Hiện nay, nước ta đang trong giai đoạn đẩy
mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước
và hội nhập sâu rộng quốc tế, sự phát triển đó
đã đạt được những thành tựu quan trọng về
kinh tế, chính trị, văn hóa – xã hội… Song,
những thách thức từ việc giữ gìn bản sắc văn
hóa dân tộc, nâng cao văn hóa đời sống của
nhân dân, nhất là văn hóa ứng xử cho thanh
niên theo tư tưởng Hồ Chí Minh là vấn đề đặt ra
còn nhiều bất cập. Bài viết tập trung khái quát
những nội dung cơ bản tư tưởng Hồ Chí Minh về
văn hóa ứng xử và vận dụng nâng cao văn hóa
ứng xử cho thanh niên nước ta hiện nay.
Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, từ khi đi tìm đường cứu nước đến lời di chúc cuối cùng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm sâu sắc đến sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa và con người Việt Nam. Trong đó, Người đặc biệt quan tâm tới xây dựng văn hóa ứng xử của đoàn viên, thanh niên.
Thanh niên là người tiếp sức cách mạng, là lực lượng có vai trò quan trọng trong công cuộc bảo tồn văn hóa truyền thống dân tộc và xây dựng, phát triển đất nước… Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, thanh niên có điều kiện học tập, giao lưu quốc tế và hưởng thụ thành quả của nền khoa học công nghệ hiện đại, thích ứng nhanh với những biến đổi của thời cuộc… Song, hiện còn một bộ phận không nhỏ thanh niên gây bức xúc trong xã hội như: sống thực dụng, xa rời truyền thống tốt đẹp của dân tộc… Thậm chí, một số thanh niên bị lôi kéo, có những việc làm đi ngược lại với truyền thống của Đoàn, trái với mục tiêu của Đảng, của dân tộc, có xu hướng thích hưởng thụ, chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, thiếu trung thực, thờ ơ, thiếu quan tâm đến vấn đề chung của xã hội. Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 7 khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã chỉ ra: “Một bộ phận thanh niên sống thiếu lý tưởng, giảm sút niềm tin, ít quan tâm đến tình hình đất nước, thiếu ý thức chấp hành pháp luật, sống thực dụng, xa rời truyền thống văn hóa dân tộc; nhiều thanh niên thiếu kiến thức và kỹ năng trong hội nhập quốc tế” (1). Do đó, trước yêu cầu của sự nghiệp cách mạng và thực trạng trên, việc quán triệt và học tập tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa ứng xử là nhiệm vụ cấp bách đối với thanh niên hiện nay.
1. Những nội dung cơ bản trong tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa ứng xử
Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn thể hiện phong cách ứng xử giản dị, gần gũi, cởi mở, tế nhị và chu đáo với tất cả mọi người. Có thể nói, trên thế giới hiếm có nhà lãnh đạo nào có được phong cách ứng xử giàu giá trị văn hóa như Bác Hồ.
Văn hóa ứng xử Hồ Chí Minh chính là nói đến giá trị văn hóa sử dụng ngôn ngữ, phong cách giao tiếp phù hợp, chân thành. Dù khác nhau về địa vị, thành phần xuất thân, mục đích hay hoàn cảnh sống nhưng bất kì ai khi tiếp xúc với Bác đều có chung cảm nhận về sự nể trọng, tôn kính bởi sức cảm hóa to lớn xuất phát từ đạo đức, nhân cách và phép ứng xử văn hóa của Người. Chính nét đặc sắc trong phong cách giao tiếp này của Bác dường như đã xóa nhòa mọi rào cản, phá bỏ mọi ngăn cách về văn hóa, dân tộc, ngôn ngữ và vị thế xã hội…
Văn hóa ứng xử của Hồ Chí Minh luôn chứa đựng tình cảm chân thành và tinh thần khoan dung, độ lượng. Kế thừa và phát huy truyền thống nhân ái, bao dung của dân tộc, trong mọi hình thức giao tiếp, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn thể hiện thái độ yêu thương, trân trọng, quý mến con người. Từ những người nông dân đến người thương binh, bệnh binh đang nằm trên giường bệnh, từ bạn bè, đồng chí, anh em đến các cháu thiếu niên, nhi đồng hay với những người “đối lập” với mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đều đối xử bằng tình cảm chân thành, cởi mở, vừa chủ động, vừa ân cần khiến họ cảm nhận được tấm lòng cao cả, bao dung mà chan hòa, gần gũi. Vì vậy, văn hóa ứng xử của Người luôn tiềm ẩn sức cuốn hút, năng lực cảm hóa và thôi thúc mọi người hướng đến những giá trị nhân văn tốt đẹp.
2. Một số giải pháp góp phần nâng cao văn hóa ứng xử theo tư tưởng Hồ Chí Minh cho thanh niên hiện nay
Một là, tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, các tổ chức nhằm nâng cao nhận thức văn hóa ứng xử cho thanh niên hiện nay
Nâng cao ý thức trách nhiệm của các cấp ủy đảng, cơ quan các cấp và của từng đảng viên đối với công tác thanh niên. Từng cấp ủy đảng, các tổ chức quản lý thanh niên phải thấm nhuần sâu sắc duy huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đoàn viên và thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ. Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng xã hội chủ nghĩa vừa hồng vừa chuyên” (2). Cần quán triệt đầy đủ, sâu sắc tầm quan trọng của nhiệm vụ giáo dục cho thanh niên, giúp họ hình thành lòng trung thành với Đảng, với Tổ quốc, có trách nhiệm cao trong học tập và công việc; rèn luyện bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức trong sáng, có ý thức tổ chức kỷ luật và năng lực hoàn thành nhiệm vụ; vững vàng trước mọi khó khăn, thử thách; luôn phấn đấu cho mục tiêu, lý tưởng của Đảng. Đây là nhiệm vụ cấp thiết, thường xuyên và lâu dài của các cấp ủy, tổ chức đảng và tổ chức đoàn giáo dục cho thanh niên về mục tiêu, phương châm ứng xử: “Nhiệm vụ của thanh niên không phải là hỏi nước nhà đã cho mình những gì. Mà phải tự hỏi mình đã làm gì cho nước nhà? Mình phải làm thế nào cho ích lợi nước nhà nhiều hơn? Mình đã vì lợi ích nước nhà mà hy sinh phấn đấu chừng nào?” (3).
Công tác giáo dục văn hóa ứng xử cho thanh niên của các tổ chức đảng, cơ quan chức năng nên có sự kết hợp với các nhà trường và sức mạnh của thông tin đại chúng. Nhà trường, nhất là Đoàn thanh niên, Hội sinh viên có thể tổ chức những buổi nói chuyện, tạo ra những diễn đàn, các hội diễn văn nghệ truyền thống qua đó lồng ghép nội dung giáo dục văn hóa ứng xử. Đồng thời, các phương tiện truyền thông: mạng lưới truyền thanh phường, xã, thị trấn, hệ thống panô, áp phích, các báo, tạp chí, bản tin; các hình thức hội thi, hội diễn… cũng là một kênh lồng ghép nội dung giáo dục lối sống, ứng xử văn hóa trong thanh niên một cách hiệu quả. Do đó, các ngành chức năng, cơ quan tuyên truyền cần chú ý việc đổi mới, cải tiến nội dung, hình thức tuyên truyền, cách thức vận động góp phần xây dựng mô hình văn hóa văn hóa ứng xử.
Hai là, xây dựng các tổ chức vững mạnh toàn diện tạo ra môi trường ứng xử chuẩn mực ở cơ quan, đơn vị hiện nay
Xây dựng tổ chức đảng trong sạch vững mạnh làm hạt nhân và cơ sở cho xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh. Phải quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động nâng cao văn hóa ứng xử của thanh niên; tổ chức tốt hoạt động xây dựng môi trường tự nhiên với các hoạt động văn hóa khác. Thường xuyên củng cố, xây dựng tinh thần đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ nhau trong thanh niên; bảo đảm cơ sở vật chất cho các hoạt động văn hóa đạt chất lượng tốt. Không ngừng bổ sung và hoàn thiện các chuẩn mực về văn hóa ứng xử, làm cho chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng, pháp luật Nhà nước… ngày càng được củng cố vững chắc, trở thành những giá trị, chuẩn mực, lối sống văn hóa “thẩm thấu” bền vững trong thanh niên.
Xây dựng tổ chức đoàn thanh niên thực sự vững mạnh về mọi mặt, có lập trường chính trị đúng đắn; đoàn kết, thống nhất; đấu tranh phê bình và tự phê bình cao; tương trợ giúp đỡ nhau trong thực hiện nhiệm vụ… Nâng cao văn hóa giao tiếp giữa các thanh niên, tổ chức đoàn và xã hội, làm cơ sở để thanh niên bổ sung những tri thức, kỹ năng, kỹ xảo, kinh nghiệm và vốn sống cho bản thân.
Thường xuyên kiện toàn các tổ chức, lực lượng hoạt động trong lĩnh vực văn hóa với số lượng, chất lượng phù hợp, hiệu quả. Tăng cường các hoạt động giao lưu văn hóa giữa các tổ chức đoàn với tổ chức đoàn trong lực lượng vũ trang. Nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa với các hình thức phong phú nhằm khuyến khích và lôi cuốn thanh niên tham gia tích cực, tự giác như: tọa đàm, trao đổi kinh nghiệm, học tập các điển hình tiên tiến, giao lưu văn nghệ… mang tính giáo dục cao, hấp dẫn, phù hợp với thị hiếu của thanh niên, từ đó bồi dưỡng, rèn luyện họ trong giao tiếp, ứng xử. Nêu cao vai trò gương mẫu của đội ngũ cán bộ các cấp về phẩm chất, đạo đức, lối sống, văn hóa trong giao tiếp, ứng xử, trong giải quyết các mối quan hệ cho thanh niên noi theo. Nội dung này, được Đảng ta khẳng định trong Dự thảo Văn kiện Đại hội XIII: “Thực hiện tốt các quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp, cán bộ có chức vụ càng cao phải gương mẫu. Nêu gương trở thành một nội dung quan trọng trong phương thức lãnh đạo của Đảng” (4).
Ba là, nâng cao văn hóa ứng xử của thanh niên phải liên tục phát hiện và giải quyết các mâu thuẫn nội tại của thanh niên một cách kịp thời
Có thể nói, yếu tố khách quan là toàn bộ những nguyên tắc, chuẩn mực, giá trị văn hóa của môi trường giáo dục, rèn luyện và cái chủ quan là tổng thể những phẩm chất, năng lực bên trong cá nhân người thanh niên; vì thế, đòi hỏi mỗi thanh niên phải thường xuyên đấu tranh với chính bản thân mình để tiếp nhận những giá trị mới, tạo nên sự chuyển biến trong lối sống, giao tiếp, ứng xử của bản thân. Đồng thời, đào thải những cái không phù hợp, không lành mạnh và lệch lạc. Tiếp nhận và đào thải phải luôn song hành với nhau. Theo Hồ Chí Minh: “Mỗi con người đều có thiện và ác ở trong lòng. Ta phải biết làm cho phần tốt ở trong mỗi con người nảy nở như hoa mùa xuân và phần xấu bị mất dần đi, đó là thái độ của người cách mạng” (5).
Bốn là, phát huy tính tích cực, tự giác, tự rèn luyện văn hóa ứng xử và phòng chống những biểu hiện tiêu cực, lạc hậu ở thanh niên hiện nay
Đây là giải pháp quan trọng khơi dậy ý thức tự giác, lòng tự trọng và ý chí quyết tâm của thanh niên. Vì vậy, đòi hỏi tổ chức đoàn trong quá trình giáo dục phải thường xuyên biểu dương, khích lệ những cá nhân và tập thể tiêu biểu, đồng thời kiên quyết đấu tranh với những biểu hiện thiếu tự giác, không xác định rõ động cơ, quyết tâm, những hiện tượng phó mặc, bất cần, tự mãn trong quá trình rèn luyện, bồi dưỡng lối sống và hoàn thiện nhân cách của thanh niên.
Mỗi thanh niên cần phải xây dựng cho mình kế hoạch phấn đấu cụ thể, tỉ mỉ, thiết thực. Lựa chọn hình thức, phương pháp tự giáo dục, tự rèn luyện linh hoạt, sáng tạo; nêu cao ý chí quyết tâm, kiên quyết, bền bỉ thực hiện kế hoạch đã xác định. Phát huy tính tích cực, tự giác tu dưỡng, rèn luyện của thanh niên phải kết hợp chặt chẽ giữa giáo dục, điều chỉnh hành vi đạo đức, lối sống với tạo lập dư luận xã hội, có như vậy mới đạt được hiệu quả cao. Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI của Đảng đã chỉ rõ: “Đấu tranh phê phán, đẩy lùi cái xấu, cái ác, thấp hèn, lạc hậu; chống các quan điểm, hành vị sai trái, tiêu cực ảnh hưởng xấu đến xây dựng nền văn hóa, tha hóa con người” (6).
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và mặt trái của kinh tế thị trường khiến thanh niên đang phải chịu các tác động từ nhiều hướng khác nhau. Do đó, việc vận dụng tư tưởng văn hóa của Hồ Chí Minh để nâng cao ứng xử cho thanh niên có ý nghĩa cấp bách trong sự nghiệp xây dựng nền công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước hiện nay. Thanh niên thời đại mới với nhiều ưu điểm và phẩm chất tốt sẽ góp phần thực hiện thắng lợi lời duy huấn của Bác: “Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà… nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do các thanh niên” (7).
_______________
1. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hành Trung ương khóa X, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2008, tr.37-38.
2, 5. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 15, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.612, 672.
3. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 9, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.265.
4. Đảng Cộng sản Việt Nam, Dự thảo các Văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng, Văn phòng Trung ương Đảng, tr.280.
6. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị lần thứ 9 Ban chấp hành Trung ương khóa XI, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2014, tr.51.
7. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.216.
Tác giả: Đinh Ngọc Tuyên
Nguồn: Tạp chí VHNT số 455, tháng 3-2021
Bài viết cùng chủ đề:
Kinh nghiệm đi du lịch Đà Nẵng dịp tết nguyên đán 2023 chi tết A-Z
Chính sách văn hóa Việt Nam thời kỳ 1945 -1954 và những thành tựu
Khái lược về môi trường văn hóa và xây dựng môi trường văn hóa nơi công cộng