Một số vấn đề đặt ra từ di tích lịch sử văn hóa bắc ninh

Bắc Ninh là một vùng đất có lịch sử lâu đời. Dưới các triều đại phong kiến, tỉnh Bắc Ninh được gọi là Kinh Bắc. Đến năm 1822, nhà Nguyễn cho đổi trấn Kinh Bắc thành tỉnh Bắc Ninh. Địa bàn tỉnh Bắc Ninh khi ấy bao trùm các tỉnh Bắc Ninh, , một phần các tỉnh , và thành phố ngày nay.

            Bắc Ninh – Kinh Bắc xưa có vị trí rất quan trọng trong việc giao thương buôn bán đường thủy bởi có nhiều dòng sông cổ chảy qua như sông Dâu, sông Tiêu Tương, sông Như Nguyệt, sông Ngũ Huyện Khê, sông Đuống… Giao thông bộ cũng rất thuận tiện khi đi lên phía bắc như Lạng Sơn, Thái Nguyên, hay đi về xứ Đông như Hải Phòng, Hải Dương, Quảng Ninh… Nằm ở phía bắc, cận kề với kinh thành Thăng Long nên Bắc Ninh được coi là lá chắn vững chắc bảo vệ thủ đô. Trong lịch sử, Bắc Ninh đã nhiều lần là địa bàn chiến lược để cản bước quân thù muốn tiến đánh Thăng Long.

Bắc Ninh – Kinh Bắc là nơi cư trú của người Việt cổ từ hàng ngàn năm trước. Địa bàn cư trú chủ yếu nằm ở ven sông Cầu, sông Dâu, sông Tiêu Tương… Hàng loạt di vật đã được tìm thấy tại các di chỉ khảo cổ Chùa Lái (Bắc Ninh), Quả Cảm (Yên Phong), Đại Lai (Gia Bình), Đại Trạch (Thuận Thành)… như trống đồng, dao găm, rìu, giáo, mảnh giáp, mảnh gốm, đĩa bát…

Bắc Ninh có thành cổ Luy Lâu (nay nằm ở huyện Thuận Thành) là thủ phủ nước ta dưới thời Bắc thuộc kéo dài hàng nghìn năm với các tên gọi khác nhau: Luy Lâu, Liên Lâu, Dinh Lâu, Long Uyên, Long Biên, một đô thị cổ, một trung tâm thương mại phồn thịnh những năm đầu công nguyên. Luy Lâu cũng là địa bàn đầu tiên Phật giáo được truyền vào nước ta. Vào thời điểm đó, cùng với Bành Thành và Lạc Dương của Trung Quốc, Luy Lâu đã trở thành 1 trong 3 trung tâm Phật giáo lớn của khu vực.

Trải thời gian, Bắc Ninh là vùng đất phát tích của vương triều Lý – triều đại đầu tiên của nhà nước quân chủ Đại Việt độc lập đã mở ra nền văn minh Đại Việt. Với 200 năm phát triển rực rỡ, triều Lý để lại cho các thế hệ sau nhiều di sản văn hóa quý giá.

Con người xứ Kinh Bắc, “…quen giao lưu, tiếp xúc, quen buôn bán nhỏ, quen với cả những “thú vui phong lưu nhỏ”(tiểu phong lưu) kiểu thị dân – thôn dã; hay thôn dân…” (1). Trong giao tiếp, ứng xử văn hóa có những sự nhuần nhị, lịch lãm “ăn Bắc, mặc Kinh”, ý nhị trong từng lời ăn tiếng nói. Hơn thế, Bắc Ninh là miền quê vốn có truyền thống khoa bảng, vùng đất của học hành – thi cử “một đống ông nghè, một bè tiến sĩ, một bị trạng nguyên, một thuyền bảng nhãn”, “dốt Đông Ngàn còn hơn người ngoan thiên hạ”. Trong những kỳ thi đình dưới các triều đạo phong kiến, cả nước chọn được 47 trạng nguyên và 2991 tiến sĩ thì riêng Kinh Bắc đã có tới 17 trạng nguyên và 622 tiến sĩ, tiêu biểu trong số đó là “ông trạng khai khoa” Lê Văn Thịnh, dòng họ Nguyễn ở làng Kim Đôi với 14 người đỗ tiến sĩ, làng Tam Sơn – địa phương duy nhất cả nước có đủ tam khôi với 22 vị đại khoa trong đó có hai trạng nguyên…

Bắc Ninh cũng sản sinh nhiều danh nhân có những đóng góp quan trọng trong lịch sử như Lý Công Uẩn, Nguyên phi Ỷ Lan, Lê Văn Thịnh, Hàn Thuyên, Nguyễn Gia Thiều… rồi sau này là Nguyễn Văn Cừ, Ngô Gia Tự, Hoàng Quốc Việt… mãi là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam

Bắc Ninh là quê hương của nhiều hội hè đình đám, nhiều làng nghề truyền thống có lịch sử hàng trăm năm, đặc biệt là “đặc sản” quan họ. Chỉ có đến Bắc Ninh chúng ta mới gặp những liền anh áo the khăn xếp, liền chị thướt tha nón thúng quai thao, trong áo mớ ba mớ bảy, say với những canh hát thâu đêm.

Điểm qua vài nét về con người, mảnh đất Bắc Ninh để khẳng định: đây là vùng đất địa linh, nhân kiệt, có lịch sử lâu đời, giàu truyền thống lại có những ưu đãi của tự nhiên: mưa thuận gió hòa, địa hình tương đối bẳng phẳng. Những yếu tố này đã góp phần tạo cho Bắc Ninh có một kho tàng di sản văn hóa vô cùng phong phú, đa dạng và giàu giá trị còn được lưu giữ đến ngày hôm nay. Một trong những thành tố trong kho tàng di sản văn hóa quý giá đó là các di tích lịch sử – văn hóa (DTLSVH) được ông cha ta để lại, đang được bảo lưu, bảo tồn và phát huy giá trị với nhiều hiệu quả đáng kể. Hiện nay, tỉnh Bắc Ninh có gần 2000 di tích phân bố ở khắp các xã, huyện trong tỉnh, đậm đặc nhất là ở các huyện Thuận Thành, Từ Sơn, Tiên Du, Yên Phong và TP. Bắc Ninh.

DTLSVH tại Bắc Ninh là những chứng tích vật chất xác thực phản ánh sinh động lịch sử lâu đời và truyền thống văn hiến, cách mạng của nhân dân Bắc Ninh. Nhiều di tích không chỉ là những di sản văn hóa tiêu biểu của quê hương Bắc Ninh mà còn là của cả dân tộc Việt Nam như chùa Dâu, chùa Phật Tích, chùa Dạm, chùa Bút Tháp, Văn miếu Bắc Ninh… Các DTLSVH của Bắc Ninh nhiều về số lượng, đa dạng về loại hình, chứa đựng những giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thẩm mỹ… Bên cạnh đó, Bắc Ninh có nhiều di tích liên quan trực tiếp đến nhà Lý, trong khi cả nước đang hướng tới đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội, vấn đề quản lý và phát huy giá trị của các di tích càng mang nhiều ý nghĩa.

Tính tới thời điểm tháng 12-2008, Bắc Ninh có 383 di tích được nhà nước xếp hạng, trong đó có 187 di tích được Bộ VHTTDL quyết định xếp hạng, 196 di tích được UBND tỉnh Bắc Ninh quyết định xếp hạng (2). Các di tích được xếp hạng bao gồm loại hình: di tích khảo cổ học, di tích kiến trúc nghệ thuật, di tích lịch sử, di tích lịch sử cách mạng – kháng chiến.

Để tăng cường hiệu quả quản lý các DTLSVH, UBND tỉnh Bắc Ninh đã ký quyết định số 1002/Q-UBND, ngày 31-7-2007 về việc thành lập Ban Quản lý di tích tỉnh Bắc Ninh (BQLDT), trực thuộc Sở Văn hóa – Thông tin Bắc Ninh (nay là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch).

Trải qua gần 2 năm hoạt động, BQLDT bước đầu đã hoàn thành tốt nhiệm vụ, giới thiệu, bảo vệ, quản lý và phát huy giá trị các di tích trên địa bàn tỉnh, góp phần xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

BQLDT tỉnh đã tiến hành nghiên cứu, tham mưu cho UBND tỉnh biên soạn và phổ biến các văn bản pháp quy về hướng dẫn bảo tồn, sử dụng và khai thác các giá trị của di tích. Năm 2008, UBND tỉnh đã ban hành Quy chế quản lý và sử dụng di tích lịch sử – văn hóa tỉnh Bắc Ninh, góp phần định hướng, hướng dẫn các ngành, ban, tổ chức, cá nhân nắm rõ được quyền hạn và trách nhiệm cụ thể trong quản lý và khai thác các giá trị của DTLSVH. BQLDT đã tổ chức các lớp tuyên truyền văn bản luật, dưới luật về di sản văn hóa, tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ các phòng văn hóa, ban văn hóa xã, thôn, ban quản lý các di tích… và phối kết hợp kiểm tra, nắm bắt tình hình quản lý tại các di tích, lễ hội diễn ra trên địa bàn tỉnh. Do vậy nhiều hành vi vi phạm di tích, làm tổn hại di tích, lấy cắp cổ vật… được phát hiện và kịp thời ngăn chặn, xử lý.

Việc nghiên cứu, lập hồ sơ, tiến hành xếp hạng di tích là biện pháp quan trọng và có hiệu quả trong việc bảo tồn, tu bổ di tích. Các di tích được pháp luật bảo vệ, mọi sự xâm hại di tích sẽ bị ngăn chặn, xử lý. Đồng thời nhân dân địa phương được nâng cao ý thức trách nhiệm, từ đó có những hành động thiết thực để bảo tồn, tu bổ, phát huy giá trị của di tích.

Các DTLSVH ở Bắc Ninh hầu hết được xây dựng bằng các vật liệu truyền thống như gạch gỗ, đá… nên sức chịu đựng trước tác động của tự nhiên là có giới hạn. Nếu thiếu sự quan tâm, đầu tư hợp lý, các di tích này sẽ nhanh chóng bị xuống cấp, hư hỏng. Trong những năm qua, Bộ VHTTDL đã cấp hỗ trợ tới gần 30 tỉ đồng cho Bắc Ninh tiến hành chống xuống cấp các di tích.

Bên cạnh đó việc xã hội hóa bảo tồn, trùng tu di tích được thực hiện có hiệu quả, huy động được nhiều tổ chức, đoàn thể, cá nhân đóng góp kinh phí đầu tư cho việc bảo tồn di tích. Nhiều di tích đã thoát khỏi nguy cơ bị hủy hoại, biến mất và nhiều di tích được trùng tu, tu bổ đưa vào phục vụ nhu cầu đời sống văn hóa của nhân dân như: đền Đô (Từ Sơn), đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh), chùa Hàm Long, chùa Dạm (Quế Võ), chùa Phật Tích, chùa Lim (Tiên Du)…

Việc trùng tu, tu bổ, tôn tạo di tích bằng nguồn vốn của nhà nước cũng được sử dụng đúng mục đích. Nhiều di tích trọng điểm được trùng tu, tu bổ như chùa Dâu, đền thờ Kinh Dương Vương, khu di tích Văn Miếu Bắc Ninh, nhà lưu niệm và xây dựng nhà trưng bày thân thế, sự nghiệp cách mạng của Ngô Gia Tự và Nguyễn Văn Cừ.

BQLDT đã phối hợp tổ chức nhiều hoạt động mang nội dung và hình thức giáo dục truyền thống lịch sử và văn hóa tại các di tích như nói chuyện, sinh hoạt câu lạc bộ, sinh hoạt văn hóa nghệ thuật… Hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, lễ hội diễn ra ở các di tích được tổ chức đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Các hoạt động sưu tầm, nghiên cứu, giới thiệu về di tích được quan tâm. Đã có các công trình nghiên cứu về DTLSVH đã được xuất bản, quảng bá.

Những hoạt động trong việc bảo tồn, tôn tạo, trùng tu di tích đã bước đầu mang lại hiệu quả đối với đời sống văn hóa xã hội của người dân, nâng cao tinh thần, ý thức trách nhiệm bảo vệ di tích góp phần vào công cuộc bảo tồn và phát huy những giá trị, bản sắc văn hóa của địa phương nói riêng và của cả dân tộc nói chung. Tuy nhiên, nếu xét từ tình hình thực tế và từ góc độ khoa học quản lý, vấn đề quản lý các DTLSVH ở Bắc Ninh hiện nay còn tồn tại một số hạn chế.

Đội ngũ cán bộ chuyên môn quản lý di tích ở cấp tỉnh còn quá mỏng, chỉ có 5 cán bộ (tốt nghiệp đại học, trên đại học chuyên ngành bảo tồn bảo tàng) phải đảm trách số lượng gần 2.000 di tích. Như vậy, trung bình mỗi cán bộ phải phụ trách quản lý khoảng từ 300 đến 400 di tích trên địa bàn từ 2 đến 3 huyện, thị với hàng trăm xã.

Ở cấp cơ sở, cán bộ quản lý di tích có trình độ thấp, chủ yếu đào tạo bậc trung cấp và qua các lớp bồi dưỡng ngắn hạn, làm việc theo kinh nghiệm và thói quen nhiều hơn chuyên môn. Nhận thức và hiểu biết của một số cán bộ về Luật Di sản văn hóa và các văn bản pháp quy còn chưa đầy đủ dẫn đến việc trùng tu, tôn tạo di tích còn chưa thực hiện đúng nguyên tắc, có nơi còn xây dựng trái phép, không báo cáo.

Tình trạng xuống cấp của nhiều di tích vẫn chưa được khắc phục triệt để, trong đó có cả một số di tích có giá trị đặc biệt và tiêu biểu chưa được đầu tư, tu bổ dẫn đến tình trạng hoang phế như: Thành cổ Luy Lâu, chùa Dạm, thành cổ Bắc Ninh, đình Đáp Cầu…; nhận thức chưa cao về giá trị của di sản, tập trung quá nhiều vào tiến độ thi công làm ảnh hưởng trực tiếp đến giá trị của các di tích như trường hợp tu bổ, tôn tạo chùa Phật Tích vừa qua.

Việc thực hiện chương trình đầu tư chống xuống cấp hàng năm; xây dựng và thực hiện các dự án tu bổ, tôn tạo các di tích cách mạng, di tích đặc biệt quan trọng, DTLSVH tiêu biểu còn thiếu tính kế hoạch lâu dài, mang tính nhỏ lẻ, kinh phí đầu tư chưa tương xứng với quy mô và giá trị của di tích. Ở một số di tích việc tu bổ, tôn tạo vẫn còn hiện tượng tùy tiện, không tuân thủ sự quản lý nhà nước và hướng dẫn của cơ quan chuyên môn. Nhiều di tích xây dựng trái phép như chùa Tiêu (Từ Sơn), đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh)…; di tích bị lấn chiếm, xâm phạm như ở chiến tuyến sông Như Nguyệt (Yên Phong)… chưa được kiểm tra, xử lý kịp thời.

Có nhiều nguyên nhân gây ra những hạn chế trên đây.

Nhận thức của người dân còn hạn chế, nhất là sự hiểu biết về Luật Di sản Văn hóa còn chưa sâu sắc, chưa trở thành hành động thực tế.

Một số cấp ủy, chính quyền cơ sở chưa có sự quan tâm đúng mức tới việc tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện Luật Di sản văn hóa. Thường có hiện tượng ỷ lại, khoán trắng cho ngành văn hóa hoặc BQLDT nên một số hiện tượng tiêu cực vẫn còn tồn tại.

Công tác tham mưu và thực hiện của ngành văn hóa thông tin còn nhiều hạn chế. Việc lập hồ sơ đề nghị xếp hạng có trường hợp còn thiếu chặt chẽ. Công tác hướng dẫn kiểm tra hoạt động của BQLDT còn thiếu cụ thể về nội dung và thiếu biện pháp tích cực.

Tồn tại theo thời gian, các vật liệu xây dựng tự biến đổi dẫn đến sự xuống cấp của các di tích. Điều kiện khí hậu nhiệt đới gió mùa nắng lắm mưa nhiều, bão lụt thường xuyên đã gây tác động trực tiếp đến các di tích chủ yếu được xây dựng với kết cấu tre, gỗ, gạch ngói… Trong lịch sử, chiến tranh cũng là nguyên nhân gây ảnh hưởng nghiêm trọng đối với các DTLSVH làm chúng biến dạng hoặc trở thành hoang phế.

Để đem lại hiệu quả tích cực hơn trong hoạt động quản lý, bảo tồn và phát huy các DTLSVH của tỉnh Bắc Ninh, cần chú ý một số vấn đề sau:

Quản lý DTLSVH được xác định là một ngành khoa học quản lý. Đối tượng quản lý này có những điểm khác so với đối tượng quản lý của bảo tàng hay thư viện… Về đặc trưng, chức năng và nhiều yếu tố khác.

Để có thể quản lý các DTLSVH đạt hiệu quả cao cần phải thiết lập tổ chức bộ máy quản lý khoa học theo một mô hình gồm: Ban giam đốc, các phòng, ban chức năng như phòng bảo quản tu bổ, phòng phụ trách địa bàn, phòng nghiên cứu sưu tầm, phòng tuyên truyền giáo dục… Với thực tế hiện nay, BQLDT cần thiết phải tăng cường cả về số lượng cũng như chất lượng đội ngũ cán bộ chuyên môn nghiệp vụ – những người có trình độ và hiểu biết về chuyên môn có khả năng đảm nhận các công việc có liên quan đến quản lý di tích (chuyên ngành bảo tồn bảo tàng, kiến trúc sư trùng tu, lịch sử, hán nôm, dân tộc học, khảo cổ học, văn hóa dân gian…).

DTLSVH là một loại hình di sản văn hóa đặc thù, mỗi di tích lại gắn liền với một địa điểm cụ thể (gắn với làng xã, cộng đồng cư dân), do vậy, để thực hiện tốt chức năng của mình, BQLDT cần phải xây dựng một cơ chế phối hợp đồng bộ giữa các cấp, ngành và với cộng đồng cư dân nơi di tích tồn tại, tạo điều kiện để bảo vệ sử dụng, khai thác giá trị của các di tích hợp lý, có hiệu quả.

Tạo nên sự thống nhất và phối hợp chặt chẽ giữa BQLDT với các phòng văn hóa huyện, thị, chính quyền địa phương, các ban quản lý di tích cơ sở trong việc quản lý các di tích, việc kiểm tra, khen thưởng cũng như xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm di tích.

Sự phối hợp giữa các đơn vị quản lý với cộng đồng là một vấn đề hết sức quan trọng. Với một địa bàn rộng, nhân lực quản lý còn thiếu, các di tích lại phân bố khắp các huyện, thị, nhiều khi các nhà quản lý không thể bao quát, quán xuyến được các di tích do vậy vai trò của cộng đồng là rất lớn trong việc quản lý các di tích. Nếu chúng ta biết tuyên truyền, vận động, làm cho cộng đồng hiểu được ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác này, cộng đồng sẽ là sợi dây liên hệ giữa di tích với các nhà quản lý, mọi hiện tượng vi phạm, gây tác hại đối với các di tích sẽ nhanh chóng bị phát hiện. Xã hội hóa công tác quản lý di tích là việc làm cần thiết, đối với các di tích thuộc gia đình, dòng họ nên giao làm chủ thể quản lý trực tiếp. Các di tích cộng đồng khác có thể trao cho các tập thể có uy tín nhưng chịu sự quản lý về chuyên môn, nghiệp vụ của cơ quan chức năng.

Trong bảo tồn, trùng tu, tôn tạo các DTLSVH cần có sự quan tâm đầy đủ, đồng bộ đối với tất cả các di tích. Thực tế hiện nay cho thấy: việc đầu tư, đóng góp kinh phí chủ yếu tập trung ở các DTLSVH gắn với tín ngưỡng, tôn giáo. Việc huy động kinh phí, nhân lực của nhân dân để trùng tu, tôn tạo các di tích này rất thuận lợi. Trong khi đó, các di tích gắn với lịch sử cách mạng – kháng chiến cũng mang nhiều giá trị, ý nghĩa lịch sử thì gặp nhiều khó khăn về kinh phí để bảo tồn, tôn tạo. Do đó, cần tuyên truyền, vận động quần chúng nhận rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của các di tích lịch sử, lịch sử cách mạng, lưu niệm danh nhân…

Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền giáo dục cho nhân dân về việc bảo vệ DTLSVH. Các cấp quản lý cần đề ra các kế hoạch và phương pháp cụ thể để tuyên truyền, giáo dục pháp luật, làm cho người dân ý thức được trách nhiệm, nghĩa vụ, tự giác trong việc bảo vệ di tích của chính địa phương họ. Bên cạnh đó, xây dựng lòng tự hào về văn hóa địa phương trong đó có DTLSVH một cách bền vững.

Chúng ta cần đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, giới thiệu về di tích. Các di tích, cụm di tích cần có sự quảng bá, thu hút khách tham quan bằng nhiều phương thức khác nhau như kết hợp với các công ty du lịch để xây dựng, hình thành các tour du lịch di sản văn hóa; giới thiệu về di tích trên các phương tiện thông tin đại chúng, xuất bản các sách, tờ rơi, đĩa CD… Đặc biệt, chúng ta nên xây dựng một website riêng của BQLDT giới thiệu về toàn bộ hoạt động quản lý cũng như hệ thống DTLSVH, các di tích tiêu biểu của tỉnh là điều rất cần thiết. Hiện nay, các DTLSVH của Bắc Ninh đưa lên một số trang thông tin điện tử của tỉnh như bacninh.gov.vn, baobacninh.com.vn… nhưng nội dung còn sơ lược, mang tính giới thiệu khái quát. Một số trang web của các công ty du lịch cũng giới thiệu về một số DTLSVH của Bắc Ninh nhưng chủ yếu quảng bá thương hiệu, phục vụ hoạt động kinh doanh của mình…

Xây dựng các mô hình giáo dục truyền thống tại các DTLSVH, kết hợp với Sở Giáo dục – Đào tạo, các nhà trường trên địa bàn có di tích trong việc giáo dục truyền thống thông qua các hoạt động tại di tích. Đây điều kiện thuận lợi để chúng ta có thể phối hợp trong việc quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị cũng như giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ thông qua hệ thống các di tích lịch sử văn hóa.

_______________

1, 2. Trần Quốc Vượng, Việt Nam cái nhìn địa – văn hóa, Nxb Văn hóa Dân tộc – Tạp chí Văn hóa nghệ thuật, 1998.

             3. Số liệu của Ban quản lý di tích Bắc Ninh.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 300, tháng 6-2009

Tác giả : Trần Đức Nguyên

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *