Nâng cao kỹ năng nghề nghiệp của sinh viên hiện nay


Kỹ năng nghề nghiệp là một trong những hành trang quan trọng giúp sinh viên có cơ hội được tuyển dụng và hoàn thành công việc theo chuyên môn được đào tạo sau khi ra trường. Đây còn là một mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực trước những yêu cầu lao động, việc làm trong nền kinh tế tri thức đang đòi hỏi về kỹ năng nghề nghiệp thực tế của sinh viên rất cao. Đặc biệt, sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang đặt ra cho người đi học và các cơ sở đào tạo những thách thức mới.

Đào tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong hệ thống các cơ sở đào tạo nói chung đã có những bước phát triển tiến bộ. Các cơ sở đào tạo đã cung cấp ngày càng đa dạng hơn về nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động việc làm ở các ngành nghề, trình độ khác nhau. Tuy nhiên, ở một số cơ sở đào tạo vẫn còn nặng về lý thuyết, chương trình, nội dung đào tạo chưa trang bị đủ các kiến thức, kỹ năng mà thị trường lao động đang cần. Hoạt động đào tạo và nghiên cứu chủ yếu theo phương pháp truyền thống, chưa có sự đột phá về tư duy, cơ cấu kiến thức, kỹ năng và phương pháp. Quá trình đào tạo gắn với rèn luyện phát triển kỹ năng nghề nghiệp của sinh viên chưa được chú trọng, thực hành kỹ năng làm việc theo chuyên môn còn ít, chưa có sự gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, vấn đề nhận thức về kỹ năng nghề nghiệp của sinh viên chưa được quan tâm. Một bộ phận sinh viên chỉ quan tâm đến kiến thức chuyên môn nghiệp vụ mà không chú ý đến kỹ năng nghề nghiệp, kỹ năng xin việc. Ngoài ra, một bộ phận chủ thể đào tạo ở các nhà trường chưa đồng đều về chuyên môn tay nghề, việc rèn luyện kỹ năng nghề, cập nhật kiến thức mới, kinh nghiệm thực tế ở công ty, nhà máy còn hạn chế, dẫn đến khả năng gia nhập của đối tượng đào tạo sau khi tốt nghiệp vào môi trường doanh nghiệp còn yếu, khả năng thích ứng với sự thay đổi nghề nghiệp việc làm khi không đúng chuyên môn đào tạo hạn chế. Nhiều doanh nghiệp trong tuyển dụng có chung nhận định là sinh viên thiếu hụt những kiến thức về kỹ năng nghề nghiệp, chuyên môn; kinh nghiệm thực tiễn, khả năng thích ứng còn chậm. Do đó, việc tuyển dụng lao động trở thành một thách thức cho các ứng viên dự tuyển vì họ không có kỹ năng nghề nghiệp phù hợp, không đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng hay ở các ngành nghề mà doanh nghiệp đang rất cần, đang thiếu hụt.

Tình hình trên có nhiều nguyên nhân về khách quan và chủ quan. Trong đó, một số vấn đề đáng quan tâm là: thứ nhất, các kiến thức, kỹ năng đang được dạy ở nhà trường chưa đáp ứng nhu cầu nhân lực có chất lượng cao và đa dạng ngành nghề, lĩnh vực của nền kinh tế hiện nay; thứ hai, điều kiện đảm bảo cho sự thay đổi các phương thức, phương pháp đào tạo kỹ năng nghề nghiệp ở nhà trường chưa đáp ứng nhu cầu nhân lực cho nền kinh tế tri thức hiện nay; thứ ba, sự thay đổi trong quản trị nhà trường chưa đáp ứng được sự thay đổi, sự ứng dụng mạnh mẽ của công nghệ thông tin; thứ tư, gắn kết giữa nhà trường với doanh nghiệp chưa trở thành “trách nhiệm xã hội” của các doanh nghiệp; thứ năm, yêu cầu của thị trường lao động với những kỹ năng nghề nghiệp mới của sinh viên chưa đáp ứng được nhu cầu đa dạng của nền kinh tế hiện nay.

Trước yêu cầu mới của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, quán triệt hiện thực hóa mục tiêu, nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI) xác định: “tập trung đào tạo nhân lực có kiến thức, kỹ năng và trách nhiệm nghề nghiệp. Hình thành hệ thống giáo dục nghề nghiệp với nhiều phương thức và trình độ đào tạo kỹ năng nghề nghiệp theo hướng ứng dụng, thực hành, bảo đảm đáp ứng nhu cầu nhân lực kỹ thuật công nghệ của thị trường lao động trong nước và quốc tế” (1). Nhằm góp phần nâng cao nhận thức, khả năng rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp của sinh viên hiện nay, cần làm tốt một số vấn đề sau:

Về phía sinh viên

Cần chủ động tìm hiểu các thông tin về nghề nghiệp mình đã lựa chọn một cách kỹ càng trước khi đăng ký dự thi, tránh tâm lý “phổ cập đại học”, “không có hứng thú với nghề nghiệp khi đã vào học”, bởi những tâm lý tiêu cực đó dẫn tới tình trạng sinh viên không thích học, bỏ học, thi lại, học lại, lưu ban làm ảnh hưởng đến uy tín cơ sở đào tạo. Mỗi sinh viên trong quá trình học tập, rèn luyện, cùng với việc tiếp thu tri thức, kỹ xảo, kỹ năng nghề nghiệp cần tự nghiên cứu nâng cao nhận thức và rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp mà họ đang theo đuổi. Sinh viên cần được trang bị kỹ năng nghề nghiệp thông qua các môn học trên lớp, các buổi tham quan thực tế tại doanh nghiệp, các chương trình thực tập nghề nghiệp, các buổi tọa đàm khoa học, các hoạt động ngoại khóa; thường xuyên bồi dưỡng chí hướng phấn đấu, niềm say mê ngành nghề mà mình đã lựa chọn.

Đối với các khoa chủ quản

Cần đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp giảng dạy gắn với kỹ năng nghề nghiệp của người học. Xây dựng chương trình đào tạo sát với thực tế yêu cầu công việc. Căn cứ mục tiêu đào tạo và chiến lược, khoa, bộ môn cần xây dựng chương trình đào tạo dựa trên cơ sở tham khảo ý kiến của các doanh nghiệp, nhà tuyển dụng, nhằm nâng cao kỹ năng nghề nghiệp cho sinh viên. Khoa, bộ môn cần quan tâm đến các hoạt động ngoại khóa hay tổ chức tìm hiểu các kỹ năng mềm cần thiết cho việc áp dụng vào hoạt động chuyên môn nghề nghiệp nhằm nâng cao nhận thức về kỹ năng nghề nghiệp của sinh viên thông qua các hoạt động thường niên. Đây là một hoạt động tích cực nhằm thu hút các sinh viên cùng tham gia, tạo không khí sôi nổi giúp tinh thần thoải mái. Điều đó sẽ giúp các sinh viên nhận thức rõ hơn với ngành nghề mình lựa chọn, tạo đà cho các em hăng say, yêu mến nghề hơn.

Đối với các cơ sở đào tạo

Thứ nhất, cần xây dựng chuẩn đầu ra cho người học sau khi ra trường phải có chứng chỉ về kỹ năng nghề. Muốn vậy, nhà trường cần thiết lập, trao đổi, tìm hiểu nhu cầu đào tạo và các nhu cầu ngành nghề trên thực tế với các doanh nghiệp, tổ chức để đảm bảo sinh viên ra trường có chứng chỉ kỹ năng nghề nghiệp, đáp ứng yêu cầu tuyển dụng. Khi xác định được mục tiêu và phương thức đào tạo thì tiến hành đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp theo hướng phát triển năng lực người học, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp cho sinh viên.

Thứ hai, đào tạo kỹ năng nghề nghiệp cho sinh viên cần phù hợp với ngành nghề, nhu cầu của các đối tượng sinh viên khác nhau; tập trung đào tạo kỹ năng phù hợp với yêu cầu từng vị trí việc làm. Nâng cao khả năng thực hành cho sinh viên bằng việc trải nghiệm thực tế, thực hành, thực tập, giải quyết các tình huống thực tế tại doanh nghiệp. Tăng cường đầu tư xây dựng các xưởng thực hành, tùy ngành nghề mà sử dụng các mô hình khác nhau, tạo điều kiện cho sinh viên học tập và nghiên cứu các tình huống thực tế, tăng kiến thức và kỹ năng xử lý tình huống thực tiễn.

Thứ ba, nâng cao năng lực giảng viên ở các cơ sở đào tạo, đặc biệt là kỹ năng nghề nghiệp của giảng viên. Đó là, nâng cao kiến thức chuyên môn, kỹ năng thực hành nghề, năng lực sư phạm dạy nghề, cập nhật công nghệ mới và thực tế sản xuất cho giảng viên. Cần xây dựng tiêu chuẩn đánh giá năng lực của giảng viên. Kiểm tra đánh giá năng lực của giảng viên không chỉ được đánh giá bởi sinh viên mà cần được đánh giá ở đầu ra sinh viên có đạt được các tiêu chuẩn của nhà trường và đáp ứng được yêu cầu xã hội hay không. Từ đó, đẩy mạnh hoạt động đào tạo, bồi dưỡng kỹ sư, cử nhân, nghệ nhân, người có kỹ năng tay nghề cao đã làm việc tại doanh nghiệp trở thành nhà giáo giáo dục nghề nghiệp. Các cơ sở đào tạo cần tiến hành  rà soát, phân loại, đánh giá đúng thực trạng đội ngũ giảng viên hiện nay, thực hiện bố trí, sắp xếp, sử dụng hợp lý đội ngũ giảng viên phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ và năng lực của họ, có cơ chế thay thế khi không đáp ứng yêu cầu.

Thứ tư, định hướng tốt ngành nghề cho sinh viên trước khi vào đào tạo. Người học cần được định hướng sớm về ngành nghề không chỉ dựa trên các yếu tố bên ngoài như định hướng của gia đình, ngành nghề có nhiều lựa chọn khi xin việc mà còn dựa vào năng lực của bản thân, những điểm mạnh, sở thích cá nhân để có thể phát huy trong quá trình học tập. Điều này đòi hỏi các cơ sở đào tạo phải có những chiến lược marketing định hướng cho người học, tư vấn ngay từ khi người học lựa chọn ngành học. Trong quá trình đào tạo, nhà trường cần giúp người học nhận rõ tiềm năng bản thân để chọn nghề phù hợp. Các cơ sở đào tạo cần có phòng tư vấn sinh viên từ lúc nhập trường, để cung cấp tất cả các thông tin cần thiết cho quá trình học tập, nghiên cứu, trong đó có định hướng nghề nghiệp cho người học khi ra trường.

Thứ năm, tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp. Việc gắn kết giữa nhà trường với các doanh nghiệp có một vai trò quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, có lợi cho sự phát triển nhà trường cũng như của doanh nghiệp. Làm tốt công tác này sẽ hình thành nên các sản phẩm chất lượng cao với chủ thể là sinh viên tốt nghiệp được trang bị đầy đủ kiến thức, tri thức, các kỹ năng cần thiết và thái độ đúng đắn về nghề nghiệp để có thể gia nhập vào nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần nâng cao vị thế, khẳng định thương hiệu của nhà trường. Việc các cơ sở đào tạo liên kết với các doanh nghiệp sẽ tạo dựng môi trường, cơ hội cho sinh viên rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp, để họ không chỉ giỏi về chuyên môn, mà còn có kiến thức thực tiễn trong các lĩnh vực, từng bước nâng cao nhận thức và kỹ năng nghề nghiệp. Phối hợp với các doanh nghiệp định kỳ cho sinh viên đi tham quan, trải nghiệp thực tế, thực tập tại doanh nghiệp có ngành nghề sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phù hợp với ngành nghề đào tạo. Sản phẩm thực tế, thực tập của sinh viên tại cơ sở sản xuất, dịch vụ là cơ sở đánh giá kỹ năng nghề nghiệp của sinh viên ở cơ sở đào tạo.

______________

1. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện hội nghị Trung ương 9 khóa XI, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 407, tháng 5 – 2018

Tác giả : VŨ TRÀ GIANG

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *