Một số vấn đề về thực hiện bình đẳng giới ở Việt Nam hiện nay


Bình đẳng nam nữ, bình đẳng giới là vấn đề luôn được sự quan tâm của toàn nhân loại, là một mục tiêu quan trọng trong các văn kiện quốc tế về quyền con người, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ. Do đó, bình đẳng nam nữ trở thành một trong những tiêu chí đánh giá trình độ văn minh, tiến bộ của một quốc gia. Đó là lý tưởng mà nhân loại hướng tới, là cam kết chính trị của nhiều quốc gia và là một trong tám mục tiêu thiên niên kỷ, được Đại hội đồng Liên hợp quốc đề ra vào đầu TK XXI. Ở Việt Nam, sự nghiệp giải phóng phụ nữ, thực hiện quyền bình đẳng nam nữ luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm. Việt Nam đã tham gia ký kết và tổ chức triển khai thực hiện các Công ước quốc tế về quyền con người, Tuyên bố thiên niên kỷ, các chiến lược, kế hoạch hành động của Liên hợp quốc và ASEAN về bình đẳng giới và thúc đẩy sự tiến bộ của phụ nữ. Vì vậy, bình đẳng giới ở Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận.

Tuy vậy, trên thực tế, phụ nữ Việt Nam vẫn còn chịu nhiều thiệt thòi so với nam giới, việc thực hiện bình đẳng nam nữ vẫn còn nhiều hạn chế. Hiện tượng phụ nữ bị đối xử bất bình đẳng trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội vẫn đang diễn ra ở những mức độ, biểu hiện khác nhau tại nhiều vùng miền, nhiều ngành, nhiều cấp, đặc biệt là ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng cao. Do đó, cần nhận thức đúng và làm rõ những bức xúc, những vấn đề đặt ra cần giải quyết ngay những vấn đề bức xúc để có giải pháp đúng đắn nhằm thực hiện mục tiêu bình đẳng giới.

Định kiến giới nặng nề, cản trở việc thực hiện mục tiêu bình đẳng giới

Định kiến giới đã tồn tại từ rất lâu trong xã hội, đặc biệt trong xã hội phong kiến. Trải qua thời gian, cùng với sự phát triển của xã hội, thành kiến đối với phụ nữ đã giảm bớt, tuy nhiên, thực tế cho thấy, hiện nay định kiến giới vẫn còn tồn tại và có thể gặp ở nhiều nhóm xã hội: cả phụ nữ và nam giới, cả trong cán bộ lãnh đạo – những người có vai trò quyết định đối với việc hoạch định và thực hiện chính sách đối với phụ nữ và người dân. Định kiến giới là nhận thức, thái độ và cách đánh giá thiên lệch, tiêu cực về đặc điểm, vị trí, vai trò và năng lực của nam hoặc nữ. Chính vì vậy, định kiến giới gây áp lực cho cả nam lẫn nữ, đặc biệt là phụ nữ. Định kiến giới tạo ra những giới hạn khó vượt qua và hình thành hố sâu ngăn cách giữa nam và nữ bằng sự khác biệt trong cách nhìn nhận, đánh giá, ứng xử và thậm chí cả hưởng thụ. Định kiến giới là việc nhìn nhận không đúng về khả năng của nam giới hoặc nữ giới, về tính cách, về loại hình hoạt động, nghề nghiệp mà nam hoặc nữ có thể làm hoặc không thể làm. Thí dụ, một số định kiến coi phụ nữ là phụ thuộc, yếu đuối, thụ động, nam giới là độc lập, mạnh mẽ, có năng lực, quan trọng hơn và là người ra quyết định tốt hơn; hay nam ngoại, nữ nội, nam trưởng, nữ phó… Tuy nhiên, những đặc điểm tính cách này không chỉ của riêng nam giới hay phụ nữ, mà cả nam giới và nữ giới đều có thể có và có thể đảm nhiệm được nhiều công việc khác nhau. Định kiến giới gây bất lợi cho cả nam và nữ, họ phải gồng mình để thực hiện các chuẩn mực, giá trị xã hội đã gán cho mình. Tuy nhiên, phụ nữ thường chịu bất lợi nhiều hơn so với nam giới.

Bên cạnh đó, hiện nay, nhìn bề ngoài của cuộc sống dường như thấy phụ nữ đã được bình đẳng với nam giới. Nhiều người chồng đã ủng hộ vợ tham gia các hoạt động xã hội. Tuy nhiên, họ vẫn mong muốn vợ hoàn thành tốt các công việc gia đình. Để vừa hoàn thành tốt vai trò người vợ, người mẹ, vừa làm tốt công việc xã hội, nhiều phụ nữ phải gánh vác gấp đôi trách nhiệm. Xét tương quan thời gian lao động trong một ngày, giữa phụ nữ và nam giới cho thấy, thời gian lao động của phụ nữ nhiều hơn nam giới, phụ nữ ít có thời gian để học tập, nghỉ ngơi, giải trí và tham gia hoạt động xã hội so với nam giới. Đây là một trong những nguyên nhân rất căn bản tạo ra sự bất bình đẳng giới. Định kiến giới có thể hiện diện bằng nhiều gương mặt, đường nét, sắc màu nhưng hệ lụy chung của nó vẫn là sự phân biệt nam nữ và theo đó là sự bất bình đẳng mà sự thua thiệt vẫn nghiêng về những người phụ nữ. Sự bất bình đẳng này đã chi phối việc trao quyền cho phụ nữ, dẫn đến hạn chế vai trò của người phụ nữ trong việc tham gia các hoạt động xã hội trong khi họ có rất nhiều tiềm năng.

Định kiến xã hội về giới nói chung, về vai trò giới nói riêng thể hiện trình độ nhận thức còn nhiều hạn chế về mối quan hệ giữa nam và nữ trong phạm vi gia đình và xã hội, chi phối mạnh tới văn hóa ứng xử của mỗi cá nhân, nhóm người, dân tộc hoặc cộng đồng xã hội, ảnh hưởng tới việc thực hiện bình đẳng giới. Nghị quyết 11/NQ-TW ngày 27-4-2011 của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đã chỉ rõ, một trong những nguyên nhân hạn chế trong công tác phụ nữ: “Nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền ở nhiều địa phương, đơn vị về bình đẳng giới, về vai trò, năng lực của phụ nữ còn hạn chế. Định kiến về giới còn tồn tại dai dẳng trong nhận thức chung của xã hội do ảnh hưởng tư tưởng Nho giáo và tập tục phong kiến lạc hậu từ lâu đời” (1). Hạn chế này là rào cản lớn ảnh hưởng việc thực hiện bình đẳng giới trong thực tiễn cuộc sống.

Sự bất cập giữa mục tiêu, nhiệm vụ với thực tiễn bình đẳng giới

Trong lĩnh vực chính trị, dù chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước đã có quy định, hướng tới tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí quản lý, lãnh đạo, nhằm từng bước giảm dần khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị, như chỉ tiêu mà Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 đã đề ra (2). Tuy nhiên, thực tế cho thấy, tỷ lệ phụ nữ tham gia các hoạt động lãnh đạo, quản lý còn chưa đạt được mục tiêu trên, chưa tương xứng với tiềm năng, vị thế, vai trò của phụ nữ do đó ảnh hưởng tới việc ra các quyết định liên quan tới quyền lợi của cả hai giới nam và nữ, không thu hẹp được khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị, cản trở việc thực hiện bình đẳng giới.

Trong lĩnh vực kinh tế, vẫn còn tồn tại khoảng cách giới trong lao động, việc làm, trong tiếp cận thị trường vốn, trong công tác đào tạo nghề cho phụ nữ, nhất là phụ nữ ở các vùng nông thôn, miền núi. Các chỉ tiêu mà Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 đã đề ra như: “tỷ lệ nữ làm chủ doanh nghiệp đạt 30% vào năm 2015; tỷ lệ lao động nữ nông thôn dưới 45 tuổi được đào tạo nghề và chuyên môn kỹ thuật đạt 25% vào năm 2015; tỷ lệ nữ ở vùng nông thôn nghèo, vùng dân tộc thiểu số có nhu cầu được vay vốn ưu đãi từ các chương trình việc làm, giảm nghèo và các nguồn tín dụng chính thức đạt 80% vào năm 2015” (3) đều chưa đạt được.

Trong lĩnh vực văn hóa xã hội, khoảng cách bất bình đẳng giữa nam và nữ trong giáo dục – đào tạo vẫn còn tồn tại khá lớn, đặc biệt ở các cấp học cao. Đồng thời, tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe giữa hai giới nam và nữ vẫn còn nhiều bất cập. Sự mất cân bằng giới tính khi sinh lớn, hạn chế trong tiếp cận dịch vụ y tế và giảm tỷ suất chết mẹ ở vùng sâu, vùng xa, vùng cao, những vấn đề mới nảy sinh như nạn buôn bán người vẫn chưa được ngăn chặn triệt để. Trong gia đình, dù hệ thống luật pháp quy định, chế tài ngày càng đầy đủ, tuy nhiên, bạo lực trong gia đình vẫn đang là vấn đề nhức nhối cần loại bỏ trong xã hội, khoảng cách bất bình đẳng thời gian lao động gia đình giữa nam và nữ vẫn còn khá xa.

Mâu thuẫn giữa đẩy mạnh thực hiện bình đẳng giới với sự thờ ơ của một số tổ chức, cá nhân và tâm lý tự ti, an phận của phụ nữ

Bình đẳng nam nữ một cách toàn diện, triệt để là lý tưởng mà nhân loại luôn hướng tới. Ngay từ đầu TK XIX, S.Phurie, nhà tư tưởng xã hội chủ nghĩa không tưởng Pháp, đã nhận định: trình độ giải phóng phụ nữ là thước đo trình độ phát triển của xã hội. Luận điểm này tiếp tục được bổ sung, phát triển đầy đủ hơn trong quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và cổ vũ cho các phong trào đấu tranh đòi quyền bình đẳng giữa nam và nữ. Bình đẳng giới không chỉ là nhu cầu nội tại của bản thân hai giới nam và nữ trong xã hội mà ở mức độ cao hơn, bình đẳng giới chính là nhu cầu, là động lực của sự phát triển xã hội. Đồng thời là một mục tiêu quan trọng trong chiến lược phát triển bền vững, không chỉ trong phạm vi một quốc gia mà trên phạm vi quốc tế. Kế thừa quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, ở Việt Nam, bình đẳng giới đã được đưa vào hiến pháp, pháp luật, vào chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, là một nội dung quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội, là yêu cầu đòi hỏi sự quan tâm của toàn xã hội. Tuy nhiên, thực tế xã hội cho thấy, một số tổ chức, cá nhân, kể cả các cấp ủy Đảng và đảng viên, cả nam và nữ chưa thực sự coi đây là nhiệm vụ cần tập trung giải quyết, coi đó không phải là việc của tổ chức, cá nhân mình. Một số quan niệm phổ biến cho rằng đó là việc của Hội liên hiệp phụ nữ các cấp, của Ủy ban vì sự tiến bộ của phụ nữ… Chính sự thờ ơ này đã là một rào cản, cản trở việc vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về bình đẳng nam nữ vào thực hiện bình đẳng giới một cách hiệu quả.

Bên cạnh đó, việc thực hiện bình đẳng giới còn gặp trở ngại từ chính bản thân người phụ nữ, chủ thể chính trong cuộc cách mạng này. Một bộ phận lớn phụ nữ chưa nhận thấy rõ vị trí, vai trò của mình trong gia đình và ngoài xã hội, còn thiếu tự tin, chưa thật sự cố gắng vươn lên trong mọi lĩnh vực để khẳng định mình. Nhiều phụ nữ vẫn giữ quan niệm về phân công lao động truyền thống, yêu cầu phụ nữ cần phải đặt gia đình lên trên hết, thậm chí hy sinh cả sức khỏe, nguyện vọng cá nhân, phải tuân theo quyền lực của nam giới. Nhiều phụ nữ vẫn bằng lòng chấp nhận quan niệm: phục vụ vô điều kiện cho chồng con là thiên chức, là nữ tính của người phụ nữ trong gia đình. Ở các mức độ khác nhau, thừa nhận quan niệm này, tự phụ nữ đã gán cho mình những trách nhiệm chính rất nặng nề trong các công việc nội trợ, chăm sóc con cái và các thành viên trong gia đình. Trong khi họ là người thực hiện chính nhiệm vụ tái sản xuất sinh học ra con người và chịu trách nhiệm sản xuất như nam giới. Đồng nghĩa với việc lao động quá sức, sự hưởng thụ của phụ nữ bị coi là thứ yếu, thậm chí không được tính đến, đây được coi là dạng bạo lực lao động mà nạn nhân chủ yếu là phụ nữ. Nhiều chị em do thiếu hiểu biết và do hệ quả của quá trình giáo dục trên cơ sở các định kiến về giới, nên chấp nhận quan niệm việc làm ra tiền và không ra tiền, chấp nhận làm nhiều việc hơn chồng để chồng nghỉ ngơi. Điều này không những làm tăng gánh nặng cho phụ nữ, ảnh hưởng đến sức khỏe, cơ hội học tập, điều kiện tham gia công việc xã hội của phụ nữ, mà còn khiến giá trị công việc của phụ nữ không được gia đình, cộng đồng đánh giá đúng. Vì vậy, muốn thực hiện tốt bình đẳng giới, bản thân phụ nữ cần phải nâng cao trình độ, nhận thức cho chính mình, phải khắc phục tâm lý tự ti, an phận, không ngừng nỗ lực vươn lên khẳng định mình thì bình đẳng, bình quyền mới được hiện thực hóa trong cuộc sống (4).

_______________

1. Đảng Cộng sản Việt Nam, Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 27- 4-2007 của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

2, 3. Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 2351/QĐ-TTg ngày 24 – 12 – 2010 phê duyệt Chiến lược quổc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 – 2020.

4. Nghiên cứu này được tài trợ từ nguồn kinh phí Khoa học công nghệ của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 cho đề tài mã số: C.2017.31.

 

Tác giả: Trần Thị Chiên

Nguồn: Tạp chí VHNT số 413, tháng 11 – 2018

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *