Dịch bệnh đã khiến hàng ngàn nghệ sĩ biểu diễn phải bó tay thúc thủ vì lệnh cách ly, giãn cách… không tới được với khán giả, không biểu diễn được, mất nguồn thu nhập và quan trọng hơn, vì nghỉ diễn dài dài mà “lửa nghề” có phần nguội lạnh, bản lĩnh sân khấu cũng như trình độ diễn xuất chịu ảnh hưởng không nhỏ. Những vấn đề trên đã được NSƯT Xuân Bắc, Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam chia sẻ thẳng thắn với chúng tôi.
NSƯT Xuân Bắc và hoa hậu Đỗ Mỹ Linh dẫn chương trình nghệ thuật online “Cháy lên 2” tại 5 điểm cầu
- Với tư cách lãnh đạo một nhà hát cấp quốc gia, anh có thể cho biết về những khó khăn mà các nghệ sĩ của nhà hát hiện đang gặp phải vì đại dịch?
Các nghệ sĩ của Nhà hát chúng tôi cũng như hàng ngàn các anh chị em nghệ sĩ hiện nay đã và đang gặp muôn vàn khó khăn do dịch bệnh mang lại. Chúng tôi không có khán giả và cũng không tập luyện được do quy định không được tập trung đông người để tránh lây lan nguồn bệnh. Đình trệ mọi hoạt động làm cho chúng tôi gặp khó khăn cả về thu nhập lẫn tinh thần. Tôi muốn nhấn mạnh tới khó khăn về tinh thần bởi vì giai đoạn hiện nay, ngay cả khi không có dịch bệnh thì sân khấu cũng không phải là một hoạt động sôi nổi, được xã hội chú trọng, giờ lại thêm dịch bệnh nên chúng tôi bị “tụt mood” ghê gớm. Các bạn trẻ mới vào Nhà hát, tập được vài buổi thì đã bị nghỉ dài. Các nghệ sĩ mới tập xong vở, hào hứng chờ diễn thì bị dừng lại, nhân vật bị thoát vai, lời thoại bị quên lãng… Quan trọng nhất là cảm xúc sân khấu, nhiệt huyết với nghề nghiệp cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Là lãnh đạo, tôi rất lo lắng, luôn yêu cầu các anh chị em là nghỉ mà không được ngơi, tiếp tục đọc sách, đọc kịch bản để nâng cao trình độ, tham gia vào các hoạt động xã hội nhằm cùng với cả nước khống chế dịch bệnh. Là nghệ sĩ, không làm được chuyên môn thì với tư cách công dân, vẫn cần đóng góp cho đất nước, cho xã hội để chờ tới ngày bình yên, quay trở lại sàn diễn.
- Cũng do những khó khăn đó mà trong số đối tượng được Chính phủ hỗ trợ vì chịu ảnh hưởng của dịch bệnh có các diễn viên hạng bốn. Vừa qua, có ý kiến nêu trường hợp có diễn viên đóng phim, hoạt động kinh doanh, đời sống khá giả, sao họ cũng được địa phương đưa vào danh sách hỗ trợ? Ý kiến của anh về vấn đề này?
NSND Tự Long và NSƯT Xuân Bắc cùng Hội Nghệ sĩ Sân khấu VN quyên góp ủng hộ người dân Bắc Giang
Chúng ta phải nhìn nhận thật công bằng, vì không chỉ nghệ sĩ được hỗ trợ mà các thành phần xã hội đều có những đối tượng được hỗ trợ, nghệ sĩ chúng tôi chỉ là một phần trong đó. Sở dĩ sôi động ý kiến là vì có một vài đồng nghiệp của tôi là diễn viên hạng bốn mà có thu nhập tốt trong khi các cơ chế chính sách chúng ta đưa ra là để giải quyết tổng thể chứ không phải cho một cá nhân nào đó. Những cá nhân đó chỉ là những trường hợp cá biệt, đặc biệt. Tôi nói ví dụ, TP. HCM vừa rồi miễn học phí cho các em học sinh tiểu học thì trong số hàng ngàn gia đình được miễn, có những gia đình rất giàu nhưng không thể vì thế chúng ta loại trừ gia đình đó. Có thể thấy, trong số hàng ngàn những diễn viên hạng bốn thì được bao nhiêu cái tên có thể nổi tiếng? Trong khi đó, có hàng ngàn những cái tên mà rất nhiều người không biết đến bởi vì họ chỉ là chân chạy cờ, đóng những vai phụ. Sao chúng ta không nghĩ đến những trường hợp như vậy mà chỉ nhớ đến và gọi tên ra vài ba trường hợp đặc biệt để rồi chỉ nhắm vào đó?
- Một trong những hoạt động có tính chất làm vơi bớt nỗi nhớ nghề chính là loạt chương trình San sẻ yêu thương, vượt qua đại dịch do Bộ VHTTDL và Cục Nghệ thuật biểu diễn tổ chức, giao cho anh vai trò rất quan trọng là làm MC, lên kịch bản… Cảm xúc của anh khi thực hiện loạt chương trình này?
Tôi rất thích vì tôi có cơ hội được làm nghề, làm chuyên môn, Nhà hát của chúng tôi được tham gia vào hoạt động biểu diễn, kết nối với nhiều đơn vị nghệ thuật khác… và rất vui là được khán giả trông đợi. Những người tham gia chương trình phải test nhanh COVID-19 mỗi buổi, phải được tiêm ít nhất một mũi vắc – xin, phải lựa chọn những tiết mục không được đông người, đảm bảo giữ khoảng cách… Phải biểu diễn trong tâm thế rất lo lắng vì khác với các chương trình vở diễn trước đây, trước khi chương trình diễn ra thì được “chạy nội bộ” (diễn mộc cho người nhà xem) để được vỗ tay, được góp ý… nay thì chỉ được đứng trước ống kính biểu diễn. Tôi vốn là người rất chăm tương tác với khán giả trên các trang fanpage, nhưng ở các chương trình online này, tôi không phải lúc nào cũng nhìn được vào màn hình. Nhưng cũng rất hạnh phúc mỗi khi nhìn vào màn hình thấy đỏ rực những trái tim yêu thương, xanh hy vọng, những nút like, những bình luận ngắn gọn nhưng vô cùng ý nghĩa. Đó là những lời động viên, chia sẻ, khen ngợi. Nghệ sĩ biểu diễn cũng như ê kip thực hiện nhận được tất cả sự cổ vũ ấy đều thấy rất hồ hởi, phấn khởi.
- Có nhiều chương trình được khán giả đánh giá cao về chất lượng nghệ thuật nhưng vẫn còn một số tiết mục bị lỗi kỹ thuật do sự kết nối chưa thật tốt?
Chúng tôi luôn lắng nghe ý kiến của khán giả, nhà báo, nhà nghiên cứu để thực hiện chương trình tốt hơn. Nhưng các chương trình vẫn còn nhiều rủi ro, dù kỹ lưỡng tới đâu cũng không thể khắc phục ngay được. Làm trực tiếp chính là như vậy, không thể khống chế hoàn toàn những tình huống phát sinh. Chỉ biết cố gắng hết mức để chương trình được trơn tru. Ví dụ, chương trình lên sóng lúc 20h thì ngay từ sáng, anh chị em đã phải tới chuẩn bị, chạy khớp, nối, thử đường truyền… Mỗi lần làm, chúng tôi đều hết mình, mong muốn chia sẻ, cháy lên nhiệt huyết yêu nghề, cháy lên tình tương thân tương ái, cháy lên niềm tin chiến thắng đại dịch. Chúng tôi muốn mang những tiết mục nghệ thuật động viên, tiếp thêm sức mạnh cho các bác sĩ, tình nguyện viên, những bệnh nhân COVID-19 để chúng ta cùng vượt qua đại dịch. Hơn thế nữa trong đại dịch này chúng ta cũng phải chia sẻ với Chính phủ, với các cấp các ngành vì chưa ai được tập huấn để chống lại đại dịch mà cả thế giới đang bị lao đao. Chúng ta vừa làm vừa phải điều chỉnh để tìm ra cách làm tốt nhất trong điều kiện có thể.
- Các tiểu phẩm sân khấu hiện đang được sử dụng là những trích đoạn trong kịch mục của các đơn vị mà chưa có những tiểu phẩm sân khấu mang tính thời sự, phản ánh đúng chủ đề: những tiểu phẩm về đại dịch chúng ta đang phải đối mặt?
NSND Tự Long và NSƯT Xuân Bắc ủng hộ công nhân Bắc Ninh chống dịch
Nhận xét này là hoàn toàn chính xác. Như tôi đã nói, chúng tôi không biểu diễn được và cũng không luyện tập được. Chúng tôi đã chuẩn bị rất nhiều tiểu phẩm, câu chuyện xúc động về cuộc chiến chống COVID-19, nhưng chúng tôi không tập được bởi vì một tiểu phẩm sân khấu cần đến sự phân vai đạo diễn rồi rất nhiều những công đoạn như mỹ thuật, trang trí, âm nhạc, tiếng động… Quý vị khán giả hãy tin tưởng rằng chúng tôi là những nghệ sĩ chuyên nghiệp và hy vọng rằng đến cuối năm chúng tôi sẽ có những tiểu phẩm mang đúng hơi thở của thời đại, của giai đoạn chống dịch hiện nay.
- Tương lai của các chương trình online sẽ ra sao, dưới góc nhìn của anh?
Các chương trình online có lẽ cũng là một chủ trương phát triển của Cục Nghệ thuật biểu diễn. Các chương trình này có tiếng nói riêng và đặc trưng riêng của nó, giống như sân khấu có đặc trưng riêng của sân khấu. Vì thế, chúng ta phải tìm ra những nét đặc trưng riêng của những chương trình online để thực hiện, khi đó chúng ta mới phát huy được thế mạnh của người nghệ sĩ, thế mạnh của nghệ thuật sân khấu. Trước mắt tôi chưa biết cụ thể công thức của những chương trình này là gì, đặc thù, đặc trưng là gì, tôi chỉ có thể nói rằng, đôi khi trong một số chương trình, trong một vài thời điểm chúng ta vẫn phải đặt yếu tố giải trí lên hàng đầu nhưng giải trí ở đây vẫn phải kèm theo những thông điệp mà chương trình gửi gắm. Thứ hai là những yếu tố kỹ thuật vốn là yếu tố chiếm phần khá quan trọng hãy làm sao để âm to, hình rõ, sắc nét không lắc giật, không làm mất đi cảm xúc của người xem. Thứ ba đội ngũ làm chuyên nghiệp, phải là những người nhìn vào ống kính mà vẫn nắm bắt được tâm lý khán giả – những cái đó không phải một sớm một chiều mà có, kể cả những nghệ sĩ nhạy cảm nhất cũng cũng không thể có ngay được nếu không thường xuyên tương tác, không thường xuyên làm những chương trình như thế này. Các nghệ sĩ có kinh nghiệm rồi vẫn vấp váp là bình thường. Mong rằng trong thời gian tới, Bộ VHTTDL sẽ phối hợp với các Bộ chức năng làm sao để có đường truyền cực khỏe, làm công tác truyền thông thật tốt, lựa chọn những chương trình chất lượng để định hướng toàn dân quan tâm. Tôi mong Bộ VHTTDL lấy ý kiến nhiều nghệ sĩ có chuyên môn hơn để phát triển về mạng online và cũng mong các cơ quan, đơn vị coi đó là một hướng đi, hướng phát triển mở, cùng nhau hết lòng vì tương lai của nghệ thuật.
- Xin cảm ơn NSƯT Xuân Bắc!
CAO NGỌC
Nguồn: Tạp chí VHNT số 475, tháng 9-2021
Bài viết cùng chủ đề:
Sự trở lại của các Bond Girl
Giá trị phù điêu đất nung tại điện Ngưng Hy
Tom Hardy: Chiến thắng chính mình