Nghệ thuật biểu diễn trong lễ hội đương đại


 

Hiện nay có rất nhiều lễ hội diễn ra quanh năm vào những thời điểm ghi nhận một sự kiện nào đó của cộng đồng. Ngoài lễ hội truyền thống của đất nước còn có những lễ hội mới gắn với các sự kiện lịch sử hiện đại, cách mạng; lễ hội sự kiện gắn với du lịch quảng bá du lịch… và lễ hội du nhập từ nước ngoài (1). Dưới cách tiếp cận của nghệ thuật biểu diễn thì một số hoạt động trình diễn trong lễ hội mang nhiều màu sắc, ý nghĩa, đặc biệt trong mối tương quan giữa người trình diễn và khán giả, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân.

1. Nghệ thuật biểu diễn trong lễ hội truyền thống

Lễ hội truyền thống là hiện tượng lịch sử, văn hóa có mặt ở Việt Nam từ lâu đời và có vai trò không nhỏ trong đời sống xã hội. Không một địa phương, làng xã nào không có lễ hội, diễn ra ở các thời điểm và quy mô khác nhau. Một lá cờ lễ hội được dựng lên phấp phới trong gió, một tiếng trống lễ hội vang lên quyện trong mùi hương trầm đầu năm thế là đã có lễ hội của làng mình rồi. Chỉ tháng giêng âm lịch, có hàng nghìn lễ hội diễn ra trên cả nước. Ngày nay, hầu hết các lễ hội truyền thống đều đã được khôi phục trở lại, nhiều lễ hội mới được mở ra, và du nhập từ nước ngoài vào Việt Nam. Việc người dân quan tâm và tham dự lễ hội ngày càng đông hơn những năm trước đã phản ánh đời sống kinh tế cũng như tinh thần của người dân ngày càng cao. Về bản chất, lễ hội là của người dân, do người dân thực hiện, tham gia nên không thể thiếu phần quan trọng hấp dẫn, đó là các trò diễn và trò chơi. Những hoạt động biểu diễn trong lễ hội không đơn thuần chỉ mang tính giải trí mà còn là để bày tỏ mơ ước, nguyện vọng của cộng đồng hay nhắc lại sự tích, công trạng của danh nhân hoặc đối tượng được thờ phụng, tôn vinh tại di tích và lễ hội. Chính ý nghĩa đó tạo nên nét đẹp độc đáo cho các diễn xướng, trò chơi, trò diễn trong lễ hội. Thông thường, các nghi thức hoặc các trò chơi trong lễ hội truyền thống duy trì theo truyền thống và tất thảy đều hàm chứa, phản ánh lại một cái gì đó liên quan tới đời sống hàng ngày của cư dân nông nghiệp, hoặc của một tầng văn hóa cổ như cầu mưa, cầu tạnh, thờ thần mặt trời, thần lúa, cầu mong sức khoẻ, thiên hạ thái bình…

Nghệ thuật biểu diễn trong lễ hội truyền thống có thể do con người biểu diễn gồm có các diễn xướng, lễ rước trong đó chủ yếu là biểu diễn nghệ thuật âm nhạc, múa, các trò chơi dân gian vui khỏe, thể hiện tinh thần thượng võ, thi tài như vật, bơi, đẩy gậy, đua thuyền, cà kheo, bắn nỏ, kéo co, hay những trò chơi, trò diễn thi tài như thi nấu cỗ, thi dệt vải, thi hát quan họ, hát dân ca địa phương. Có những trò chơi, trò diễn trong lễ hội do con vật thực hiện như đua bò, đua voi, thả chim, chọi gà… Dù do các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp biểu diễn hay do những người dân tham gia trình diễn, thì ở đó đều tích tụ đầy đủ các yếu tố của nghệ thuật biểu diễn. Một nét đặc trưng xuất hiện rất nhiều ở các lễ hội là trò chơi mang tinh thần thượng võ như đấu gậy ở hội làng Chùa Mui, Thường Tín, Hà Nội. Đây là hình thức tôn vinh sức mạnh, tưởng nhớ đến những anh hùng chống giặc ngoại xâm. Giải của các cuộc vật tại hội làng rất nhỏ, thường chỉ là những sản vật của địa phương và đa phần đều mang tính tượng trưng, nhưng không vì vậy mà mất đi sự hào hứng phấn khởi và cuốn hút mọi người. Thông qua trò chơi này, người ta mong cho dương vượng, để mưa thuận gió hòa, cây cối sinh sôi mùa màng tươi tốt. Trước khi thi đấu, người tham gia múa một bài quyền hay bài gậy với nhưng nét khỏe khoắn trong tiếng hò reo, tiếng trống rộn rã. Sự hòa quyện giữa người chơi và người xem tạo nên một không khí phấn khởi, tưng bừng. Sự kết hợp giữa vũ điệu và âm thanh rất đơn giản mà tạo nên sức hút kỳ lạ (2).

Nét đặc trưng trong nhiều lễ hội chính là những điệu múa. Ở Hà Nội có điệu múa con đĩ đánh bồng ở làng Triều Khúc, Thanh Trì, Hà Nội… được xem là nổi bật. Trong điệu múa này, người nam giả gái và đeo một cái trống bồng trước ngực khi múa. Không chỉ múa, người tham gia còn phải diễn xuất với nét mặt luôn rạng rỡ và bước đi uyển chuyển, điệu đà. Không những thế, các cặp đôi phải trao cho nhau những ánh mắt lẳng lơ, lúc thì úp mặt, khi lại tựa lưng nhau, dập dìu theo tiếng chiêng, trống rộn rã. Như vậy, ở đây đã tụ hợp đầy đủ các yếu tố như trang phục, hóa trang, âm nhạc, vũ điệu, người xem… của sân khấu hiện đại (3).

Ở hội Lim, trung tâm sinh hoạt dân ca quan họ, luôn tưng bừng với các lán hát quan họ mang đậm chất âm nhạc. Âm thanh của màn trình diễn giao duyên giữa các liền anh, liền chị xao động trong một không gian rộng lớn. Khi đến đình Lim, các liền anh, liền chị trong thuyền rồng hát quan họ phục vụ du khách thập phương. Hội thi hát diễn ra khoảng gần trưa, được tổ chức theo hình thức du thuyền hát quan họ. Chính hội là ngày 13 tháng giêng nhưng các hoạt động đã tổ chức trước từ ngày 12. Các canh hát tại nhà các liền anh, liền chị diễn ra cả đêm và hát theo lối cổ nguyên gốc, không có nhạc đệm. Cách chơi hội của người quan họ vùng Lim cũng độc đáo, mỗi cử chỉ giao tiếp đã mang trong nó một sắc thái văn hóa cao, tích hợp nhiều hình thức nghệ thuật.

Một trong những hoạt động không thể thiếu của phần hội, mang đậm bản sắc văn hóa vùng miền đó là các trò chơi dân gian thu hút đông đảo nhân dân tham gia. Những năm gần đây, các địa phương đã chú trọng hơn việc đưa các trò chơi dân gian vào phần hội như chọi gà, cờ tướng, cờ người, ném còn, đẩy gậy, bắn nỏ, bách nghệ khôi hài, vật, kéo co, cờ thẻ, làm cỗ xôi gà, quạt bánh đa, cờ thẻ, đua thuyền, đi cà kheo, đu tiên, vật cù… góp phần lưu giữ những giá trị truyền thống tốt đẹp từ xa xưa. Ví như chơi đu, một trò chơi phổ biến ở hầu hết khu vực đồng bằng Bắc Bộ, trò chơi đòi hỏi có 1 nam 1 nữ hay hai nam hai nữ ăn mặc đẹp. Từ cách bố trí người đu, màu sắc của bộ quần áo, tới cách thức bước lên cây đu, đu từ dưới lên trên cao thể hiện có sự giao hòa trời đất và con người (4).

2. Nghệ thuật biểu diễn trong lễ hội mới

Các lễ hội mới bao gồm lễ hội lịch sử cách mạng kỷ niệm các sự kiện như Quốc khánh 2-9, ngày thống nhất đất nước 30-4, ngày kỷ niệm thành lập tỉnh, huyện hay ngành, đơn vị… Đáng chú ý là sự xuất hiện của các lễ hôi du lịch như một xu thế đang diễn ra ở tất cả các địa phương nhằm tôn vinh di sản văn hóa, quảng bá tiềm năng để phát triển du lịch, xúc tiến thương mại dựa trên thế mạnh nổi trội của địa phương như lễ hội lúa gạo Hậu Giang, lễ hội dừa Bến Tre, lễ hội Ca phê Buôn Ma Thuột… Những lễ hội hướng tới quảng bá du lịch tổ chức định kỳ được truyền thông nhắc đến nhiều như: lễ hôi Quảng Nam – hành trình di sản, Festival Huế, lễ hội Nhịp cầu xuyên Á – Quảng Trị, Festival carnaval du lịch Hạ Long, Festival pháo hoa quốc tế Đà Nẵng, Festival ẩm thực Bà Rịa – Vũng Tàu…

Trong lễ hội, phần lễ là dâng hương, mít tinh, phát biểu của lãnh đạo, duyệt binh, diễu binh, diễu hành của quần chúng, phần hội là thời gian để mọi người vui chơi giải trí, hưởng thụ, thưởng thức nghệ thuật. Trong các lễ hội mới thường tích tụ đầy đủ các loại hình biểu diễn hiện đại, mang tính chất trình diễn cao như âm thanh, ánh sáng, với số lượng lớn diễn viên chuyên nghiệp tham gia ở nhiều hạng mục, từ các loại hình sân khấu như kịch nói, chèo đến ca hát, múa, thơ có cả trình diễn thời trang, sắp đặt, video art, sắp đặt, trình diễn, graffiti… Những năm gần đây, các lễ hội mới dần có chỗ đứng trong đời sống tinh thần, cũng do một phần đã hội nhập các hình thức ưu việt của nghệ thuật truyền thống vào nghệ thuật hiện đại.

Trong bối cảnh hiện nay, nhiều chương trình được truyền hình trực tiếp nên các yếu tố của nghệ thuật trình diễn được đầu tư nhiều, có bài bản, chất lượng cao. Nhiều lễ hội mới còn có sự giao lưu trình diễn với các đoàn nghệ thuật nước ngoài, nhằm tăng cường mối hiểu biết vào giao lưu văn hóa. Festival Huế là một trong những lễ hội như thế. Festival Huế với nhiều chương trình lễ hội cộng đồng được tái dựng với một không gian rộng lớn cả trong và ngoài thành phố. Năm 2012, có chủ đề “di sản văn hóa với hội nhập và phát triển – nơi gặp gỡ các thành phố lịch sử”, với nhiều hoạt động biểu diễn như chương trình Thiên hạ thái bình được làm mới bằng hình thức sân khấu hóa và diễn xướng nghệ thuật cung đình, nhằm tôn vinh các giá trị di sản văn hóa Huế. Các phần khác như lễ hội áo dài, đêm phương Đông, lễ hội đường phố Mỹ Latinh cũng đã được thiết kế, tổ chức rất ấn tượng. Ở đây, các kỹ thuật âm thanh, ánh sáng hiện đại, kịch bản kỹ lưỡng cũng dàn diễn viên chuyên nghiệp, đạo diễn hùng hậu tham dự đem lại cho những người xem những cảm giác của những đại nhạc hội lớn tổ chức ở cộng đồng.

Một lễ hội mới kết hợp nhiều yếu tố của nghệ thuật biểu diễn là Carnaval Hạ Long 2013 – Quảng Ninh vừa diễn ra với chủ đề Sắc màu Quảng Ninh – Hội tụ và lan tỏa đã thực sự trở thành một bữa tiệc sắc màu văn hóa truyền thống kết hợp với văn hóa các nước láng giềng, với những màn biểu diễn nghệ thuật đặc sắc, được dàn dựng công phu thu hút hàng vạn du khách, người dân địa phương. Điều độc đáo là các tiết mục tái hiện những nét văn hóa đặc trưng của các dân tộc những lễ hội truyền thống và màn diễn dân gian, trò chơi dân gian ngay trên đường phố đều do chính người dân địa phương thể hiện, nhằm tôn vinh bản sắc, giá trị văn hóa của các dân tộc bản địa Quảng Ninh như: múa Tính tẩu mùa xuân (Tày), múa chuông (Dao), tắc xình (Sán Chay), đấu vật, đu tiên… cùng các đoàn nghệ thuật quốc tế đến từ Lào, Trung Quốc đã tạo ra những màn trình diễn nghệ thuật hoành tráng.

Nhiều lễ hội du nhập, có ảnh hưởng của phương Tây, như lễ hội hóa trang, cũng là nơi thể hiện và biểu diễn của nhiều đoàn nghệ thuật với nhiều loại hình trình diễn đa dạng và phong phú. Lễ hội giao lưu văn hóa quốc tế Halloween Hà Nội lần thứ nhất với sự tham gia của 6.000 học sinh, sinh viên Việt Nam và các vị khách quốc tế, trình diễn hóa trang với nhiều trang phục theo phong cách khác nhau nhưng phù hợp với thuần phong mỹ tục của người Việt. Lễ hội hoa Hà Nội được tổ chức mấy năm gần đây tại Hồ Hoàn Kiếm cũng thể hiện được nhiều yếu tố mới như: các tác phẩm sắp đặt, tạo hình đẹp mắt, đậm chất dân tộc mang đến cho người xem nhiều cảm xúc trong những ngày đầu xuân. Gần đây, vào dịp tết dương lịch 2013, tòa nhà cao nhất Việt Nam Keangnam – Hà Nội diễn ra lễ hội tuyết và ánh sáng, với khung cảnh lâu đài ước mơ, tháp pha lê, con đường hy vọng, rừng tình yêu, giếng ước, cỗ xe cổ tích…

Không chỉ trong những lễ hội mới, ra đời trong cuộc sống hiện nay, các yếu tố mới cũng được đưa vào tổ chức tại một số lễ hội truyền thống, đem lại hiệu quả khác lạ. Nhiều lễ hội truyền thống đã được hiện đại hóa, tổ chức với tính chất sân khấu hóa và có lồng nghép nhiều hình thức của nghệ thuật đương đại, những yếu tố phục trang, kịch bản, âm thanh, ánh sáng được chuyên nghiệp. Lễ hội Hoa Lư là một ví dụ. Sau lời diễn văn khai mạc của chính quyền là một số màn diễn như sự kiện lên ngôi của Đinh Bộ Lĩnh, Lê Hoàn hay sân khấu hóa lại trận đánh thắng giặc ngoại xâm, dời đô về Thăng Long…

Một số lễ hội truyền thống đã sử dụng nghệ thuật đương đại để truyền tải các nội dung văn hóa truyền thống, với sự hỗ trợ bởi các kỹ xảo tương tác, màn diễn xướng tái hiện huyền tích vị thánh đền Lảnh Giang (Duy Tiên – Hà Nam), có sự kết hợp của video art, body art, nghệ thuật sắp đặt… đã thu hút khá nhiều sự chú ý của dư luận. Trong lễ hội Lảnh Giang, việc áp dụng nghệ thuật body art, vẽ lên mình một số trai làng cũng là bước chuẩn bị để họ đóng vai các vị thần linh trong huyền tích.

Cũng với yếu tố vẽ, tại lễ hội tịch điền Đọi Sơn (Duy Tiên – Hà Nam), các nhà tổ chức lễ hội đã vẽ lên mình của hơn 30 con trâu. Những hoa văn ấy mang nhiều phong cách mỹ thuật khác nhau như ấn tượng, trừu tượng, cổ điển… nhưng về cơ bản vẫn xuất phát từ các họa tiết truyền thống như vòng âm dương, cờ ngũ sắc, chim lạc, hoa mai, tiền cổ. Nghệ thuật đương đại kéo người xem vào cuộc trình diễn, và xóa bỏ hẳn rào cản giữa họ với những người trình diễn. Nói cách khác, người xem bị lôi cuốn và được tạo cơ hội tham gia trực tiếp vào chương trình lễ hội. Đó là điều cực kỳ phù hợp với tinh thần của lễ hội truyền thống (5).

Trong xã hội hiện đại, nhịp sống sôi động của kinh tế thị trường đã làm cho nhu cầu hưởng thụ văn hóa của con người cũng thay đổi theo. Nếu trước kia, lễ hội phục vụ nhu cầu tinh thần của cộng đồng làng xã thì nay lễ hội phải mở rộng về quy mô, hình thức và phạm vi để thu hút đông đảo du khách. Những lễ hội dân gian vẫn giữ được các nghi lễ, nghi thức, các trò chơi dân gian, các loại hình biểu diễn nghệ thuật đa dạng như nó vốn có thể hiện rõ nét đặc sắc của lễ hội cũng như bản sắc văn hóa vùng miền. Ngoài ra có nhiều loại hình mới hay sử dụng kỹ thuật hiện đại, cách trình diễn hiện đại cho các điệu hát, múa truyền thống nhằm phù hợp nhu cầu xã hội; các màn diễn xướng được sử dụng đông người tham gia tạo điểm nhấn và sự hoành tráng cho lễ hội.

3. Nghệ thuật biểu diễn trong lễ hội, tương quan giữa người trình diễn và khán giả

Lễ hội có một đặc trưng cơ bản, đó là hoạt động mà nhân dân là chủ thể sáng tạo. Vì thế trong lễ hội, các hoạt động trình diễn phải tạo được mối tương quan giữa người trình diễn và người xem.

Qua lễ hội, ngoài việc thụ hưởng những sáng tạo văn hóa thì các yếu tố biểu diễn trong lễ hội phần nào được sáng tạo, bảo tồn và trao truyền. Nếu không thì các làn điệu dân ca như quan họ, hát xoan…; các điệu múa và các hình thức sân khấu chèo, hát bội, rối nước, cải lương…; các trò chơi, trò diễn: đánh cờ người, chọi gà, chơi đu, đánh vật, bơi trải, đánh phết, trò trám … sẽ ra đời và xuất hiện như thế nào trong cuộc sống hay chỉ xuất hiện trong bảo tàng, nhà hát hay các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp. Có thể nói, sức hấp dẫn của các trò diễn, trò chơi trong lễ hội toát ra từ chính ý nghĩa của các trò chơi đó. Do đó người ta đến với các trò diễn vì bản thân nó và cả vì ý nghĩa sâu xa chứa đựng trong đó. Nhưng vì nó có tính làm mẫu, tính đại diện nên khởi hội không phải ai cũng được tham gia mà phải chọn người trong sạch. Vì vậy, người được tham gia thấy vô cùng vinh dự. Hơn thế khi tham gia, người chơi thu được nhiều năng lượng thiêng của trò nên năm đó ai nấy đều cảm thấy gia đình hạnh phúc, và may mắn.

Tất cả những hình thức biểu diễn trong lễ hội đều là những sáng tạo gắn với cuộc sống thật của người dân. Từ những điệu múa diễn tả sự lên ngôi, dời đô của một triều đại đến những công việc hàng ngày như gặt lúa, giã gạo, chèo thuyền. Không chỉ những câu hát dâng lên các đấng thần linh, ca ngợi những người có công với dân tộc mà cả những chuyện vui buồn của cuộc sống hàng ngày, tình yêu đôi lứa cũng được sáng tạo và lưu truyền qua sinh hoạt văn hóa cộng động, mà tiêu biểu là lễ hội. Vì vậy, người đến tham dự lễ hội cảm thấy gần gũi, chân thật và dễ dàng hòa cùng các hoạt động biểu diễn của lễ hội.

Các hình thức diễn xướng trong lễ hội giúp giáo dục đạo đức và nâng cao nhận thức thẩm mỹ của người dân. Đó là thiên nhiên, văn hóa, cuộc sống của cộng đồng một thời. Dù chỉ là một làn điệu dân ca hay một điệu múa cũng là sự gửi gắm cho thế hệ sau biết bao điều của cha ông. Đó cũng là giá trị văn hóa cộng đồng, giá trị nghệ thuật mang bản sắc địa phương cần được nhận thức. Bên cạnh đó, hoạt động lễ hội còn tạo môi trường cho con người được trực tiếp tham gia sáng tạo nghệ thuật qua các trò diễn, trò chơi…

Dù vậy, những lễ hội mới đã chú trọng tới các yếu tố trình diễn kỹ thuật mà không có nhiều tác động qua lại giữa chủ thể và người tham dự, chủ yếu là các yếu tố trình diễn tác động đến giác quan của người xem. Vì thế, có một tỷ lệ nhỏ là các festival, lễ hội mới, lễ kỷ niệm của các tỉnh lại vô cùng tốn kém, ngày càng mở rộng về quy mô, mời nhiều quan khách nhưng hiệu quả thấp; cộng đồng tuy là chủ thể nhưng lại thành người đi xem hội.

Theo dòng chảy của thời đại, nghệ thuật biểu diễn trong lễ hội đã tác động đến thị hiếu người tham dự, có khi biến chuyển một số giá trị truyền thống. Ví dụ, trong trình diễn dân ca quan họ Bắc Ninh, vì nhiều lý do, các đoàn nghệ thuật đã không kiên trì được định hướng tốt đẹp ban đầu, đã cải biên, chỉnh lý theo các nguyên tắc tân nhạc và chú trọng vào phần trình diễn trên sân khấu vội vàng, nhằm thỏa mãn thị hiếu số đông đã làm các tiết mục biểu diễn quan họ đi quá xa cội nguồn, đánh mất nhiều tinh hoa của dân ca quan họ cổ truyền, hay nhiều người đã nói đến sự ra đời của hình thức ca nhạc mới mang màu sắc quan họ.

Chính việc đưa nhiều yếu tố hiện đại vào trong lễ hội truyền thống cũng như lễ hội mới là một điều đang gây nhiều tranh cãi. Các yếu tố biểu diễn hiện đại phần nào đáp ứng được một số yếu tố thưởng thức của một bộ phận nhân dân, của truyền hình nhưng lại đánh mất giá trị, bản sắc vốn có hay giá trị ban đầu của nhiều lễ hội.

Nhiều festival, lễ hội văn hóa du lịch, tuần thương mại du lịch có nội dung na ná nhau chính vì người ta thấy phần biểu diễn nghệ thuật trong lễ hội na ná giống nhau và được lắp ghép vào các lễ hội một cách tùy tiện và sống sượng nên không thể hiện được bản sắc của lễ hội vùng miền.

4. Nâng cao giá trị nghệ thuật trình diễn trong các lễ hội đương đại

Toàn cầu hóa đang diễn ra với tốc độ chóng mặt, nhịp sống và điều kiện sống thay đổi, yêu cầu và thị hiếu thẩm mỹ của người tham dự lễ hội đối với nghệ thuật biểu diễn trong các lễ hội cũng có nhiều thay đổi, vì vậy nghệ thuạt biểu diễn cũng phải phù hợp và đáp ứng yêu cầu và thị hiếu đa dạng của công chúng.

Nghệ thuật biểu diễn trong các lễ hội góp phần tạo nên bản sắc riêng biệt và sức hấp dẫn của lễ hội, góp phần quan trọng trong việc giáo dục văn hóa và định hướng thẩm mỹ cho công chúng. Vì vậy:

Cần tăng cường công tác quản lý, thẩm định, đánh giá chất lượng những chương trình biểu diễn nghệ thuật trong các lễ hôi, đặc biệt là những màn múa hoành tráng với hàng ngàn diễn viên trong các lễ hội du lịch gần đây trước dư luận cho rằng tốn kém, ít sáng tạo, chồng chéo nội dung và hình thức thể hiện.

Coi trọng phần biểu diễn chuyên nghiệp nhưng không lạm dụng để gìn giữ được tính thiêng và bản sắc riêng biệt của mỗi lễ hội.

Coi trọng vai trò cộng đồng là chủ thể sáng tạo của lễ hội, tạo điều kiện để quần chúng trực tiếp tham gia thay vì mua vé đến xem như tình trạng đã diễn ra trong nhiều lễ hội gần đây. Đã có ý kiến cho rằng hiện nay lễ hội càng xa rời với mục đích tốt đẹp ban đầu là lễ hội của dân, do dân tổ chức và hưởng thụ.

Cần học hỏi kinh nghiệm tổ chức lễ hội nói chung và tổ chức hoạt động biểu diễn nghệ thuật trong lễ hội nói riêng của các nước đã thành công trong lĩnh vực này như Pháp với Festival Huế, Nhật Bản với Lễ hội Hoa Anh Đào…

Để xây dựng được một lễ hội mới định hình và có sức sống, cần có thời gian và sự nghiên cứu nghiêm túc của các nhà văn hóa, sao cho các lễ hội đó thể hiện tính thanh lịch, chất văn minh của thời nay. Cũng do vậy mà phần hội vừa nên duy trì các trò chơi dân gian lại vừa phải bổ sung bằng các hình thức vui chơi giải trí mang tính hiện đại, sử dụng những thành tựu khoa học kỹ thuật để lễ hội thêm tính trí tuệ và thẩm mỹ cao. Điều này rất cần có sự nhận thức của các nhà quản lý văn hóa trong việc nâng cao trách nhiệm quản lý và tổ chức lễ hội, nâng cao trình độ biểu diễn nghệ thuật sao cho có chất lượng nhưng vẫn phù hợp với nhu cầu và thị hiếu thẩm mỹ của nhân dân.

_______________

1. Cục Văn hóa cơ sở, Thống kê lễ hội Việt Nam, tập 1, 2, Hà Nội, 2008.

2. Lâm Tô Lộc, Nghệ thuật múa dân tộc, Nxb Văn hóa, Hà Nội, 1979.

3. Nhiều tác giả, Không gian quan họ Bắc Ninh, bảo tồn và phát huy, Viện Văn hóa thông tin – Sở VHTT Bắc Ninh, 2006.

4. Tô Ngọc Thanh, Hồng Thao, Tìm hiểu âm nhạc cổ truyền, tập 1, Nxb Văn hóa, Hà Nội, 1986.

5. Bùi Quang Thắng, Một số bài học từ việc phục dựng lễ hội Lam Kinh, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, số 11-2005.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 349, tháng 7-2013

Tác giả : Trần Thục Quyên

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *