1. Thực trạng nghề sơn mài truyền thống ở ĐBBB hiện nay
Khó nhọc cạnh tranh với các sản phẩm công nghiệp
Sự phát triển của khoa học kỹ thuật đã cho ra đời nhiều vật liệu mới với những tính năng ưu việt, bên cạnh đó, hàng ngoại ồ ạt tràn vào đã buộc các mặt hàng sơn mài phải bước vào cuộc cạnh tranh không mấy dễ dàng. Một ví dụ điển hình là sự tấn công của đồ nhựa giá rẻ với mẫu mã phong phú và dễ dàng bảo quản, bên cạnh đó là những chất liệu gốm sứ, thủy tinh, pha lê công nghiệp rất bắt mắt, sang trọng với giá thành hợp lý. Ngược lại, đồ sơn mài bị hạn chế về cách thức bảo quản, công đoạn chế tác phức tạp, giá thành cao. Hệ quả tất yếu là đồ sơn mài đang mất dần đi vai trò và vị trí trong đời sống sinh hoạt của người dân, khó cạnh tranh, có nguy cơ đánh mất thị trường nội địa và gặp khó khăn khi thâm nhập thị trường quốc tế. Thực tế ấy khiến cho các làng nghề sơn mài truyền thống ít nhiều phải đấu tranh khá vất vả để duy trì và truyền lại nghề truyền thống cho thế hệ sau.
Hoạt động tổ chức sản xuất và kinh doanh bộc lộ nhiều nhược điểm
Tính thụ động trước nhu cầu của thị trường là điểm yếu, tồn tại lâu dài trong các làng nghề sơn mài. Trong giai đoạn hiện nay, hạn chế này vẫn còn ảnh hưởng khá sâu sắc tới tâm lý của những người làm nghề và trở thành một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến cho các sản phẩm sơn mài truyền thống chưa có được vị thế tương xứng với tiềm năng khi thâm nhập vào thị trường quốc tế.
Sự thụ động trước nhu cầu của thị trường cũng dẫn đến tình trạng rất phổ biến ở các làng nghề sơn mài hiện nay là gặp khó khăn trong khâu tìm đầu ra cho sản phẩm. Do chưa am hiểu về văn hóa, thị hiếu khách hàng nước ngoài nên các nhà sản xuất không nắm bắt được giá cả, nhu cầu, xu hướng phát triển của thị trường, dẫn đến việc xuất khẩu các mặt hàng “lệch pha” so với nhu cầu và tỏ ra yếu thế trước các đối thủ cạnh tranh.
Một trong những nguyên nhân dẫn tới sự yếu kém trong việc tiếp cận thị trường là hạn chế về trình độ học vấn, kiến thức thương trường, trình độ ngoại ngữ, kỹ năng giao tiếp quốc tế của những người làm nghề – kể cả những ông chủ doanh nghiệp ở các làng nghề. Một ví dụ, làng nghề Cát Đằng có những ông chủ doanh nghiệp trình độ còn chưa hết lớp 5, viết chưa thạo, nghề cũng chẳng thông. Hơn nữa, đa phần doanh nghiệp vẫn còn nóng vội, chưa kiên nhẫn trong việc nghiên cứu và thâm nhập thị trường nước ngoài, nhất là những thị trường khó tính. Trong khi kiến thức về các thị trường nước ngoài của ta vẫn “mù mờ” thì rất nhiều nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… đang tung ra hàng loạt các sản phẩm cạnh tranh hữu hiệu.
Tình trạng “có thương mà không hiệu”
Tình trạng này là hệ quả của việc các làng nghề chưa chủ động được thị trường tiêu thụ sản phẩm, phần lớn làm theo đơn đặt hàng của các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Sản phẩm sơn mài đến được với những thị trường cao cấp là do các công ty lớn thu mua ở các làng nghề rồi xuất sang các nước. Các làng nghề chỉ đóng vai trò là người sản xuất theo hợp đồng, đơn đặt hàng nên nhãn mác sản phẩm được chuyển tên cho những công ty lớn này. Chính vì vậy mới có hiện tượng rất phổ biến hiện nay là sản phẩm sơn mài của Cát Đằng, Hạ Thái… nhưng lại được dán mác của các công ty lớn ở Hà Nội, TP.HCM khi đưa ra thị trường tiêu thụ. Nhiều khách nước ngoài về Cát Đằng mới nhận ra những sản phẩm sơn mài họ mua với giá cao của các công ty ở Hà Nội, TP.HCM chính là do dân làng nghề làm ra. Như vậy rõ ràng là các làng nghề sản xuất ra thành phẩm nhưng lại không được sở hữu nhãn hiệu vốn là của mình. Nghệ nhân sáng tạo ra sản phẩm nhưng không được ai biết đến, thu nhập cũng chẳng được bao nhiêu vì thực chất chỉ là người làm thuê, trong khi đó, các công ty thu mua lại được khách hàng biết đến tên tuổi và lãi lớn vì sản phẩm được họ bán với giá cao gấp nhiều lần. Có thể nói tình trạng “có thương mà không hiệu” là thiệt thòi rất lớn cho các làng nghề sơn mài truyền thống hiện nay.
Thực tế, hiện nay chưa có một tổ chức nào đứng ra giúp các nhà sản xuất sơn mài truyền thống chuẩn hóa sản phẩm và qua đó, xây dựng một thương hiệu cho sản phẩm. Ông Chủ tịch Hiệp hội Sơn mài Hạ Thái đã từng thừa nhận: Đúng là khi có thương hiệu rồi thì giá trị sản phẩm sẽ cao hơn, tồn tại bền vững hơn. Không có tên tuổi, thương hiệu thì nhiều khi ra thị trường trôi nổi, hàng hóa có đẹp mấy cũng chẳng là cái gì cả. Để tồn tại và phát triển được thì phải có thương hiệu song dường như ý tưởng xây dựng thương hiệu cho sản phẩm sơn mài truyền thống mới chỉ ở mức độ nhen nhóm.
Sự khan hiếm nguyên liệu
Nguyên liệu chính để làm đồ sơn mài là sơn ta, gỗ, tre nứa… nhưng nguồn nguyên liệu đang ngày càng cạn kiệt. Trước đây, các làng nghề chủ yếu mua nguyên liệu từ Thanh Hóa, Hòa Bình, Thái Nguyên nhưng hiện nay riêng ở Thanh Hóa, nguồn nứa đã được công ty giấy Bãi Bằng thu mua. Các chủ thu gom phải lên miền núi xa xôi giáp Lào, thậm chí sang cả Lào mới mua được nguyên liệu. Vì vậy giá nguyên liệu tăng đáng kể, gây khó khăn cho việc sản xuất.
Hiện nay, sơn ta rất hiếm và đắt nên ở các làng nghề sơn mài bây giờ, trừ một số công đoạn bắt buộc phải sử dụng sơn ta, chủ yếu sử dụng sơn điều, sơn Nhật, dẫn đễn chất lượng sản phẩm bị giảm sút do sức bền của các loại sơn hóa học không thể sánh được với sơn ta.
Việc buôn bán nguyên liệu theo kiểu mạnh ai nấy làm, không ai quản lý, các làng nghề lại hầu như thiếu thông tin về thị trường mua vật liệu cũng là những nguyên nhân dẫn đến sự khủng hoảng về vấn đề nguyên liệu hiện nay.
Chất lượng lao động có nguy cơ giảm sút
Do đào tạo thiếu bài bản, việc tiếp thu kiến thức không cơ bản, kỹ thuật cũng chỉ là làm theo mà không hiểu kỹ nên cách thức truyền nghề ở các làng nghề sơn mài hiện nay bộc lộ nhiều nhược điểm. Chất lượng lao động và trình độ tay nghề ngày càng giảm, dẫn đến chất lượng sản phẩm giảm sút. Cách dạy và học này cũng không đào tạo được một đội ngũ thợ lành nghề đông đảo để đáp ứng được nhu cầu phát triển của làng nghề với những đơn đặt hàng số lượng lớn, có chất lượng đồng đều.
Một bất cập nữa là xưa nay, chúng ta vẫn để xảy ra tình trạng, khi các nghệ nhân lâu năm đã qua đời thì mới nghĩ đến việc phục hồi nhưng khi ấy, hẳn nghề truyền thống đã bị mai một. Gần đây, Đảng và Nhà nước bắt đầu có sự quan tâm nhưng cũng chỉ là việc phong tặng danh hiệu “nghệ nhân” với phần thưởng vài triệu đồng. Sự thiếu quan tâm này dẫn đến thực trạng là nghệ nhân của ta đang thiếu và ngày càng mai một. Chúng tôi xin lấy trường hợp nghệ nhân Bùi Văn Vệ (làng Cát Đằng) làm ví dụ. Tại thời điểm chúng tôi khảo sát (tháng 3-2008), cả xã Yên Tiến chỉ có duy nhất cụ được Nhà nước công nhận và phong tặng danh hiệu nghệ nhân sơn mài, những sản phẩm sơn mài của cụ được nhiều khách hàng trong và ngoài nước biết tiếng và mến mộ. Tuy nhiên, suốt một thời gian dài, cụ không bán được sản phẩm (vì giá cao hơn những mặt hàng sơn mài được sản xuất đại trà giá rẻ), cuộc sống gặp nhiều khó khăn, vì lý do sức khoẻ nên cụ cũng không thể tiếp tục làm nghề và truyền dạy nghề được nữa, vậy mà, sự quan tâm, giúp đỡ từ phía các cơ quan chính quyền hầu như không có.
Mẫu mã sản phẩm thiếu cuốn hút
Sáng tạo mẫu mã mới trên cơ sở kết hợp truyền thống với hiện đại chính là vấn đề khó khăn của các làng nghề sơn mài trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa hiện nay. Các mặt hàng mỹ nghệ, trong đó có hàng sơn mài, của Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn trong việc chinh phục các thị trường vốn rất ưa chuộng các mặt hàng này như Nhật Bản. Trong con mắt của người tiêu dùng nước ngoài, hiện Việt Nam hầu như không có lấy bất cứ một sản phẩm nào được coi là mới lạ, độc đáo, các kiểu dáng vẫn na ná như nhau, khó phân biệt.
Về chất lượng hàng sơn mài hiện nay có thể thấy, các làng nghề đang có xu hướng đưa cơ khí thay thế một phần lao động thủ công. Tuy nhiên, việc đưa máy móc vào sản xuất một cách ồ ạt và có phần lạm dụng đã làm mất đi nét đặc thù, vẻ đẹp tinh xảo của sản phẩm thủ công vốn được làm chủ yếu bằng tay với sự hỗ trợ của các công cụ giản đơn. Các làng nghề đã chuyển sang dùng sơn điều, sơn Nhật vừa rẻ, nhanh khô lại bóng bẩy, ưa nhìn. Trong kỹ thuật chế tác, công đoạn làm hàng cũng bị rút ngắn. Kết quả, sản phẩm của những công đoạn và nguyên liệu trên chỉ sau một thời gian ngắn đã bị mọt, cong vênh, bong tróc, dẫn đến mất uy tín với khách hàng.
Ô nhiễm môi trường
Ô nhiễm môi trường hiện nay đang là một trong những vấn đề bức xúc nhất ở các làng nghề sơn mài truyền thống. Nguyên nhân ô nhiễm môi trường là do tình trạng các hộ sản xuất sơn mài làm nghề ngay tại nhà vẫn còn khá phổ biến. Các cơ sở sản xuất này chưa được quy hoạch ra điểm công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp tập trung làm ô nhiễm trầm trọng nguồn nước và không khí do khí thải, nước thải, hóa chất và tiếng ồn.
Ý thức của người dân về bảo vệ môi trường còn rất thấp. Bên cạnh đó, họ cũng không chú trọng đề phòng tính độc hại của các chất phụ gia và một số công đoạn làm nghề như phun sơn và mài.
Vấn đề môi trường ở các làng nghề sơn mài đang cấp bách, người dân kêu cứu nhưng dường như chưa có cơ chế, văn bản cụ thể nào có thể xử phạt những cơ sở sản xuất không áp dụng bất cứ hình thức xử lý chất thải nào. Đây chính là ngõ cụt trong quy trình quản lý môi trường ở các làng nghề sơn mài hiện nay.
2. Những giải pháp quan trọng
Xây dựng hệ thống chính sách, luật và các chương trình bảo tồn, phát triển nghề thủ công truyền thống
Chính sách và luật được coi là nền tảng pháp lý để các cấp, các ngành và toàn xã hội thực hiện việc bảo tồn và phát triển nghề thủ công truyền thống. Yếu tố quyết định nhất chính là hệ thống thể chế, chính sách ngày một hoàn chỉnh và sự khuyến khích, hướng dẫn, trợ giúp với đầy đủ trách nhiệm của các cơ quan nhà nước các cấp, các ngành, các hiệp hội… Tuy nhiên, cần phải có biện pháp phổ biến các chính sách và chương trình hỗ trợ tới các đơn vị sản xuất nhằm nâng cao hiểu biết của họ về vấn đề này, tránh tình trạng “trên ban hành” mà “dưới chẳng thông” vẫn còn khá phổ biến như hiện nay.
Thành lập và phát huy vai trò của Hiệp hội Sơn mài ở mỗi làng nghề
Hiện nay, chúng ta đã có Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, Hiệp hội Sơn mài của làng nghề Hạ Thái. Hiệp hội Làng nghề Việt Nam cần phát huy vai trò là cầu nối trong việc xây dựng, thực hiện thể chế, chính sách và có những biện pháp tháo gỡ khó khăn cho các làng nghề. Thành lập Hiệp hội Sơn mài ở các làng nghề là rất cần thiết. Hiệp hội sẽ đóng vai trò là đơn vị đại diện quyền lợi cho các nhà sản xuất đối với bên ngoài; điều phối hoạt động và sự cạnh tranh lành mạnh cho các thành viên; cung cấp thông tin về các cơ chế chính sách, thị trường đầu ra, nguồn nguyên liệu, mẫu mã và hỗ trợ xử lý thông tin phục vụ cho sản xuất và kinh doanh hàng sơn mài; tổ chức các chuyến khảo sát thị trường trong và ngoài nước, liên kết với các vùng sản xuất để đáp ứng các đơn đặt hàng lớn. Hiệp hội Sơn mài các làng nghề cần tích cực quảng bá hàng hóa, giới thiệu tiềm năng sản xuất và mẫu mã với thị trường qua báo chí, internet, các ấn phẩm thông tin, qua các kỳ hội chợ trong và ngoài nước. Việc xây dựng trang web riêng của làng nghề cũng nên được chú trọng đầu tư càng sớm càng tốt.
Xây dựng thương hiệu cho sản phẩm sơn mài truyền thống
Những người làm nghề sơn mài có thể đứng ra vận động thành lập Hiệp hội Sơn mài Việt Nam. Hiệp hội sẽ đóng vai trò tương tự như một Hội đồng thẩm định chất lượng sản phẩm với một đội ngũ chuyên gia nghiên cứu và am hiểu sâu về nghề sơn mài. Trên cơ sở đó, Hiệp hội (có thể phối hợp với làng nghề) sẽ đưa ra sự chuẩn hóa thống nhất cho các sản phẩm sơn mài truyền thống và dần dần qua đó, xây dựng thương hiệu, uy tín cho sản phẩm sơn mài Việt Nam trên trường quốc tế. Tuy nhiên, để có thể xây dựng được thương hiệu, các làng nghề cần phải thay đổi, cải tiến mẫu mã, chuyên nghiệp hóa quy trình thiết kế. Cần nâng cao chất lượng sản phẩm, sử dụng thích hợp các chất liệu, vật liệu sản xuất sản phẩm, có thể có sự hỗ trợ của công nghệ hiện đại nhưng vẫn phải đảm bảo quy trình sản xuất của một sản phẩm sơn mài truyền thống. Đặc biệt, các sản phẩm cần kèm theo thông tin hướng dẫn cụ thể về tính năng, công dụng, cách sử dụng sản phẩm; sản phẩm phải đáp ứng được nhu cầu sử dụng của từng loại thị trường.
Tăng cường mối liên hệ giữa các cơ quan nghiên cứu, nhà khoa học, họa sĩ chuyên nghiệp với các làng nghề
Giải pháp này góp phần nhanh chóng nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm sơn mài Việt Nam trên thị trường trong nước vào quốc tế. Nó nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, giảm thiểu ô nhiễm môi trường nhưng vẫn giữ được những nét tinh xảo, độc đáo của sản phẩm truyền thống. Riêng sự hợp tác với các họa sĩ giúp làm phong phú, đa dạng mẫu mã sản phẩm cho làng nghề.
Trước nguy cơ cạn kiệt, thiếu hụt nguồn nguyên liệu tự nhiên cung cấp cho sản xuất hiện nay, các cơ quan, các nhà khoa học cần mở rộng nghiên cứu về các nguyên liệu mới cho các mặt hàng sơn mài truyền thống, từ đó đưa kết quả nghiên cứu về ứng dụng ở các làng nghề.
Tuyên truyền, giáo dục nhận thức về nghề sơn mài truyền thống
Một trong những nguyên nhân chủ quan dẫn đến việc nhiều nghề thủ công truyền thống khác đang bị mai một dần như hiện nay là do Nhà nước ta hầu như chưa có luật và chính sách về việc giáo dục ý thức coi trọng nghề thủ công truyền thống. Nghề truyền thống chưa được nhìn nhận xứng đáng với giá trị vốn có của nó là một bộ phận của di sản văn hóa dân tộc. Việc lưu giữ nghề sơn mài truyền thống mà sản phẩm của nó nhiều khi không mấy phù hợp với nhu cầu tiêu dùng hiện nay nhưng lại mang nặng giá trị văn hóa dân tộc vẫn chưa được coi trọng. Theo chúng tôi, có thể giáo dục nhận thức về nghề sơn mài truyền thống dưới một số hình thức như sau:
Giáo dục thông qua các hiện vật gốc tại bảo tàng là một hình thức giáo dục hiệu quả. Việc thành lập bảo tàng lưu giữ và trưng bày các sản phẩm sơn mài truyền thống (bao gồm sơn mài mỹ nghệ và các tác phẩm hội họa sơn mài) là rất cần thiết.
Các phương tiện thông tin đại chúng tích cực tuyên truyền để người dân có những hiểu biết nhất định về cái hay, cái đẹp của nghề thủ công nói chung và nghề sơn mài truyền thống nói riêng, qua đó tạo cho họ lòng yêu mến và ý thức bảo vệ nghề thủ công truyền thống, ý thức coi trọng nghệ nhân và những người làm nghề. Trong các chương trình dạy nghề cũng cần tuyên truyền để chính những người thợ thủ công – đặc biệt là những lao động trẻ thêm yêu mến ngành nghề của họ.
Phát triển du lịch làng nghề
Trong phát triển du lịch làng nghề cần phải quán triệt phương châm phát triển hiệu quả, hài hòa trên các mặt kinh tế, xã hội và môi trường. Đây chính là hướng phát triển bền vững. Để các làng nghề sơn mài trở thành sự lựa chọn làm điểm dừng chân thú vị và độc đáo của du khách trong và ngoài nước, chính quyền các cấp nên phải hỗ trợ cho các làng nghề trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch làng nghề, như mở rộng và nâng cấp các tuyến đường giao thông, cơ sở du lịch làng nghề; bảo vệ, trùng tu, tôn tạo lại các di tích lịch sử văn hóa; khôi phục và phát triển các hoạt động văn hóa dân gian truyền thống trong khu vực làng nghề nhằm giữ gìn bản sắc văn hóa của làng nghề; xây dựng môi trường du lịch văn hóa, giáo dục ý thức cho cộng đồng dân cư làng nghề trong việc giao tiếp với khách du lịch, cụ thể là trang bị cho họ những kiến thức, kỹ năng cơ bản trong hoạt động du lịch như có thái độ cởi mở, trân trọng, thân thiện với du khách. Xây dựng các điểm nhà trưng bày sản phẩm sơn mài truyền thống, từ đó phát triển thành trung tâm dịch vụ thương mại phục vụ cho du lịch làng nghề.
Chính quyền địa phương cần có quy hoạch điểm công nghiệp làng nghề, bố trí lại khu sản xuất, khu giới thiệu sản phẩm để tránh ô nhiễm. Các làng nghề sơn mài cũng cần được thiết lập quy định về bảo vệ môi trường trên cơ sở Luật Bảo vệ môi trường và Luật Du lịch.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 300, tháng 6-2009
Tác giả : Nguyễn Thị Lan Hương
Bài viết cùng chủ đề:
Thiết kế bao bì trong xây dựng thương hiệu
Tượng chân dung trong quần thể lăng mộ thời lê – trịnh ở bắc bộ
Nghệ thuật trang trí và kiến trúc tại quần thể di tích thờ mẫu ở phủ dày