Năm cũ và năm mới của điện ảnh việt nam


 

        Khi tờ lịch cuối cùng của năm dương lịch 2008 được gỡ xuống là lúc đã có thể nhìn lại điện ảnh trong nước năm Mậu Tý vừa qua. Tống cựu nghinh tân, có những điều gì để có thể kỳ vọng về điện ảnh nước nhà trong năm mới Kỷ Sửu? Chúng tôi xin tạm chọn 6 điều của điện ảnh năm cũ 2008 và 6 điều để bàn về điện ảnh năm mới 2009.

1. Giải Cánh diều của Hội Điện ảnh VN (tháng 3-2008) dù có không ít vấn đề đặt ra thông qua kết quả giải và việc trao giải thì với nhiều giải thưởng và Cánh diều Bạc thuộc về phim Trái tim bé bỏng, có vẻ như sự khẳng định vẫn chưa thuộc về những nhân tố, tài năng trẻ và tiềm năng mới của điện ảnh nước nhà. Lại đành kiên nhẫn chờ trong năm mới…

Dự án phim Thái tổ Lý Công Uẩn do UBND TP Hà Nội đặt hàng trong dự án phim kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội bị “giãn tiến độ” do chính những mâu thuẫn trong nội bộ Hãng phim truyện Việt Nam. Một điều đáng tiếc nhưng lại hợp lý, ở chỗ người ta không thể làm phim bằng bất cứ giá nào trước một dự án không thấy trước được thành công, mà một trong những nguyên nhân là bởi sự “thiếu hòa khí” (sự chưa nhất trí với nhau của đội ngũ làm phim).

2. Một số giải thưởng, vinh danh phim Việt Nam khá ấn tượng, trong đó có phim Bao giờ cho đến tháng mười được kênh CNN bầu chọn thuộc số “18 phim châu Á xuất sắc nhất mọi thời đại”. Không ngẫu nhiên khi người ta nhận định rằng đây là một bức tranh đầy màu sắc về những vết thương của chiến tranh từ góc nhìn của một góa phụ trẻ. Nhưng theo chúng tôi, giá trị của phim lại nằm ở sự khai thác, theo đuổi bước đầu những nét đẹp của bản sắc văn hóa dân tộc và sự tinh túy của nghệ thuật điện ảnh.

Phim Rừng đen không thể tham dự Oscar 2009, nhìn từ một số góc độ là một thiệt thòi với điện ảnh Việt Nam trên con đường hội nhập với thế giới. Tuy vậy, dù tiếc nhưng không thể làm khác, vì chúng ta không thể gửi phim tham gia một sân chơi điện ảnh quốc tế (được xem là lớn nhất, có tầm ảnh hưởng nhất và tốn nhiều bút mực của truyền thông nhất…) là giải Oscar nếu không thực hiện đúng tiêu chí, yêu cầu của ban tổ chức. Nếu nhìn nhận vấn đề theo hướng tích cực thì đây là một bài học kinh nghiệm từ nhiều khâu của điện ảnh Việt Nam, trong đó có mối quan hệ hữu cơ liên quan đến việc phát hành một bộ phim nhựa cụ thể.

3. Năm 2008 đã được mùa liên hoan phim quốc tế tại Việt Nam. Đó là Toàn cảnh điện ảnh Pháp tại Việt Nam lần 2 (diễn ra tại Hà Nội từ 20 đến 22-10, TP.HCM từ 22 đến 24.10, Đà Nẵng từ 27 đến 28-10 và Hải Phòng từ 29 đến 30-10). Đó là LHP Nhật Bản tại Việt Nam (tại 3 thành phố lớn Hà Nội, Hải Phòng và TP.HCM vào tháng 10). Rồi LHP Anh, Australia, Đức… Những sự kiện này không chỉ là sự hội nhập điện ảnh đa chiều mà điều quan trọng là nhiều khán giả trong nước có dịp được thưởng thức các tác phẩm điện ảnh nước ngoài xuất sắc hay không…

Có thể nhiều người đã ngạc nhiên bởi sự ráo riết thực hiện cổ phần hóa các hãng phim nhà nước dịp cuối năm? Thực ra việc cổ phần hóa không chỉ đơn thuần là việc riêng của 3 hãng phim lớn nhất nước mà còn là việc chung của ngành điện ảnh. Tuy vậy, thực tế năm qua đã cho thấy khá nhiều vấn đề nan giải để cổ phần hóa hãng phim nhà nước, nhưng vấn đề cốt tử của việc cổ phần hóa lại là cần phải tiến hành đồng bộ cả 3 khâu của ngành điện ảnh (sản xuất – phát hành – chiếu bóng) trong mối quan hệ hữu cơ, hỗ trợ lẫn nhau. Bởi nếu chỉ cổ phần hóa các hãng phim khi phát hành và chiếu bóng vẫn hoạt động theo cơ chế hiện hành thì nhà sản xuất, các cổ đông góp vốn làm phim sẽ là người bị thua thiệt trong một cuộc chơi không bình đẳng do không cùng luật chơi.

4. Thị trường chiếu bóng với nhiều vấn đề trong “cuộc chiến” không cân sức giữa các rạp nội với các cụm rạp có vốn đầu tư nước ngoài. Một bức tranh đối lập ngày càng hiện lên rõ nét. Trong khi không ít rạp chiếu nội tiêu điều, khó khăn trong hoạt dộng kinh doanh thì hệ thống Megastar (với doanh thu chiếu bóng hàng năm tăng gấp đôi, chiếm gần 60% thị phần doanh thu chiếu bóng hiện nay), đang trở thành nguy cơ và thách thức đối với các rạp nội.

Sự trở lại của cuộc thi Diễn viên triển vọng tại TP.HCM nhìn ở khía cạnh tích cực vẫn cho thấy nhu cầu của một thế hệ diễn viên trẻ và khả năng tạo sân chơi cho nhưng người ít nhiều có năng khiếu điện ảnh ở một trung tâm văn hóa sôi động và năng động. Chuyện hai đơn vị cạnh tranh, đồng thời tổ chức cuộc thi này này lại khiến người ta đặt ra câu hỏi với việc đua nhau đào tạo diễn viên cấp tốc và nhiều lớp đào tạo chạy show cũng như các cơ sở đào tạo điện ảnh nhà nước càng phải gắn việc đào tạo điện ảnh theo nhu cầu xã hội.

5. Không có nhiều phim hay và vai diễn ấn tượng là một ấn tượng, nhìn nhận khác về điện ảnh năm 2008. Trong đó vế thứ hai vừa là hệ quả lại vừa là nguyên nhân của vế thứ nhất. Nhìn vấn đề một cách bi quan, ai đó cho rằng phải chăng năm nay là một mùa phim thất bát? Thực tế không hoàn toàn như vậy, khi nhiều phim nhựa ít được ra rạp, nhiều phim khác đang trong giai đoạn hoàn thành cho kế hoạch năm sau và nhiều phim đến cuối năm mới được trình chiếu.

Và tuy phim tết năm nay cũng không nhiều về số lượng so với năm ngoái (3 so với 7) nhưng khu vực phim tết những năm gần đây chưa bao giờ kém sôi động. Chưa thể nói về chất lượng nghệ thuật nhưng doanh thu của nhà sản xuất từ chúng chắc chắn sẽ khiến nặng hầu bao…

6. Với việc kỷ niệm 10 năm hoạt động và khánh thành khu trưng bày điện ảnh, đưa thêm nhiều phòng chiếu mới vào hoạt động, khai trương tổ hợp đa chức năng (khu dịch vụ, siêu thị thời trang – mỹ phẩm, khu vui chơi, siêu thị sách…) Trung tâm Chiếu phim Quốc gia đang kỳ vọng xứng tầm với một trung tâm chiếu phim quốc gia thời hội nhập và cạnh tranh được với hệ thống Megastar. Nhưng điều người xem kỳ vọng lại là làm sao họ được xem phim nhiều hơn (nhất là phim Việt Nam), giá vé rẻ hơn, chất lượng phục vụ tốt hơn…

7. Khi đã hội nhập, chúng ta không thể khống chế tỷ lệ phim ngoại nhập nhưng có thể quy định tỷ lệ chiếu phim Việt Nam ở các rạp để bảo hộ phim nội địa, như cách mà điện ảnh Hàn Quốc đã làm hiệu quả. Theo cách đó, trong năm mới 2009 nhà nước sẽ phải cấp quota chiếu phim nội và các rạp chiếu phim sẽ phải thực hiện như một quy định bắt buộc.

Năm 2009, với doanh thu chiếu bóng tại thị trường Việt Nam dự kiến có thể đạt con số 330 tỷ đồng thì các rạp nội kỳ vọng chiếm bao nhiêu % trong số đó… Năm mới sẽ cần phải cấp quỹ đất cho điện ảnh để xây dựng hệ thống rạp chiếu phim hiện đại trên toàn quốc, trước mắt là ở một số tỉnh, thành phố lớn để tạo điều kiện cho tập đoàn phát hành phim Việt Nam cạnh tranh được với các hệ thống phát hành phim nước ngoài tại Việt Nam.

8. Cũng trong năm 2009, Trung tâm Chiếu phim quốc gia sẽ đưa thêm 2 phòng chiếu vào hoạt động (trong đó 1 phòng chiếu 100 chỗ ngồi hiện đại và 1 phòng chiếu phim 4D cảm giác mạnh, sử dụng hệ thống trình chiếu bằng phim nhựa 70ly – phòng chiếu được xem là độc nhất tại Việt Nam vì việc nhập phim bản lớn cũng đòi hỏi khoản kinh phí rất lớn).

Và muốn phát hành tốt thì phải có hệ thống rạp tốt, nên trong năm mới 2009, tại TP. Huế người ta sẽ cho xây dựng Trung tâm giải trí điện ảnh (tại 25 Hai Bà Trưng) trên mặt bằng hơn 2.300m2, bằng nguồn vốn bán đấu giá 3 rạp chiếu cũ ở Huế là rạp Hoàn Mỹ, Đông Ba và Châu Tinh. Và TP.HCM và Hà Nội cũng không thể “về sau” so với cố đô về đầu tư hạ tầng cho điện ảnh, trước nhiều dự án đầu tư xây rạp mới đang được trình duyệt.

9. Trong năm mới, một việc làm thiết thực cũng được tính đến là mở một kênh riêng cho điện ảnh trên sóng truyền hình. Đề án này chính là nhằm tìm một đầu ra hiệu quả cho các tác phẩm điện ảnh. Nguồn kinh phí thu được từ kênh này sẽ dùng để tái đầu tư vào việc sản xuất phim. Ngoài việc tạo thêm nguồn thu, kênh truyền hình này còn thu hút khán giả đến với điện ảnh và cũng là một hình thức bảo hộ cho điện ảnh dân tộc.

10. Năm Kỷ Sửu đang đặt ra nhiều kỳ vọng cho điện ảnh với một thời kỳ mới. Người ta có thể chờ đợi nhiều phim chất lượng, nhiều vai diễn ấn tượng của năm 2009, trong đó có các phim Đừng đốt trong đó đã có lửa, Hoa đào ơi hoa đào, Trung úy, Chơi vơi, Trăng nơi đáy giếng, Được sống… và các phim tết như Đẹp từng centimet, Giải cứu thần chết, Huyền thoại bất tử

11. Năm Mậu Tý đã có thêm thời gian và sự thử thách nghề nghiệp để chúng ta ghi nhận sự ra quân của cả một thế hệ diễn viên cho phim truyện nhựa, trong số đó nhiều diễn viên trẻ có triển vọng. Nếu chỉ kể những người tham gia đóng trong phim năm 2008 và gối sang 2009, đã có thể nêu các diễn viên như Minh Hương, Johnny Trí Nguyễn, Nguyễn Thị Thu, Đồng Thanh Bình, Quách An An, Thiện Tùng, Tăng Thanh Hà, Lương Mạnh Hải, Minh Hằng, Chí Thiện… Chúng ta cũng không thiếu những người làm điện ảnh trẻ, có tài, năng động. Vấn đề là có tạo ra được môi trường năng động cho họ không.

12. Và LHP Việt Nam lần thứ 16 được tổ chức tại TP.HCM vào năm 2009 sẽ không chỉ là một sự kiện điện ảnh mà chính là dịp để khán giả chờ đợi nhiều điều về sự khởi sắc của điện ảnh nước nhà, trong đó có chất lượng các bộ phim truyện nhựa, có sự khẳng định của những nhà làm phim đã thành danh vớii sự tự làm mới mình, của các đạo diễn trẻ với phong cách mới, của các diễn viên trẻ bằng những vai diễn ấn tượng…

Giống như 12 tháng vòng quay của một năm luôn tiến về phía trước, hy vọng rằng 12 tháng của năm Kỷ Sửu sẽ chứng kiến điện ảnh nước nhà với những công việc sôi động hơn, thành công hơn và luôn hướng về phía trước…

Nguồn : Tạp chí VHNT số 295, tháng 1-2009

Tác giả : Vũ Ngọc Thanh

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *