Múa trong tín ngưỡng của người Tày tỉnh Tuyên Quang

Trong đời sống văn hóa tâm linh, múa tín ngưỡng hay còn gọi là múa tín ngưỡng dân gian tương đối phổ biến ở nhiều tộc người và thể hiện trong các loại nghi lễ. Ví dụ, người Việt có múa tín ngưỡng Hầu bóng (còn gọi là múa Lên đồng); người Dao có múa Cấp sắc; người Thái có múa Kinpangthen; người Mường có múa Mỡi, múa Mo, múa Sắc bùa… Với tộc người Tày tại tỉnh Tuyên Quang, múa tín ngưỡng của họ là múa Then. Tầng lớp Mo, Then, Tào, Pụt (hay Bụt) cũng khá đông. Bản thân những người làm nghề này cũng tham gia lao động sản xuất, họ thừa hưởng những kinh nghiệm, kiến thức của cha ông, nắm được phong tục tập quán dân tộc, nên trong các việc quan, hôn, tang, tế…, nhân dân thường mời họ tới giúp. Múa Then Tày sử dụng các động tác chuyển động phần thân trên và hai cánh tay làm chủ đạo. Luật chuyển động đôi cánh tay, vai và ngực tạo tuyến gấp khúc thành đường vòng cung, cổ tay nhấn, nẩy biểu cảm mạnh, diễn tả tính ma thuật, huyền bí. Nhìn vào đôi mắt, nét mặt bà Then sẽ thấy cái âm u, trầm cảm, khi bùng phát bất ngờ, lúc trầm tư như đang đối thoại với thần quyền, tà ma.

Múa quạt của đồng bào Tày, Tuyên Quang – Ảnh: Nguyễn Thanh Hà

Đặc điểm nổi bật nhất trong múa tín ngưỡng của người Tày ở Tuyên Quang đó là các Ông Then, Bà Then vừa hát cúng, vừa đàn, vừa múa hoặc có một tốp hát cho một tốp múa tùy theo nội dung của Then. Múa tín ngưỡng được sử dụng trong các nghi lễ: lễ Lẩu Then, lễ Cấp sắc, lễ Kỳ Yên, lễ hội Nàng Hai…

Lễ Lẩu Then, lễ Cấp sắc: Là những nghi lễ mang đậm chất đạo giáo do người làm Then tổ chức với ý nghĩa mang lễ vật đi tiến cống Ngọc Hoàng theo thông lệ hằng năm hoặc để cấp sắc (phong chức tước). Nghi lễ diễn ra dưới nhiều tiết lễ nối tiếp nhau thông qua các chương, đoạn nhất định, tương ứng với từng chặng đường, biến cố hay sự kiện diễn ra trong suốt cuộc hành trình đi tiến cống lễ vật với bao nỗi đắng cay, tủi nhục đầy khổ ải, gian truân. Tùy vào nội dung cuộc hành trình đi cống tiễn mà có những cách diễn tả bằng các bài thơ với độ dài ngắn khác nhau, đôi khi chỉ là vài câu, đôi khi lại tới cả nghìn câu theo thể thất ngôn trường thiên mang đậm chất trữ tình, nhuốm màu huyền thoại và chứa đầy sự tích dân gian.

Lễ Kỳ Yên: Là nghi lễ gia đình, được tổ chức với ý nghĩa cúng nạp lễ vật cho thần linh để cầu sức khỏe – bình yên – phúc lộc. Lễ Kỳ Yên được thể hiện dưới hình thức diễn xướng và hầu hết các nội dung được mô tả bằng lời giống như lễ Lẩu Then, chỉ có duy nhất một màn múa với đạo cụ là xóc nhạc và kiếm gỗ.

Lễ hội Nàng Hai: Là một lễ hội bày tỏ sự sùng bái nữ thần Trăng, đây là một nét sinh hoạt văn hóa dân gian độc đáo của đồng bào dân tộc Tày. Theo đúng tên gọi, có nghĩa là mời Nàng Hai (mời Nàng Trăng) xuống hạ giới để giao lưu cùng con người. Được tổ chức trong những đêm trăng đẹp trung tuần tháng Giêng, tháng Hai, tháng Ba của mùa xuân và tháng Tám, tháng Chín, tháng Mười của mùa thu. Lễ hội mang tính diễn xướng tổng hợp, thể hiện qua giai điệu của các bài lượn Nàng Hai, các bài ca cầu nguyện, cúng tế do một bà Then làm chủ, dâng lễ lên trời mời Nàng Hai nhập vào hai cô gái để hát đối đáp, chúc phúc cho dân bản có một mùa màng bội thu và chia sẻ với những người không gặp may mắn, kèm theo các nghi lễ múa quạt diễn ra trong suốt thời gian lễ hội.

Tổ khúc múa

Tổ khúc múa bao gồm nhiều đoạn múa diễn tả nội dung cuộc hành trình đi từ trần gian lên đến mường trời để cống tiến lễ vật lên Ngọc Hoàng hay đi từ trần gian xuống thủy phủ cống tiến vật cho Long Vương. Theo quan niệm của người Tày, đoàn quân Then sẽ phải đi chín trăm nẻo đường, ba trăm lối đi, mười vùng, mười chốn, hàng trăm ngọn núi cao, hàng trăm con sông, con suối và biển rộng… cùng với chặng đường dài là muôn vàn thử thách từ những loài vật bé xíu như: tiếng rên rỉ ảm đạm của ve sầu, con vắt, con đỉa, con rắn, con rết đến những bầy vượn tinh quái hay mụ Dả Dỉn lắm mưu luôn bủa vây. Đây là chặng đường vô cùng gian nan mà đoàn quân Then phải vượt qua. Ngoài việc chiến đấu với thiên nhiên, đoàn Then còn phải vượt qua thử thách của các nàng Dầng, nàng Dắt bằng tài năng múa hát và còn phải thực hiện nhiệm vụ đánh cá, săn bắt hươu nai, mua trâu để nấu món “tam sinh” trong buổi thiết đãi 2 vị thần Sơn – Địa. Với tinh thần kính tín, bền bỉ, ngoan cường, đoàn quân Then đã vượt qua mọi gian nan, thử thách, hoàn thành sứ mệnh với Long Vương và Ngọc Hoàng. Với mỗi một chặng đường, mỗi một thử thách, đoàn quân Then lại có những cách ứng phó khác nhau và được biểu hiện qua một số khúc múa quan trọng như: Khúc lên đường; Khúc chiến đấu với quỷ thần Dả Dỉn; Khúc chiến đấu với thú dữ như hổ báo, đười ươi; Khúc săn bắt thú.

 Múa Chầu

Múa Chầu là màn múa vái lạy của đoàn quân Then trước thánh thần, với tính chất linh thiêng, tôn kính nhưng mang đậm vẻ huyền bí. Múa Chầu bao gồm: Chầu Thuông, Chầu Quạt, Chầu Đàn. Sở dĩ có các tên gọi như vậy là bởi mỗi điệu múa Chầu sử dụng một loại đạo cụ múa kèm theo khác nhau và người ta lấy tên đạo cụ đặt tên cho các điệu múa Chầu. Múa Chầu chỉ thực hiện trong nghi thức cúng tế, cầu đảo. Một số nơi, những người múa Chầu phải là con cháu trong dòng tộc thày Then hoặc phải là người có đức độ và tâm hồn trong sáng. Khi bước vào màn Chầu, người múa phải mặc áo quần sạch sẽ, khăn mũ chỉnh tề, đạo cụ mang theo gọn gàng, thắt buộc đúng quy cách, thể hiện lòng thành kính với thần linh.

Chầu Thuông: Điệu múa có tên gọi bản địa là múa Thuông Chầu (Thuông có nghĩa là quả chuông hay xóc nhạc), là điệu múa được nhiều người biết đến nhất trong múa Chầu. Cách sử dụng xóc nhạc và khăn vuông cũng giống như trong điệu Dậm Thuông nhưng ở điệu Chầu Thuông, hai bàn tay bật xóc nhạc chắc gọn và thôi thúc hơn bởi nó được thực hiện trên tiết tấu của nền nhạc, nội dung các bài cúng và các bài hát Then. Hai cánh tay bật nhạc đồng thời đảo, đuổi nhau liên tục từ thấp đẩy lên cao, từ phải đưa sang trái theo hình số 8 nằm ngang nhịp nhàng theo nhịp bước, nhún và nhẩy của đôi chân với phần thân trên cúi rạp sát đất rồi đảo và đẩy, khi thì từ thấp lên cao, khi thì uốn lượn vòng tròn. Điệu múa được múa ở các tư thế đứng tại chỗ, tiến lên, lùi xuống, di động sang phải – sang trái nhưng chủ yếu nhất là tư thế ngồi trên vòng tròn (ngồi xếp chân khoanh tròn, ngồi quỳ trên 2 gối, ngồi lệch một bên để 2 chân chồng lên nhau so le). Điệu múa thường có 2 người đứng thành hàng ngang hoặc 4 người, 6 người và nhiều hơn nữa thì đứng thành hàng dọc, hình vuông, vòng cung hay hình tròn. Thày Then, thày Cúng ngồi chính giữa. Trước khi có sự chuyển tiếp của các tư thế hay đội hình của điệu múa, người múa thường đứng tại chỗ hoặc tiến sát vào nhau bằng những bước chân dập nhanh nhỏ, 2 cánh tay nâng lên song song cao ngang vai, dựng khuỷu tay để lòng bàn tay hướng ra ngoài cao ngang mắt và rung thật nhanh, nhỏ khiến âm thanh của xóc nhạc vang rộn lên một hồi, cùng với một tiếng hú “Hu… hú” của những người múa vút lên. Các động tác của người múa hết sức khẩn trương theo đội hình ngang, dọc, vuông hoặc tròn làm cho màn Chầu trở nên sinh động hơn.

Chầu Quạt: Điệu múa có tên gọi chầu Quạt, tức là múa với đạo cụ là chiếc quạt làm bằng giấy hoặc làm bằng vải (trước đây chỉ có các thày Then mới cầm quạt múa nhưng nay có thêm các thiếu nữ cầm quạt múa theo). Điệu múa này thể hiện trên nền nhạc đệm chủ yếu của 3 loại nhạc cụ là: đàn Tính, chũm chọe và xóc nhạc với tiết tấu rộn ràng, biểu lộ tâm trạng vui vẻ, phấn khởi nhưng mang đậm nét cung kính. Chầu Quạt được ví như lời mời các vị thần thánh về chứng giám, ban phát mùa màng và hạnh phúc cho dân bản.

Chiếc quạt trong điệu múa này được xử lý rất linh hoạt và tinh tế, khi thì che trước mặt, trước ngực – khi lại dựng bên vai hoặc nằm dọc trên cánh tay của người múa. Đặc điểm nổi bật nhất của điệu múa này là sự hòa quyện nhịp nhàng giữa những nhịp nhún dập dình, sắc gọn của toàn thân với nhịp bật, dật, xoẹt, mở, đóng của chiếc quạt qua sự thể hiện của người múa ở mọi tư thế đứng, đi (tiến, lùi, sang phải, sang trái), ngồi (ngồi quỳ trên 2 đầu gối, ngồi 2 chân khoanh vòng tròn, ngồi 2 chân xếp so le và chồng lên nhau để gọn sang một bên) và lăn. Cũng giống như Chầu Đàn, các điệu múa trong Chầu Quạt sau này được phát triển thêm trên cơ sở của điệu múa Chầu Thuông. Những người lành nghề, họ còn tập luyện và có khả năng lăn đều, liên tục, lăn qua lăn lại trên vòng cung hoặc trên vòng tròn.

Chầu Đàn: Điệu múa với đàn Tính, đàn Tính không chỉ là loại nhạc cụ nổi bật nhất của người Tày mà còn là đạo cụ có cấu tạo phù hợp trong điệu múa Chầu Đàn, điệu múa mang đậm chất tâm linh, thể hiện nét sinh hoạt văn hóa của người Tày. Tương truyền, xưa kia có một vị vua bị ốm suốt mấy năm trời, không có loại thuốc hay thày cúng nào chữa được. Một hôm có một chàng trai ôm cây đàn Tính ngân nga cùng với lời hát Then vừa đi vừa múa, nhà vua nghe thấy bỗng chốc khỏe lại và khỏi bệnh. Ông cho rằng người vừa đàn, vừa hát, vừa múa đó là người từ Mường Trời phái xuống và được ví như người thày thuốc nghệ sĩ. Tin nhà vua khỏi bệnh nhờ vào điều thần kỳ đã lan rộng khắp trong cộng đồng người Tày. Kể từ đó, mỗi khi trong bản người Tày có người ốm, dân bản lại mời chàng trai đi đường đến vừa đàn, hát vừa múa để chữa bệnh. Hàng trăm năm qua, nhạc điệu của cây đàn Tính hòa trong lời hát Then cùng với sự uốn lượn uyển chuyển, du dương của người thày thuốc nghệ sĩ ấy đã trở thành bài ca cúng xua đuổi bệnh tật, quỷ dữ, mang lại cho người bệnh sự an lành, vui khỏe trở lại với cuộc sống thường ngày. Người Tày coi đó như sự tích về sự ra đời của các điệu múa với cây đàn Tính, như: Dâng đàn; Xuyên đàn; Đu đàn… Trải qua những biến đổi của xã hội và để đáp ứng niềm say mê, yêu thích cùng nhu cầu thưởng thức múa trong nghi lễ của cộng đồng người Tày, điệu múa Chầu Đàn đã được phát triển thêm trên cơ sở luật động và đội hình của múa Chầu Thuông. Ngoài ra có những nghệ nhân, thày cúng có trình độ múa đàn điêu luyện, độc đáo biến hóa cây đàn Tính với những bước nhún đẩy đàn, đảo đàn, lượn đàn, chống đàn rất linh hoạt và tinh tế.

Chầu Đàn được thể hiện dưới 2 hình thức: Múa chậm mang phong cách cung kính, trang nghiêm và múa nhanh mang phong cách vui nhộn, khỏe khoắn.

Múa Tán hoa

Điệu múa có tên bản địa là Tán Bioóc, có nghĩa là “tiễn hoa về rừng hay tiễn hoa về trời”. Khi điệu múa diễn ra cũng là lúc kết thúc lễ Then. Lễ vật trong điệu múa này là các loài hoa với nhiều màu sắc sặc sỡ. Bắt đầu lễ Then, hoa được trải khắp dàn lễ, thông thường, những người múa đứng xung quanh còn thày Then ngồi chính giữa chiếc chiếu trải đầy hoa. Khi thực hiện màn múa, thày Then vừa đàn, vừa cúng, vừa múa và luôn đi trước. Những người múa xung quanh một tay đeo xóc nhạc, một tay cầm khăn vuông và hoa múa theo sau hoặc bên cạnh thày Then. Động tác múa hòa trong âm thanh đàn hát khi nhẹ nhàng, uyển chuyển, lúc lại rộn ràng, vui tươi. Bà con dân bản đến dự với một tinh thần vui mừng, phấn khởi và reo vang mỗi khi những bông hoa được tung lên mọi phía. Với người dân Tày ở Tuyên Quang, họ quan niệm rằng cuộc sống yên bình, ấm no mà họ đang có là nhờ nhận được sự ban phát hương hoa, phúc lộc của mường rừng, mường trời. Do vậy, điệu múa Tán hoa là cách mà nhà Then và dân bản trả lại hương hoa về với cội nguồn với lòng thành kính và biết ơn.

Có thể khẳng định múa Then của người Tày Tuyên Quang là một loại hình nghệ thuật tổng hợp, bao gồm: lời hát, âm nhạc, múa và trang trí Then. Người Tày quan niệm Then có nghĩa là Tiên (có nơi gọi là Sliên), là người của Mường Trời. Then có nhiệm vụ giữ mối liên hệ giữa người trần gian với Ngọc Hoàng Thượng đế và Long Vương. Khi hành nghề Then là lúc Then đại diện cho nhà Trời giúp người trần gian có mọi sự tốt lành, tai qua nạn khỏi. Với sự hệ thống như trên, phần nào giúp cho chúng ta hiểu sâu hơn về nghệ thuật Then, đồng thời cũng giúp chúng ta lý giải được vị trí của Then trong đời sống tâm linh của dân tộc Tày tỉnh Tuyên Quang.

Tác giả: Ths Hoàng Thùy Linh

Nguồn: Tạp chí VHNT số 470, tháng 8-2021

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *