Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số ở Thái Nguyên trong giai đoạn hiện nay

Đồng bào dân tộc thiểu số nước ta sinh sống chủ yếu ở vùng núi cao, biên giới, giao thông đi lại khó khăn, khí hậu khắc nghiệt, thường xuyên xảy ra thiên tai bão lũ, sạt lở đất. Những năm gần đây, đời sống vật chất, văn hóa tinh thần của đồng bào đã được nâng lên rõ rệt, nhưng so với mặt bằng chung của đất nước, đây vẫn là vùng có điều kiện khó khăn nhất, kinh tế – xã hội phát triển chậm nhất; tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản thấp nhất; tỷ lệ hộ nghèo cao nhất… Trên thực tế, những khó khăn, thách thức này nếu không được chú trọng giải quyết thì mong muốn thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng miền sẽ không thành hiện thực, không thực hiện được mục tiêu bình đẳng giữa các dân tộc, mặt khác còn kìm chế tốc độ công nghiệp hóa của cả nước, thậm chí nhiều khi dẫn tới bất ổn về chính trị – xã hội. Có thể thấy, con đường phía trước vẫn đang tiếp tục đặt ra cho Đảng, Nhà nước và nhân dân ta những khối lượng công việc nặng nề trong thực hiện chính sách dân tộc, mà trong đó vấn đề xây dựng được một đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số đủ về số lượng, đảm bảo chất lượng, phù hợp về cơ cấu phải đi trước một bước. Vấn đề này cũng chính là nội dung trực tiếp trong thực hiện chính sách dân tộc, không chỉ liên quan đến yêu cầu thực hiện bình đẳng dân tộc, mà còn tạo động lực phát triển toàn diện, bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

1. Vị trí, vai trò then chốt của đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số

Xuất phát từ vị trí, vai trò quan trọng của đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số trong cách mạng giải phóng dân tộc trước đây và trong sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước hiện nay, Đảng ta luôn quan tâm đến đội ngũ cán bộ của Đảng, trong đó có đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số, coi đây là một trong những nhân tố quyết định cho việc thực hiện thắng lợi chính sách dân tộc, đưa miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số từng bước phát triển trong sự phát triển chung của đất nước. Quan điểm xuyên suốt của Đảng ta từ trước đến nay là: cán bộ là khâu then chốt, là nhân tố quyết định sự thành bại của sự nghiệp cách mạng. Vai trò to lớn của đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số ở các vùng dân tộc được thể hiện ở những điểm chủ yếu như:

Một là, tiếp thu và vận dụng chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước ta trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội ở các địa phương. Đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số là lực lượng chủ yếu và trực tiếp lĩnh hội mọi nghị quyết, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, từ đó quán triệt và tổ chức triển khai, chỉ đạo thực hiện tại địa phương, cơ sở; đồng thời, từ thực tiễn sinh động ở địa phương, cơ sở tổng kết, đúc rút kinh nghiệm, đề xuất, kiến nghị với Trung ương để bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện đường lối chính sách chung nhằm đẩy nhanh tốc độ công nghiệp hóa, hiện đại hóa của cả nước.

Hai là, cán bộ dân tộc thiểu số là lực lượng tiên phong trong việc thực hiện các nhiệm vụ kinh tế, chính trị, văn hóa – xã hội, an ninh – quốc phòng ở địa phương. Lãnh đạo bằng phương pháp nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên là một trong những phương thức lãnh đạo của Đảng. Phương thức này đã và đang chứng minh được tính hiệu quả trong tất cả các hoạt động của đời sống chính trị – xã hội. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt chú ý đến vấn đề nêu gương tốt của cán bộ, đảng viên trước quần chúng làm động lực cho các hoạt động cách mạng. Người từng viết: “Nói chung thì các dân tộc phương Đông đều giàu tình cảm, và đối với họ một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền” (1). Từ đó, Người nhắc nhở cán bộ, đảng viên trong mọi hoạt động: “Tốt nhất là miệng nói, tay làm, làm gương cho người khác bắt chước” (2). Đây chính là phương pháp hữu hiệu nhất để đưa các chính sách đến với nhân dân. Ba là, đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số là lực lượng đi đầu trong công tác dân vận ở vùng dân tộc thiểu số. Chính sách là sự cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng trong các lĩnh vực của đời sống chính trị – xã hội như: kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, đối ngoại, an ninh quốc phòng… từ vĩ mô đến vi mô. Đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số là cầu nối giữa Đảng với nhân dân, là lực lượng trung gian đưa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng – Nhà nước đến với nhân dân; đồng thời, cũng là người tổ chức cho nhân dân thực hiện thắng lợi nhiệm vụ cách mạng của Đảng, của dân tộc.

2.Thực trạng và một số vấn đề đặt ra trong công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số ở Thái Nguyên

Thái Nguyên là tỉnh thuộc khu vực trung du và miền núi Bắc Bộ, nơi hội tụ nền văn hóa của các dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc. Ngoài dân tộc Kinh là dân tộc đa số, ở Thái Nguyên có 45 thành phần dân tộc, trong đó có 7 dân tộc thiểu số chủ yếu, sinh sống đan xen, cùng tồn tại, chiếm tỷ lệ 27% dân số trong tỉnh (gồm dân tộc Tày, Nùng, Sán Dìu, Sán Chay, Dao, Mông và Hoa). Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong toàn tỉnh là 33.426 người, trong đó cán bộ dân tộc thiểu số là 6.483 người, chiếm 30,6%. Số lượng cán bộ dân tộc thiểu số có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ từ trung cấp trở lên là 7.054 người (chiếm 95,7%). Tỷ lệ cán bộ, công chức được qua các khoa đào tạo về chuyên môn đạt 87,42% (3).

Nhìn chung, chất, lượng đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số ở Thái Nguyên được nâng lên về nhiều mặt, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, tổ chức các cấp, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự xã hội tại địa phương.

 Công tác tuyển dụng công chức, viên chức người dân tộc thiểu số được thực hiện theo quy định của Luật Cán bộ, công chức; Luật Viên chức và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành. Công tác quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số được triển khai đúng quy định, đảm bảo dân chủ, khách quan, từng bước khắc phục kịp thời sự thiếu hụt trong công tác bố trí, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện chính sách đào tạo, bồi dưỡng cán bộ dân tộc thiểu số ở Thái Nguyên còn một số hạn chế như:

Thứ nhất, mặc dù đã được quan tâm đào tạo nhưng trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số còn hạn chế. Trong đó, số lượng cán bộ dân tộc thiểu số và cán bộ cấp cơ sở có trình độ đại học chưa nhiều, chủ yếu là trung cấp, còn yếu kỹ năng tin học; số lượng chưa qua đào tạo, bồi dưỡng do tuổi cao, không bảo đảm điều kiện về trình độ văn hóa để quy hoạch vẫn còn nhiều, chưa đồng đều về chất lượng giữa các dân tộc.

Thứ hai, chính sách đào tạo, bồi dưỡng cán bộ dân tộc thiểu số chưa thực sự gắn kết với công tác quy hoạch và yêu cầu nhiệm vụ thực tiễn của địa phương vùng dân tộc – miền núi. Trên thực tế, đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số được bồi dưỡng chủ yếu qua các lớp ngắn ngày nhằm đáp ứng đủ các yêu cầu về chứng chỉ để bảo đảm tuyển dụng, vị trí việc làm, thi nâng ngạch, chuyển ngạch mà chưa xuất phát từ nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng để bảo đảm đủ năng lực làm việc. Việc quy hoạch để đào tạo, bồi dưỡng dài hạn nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý chưa được quan tâm đúng mức, chưa chủ động về nguồn cán bộ, chưa bố trí hợp lý về cơ cấu dân tộc, cán bộ nữ.

Thứ ba, nội dung chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ dân tộc thiểu số mặc dù đã được cải tiến nhưng chưa thực sự phù hợp, nặng về lý luận chung, thiếu những nội dung về quản trị, kỹ trị hành chính, phương pháp phát triển tư duy, các kỹ năng quản lý xã hội và xử lý rủi ro… là những nội dung cơ bản về quản lý kinh tế – xã hội trong tình hình hiện nay. Đặc biệt, do phần lớn chương trình đào tạo, bồi dưỡng hiện nay được áp dụng đại trà cho tất cả các vùng, nhưng lại thiếu nhiều nội dung cụ thể về kinh tế, xã hội, lịch sử, kinh tế địa phương… trong khi đặc thù của từng vùng miền, địa phương có sự khác nhau rất lớn, nên việc vận dụng vào thực tiễn của nhiều cán bộ sau khi được đào tạo, bồi dưỡng thường không cao.

Thứ tư, chính sách ưu tiên, đãi ngộ trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ dân tộc thiểu số còn những điểm chưa phù hợp. Chính sách ưu tiên về điểm trong thi tuyển, xét tuyển đầu vào hay điểm học tập cho các thí sinh, học viên là cán bộ người dân tộc thiểu số có ưu điểm là tạo cơ hội thuận lợi cho họ được học tập, nhưng cũng có hạn chế là không khuyến khích được tinh thần nỗ lực vươn lên, vô hình trung tạo tâm lý trông chờ, ỷ lại. Bên cạnh đó, chính sách đãi ngộ đối với cán bộ dân tộc thiểu số còn bất cập, chưa đủ mạnh để khuyến khích họ vượt qua những khó khăn, rào cản để tích cực học tập, nâng cao trình độ. Cán bộ dân tộc thiểu số thường gặp nhiều khó khăn về điều kiện ăn, ở, đi lại do ở xa các trung tâm đào tạo nên mất nhiều chi phí hơn trong khi chế độ hỗ trợ theo quy định còn hạn chế nên không đủ trang trải.

Ngày 18-11-2018, Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ra Nghị quyết số 88/2019/QH14 phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, trong đó xác định mục tiêu cụ thể đến năm 2025 là: Đào tạo, quy hoạch, xây dựng đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số, nhất là các dân tộc thiểu số tại chỗ. Bảo đảm tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số phù hợp với tỷ lệ dân số là người dân tộc thiểu số ở từng địa phương. Như vậy, khi thực hiện đề án này đến năm 2025, số lượng cán bộ người dân tộc thiểu số sẽ tăng hơn nhưng phải đảm bảo không tăng số lượng biên chế đã được cấp có thẩm quyền giao, phù hợp với Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20-11-2014 của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế. Việc tăng về số lượng và chất lượng đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số sẽ đáp ứng được yêu cầu về nguồn nhân lực có chất lượng phục vụ cho quá trình phát triển kinh tế – xã hội bền vững ở các địa phương, các vùng dân tộc miền núi.

3.  Một số giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số ở Thái Nguyên hiện nay

Xây dựng đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số ở Thái Nguyên đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:

Một là, tiếp tục quán triệt và thực hiện tốt quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về xây dựng đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số. Căn cứ vào tình hình các dân tộc và nhu cầu về số lượng cán bộ, tiếp tục triển khai có hiệu quả Nghị định số 05/2011/NĐ-CP, ngày 14-11-2011 của Chính phủ về công tác dân tộc; Quyết định số 402/QĐ-TTg, ngày 14-3-2016 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Đề án phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số trong thời kỳ mới; Nghị quyết số 88/2019/QH14, ngày 18-11-2019 của Quốc hội phê quyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 nhằm xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số tỉnh Thái Nguyên (4).

Hai là, làm tốt công tác đào tạo nguồn cán bộ dân tộc thiểu số. Đối với số học sinh dân tộc thiểu số đã tốt nghiệp, các địa phương, cơ sở lập kế hoạch bố trí, sử dụng vào các công việc thích hợp ở thôn, bản, xã. Sau một quá trình công tác nếu có triển vọng phát triển thì tiếp tục đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị để sử dụng lâu dài tại địa phương. Đối với những người đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp thì cấp ủy, chính quyền các cấp chủ động phối hợp để tuyển dụng theo đúng ngành nghề, tạo điều kiện để họ có việc làm, cũng như tạo nguồn cán bộ dân tộc thiểu số lâu dài cho địa phương, cơ sở.

Ba là, nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng cán bộ vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Ban hành quy chế đào tạo để công tác đào tạo cán bộ vùng dân tộc thiểu số và miền núi đi vào nền nếp, theo kế hoạch đã đề ra và đảm bảo đúng quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng gắn với việc bố trí, sử dụng cán bộ. Việc đào tạo cán bộ vùng dân tộc thiểu số và miền núi phải đa dạng hóa phương thức và loại hình đào tạo, phù hợp với trình độ và khả năng tiếp thu kiến thức của cán bộ; gắn đào tạo lý luận với thực hành, giúp họ nâng cao năng lực hoạt động thực tiễn. Xúc tiến khảo sát và kiện toàn, củng cố lại hệ thống các trường dân tộc nội trú để công tác giảng dạy của giáo viên và việc học tập của học sinh dân tộc thiểu số đạt kết quả tốt hơn, đồng thời, tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, củng cố đội ngũ cán bộ, giáo viên ở các trường dân tộc nội trú đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ dạy học; chú trọng việc giáo dục hướng nghiệp cho học sinh.

Bốn là, có chính sách nhằm khuyến khích cán bộ dân tộc thiểu số học tập nâng cao trình độ, cần điều chỉnh mức trợ cấp học phí cho phù hợp với giá cả thị trường từng thời kỳ. Đối với cán bộ dân tộc thiểu số theo học các chương trình sau đại học cần có chính sách ưu đãi thỏa đáng. Ngoài ra, cần có chính sách đảm bảo điều kiện sinh hoạt cho cán bộ dân tộc thiểu số khi được luân chuyển, điều động đi công tác xa nhà, ở vùng sâu, vùng xa để họ yên tâm công tác. Xây dựng kế hoạch phát triển cán bộ là người dân tộc thiểu số sở tại, thu hút cán bộ trẻ dân tộc thiểu số có năng lực về cơ sở bằng những chính sách, chế độ ưu đãi phù hợp. Đồng thời, cần có chế độ trợ cấp học bổng ngoài chính sách chung của Nhà nước đối với học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số đang theo học ở các trường trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học gắn với quy chế quản lý để đảm bảo số học sinh sau khi ra trường về công tác tại địa phương.

Năm là, chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền về vị trí, vai trò then chốt của đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số. Việc tuyên truyền không chỉ được thực hiện trong hệ thống chính trị mà còn cả trong quần chúng nhân dân. Bởi chính người dân, từ tín nhiệm của mình để bỏ phiếu bầu đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số có đủ phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực, trình độ để thực hiện các nhiệm vụ chính trị ở địa phương. Nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số về sự cần thiết phải học tập, tự bồi dưỡng nhằm nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, kỹ năng, phương pháp công tác, tu dưỡng đạo đức cách mạng để hoàn thành chức trách, nhiệm vụ tốt hơn. Từ đó, từng cán bộ dân tộc thiểu số đề cao trách nhiệm chính trị, tinh thần tự giác trong tự học tập, bồi dưỡng năng lực công tác, trình độ chuyên môn để thực sự xứng đáng với vị trí, vai trò của mình.

_______________

1. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 1, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.284.

2. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 9, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.126.

3. UBND tỉnh Thái Nguyên, Thống kê số lượng cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số, Văn phòng UBND tỉnh Thái Nguyên, 2018.

4. Quốc hội, Nghị quyết số 88/2019/QH14 phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Tác giả: Ths Lý Trung Thành

Nguồn: Tạp chí VHNT số 467, tháng 7-2021

 

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *