Nghệ thuật của nguyễn minh thành, một lời nguyện cầu


Năm 1999, tạp chí hàng đầu về nghệ thuật châu Á, Art Asia Pacific, mời tôi (1) viết tiểu luận về nghệ thuật của Nguyễn Minh Thành, người mà tôi biết từ khi còn là một sinh viên. Trong các cuộc trò chuyện, anh có vẻ hơi giấu mình đi sau một hình ảnh nghệ thuật dịu dàng, song lại biểu thị sự trưởng thành khác thường về phương pháp sáng tạo nghệ thuật. Giờ đây, sau 10 năm, khi nhìn lại, tôi đặt câu hỏi: có phải nghệ thuật của anh cũng trải qua sự phát triển tự nhiên từng bước một, hay đã có những thay đổi căn bản là kết quả của sự tiến hóa trong thực hành nghệ thuật, hoặc chúng được xác định rõ bởi một sự xem xét lại toàn bộ nhận thức về cuộc sống?

Theo Thành, có một sự thay đổi mạnh mẽ trong các tác phẩm nghệ thuật của anh. Trước đây, anh làm nghệ thuật cho thế giới và giờ đây, anh nỗ lực “kiến tạo một thế giới cho nghệ thuật”. Nói cách khác, để thay đổi thế giới với chiến tranh và các cuộc tranh giành quyền lực, với lòng thù hận và dối trá, thành một môi trường sống nhân bản hơn. Minh Thành hiểu rằng, đây là một mục đích đầy tham vọng, song anh tin tưởng vào những điều dường như không có thật; anh hy vọng có thể thay đổi thế giới này bằng việc sáng tạo nghệ thuật tựa như một sự nguyện cầu.

Với tôi, nghệ thuật của anh từ lâu luôn là một lời nguyện cầu; nguyện cầu cho tuổi thơ của anh vốn thiếu vắng tình yêu thương, cho một người đàn bà có cuộc đời trải dài trong nỗi nhọc nhằn mưu sinh và đủ bổn phận truyền thống, cũng là một lời nguyện cầu hoàn toàn cá nhân cho công lý và cái đẹp trong thế giới này. Định nghĩa của chính nghệ sĩ về hai giai đoạn khác nhau trong sự nghiệp của anh: sáng tạo nghệ thuật cho thế giới và kiến tạo một thế giới cho nghệ thuật chưa rành mạch cho lắm bởi một triết thuyết dung hợp luôn chi phối quan điểm của anh về tương quan nghệ thuật/ đời sống.

Nguyễn Minh Thành (1971) sớm được dư luận chú ý khi còn là sinh viên đại học Mỹ thuật Hà Nội. Nổi lên trong suốt những năm học cuối là loạt tranh anh vẽ bản thân như một đứa trẻ mà về sau, ngày càng nổi tiếng. Loạt tranh ấy giới thiệu một cuộc hội thoại gay gắt cùng với cái bản thể của anh và các thảo luận tâm lý về những mối quan hệ của con người bên trong gia đình truyền thống với các ranh giới xã hội. Cho đến gần đây, việc khảo sát những lĩnh vực như triết học, tâm lý, cá nhân mới được chú ý đến trong nghệ thuật Việt Nam. Vì vậy, Thành là một trong những người đầu tiên nói đến cuộc sống riêng tư của cá nhân anh, những vấn đề tâm lý, như một sự nghiên cứu tinh thần, nói chung là về các giá trị con người cá nhân.

Vào năm tốt nghiệp (1996), Thành đột nhiên có khát vọng mạnh mẽ, phải phá vỡ lối đào tạo hình thức cổ điển. Anh bắt đầu làm những bức vẽ đầy cuốn hút trên những tấm cotton khổ lớn treo theo chiều trục đứng, và làm nghệ thuật sắp đặt – một hành động hết sức tiền phong (avant-gard) trong bối cảnh nghệ thuật Việt Nam khi đó. Năm 1996, nghệ thuật sắp đặt vẫn được xem là ngoại lai, không chỉ đối với công chúng Việt Nam mà còn với chính các nghệ sĩ.

Con đường đi lên trong sáng tạo của Thành với một con số thống kê ấn tượng qua các triển lãm của anh ở trong và ngoài nước (Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp, Na Uy, Hà Lan, Australia) đặt ra câu hỏi: cái gì khiến cho nghệ thuật và con người cá nhân của Thành trở nên đặc biệt và có sức lôi cuốn như thỏi nam châm vậy? Thành công của anh có thể được giải thích bởi sức hấp dẫn của phong cách nghệ thuật và bởi sự lãng mạn kết nối người xem với những chủ đề về sự cô đơn, chia cách và nỗi sầu muộn. Dẫu có chất thơ trong sáng tác, song Thành là một nghệ sĩ khảo sát những phạm vi rộng lớn hơn về xã hội, tâm lý và triết học. Những tham chiếu trong nghệ thuật của anh với các vấn đề xã hội mang tính gián tiếp. Anh phân tích cuộc sống cộng đồng, dân tộc thông qua những trải nghiệm riêng và sự nhìn nhận về thế tiến thoái lưỡng nan của sự tồn tại cá nhân hơn là thông qua sự tìm hiểu thuần túy xã hội học. Cách tiếp cận này đặt Thành vào một vị trí độc đáo trong nền nghệ thuật đương đại Việt Nam.

Nếu nhìn lại những luồng ảnh hưởng tới nghệ thuật Việt Nam, không phải về mặt nghệ thuật hay những ảnh hưởng bề ngoài kiểu như trường học của Pháp, chủ nghĩa hiện thực Xô – viết mà là những nguồn nền tảng tác động tới đời sống vật chất, tinh thần người Việt, thì vai trò hàng đầu phải nhắc đến di sản triết học và tôn giáo. Cho dù vượt xa khỏi phạm vi của bài viết, nhưng tôi vẫn muốn nhắc đến một số điểm khác nhau giữa đời sống tinh thần của xã hội Việt Nam truyền thống với Tây phương (2), được phản ánh trong nghệ thuật thị giác. Những ảnh hưởng của triết học đạo Khổng tới cá nhân người Việt như cảm nhận về sự cùng tồn tại của một hệ thống gồm tử vi và thuyết tiền định; vai trò của tập thể với cái cá nhân, những hạn chế trong việc bộc lộ cảm xúc cũng như quy ước về việc thể hiện tình cảm… Với nền tảng xã hội này, người ta có thể hiểu được tại sao những khuynh hướng tìm kiếm một ngôn ngữ thị giác dân tộc chung, và việc không chấp nhận phong cách cá nhân lại tồn tại trong lãnh địa của nghệ thuật thị giác.

Sự phản ánh nội tâm mãnh liệt khiến Thành nhận thức được điều không thỏa đáng giữa đời sống tinh thần cá nhân với những quy ước tập thể của xã hội. Các sắp đặt, Một con đường (năm 1999), triển lãm tại Viện Goethe Hà Nội, Cánh đồng lúa (1999, nhà văn hóa Thế giới – Berlin, Đức), là về vòng xoay không thay đổi của xã hội Việt Nam truyền thống, nơi có dấu vết sự hiện diện của con người được tạo nên bởi quyền lực trong bối cảnh xã hội nhất định. Cả hai sắp đặt này đều phản ánh sự nổi loạn bên trong. Thành chống lại tính hệ thống hóa và sự phân tầng quá mức trong cuộc sống và tư duy, ám chỉ sự đối nghịch giữa tâm lý theo hướng Khổng giáo với nguyên tắc hiện sinh làm yên lòng người: “Con người chẳng là gì cả mà là thứ anh ta làm nên bằng chính bản thân mình”(3).

Khác với nhiều nghệ sĩ đương đại Việt Nam, Thành không e ngại hay xấu hổ về việc nói đến những câu chuyện hết sức riêng tư. Chủ đề tái diễn đều đặn trong tác phẩm của anh là một gia đình. Thông qua những hồi ức riêng, anh khám phá sự tồn tại của cá nhân bên trong một gia đình Việt Nam truyền thống, nơi tình cảm bị đè nén hay bị kiềm chế bởi các lễ nghi và sự xã giao, các quan hệ hầu hết dựa trên nền tảng lòng hiếu thuận, loại trừ mọi tương tác tâm lý hiển nhiên cũng như những dấu hiệu của tình yêu.

Trong vài tác phẩm được giới thiệu ở những triển lãm lớn về nghệ thuật đương đại châu Á năm 1999 như Canh giấc (Bảo tàng nghệ thuật châu Á Fukuoka), Mẹ, Mẹ và con trai (1998, Triển lãm nghệ thuật đương đại châu Á Thái Bình Dương định kỳ 3 năm, Queensland Art Gallery, Brisbane, Australia), Thành nhấn mạnh những điểm giao nhau giữa lí lịch đời anh và khái niệm gia đình trong xã hội Việt Nam.

Hình ảnh đứa trẻ trong sáng tác của anh mang chở gánh nặng của những nuối tiếc, nỗi thống khổ và cả bao giấc mơ. Thu nhận sự chân thành, sự thẳng thắn, và nỗi riêng tư, nghệ sĩ đã tạo nên một hình ảnh đa chiều kích về bản thân mình, vẽ ra quan điểm riêng về cái bản thể – một chủ đề nghệ thuật bị thờ ơ ở Việt Nam.

Sự đối nghịch giữa toàn cầu và địa phương được thể hiện rất đỗi nhẹ nhàng trong sáng tác của Thành – người cân bằng được giữa một sự khám phá gốc rễ của bản diện Việt Nam (identity of Vietnam) với một phân tích sâu sắc về cái cá nhân của anh. Trong sắp đặt Một câu chuyện giống như mọi chuyện khácThư gửi Mẹ (Bielefeld, Đức, 1999), người nghệ sĩ có tâm hồn giàu chất thi ca này lại làm dấy lên cuộc tranh luận về những quan hệ của con người trong một gia đình và xã hội truyền thống. Trong Thư gửi Mẹ, anh vẽ những chân dung phụ nữ được lý tưởng hóa và bên trên đó, anh treo một cái phong bì. Anh đề xuất người đến xem triển lãm gửi một cái gì đó từ cuộc sống của họ cho mẹ anh. Anh đã gửi những bức ảnh, lời viết, hoặc tranh vẽ của công chúng Đức kèm một lá thư của anh tới mẹ. Trong lá thư, anh giải thích với mẹ rằng cho dù, bà không biết gì về những người gửi đồ thì thông điệp đó (phần nào) cũng được gửi đến bà từ cậu con trai Minh Thành. Ước mong của anh là được kết nối và đem những mảnh vụn của các nền văn hóa khác nhau lại gần nhau hơn, đồng thời phản ánh vai trò độc đáo của nghệ sĩ trong một xã hội đương đại.

Ý tưởng nằm sâu trong các tác phẩm, anh thường xây dựng nên hình ảnh bản thân như một người liên tục đặt ra các câu hỏi về những đối lập giữa sự tồn tại của con người bên trong xã hội và bên trong thế giới thầm kín của từng cá nhân. Anh giải thích về tác phẩm Cánh đồng lúa cũng giống như nhiều sắp đặt khác của anh có cả tranh vẽ nói về cuộc sống nông thôn Việt Nam. Những người phụ nữ trên các tấm tranh lớn không thuộc về một không – thời gian lịch sử nào nhất định mà họ luôn hiện tồn, họ làm công việc theo cách truyền thống. Cuộc sống của họ thật đơn giản, họ chẳng cảm thấy cuộc sống ấy có sự đổi thay gì. Họ luôn ở trong một vòng xoay cuộc đời như vậy. Mọi thứ như thể vẫn tại điểm khởi đầu. Bởi cánh đồng lúa là một đặc điểm căn bản của Việt Nam và nó có vai trò quan trọng trong sự phát triển chung của đất nước, nên nghệ sĩ đã chọn hình ảnh này để nói tới một ý khác: giá trị vật chất là bất biến theo thời gian. Nhờ vậy, anh đã cố gắng tạo ra một cảm nhận về sự không thay đổi của cuộc sống.

Anh thú nhận, nhiều sáng tác của anh được dựa trên sự thấu hiểu cũng như ánh xạ về văn hóa Việt Nam. Trong khi sáng tác về một thực tế, sự kiện hoặc lễ nghi nào đó, anh luôn tìm hiểu quy trình phía sau nó: các nguồn lịch sử, tôn giáo, tâm lý – thứ mà ta có thể gọi là một nghiên cứu về bản diện dân tộc . Ví dụ, sắp đặt Một con đường là về nghi lễ tang ma. Anh cho rằng đó là một trong những nghi lễ quan trọng nhất trong xã hội Việt Nam. Theo anh, khi người Việt Nam chuẩn bị mang theo cái chết trên chuyến hành trình cuối đời, họ miêu tả nó một cách rất lạc quan. Nghi lễ trở nên thật đẹp và đầy tính trang trí, với cờ phướn, hương và hoa, nó giấu đi một sự thực mà con người không muốn đối mặt. Nghệ sĩ đặt ra một câu hỏi về nghịch lý: Nếu so với sự sống, con ngưòi kết nối nhiều hơn với cái chết, thông qua hệ thống thờ cúng tổ tiên bền chặt, tuy thế họ lại sợ phải nhìn thấy sự thực của cái chết. Với sắp đặt này, anh đã nỗ lực tạo nên một không khí mà trong đó, ai cũng hiểu rằng cái chết thật là kinh khủng và để tập trung vào thực tại.

Về câu hỏi tại sao hình ảnh một đứa trẻ lại là motif trong nghệ thuật của anh, 10 năm trước, Nguyễn Minh Thành từng trả lời rằng: các tác phẩm này là kết quả của những nỗ lực tìm hiểu xem bản thân anh là ai, cội gốc của anh là đâu và anh đang đi đâu? Song lại có một diễn giải khác mang tính cá nhân cao hơn: những tác phẩm này bắt nguồn từ một khát vọng được thoát khỏi thời thơ ấu. Tại sao? Bởi vì khi là một đứa trẻ, anh thường không có cảm giác hạnh phúc. Trong một gia đình nông thôn nghèo, mọi người đều bận bịu làm ăn, chẳng có ai biểu hiện tình yêu hay tình cảm khác dành cho nhau. Anh rất khó khăn để nhớ được rằng cha mẹ từng nói gì với mình. Vào đại học Mỹ thuật, anh cũng vẫn cảm thấy buồn khổ khi bản thân là một cậu bé “nhà quê” ăn vận tồi tàn và vóc dáng bé nhỏ. Để được những người khác chấp nhận, anh đã phải làm việc cật lực, học nhiều hơn để tự đào tạo bản thân. Bởi vậy, anh muốn trốn thoát khỏi tuổi thơ chính mình.

Trong Canh giấc cũng như Mẹ và con trai, hành trình tâm lý trở lại thời thơ ấu vẫn có chất chứa cảm thức về sự lạc quan và hy vọng, về sự dịu dàng cùng tình yêu giữa mẹ và con. Theo anh, đó là một nỗi khát khao phi thực tế. Anh kết luận: “Có thể một cách nghịch lý, niềm lạc quan yếu ớt mà chỉ cảm thức được khi nó đến từ bi kịch tình cảm rất riêng tư của tôi. Rất nhiều lần, tôi cố gắng nhớ xem có dịp nào mẹ tôi ôm hay hôn tôi. Song tôi không thể. Nó đơn giản là không bao giờ xảy ra. Tôi vẫn thiếu cái hôn đó”.

Một vài năm sau, anh trở lại chủ đề về bậc cha mẹ, song từ một góc độ khác. Tác phẩm Chân dung mẹ và cha gồm hai tấm gỗ khổ lớn, có hình dạng giống như đồ thờ gia tiên trên ban thờ với chân dung của nhiều người thuộc các thế hệ trước. Thành đã trải rộng các vật thể này nhằm nhấn mạnh vai trò to lớn của cha mẹ trong gia đình và xã hội. Khung tranh lớn được sơn mài và trang trí bởi những gương mặt cắt ra từ các cuốn tạp chí trong nước. Những gương mặt nổi tiếng trên các tạp chí trở thành thứ trang trí cho hai bức chân dung vô danh của một đôi vợ chồng, được vẽ theo một cách thức rất đơn giản, nhằm tạo nên hiệu quả của sự vô ưu. Nghệ sĩ giãi bày: Trở thành một người đàn ông hay đàn bà, người cha hay người mẹ là việc quan trọng và trong sáng nhất, nó có ý nghĩa hơn so với sự thành công hay danh tiếng. Với nghệ sĩ, người cha, người mẹ đều là biểu tượng của sự đầu thai phản ánh vòng xoay cuộc đời trong đạo Phật. Và như chúng ta thấy, trong diễn giải về cùng một chủ đề, anh đã di chuyển từ câu chuyện riêng, từ những phản ánh tâm lý vào trong một lĩnh vực mang tính khái quát triết học hơn.

Người ta có thể lấy làm lạ rằng Thành đã khai thác motif “chân dung tự họa như một cậu bé con” suốt 15 năm qua, và có thể nghĩ rằng nghệ sĩ làm vì mục đích thương mại. Song, Nguyễn Minh Thành có ý khác, dù có bám vào phong cách và chủ đề này thì anh cũng không hề có ý hướng sản xuất các sản phẩm thương mại. Anh chỉ không hài lòng với các bức vẽ đã có của mình và tiếp tục tìm kiếm trên khuôn mặt nơi anh thường vẽ sự hài hòa, tình yêu, hòa bình và tinh thần. Mỗi khi vẽ xong một bức, anh lại thấy nó chưa đủ đẹp. Anh muốn mọi người xem tranh của anh thưởng thức được vẻ đẹp của con người và đời sống này. Bởi vậy, đó là một hành trình dài dặc kiếm tìm sự hoàn hảo.

Điển hình phân tích nội tâm trong các tác phẩm thời kỳ đầu của Thành được chính anh giải thích là do ảnh hưởng từ thày dạy – nghệ sĩ Trương Tân – đã chỉ cho sinh viên thấy nghệ thuật không chỉ phản ánh thế giới mà còn là một dạng thức của sự tự biểu hiện, nên có thể được diễn đạt dưới nhiều hình thức khác nhau, thậm chí gây tranh cãi.

Bên cạnh những bố cục nổi tiếng của anh trên loạt tranh chân dung, trong một thập niên trở lại đây, Nguyễn Minh Thành còn làm một số sắp đặt có sự chuyển đổi quan niệm từ đậm chất thơ sang phía giàu ý niệm hơn. Gần đây, tách khỏi những biểu tượng mang tính nghi thức và theo cổ truyền, một thể hiện của các định kiến văn hóa, một số nghệ sĩ Việt Nam đã dần tham gia vào sự đổi mới mạnh mẽ của ngôn ngữ nghệ thuật đương đại. Những nghệ sĩ này đã mở rộng hệ thống mật mã trong nghệ thuật sắp đặt và phát triển những nguyên tắc mang tính cá nhân hơn trong việc xây dựng nên một hệ hình ngữ nghĩa của bộ môn nghệ thuật này. Bởi vậy, Nguyễn Minh Thành đã dùng bánh tráng mỏng để mô phỏng những bức tranh cổ của đạo Lão, đặt chúng bên cạnh những bức tranh thật, nhằm nhấn mạnh sự đối nghịch giữa khát vọng trường tồn và sự hữu hạn thực tế (triển lãm tại Nhà sàn Đức). Bản chất của hạnh phúc là gì? Tại sao mọi người không thấy hạnh phúc đủ đầy? Những câu hỏi này được nghệ sĩ đặt ra trong sắp đặt mang tên Công dân hạnh phúc (Mai gallery, 3B – Phan Huy Chú, Hà Nội) gồm những hình ảnh điêu khắc tượng Phật đang cười. Một tác phẩm đầy sức cuốn hút khác, sắp đặt Quân bài, từng trưng bày tại Liên hoan Nghệ thuật định kỳ hai năm (Biennal) Guangju, Hàn Quốc và Đại học Mỹ thuật Hà Nội (2004). Những quân bài nghệ thuật được đặt trên sàn nhà, trên đó vẽ nhiều chân dung vô danh bên cạnh những chân dung nhân vật nổi tiếng khắp thế giới. Bên trên, treo các bức chân dung tự họa khổ lớn với lối thể hiện tĩnh lặng và ôn hòa tới mức khó tin. Nghệ sĩ giải thích rằng, anh có ý làm một so sánh, để biểu thị một hố ngăn cách giữa bạo lực và tình yêu, sự nổi danh và sự vô danh, những thứ này được anh nhìn nhận như là một phần của trò chơi (cuộc đời) mà nhân loại luôn tham dự vào. Anh sử dụng các quân bài như là phương tiện chính để gửi thông điệp rằng: thật nghiêm trọng cái việc chúng ta đang hoán đổi cuộc đời mình sang thứ trò chơi này.

Nếu ở khởi đầu sự nghiệp, Thành đã cố gắng đề xác định những nguyên tắc tương tác giữa bản thân và vũ trụ nhân loại, thì nay anh hi vọng đóng góp vào việc kiến tạo nên một thế giới nơi nghệ thuật sẽ trở thành giá trị và thước đo chủ yếu. Hai ý hướng này không hề đối ngược nhau chút nào, chúng có quan hệ với nhau, và chúng đặt trong sự chuyển động nghiên cứu sáng tạo của anh, một nghệ sĩ vẽ nên cái cá nhân và cái thiêng, người dành trọn bản thân cho sự tự do hoàn toàn của biểu hiện nghệ thuật. Vượt qua những giới hạn nghệ thuật truyền thống châu Á, nghệ thuật của Nguyễn Minh Thành – những lời nguyện cầu chân thành trong thinh lặng – giúp con người làm thanh sạch tâm hồn và nghĩ lại về các nhu cầu của mình.

Dù được biết đến rộng rãi ở trong và ngoài nước, Thành vẫn tin rằng anh chưa bắt đầu cho sáng tác chính yếu của đời mình, việc này sẽ đến trong ngày mai. Cái từ khó hiểu “ngày mai” ấy như lời anh nói sẽ cứu anh khỏi khả năng có hạn của chính mình. Hãy hy vọng rằng Chúa và con người sẽ nghe thấy những lời nguyện cầu dịu dàng của anh và cùng với anh tạo nên một thế giới, nơi tình yêu, hòa bình và nghệ thuật ngự trị.

_______________

1. Natalia Kraevskaia là TS Ngữ văn tại viện Ngôn ngữ tiếng Nga Pushkin (1981, Matxcơva). Sau khi lập gia đình với nghệ sĩ Vũ Dân Tân, năm 1990, vợ chồng bà mở salon Natasha (30 – Hàng Bông, Hà Nội), không gian nghệ thuật tư nhân đầu tiên của Việt Nam. Từ đó cho đến nay, bà là một giám tuyển (curator) độc lập về nghệ thuật đương đại Việt Nam rất có uy tín với giới chuyên môn trong và ngoài nước. Bên cạnh việc tổ chức các triển lãm nghệ thuật cho nghệ sĩ Việt Nam tại salon cũng như ở nhiều nơi trên thế giới, bà còn được mời tham dự nhiều hoạt động hội thảo, làm sách về nghệ sĩ và nghệ thuật đương đại Việt Nam. Năm 2005, tập hợp chọn lọc các bản viết của bà được xuất bản trong tập sách ba ngữ Việt, Anh, Pháp, tiêu đề Từ hoài cổ hướng sang miền đất mới, tiểu luận về nghệ thuật đương đại Việt Nam (Nxb Kim Đồng, 2005). Hiện tại, bà cùng một cộng sự khác đang thực hiện dự án hình ảnh về Hà Nội trong nghệ thuật thị giác, triển lãm nhân 1000 năm Thăng Long – Hà Nội.

2. Pierre Huard và Maurice Durand, Vietnam: Civilization and Culture (Việt Nam: văn minh và văn hóa), Impremerie Nationale; Hanoi: Ecole Francaise d’Extreme – Oriente, n.d.

3. Jean Paul Sartre, Existentialism and Humanism (Chủ nghĩa hiện sinh và chủ nghĩa nhân văn), translated by Ph. Mairet, London: Methuen, 1948.


Nguồn : Tạp chí VHNT số 305, tháng 11-2009

Tác giả : Natalia Kraevskaia (Hoàng An Trung dịch)

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *