Nghề dệt thổ cẩm của người H’ rê ở huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi


Nghề dệt thổ cẩm là một trong những nét văn hóa điển hình và mang bản sắc dân tộc độc đáo của người H’rê. Hiện nay, nghề dệt thổ cẩm của người H’rê ở huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi vẫn đang được gìn giữ, bảo vệ trong cộng đồng, tuy nhiên quy mô phát triển nghề còn nhỏ lẻ, manh mún, chưa tập trung. Bài viết nghiên cứu về hiện trạng nghề dệt thổ cẩm của người H’rê ở thôn làng Teng, xã Ba Thành, như một trường hợp tiêu biểu cho nghề dệt ở huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi, đồng thời đưa ra một số gợi ý về mặt giải pháp, khuyến nghị để giúp nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người H’rê ở Ba Tơ, Quảng Ngãi tiếp tục được giữ gìn và phát triển.

 

1. Những nét đặc trưng của nghề dệt thổ cẩm

Nguyên liệu, công cụ dệt

Nguyên liệu chính để dệt thổ cẩm của người H’rê là cây bông. Bông trồng vào khoảng tháng 3, 4 và thu hoạch khoảng tháng 8, 9. Quả bông sau khi phơi khô sẽ được kéo thành sợi. Sợi được cuốn vào khung, sau đó đem nấu với nước cơm và phơi khô. Khi quả bông đã khô, người ta dùng gậy gỗ đập cho các sợi bông tung ra. Sau khi bông đã tơi, người ta trải đều bông trên mặt sàn, dùng que lăn cho bông quấn vào thanh tre, tạo thành các cúi bông. Mỗi cúi bông thường to như bắp đùi của người lớn. Từ các cúi bông này, người ta sẽ dùng xa quay để se thành sợi. Xa quay sợi theo tiếng H’rê là trui, được làm bằng gỗ với chiều dài khoảng 1m. Một đầu có gắn guồng quay bằng tre với đường kính 30cm, đầu còn lại trục gỗ để gắn suốt chỉ. Trục của guồng quay và trục của suốt chỉ được kết nối bằng dây.

Sau khi se thành sợi, bông có thể được nhuộm màu hoặc để trắng. Sợi bông có thể được nhuộm từ thuốc, được làm từ những chất liệu tự nhiên có sẵn như: vỏ cây, rễ cây, củ, khoáng vật… Theo truyền thống, người H’rê chỉ dùng 3 màu: trắng, đỏ, đen. Trong quan niệm của người H’rê, những màu sắc của sản phẩm thổ cẩm tượng trưng cho những ý nghĩa riêng như: màu đỏ tượng trưng cho sự sống của con người; màu trắng tượng trưng cho sự trong trắng, chân chất của đồng bào H’rê; màu đen biểu hiện những ý niệm tâm linh… Cả 3 màu ấy hòa quyện vào nhau, gắn kết với nhau và hỗ trợ cho nhau. Sau khi nhuộm xong, sợi được mang đi phơi cho khô và bền màu. Để tạo ra một sản phẩm dệt thổ cẩm mang tính truyền thống, người thợ cần dệt bằng khung cửi.

Kỹ thuật dệt thổ cẩm

Dệt thổ cẩm đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo và sáng tạo. Ngoài việc sử dụng hài hòa các sắc màu, nghệ nhân dệt thổ cẩm làng Teng còn nổi tiếng là những người thành thạo trong việc tạo ra các hoa văn bằng kĩ thuật đan cài, một kĩ thuật dệt rất khó. Khi dệt, người thợ ngồi bệt trên sàn nhà. Thảm chỉ dọc phía trước mặt được kéo căng ra bằng hai thanh nứa ngang. Một thanh dùng dây buộc vào thắt lưng người thợ; thanh kia buộc vào sàn nhà. Khi mảnh thổ cẩm được dệt xong, các dụng cụ dệt được tháo ra thành những bộ phận rời, vì thế người ta gọi đây là phương pháp dệt vải không có khung dệt, khác với cách dệt vải truyền thống sử dụng khung dệt của người Kinh.

Trước khi dệt, người phụ nữ lựa chọn hoa văn yêu thích và bắt đầu mắc các đường chỉ chạy dọc theo tấm vải bằng cách dùng 4 bộ phận chính của khung dệt là loang khoang, loang sích, loang ra-néploang rờ-nom. Đây được coi là công đoạn khó nhất vì nó sẽ quyết định sự phân bố của các dải hoa văn trên tấm vải và tạo ra thảm chỉ dọc là bộ xương của tấm vải sau này.

Các hình họa tiết trang trí trên sản phẩm

Điểm nổi bật trên những sản phẩm hoàn thiện như váy, áo, khố, khăn, đai, vải địu con… là những họa tiết, hoa văn có nhiều hình thức đa dạng, được bố trí đối xứng theo các loại hình như: hình vuông, hình thoi, hình tam giác, hình chữ chi và những biểu tượng thiên nhiên như: cỏ cây, hoa lá, chim muông, thể hiện sự phong phú đa dạng của thiên nhiên. Hoa văn thổ cẩm của người H’rê còn thể hiện về thế giới quan. Hoa văn cho nữ có màu sắc nhẹ nhàng, nhỏ, ngược lại, hoa văn cho nam thì to hơn, nhiều hơn và màu sắc khá nổi, nhằm thể hiện sức mạnh của phái nam. Tất cả hoa văn trên thổ cẩm đều tái hiện lại cuộc sống hằng ngày, văn hóa truyền thống đặc trưng của đồng bào H’rê. Người H’rê quan niệm, hoa văn, họa tiết hình ô vuông trên mỗi sản phẩm thổ cẩm sẽ tượng trưng cho đồng ruộng phì nhiêu. Một loại hoa văn không thể thiếu là hoa văn dấu cộng, thể hiện sự may mắn và cầu mong sức khỏe cho người mặc chiếc áo ấy.

Thói quen tiêu dùng và sản phẩm dệt thổ cẩm truyền thống

Người H’rê ở làng Teng trước đây dệt thổ cẩm chủ yếu để phục vụ cho nhu cầu của chính bản thân và gia đình mình. Các sản phẩm chính của họ bao gồm: váy (ka tu), khố (kapen), tấm địu trẻ em (katănh), khăn đội đầu (mul), dây đeo (sipăh), khăn trầu cau, lễ vật (tagóh), chăn (veixan)… Sự độc đáo của sản phẩm chủ yếu dựa vào bàn tay khéo léo của người phụ nữ, giúp cho việc khôi phục một phần thị trường của thổ cẩm làng Teng.

Như vậy, đây không chỉ là một nghề cổ truyền có từ xa xưa, mà trong đó còn ẩn chứa nhiều nét đặc trưng riêng, từ nguyên liệu tự nhiên, kỹ thuật sản xuất thủ công đến sản phẩm dệt hoa văn phong phú, giàu ý nghĩa. Tuy nhiên, trước sự thay đổi của xã hội, nghề dệt thổ cẩm của người H’rê ở Ba Tơ đang có chuyển biến nhất định cả về lượng và chất.

2. Hiện trạng nghề dệt thổ cẩm của người H’rê ở Ba Tơ

Số hộ, số người và nghệ nhân làm nghề

Làng Teng, xã Ba Thành, tập trung chủ yếu những người phụ nữ biết nghề dệt. Tính đến năm 2017, có trên 10 hộ còn lưu giữ nghề dệt thổ cẩm. Số người biết nghề dệt trong làng là 42 người, trong đó, số người dệt thường xuyên là 10 người, số người dệt không thường xuyên là 32, hàng hóa làm ra trong năm là 1.278 sản phẩm (1). Nam giới H’rê thường không làm nghề dệt. Nhiều người dù thích và biết dệt nhưng không làm vì vẫn luôn giữ định kiến “nghề dệt chỉ dành cho phụ nữ”.

Hiện nay, ở làng Teng, có những nghệ nhân dệt thổ cẩm nhiều kinh nghiệm và cả người trẻ tuổi tâm huyết. Một trong những nghệ nhân giàu kinh nghiệm, có công lưu giữ những nét văn hóa thổ cẩm là nghệ nhân Phạm Thị Găm. Chị năm nay gần 40 tuổi, nhưng đã biết nghề dệt truyền thống từ khi lên 10. Những cô gái trẻ người H’rê rất đam mê, yêu thích và cần mẫn gìn giữ hoa văn truyền thống trên sắc màu thổ cẩm, như: em Phạm Thị Hải, 22 tuổi, đã có gần 10 năm biết dệt thổ cẩm; em Phạm Thị Sung, 26 tuổi, gắn bó với nghề dệt thổ cẩm hơn 10 năm…

Những thay đổi về nguyên liệu, công cụ nghề dệt

Hiện nay, nguyên liệu để dệt thổ cẩm thay vì sợi bông truyền thống là các loại chỉ may được làm công nghiệp và bán sẵn tại chợ. So với truyền thống, việc dùng chỉ công nghiệp giúp người H’rê rút ngắn thời gian chuẩn bị nguyên liệu, đa dạng hóa màu sắc và đạt hiệu quả cao hơn. Trung bình 1kg chỉ được bán với giá từ 120.000 – 150.000 đồng. Vì thế, giá thành sản phẩm cũng hạ hơn, hiệu quả lao động sản xuất tăng hơn trước. Tuy vậy, so với độ bền của các loại sợi tự nhiên để dệt vải trước đây thì sợi làm từ công nghiệp có chất lượng không bằng, như độ thấm hút mồ hôi kém, có nhiều loại chỉ may chất lượng kém làm cho sản phẩm nhanh hỏng.

Khung dệt thổ cẩm thường do người dân tự làm. Người nào mới học nghề, chưa biết làm khung cửi thì có thể nhờ người thành thạo làm giúp. Ngày nay, người ta có thể mua khung cửi tại các nhà chuyên bán khung cửi. Giá một khung cửi giao động từ 300.000 – 500.000 đồng, phụ thuộc vào sản phẩm định dệt và người dệt dùng khung cửi to hay nhỏ.

Các hình họa tiết trang trí trên sản phẩm và những thay đổi

Nghề dệt thổ cẩm ở làng Teng có khoảng 20 mẫu hoa văn cổ truyền, nhưng do thất truyền, mai một nên hiện còn lưu truyền được 10 mẫu. Hoa văn đơn giản nhất được dệt bởi 36 sợi, phức tạp nhất được dệt bởi 56 sợi. Các chi tiết thường thấy trên tấm thổ cẩm của người H’rê bao gồm: hoa văn quả trám, hoa văn hình vuông, hoa văn tam giác… Đặc biệt, các họa tiết hình học này được kết hợp với nhau tạo thành các biểu tượng về cây cỏ, chim muông, đồ dùng sinh hoạt quen thuộc trong đời sống của người H’rê như ba đường dích dắc, những đoạn thẳng song song và vuông góc với nhau từng đôi một, hoa văn hình cái nơm chụp cá, hay hoa văn loang klắc, hoa văn hình mái nhà, hoa văn chân vịt… (2).

Hiện nay, mặc dù thổ cẩm của người H’rê vẫn giữ nguyên ba màu chủ đạo là đen, đỏ và trắng, nhưng sự sẵn có của chỉ công nghiệp với đa dạng các sắc màu đã khiến nhiều người thợ tạo nên các biến tấu mới trên các tấm thổ cẩm Làng Teng. Các chi tiết trang trí màu vàng, xanh hay tím đã được thêm vào tùy theo sở thích của người dệt hay theo yêu cầu của khách hàng. Vì thế, sản phẩm dệt thổ cẩm của người H’rê ở Ba Tơ đa dạng hơn, họa tiết trang trí phong phú, màu sắc rực rỡ theo từng loại hình sản phẩm.

Thị trường tiêu thụ và thu nhập của người làm nghề

Ngày nay, do thay đổi trong tập quán sinh hoạt, đặc biệt là việc thay đổi trong các thức ăn vận của người H’rê, hầu hết họ đều mặc trang phục theo kiểu người Kinh. Sự hiện diện của thổ cẩm trong đời sống cộng đồng H’rê đang ngày càng ít đi. Trong bối cảnh hiện nay, nhiều nghệ nhân dệt vừa muốn bảo tồn quy trình và các kỹ năng thủ công vốn có của nghề dệt, nhưng họ cũng lại phải đối mặt với tình trạng thu nhập bấp bênh của hoạt động sản xuất này. Để làm ra một tấm vải thổ cẩm, một nghệ nhân lành nghề phải mất 5-7 ngày công. Thông thường, số tiền vốn mua nguyên vật liệu chỉ cần bỏ ra từ 100.000 – 120.000 đồng. Sau khi dệt xong, tấm vải có thể bán với giá trung bình là 500.000 đồng. Nếu muốn may thành sản phẩm hoàn chỉnh là váy hay áo thì người dệt phải thuê người cắt và may với giá tiền 100.000 đồng/bộ. Các sản phẩm hoàn thiện thường bán với giá cao hơn giá vải từ 800.000 – 1.000.000 đồng cho một bộ váy áo (3).

Các sản phẩm thổ cẩm do nghệ nhân làm ra ít gắn kết với đời sống thường nhật của người H’rê tại chính cộng đồng làng Teng. Phụ nữ làng Teng thường không mặc trang phục truyền thống, ngoại trừ vào dịp lễ hội, ngày Tết. Sản phẩm dệt của làng Teng chủ yếu được bán cho các khu vực lân cận, như các xã: Ba Vinh, Ba Giang, Ba Vì, nơi người H’rê vẫn coi thổ cẩm như một tài sản có giá trị. Nhiều sản phẩm thổ cẩm từ làng Teng được đặt hàng bởi các bảo tàng, đoàn văn nghệ, trường nghệ thuật để phục vụ công tác trình diễn và trưng bày.

3. Định hướng, giải pháp phát triển nghề dệt thổ cẩm

Những năm gần đây, chính quyền tỉnh Quảng Ngãi đã có chủ trương giữ gìn và phát triển làng nghề truyền thống như một việc làm cần thiết và có tính lâu dài, ổn định. Do đó, các cấp lãnh đạo đã quan tâm đầu tư cho làng nghề, nhằm khôi phục, phát triển bền vững nghề dệt thổ cẩm truyền thống ở làng Teng, xã Ba Thành, huyện Ba Tơ nói riêng và của tỉnh Quảng Ngãi nói chung. Đồng thời, trong xu hướng sản phẩm thủ công dần mang tính hàng hóa, đây còn là dịp để giới thiệu cho bạn bè trong và ngoài tỉnh biết về sản phẩm truyền thống độc đáo này của người H’rê ở Ba Tơ nói riêng và sự đa dạng hóa các ngành nghề truyền thống tỉnh Quảng Ngãi nói chung.

Huyện Ba Tơ luôn chú trọng khôi phục các làng nghề truyền thống. Mục tiêu của các chương trình quảng bá là nghề dệt thổ cẩm của làng Teng tiếp tục được duy trì và phát triển, phấn đấu tăng thu nhập cho mỗi hộ gia đình. Thêm nữa, chính quyền địa phương cần phối hợp với các nhà tài trợ để mở thêm nhiều điểm trưng bày, quảng cáo sản phẩm truyền thống này. Để làm được điều này, quan trọng là nâng cao chất lượng sản phẩm, thiết kế, làm ra nhiều loại sản phẩm đẹp, tiện lợi hấp dẫn, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng.

Trước nguy cơ nghề dệt truyền thống của người H’rê ở Ba Tơ có thể bị mai một và thất truyền, năm 2009, Trung tâm Dạy nghề thanh niên (thuộc Tỉnh Đoàn Quảng Ngãi) đã tổ chức lớp dạy nghề tại làng Teng, do 30 nghệ nhân trong làng giảng dạy, với sự tham gia của 150 thiếu nữ H’rê ở 5 xã (Ba Thành, Ba Liên, Ba Tô, Ba Ngạc và Ba Trang). Đây là một dự án được Quỹ Hỗ trợ bảo tồn nghệ thuật văn hóa dân gian triển khai tại làng Teng, xã Ba Thành, nhằm hỗ trợ việc bảo tồn các di sản văn hóa phi vật thể có nguy cơ mai một. Kết quả bước đầu có nhiều thuận lợi, phần nào giúp cho nghề dệt thổ cẩm làng Teng được hồi sinh và có sự thay đổi đáng kể so với quá khứ.

Các cấp chính quyền địa phương, các ban, ngành đoàn thể cần tuyên truyền nâng cao ý thức giữ gìn di sản văn hóa truyền thống của đồng bào H’rê nói chung, người H’rê ở Ba Tơ nói riêng. Đồng thời, cần phối hợp để duy trì và phát triển các lớp truyền dạy nghề tại trong và ngoài cộng đồng làng nghề, đặc biệt là với cộng đồng người H’rê ở làng Teng, xã Ba Thành. Duy trì nghề dệt thổ cẩm trong mỗi gia đình có người H’rê sinh sống trên địa bàn huyện Ba Tơ. Giữ gìn mô hình dạy nghề, học nghề theo phương pháp truyền nghề trực tiếp, thế hệ trước truyền dạy cho thế hệ sau.

Tiếp tục mở rộng thị trường đầu ra cho sản phẩm. Chính quyền và các ban, ngành cần hỗ trợ, khuyến khích các hộ làm nghề kết hợp các sản phẩm may mặc truyền thống với sản xuất, mở rộng sản phẩm dệt thổ cẩm làm quà lưu niệm cho du khách gắn với phát triển du lịch cộng đồng.

Cần có sự tham gia của chính quyền và các ngành hữu quan với các biện pháp cụ thể về vốn đồng thời cần phải quy hoạch và phát triển sản xuất. Vấn đề tổ chức lại các hộ làm nghề, chính sách thích hợp cho nghề dệt cũng phải được chú trọng.

Khuyến khích đồng bào H’rê sử dụng trang phục truyền thống trong mỗi dịp sinh hoạt văn hóa văn nghệ vùng miền hay lễ hội địa phương.

Khuyến khích, động viên các nghệ nhân người H’rê ở Ba Tơ dệt thổ cẩm có tay nghề giỏi tham gia các triển lãm dệt thổ cẩm toàn quốc. Đây vừa là cơ hội học hỏi, trau dồi kinh nghiệm, vừa là kênh quảng bá giúp cho nghề dệt thổ cẩm ở Ba Tơ, Quảng Ngãi.

Trên địa bàn huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi, cộng đồng người H’rê là một dân tộc có những nét văn hóa rất riêng biệt, trong đó, nghề dệt thổ cẩm truyền thống có từ lâu đời và trở thành một nét văn hóa không thể thiếu. Tuy nhiên, những năm gần đây, sự giao thương giữa miền xuôi với miền ngược mở ra, người H’rê bắt đầu hình thành thói quen mới trong ăn mặc, dần bỏ sắc phục truyền thống và dùng trang phục giống như người miền xuôi. Nhiều người vì thế đã bỏ nghề nghề truyền thống của cha ông. Nghề dệt thổ cẩm truyền thống ở Ba Tơ cũng từ đó mà mai một dần. Hiện nay, nghề dệt thổ cẩm của người H’rê ở làng Teng, xã Ba Thành, huyện Ba Tơ đã và đang được Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư, khôi phục. Ở đó, có những thiếu nữ và người phụ nữ dệt thổ cẩm vẫn đang miệt mài, gắn bó, đam mê với nghề, góp phần bảo lưu, gìn giữ nét văn hóa truyền thống của người H’rê từ xa xưa truyền lại. Hy vọng, sản phẩm thổ cẩm của người H’rê ở Quảng Ngãi sẽ trở thành món quà lưu niệm không thể thiếu trong các tour du lịch phía Nam của tỉnh.

_______________

1. UBND xã Ba Thành, 2017, Báo cáo đề án xây dựng nghề dệt xã Ba Thành.

2, 3. Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam (2017-2018). Tài liệu Truyền dạy nghề dệt thủ công thổ cẩm của đồng bào H’rê, tr.10,13. Thuộc dự án “Bảo tồn các giá trị phi vật thể và giáo dục cộng đồng, công trình: Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa thôn làng Teng”. Chủ nhiệm dự án: Lương Hồng Quang.

 

Tác giả: Nguyễn Thị Hạnh

Nguồn: Tạp chí VHNT số 424, tháng 10 – 2019

 

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *