhân lực gắn với chiến lược phát triển kinh tế xã hội, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế của địa phương.

 Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo các cấp ủy sở, ban, ngành đẩy mạnh việc giáo dục, nâng cao nhận thức bằng nhiều hình thức tuyên truyền như thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, sinh hoạt chi bộ, thực hiện các khâu trong công tác cán bộ… các quan điểm, mục tiêu về xây dựng nguồn nhân lực được tuyên truyền, phổ biến sâu rộng, đầy đủ đến các cấp ủy, tổ chức đảng, từng cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Ngoài ra, các cấp ủy đã chỉ đạo Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị – xã hội cùng cấp tổ chức tuyên truyền, quán triệt nội dung Nghị quyết phát triển nguồn nhân lực của Tỉnh ủy Lâm Đồng cho đoàn viên, hội viên. Tích cực đổi mới công tác phát triển nguồn nhân lực gắn với đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trên các mặt của đời sống xã hội. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng rèn luyện, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên và người lao động có bản lĩnh chính trị vững vàng, có trình độ năng lực chuyên môn, phẩm chất đạo đức tốt, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ thời kỳ mới.

Hai là, chú trọng công tác xây dựng quy hoạch phát triển nguồn nhân lực và sáng tạo triển khai thực hiện

Việc quy hoạch phát triển nguồn nhân lực đòi hỏi sự tham gia của cả hệ thống chính trị tỉnh Lâm Đồng, nhằm tạo ra sự đột phá trong tiến trình phát triển kinh tế xã hội. Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành nhiều đề án, bổ sung, xây dựng các văn bản mới về phát triển nguồn nhân lực như: Quyết định về Phê duyệt đề án đào tạo, nâng cao và phát triển nguồn nhân lực tỉnh Lâm Đồng đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020; Quyết định về Phê duyệt Dự án đào tạo nhân lực công nghệ thông tin cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2009-2010; Đề án quy hoạch phát triển nguồn nhân lực du lịch Lâm Đồng giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025; Kế hoạch đào tạo bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức người lao động tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2025… Các quy hoạch trên là định hướng quan trọng và là cơ sở để các sở, ban, ngành địa phương triển khai chỉ đạo, điều hành, hoạch định các cơ chế chính sách về phát triển nguồn nhân lực.

Trên cơ sở quy hoạch và chiến lược phát triển kinh tế xã hội, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành cụ thể hóa quy hoạch, dự báo nhu cầu lao động, xây dựng các chương trình phát triển nguồn nhân lực đảm bảo tính đồng bộ và khả thi. Củng cố, hoàn thiện hệ thống quản lý phát triển nhân lực từ cấp tỉnh đến các địa phương. Nâng cao trình độ bộ máy quản lý phát triển nhân lực khu vực công và các phòng, bộ phận phụ trách công tác tổ chức, nhân sự của các cơ quan quản lý hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp trên địa bàn tỉnh. Từng bước áp dụng mô hình và phương pháp quản trị nhân sự hiện đại. Mỗi cơ quan, đơn vị đã xây dựng kế hoạch phát triển nhân lực trong từng thời kỳ; xác định hệ thống vị trí việc làm và tiêu chuẩn nhân sự phù hợp; thực hiện tuyển dụng công khai, minh bạch; có kế hoạch thu hút, đào tạo, bồi dưỡng nhân lực; đổi mới phương pháp đánh giá năng lực công tác và chế độ khen thưởng, kỷ luật; đổi mới phương pháp quản lý nhân lực theo hướng hiện đại, hiệu quả.

Đẩy mạnh luân chuyển cán bộ trẻ về cơ sở để tích lũy kinh nghiệm, phát huy năng lực, là cơ sở để xem xét đề bạt, bổ nhiệm. Công tác quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ các cấp được các sở, ban, ngành của tỉnh hằng năm triển khai thực hiện nghiêm túc, mang lại kết quả tương đối tốt và đi vào nền nếp.

Tỉnh ủy đã xây dựng Chương trình hành động của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 4-11-2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Từng bước thực hiện tốt khâu dự báo và quy hoạch, các thông tin cơ bản về thị trường lao động: dân số hoạt động kinh tế, nguồn lao động, tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm… là cơ sở quan trọng cho việc quản lý vĩ mô, xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực.

Ba là, tập trung ưu tiên phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho các ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh

Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo việc sắp xếp lại hệ thống các cơ sở đào tạo như: đại học, cao đẳng và dạy nghề. Trên địa bàn tỉnh có 2 trường đại học, 6 trường cao đẳng, 4 trường trung cấp dạy nghề, 4 trường cao đẳng nghề; có 39 cơ sở dạy nghề theo hướng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển của các ngành, các lĩnh vực. Tỉnh Lâm Đồng đã lựa chọn các ngành kinh tế mũi nhọn để ưu tiên phát triển nguồn nhân lực phù hợp với chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng chuyển dịch lao động ngành Nông nghiệp sang lao động ngành Du lịch, Dịch vụ, Công nghiệp. Công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao được quan tâm; nhiều chương trình hợp tác, liên kết đào tạo phát triển nguồn nhân lực được triển khai.

Đối với nguồn nhân lực phục vụ cho nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo tiến hành tuyển chọn và đưa cán bộ đi đào tạo sau đại học trong và ngoài nước; ký kết nhiều chương trình hợp tác với trường Đại học Nông lâm TP.HCM, Đại học Quốc gia TP.HCM để đào tạo đại học và sau đại học tại tỉnh Lâm Đồng. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã phê duyệt Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020. Đề án xác định mục tiêu và các cơ chế, chính sách đối với công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Để thu hút khoảng 7.000-10.000 lao động nông thôn mỗi năm, tỉnh đã chỉ đạo thực hiện các biện pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, đồng thời tiến hành hỗ trợ chi phí ăn ở, đi lại và học nghề với định mức từ 2-3 triệu đồng/người/khóa học; dành khoảng 1,0-1,5% tổng chi ngân sách thường xuyên của địa phương cho công tác đào tạo nguồn nhân lực. Nhờ đó nguồn nhân lực ngành nông nghiệp đã được nâng lên.

Quyết định số 916/QĐ-UBND của UBND tỉnh Lâm Đồng về Phê duyệt quy hoạch phát triển nguồn nhân lực tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020 xác định rõ tiêu chí đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực ngành Du lịch. Một số trường đào tạo về du lịch đã nhận được sự hỗ trợ của các tố chức quốc tế trang bị cơ sở vật chất, thiết bị giảng dạy theo hướng đạt tiêu chuẩn hiện đại như Đại học Yersin, Cao đẳng nghề Du lịch Đà Lạt.

Nhờ những chủ trương và chính sách đúng đắn của tỉnh, phát triển nguồn nhân lực ngành Du lịch được nâng lên: “80% đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về du lịch từ cấp tỉnh đến các địa phương, các đơn vị sự nghiệp được đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu về du lịch; 70% lao động phục vụ trực tiếp du lịch được đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ chuyên môn; 90% cơ sở đào tạo du lịch xây dựng chương trình giảng dạy đáp ứng được yêu cầu thực tiễn” (5).

Bốn là, thường xuyên đổi mới cơ chế, chính sách đối với công tác phát triển nguồn nhân lực, phù hợp với điều kiện của địa phương và đáp ứng sự phát triển bền vững

Phát triển nông nghiệp ở Lâm Đồng là chính, song dân số ít, nên nguồn nhân lực tại chỗ không thể đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của các ngành kinh tế. Vì vậy, thu hút nguồn nhân lực là giải pháp hàng đầu để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Thực hiện chủ trương đó, tỉnh Lâm Đồng đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích và thúc đẩy thu hút nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ quá trình phát triển kinh tế xã hội như: Quyết định về việc ban hành quy định chế độ trợ cấp và tiền thưởng đối với cán bộ, công chức, viên chức đi học trong nước; Quyết định về việc ban hành quy định hỗ trợ các doanh nghiệp và hợp tác xã đào tạo nghề cho người lao động trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng… Tỉnh đã tiến hành đổi mới, tiếp cận xây dựng nền giáo dục, đào tạo phục vụ nhu cầu của xã hội như: xây dựng chương trình, giáo trình học phù hợp công việc thực tế và nhu cầu của xã hội; xây dựng cơ sở đào tạo theo hướng gắn trách nhiệm của doanh nghiệp với việc đào tạo nhân lực.

Thực hiện xây dựng chính sách thu hút nhân tài, có chính sách hỗ trợ thỏa đáng về tiền lương, nhà ở nhằm thu hút các chuyên gia đầu ngành, các nhà khoa học giỏi, công nhân lành nghề từ các nơi khác đến làm việc cho tỉnh Lâm Đồng. Khuyến khích hỗ trợ tối đa đối với cán bộ, công chức có năng lực luân chuyển đến làm việc tại các huyện thuộc vùng sâu, vùng xa. Đổi mới cơ chế, trọng dụng nhân tài, sử dụng và phát triển tài năng của thế hệ trẻ một cách hợp lý.

Ngoài ra, cấp ủy, chính quyền các cấp đã tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh; xây dựng sàn giao dịch việc làm, hoàn thiện và thường xuyên cập nhật thông tin việc làm nhằm tạo cơ hội tìm việc làm cho người lao động. Bên cạnh đó, các trường trung học phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên đã thực hiện tốt công tác hướng nghiệp cho học sinh để định hướng lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với khả năng, điều kiện và nhu cầu của địa phương.

Những kết quả đã đạt được và những kinh nghiệm rút ra từ quá trình lãnh đạo công tác phát triển nguồn nhân lực là cơ sở để Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng thực hiện thành công công tác phát triển nguồn nhân lực, phục vụ cho thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, góp phần vào quá trình thực hiện thành công đổi mới đất nước.

_______________

Tài liệu tham khảo

1. Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng, Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ VIII nhiệm kỳ 2006-2010, 2006.

2, 3, 4. Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng, Báo cáo tình hình thực hiện phát triển kinh tế, xã hội 5 năm 2016-2020; mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội giai đoạn 2021-2025, 2020.

5. Tỉnh ủy Lâm Đồng, Báo cáo số 135-BC/TU ngày 20/4/2017, Kết quả thực hiện Nghị quyết số 17-NQ/TU ngày 20/10/2008 của Tỉnh ủy Lâm Đồng về đào tạo, nâng cao và phát triển nguồn nhân lực tỉnh Lâm Đồng đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020, 2017.

Tác giả: Nguyễn Văn Tú – Vũ Xuân Phú

Nguồn: Tạp chí VHNT số 443, tháng 11-2020

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *