Chùa Thầy là một di tích kiến trúc Phật giáo nổi tiếng thuộc xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Tây, Hà Nội. Không chỉ đẹp về kiến trúc với dạng chùa khá độc đáo điển hình của dạng chùa tiền Phật hậu thánh TK XVII, chùa Thầy còn được biết đến như một tuyệt tác cuả bàn tay con người giữa một kỳ quan thiên nhiên “hữu động, hữu hồ, hữu thiên thị, giang sơn nhất đới biểu kỳ quan” (có động, có hồ, có chợ trời, núi sông tiêu biểu giải kỳ quan).
Đặc biệt hơn cả, chùa Thầy là nơi in đậm dấu ấn quá trình tu luyện với những huyền tích nổi tiếng của vị thiền sư theo Mật giáo thời Lý là Từ Đạo Hạnh. Ông còn được suy tôn là tổ nghề rối nước ở nhiều nơi, nổi tiếng là vùng Hà Tây (nay là Hà Nội). Ngoài những nghi lễ Phật giáo trong hội lễ chùa Thầy thì điểm cuốn hút khách hành hương đến với hội chùa là được thưởng thức nghệ thuật rối nước, chỉ được biểu diễn duy nhất một lần trong năm tại nhà thủy đình trước chùa để tưởng nhớ vị tổ Từ Đạo Hạnh.
Theo các thư tịch cổ, múa rối nước đã rất thịnh hành trong cung đình ở TK XI. Song múa rối cũng đã tồn tại trước đó ở các làng quê. Tương truyền trên đường hành đạo, Từ Đạo Hạnh đã đi qua nhiều nơi, để lại nhiều công trạng, dấu tích, trong đó có việc truyền nghề múa rối nước cho dân làng Nam Giang, Nam Trực (Nam Định) và dân làng một số vùng ở Thái Bình, Ninh Bình và đặc biệt là dân làng Ra, tên chữ là làng Phú Đa, nay là Phú Hòa, Thạch Thất, Hà Nội. “Huyền tích kể rằng Từ Đạo Hạnh trên đường đi giảng đạo qua đất làng Ra, thấy cảnh trí vui tươi, người dân cởi mở, yêu văn nghệ, ngay cả thành hoàng làng cũng có biệt hiệu là Đào Khang Tiếu (tiếu: cười) nên ngài đã đem nghề rối truyền dạy cho dân trong làng”(1).
Đồng thời để “lo cho việc giữ gìn nghề rối và việc cúng giỗ mình sau này ngài đã để cho dân làng Ra 3 mẫu ruộng hậu ở các xứ Đồng So, Đồng Quê. Chính vì thế hàng năm vào dịp hội Thầy, phường rối làng Ra và chỉ có phường này mới được về diễn chầu ở thủy đình trên hồ Long Trì kéo dài trong 3 ngày từ mùng 5 đến mùng 7 âm lịch. Phường rối dâng cúng lễ vật và biểu diễn để tỏ lòng tôn kính người sáng lập nghề”(2).
Nhà rối nước thủy đình trước chùa Thầy đến nay vẫn được xem là nhà thủy đình cổ và đẹp nhất nước ta, xây vào khoảng thời Hậu Lê (1533- 1788). Nằm giữa cảnh quan thiên nhiên sơn thủy hữu tình, kiến trúc thủy đình càng nhấn mạnh thêm vẻ cổ kính của quần thể danh thắng chùa Thầy. Với nét cong của mái, rỗng đặc của những ô cửa chữ thọ, ẩn hiện, in lồng trong bóng núi Long Đẩu trên mặt hồ Long Trì càng tạo nên vẻ huyền ảo, cổ kính, sắc không cho tinh thần Phật giáo chùa Thầy.
Trong ngày hội, nhà thủy đình được trang hoàng rực rỡ với cờ ngũ sắc, tấm vải trang trí các hình long, ly, quy, phượng. Dưới diềm mái và trên nóc thủy đình là một tấm vải có dòng chữ “Lạc thủy hành” với ý nghĩa là một trò chơi dưới nước. Xung quanh thủy đình được trang trí những cây cau, hai bên phía trước là hai hàng lính áo nâu, góc trái là chỗ cho trò chơi đánh đu, bên phải nơi dành cho những sinh hoạt lao động như xay lúa, giã gạo. Những hình ảnh về làng quê, với những sinh hoạt, lễ hội như được tái hiện thu nhỏ sống động trên mặt nước, có một sức hấp dẫn đối với người xem, góp phần tạo nên không khí hội hè nơi thôn dã.
Trong khi lễ cúng yên vị đang diễn ra long trọng, linh thiêng tại chùa Hạ thì tại thủy đình, phường rối làng Ra cũng bắt đầu chương trình biểu diễn. Khi tiếng trống, tiếng nhạc nổi lên, cờ hoa rộn rã, các con rối bất ngờ xuất hiện trên mặt nước cũng là lúc tiếng hò reo náo nhiệt của khách thập phương vang lên, khiến mọi người đổ xô đến quanh hồ để được chứng kiến những tiết mục hấp dẫn của rối nước làng Ra.
Trên mặt nước, gần 20 tiết mục rối thoắt ẩn hiện từ sau nhà thủy đình ra giữa hồ lần lượt được các nghệ nhân trình diễn khéo léo kết hợp ăn nhịp với tiếng nhạc của đàn, nhị, sáo, trống, mõ, xô, thanh la… cùng những lời hát diễn làm cho các tiết mục, các nhân vật rối trở lên sống động, có linh hồn, lôi cuốn người xem vào màn biểu diễn ấn tượng.
Các tiết mục rối được trình diễn hết sức chặt chẽ. Thay bằng sự xuất hiện của chú tễu như những phường rối khác, nhân vật mở màn đặc sắc của rối chùa Thầy là tướng loa trong trang phục của một võ tướng, mình mặc áo giáp trụ, áo mũ cân đai chạm rồng phượng, khuôn mặt uy nghi, tay cầm một chiếc loa (3):
Loa! Loa! Loa! Loa
Nhớ xưa gốc cũ
Từ Lý, Trần, Lê
Luyện chắc tay nghề
Mua vui thủy hý
Có rồng, có cá
Có cả thuồng luồng
Có ngựa ruổi rong
Có người bơi lội
Leo thang rước kiệu
Đu tiên bật cờ
Nhiều trò bất ngờ
Kể sao cho xiết
Trống lệnh đã dứt
Mau kéo quân ra
Biểu diễn. Loa! Loa! Loa! Loa.
Ngắn gọn, súc tích, lời dẫn của tướng loa như một lời thông báo, mời chào, giới thiệu gốc tích nghề rối, cũng như những tiết mục hấp dẫn sẽ được trình diễn theo thể thức của một buổi dàn quân trong chiến trận. Hình ảnh một vị tướng uy nghi, linh hoạt, oai phong đã làm lên một nét riêng, khó phai với người xem cũng như của rối làng Ra, thậm chí còn đi vào các câu ca (4):
Ai về Bình Phú đất quê ta
Nhớ ghé thăm phường rối làng Ra
Hàng Trăm tích trò phong phú quá
Ra vào ẩn hiện bởi tướng loa
Sau màn giới thiệu trịnh trọng của tướng loa, người xem được thức những nét văn hóa truyền thống qua tiết mục mời trầu, tặng hoa đặc sắc chỉ có ở rối chùa Thầy bởi nó liên quan tới kỹ thuật điều khiển rối. Tiết mục là một hình thức giao lưu vừa trang trọng vừa thân mật giữa những con rối với người xem.
Trên nền tiếng hát ngọt ngào, da diết, xen những lời diễn vần ca ngợi cảnh đẹp quê hương đất nước, điểm thêm tiếng trống, nhạc là ba quân rối dàn hàng ngang tiến thẳng từ buồng trò ra sát mép bờ hồ, tay bưng cơi trầu dâng mời khách với những lời da diết tình nghĩa (5):
Cơi trầu điếu thuốc trân trọng kính mời
Tình sâu nghĩa nặng, son sắt muôn nơi
Điếu thuốc miếng trầu nhớ câu tình nghĩa
Lời hát vừa dứt, một đại diện cho những nghệ nhân cao tuổi ra nhận trầu rồi chia đều cho bà con đứng xem, đồng thời tặng lại phường rối hoa và quà. Tiết mục thú vị và lạ mắt này có được nhờ kỹ thuật đóng cọc, kéo dây cho phép con rối có thể tiến sát tận mép hồ. Nhưng nó cũng đòi hỏi kỹ thuật cao trong việc điều khiển dây ra vào mà không bị rối. Đây là điểm đặc sắc riêng và cũng là một bí truyền của phường rối.
Ba chú rối vừa khuất sau màn che thì một hồi trống nhịp, nhạc phách nổi lên rộn rã với lời thách thức một cuộc đua leo cột, cắm cờ, đốt pháo(6):
Anh em ơi!
Sao
Cột cao chót vót
Leo tới cắm cờ
Cờ bay phấp phới
Trèo lên đốt pháo nhé
Rồi một quân rối xanh và một quân rối đỏ từ buồng trò cầm cờ tiến ra trong tiếng trống dục nhanh tay treo vào cột cờ dựng giữa hồ. Cuối cùng quân rối đỏ cắm được trước rồi trở về trong tiếng vỗ tay nồng nhiệt của khán giả. Tất cả làm cho không khí quanh hồ thêm náo nhiệt, rộn rã.
Sau tất cả những màn chào hỏi, thi thố vui vẻ sẽ đến tiết mục trọng tâm của buổi biểu diễn. Đó là tiết mục “rước kiệu rời tượng”. Đây là một tiết mục tái hiện cảnh rước tượng Từ Đạo Hạnh linh thiêng để tỏ lòng biết ơn đối với vị tổ khai sáng nghề rối, và quá trình tu luyện của Từ Đạo Hạnh từ thần thành Phật mà dân gian vẫn quen gọi là “đi thần về Phật”. Tiết mục như một sự thu nhỏ của nghi lễ rước bài vị thánh của các làng trong hội chùa Thầy, giờ đây được thể hiện sinh động bằng những nhân vật rối. Đây cũng là một tiết mục khó vì các nghệ nhân phải điều khiển nhiều quân rối cùng một lúc, với nhiều hành động phức tạp như chuyển tượng Từ Đạo Hạnh từ kiệu sang bệ thờ.
Nghi lễ rước kiệu diễn ra hết sức trang trọng, trong tiếng nhạc lưu thủy kim tiền, lời ca réo rắt (7):
Mở đầu hội đám
Rước kiệu tưng bừng
Rước lên kiệu lớn
Nhớ ơn nghề tổ
Lễ bái ghi ơn
Cụ từ trang nghiêm
Thân nghinh Đức tượng
Rồi tiếng trống thúc một hồi dồn dã, tượng Đức Thánh được rước lên cỗ kiệu bát cống với đầy đủ tám người khiêng cùng cờ quạt, võng lọng, phường bát âm và đoàn người tháp tùng. Lời ca lại vang lên (8):
Kiệu vàng tán lá
Ngựa hý voi gầm
Tả hữu hàng quân
Cờ bay phấp phới
Cụ ông đi trước
Vãi bà đi sau
Dân xã thỉnh cầu
Toàn dân thịnh vượng
Kết thúc một vòng rước quanh sân khấu sẽ là nghi thức quan trọng – nghi lễ đổi kiệu. Đoàn rước dừng lại trước một bệ thờ, một quân rối đứng sẵn ở đó nâng tượng từ kiệu đặt sang bệ thờ, rồi chắp tay hành lễ. Đoàn rước từ từ trở về buồng trò, kết thúc một nghi lễ Phật giáo linh thiêng.
Sau không khí linh thiêng, tôn kính, ngưỡng vọng của người dân với vị tổ nghề, vị thánh, vị Phật của họ, mọi sinh hoạt vui chơi lễ hội dân gian lần lượt được trình diễn vui vẻ, sống động. Những lời ca, tiếng hát dân dã của người nông dân, đặc biệt là ca ngợi nghề nông, nghề trồng trọt, chăn nuôi, đánh cá… mang lại niềm vui cho cuộc sống của thôn làng. Lúc này nhân vật tễu với những lời lẽ dí dỏm mới xuất hiện, tạo lên những tiếng cười, tiếng vỗ tay ròn rã.
Trên mặt nước hồ lung linh, chỗ này hai vợ chồng lão đánh cá đang cố chụp một con cá to mà không được khiến khán giả được một bữa cười hả hê; chỗ kia những chú trâu đang hăng máu chọi nhau, góc nọ bốn anh trai làng mình trần vận khố đang thi leo thang thì bất thần thang đổ làm cho người xem lại được mẻ cười no nê… Dưới sự phản quang kỳ ảo của mặt nước, những con rối màu sắc sặc sỡ được điều khiển khéo léo khiến người xem như đang được chứng kiến những diễn viên thật sự biểu diễn. Người xem như bị hút hồn bởi những con rối lung linh biến ảo vừa thực vừa hư gợi lên những cảnh sống, những sinh hoạt đời thường của người dân vùng quê châu thổ Bắc Bộ, làm rung động lòng người.
Có thể thấy lễ hội là một phần không thể thiếu, không tách rời khỏi nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc, làm sinh động, phong phú, rõ nét thêm cho một công trình kiến trúc cổ. Lễ hội và nghi lễ phật giáo là thời điểm tích tụ nhiều loại hình nghệ thuật tổng hợp như nghệ thuật biểu diễn, nghệ thuật diễn xướng, nghệ thuật tạo hình… Hội chùa Thầy cũng vậy, dù chỉ diễn ra trong ba ngày nhưng đó là những thời điểm kết tụ được tinh hoa của nhiều loại hình nghệ thuật trong đó có nghệ thuật rối nước. Với sự khéo léo tài tình, các nghệ nhân đã biến những con rối tưởng như vô tri trở nên sống động, có hồn, cuốn hút người xem vào những tiết mục vui nhộn, dân dã của cuộc sống nông thôn Việt Nam xen với tín ngưỡng Phật giáo, in đậm từ tích trò đến cách tạo tác con rối. Đời và đạo, dân gian và nghi lễ, nghệ thuật và cuộc sống cứ như vậy đan xen nhau, thấm sâu vào đời sống tâm hồn người dân, làm lên nét văn hóa riêng cho vùng Sài Sơn cũng như lễ hội chùa Thầy.
_______________
1. Yên Giang, Đôi điều về rối nước làng Gia, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật số 5-1999.
2. Nguyễn Huy Hồng, Rối nước Việt Nam, Nxb Sân khấu, Hà Nội, 1996.
3, 4, 5, 6, 7, 8. Vũ Tú Quỳnh, Múa rối nước dân gian làng Ra, luận văn thạc sĩ văn hóa học, 2004.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 300, tháng 6-2009
Tác giả : Đặng Thị Phong Lan
Bài viết cùng chủ đề:
Nghệ thuật tạo hình trong sân khấu kịch nói
Kế thừa và biến đổi âm nhạc chèo
Nghệ thuật sân khấu dù kê, di sản văn hóa của dân tộc và nhân loại