Nghệ thuật múa dân gian nói chung và nghệ thuật múa của dân tộc Mạ tại tỉnh Lâm Đồng nói riêng đã tồn tại và lưu truyền qua nhiều thế kỷ, thể hiện qua các loại hình như: múa trong lao động, múa trong sinh hoạt, múa trong tín ngưỡng. Trong những năm qua, nghệ thuật múa của dân tộc Mạ tại tỉnh Lâm Đồng luôn nhận được sự quan tâm từ nhiều phía, chính quyền, ngành Văn hóa các cấp và chủ thể đóng vai trò quan trọng với việc bảo tồn giá trị di sản trong đời sống cộng đồng.
1. Khái quát về nghệ thuật múa dân gian của người Mạ ở Lâm Đồng
Các loại hình múa
Các điệu múa của người Mạ mô phỏng những hoạt động trong cuộc sống thường nhật; từ động tác, công cụ, phương thức lao động, mà họ sáng tạo, mô phỏng, cách điệu thành các điệu múa, phù hợp với thẩm mỹ, tâm sinh lý. Múa lao động gồm: múa tuốt lúa, hái rau, bắt cá, phát rừng, cô gái đi rẫy, lên đồi cỏ tranh, đi chăn trâu, quay tơ, say lúa, sàng gạo, chọc lỗ tra hạt… Múa sinh hoạt gồm: múa hái hoa, đội phèng la, đánh phèng la, chim bay, khèn bầu… Múa tín ngưỡng gồm: múa cúng thần, lễ hội đâm trâu, mừng thần múa, mừng thần mặt trời…
Âm nhạc múa
Người Mạ cũng như người Chơro, Xtiêng, hễ có múa thì nhất thiết phải có âm nhạc, không có âm nhạc thì không thể múa được. Âm nhạc là linh hồn mọi hoạt động múa, động tác múa. Các nhạc cụ diễn tấu cho múa của người Mạ khá phong phú, mỗi loại có tính năng và phương thức cấu tạo âm thanh riêng. Kèn bầu được cấu tạo từ quả bầu khô, ống tre, trúc nhỏ, thuộc bộ hơi. Sáo bè được cấu tạo từ những ống tre, trúc nhỏ, thuộc bộ hơi. Dàn ding k’la được cấu tạo từ khúc tre, dâu bằng cật của ống tre, thuộc bộ gẩy. Tù và được cấu tạo từ sừng trâu, thuộc bộ hơi. Chiêng được cấu tạo từ chất liệu đồng; thuộc bộ gõ. Đàn đá được cấu tạo từ những thanh đá; thuộc bộ gõ.
Trong các loại nhạc cụ diễn tấu cho múa, quan trọng và phổ biến nhất là chinh (chiêng), tổ chức thành dàn 6 chiếc. Mỗi chiếc đều được xác định ý nghĩa, vai trò, kích thước, với tên gọi và ngôi thứ trong gia đình. Phân bổ, định vị ngôi thứ trong dàn chinh người Mạ được xác định như sau: chinh mẹ – chinh vàng, có kích thước lớn nhất; chinh cha – chinh rơn có kích thước lớn vừa; chinh chú – chinh dờn, có kích thước vừa; chinh dì – chinh thoòn, có kích thước vừa; chinh chị – chinh mil, kích thước nhỏ; chinh út – chinh thi, có kích thước nhỏ nhất.
Các loại nhạc cụ dân gian của người Mạ là di sản văn hóa quý giá tồn tại, bền vững trong cộng đồng. Nó tham gia và trở thành linh hồn của mọi loại hình sinh hoạt cộng đồng, trong đó có sinh hoạt nhảy múa. Tính năng nhạc cụ diễn tấu cho múa, là một vấn đề cần thiết, là mối quan hệ hữu cơ giữa nghệ thuật múa và nghệ thuật âm nhạc của người Mạ, cũng như các dân tộc.
Đặc điểm của nghệ thuật múa
Đặc trưng trong múa dân gian của người Mạ là động tác múa uốn cổ tay. Trong khi uốn cổ tay, đường uốn gập cổ tay vào phía trong người, dù ở các thế, hướng múa cao thấp, trước sau khác nhau. Khi múa uốn gập cổ tay thì các ngón tay ở thế tự nhiên. Khác với múa của người Kinh, họ thường uốn cổ tay vòng ra và kết hợp uốn các ngón tay; múa người Châuro thì bật, rung bàn tay.
Náo nức ngày hội – nguồn ảnh: internet
Bên cạnh đó, múa nhún giật cũng là đặc trưng trong nghệ thuật múa của người Mạ. Phần múa chân không biến đổi nhiều, song các động tác chuyển động, động tác chân luôn ở thế nhún giật kết hợp với khuỵu chân. Khi bước dài nhún giật co chân, khi bước nhanh nhún giật (chân ký). Múa của người Mạ không có bước nhảy dài hoặc mạnh.
Đặc điểm quan trọng của nghệ thuật múa người Mạ là ở phần mình, tay, tạo ra tuyến cong lượn. Phổ biển là động tác chuyển động theo tuyến cong lượn, nhẹ nhàng. Khác với người Chơro, múa theo tuyến gấp khúc, nhanh, mạnh. Tuyến cong, lượn trong múa người Mạ chủ yếu là ở phần tay.
Người Mạ thường múa dưới nhịp điệu của chiêng, đây là đặc điểm chung của nghệ thuật múa trong vùng. Bên cạnh đó, họ còn múa kết hợp với kèn bầu.
Giá trị của nghệ thuật múa
Đối với dân tộc Mạ, nghệ thuật múa đã biểu đạt những sáng tạo mang giá trị lịch sử, văn hóa và nghệ thuật. Trong nghệ thuật múa, người Mạ luôn sử dụng cồng chiêng – một vật báu linh thiêng để biểu đạt các nét đặc trưng văn hóa, đặc biệt khi thực hành các động tác nhảy múa. Chính vì vậy, nghệ thuật múa Mạ mang đặc điểm múa cổ truyền, chúng là kết quả và minh chứng cho tư duy thẩm mỹ và cấu trúc văn hóa. Những đặc điểm, giá trị sáng tạo múa đều được nảy sinh trên môi trường văn hóa của dân tộc Mạ với 2 loại hình chính: múa tín ngưỡng và múa lao động.
Múa tín ngưỡng: là loại hình sinh hoạt văn hóa của dân tộc Mạ. Từ truyền thống đã dần hình thành trong tâm thức của người Mạ là phải sống chung với núi, rừng, sông suối và phải nhờ vào đó để tồn tại, do đó họ có nhiều tín ngưỡng thờ thần núi, thần rừng, thần suối, thờ mẹ lúa. Xuất phát từ sinh hoạt tín ngưỡng, dân tộc Mạ đã sáng tạo ra các làn điệu múa để phản ánh hiện tượng văn hóa độc đáo này. Trong suốt tiến trình lịch sử, múa tín ngưỡng của dân tộc Mạ luôn được bảo tồn và trao truyền cho các thế hệ kế tục.
Múa lao động: Bắt nguồn từ hoạt động sản xuất thường nhật, người Mạ đã sáng tạo ra nhiều điệu múa phản ánh về lao động sản xuất và đã trở thành kho tàng ẩn chứa nhiều làn điệu múa lao động phong phú, sinh động. Những điệu múa ấy phù hợp với môi trường lao động, công cụ lao động và phương thức lao động của dân tộc Mạ. Đồng thời, các làn điệu múa này một mặt phản ánh, cổ vũ tinh thần lao động thêm hăng say, mặt khác còn phản ánh về ý nghĩa, giá trị trong sáng tạo nghệ thuật, phục vụ đời sống xã hội ở cộng đồng dân tộc Mạ.
2. Công tác bảo tồn giá trị nghệ thuật múa của dân tộc Mạ hiện nay
Trong thực tế, nghệ thuật múa dân gian của người Mạ được lưu truyền từ đời này qua đời khác, phản ánh tư duy và cuộc sống của con người, tạo nên những giá trị văn hóa đặc sắc. Trong những năm qua, vấn đề bảo tồn nghệ thuật dân gian của các tộc người nhận được nhiều sự quan tâm hơn.
UBND tỉnh Lâm Đồng cho phép Trường Trung học Văn hóa Nghệ thuật tỉnh triển khai đề tài nghiên cứu khoa học Nghiên cứu, sưu tầm nghệ thuật hát, nhạc, múa của dân tộc Chơro, Mạ ở Lâm Đồng (2012). Mục đích chính của đề tài là nghiên cứu, sưu tầm nghệ thuật hát, nhạc, múa của dân tộc Chơro, Mạ hiện đang sinh sống trên địa bàn tỉnh. Dựa trên cơ sở nghiên cứu, bộ phận thực hiện xây dựng giáo trình truyền dạy thể nghiệm tại Trường Trung học Văn hóa Nghệ thuật tỉnh và tại chính cộng đồng của các dân tộc Chơro, Mạ. Đến nay, nhà trường đã giảng dạy theo hệ thống động tác múa cơ bản dân tộc Mạ tại cơ sở đào tạo và tại cộng đồng như: Loại múa dao động, tổ hợp A gồm: múa chèo xuồng, tuốt lúa, giã gạo, xay lúa, sàng lúa, mừng lúa; tổ hợp B gồm: múa chọc lỗ, tra hạt, đeo gùi, mang gùi, quay tơ, phóng lao. Loại múa sinh động, tổ hợp A gồm: múa nghe chim hót, chim lượn, lượn quay tròn, chim đậu; tổ hợp B gồm: múa đuổi bướm, hái hoa, chờ bạn, mời bạn uống rượu, múa đội phèng la, múa đánh phèng la. Múa tín ngưỡng, gồm: múa cúng thần, đuổi ma, tạ ơn, mừng thần mặt trời, đón năm mới.
Trong vài năm trở lại đây, ngành Văn hóa các cấp ở tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức được một số hoạt động tuyên truyền quảng bá hình ảnh của nghệ thuật múa dân gian của dân tộc Mạ trên phương tiện thông tin đại chúng như truyền hình, truyền thanh, báo chí… Qua đó, các giá trị văn hóa nơi đây được nhiều người biết tới hơn. Cộng đồng người Mạ ở Lâm Đồng đã tập trung tập luyện và đưa một số tiết mục múa dân gian đặc sắc tham dự các chương trình biểu diễn của tỉnh, huyện và khu vực Tây Nguyên. Đồng thời, họ cũng tích cực tham góp các tiết mục múa đặc sắc trong dịp lễ, Tết, đặc biệt trong ngày đại đoàn kết toàn dân.
Bên cạnh những kết quả đạt được, nghệ thuật múa của các dân tộc thiểu số trên địa bàn Lâm Đồng nói chung, của dân tộc Mạ nói riêng đứng trước những nguy cơ mai một, trong đó có nhiều yếu tố, nguyên nhân cần quan tâm. Trước hết do trong một thời gian dài, nhiều sinh hoạt truyền thống không được duy trì do chiến tranh. Môi trường sống và những sinh hoạt văn hóa mang tính cộng đồng cao như lễ hội, sinh hoạt buôn làng không còn. Đây chính là yếu tố xã hội làm mai một nghệ thuật múa. Bên cạnh đó, do điều kiện kinh tế khó khăn, các dân tộc không có chữ viết, ý thức giữ gìn vốn văn hóa từ cộng đồng chưa cao. Truyền dạy chủ yếu ở gia đình hoặc trong các buổi sinh hoạt cộng đồng. Vì vậy, số người lớn tuổi mất đi đồng nghĩa với những hiểu biết, vốn di sản của họ cũng vì thế mà không còn. Trong xu thế hiện nay, thế hệ trẻ có cơ hội tiếp xúc với nhiều giá trị văn hóa hiện đại, nên chưa hiểu, quý trọng và có điều kiện để gìn giữ, phát huy vốn di sản của dân tộc, trong đó có nghệ thuật múa. Hơn nữa, công tác bảo tồn nghệ thuật dân gian truyền thống chưa thực sự được quan tâm. Nhiều công trình nghiên cứu chỉ chú trọng đến văn hóa vật thể mà xem nhẹ văn hóa phi vật thể. Trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, chỉ duy nhất Trường Trung học Văn hóa Nghệ thuật có chương trình nghiên cứu, giảng dạy nghệ thuật múa của người Mạ. Một số chương trình, tiết mục được sưu tầm, biên soạn trên cơ sở vốn gốc đã góp phần không nhỏ trong việc bảo tồn, phát huy giá trị của nghệ thuật múa nhưng chưa thật sự mang lại hiệu quả cao.
Cuộc sống xã hội của người Mạ cũng như các dân tộc thiểu số khác trong vùng đã có nhiều biến đổi, đời sống văn hóa tinh thần, vật chất và hiểu biết của người dân đã có bước tiến mới. Song, trong thực tế, số người thích múa, biết múa không nhiều, môn nghệ thuật này thực sự thiếu hụt về nguồn nhân lực. Để bảo tồn và phát huy giá trị của nghệ thuật múa dân gian người Mạ tại tỉnh Lâm Đồng trong thời gian tới, các cấp chính quyền và người dân cùng thực hiện đồng bộ các giải pháp:
Tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng
Các cấp, ngành cần tập trung triển khai công tác tuyên truyền, giáo dục để nâng cao ý thức tự giác của người dân, nhằm khơi dậy lòng tự hào đối với các di sản văn hóa của cộng đồng. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến để người dân hiểu được nội dung giá trị văn hóa, giá trị tư tưởng, thẩm mỹ của nghệ thuật múa trong đời sống xã hội hiện nay thông qua các hình thức: hội thảo, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ quần chúng, thành lập các câu lạc bộ yêu thích múa…
Hỗ trợ nguồn kinh phí cho hoạt động bảo tồn
Chính quyền địa phương tỉnh Lâm Đồng cần nghiên cứu hỗ trợ nguồn kinh phí cho hoạt động bảo tồn nghệ thuật múa dân gian của dân tộc Mạ. Kinh phí hỗ trợ tập trung vào nghiên cứu, sưu tầm, tư liệu hóa, hoạt động tuyên truyền, quảng bá để cộng đồng hiểu và có những ứng xử, động thái tích cực đối với nghệ thuật múa dân gian của dân tộc Mạ tại vùng đất Tây Nguyên hiện nay.
Tổ chức nghiên cứu, sưu tầm và tư liệu hóa
Cần có sự phối hợp đồng bộ giữa cơ quan quản lý với người dân địa phương trong công tác nghiên cứu, sưu tầm các điệu múa truyền thống của người Mạ; tiến hành lập kế hoạch cho từng giai đoạn. Việc lập kế hoạch thuộc trách nhiệm của cơ quan chủ quản, được giao để điều hành công tác nghiên cứu, sưu tầm. Kế hoạch lập ra phải phù hợp với tình hình địa phương, đội ngũ các bộ chuyên môn, phụ thuộc vào nguồn kinh phí chi trả, điều quan trọng là yêu cầu kế hoạch phải có tính khả thi và đạt hiệu quả. UBND tỉnh Lâm Đồng cũng như Sở VHTTDL, Phòng VHTT của các huyện cần phối hợp, tham khảo ý kiến các nhà nghiên cứu, chuyên gia về văn hóa…
Đa dạng hóa các hình thức quảng bá nghệ thuật múa Mạ
Cần có chuyên mục phát sóng riêng về múa dân gian của dân tộc Mạ trên truyền hình của tỉnh, hai hoặc ba lượt/ tuần, 20-25 phút vào giờ vàng, nội dung biên soạn ngắn gọn, sinh động (phải chọn lọc những tiết mục có chất lượng nghệ thuật tốt, gây sự hấp dẫn để lại ấn tượng cho người xem). Để thực hiện được công việc này, Sở VHTHDL Lâm Đồng và Đài Phát thanh, Truyền hình tỉnh cần có sự phối hợp chặt chẽ để chương trình quảng bá về nghệ thuật múa Mạ thực sự có ý nghĩa và thỏa mãn nhu cầu thưởng thức văn hóa tinh thần của quần chúng nhân dân.
Bên cạnh đó, cần lập một chuyên mục trên cổng thông tin điện tử của tỉnh, huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn để quảng bá các giá trị nghệ thuật múa Mạ tại Lâm Đồng. Đăng tải những bài viết, công trình nghiên cứu về văn hóa văn nghệ dân gian và video về những điệu múa do các diễn viên chuyên nghiệp hoặc nghệ nhân người Mạ thể hiện. Đồng thời, truyền tải những nội dung thông tin, hình ảnh trên thông qua các trang mạng xã hội như: Facebook, Zalo, Youtube…
Tích cực tham gia các sự kiện văn hóa cấp địa phương, quốc gia như: Festival hành trình di sản, Tuần lễ văn hóa Lâm Đồng, Ngày hội văn hóa các dân tộc miền núi vùng Tây Nguyên, Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam…
Đề cao vai trò của cộng đồng
Trong quá trình phát triển và sinh sống, dân tộc Mạ ở tỉnh Lâm Đồng đã sáng tạo, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa đặc sắc, trong đó có múa dân gian. Với tư cách là chủ thể văn hóa, người Mạ đã sáng tạo ra múa dân gian vừa có tính đặc trưng riêng của dân tộc mình, vừa có sự giao lưu, tiếp biến văn hóa với các cộng đồng khác. Đồng thời, vai trò cộng đồng dân tộc Mạ còn thể hiện trong việc phát hiện, sưu tầm những tài liệu, hình ảnh liên quan đến nghệ thuật múa dân gian, tổ chức trao truyền, tư liệu hóa di sản văn hóa… Đây là cơ sở cho người dân bản địa có điều kiện tổ chức, phối hợp với các đơn vị lữ hành trong hoạt động khai thác nghệ thuật múa dân gian đối với loại hình du lịch cộng đồng tại địa phương trong thời gian tới.
______________
1. Lê Ngọc Canh, Đại cương nghệ thuật múa, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2002.
2. Ngân Quý, Những vấn đề kế thừa và phát huy múa dân gian Việt Nam, Hội nghệ sĩ Múa Việt Nam, 2007.
3. Lâm Tô Lộc, Múa dân gian các dân tộc Việt Nam, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 1994.
4. UNESCO, Công ước về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, cuộc họp phiên thứ 32 tại Pari từ ngày 29-9 đến 7-10- 2003.
Tác giả: Lê Quỳnh Trang – Nguyễn Thị Phương Thanh
Nguồn: Tạp chí VHNT số 433, tháng 7-2020
Bài viết cùng chủ đề:
Festival Huế – Nét đẹp văn hóa dân tộc Miền Trung Việt Nam
Mối quan hệ giữa chính sách văn hóa và sáng tạo trong lĩnh vực nghệ thuật ở nước ta
Ý nghĩa và giá trị thẩm mỹ của biểu tượng cá hóa rồng trong mỹ thuật triều Nguyễn