Ngành Nghệ thuật biểu diễn trong chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa: Thực trạng và giải pháp


Trong các ngành kinh tế Việt Nam, công nghiệp văn hóa (CNVH) là một ngành kinh tế trẻ và chỉ thực sự được biết đến nhiều trong vài năm trở lại đây, kể từ sau khi khái niệm này được nhắc đến trong Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI. Hiện nay, CNVH của Việt Nam được Chính phủ Việt Nam xác định bao gồm 12 lĩnh vực, trong đó, nghệ thuật biểu diễn là một trong những ngành được lựa chọn để phát triển trong 10 năm tới ở Việt Nam. Với các nghệ sĩ biểu diễn, đây cũng cơ hội để phát triển, song cũng là thách thức không nhỏ.

CNVH trên thế giới

CNVH trở thành một bộ phận quan trọng của nền kinh tế và có những đóng góp lớn vào tăng trưởng chung của đất nước. Đặc biệt trong bối cảnh bùng nổ của CM 4.0, CNVH đã và đang thực sự có nhiều cơ hội để phát triển.

Ở nhiều nước, CNVH đã trở thành ngành trụ cột trong phát triển kinh tế. Tại Anh, CNVH tạo ra thu nhập khoảng 112,5 tỷ bảng/năm, đóng góp 5% GDP, chiếm 10-15% thị phần CNVH thế giới. 85% thu nhập quốc dân của Hồng Kông (Trung Quốc) có được từ nguồn thu dịch vụ giải trí, truyền hình. Hàn Quốc, điện ảnh phát triển mạnh mẽ và có ảnh hưởng tới toàn cầu nhờ sự phát triển của ngành công nghiệp điện ảnh, âm nhạc…

Theo Bản đồ toàn cầu đầu tiên về CNVH và sáng tạo của UNESCO năm 2015 công bố năm 2017, thì CNVH và sáng tạo (Cultural and Creative Industries – CCIs) có tổng doanh thu lên đến 2.250 nghìn tỷ USD, tạo công ăn việc làm cho 29,5 triệu lao động trên toàn cầu. Ðặc biệt hơn, đây là ngành công nghiệp trẻ theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng khi có tới gần 20% thành phần lao động ở độ tuổi từ 15-29 (nhiều hơn bất kỳ lĩnh vực nghề nghiệp nào). Không chỉ vậy, CCIs được xem như chìa khóa phát triển của nhiều quốc gia, nhất là các nước thuộc khu vực châu Á. Thống kê của UNESCO cho thấy, châu Á với nhiều quốc gia có ngành CNVH và sáng tạo hàng đầu như Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Ðộ đã trở thành thị trường CCIs lớn nhất thế giới, vượt trên cả châu Âu và Bắc Mỹ. Bên cạnh việc phục vụ, đáp ứng nhu cầu trong nước, xuất khẩu văn hóa từ lâu cũng nằm trong chiến lược phát triển của nhiều quốc gia.

Theo thống kê thu nhập của các ngành và việc làm trong công nghiệp sáng tạo, ngành nghệ thuật biểu diễn đứng thứ 7, với 127 tỷ USD và 3.538.000 người làm việc trong ngành.

Theo dữ liệu thống kê của Ngân hàng thế giới công bố năm 2019, tỷ lệ đóng góp doanh thu của ngành CNVH (bao gồm cả lĩnh vực du lịch văn hóa) đối với tổng doanh thu toàn cầu là xấp xỉ 4,04% và đem lại việc làm chiếm tỷ trọng 2,21% tổng số lao động trên thế giới, lao động ngành có thu nhập cao gấp 2,44 lần so với mặt bằng chung. Như vậy, CNVH có khả năng đem lại nguồn thu lớn, lượng việc làm đáng kể, là ngành công nghiệp mũi nhọn của nhiều quốc gia trên thế giới hiện nay.

2. Sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với ngành CNVH

Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, nội dung phát triển CNVH đã thể hiện cách thức và mức độ tiếp cận mới. Báo cáo chính trị Đại hội XIII đặt ra yêu cầu cụ thể, nhấn mạnh mối quan hệ giữa CNVH với sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam và việc tiếp thu, vận dụng có chọn lọc, sáng tạo những thành tựu, giá trị văn hóa của nhân loại: “Khẩn trương triển khai phát triển có trọng tâm, trọng điểm ngành công nghiệp văn hóa và dịch vụ văn hóa trên cơ sở xác định và phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam, vận dụng có hiệu quả các giá trị, tinh hoa và thành tựu mới của văn hóa, khoa học, kỹ thuật, công nghệ của thế giới”.

Đảng và Nhà nước đã xác định, ngành CNVH là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi nhằm thu hút tối đa nguồn lực từ các doanh nghiệp và xã hội để phát triển ngành CNVH. Trong đó, sự phát triển ngành CNVH được dựa trên sự sáng tạo, khoa học công nghệ và bản quyền trí tuệ; khai thác tối đa yếu tố kinh tế của các giá trị văn hóa. Việc phát triển các ngành CNVH có trọng tâm, trọng điểm, có lộ trình theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, phát huy được lợi thế của Việt Nam, phù hợp với các quy luật cơ bản của kinh tế thị trường; được đặt trong tổng thể phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ giữa các ngành, các khâu sáng tạo, sản xuất, phân phối, phổ biến tiêu dùng. Đồng thời, phát triển CNVH còn gắn liền với việc quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, góp phần bảo vệ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong quá trình giao lưu, hội nhập và hợp tác quốc tế.

Quyết định 1755/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 8-9-2016 về phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành CNVH Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 quy định, CNVH là một phạm trù rộng, bao gồm đa dạng lĩnh vực. CNVH của Việt Nam được Chính phủ Việt Nam xác định bao gồm 12 lĩnh vực. Các lĩnh vực của CNVH được kỳ vọng sẽ trở thành những ngành kinh tế dịch vụ quan trọng, phát triển rõ rệt cả về chất và lượng, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế và giải quyết việc làm thông qua việc sản xuất ngày càng nhiều sản phẩm, dịch vụ văn hóa đa dạng, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ, tiêu dùng văn hóa của người dân trong nước và xuất khẩu.

Kỳ vọng đến năm 2030, các ngành CNVH sẽ đóng góp tới 7% GDP, trong đó ngành Nghệ thuật biểu diễn đạt khoảng 31 triệu USD. Tiến tới phát triển đa dạng, đồng bộ và hiện đại tất cả các ngành CNVH một cách bền vững, được ứng dụng công nghệ tiên tiến; các sản phẩm, dịch vụ văn hóa có thương hiệu uy tín trong khu vực và quốc tế, đạt tiêu chuẩn của các nước phát triển và tham gia sâu rộng vào chuỗi giá trị sản phẩm, dịch vụ văn hóa toàn cầu.

Nghệ thuật biểu diễn Việt Nam hiện nay có nhiều tiềm năng. Trong đó, tài sản lớn nhất là dân số trẻ, đa dạng và tài năng; tạo ra công việc, truyền cảm hứng và đem lại sự tự tin; thúc đẩy một thế hệ mới của những người sản xuất và tiêu dùng văn hóa. Tiếp theo là phát triển năng lực sáng tạo nhằm đào tạo một thế hệ mới các tổ chức và doanh nghiệp văn hóa đạt tầm quốc tế về chất lượng, hướng đến công chúng và phù hợp hơn với xã hội đương đại, hiểu biết về kỹ thuật số, có ý thức về thiết kế, cởi mở và có tinh thần doanh nghiệp. Thứ ba là sự phát triển và mở rộng các khu đô thị và vùng sáng tạo để định vị văn hóa, sáng tạo như các thành tố then chốt của các thành phố lớn. Trong tầm nhìn chiến lược, chúng ta đang có một số thành phố có thể trở thành các trung tâm về nghệ thuật biểu diễn trong CNVH và kinh tế sáng tạo của khu vực cũng như châu lục. Điều này giúp các thành phố nhỏ hơn và các khu vực nông thôn hưởng lợi từ các mạng lưới chuyên môn trong CNVH, thí dụ như tạo dựng du lịch văn hóa, sáng tạo nghệ thuật thực cảnh, các chương trình nghệ thuật gắn liền với lễ hội…

3. Thực trạng ngành Nghệ thuật biểu diễn trong CNVH Việt Nam

Quá trình toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế sâu rộng và cuộc CM 4.0 đã tạo nhiều cơ hội cũng như thuận lợi cho CNVH nói chung và nghệ thuật biểu diễn nói riêng phát triển với các cơ hội quảng bá toàn cầu và đem lại các giá trị lớn từ khai thác tiềm năng kinh tế của văn hóa trên môi trường số. Ở chiều ngược lại, ngành CNVH của Việt Nam cũng phải đối mặt với những khó khăn thách thức không nhỏ.

Thách thức đầu tiên đến từ vấn đề pháp lý do thể chế văn hóa của Việt Nam chưa hoàn thiện để có thể hỗ trợ sự đa dạng và năng động của văn hóa mà không can thiệp quá sâu và ảnh hưởng đến sức sáng tạo của ngành. Những thiếu sót trong hành lang pháp lý về quyền sở hữu trí tuệ cũng dẫn đến sự yếu kém trong bảo vệ các thành quả sáng tạo. Các doanh nghiệp thuộc nhóm ngành CNVH và sáng tạo loay hoay gặp khó khăn do thiếu các quy định pháp luật riêng phù hợp, đặc biệt là các nghị định, thông tư hướng dẫn về Luật Sở hữu trí tuệ làm cơ sở căn cứ quan trọng để bảo vệ doanh nghiệp trước nạn xâm phạm, ăn cắp bản quyền.

Bên cạnh đó, trong xu hướng toàn cầu hóa, CNVH của Việt Nam đã, đang phải đối chọi với sự xâm nhập của các sản phẩm ngoại lai. Những nỗ lực hướng đến không chỉ là cạnh tranh thị trường mà còn phải giữ gìn bản sắc dân tộc…

Mặt khác, chất lượng dịch vụ, sản phẩm của ngành còn chưa cao, thiếu các sản phẩm văn hóa thương hiệu quốc gia mang chất lượng ở cấp độ khu vực và quốc tế, năng lực cạnh tranh thấp. Việt Nam đang ở trong tình trạng nhập siêu lượng lớn sản phẩm văn hóa. Các doanh nghiệp trong ngành CNVH của Việt Nam đang phải chịu sự cạnh tranh khốc liệt trong khi ưu đãi và lợi ích kinh tế mà các doanh nghiệp nội địa trong ngành CNVH đang chia nhau là rất nhỏ so với doanh nghiệp ngoại.

Bên cạnh đó, ngành Nghệ thuật biểu diễn Việt Nam cũng gặp rất nhiều khó khăn, thách thức như hệ thống cơ sở vật chất nghèo nàn, thiếu hụt nguồn nhân lực, đội ngũ đạo diễn, diễn viên kế thừa… Vì vậy, để có được giải pháp phát triển phù hợp, đảm bảo hiệu quả, chất lượng, nội dung nhằm giữ gìn, phát huy những giá trị đặc sắc của văn hóa dân tộc, Chính phủ, Bộ VHTTDL cũng như các địa phương như Hà Nội, TP.HCM,… cần tìm giải pháp phù hợp và có hiệu quả.

Thực trạng nguồn nhân lực của ngành Nghệ thuật biểu diễn                         

Trong nghệ thuật, “tre già, măng mọc” có vai trò quan trọng không chỉ với bản thân người nghệ sĩ, mà với cả tương lai của một lĩnh vực luôn đòi hỏi sự khắt khe về chuyên môn, kỹ năng và sự kế thừa. Song, nhìn lại có thể thấy, nghệ sĩ trẻ – lớp tiếp nối cho nền nghệ thuật, đang rất thiếu hoặc chưa có nhiều điều kiện để rèn luyện, phát triển và khẳng định tài năng. Điều dễ nhìn thấy nhất hiện nay là nhiều nghệ sĩ trẻ đời sống còn khó khăn, chưa sống được bằng nghề. Nỗi lo “cơm, áo, gạo, tiền” chưa lúc nào nguôi với họ, nhất là với những người gắn bó với các loại hình nghệ thuật truyền thống như chèo, tuồng, kịch, cải lương… hay nghệ thuật hàn lâm như opera, giao hưởng, ballet. Mức lương theo hạng, bậc của nghệ sĩ trẻ đã thấp, nhiều người còn thuộc diện lao động hợp đồng. Cùng với đó là các khoản bồi dưỡng ngày càng ít đi do đơn vị nghệ thuật bị giảm nguồn thu… Chưa kể các đơn vị phải thu gọn cả về quy mô lẫn nhân sự để đủ kinh phí hoạt động. Những yếu tố này đã tác động trực tiếp đến tư tưởng, tình cảm của nghệ sĩ trẻ và việc giữ chân họ là một bài toán khó đặt ra cho người quản lý đơn vị nghệ thuật.                              

Nghệ sĩ biểu diễn ở các đoàn còn thiếu nhiều nhưng không có biên chế để tuyển dụng những nghệ sĩ trẻ, tài năng trong các trường nghệ thuật chuyên nghiệp theo Nghị định số 161/2018/NĐ-CP ngày 29-11-2018 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số quy định về tuyển dụng công chức, việc chức, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức và thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập.

Các nghệ sĩ như của Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam phần lớn được đào tạo chuyên ngành, chuyên nghiệp cơ bản từ nhỏ tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam trong quá trình 15-16 năm đối với âm nhạc, 5-10 năm đối với thanh nhạc (98% đạt trình độ Đại học và trên Đại học); Đoàn Vũ kịch, do đặc thù loại hình của Nhà hát là múa ballet nên cho nên các nghệ sĩ được đào tạo hầu hết là 7 năm tại Học viện Múa Việt Nam. Tuy nhiên, nếu như trước đây, một số nghệ sĩ đã được Nhà hát tạo điều kiện cho đi nước ngoài đào tạo nâng cao trình độ thông qua các chương trình hợp tác văn hóa, thì hiện tại, do nguồn tài trợ của các tổ chức nước ngoài cho các dự án đào tạo văn hóa, nghệ thuật không còn, nên cơ hội được đi đào tạo các khóa ngắn hạn ở nước ngoài đối với diễn viên cũng bị hạn chế rất nhiều.

 Thực trạng về cơ chế chính sách đối với nghệ sĩ

 Cơ chế tuyển dụng: Theo nghị định số 161/2018/NĐ-CP ngày 29-11-2018 của Chính phủ, trình độ tuyển dụng tối thiểu phải tốt nghiệp đại học, trong khi đối với diễn viên múa ballet, chỉ cần mức trung cấp hoặc cao đẳng, nếu để học xong đại học mới tuyển dụng thì thời gian cống hiến sẽ còn rất ít.

 Chế độ nghỉ hưu: Theo Điều 169 của Bộ luật Lao động về tuổi nghỉ hưu của Công chức, viên chức và người lao động và theo Nghị định số 46/2010/ NĐ-CP của Chính phủ ngày 27-4-2010 về Quy định về thôi việc và thủ tục nghỉ hưu đối với công chức: Trong điều kiện bình thường, tuổi nghỉ hưu của người lao động là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với lao động nữ. Còn các nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực xiếc uốn dẻo, đế trụ, nhào lộn và xiếc khác trên cao; diễn viên xiếc; dạy thú và biểu diễn xiếc thú, múa ballet, múa cổ truyền và hát tuồng; diễn viên chèo, cải lương, dân ca, kịch, điện ảnh và ca sĩ chuyên nghiệp… thuộc danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Những người này được nghỉ hưu ở độ tuổi thấp hơn, nhưng không quá 5 tuổi so với tuổi nghỉ hưu chung. Điều này hiện nay đã lộ ra nhiều bất cập vì thực tế một số ngành, nghề có tuổi nghề rất thấp như diễn viên múa, diễn viên xiếc và một số ngành, nghề khác (tuổi nghề chỉ khoảng 30-35 tuổi hoặc thấp hơn) nên không thể quy định tuổi nghỉ hưu theo tuổi nghề do phải đảm bảo tương quan trong tổng thể chính sách bảo hiểm xã hội nói chung.

 Chế độ lương: Việc áp thang bảng lương cho nghệ sĩ, diễn viên nói chung, đặc biệt các nghệ sĩ, diễn viên múa và xiếc nói riêng đang có nhiều bất cập, chưa hợp lý bởi thời gian học tập của họ rất dài (phải học từ nhỏ, học 6 năm, 7 năm, 9 năm tốt nghiệp trung cấp; 3-4 năm tốt nghiệp đại học) nhưng thời gian cống hiến của họ rất ngắn.

 Chế độ phụ cấp: Hiện tại, ngân sách hằng năm Nhà nước cấp cho Nhà hát vừa đủ chi lương cho diễn viên, viên chức, người lao động. Chi phí dành cho sáng tạo và quảng bá các tác phẩm nghệ thuật hầu như không có. Mặt khác, cơ chế lương và chế độ phụ cấp ưu đãi nghề nghiệp cho nghệ sĩ cũng có nhiều bất cập. Theo Quyết định số 14/2015/QĐ-TTg ngày 20-5-2015 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ phụ cấp ưu đãi nghề nghiệp và chế độ bồi dưỡng đối với người làm việc trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn tại Điều 4: tiền lương cũng như bồi dưỡng của một diễn viên ballet, ca sĩ opera cũng chỉ bằng với ca sĩ, diễn viên múa thông thường trong khi độ khó cao hơn, thời gian đào tạo dài hơn và tuổi nghề ngắn hơn. Điều này dẫn đến tình trạng ngày một khan hiếm nguồn nhân lực chất lượng cao cho nghệ thuật giao hưởng, nhạc kịch và vũ kịch.

Về chi trả thù lao đối với các loại hình biểu diễn, Nghị định số 21/2015/NĐ-CP quy định về nhuận bút, thù lao đối với tác phẩm điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh, sân khấu và các loại hình nghệ thuật biểu diễn khác, tại Chương IV, Điều 10, cho thấy mức chi trả đối với đạo diễn, biên đạo múa, chỉ huy dàn nhạc, quá thấp, chưa tương xứng với khả năng bỏ ra. Bên cạnh đó, chưa có cơ chế nào xác định chế độ nhuận bút, thù lao… đối với đạo diễn, biên đạo, chuyên gia nước ngoài về nghệ thuật.

Quyền lợi trong xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú, Nghệ sĩ Nhân dân: Theo Thông tư số 24/2007/TT-BVHTT của Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ VHTTDL) ban hành ngày 27-7-2007 Hướng dẫn về xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú, Mục III, Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 89/2014/NĐ-CP ngày 29-9-2014 của Chính phủ về xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ Nhân dân”, “Nghệ sĩ Ưu tú” và quy định Tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu nghệ sĩ thì những người hoạt động ở lĩnh vực nghệ thuật hàn lâm, chuyên về nghệ thuật giao hưởng hợp xướng, nhạc kịch (opera), vũ kịch (ballet) rất khó có cơ hội giành huy chương Vàng các kỳ như Liên hoan nghệ thuật, hội diễn nghệ thuật, Liên hoan Phát thanh và Truyền hình cấp quốc gia, giải thưởng cấp khu vực quốc tế và các Hội văn học nghệ thuật chuyên ngành Trung ương. Bởi lẽ những sự kiện trên đây đều chủ yếu là các tiết mục đơn lẻ như ca, múa, nhạc, rối nước… mà không có đất diễn cho các những mô hình như ballet, nhạc kịch hay giao hưởng. Chính vì vậy, các nghệ sĩ thuộc dòng ballet, opera hay giao hưởng hầu như không có cơ hội giành huy chương. Điều này dẫn đến bất cập là những nghệ sĩ ở bộ môn nghệ thuật có độ khó cao lại khó có điều kiện tham dự các kỳ liên hoan để giành huy chương.

4. Giải pháp

Xác định được tầm quan trọng từ những đóng góp đa dạng, lâu dài của ngành CNVH trong xu thế phát triển mới của tương lai, Nghị quyết số 33-/NQ/TW ngày 9-6-2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã xác định phát triển CNVH là một trong những mục tiêu trong giai đoạn mới nhằm: “khai thác và phát huy những tiềm năng và giá trị đặc sắc của văn hóa Việt Nam; khuyến khích xuất khẩu sản phẩm văn hóa, góp phần quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới”. Nhiều bộ luật liên quan đến các ngành CNVH, như: Luật Xuất bản (2004), Luật Điện ảnh (2006), Luật Quảng cáo (2012)… cũng làm tiền đề cho việc định hướng phát triển của ngành.

Đặc biệt, Quyết định 1755/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành CNVH Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã thể hiện quyết tâm cao của Chính phủ trong phát triển ngành CNVH. Trong đó, những nhiệm vụ và giải pháp chung được đề ra gồm: Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức; Hoàn thiện cơ chế, chính sách; Đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao; Tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ; Thu hút và hỗ trợ đầu tư; Phát triển thị trường; Mở rộng giao lưu và hợp tác quốc tế. Các nhiệm vụ cụ thể được triển khai thực hiện Chiến lược phát triển hàng năm và theo giai đoạn bao gồm: Xây dựng cơ sở dữ liệu về các ngành CNVH; Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trong các ngành CNVH; Quảng bá thương hiệu quốc gia cho các ngành CNVH của Việt Nam; Đề án truyền thông, nâng cao nhận thức xã hội, phát triển công chúng đối với các ngành CNVH; Đề án xây dựng thương hiệu quốc gia cho các ngành CNVH của Việt Nam.

Để có thể đưa ngành Nghệ thuật biểu diễn phát triển mạnh mẽ, có thể đóng góp vào nguồn thu của nền kinh tế, cần có những giải pháp dưới đây:

Xây dựng các cuộc khảo sát về thực trạng mang tính toàn diện và cụ thể cho từng lĩnh vực để trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp mang tính thực tiễn, hiệu quả hơn.

Cần có sự phát triển đồng bộ từ yếu tố con người đến cơ sở hạ tầng và đặc biệt là các sản phẩm nghệ thuật ở các thành phố lớn trực thuộc trung ương, trong đó đặc biệt là Hà Nội. Đó là các tác phẩm nghệ thuật có giá trị và chất lượng cao, cơ sở vật chất tốt, trình độ nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu cao. Tập trung vào một số sản phẩm nghệ thuật dân tộc và hàn lâm. Nên khảo sát thêm về lực lượng, đội ngũ trình diễn để có sự điều chỉnh, đầu tư thêm, khai thác nguồn lực một cách hiệu quả.

Các thành phố lớn có nhiều tiềm năng trong việc đầu tư, phát triển ngành Nghệ thuật biểu diễn nhưng chưa được khai thác một cách tối đa. Vì vậy, cần có sự chung tay của ba nhóm yếu tố như ngân sách công (không đưa trực tiếp vào show diễn, chẳng hạn tài trợ được địa điểm biểu diễn bằng cách xây dựng một nhà hát đủ chuẩn); nguồn thu trực tiếp từ show diễn và bảo trợ (đến từ các thương hiệu, nhà tài trợ, quảng cáo, tổ chức phi chính phủ…) mới tạo nên được giải pháp lâu dài, bền vững.

Cần đưa ra phân tích những hạn chế chủ quan trong quản lý của các cơ quan chức năng và hoạt động của các hội nghề nghiệp, đây là yếu tố tác động đến sự phát triển của các ngành CNVH. Bên cạnh đó, cần sự liên kết chặt chẽ giữa các ngành CNVH với nhau, nếu đầu tư riêng lẻ sẽ hạn chế sự phát triển.

Trong những năm gần đây, dù ngân sách Nhà nước dành cho lĩnh vực văn hóa – nghệ thuật đã tăng lên nhưng chưa thể đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn của lĩnh vực này. Vì vậy, chúng ta cần có sự chung tay của toàn xã hội trong đầu tư cho văn hóa, nghệ thuật. Thách thức nằm ở chỗ, nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật khác vẫn chưa thu hút được sự quan tâm đầu tư đầy đủ, nhất là những lĩnh vực bị xem là ít khán giả hay không có nhiều lợi ích cho cá nhân người đầu tư như nghệ thuật truyền thống, nghệ thuật đỉnh cao hay một số các sinh hoạt văn hóa khác.

Xây dựng lại cơ chế chính sách tuyển dụng. Bổ sung Nghị định số 161/2018/NĐ-CP ngày 29-11-2018 của Chính phủ các vấn đề liên quan đến trình độ của diễn viên múa, chỉ cần ở mức trung cấp, cao đẳng có mức lương cơ bản thỏa đáng…

Có cơ chế đặc biệt về tuổi nghề cho diễn viên, đặc biệt là diễn viên múa ballet, diễn viên xiếc… giảm tuổi về hưu xuống dưới 40 tuổi.

Sửa đổi, bổ sung Nghị định số 21/2015/NĐ-CP quy định về nhuận bút, thù lao đối với tác phẩm điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh, sân khấu và các loại hình nghệ thuật biểu diễn khác.

Xây dựng đề án đào tạo đặt hàng đối với các trường, học viện nghệ thuật quốc gia (Đề án này đã được áp dụng thử nghiệm thành công với các nhà hát tuồng, chèo, cải lương, ca múa nhạc).

Tạo điều kiện về cơ chế, chính sách để các đơn vị nghệ thuật sáng tạo các mô hình kinh doanh nghệ thuật mới, gắn với nhu cầu thị trường, thúc đẩy sự năng động, sáng tạo, đổi mới, kích thích các tài năng và nâng cao hiệu quả sản xuất các sản phẩm nghệ thuật. Từng bước giúp ngành Nghệ thuật biểu diễn đi sâu vào khai thác khía cạnh kinh tế, làm giảm sự phụ thuộc vào cơ chế bao cấp, đồng thời góp phần gia tăng sự bền vững của văn hóa…

Tài liệu tham khảo

1. Văn kiện Nghị quyết Đại hội Đảng XIII, tr.173.

2. Thủ tướng Chính phủ, Chiến lược phát triển các ngành Công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030, phê duyệt tại Quyết định số 1755/ QĐ-TTg, ngày 8-9-2016.

3. Bùi Hoài Sơn, Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam – Thực trạng và giải pháp, tapchicongsan.org.vn, 8-3-2018.

4. Trích lược Tuyển, P. D, Di sản thế giới tại ASEAN “Một tầm nhìn, một bản sắc, một cộng đồng”, Nxb Xây dựng, 2017.

5. UNESCO: Statistics on cultural industries: Framework for the Elaboration of National Data Capacity Building Projects, (UNESCO: Thống kê về các ngành công nghiệp văn hóa: Khung phần mềm Dự án xây dựng hệ thống dữ liệu quốc gia), Bangkok, 2007, tr.11.

6. CISAC – The International Confederation of Societies of Authors and Composers, Cultural Times, The first global map of cultural and creative industries, (Liên đoàn quốc tế các hiệp hội tác giả và nhà soạn nhạc, Thời báo văn hóa, Bản đồ toàn cầu đầu tiên về các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo), 2017.

7. Hội đồng Anh, Bản dự thảo Chiến lược phát triển các ngành Công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030, britishcouncil.vn.

8. Ngân hàng Thế Giới, Báo cáo phát triển Việt Nam thịnh vượng 2019, documents.worldbank.org.

9. BBT Khoa Văn hóa học, Tình hình ngành công nghiệp văn hóa trong giai đoạn hiện nay, hcmuc.edu.vn, 29-9-2020.

10. Báo cáo về thực trạng Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam năm 2020-2021.

11. Đề án sắp xếp lại, nâng cao nguồn nhân lực và định hướng phát triển giai đoạn 2021-2030.

Tác giả: Ths Trần Ly Ly – Ths Nguyễn Tuyết Hoa

Nguồn: Tạp chí VHNT số 470, tháng 8-2021

 

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *