Ngành Xuất bản góp phần thúc đẩy văn hóa đọc


Thời gian qua, ngành Xuất bản tiếp tục phải
đối mặt với nhiều nhiệm vụ, thử thách nặng nề.
Song với sự tập trung cao trong chỉ đạo, quản
lý; sự nỗ lực, sáng tạo và quyết tâm khắc phục
vượt khó của các đơn vị xuất bản, ngành Xuất
bản đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Các
nội dung chỉ đạo sát hơn, nhất là việc định
hướng các vấn đề phức tạp, nhạy cảm trong
nội dung xuất bản phẩm ngày càng rõ nét, kịp
thời. Việc xử lý kịp thời các xuất bản phẩm góp
phần hạn chế xuất bản phẩm sai phạm, lành
mạnh hóa môi trường văn hóa đọc.

Chất lượng xuất bản quyết định sự phát triển của văn hóa đọc

Theo đánh giá của cơ quan quản lý nhà nước, toàn ngành tiếp tục giữ vững nhịp độ phát triển. Số tên sách, bản sách tăng với hơn 17 nghìn tên và hơn 250 triệu bản in. Nhiều nhà xuất bản (NXB) bám sát nhiệm vụ chính trị, tập trung xuất bản được nhiều cuốn sách, bộ sách, phục vụ kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ chính trị của đất nước, ngành, địa phương góp phần cập nhật thông tin, phục vụ học tập, nghiên cứu, triển khai Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và các nội dung trình Đại hội lần thứ XIII của Đảng; Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; Nghị quyết số 35-NQ/TW về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới.

Chất lượng đề tài, nội dung, hình thức các ấn phẩm tiếp tục được các NXB quan tâm, đầu tư đổi mới, phục vụ nhu cầu đa dạng của bạn đọc. Một số NXB ngoài nhiệm vụ xuất bản sách lý luận chính trị, sách chuyên ngành, đã chú ý đến mảng đề tài cách mạng công nghiệp 4.0, sách phục vụ công tác thông tin đối ngoại, các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia ký kết với các nước, phục vụ công tác thông tin tuyên truyền. Một số mảng đề tài được chú ý đầu tư khoa học bài bản hơn như: xây dựng nông thôn mới; phổ biến chính sách, pháp luật và kiến thức phổ thông về văn hóa, xã hội, khoa học kỹ thuật; các ấn phẩm tuyên truyền bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam; lịch sử, văn học được xuất bản dưới nhiều thể loại như: tiểu thuyết, truyện tranh dành cho thiếu nhi, cẩm nang bỏ túi… đáp ứng nhu cầu tìm hiểu của nhiều lứa tuổi bạn đọc, góp phần khẳng định chủ quyền quốc gia, phát huy truyền thống yêu nước và các giá trị văn hóa lịch sử của dân tộc.

Bên cạnh đó, việc triển khai các chương trình sách, đề án sách, tủ sách được ngành Xuất bản tiếp tục triển khai hiệu quả từ nguồn ngân sách. Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn do Ban Tuyên giáo Trung ương và NXB Chính trị quốc gia Sự thật chủ trì cung cấp trên 30 tên sách mỗi năm; tủ sách pháp luật của Bộ Tư pháp chủ trì; chế độ đặt hàng của cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan chủ quản tiếp tục được đầu tư ổn định.

Công tác truyền thông, quảng bá sách có nhiều đổi mới, nhiều hình thức quảng bá quy mô, sáng tạo, thu hút sự quan tâm của công chúng. Hội chợ sách quốc tế do Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội chợ sách Mùa xuân do UBND TP.HCM, Hội chợ sách Thăng Long do UBND Thành phố Hà Nội tổ chức, lễ hội Đường sách, Phố sách, không gian sách đã trở thành điểm đến văn hóa hấp dẫn, quy tụ hàng chục NXB, hàng trăm doanh nghiệp phát hành sách, hàng triệu lượt khách đến tham quan và mua sách. Đặc biệt, Ngày sách Việt Nam hằng năm (21-4) không chỉ bó hẹp ở một số trung tâm, thành phố lớn mà đã được mở rộng đến nhiều địa phương (Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Vũng Tàu, Hà Tĩnh, Bắc Giang, Gia Lai…), góp phần lan tỏa niềm yêu thích đọc sách trong cộng đồng. Những hình thức quảng bá sách thời gian qua đã thổi một luồng sinh khí mới cho phong trào đọc sách của cả nước, đặc biệt là giới trẻ.

Cũng trong thời gian qua, nhiều cuốn sách, bộ sách được xuất bản có giá trị lý luận, thực tiễn cao, có tính thời sự và được xã hội quan tâm. Đặc biệt, tại Lễ trao giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ III năm 2020, tác phẩm Đoàn binh Tây Tiến của nhà thơ Quang Dũng được viết từ năm 1952 là một cuốn sách quý đạt giải A. Tác phẩm Hình ảnh lâm sàng, chẩn đoán và điều trị trong chuyên ngành da liễu (2 tập) của tập thể tác giả do PGS. TS. Nguyễn Văn Thường chủ biên thể hiện tính sáng tạo, độc lạ trong trình bày bệnh học nói chung, bệnh học da liễu nói riêng, giúp người dạy, người học và bạn đọc quan tâm đến bệnh học da liễu thuận lợi trong quá trình nghiên cứu, tham khảo. Tác phẩm Lịch sử của Hêrôđốt có giá trị đặc biệt về khoa học lịch sử, thực tiễn xã hội, được đánh giá là tác phẩm lịch sử mở đầu cho Sử học hiện đại phương Tây. Tác phẩm Biến động môi trường lớp phủ và giải pháp phát triển bền vững tại các đảo san hô khu vực quần đảo Trường Sa của TS. Đỗ Huy Cường nằm trong bộ sách chuyên khảo về Biển đảo Việt Nam, là nguồn tư liệu quý phục vụ hoạt động nghiên cứu khoa học, quản lý tài nguyên thiên nhiên và môi trường, phát triển kinh tế xã hội bền vững cho khu vực quần đảo Trường Sa; đồng thời góp phần khẳng định chủ quyền và thực thi nhiệm vụ bảo vệ lãnh thổ, biển đảo của Tổ quốc. Tác phẩm Lược khảo văn học (3 tập) của GS. Nguyễn Văn Trung là bộ sách có giá trị về mặt văn học sử, góp phần giúp những người nghiên cứu và yêu văn học hôm nay hiểu thêm về bộ phận văn học, văn chương tiến bộ thời kỳ đất nước còn bị chia cắt trước năm 1975…

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, vẫn xảy ra tình trạng sai phạm trong nội dung xuất bản phẩm. Một số NXB buông lỏng quản lý dẫn đến vi phạm về nội dung như đề cập tới một số vấn đề, sự kiện liên quan tới chính trị không khách quan hoặc sự ám chỉ mang tính tiêu cực đối với một số vấn đề chính trị; nhận định thiếu khách quan, chưa được kiểm chứng đối với những vấn đề khoa học, những vấn đề về chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước và công tác của các cán bộ lãnh đạo cấp cao. Một số cuốn sách có nội dung mang tính tranh luận, trao đổi, chưa được kiểm chứng, chỉ dừng ở mức độ là tài liệu tham khảo cho một số đối tượng bạn đọc nhất định nhưng lại được NXB phổ biến rộng rãi…

Nâng cao chất lượng đội ngũ biên tập viên NXB là khâu then chốt

Dân tộc Việt Nam có truyền thống ham học, ham đọc sách. Cách đây khoảng 200 năm, Cao Bá Quát đã nói: “Đọc sách, mắt như đèn muôn dặm”. Cách đây 5 năm, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định lấy ngày 21- 4 hằng năm là Ngày Sách Việt Nam, nhằm 3 mục tiêu: khuyến khích người Việt Nam đọc sách; tôn vinh giá trị của sách; nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội đối với việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc Việt Nam.

Thực hiện nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao, ngay từ năm đầu tiên, Bộ Thông tin và Truyền thông đã triển khai đồng bộ kế hoạch tổ chức Ngày Sách Việt Nam đến các bộ, ngành, các tổ chức, địa phương trên cả nước, với mục tiêu phát động, xây dựng phong trào đọc sách, viết sách, quảng bá sách, lưu giữ sách trong các tầng lớp nhân dân, đưa phong trào lan tỏa thành nếp sống đẹp trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng, tôn vinh người đọc và những người tham gia sưu tầm, sáng tác, xuất bản, in và phát hành sách.

Bạn đọc tham quan và mua sách tại Hội sách năm Hà Nội 2020 – Ảnh: Xuân Lộc

 Trong 5 năm qua, số cuốn sách ở Việt Nam tăng 22%, số bản sách tăng 55%. Tuy chưa phải phổ cập, nhưng Ngày Sách Việt Nam đã về được tới cấp huyện, xã; tủ sách đã đến lớp học và hộ gia đình; giờ đọc sách đã vào đến lớp học; Tết đến mọi người đã lì xì, mừng tuổi nhau bằng sách. Thành phố Hà Nội và TP.HCM đã có đường sách. Nhiều địa phương tổ chức ngày hội sách. Hằng năm Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Xuất bản Việt nam đã phối hợp tổ chức Giải thưởng sách quốc gia. 10 NXB đầu tiên đã chuẩn bị cho việc xuất bản điện tử.

Các NXB đã chú trọng đến chất lượng đề tài, nội dung, hình thức các ấn phẩm được đầu tư đổi mới, phục vụ nhu cầu đa dạng của bạn đọc. Một số mảng đề tài được chú ý đầu tư khoa học bài bản hơn: đề tài xây dựng nông thôn mới; phổ biến chính sách, pháp luật và kiến thức phổ thông về văn hóa, xã hội, khoa học kỹ thuật; các ấn phẩm tuyên truyền bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam; đề tài về lịch sử, văn học được xuất bản dưới nhiều thể loại như: tiểu thuyết, truyện tranh dành cho thiếu nhi, cẩm nang bỏ túi…, đã đáp ứng được nhu cầu tìm hiểu của nhiều lứa tuổi bạn đọc, góp phần khẳng định chủ quyền quốc gia, phát huy truyền thống yêu nước và các giá trị văn hóa lịch sử của dân tộc.

Cuộc cách mạng 4.0 hiện nay và sự tác động của mạng xã hội đã ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động xuất bản. Những thách thức trong việc lựa chọn mô hình NXB như thế nào cho hiệu quả; ứng dụng công nghệ phục vụ cho công tác quản lý hoạt động xuất bản, phát hành xuất bản phẩm điện tử; công tác biên tập nội dung xuất bản phẩm… được nhiều người quan tâm. Sách hay về chất lượng, đẹp về hình thức, đa dạng về nội dung – phù hợp với từng lứa tuổi, đối tượng khác nhau… là những yếu tố đầu tiên, cơ bản, quan trọng hấp dẫn bạn đọc, góp phần thúc đẩy văn hóa đọc. Do đó, phát triển văn hóa đọc phải bắt đầu từ công tác xuất bản, từ ý thức trách nhiệm của biên tập viên mỗi NXB.

Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, chúng ta đang sống trong kỷ nguyên của cuộc cách mạng số. Công nghệ đang thay đổi cách chúng ta sống và làm việc. Nhưng công nghệ ngày nay lại thay đổi nhanh và liên tục, gần như là từng ngày. Một cá nhân, hay một dân tộc, muốn tồn tại, thích ứng và phát triển thì chỉ còn cách duy nhất là liên tục học và học cả đời, liên tục đọc và đọc cả đời. Và do vậy, đây là một quyết định thể hiện sự quan tâm kịp thời và tầm nhìn của Đảng và Nhà nước ta nhằm chấn hưng văn hóa đọc Việt Nam. Có thể coi đây như một tuyên bố ban đầu để tiến tới một chiến lược sách quốc gia hoặc một luật về khuyến đọc Việt Nam. Trong vòng 5 năm tới, chúng ta phải làm rất nhiều việc nữa. Số cuốn sách tăng 50%, số bản sách tăng 100%. Nhiều cơ chế chính sách mới phải được ban hành để chấn hưng văn hóa đọc Việt Nam. Ngày sách, tủ sách, đường sách, hội chợ sách, giờ đọc sách sẽ được phổ cập rộng rãi. Giải thưởng sách quốc gia sẽ được đổi mới, tổ chức với quy mô lớn hơn, thu hút sự quan tâm của xã hội, với giải thưởng lớn hơn. Hợp tác quốc tế về sách rộng rãi hơn.

Theo ông Nguyễn Nguyên – Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông), hiện Cục được giao nhiệm vụ Quy hoạch lại hệ thống xuất bản, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh; tập trung phát triển một số NXB trọng điểm theo các khu vực; quy hoạch mạng lưới các cơ sở in, phát triển phát hành sách về nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc, vùng kinh tế đặc biệt khó khăn. Đồng thời, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về xuất bản, in và phát hành; nghiên cứu xây dựng Chiến lược phát triển Sách quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn 2040; chú trọng hoạt động quảng bá sách, phát triển văn hóa đọc, phát triển thiết chế văn hóa đọc ở cơ sở (tủ sách, thư viện trường học, thôn xóm, dòng họ, gia đình); đẩy mạnh hợp tác quốc tế và thông tin đối ngoại. Triển khai Kế hoạch phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng giai đoạn 2020 theo hướng kết hợp giữa ngân sách nhà nước và nguồn xã hội hóa. Đặc biệt, phát triển các tủ sách trọng điểm, bước đầu hình thành một số tủ sách mới như: Tủ sách tam nông; Tủ sách hướng nghiệp, khởi nghiệp; Tủ sách thông tin, đối ngoại; Tủ sách khoa học công nghệ; Tủ sách giá trị cao…

Đứng trước yêu cầu trên, mỗi NXB cần đẩy mạnh kiện toàn và nâng cao chất lượng đội ngũ lãnh đạo, biên tập viên tinh thông về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và vững vàng bản lĩnh chính trị. Trong tất cả các yếu tố tạo nên sự thành công hay thất bại của một cơ quan, đơn vị thì con người luôn được xem là yếu tố hàng đầu, tiên quyết. Bên cạnh đó, các NXB cần xây dựng chiến lược phát triển trước yêu cầu mới; đẩy mạnh công tác quảng bá, truyền thông sách; phát triển xuất bản điện tử; chuyển đổi mô hình hoạt động theo loại hình tổ chức phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao.

Tác giả: Ngô Xuân Lộc

Nguồn: Tạp chí VHNT số 446, tháng 12-2020

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *