Nghệ thuật sắp đặt ánh sáng qua một số triển lãm tại hà nội


          NTSĐ (installation art) ngày nay đã trở thành một danh từ, một khái niệm phổ biến tại Việt Nam. Từ khoảng giữa thập kỷ 90 TK XX, bắt đầu với chỉ một số ít nghệ sĩ, NTSĐ (NTSĐ) xuất hiện trong sự đón nhận đầy bỡ ngỡ, xa lạ, dè dặt của đại bộ phận công chúng và giới sáng tác. Cho tới nay, với hành trình gần hai thập kỷ của mình, NTSĐ ngày càng thu hút được số đông các nghệ sĩ tham gia sáng tác và công chúng thưởng ngoạn.

Nếu những tác phẩm NTSĐ xuất hiện ở thời kỳ đầu ngoài sự mới lạ về hình thức, vẫn còn những hạn chế mang tính căn bản về lý luận, học thuật, thì cho tới nay, NTSĐ đã phát triển mạnh với nhiều hình thức hết sức đa dạng, đôi khi ranh giới phân biệt giữa nó và những loại hình nghệ thuật khác (điêu khắc, môi trường, địa hình…) khó có thể xác định một cách rõ ràng. Hơn nữa, một trong những đặc điểm nổi bật của nghệ thuật đương đại là sự pha trộn của hình thức, thẩm mỹ, vì thế, NTSĐ hiện nay có một diện mạo hết sức phong phú, đã xuất hiện sắp đặt kết hợp âm thanh, sắp đặt kết hợp video, trình diễn và sắp đặt ánh sáng. Bài viết dưới đây có mục đích phác họa những nét khái quát về NTSĐ ánh sáng, một thể loại tuy chưa thực sự phổ biến nhưng đã từng có ấn tượng tốt trong không khí hoạt động sáng tạo tại Hà Nội.

 

Sơ lược về nghệ thuật ánh sáng

Trước hết, cần phân biệt giữa NTSĐ ánh sáng với những hình thức sử dụng ánh sáng vào các mục đích trang trí, thương mại, tuyên truyền khác. Nếu sử dụng ánh sáng nhân tạo nhằm vào mục tiêu trang trí các công trình kiến trúc ngoài trời (kiến trúc cảnh quan công cộng: cầu, phố xá, công viên, đài phun nước, cây cối…), có thể xếp vào loại hình nghệ thuật công cộng (public art); thì các hoạt động thương mại có sử dụng ánh sáng hỗ trợ khác như: quảng cáo, tô điểm khách sạn, nhà hàng, dinh thự… không được xếp vào các loại hình nghệ thuật. Đối với các hình thức nghệ thuật có sử dụng ánh sáng như một công cụ cần thiết như: sân khấu, biểu diễn… thì năng lực hỗ trợ của ánh sáng chỉ tính theo mức độ ứng dụng, giá trị nghệ thuật gắn liền với loại hình mà nó hỗ trợ, không đứng độc lập. Ngoài ra, cần phân biệt NTSĐ ánh sáng với một hình thức nghệ thuật gần đây đang dần phổ biến, nghệ thuật light graffiti, dùng ánh sáng làm chất liệu để vẽ (trời tối sử dụng đèn vẽ nhanh vào không khí, ghi lại đồng thời bằng máy ảnh tốc độ chậm…).

Nghệ thuật sử dụng ánh sáng (tự nhiên, nhân tạo) đã có lịch sử phát triển lâu dài. Xa nhất có thể kể đến nghệ thuật sử dụng ánh sáng trong các công trình tôn giáo. Tuy nhiên, phải tới thời hiện đại, khi ánh sáng điện (bóng đèn dây tóc) được phát minh cùng với các thành tựu khoa học kỹ thuật khác, ánh sáng mới được sử dụng như một chất liệu nghệ thuật thị giác độc lập. Nghệ sĩ ánh sáng là người sử dụng nguồn sáng nhân tạo làm phương tiện cho hoạt động sáng tạo của mình. Một trong những nghệ sĩ nổi bật, được coi là người tiên phong trong loại hình nghệ thuật này là Lázló Moholy Nagy (1895-1946, từng là giảng viên trường Bauhaus, Đức, sau di cư sang Mỹ) với những tác phẩm có tên gọi Licht Raum Modulator (sáng tác và trưng bày trong khoảng 1920-1930). Đó là tác phẩm có hình dạng một cái hòm gỗ, ở trong lắp nhiều bóng đèn màu, thông qua một hệ thống chuyển động những luồng ánh sáng chiếu lên tường (một căn phòng tối) sẽ thay đổi theo nhịp điệu, màu sắc, đường nét được tính toán trước. Ngoài ra, cần kể tới Dan Flavin (Mỹ, 1933-1996) là nghệ sĩ đầu tiên đã sử dụng những ống nhựa phát quang như một chất liệu chính trong các tác phẩm của mình. Tiếp bước Lázló Moholy Nagy, ngày nay đã có một thế hệ những nghệ sĩ chuyên sáng tác bằng chất liệu ánh sáng. Hiện trên thế giới có Zentrum for Internationale Lichtkunst Unna (Trung tâm quốc tế nghệ thuật ánh sáng Unna – một vùng thuộc bang Nordrhein Westfalen, CHLB Đức) là một bảo tàng duy nhất chỉ trưng bày những tác phẩm thuộc nghệ thuật ánh sáng. Bảo tàng này hiện lưu giữ những tác phẩm của những tên tuổi nổi tiếng chuyên sáng tác bằng ánh sáng như: Mario Merz, Joseph Kosuth, James Turrell, Mischa Kuball, Rebecca Horn, Christina Kubisch, Keith Sonnier, Jan van Munster, Francois Morellet, Christian Boltanski và Olafur Eliasson.

Như vậy, những tác phẩm sắp đặt ánh sáng đề cập trong bài viết sẽ được khảo sát dưới các đặc điểm:

Tác phẩm có tính phi thương mại.

Ánh sáng được sử dụng như một chất liệu, một ngôn ngữ độc lập dưới hình thức NTSĐ.

Được dàn dựng, bố trí theo ý tưởng, chủ đề cụ thể, có tính chiếm lĩnh không gian mạnh.

Ánh sáng là một chất liệu trong tổng thể một tác phẩm sắp đặt, có vai trò cụ thể (nằm ngoài yếu tố chiếu sáng thông thường).

 

Một số tác phẩm sắp đặt ánh sáng tiêu biểu tại Hà Nội

Nếu kể tên một tác phẩm sắp đặt ánh sáng thuần chất nhất trên địa bàn Hà Nội, chắc chắn phải nhắc đến tác phẩm của nghệ sĩ Đức Herbert Cybulska tại khuôn viên Viện Goethe, 56-58 Nguyễn Thái Học, được làm từ tháng 5-2010. Đó là một tác phẩm dưới dạng những khối ánh sáng nhiều màu, được thiết kế, sắp xếp thay đổi theo một số vị trí của khu vực bể phun nước, trên tường, ngay sát lối đi…, chúng thực sự đã tạo ra những điểm nhấn bằng ánh sáng trong không gian. Viện Goethe đã thay đổi qua vẻ đẹp của một hòa sắc lam hồng hiện đại. Cũng có thể nói rằng, nếu những khối ánh sáng (được tạo hình từ chất liệu thủy tinh, hệ thống phát sáng màu dấu kín bên trong) không được tạo hình khác lạ, không được sắp xếp theo cách bố cục chủ quan của nghệ sĩ Herbert Cybulska, mà lại là những bóng đèn điện thông thường, thật khó mà khẳng định rằng, đó là một tác phẩm sắp đặt ánh sáng. Tuy nhiên, đây là một thiết kế có tính toán kỹ lưỡng tới sự phối hợp với các thành phần kiến trúc, các khối ánh sáng không quá nổi bật mà đã kết hợp hài hòa với không gian, tạo ấn tượng dễ chịu, thanh lịch, được sử dụng lâu dài như một thành phần cố định của tổng thể kiến trúc, cảnh quan.

Entertaiment sáng tác 2010 tại Nhà Sàn Studio là một tác phẩm tổng hợp sắp đặt, trình diễn, âm nhạc, video, múa… có sử dụng ánh sáng như một thành phần quan trọng, có tính quyết định, do nghệ sĩ Mỹ Rodney Dickson cùng các nghệ sĩ Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng, Đinh Công Đạt, Trinh Thi… thực hiện. Ở tác phẩm này, các nghệ sĩ muốn bê nguyên một mảng hiện thực sinh động, phong phú của đời sống xã hội vào trong triển lãm. Tầng dưới của ngôi nhà sàn đã diễn ra cùng lúc các hoạt động phổ biến nhất như quán nước trà, quầy bar, bếp ăn, người đi xe đạp, xe máy, một vũ công múa với những pho tượng thờ, những người thợ thủ công đang làm việc… và một ban nhạc. Tất cả các hoạt động live và trong suốt thời gian diễn ra tác phẩm, toàn bộ không gian được bao phủ bởi một nguồn ánh sáng duy nhất có màu đỏ hồng, khá nhức mắt và dị. Mảng đời sống hết sức nháo nhào, pha tạp, lộn xộn sẽ là bình thường, quá quen như cơm bữa nếu chúng không bị nhuộm trong một thứ ánh sáng đầy tính ám thị, căng thẳng ấy. Mọi hoạt động cứ diễn ra liên tục, càng về cuối càng bị những âm thanh điện tử chát chúa, không tiết tấu, vô nhịp điệu (Nguyễn Mạnh Hùng và Đinh Công Đạt thực hiện) đẩy vào trạng thái dồn ép. Khán giả càng lúc càng cảm thấy không thể bứt ra được khỏi môi trường đặc quánh ấy, bị nó bủa vây, chi phối dữ dội. Có thể đó là tác phẩm không thể gọi tên chính xác là sắp đặt ánh sáng nhưng vai trò của thứ ánh sáng nhầy nhầy, sền sệt màu hồng trong tổng thể toàn bộ cấu trúc, ý đồ tác phẩm là rất mạnh mẽ.

Nghệ sĩ Đào Anh Khánh từ lâu đã nổi tiếng với những show trình diễn hoành tráng cả trong không gian studio và sân khấu ngoài trời dài hàng cây số trên đê Ngọc Thụy, quận Long Biên. Sau những màn Đáo Xuân hàng năm, dự án Dòng chảy 1000 năm (2010) của anh với 3 triển lãm Hội tụ ánh sáng, Cầu âm thanhCây đời là các triển lãm hết sức quy mô dưới hình thức là những màn trình diễn tổng hợp, quy tụ nhiều nghệ sĩ và thực hiện kết hợp nhiều loại hình nghệ thuật nhất. Xuyên suốt cả 3 triển lãm, ánh sáng luôn có một vị trí đặc biệt. Lúc trong vai trò chủ đạo (triển lãm Hội tụ ánh sáng), lúc có vai trò là một phần trong bố cục không gian tổng thể. Trên hết, trong tất cả các tiết mục triển lãm, ánh sáng đều không chỉ dừng ở mức độ chiếu sáng sân khấu, nó luôn xuất hiện cùng với những đối tượng được tạo hình cụ thể, sắp xếp theo chủ đích trong không gian. Những tạo hình giống búp măng khổng lồ, hay hình linga của Đào Anh Khánh được nhuộm màu khác nhau đã tạo ra một tổng thể hòa sắc rực rỡ, mang ấn tượng một không gian sắp đặt ánh sáng kỳ vĩ. Triển lãm cuối cùng của dự án Dòng chảy 1000 năm – Cây đời có quy mô hơn cả. Ánh sáng trong triển lãm được sắp đặt phong phú và được đánh giá rất cao. Ngoài ra, trong Hội tụ ánh sáng, những tác phẩm của các nghệ sĩ Lê Quảng Hà, Bích Thủy, Đỗ Minh Tâm, Quánh Phương Đông, Đinh Gia Lê, Vũ Hồng Ninh… đều sử dụng ánh sáng như một ngôn ngữ chính, có tiếng nói quyết định trong tác phẩm. Một số còn mang tính tương tác cao giữa ánh sáng và người xem, truyền đạt thông điệp dưới những hình thức thú vị (tác phẩm Con đường ánh sáng)…

Ngoài một số triển lãm tiêu biểu nêu trên, ánh sáng còn xuất hiện tại một số triển lãm NTSĐ khác với vai trò là một yếu tố thị giác trong tổng thể không gian. Tuy không nhiều, nhưng có thể kể đến tác phẩm Hình thể của nhà điêu khắc Đào Châu Hải trong triển lãm Hợp thể, 2011 có sử dụng ánh sáng trong sự kết hợp với ngôn ngữ điêu khắc. Một workshop chuyên về ánh sáng và hướng dẫn thực hành nằm trong khuôn khổ dự án Open Academy 2010 (Curator Veronika Radulovic và Andreas Schmid) tại trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam đã cho ra kết quả là một triển lãm sắp đặt ánh sáng rất ấn tượng ngay khuôn viên nhà trường.

         …Có thể thấy, tiềm năng của NTSĐ ánh sáng trong ngữ cảnh công nghệ điện tử, tin học phát triển mạnh như hiện nay là rất lớn. Với đà xuất phát đầy hứa hẹn, nghệ thuật ánh sáng nói chung, NTSĐ ánh sáng chắc chắn sẽ mang đến nhiều trải nghiệm thị giác lý thú cho công chúng.


Nguồn : Tạp chí VHNT số 326, tháng 8-2011

Tác giả : Đinh Gia Lê

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *