Trong nhiều ngành nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống, nghề dệt lụa cổ truyền sớm nổi tiếng khi đi so tài cùng với các mặt hàng tơ lụa thế giới. Thời Pháp thuộc, Việt Nam với tơ lụa Vạn Phúc đã có mặt tại các triển lãm lớn của các nước thuộc địa ở Mác xây (1928), Pari (1931 – 1938), Campuchia, Indonesia, Lào… Nhiều nghệ nhân đã được tặng thưởng huy chương, bằng khen khi tạo ra những sản phẩm tinh xảo, thượng hạng. Ngày nay nghề dệt cổ truyền ít nhiều bị mai một song vẫn đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu xuất nhập khẩu của ngành dệt may Việt Nam.
1. Vài nét về nghề dệt cổ truyền trong lịch sử
Trong những ghi chép của các sử gia phong kiến cho thấy, từ sau TK X nghề tằm tang đã rất phát triển. Đến giữa TK XI, tơ lụa trở thành một ngành kinh tế quan trọng cho thu nhập của nhà nước. Trước khi thực dân Pháp xâm lược, ngành tơ lụa ở nước ta đã phát triển mạnh. Chính vì vậy, ngay sau khi bình định nước ta, chúng nghĩ ngay đến việc khai thác tơ tằm, sản xuất được tơ tốt sẽ mang lại một gia tài to lớn và các phòng thương mại sẽ tăng giá cao hơn giá hiện nay từ 20 – 30%. Để phục vụ tốt cho việc khai thác tơ lụa, Pháp đã thành lập một Tiểu ban tơ lụa. Trong bản báo cáo ngày 2-12- 1886 của Tiểu ban tơ lụa có viết: “Vấn đề tơ lụa ở Bắc Kỳ giữ vai trò quan trọng thứ hai sau thóc gạo, nói như vậy để các ngài thấy rằng ít có thứ sản vật nào đáng cho chúng ta quan tâm và suy nghĩ đến hơn là tơ lụa”.
Có thể nói, nghề tằm tơ dệt lụa đã rất phát triển trong lịch sử ở nhiều vùng thôn quê Việt Nam. Sau năm 1905 chính quyền Pháp đã tiến hành nhiều biện pháp nâng đỡ, khuyến khích ngành tơ tằm bằng việc miễn và giảm thuế. Người Pháp đã đầu tư, thành lập nhiều cơ sở chăn tằm kiểu mẫu từ Bắc vào Nam như Phủ Lạng Thương (1905), Bạch Hạc (1914), Kiến An (1916)… Từ những năm 1926 mở thêm 3 cơ sở ở Huế, Vinh, Bình Định. Như vậy có thể thấy khi thống trị Việt Nam, người Pháp đã xác định và sớm nhìn thấy nghề tằm tơ, dệt lụa có thể phát triển và mang lại nguồn lợi lớn cho tư bản Pháp. Các nhà tư bản Pháp đã tích cực đầu tư vốn và mở rộng quy mô sản xuất. Cho đến năm 1923 số tiền trích từ ngân sách toàn Đông Dương cho nghề tằm tơ dệt lụa ở Bắc Kỳ là 702.000 Francs, Trung Kỳ là 123.000 Francs, Nam Kỳ là 129.000 Francs… Nguồn vốn trên đã thúc đẩy việc phát triển công ty, nhà máy dệt tơ lụa trên khắp Việt Nam lúc bấy giờ như nhà máy dệt tơ lụa Nam Định, Phú Phong (Bình Định), Tân Châu (Châu Đốc), Đồng Ích (Thái Bình)…
Nhìn chung trong thời kỳ 1919 – 1930, nghề tơ tằm dệt lụa ở Việt Nam vẫn được duy trì và phát triển dù trải qua giai đoạn suy thoái (1923 – 1924), nguyên nhân do bị cạnh tranh với tơ nhân tạo, giá thị trường quốc tế hạ thấp, chiến tranh… Tuy nhiên, nghề này vẫn trải rộng trong nhân dân, đã có một số địa phương được tiểu công nghệ hóa với một ít máy móc và kỹ thuật mới được cải tiến. Một số người Việt Nam tham gia nghề dệt lụa với tư cách chủ tư sản. Đó là những nét mới của giai đoạn lịch sử này về mặt sản xuất.
Các công ty Pháp được độc quyền về bông và sợi bông nên các xưởng dệt của người Việt phải phụ thuộc vào sợi công ty Pháp về nguyên liệu. Vì vậy chỉ có những gia đình ở nông thôn hay ở các làng chuyên dệt mới có thể chủ động được phần nguyên liệu nhờ sự trồng bông phân tán ở tất cả các vùng. Nói cách khác, việc trồng bông ở nông thôn Việt Nam chỉ đủ dùng cho các hộ nông dân tự canh cửi và cho các làng chuyên dệt có quan hệ mật thiết với nông thôn. Còn các nhà may dệt của tư sản Pháp và một phần tư sản lớn Việt Nam đều phải sử dụng bông sợi nhập từ nước ngoài.
Về nghề dệt lụa, sau chiến tranh thế giới thứ I lại được thúc đẩy mạnh hơn. Thực dân Pháp ở Đông Dương đã tổ chức hội chợ, triển lãm, chấm thi… và cấp bằng khen, đồng thời tuyên truyền rầm rộ cho việc “chấn hưng công nghệ” của chúng. Làng Vạn Phúc có nghề dệt lụa cổ truyền, có vị trí địa lý gần tỉnh lỵ nên mau chóng được lựa chọn và xây dựng thành làng kiểu mẫu.
Nghề dệt làng Vạn Phúc có từ lâu đời, được các vua quan và nhân dân ưa chuộng. Các vua triều Nguyễn từ Khải Định đến Bảo Đại đều sai người đến tận Vạn Phúc mua sa gấm đem về triểu cho vua quan dùng. Giới sành ăn mặc ở thành thị và giới thượng lưu giàu có ưa chuộng lụa Vạn Phúc, đặc biệt là gấm Vạn Phúc. Đến năm 1906, thực dân Pháp mở hội chợ đấu xảo ở Mác xây giới thiệu nghề thủ công của các nước thuộc địa nhằm thu hút vốn đầu tư của tư bản Pháp, nghề gấm ở Vạn Phúc mới được phục hồi và phát triển. Năm 1921 có thể coi 1à năm chấn hưng nghề dệt gấm ở làng Vạn Phúc. Làng đã có hai xưởng dệt gấm đi vào sản xuất.
Để phục vụ nhu cầu ngày càng cao của thị trường, nghề dệt ở làng Vạn Phúc được mở mang hơn trước. Khung dệt được cải tiến từ khung thô sơ, dậm chân, năng suất thấp lên thành khung cửi, giật dây, từ dệt lụa vuông khổ 40 – 60cm tiến lên dệt lụa tấm khố 80cm. Từ chiếc khung cửi dùng người kéo hoa được thay thế bằng khung cửi dùng đầu máy Zatka Hồng Kông. Nhờ đó mà năng suất và chất lượng hàng tăng lên. Năng suất tăng từ 3 thước khổ nhỡ lên 8 thước khổ rộng trong một ngày của một khung dệt. Từ những năm 30 đến trước chiến tranh thế giới thứ II, số lượng khung dệt của làng tăng lên nhanh chóng.
Trong vòng 4 năm, từ 1930 – 1935, số lượng khung tăng từ 320 lên 500 khung, tăng thêm 180 khung, gấp gần 1,56 1ần. Trong 5 năm tiếp theo (1936 – 1939) tăng thêm 1000 khung, nâng tổng số khung dệt của làng lên 1500 khung, tăng gấp 3 lần.
Ngoài nguồn nguyên liệu trong nước, Vạn Phúc còn nhập một khối lượng lớn tơ từ Anh, Pháp, Nhật, Trung Quốc… trung bình mỗi năm tiêu thụ hàng chục tấn tơ, năm sản suất cao nhất tới hơn triệu mét lụa.
Làng Vạn Phúc lúc đầu chuyên dệt the, lụa, về sau dệt cả vân, sa tanh và dệt lụa hoa, the Vạn Phúc còn dùng để may quần áo ngủ xuất sang Pari. Từ năm 1935 – 1936 Vạn Phúc dệt thêm đũi. Mặt hàng ngày càng thêm phong phú đa dạng. Trai gái trong làng từ 16 tuổi trở lên đều biết nghề dệt. Người tinh ý thì 13 tuổi đã có thể dệt được tấm lụa đầu tiên. Hàng năm có tới 3000 người từ các địa phương khác đến học nghề tại Vạn Phúc.
Lụa Vạn Phúc bắt đầu cạnh tranh với thị trường thế giới, mở ra một khả năng mới cho nghề dệt của làng. Thời phong kiến, hàng dệt của lụa Vạn Phúc phần lớn được đem bán hay trao đổi tại chợ Đình của làng. Khi nghề dệt phát triển hơn thì lụa được đem bán ở chợ Đơ (Hà Đông). Đến thời Pháp thuộc, hàng hóa được đem bán tại Hàng Ngang, Hàng Đào (Hà Nội). Cũng từ đó, chợ Đình và chợ Đơ không còn là nơi buôn bán tơ lụa nhộn nhịp như trước kia, hàng dệt của Vạn Phúc chủ yếu đem bán ở Hà Nội.
Vào những năm 30 của TK XX, do những yếu tố hàng hóa tư bản phát triển mạnh tạo cho một số tiểu chủ ở Vạn Phúc có vốn nhiều, khối lượng hàng dệt lớn, nhiều gia đình đã liên kết với nhau cùng bán hàng, bước đầu đặt cơ sở cho sự ra đời của Cửa hiệu Phúc Hợp và sau đó là Công ty Long Vân.
Cửa hiệu Phúc Hợp ra đời năm 1930 – 1931, trên cơ sở 10 hộ gia đình ở làng Vạn Phúc có nhiều khung dệt (5 – 7 khung) liên kết với nhau đi bán hàng ở Hà Nội. Với số lượng hàng nhiều, mặt hàng đa dạng, phong phú nên hàng của họ dễ bán và đắt hơn những người đi bán lẻ. Đến tối khi trở về họ mới chia nhau tiền bán được. Uy tín của nhóm gia đình này càng tăng, đã có nhiều chủ buôn đặt mua hàng. Lúc này họ không ra Hà Nội nữa mà khách hàng ở khắp nơi (Hà Nội, Hải Phòng, Sài Gòn…) đã về tận Vạn Phúc mua. Để tiện cho việc giao dịch mua bán, họ mở cửa hiệu ngay tại 1àng có tên là Phúc Hợp. Lúc đầu họ bán các mặt hàng do mình tự dệt, về sau, do khối lượng hàng cần nhiều nên phải mua thêm ở chợ Đơ và ở trong làng. Đã có những khách ở tận Sài Gòn yêu cầu Phúc Hợp đưa hàng vào trong đó. Một đại lý giao dịch có tên là Công ty Long Vân của cửa hiệu Phúc Hợp đã ra đời tại số nhà 229 phố Lagrange (sau chùa Bà Đen), Sài Gòn. Năm 1945, cửa hiệu Phúc Hợp chuyển từ Vạn Phúc ra trung tâm thị xã Hà Đông (số nhà 88 – 90 phố Lê Lợi ngày nay). Tại đây, cửa hàng vẫn tiếp tục kinh doanh các mặt hàng tơ lụa và nhuộm. Đến tháng 8-1945, cùng với sự ra đời của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, cửa hiệu Phúc Hợp chấm dứt hoạt động của mình.
Sau một thời kỳ phát triển mạnh (1930 – 1939), đến khi chiến tranh thế giới thứ II bùng nổ, việc xuất nhập cảng hàng hóa của Pháp bị hạn chế, nghề dệt lụa ở Vạn Phúc bắt đầu gặp khó khăn. Nguồn nguyên 1iệu và tiêu thụ sản phẩm bị ế, nghề dệt có xu hướng đi xuống. Đến năm 1945, cách mạng tháng Tám thành công, mở ra một thời kỳ phát triển mới cho nghề dệt.
2. Thực trạng nghề dệt hiện nay
Theo thống kê, hiện nay Việt Nam còn có gần 2000 làng nghề thuộc các nhóm nghề chính: sơn mài, gốm sứ, vàng bạc, thêu ren, giấy, gỗ đá… Trong đó, nghề tằm tơ, dệt lụa luôn đóng vai trò quan trọng trong ngành tiểu thủ công nghiệp truyền thống qua các chặng đường lịch sử. Ngày nay, trước thời kỳ hội nhập, nghề tằm tơ dệt lụa đã mở ra những cơ hội mới để phát triển, song phải đối mặt với không ít những thách thức dưới tác động mạnh mẽ của các mặt hàng áp dụng khoa học công nghệ hiện đại. Ngành dệt lụa truyền thống Việt Nam vừa được hưởng lợi vừa chịu sự cạnh tranh trước những hiệp định lớn như AFTA (khu vực mậu dịch của ASEAN) hay Hiệp định TPP (Hiệp định đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương) với việc xóa bỏ hàng rào thuế quan cho các mặt hàng dệt may Việt Nam. Hiệp định khi có hiệu lực sẽ tạo điều kiện để các mặt hàng này thâm nhập vào thị trường rộng lớn, hội nhập vào nền kinh tế thế giới, đóng góp to lớn vào kim ngạch xuất nhập khẩu cho Việt Nam, tạo nguồn thu nhập lớn cho đất nước, đồng thời giúp giải quyết nhiều vấn đề về công ăn việc làm, nhân công lao động giá rẻ tại thị trường Việt Nam.
Ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, hiện nay, kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may đang đứng vị trí thứ hai trong tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Nếu như năm 2011 kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may đạt gần 2 tỷ đô la, thì đến năm 2012 kim ngạch đã đạt 17,1 tỷ đô la, đưa Việt Nam trở thành nước xuất khẩu dệt may lớn thứ 5 thế giới. Tuy nhiên, nguồn nguyên liệu của ngành dệt may Việt Nam phải lệ thuộc vào nước ngoài, thiết bị công nghệ lạc hậu, lệ thuộc nhiều vào khâu gia công.
Với lợi thế nhân công giá rẻ, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc và Đài Loan đã nhanh chóng đầu tư vào công nghiệp phụ trợ dệt may, đưa mức đầu tư từ Trung Quốc tăng gấp đôi so với năm 2012. Lúc đó, chính các doanh nghiệp Trung Quốc sẽ thu lợi rất cao, trong khi các doanh nghiệp Việt Nam ngồi gia công để ăn phần ngọn. Đây là thách thức thúc đẩy các doanh nghiệp thay đổi một cách toàn diện tư duy gia công để không bị đào thải ngay trên sân nhà.
Những vấn đề nêu trên chỉ là một phần rất nhỏ trong những thách thức và cơ hội mà TPP sẽ mang lại cho ngành dệt may Việt Nam. Về lâu dài, hiệp định mang tầm chiến lược của thế kỷ này sẽ thúc đẩy Việt Nam thực hiện mạnh mẽ những thay đổi và cải cách theo hướng tốt hơn. Bên cạnh việc phải cạnh tranh sòng phẳng với những đối thủ đáng gờm từ nước ngoài trong rất nhiều lĩnh vực, chúng ta sẽ được tiếp cận với một thế hệ công nghệ, máy móc, nguyên vật liệu hoàn toàn mới, những nguồn vốn đầu tư khổng lồ… Vì vậy, mặt hàng tiểu thủ công nghiệp nói chung và nghề dệt truyền thống nói riêng đứng trước rất nhiều cơ hội và phải đối mặt với không ít thách thức trong quá trình hội nhập.
3. Một số giải pháp nhằm bảo tồn và phát triển nghề dệt truyền thống trong quá trình hội nhập
Cần phát huy vai trò của chủ thể, sẵn sàng chuẩn bị cho tâm thế hội nhập của các làng nghề truyền thống nói chung và dệt may nói riêng, phải luôn chủ động trong quá trình hội nhập bằng việc phát huy tính năng động nhạy bén của mình và sẵn sàng cạnh tranh với các nước lớn. Người thợ làng nghề phải không ngừng nỗ lực, sáng tạo từ việc thay đổi công nghệ, kỹ thuật để sản xuất ra sản phẩm đạt chất lượng cao nhưng vẫn giữ được yếu tố truyền thống, đáp ứng được thị hiếu của thị trường hiện tại.
Cần có sự hỗ trợ về chính sách của các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức đoàn thể, xã hội đối với việc bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống, bằng việc tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm, hỗ trợ về vốn và mở rộng quy mô sản xuất. Các đoàn thể cần chú trọng đến công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức cộng đồng trong việc bảo vệ và phát huy truyền thống làng nghề, tăng cường kinh phí tu bổ cho những di tích lịch sử văn hóa của làng nghề. Cần giới thiệu văn hóa, các sản phẩm của làng nghề bằng việc xây dựng thương hiệu, có phòng trưng bày giới thiệu những sản phẩm nổi tiếng của các nghệ nhân giỏi, có cơ chế khuyến khích nghệ nhân, thợ giỏi bằng việc phong tặng, khen thưởng.
Cần gắn kết làng nghề với phát triển du lịch và dịch vụ như bảo tồn các di tích lịch sử, không gian văn hóa truyền thống, tăng cường quảng bá thương hiệu của làng nghề tới những địa phương trong nước và quốc tế. Nhà nước cần có nhiều chính sách hỗ trợ, thúc đẩy làng nghề bằng việc ưu tiên cho vay vốn, ưu đãi về thuế, có cơ chế, chính sách giao đất, hợp đồng cho thuê đất ổn định để các cơ sở sản xuất ở làng nghề truyền thống có thể mở rộng quy mô yên tâm sản xuất. Cần tạo điều kiện cho các làng nghề truyền thống tiếp cận các thông tin về công nghệ, khoa học – kỹ thuật, thị trường; hỗ trợ vốn và tạo điều kiện cho các làng nghề tham gia hội chợ, triển lãm, hội thảo… để họ tự tiếp cận thông tin, chủ động trong quá trình hội nhập.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 391, tháng 1-2017
Tác giả : LÊ THỊ HOA
Bài viết cùng chủ đề:
Tác động của nghề cơ khí và mộc dân dụng đối với đời sống văn hóa làng đại tự
Tư tưởng về đạo đức môi trường ở phương đông
Kiến thức văn hóa của nhà báo, thiếu và sai