Nghiên cứu không gian văn hóa ở góc nhìn vùng địa lý gắn với bản sắc văn hóa cho thấy những nét đặc sắc, độc đáo về phong tục, tập quán, tôn giáo, tín ngưỡng được thể hiện trong không gian cư trú của từng tộc người. Bài viết, sử dụng các phương pháp tổng hợp tư liệu, quan sát thực địa và điều tra phỏng vấn, nhằm làm rõ hơn về giá trị của cảnh quan văn hóa vùng Việt Bắc, mô tả khái quát về văn hóa truyền thống của cư dân Bách Việt trong bối cảnh hội nhập khu vực Đông Nam Á, qua đó trao đổi một số vấn đề liên quan đến việc bảo tồn và phát huy di sản, bản sắc văn hóa tộc người và khai thác tiềm năng phát triển du lịch ở nơi đây.
Nhìn tổng thể, miền núi phía Bắc bao gồm vùng thung lũng lòng chảo thấp, nơi cư trú của các tộc người thuộc nhóm ngôn ngữ Việt-Mường, Thái-Kađai; riêng vùng giữa hay sườn núi là nơi sinh sống của các tộc người thuộc nhóm ngôn ngữ Môn-Khmer và vùng cao hay rẻo núi cao là nơi cư trú của các tộc người thuộc nhóm ngôn ngữ Mông-Dao, Tạng-Miến.
Dạng sinh thái tộc người thung lũng tại các tỉnh như Điện Biên, Lào Cai, Lai Châu, Yên Bái và Sơn La được liên hệ chặt chẽ với không gian cư trú của các đồng bào Thái, Mường, Mông và một bộ phận nhỏ người Hà Nhì, Lào, Khơ Mú. Dạng sinh thái tộc người rẻo cao tại các tỉnh như Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Tuyên Quang có mối quan hệ rõ nét với không gian cư trú của đa số đồng bào Tày, Nùng, Dao cùng với các nhóm người Mường, Lô Lô, Giáy.
Tìm hiểu về tập quán cư trú và cảnh quan văn hóa của các đồng bào dân tộc thiểu số tại các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc sẽ cho chúng ta thấy được giá trị và tiềm năng phát triển to lớn của các di sản kiến trúc truyền thống của vùng văn hóa này.
Nét đặc sắc trong kiến trúc nhà ở của đồng bào Tày-Nùng
Dân tộc Tày và Nùng là một trong những cộng đồng có số dân đông nhất và địa bàn cư trú dàn trải rộng khắp vùng trung du và miền núi phía Bắc Việt Nam, trong đó các bản làng người Tày sinh tụ và phát triển nhộn nhịp nhất tại một số tỉnh, như Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Lào Cai, Tuyên Quang và Thái Nguyên.
Người Tày-Nùng có tập quán xây nhà sàn cùng nhau, sống tập trung trên khu đất bằng phẳng, từ 8 đến 30 nhà gần nhau thành một thôn xóm. Các gia đình trong bản đều làm chung, ăn chung trong một ngôi nhà lớn, vừa là nơi họp bản vừa làm nơi đón khách. Đêm về, họ ngủ trên những ngôi nhà sàn riêng biệt. Mọi việc lớn, như dựng vợ gả chồng, sinh con hay lo cho các cháu đi học đại học của từng nhà, đều được cả bản cùng chung tay chia sẻ. Tùy vào lứa tuổi và khả năng, mọi người cùng làm việc hết sức tự giác. Trong bản, nhà thì làm thuốc, nhà nấu rượu, nhà sao chè, nhà thực hành nghi lễ Then… Bao quanh bản là đồi cây, giữa bản có hồ rộng, hai bên đường vào bản rặng hóp xanh mát.
Hiện nay, kiến trúc nhà sàn dân tộc Tày-Nùng vùng Đông Bắc bộ tồn tại bốn kiểu khác nhau, gồm nhà lều, loại nhà có kết cấu đơn giản và sơ khai nhất của người Tày; nhà quan ma là loại nhà sàn thường có 4 gian với đặc điểm cột được chôn sâu xuống đất, được biến thể từ kiểu nhà lều, nhằm bảo vệ con người và vật nuôi khỏi thú dữ; nhà cai tư là kiểu nhà biến thể tiếp của nhà quan ma với đặc điểm thường có 5 gian (3 gian chính và 2 gian bên trái), cột nhà được kê bằng đá tảng; nhà con thong là loại nhà phổ biến nhất, có tính năng vượt trội so với các kiểu nhà còn lại, không dùng nhiều cột gỗ to mà chỉ dùng 8 cột chính và 16 cột quân, diện tích sử dụng nhà rộng rãi hơn dạng nhà cai tư rất nhiều. Về kiểu dáng, nhà con thong cơ bản vẫn giống như nhà cai tư, nhưng có thêm một hành lang chạy dọc theo sàn nhà, làm cho ngôi nhà vững chãi mà vẫn mang vóc dáng mềm mại, có tính thẩm mỹ cao.
Nhà ở truyền thống của người Tày là nhà sàn hình chữ nhật thuôn dài; kết cấu 3 gian, 2 chái, cột tròn hoặc vuông, có chiều cao từ 7-8m. Nhà được chia làm ba tầng: tầng dưới (gầm sàn) thường dành để nuôi, nhốt gia súc gia cầm và trữ nông cụ; tầng giữa là nơi ăn, ở, tiếp khách, sinh hoạt chính của chủ nhà; tầng trên (gác xép) là nơi trữ và bảo quản lương thực. Tuy nhiên, hiện nay, đồng bào Tày-Nùng không nuôi, nhốt gia súc, gia cầm ở gầm sàn nữa mà dùng nơi này làm không gian sinh hoạt chung và để các vật dụng cần thiết.
Vật liệu chính làm nhà gồm đá núi, gỗ quý. Các cột trụ chống đỡ cho nhà sàn được làm bằng thân gỗ cao to, chắc khỏe, không mối mọt. Hệ thống cột, kèo, xà nhà rất chắc chắn. Các chi tiết được nối với nhau bằng các khớp mộng, đinh gỗ, rất hiếm khi dùng đinh sắt. Trong việc chọn cây làm nhà, người Tày kiêng sử dụng cây bị cụt ngọn, sâu gốc hoặc có tổ kiến. Họ cho rằng, những cây như thế là cây ốm yếu, bệnh tật, nếu lấy cây đó làm nhà thì người sống trong ngôi nhà đó cũng không khỏe mạnh. Thực tế, những cây bị như vậy thường rất giòn, hỏng bên trong và nhìn không đẹp.
Người Nùng thường chọn vị trí dựng nhà ở sườn đồi, ở khu vực có nhiều cây cối, vì theo kinh nghiệm của đồng bào, nơi có nhiều cây cối thường không bị sạt lở đất. Theo phong thuỷ của người Nùng, nhà ở phải hướng về hướng Nam, nơi có cảnh trí thiên nhiên thoáng đãng, rộng rãi và nhà không nên có cửa nhìn ra núi non, sông ngòi hay những bụi cây có hình thù kỳ lạ. Người Nùng cho rằng mỏm núi như hình mũi tên hướng vào nhà thì mọi người hay gặp tai nạn, còn những bụi cây có hình thù của thú dữ sẽ làm cho gia cầm chăn nuôi bị dịch bệnh, mất mát. Người Nùng sống gần gũi với thiên nhiên và thích ở nơi rộng rãi, nên nhà sàn được làm hoàn toàn bằng gỗ, tre nứa và xung quanh nhà thường có hàng rào, vườn rau.
Người Nùng thường ở nhà nửa sàn nửa đất và ở một số nơi, đồng bào ở nhà trình tường. Nhà sàn là kiểu nhà truyền thống. Mặt bằng sinh hoạt trong nhà sàn của người Nùng cơ bản là giống nhau, phần dưới sàn là nơi nuôi gia súc, nơi phụ nữ nhuộm vải chàm và là chỗ đàn ông mài dao, sửa nông cụ. Các gian trên tầng sàn được ngăn bằng vách gỗ, được chia thành 2 khu rõ rệt dành cho nam và nữ. Phần ngoài dành cho nam giới, là nơi đặt bàn thờ tổ tiên, nơi ở của chủ nhà, con trai chưa vợ và cũng là nơi tiếp khách. Phần bên trong là nơi sinh hoạt của phụ nữ.
Đặc trưng văn hóa cư trú của đồng bào Mông, Dao và Hà Nhì
Nhà trình tường là kiểu nhà phổ biến của người Mông, Dao và Hà Nhì ở miền núi phía Bắc Việt Nam. Mỗi tộc người, tùy địa bàn sinh sống, sẽ có cách làm nhà trình tường khác nhau; không những độc đáo, đa dạng nhờ mang nét đặc trưng của văn hóa cư trú, tập quán truyền thống, mà còn tùy thuộc nhiều yếu tố như địa hình và khí hậu, thổ nhưỡng.
Kiểu nhà này có tường được đắp thủ công hoàn toàn bằng đất rồi lèn bằng phẳng, chắc chắn. Nhà trình tường ấm vào mùa đông và mát vào mùa hè. Vật liệu để làm những bức tường gồm đất sét, có độ dẻo dai nhất định để tạo sự kết dính lớn, trộn lẫn sỏi nhỏ để tạo độ cứng với mục đích chịu được các tác động từ bên ngoài.
Theo quan niệm của người Mông, trong nhà luôn có một trụ cột cái cao nhất để chống lên đỉnh mái; đây là biểu tượng cho sức mạnh và sự thịnh vượng của gia chủ, được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Cây cột cũng là vật nâng đỡ cho gác lửng, là nơi cất trữ đồ dùng gia đình. Phụ nữ không được phép leo lên gác này; khi cần lấy đồ, họ chỉ được dùng thanh tre để khều xuống. Phía hai bên gian chính của ngôi nhà có bộ giường mây tre để trẻ con hoặc khách lạ đến ngồi chơi.
Trong nhà của người Dao và Mông, vẫn giữ được 2 bếp là bếp lò và bếp kiềng, có chức năng như là bếp chính (nấu cơm và thịt, cá) và bếp phụ (đun nước, nấu canh súp và sưởi ấm). Điểm độc đáo này cho thấy sự thích ứng của họ ở vùng thời tiết lạnh trên rẻo cao. Trong khi đun nấu, họ cũng giữ phép kiêng kị là không bao giờ bước chân qua bếp lò hay để nước tràn ra khỏi nồi chảo.
Ngày nay, nhà ở của đồng bào Mông đã có những thay đổi tân tiến hơn, tuy nhiên, khung nhà vẫn được giữ nguyên, còn mái thì chủ yếu lợp bằng vật liệu công nghiệp (fibro xi-măng), vẫn dùng cột gỗ nhưng theo hướng hiện đại hơn là cột vuông, kiểu cột chồng.
Người Mông đã có hàng trăm năm sinh sống trên các triền núi đá cao phía Bắc với khí hậu khắc nghiệt nên kiến trúc nhà ở truyền thống của họ cũng có nhiều ảnh hưởng, phổ biến là nhà bưng ván hay vách nứa, mái tranh. Người Mông quần tụ trong từng bản riêng biệt, mỗi bản có chừng một vài chục nóc nhà. Những ngôi nhà trình tường của các gia đình khá giả được thiết kế theo kiểu nhà trệt, 3 gian 2 chái, có từ 2-3 cửa; có gác lửng làm bằng đất, không có cốt thép nhưng vẫn có độ chắc chắn, an toàn và trở thành một nét kiến trúc đặc trưng của vùng sinh thái rẻo cao hay thung lũng. Bản làng người Mông thường có nhiều họ, trong đó một hoặc hai họ giữ vị trí chủ đạo, có ảnh hưởng chính tới các quan hệ trong bản. Trước kia, người đứng đầu bản điều chỉnh các quan hệ trong bản bằng hình thức phạt vạ lẫn dư luận cộng đồng. Dân cư trong mỗi bản tự nguyện cam kết và tuân thủ quy ước chung của bản về sản xuất, chăn nuôi, bảo vệ rừng và việc giúp đỡ lẫn nhau. Quan hệ giữa các gia đình và cá nhân trong thôn bản càng được gắn bó chặt chẽ hơn thông qua việc thờ cúng chung thổ thần của bản.
Về tập quán cư trú và nhân sinh quan, trong mỗi nhà người Mông đều có nhiều nơi linh thiêng dành riêng cho việc thờ cúng, như nơi thờ tổ tiên, ma nhà, ma cửa, ma bếp. Những người biết nghề thuốc, biết làm thày còn lập bàn thờ cúng những vị tổ nghề của mình. Nhiều lễ cúng kiêng cấm người lạ vào nhà, vào bản.
Làng của người Dao có thể chia thành hai loại chính: làng cư trú phân tán du canh du cư và làng tập trung định cư. Kiểu làng phân tán thường phổ biến trong những nhóm người Dao chuyên sinh sống bằng nghề làm nương rẫy không ổn định nên làng là sự kết hợp tạm thời giữa các gia đình trong cùng một vùng đất sản xuất ở một thời điểm mùa vụ nhất định. Trong làng cư trú phân tán, các gia đình có thể cách xa nhau đến 2-3km. Tuy sinh sống xa nhau, nhưng vẫn hình thành làng, vì họ cần sự giúp đỡ nhau, nhất là cuộc sống tinh thần (khi cưới xin, tang ma và trong quan hệ dòng họ…). Làng cư trú tập trung là làng của những người có đất sản xuất ổn định để định canh hoặc luân canh và định cư. Kiểu làng này thường được xây dựng trên các sườn đồi núi, gần nguồn nước. Mỗi làng có vài ba chục nóc nhà gần nhau. Tục ngữ đồng bào Dao có câu: “Chảm mài kềm lải mài miền” (ở đâu có rừng, ở đó có người Dao). Câu nói này không chỉ phản ánh tập quán bám lấy rừng núi để cư trú, mà còn nói lên tầm quan trọng của rừng đối với đời sống kinh tế của các bản người Dao.
Đồng bào Dao là một trong những tộc người còn giữ được nhiều nét văn hóa nguyên gốc, có nhiều phong tục tập quán đặc sắc, như lễ cấp sắc, lễ ăn hỏi, lễ đón năm mới và đặc biệt nhất, phải kể đến là tục làm nhà mới và lễ lên nhà mới. Theo quan niệm cổ truyền của người Dao, ngôi nhà lý tưởng phải được xây dựng ở nơi cao ráo, cho phép quan sát được khoảng không gian rộng xung quanh, thuận lợi cho việc làm ruộng nương, có nơi để buộc trâu bò, không thiếu nước ăn trong mùa khô. Họ thích dựng nhà ở gần rừng, bởi rừng là nguồn tài nguyên quyết định mức sống cũng như thời gian cư trú của các gia đình trong bản. Rừng cung cấp đất canh tác, cung cấp rau, củ, quả, muông thú, vật liệu để làm nhà…
Kiến trúc nhà ở truyền thống của người Dao thường có ba kiểu phổ biến: nhà sàn, nhà nửa sàn nửa đất, nhà đất (trệt). Loại nhà trình tường bằng đất thường được làm ở vùng núi cao, ít rừng, ít cây cối. Nhà nửa sàn nửa đất thường gặp ở vùng còn khá nhiều rừng, sinh sống ở vùng này chịu tác động của sự ẩm thấp của rừng. Nhà sàn là loại nhà phổ biến ở các tộc người Dao sinh sống ở vùng thấp, làm ruộng hoặc làm nương định cư vùng thung lũng. Cấu trúc ngôi nhà sàn người Dao thường có 5 gian (3 gian chính và 2 gian phụ, không có chái bếp), có thể làm thêm một hành lang chạy dọc theo sàn nhà, giúp cho ngôi nhà vẫn có vóc dáng mềm mại, có tính thẩm mỹ cao bên cạnh sự vững chãi.
Phần lớn nhà sàn của đồng bào Dao Thanh Y là nhà hai mái, sàn ghép dát hoặc ván gỗ; thường có 30 cột (20 bên ngoài và 10 bên trong). Cột nhà được làm bằng gỗ tròn hoặc vuông nhưng phổ biến là vuông; chân cột thường được chôn xuống đất nhưng cũng có nơi, họ kê cao bằng đá tảng để không bị mối mọt. Cầu thang gỗ dẫn lên nhà sàn là chi tiết cuối cùng của việc làm nhà nên được người Dao rất coi trọng; mỗi bậc tượng trưng cho sự giàu có của gia đình. Khi đón khách quý, chủ nhà phải xuống tận chân cầu thang chào mời khách lên nhà; gia chủ luôn phải đi sau để thể hiện sự tôn trọng đối với khách khi bước lên cầu thang.
Để phát huy giá trị của cảnh quan văn hóa vùng trung du và miền núi Bắc Bộ
Không gian văn hóa vùng trung du và miền núi phía Bắc của Việt Nam có một tiềm năng lớn và thế mạnh khá nổi bật để phát triển du lịch, nhờ vào sự đa dạng của các tộc người bản địa. Nơi đây có cảnh quan tự nhiên hùng vĩ và tươi đẹp cùng với một bề dày lịch sử, gắn với cuộc đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Từ cột cờ Lũng Cú ở Hà Giang, vùng đất địa đầu Tổ quốc hay Ải Chi Lăng – nơi hội tụ hào khí Đông A lẫy lừng cho đến cứ điểm Điện Biên Phủ với chiến thắng năm 1954 chấn động địa cầu, hay chiến khu Pác Pó, Cao Bằng và căn cứ cách mạng Tân Trào, Tuyên Quang gắn với cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ vẻ vang… tất cả đều là sự hòa trộn của rất nhiều giá trị lịch sử – văn hóa, kiến trúc – nghệ thuật và phản ánh nhân sinh quan, đời sống cộng đồng và bản sắc dân tộc Việt Nam.
Những bản làng của đồng bào Tày, Nùng, Thái, Mông, Dao, Lô Lô… không chỉ mang những nét đặc sắc, thu hút về phong tục tập quán, tín ngưỡng và đời sống tâm linh, lễ hội và sinh hoạt cộng đồng mà còn chứa đựng nhiều giá trị to lớn về cảnh quan kiến trúc và không gian văn hóa đặc trưng. Một số địa phương hiện nay đang khai thác phát triển dịch vụ du lịch rất tốt như: “thị trấn trong mây” Sapa, bản Cát Cát, bản Tả Phìn, Tả Văn; phố cổ Đồng Văn, chợ Khau Vai – thị trấn Mèo Vạc; thung lũng Mai Châu – Mộc Châu; phố Kỳ Lừa – khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng; Công viên địa chất toàn cầu – non nước Cao Bằng… Bên cạnh đó, điều mà khách du lịch cả trong lẫn ngoài nước đều rất thích thú ở nơi đây là được trải nghiệm không gian lưu trú đậm chất bản địa trong những căn nhà sàn, nhà trình tường độc đáo tại thôn bản của đồng bào địa phương; được thưởng thức những món đặc sản dân dã như thắng cố, mèn mén, rêu đá, cá suối nướng, uống rượu sâu chít, cùng cơm lam thơm dẻo… Những lễ hội và sinh hoạt cộng đồng mang đậm bản sắc của vùng sinh thái – văn hóa rẻo cao Tây Bắc và Đông Bắc như lễ hội hoa ban Điện Biên, hội xuân hát giao duyên của người Dao đỏ, lễ hội Lồng Tồng (xuống đồng) của người Tày-Nùng hay các chợ phiên miền núi nổi tiếng như Bắc Hà, Tả Phìn, Mèo Vạc, Đồng Đăng… đều luôn để lại một ấn tượng trong lòng du khách và bạn bè muôn nơi.
Song song với thời cơ của quá trình hội nhập quốc tế và điều kiện phát triển thuận lợi từ các chính sách văn hóa dân tộc của Đảng và Nhà nước, không gian văn hóa vùng núi và trung du phía Bắc cũng đang đối mặt với nhiều thách thức và trở ngại, cần được quan tâm giải quyết.
Chúng ta đều biết rằng các nền văn hóa luôn vận động, biến đổi và giao lưu với những chủ thể hay nền văn hóa khác. Tuy vùng văn hóa Tây Bắc và Việt Bắc có một lịch sử lâu đời, điều kiện tự nhiên và không gian địa lý tương đối cách biệt với những vùng miền khác nhưng quá trình giao lưu hỗn cư và tiếp biến văn hóa của các tộc người nơi đây vẫn diễn ra khá mạnh mẽ và thường xuyên. Do đó, việc ưu tiên giáo dục và truyền thông, làm công tác tư tưởng để đồng bào cư dân bản địa nơi đây nhận thức rõ về việc giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống và những nét đặc sắc trong văn hóa tổ chức cộng đồng cùng với những phong tục tập quán lâu đời của họ cần phải được cấp thiết thực hiện và nhận được sự quan tâm đúng mức của các cơ quan quản lý văn hóa và chính quyền các cấp.
Bên cạnh các nghị quyết, chính sách về bảo tồn giá trị truyền thống và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, cũng cần phải thừa nhận rằng các văn bản pháp luật và dự án cộng đồng như thế chưa được triển khai đồng bộ và hiệu quả trên thực tế. Còn tồn tại nhiều bất cập về năng lực quy hoạch đô thị, quản lý dân cư yếu kém và công tác bảo tồn di sản văn hóa tại nhiều địa phương, đặc biệt là những địa bàn vùng sâu vùng xa, có nhiều đồng bào thiểu số sinh sống. Cần rút kinh nghiệm và sửa đổi cách thức quản lý, khai thác cảnh quan văn hóa vùng Tây Bắc và Việt Bắc theo hướng phát triển bền vững và du lịch sinh thái một cách hiệu quả, chuẩn mực hơn.
Vai trò của chính các chủ thể trong việc góp phần bảo tồn văn hóa bản địa và các di sản kiến trúc truyền thống tại mỗi điểm đến du lịch chưa thực sự được coi trọng. Các mục tiêu của du lịch bền vững và các chính sách bảo tồn văn hóa có thể phát huy hiệu quả và được thực thi một cách đúng đắn hay không đều cần phải có sự phối hợp và ủng hộ, hưởng ứng của tất cả những bên liên quan, từ cấp chính quyền, tổ chức xã hội, cơ quan đoàn thể – hiệp hội, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch, đối tượng du khách, đội ngũ cán bộ quản lý tại các điểm du lịch, cùng với nhân viên phục vụ. Nên chăng, cần có thêm nhiều hội thảo khoa học, các diễn đàn đối thoại – hợp tác đầu tư và những dự án cộng đồng hay huy động nhiều nguồn lực xã hội đa dạng để hỗ trợ và đầu tư một cách đồng bộ, tạo hiệu ứng lan tỏa và truyền thông giáo dục, đảm bảo tính liên kết chặt chẽ để tất cả các bên tham gia xây dựng và vận hành hệ sinh thái du lịch – văn hóa này có nhiều điều kiện và kiến thức thực tiễn, hữu ích hơn, nhằm bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa của chính họ.
Kết luận
Có thể thấy, thách thức lớn nhất trong công tác bảo tồn di sản kiến trúc dân tộc và phát triển du lịch dựa trên những giá trị của không gian văn hóa vùng miền núi phía Bắc chính là ở tầm nhìn chiến lược và cơ chế triển khai thực hiện một cách đồng bộ, hiệu quả, khoa học. Để có thể phát huy được sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân trong việc phát triển kinh tế – xã hội nói chung và bảo tồn các di sản văn hóa, bản sắc của dân tộc tại vùng Đông Bắc và Tây Bắc, cần phải nâng cao ý thức trách nhiệm của nhà nước – nhà trường – nhà doanh nghiệp – nhà dân, đảm bảo được tính đúng đắn và cấp thiết của vấn đề này trong bối cảnh hội nhập và xây dựng chủ nghĩa xã hội của đất nước.
_________________
Tài liệu tham khảo
1. Đinh Gia Khánh, Cù Huy Cận, Các vùng văn hóa Việt Nam, Nxb Văn hóa Thông tin, 1995.
2. Đỗ Huy, Trường Lưu, Bản sắc dân tộc của văn hóa, Viện Văn hóa, Hà Nội, 1994.
3. Huỳnh Công Bá, Đặc trưng và sắc thái văn hóa vùng – tiểu vùng ở Việt Nam, Nxb Thuận Hóa, 2019.
4. Ngô Đức Thịnh, Văn hóa vùng và phân vùng văn hóa ở Việt Nam, Nxb Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, 2019.
5. Ngô Đức Thịnh, Chu Thái Sơn, Các sắc thái địa phương trong kiến trúc dân gian; Một số vấn đề về nhà ở truyền thống các dân tộc, Tạp chí Dân tộc học, số 3, 1986.
7. Ngô Văn Lệ, Nguyễn Văn Tiệp, Nguyễn Văn Diệu, Văn hóa các dân tộc thiểu số ở Việt Nam, Nxb Giáo dục, 1998.
8. Nguyễn Minh Tuệ, Vũ Đình Hòa, Địa lý du lịch Việt Nam: cơ sở lý luận và thực tiễn phát triển ở Việt Nam, Nxb Giáo dục Việt Nam, 2017.
9. Phan Ngọc, Bản sắc văn hóa Việt Nam, Nxb Văn hóa Thông tin, 1998.
10. Trần Đức Thanh, Trần Thị Mai Hoa, Giáo trình Địa lý du lịch, Nxb Đại học Quốc gia, Hà Nội, 2017.
11. Trần Ngọc Thêm, Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam, Nxb Tổng hợp TP.HCM, 2004.
12. Viện Dân tộc học, Các dân tộc ít người ở Việt Nam (các tỉnh phía Bắc), Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1978.
Ths LÊ THẾ HIỂN
Nguồn: Tạp chí VHNT số 482, tháng 12-2021
Bài viết cùng chủ đề:
Note ngay các trải nghiệm du lịch Huế dịp Valentine chi tiết nhất
Kinh nghiệm đi du lịch Đà Nẵng dịp tết nguyên đán 2023 chi tết A-Z
Top 11 địa điểm cho thuê xe máy Đà Lạt giá rẻ xe mới tinh 100%