Hát xẩm là một loại hình ca hát dân gian mang tính chuyên nghiệp gắn với người khiếm thị ở miền Bắc nước ta. Tương truyền, Hát Xẩm được ra đời từ thời nhà Trần, do sự tranh giành quyền lực giữa hai chàng hoàng tử Trần Quốc Toán và Trần Quốc Đĩnh, người anh Trần Quốc Đĩnh đã bị em hãm hại hỏng hai con mắt bỏ lại chốn rừng sâu trong một chuyến đi săn để giành viên ngọc quý về kính dâng vua cha cướp công. Giữa rừng sâu, chàng hoàng tử mù lòa chỉ biết ngồi than khóc dưới gốc cây, Bụt thương tình hiện lên dạy cách kéo dây rừng ra làm đàn, tiếng hát của chàng từ đó ngày càng bay xa vang vọng, động lòng chim muông, ngày ngày chúng xà tới mang hoa quả cho chàng ăn và ở bên nghe chàng hát. Sau này khi được dân làng đưa trở chàng đã xin vua cha được trở lại dân gian mang tiếng đàn lời ca truyền dạy cho những người mù lòa hết khả năng lao động có một nghề kiếm kế sinh nhai, nghề hát xẩm ra đời từ đó.
Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, nghề Hát Xẩm đã có thời gian rất phát triển ở khắp các chốn thôn quê Bắc bộ, mà trung tâm là vùng Đồng bằng Bắc bộ. Cũng giống như Chèo với tứ Chiếng bao bọc xung quanh kinh thành Thăng Long, Hát Xẩm cũng có nhiều phong cách khác nhau, nổi bật là các vùng như: Bắc Ninh – Bắc Giang, Sơn Tây – Hà Đông, Hải Dương – Hưng Yên – Hải Phòng và đặc biệt là vùng Ninh Bình – Nam Định – Thái Bình. Nơi đã nổi tiếng cả nước từ lâu với người nghệ nhân còn sót lại duy nhất của nghệ thuật Hát Xẩm được sánh như báu vật nhân văn sống của dân tộc: nghệ nhân Hà Thị Cầu. Nghệ nhân Hà Thị Cầu vốn sinh ra ở ý Yên Nam Định trong một gia đình có truyền thống lâu đời hành nghề hát xẩm, sau này nghệ nhân được gả cho gánh xẩm của cụ Chánh Trương Mậu ở Ninh Bình và cụ gắn với gánh xẩm này suốt cả một cuộc đời, ngay kể cả khi gánh xẩm chỉ còn duy nhất một mình cụ như hiện nay.
Có thể khẳng định, Hát Xẩm là một nghệ thuật hết sức độc đáo và đặc sắc trong kho tàng nghệ thuật truyền thống Việt Nam. Vì vậy, việc Tỉnh ủy, UBNB tỉnh Ninh Bình có chủ trương phục hồi nghệ thuật hát xẩm của địa phương và đã giao cho Sở VH,TT&DL, Nhà hát Chèo Ninh Bình trực tiếp thực hiện là một chủ trương đúng đắn, thể hiện tầm nhìn của tỉnh đối với nghệ thuật truyền thống vốn đã trở thành “đặc sản” của địa phương; đồng thời với sự góp sức của các nhà nghiên cứu, nghệ sĩ hàng đầu của Việt Nam, đặc biệt không thể không nhắc tới phần trực tiếp tham gia của báu vật sống Hà Thị Cầu để cùng với Ninh Bình phục dựng nghệ thuật này chúng tôi tin rằng chúng tôi tin rằng trong tương lai không xa, Hát Xẩm sẽ có một vị thế mới, sẽ lại được nhân dân Ninh Bình đón nhận và yêu mến đồng thời sẽ trở thành thế mạnh của Ninh Bình so với những địa phương khác trên cả nước.
Về nghệ thuật, dàn nhạc của Hát xẩm bao gồm đàn đàn bầu, đàn nhị, cặp kè, trống mảnh, có khi có thêm đàn hồ, trống cơm, thanh la… Hát Xẩm bao gồm nhiều làn điệu khác nhau. Nhà nghiên cứu Hoàng Kiểu cho rằng xưa kia có khoảng 20 làn điệu Hát Xẩm. Song, trong số đó chỉ có 8 làn điệu chính bao gồm: Xẩm chợ, Thập Ân, Chênh bong, Phồn huê, Riềm huê, Ba bậc, Hò bốn mùa và Hát ai. Sau này, vào khoảng những thập niên đầu thế kỷ 20 còn có thêm làn điệu Tàu điện do các nghệ nhân Hát xẩm hành nghề ở Hà Nội sáng tạo. 8 làn điệu chính của nghệ thuật đã bao gồm đủ các sắc thái, góc cạnh của vui buồn sướng khổ… trong mỗi con người.
Điệu Xẩm chợ xưa kia thường giản dị, ngắn gọn có giai điệu dựa theo thanh điệu, rất đậm tính hát nói, kể lể, dễ hát… ngày nay, điệu xẩm chợ vẫn chứa đựng những yếu tố đặc trưng đó, song làn điệu này lại thường thể hiện sắc thái âm nhạc vui tươi, hóm hỉnh, chộn rộn lòng người. Chẳng hạn như điệu xẩm chợ bài “Mục hạ vô nhân” có lời thơ của thi sĩ Nguyễn Khuyến, thể hiện tâm trạng yêu đời của một anh hát xẩm có cuộc sống vô cùng khó khăn qua màu sắc âm nhạc rất hóm hỉnh: “Có ai lên chốn chợ trời/ Dẫn anh lên khoắng một vài các ả nàng tiên”.
Điệu Chênh bong có nét đặc trưng trữ tình, duyên dáng kết hợp với sự vui vẻ phấn khích, điệu hát này rất hợp khi thể hiện tâm trạng của các chàng trai cô gái đang độ tuổi yêu đương muốn trao gửi nhau những lời ong bướm. Trên thực tế, điệu Chênh bong với điệu Xẩm xoan được cho là có chung cùng một gốc bởi nó có nhiều đặc trưng tương tự nhau. Chẳng hạn như điệu Xẩm xoan “Lơ lửng con cá vàng” được nhiều người biết đến. Song, các nghệ nhân Hát Xẩm xưa kia hầu hết phủ nhận điệu Xẩm xoan nằm trong hệ thống làn điệu Hát xẩm. Sở dĩ có điều này là bởi, Xẩm xoan đã có sự trau truốt hơn, bố cục gọn dàng hơn, cách phát âm nhả chữ mượt mà, đằm thắm hơn do điệu hát này đã được Chèo khai thác để trở thành một làn điệu của nghệ thuật này. Song, phải khẳng định, cả hai làn điệu trong cùng một lời ca tuy có khác nhau do mục đích sử dụng nhưng cùng chung một nguồn gốc. Trong đó, chênh bong của Hát Xẩm mộc mạc hơn, dân giã hơn nên rất có thể nó được ra đời trước và là cơ sở để sáng tạo nên Xẩm xoan. Vì vậy, điều quan trọng nhất là phải nhận biết sự tương đồng và khác biệt giữa hai làn điệu để có cách giới thiệu chính xác tên làn điệu đó. Chẳng hạn khi Nhà xuất bản Âm nhạc phối hợp với Trung tâm Phát triển Nghệ thuật Âm nhạc Việt Nam phát hành album Xẩm Hà Nội có giới thiệu làn điệu Xẩm Xoan Chênh bong Lơ lửng con cá vàng do NSUT Thanh Ngoan thể hiện, các nhà nghiên cứu và bản thân NSUT Thanh Ngoan đã rất chú trọng tới cách phát âm, tới màu sắc âm nhạc với tính chất trữ tình nhưng cũng rất hóm hỉnh của điệu Chênh bong để thể hiện trong tiết mục này.
Phồn huê. Xưa kia các nghệ nhân thường hát điệu này theo kiểu kể ràu, thảm thương về nỗi đau nhục của chị em trong xã hội cũ. Thường những bài được hát ở làn điệu này có nội dung rất dài, có khi lên tới 10 khổ thơ. Những thập niên gần đây, để phù hợp với thẩm mỹ nghệ thuật của người đương thời thì các nghệ nhân, nghệ sĩ Hát Xẩm khi hát làn điệu này đã rút ngắn thời lượng xuống để chỉ còn độ dài khoảng trên dưới 5 phút. Về màu sắc âm nhạc, cách kể ràu đã tương đối khác, nghệ nhân Hát Xẩm chỉ mượn cách kể rầu, kể nỗi khổ của người phụ nữ phong kiến song đã pha trộn sự hóm hỉnh như sự châm biếm, đả kích những thói hư tật xấu còn tồn tại của người chồng, của gia đình và rộng hơn nữa là của xã hội.
Hò bốn mùa là làn điệu duy nhất dùng cho hát tập thể trong hệ thống 8 làn điệu chính của Hát Xẩm. Ở những làn điệu khác cũng có thể có hát đôi hoặc nhiều hơn nhưng bản chất của những làn điệu đó chỉ dùng để hát đơn. Sở dĩ Hò bốn mùa được dùng trong hát tập thể là bởi điệu này xưa kia chuyên dùng trong công việc làm ăn trong năm của nhà nông, chẳng hạn như hát trong lúc đang cấy cầy hay gặt hái. Hò bốn mùa khi ra tới Hà Nội hay các thành thị khác thì được người nghệ nhân Hát Xẩm hát ở các đề tài khác gắn liền với môi trường mới mà họ phục vụ. Điệu hát Hò bốn mùa cổ còn ở dạng thô sơ, mang tính kể lể có hơi hướng gần với điệu hát Trống quân.
Hát ai có tính chất than thở, oán trách song lại pha chút hài hước. Có lẽ vậy mà nghệ thuật hề chèo, khi xây dựng hình tượng nhân vật và tính cách nhân vật của anh hề đã khai thác, sử dụng rất nhiều hát ai của Hát Xẩm. Có một sự khác biệt giữa làn điệu này so với những làn điệu còn lại của Hát Xẩm ở chỗ, nếu như những làn điệu khác điều đứng với vai trò độc lập hoặc vai trò làn điệu chính trong các bài có sử dụng sự kết hợp giữa các làn điệu, chẳng hạn như Xẩm chợ – Tàu điện, thì Hát ai chỉ được xuất hiện ở một số đoạn nhất định có nội dung thương thảm, ai oán trong các bài xẩm dài hoặc xẩm kể chuyện.
Ba bậc là làn điệu khá độc đáo của nghệ thuật Hát Xẩm. Ba bậc thiên về tính tự sự nhưng gắn với tình yêu đôi lứa, thưởng thể hiện tâm trạng của chàng trai về mối tương tư với một cô gái mà chàng yêu. Ba bậc còn có nơi gọi là Ba bực, đây là cách phát âm khác nhau theo các địa phương và thời điểm điệu hát được xuất hiện ở địa phương đó. Ba bậc có hai dạng chính là ba bậc nhịp bằng và ba bậc nhịp đuổi, trong đó phổ biến là Ba bậc nhịp bằng. Sự độc đáo của Ba bậc còn ở chỗ, nếu như các làn điệu khác của Hát Xẩm thường phù hợp với hát ngoài trời thì môi trường diễn xướng của Ba bậc lại gắn với lối hát trong nhà, chính vì vậy mà trong Hát ả đào xưa kia cũng đã khai thác điệu hát này và được gọi là Xẩm nhà trò. Tất nhiên, cũng giống như Phồn huê với Xẩm Xoan, khi Ba bậc được khai thác sang ả đào thì cách hát đã có đôi chút thay đổi, nhưng về lòng bản thì vẫn có mối liên hệ mật thiết với nhau.
Riềm huê cũng tương tự như Ba bậc về nội dung diễn tả, vì làn điệu này thường được lồng vào để hát với những nội dung trao tình, hò hẹn, nhớ thương trông ngóng. Song về tính chất âm nhạc, cách thể hiện thì Riềm huê lại gần giống với Chênh bong, chỉ khác là nội dung thể hiện về tình yêu chứ không phải thân phận người phụ nữ như Chênh bong. Bên cạnh đó, khi thể hiện Riềm huê thành phần dàn nhạc thường còn có thêm cả trống cơm tạo sắc thái đậm đà, thêm phần cuối hút đối người nghe.
Thập ân cũng là một trong những làn điệu rất phổ biến của Hát Xẩm hiện nay. Thập ân là 10 điều ân nghĩa ghi khắc công ơn khổ cực của mẹ cha trong việc nuôi dạy con cái từ lúc mang thai cho đến lúc sinh thành rồi bao nhọc nhằn vất vả nuôi nấng cho đến khi con lớn khôn với mục đích nhắc nhở con cháu không được quên công ơn trời biển của mẹ cha trong việc sinh thành dưỡng dục chúng ta, đồng thời khuyên răn những người con phải ăn ở sao cho tròn đạo hiếu.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 351, tháng 9-2013
Tác giả : Nguyễn Thị Bích Ngoan
Bài viết cùng chủ đề:
Năng lực phản biện khoa học của giảng viên trong nhà trường quân đội
Thế giới quan và phương pháp luận của giảng viên trẻ trong các trường quân đội
Sự chuyển đổi sinh kế của người dân nà lầu, lạng sơn