Đất nước ta đang tiến hành đẩy mạnh toàn diện và đồng bộ công cuộc đổi mới, bên cạnh thời cơ và thuận lợi chúng ta cũng đang đứng trước nhiều nguy cơ, thử thách. Đặc biệt qua hơn 30 năm đổi mới, đất nước đang đi vào chiều sâu của quá trình đổi mới kinh tế gắn với đổi mới chính trị, của dân chủ hóa đời sống chính trị thì xây dựng văn hóa chính trị (VHCT) thật sự trở thành một yêu cầu bức thiết và có ý nghĩa hết sức quan trọng, tác động mạnh mẽ và quyết định đến thắng lợi của cách mạng. Mặc dù vậy, xây dựng VHCT ở nước ta đã, đang phải đối mặt với nhiều vấn đề đặt ra cần phải tập trung ưu tiên giải quyết.
1. Trình độ VHCT của nhân dân đã được nâng rõ nét, nhưng bên cạnh đó, vẫn tồn tại không ít những hạn chế, bất cập, ảnh hưởng không nhỏ đến xây dựng VHCT ở nước ta hiện nay
Thực tiễn những năm qua cho thấy, sự tham gia vào đời sống chính trị của nhân dân ta ngày càng rõ ràng, đầy đủ và sâu rộng. Trong đó, lòng tin của nhân dân đối với chế độ và tiền đề của đất nước, với Đảng, với Nhà nước được khẳng định, trình độ tri thức và sự hiểu biết chính trị, niềm tin và tình cảm chính trị của các tầng lớp nhân dân về cơ bản được nâng cao; tính tự giác và tích cực tham gia các hoạt động chính trị của đất nước phục vụ lợi ích của nhân dân và toàn xã hội cũng có nhiều chuyển biến. Khi trình độ VHCT cao, mỗi chủ thể sẽ càng nhận thức sâu hơn về những giá trị xã hội, về quyền và nghĩa vụ của mình cũng như khả năng độc lập đánh giá về những sự kiện chính trị đang diễn ra.
Mặc dù vậy, trình độ VHCT của nhân dân ta đang đứng trước những vấn đề cấp thiết phải giải quyết, như: phần lớn các bộ phận nhân dân chưa tích cực tìm hiểu, học tập, nâng cao nhận thức chính trị, do đó tri thức chính trị của họ còn nhiều bất cập, nhất là nhân dân ở vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo… Một bộ phận không nhỏ nhân dân còn hạn chế trong phản biện, tranh luận chính trị; những sinh hoạt chính trị nhằm đóng góp xây dựng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” tuy đã được tuyên truyền sâu rộng trong đại đa số quần chúng nhân dân, nhưng số lượng và chất lượng tham gia của các tầng lớp nhân dân chưa cao; một số ít còn thờ ơ với những sự kiện chính trị, thiếu định hướng chính trị trong các hoạt động; thậm chí còn tâm lý e ngại, né tránh các vấn đề chính trị của nhiều người dân, hoặc còn bộ phận nhỏ nhân dân, nhất là lớp trẻ (do thiếu kinh nghiệm và bị tác động bởi chiến lược “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch) nên dễ lung lay niềm tin chính trị, từ đó có sự dao động về tư tưởng, thái độ hoài nghi đối với Đảng, với Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa; hành động chính trị còn thụ động, thiếu tính sáng tạo… Chính những hạn chế trên đã ảnh hưởng không tốt đến việc hình thành và phát huy văn hóa tranh luận trong chính trị, văn hóa dân chủ, văn hóa pháp luật…
Khắc phục những hạn chế trên, nhằm tiếp tục nâng cao VHCT trong xã hội đã và đang trở thành một vấn đề chính trị thực tiễn cấp bách đối với mọi chủ thể chính trị ở nước ta hiện nay. Điều này đòi hỏi trước hết phải coi trọng việc nâng cao học vấn, nhất là trình độ VHCT cho các tầng lớp nhân dân. Trong đó, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, giác ngộ chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh – với tư cách là chân lý khoa học, bản chất nhân văn, nhân đạo cùng với những giá trị văn hóa truyền thống đã trở thành cơ sở tư tưởng, giá trị cốt lõi chi phối VHCT ở nước ta. Mặt khác, bồi dưỡng năng lực tư duy, phát huy tích tích cực, chủ động nhạy bén chính trị cho các chủ thể, nhất là thế hệ trẻ, từ đó bồi dưỡng tình cảm, trau dồi đạo đức rèn luyện hành vi văn hóa, làm cho mỗi người nhận thức tự giác về nghĩa vụ và trách nhiệm của mình đối với bản thân, cộng đồng, tổ chức, đoàn thể, công việc, đất nước. Cần có biện pháp thu hút, khuyến khích mọi công dân vào các hoạt động chính trị – xã hội, tạo lập ở họ tính tích cực chính trị, sự phản xạ kịp thời và sự hưởng ứng chuẩn mực với những hiện tượng chính trị, những nhiệm vụ chính trị của Đảng, Nhà nước đề ra.
Đồng thời, tích cực xây dựng lối sống lành mạnh, nếp sống văn minh, cần, kiệm, trung thực, nhân nghĩa, tôn trọng kỷ cương phép nước, quy ước của cộng đồng. “Xây dựng văn hóa trong hệ thống chính trị, trong từng cộng đồng làng, bản, khu phố, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và mỗi gia đình, góp phần giáo dục, rèn luyện con người về nhân cách, đạo đức, lối sống” (1). Tiếp tục đổi mới, kiện toàn hệ thống chính trị, bảo đảm sự lãnh đạo chính trị duy nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam, chức năng quản lý của Nhà nước, phát huy vai trò của các tổ chức chính trị – xã hội trong việc lôi cuốn nhân dân lao động vào xây dựng và phát triển VHCT.
Phát huy văn hóa dân chủ của nhân dân thông qua thực hành văn hóa tranh luận, văn hóa giao tiếp, văn hóa ứng xử trong thực tiễn chính trị. Nâng cao chất lượng, hiệu quả và thói quen tự giác tham gia các hoạt động chính trị thực tiễn của mỗi công dân, bởi lẽ chỉ có thông qua hoạt động chính trị thực tiễn mỗi chủ thể mới có thể phát huy tính tích cực chính trị của mình, khẳng định thực tế trình độ VHCT của mình.
2. Nghiên cứu phương thức, cơ chế giải quyết hài hòa, đồng bộ mối quan hệ giữa chính trị và văn hóa nhằm làm cho văn hóa thấm sâu vào chính trị, chính trị khai thác tối đa văn hóa, góp phần thúc đẩy sự phát triển ổn định, bền vững của xã hội
Về bản chất, VHCT là sự thẩm thấu của văn hóa vào chính trị, trong đó văn hóa đóng vai trò quan trọng, giữ cho chính trị khỏi bị tha hóa, đồng thời tạo cho chính trị một nền tảng giá trị văn hóa để thực hiện được các lý tưởng, mục đích chính trị vì con người. Chính trị có văn hóa là chính trị vì dân, chính trị giải phóng con người, giải phóng các năng lực xã hội để cho cộng đồng, con người được sống và sống ngày càng tốt hơn; chính trị không có văn hóa là chính trị tàn bạo, dã man, phi nhân tính. Vì vậy, tất yếu phải đưa văn hóa tác động vào chính trị, bản thân chính trị cũng phải trở thành giá trị văn hóa đích thực. Mặt khác, bản thân văn hóa, nhất là văn hóa tinh thần luôn gắn với thế giới quan, hệ tư tưởng, quan điểm chính trị, luôn cần đến sự dẫn dắt, định hướng của chính trị trong hoạt động và phát triển. Điều đó có nghĩa, “VHCT không phải là bản thân chính trị, bản thân văn hóa, hay là sự cộng gộp giản đơn hai lĩnh vực này, mà đó là chính trị bao hàm tính văn hóa từ bản chất bên trong của nó” (2).
Thấm nhuần quan điểm cơ bản đó, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm nghiên cứu, soạn thảo và ban hành các nghị quyết, chỉ thị về văn hóa, đồng thời chú trọng vấn đề giáo dục, truyền thụ các giá trị văn hóa trong nhân dân. Nhờ đó, kiến thức, tư duy về văn hóa có bước phát triển; nhận thức về vấn đề xã hội hóa hoạt động văn hóa có bước tiến bộ rõ so với trước; cán bộ, đảng viên và nhân dân đã coi trọng hơn các giá trị văn hóa. Cùng với đó, nhiều chuẩn mực văn hóa, đạo đức mới được hình thành, như làm giàu chính đáng, tôn trọng pháp luật. “Đời sống văn hóa của nhân dân được cải thiện. Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa đã khơi dậy được nhiều giá trị nhân văn trong cộng đồng. Việc xây dựng môi trường văn hóa đã được chú trọng hơn. Công tác quản lý nhà nước về văn hóa được tăng cường. Giao lưu và hợp tác quốc tế về văn hóa có nhiều khởi sắc” (3).
Mặc dù vậy, khách quan đánh giá, thẳng thắn xem xét chúng ta thấy rằng, sự thẩm thấu, xâm nhập vào nhau, chuyển hóa lẫn nhau giữa văn hóa với chính trị, giữa chính trị với văn hóa chưa thật nhuần nhuyễn và triệt để; văn hóa chưa thực sự mang dấu ấn chính trị và chưa nâng chính trị lên tầm văn hóa. Biểu hiện rõ nét nhất là ở các hiện tượng như: phương thức lãnh đạo của Đảng, hiệu quả quản lý của Nhà nước đối với lĩnh vực văn hóa chưa thật sự được đổi mới và nâng cao; nghị quyết, chỉ thị ban hành khá nhiều nhưng đi vào thực tiễn cuộc sống xã hội chưa thật sâu, rộng. Ngoài ra, đời sống văn hóa chưa theo kịp sự phát triển đất nước; tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong Đảng và trong xã hội có chiều hướng gia tăng, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống tinh thần của xã hội. “Đời sống văn hóa tinh thần ở nhiều nơi còn nghèo nàn, đơn điệu; khoảng cách hưởng thụ văn hóa giữa miền núi, vùng sâu, vùng xa với đô thị và trong các tầng lớp nhân dân chậm được rút ngắn… tệ nạn xã hội và một số loại tội phạm có chiều hướng gia tăng. Việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa đạt hiệu quả chưa cao… Tình trạng nhập khẩu, quảng bá, tiếp thu dễ dãi, thiếu chọn lọc sản phẩm văn hóa nước ngoài đã tác động tiêu cực đến đời sống văn hóa của một bộ phận nhân dân, nhất là lớp trẻ” (4). Sự biến tướng của nhiều lễ hội, phim ảnh, biểu diễn nghệ thuật thiên về giải trí, kích động bạo lực, thông tin sai trên các mạng xã hội, gây tâm trạng lo lắng, hoài nghi trong xã hội.
Thực tế trên đặt ra yêu cầu cấp thiết phải xác lập một cơ chế giải quyết hài hòa, đồng bộ mối quan hệ giữa chính trị và văn hóa nhằm làm cho văn hóa thấm sâu vào chính trị, còn chính trị khai thác văn hóa được một cách tối đa phục vụ cho chính trị, góp phần thúc đẩy sự phát triển ổn định, bền vững của xã hội. Đây là một chủ trương, giải pháp lớn, mang tính đồng bộ và toàn diện, nhưng trước hết cần: Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với lĩnh vực văn hóa, “chú trọng chăm lo xây dựng văn hóa trong Đảng, trong các cơ quan nhà nước và đoàn thể, coi đây là nhân tố quan trọng để xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh” (5); đồng thời là phương thức gắn kết hữu cơ văn hóa với chính trị ở nước ta hiện nay. Theo đó, các cấp ủy, tổ chức đảng cần xác định xây dựng và phát triển vǎn hóa là một nhiệm vụ quan trọng trong suốt thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; làm cho “văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” (6). Đồng thời, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về văn hóa, tập trung hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách về văn hóa. Phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, vừa phát huy những giá trị tốt đẹp của dân tộc, vừa tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại.
Mặt khác, tập trung xây dựng đời sống, lối sống và môi trường văn hóa lành mạnh, coi trọng văn hóa trong lãnh đạo, quản lý, văn hóa trong kinh doanh và văn hóa trong ứng xử. Chú trọng xây dựng nhân cách con người Việt Nam về lý tưởng, trí tuệ, đạo đức, lối sống, thể chất, lòng tự tin dân tộc, trách nhiệm xã hội, ý thức chấp hành pháp luật, nhất là trong thế hệ trẻ. Đấu tranh phòng, chống các biểu hiện phản văn hóa, các tiêu cực và tệ nạn xã hội; tạo sự chuyển biến về chất trong phong trào toàn dân đoàn kết xây đựng đời sống văn hóa.
3. Tập trung nỗ lực của cả hệ thống chính trị vào củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân vào Đảng và chế độ – một trong những vấn đề cơ bản trong xây dựng VHCT ở nước ta hiện nay
Tình cảm, niềm tin của nhân dân đối với Đảng là tài sản, là phần thưởng vô giá ghi nhận những đóng góp lớn lao của Đảng đối với cách mạng, với nhân dân, với dân tộc Việt Nam trong suốt gần chín thập kỷ qua. Nhưng điều đó không phải là bất biến, một khi bản chất “của dân, do dân, vì dân, trọng dân, gần dân” của Đảng không được gìn giữ, phát huy trước những thách thức, đòi hỏi mới của lịch sử.
Thực tiễn tình hình công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng ta trong những năm gần đây càng khẳng định rõ hơn vấn đề này. Bước vào thời kỳ đổi mới, xây dựng và bảo vệ đất nước trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tăng cường hội nhập quốc tế, cùng với sự chống phá từ âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hoà bình” của các thế lực thù địch ngày càng tinh vi, xảo quyệt đã đặt ra những thách thức mới, to lớn và phức tạp đối với sự lãnh đạo của Đảng. Như trong Văn kiện Đại hội XII, Đảng ta đã thẳng thắn chỉ rõ: “Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của không ít tổ chức đảng còn thấp, thậm chí có nơi mất sức chiến đấu… chất lượng và hiệu quả công tác tư tưởng, lý luận chưa cao… Việc đổi mới công tác cán bộ chưa có đột phá lớn, tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy tuổi, chạy bằng cấp chưa được ngăn chặn, đẩy lùi” (7). Tình trạng suy thoái về tư tưởng, chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống, bệnh cơ hội, giáo điều, bảo thủ, chủ nghĩa cá nhân và tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên còn diễn ra nghiêm trọng, hiện tượng xa dân, những nhu cầu và bức xúc của nhân dân chậm được giải quyết và giải quyết chưa thật triệt để… Và, “những hạn chế, khuyết điểm trên đây làm cho Đảng ta chưa thật sự trong sạch, vững mạnh, làm giảm lòng tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ” (8). Theo đó, nếu những hạn chế, bất cập này không được khắc phục và đẩy lùi kịp thời sẽ có tác động tiêu cực giá trị văn hóa cầm quyền của Đảng, đe dọa đến sự tồn vong của quốc gia – dân tộc.
Xác định rõ vai trò, tầm quan trọng của việc giữ mối liên hệ gắn bó mật thiết với nhân dân, trong bài phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 10 khóa XI, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định “Một trong những nhiệm vụ quan trọng hiện nay là củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước. Cần thẳng thắn thừa nhận, trong bộ máy Nhà nước ta hiện nay có một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa làm tròn trách nhiệm… làm giảm sút lòng tin của nhân dân vào bộ máy của Đảng, Nhà nước, làm mất uy tín, tổn hại danh dự của Đảng, thậm chí đe dọa đến sự tồn vong của Đảng”… Vì vậy, vấn đề tăng cường xây đắp mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa Đảng với nhân dân chính là giải pháp cấp bách, hữu hiệu nhất để góp phần nâng cao năng lực, sức chiến đấu của Đảng, xây dựng Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh, xứng đáng là đội tiên phong của giai cấp công nhân và của cả dân tộc. Và đó cũng chính là một trong những vấn đề cơ bản, cấp thiết đặt ra đối với việc xây dựng VHCT ở nước ta hiện nay.
Để có thể thực hiện được điều này cần phải có sự đồng sức, đồng lòng và quyết tâm cao độ của hệ thống chính trị từ trung ương dến địa phương mà trước hết phải xác định là trách nhiệm của mỗi người cán bộ, đảng viên. Trong đó, cán bộ, đảng viên phải nêu gương. Sự gương mẫu của mỗi cán bộ, đảng viên và mỗi tổ chức đảng cũng chính là VHCT, văn hóa Đảng. Bởi lẽ, “gương mẫu là một nội dung, một phương thức trọng yếu trong công việc lãnh đạo của Đảng” (9). Do đó, để góp phần xây dựng VHCT cần tiếp tục đề cao sự gương mẫu về mọi mặt của các tổ chức và từng cán bộ, đảng viên. Mặt khác, đội ngũ cán bộ, đảng viên còn phải biết giữ lời hứa trước dân, cần thấm nhuần sâu sắc lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Chính phủ ta đã hứa với dân, sẽ gắng sức làm” (10).
Đặc biệt, trong điều kiện hiện nay, phải thực hiện công khai, minh bạch. Đây là yếu tố rất quan trọng tạo dựng niềm tin của nhân dân. Công khai, minh bạch chính là thực hiện quyền dân chủ, quyền được biết của người dân. Minh bạch trong Đảng, trong Nhà nước, minh bạch của cán bộ, công dân là một trong những yêu cầu tất yếu của một xã hội văn minh, hiện đại. Cùng với đó, cán bộ, đảng viên cần thực hiện phong cách “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân, có trách nhiệm với dân, nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”. Ngoài ra, phải tăng cường các đối thoại, chất vấn, góp ý phê bình giữa các nhà lãnh đạo, quản lý với dân chúng. Đây chính là nơi, là hoạt động thiết thực để kiểm chứng, “đo lường” cả năng lực, phẩm chất lẫn uy tín, trách nhiệm của người lãnh đạo và quản lý với nhân dân.
____________
1, 3, 4, 5, 6, 7, 8. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr.127, 124, 125, 126, 128, 192, 197.
2. Phạm Huy Kỳ, Văn hóa chính trị Việt Nam trong thời kỳ đổi mới, Tạp chí Cộng sản điện tử, ngày 8-6-2010.
9. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1998, tr.81.
10. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 4, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.64.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 408, tháng 6 – 2018
Tác giả : NGUYỄN ĐÌNH BẮC – HOÀNG CHUNG HIẾU
Bài viết cùng chủ đề:
Tản mạn về truyền thống hỗn dung tín ngưỡng của người việt (p2)
Thực trạng hệ thống pháp luật về văn hóa, gia đình và một số định hướng trong thời gian tới
Một số rào cản trong môi trường văn hóa kinh doanh ở việt nam