Nghệ thuật tạo hình và tạo hình phim truyện (p2)


Với một tác phẩm nghe – nhìn đúng nghĩa, khi thưởng thức, người xem không chỉ đòi hỏi được nhìn rõ hình ảnh mà còn muốn nghe rõ mọi tiếng động, âm thanh, từ lời thoại, nhạc nền, đến cả một làn hơi thở nhẹ của nhân vật. Kết quả nghiên cứu khoa học cho thấy, trong cơ quan cảm giác của con người tác dụng của mắt chiếm 80% trong khi các giác quan khác chỉ có 20%, nghĩa là thị giác đóng vai trò chủ đạo. Tuy hình tượng thị giác trên màn ảnh không chỉ được tạo nên trên cơ sở hình ảnh được máy quay phim ghi lại, mà còn dựa vào nhiều yếu tố sáng tác khác của các bộ phận tạo dựng thị giác liên quan đến diễn viên như hóa trang, phục trang, đạo cụ, ánh sáng, khói lửa, thiết kế bối cảnh – tạo dựng môi trường, không gian cho hành động của nhân vật.

Khi những đối tượng cảnh quay được bày đặt trước ống kính máy quay, ánh sáng như cây bút vẽ, như bảng pha màu trong tay nhà quay phim. Nếu như, không quay phim sẽ không có phim, thì “không có ánh sáng cũng không có phim”(3). Phương pháp sử dụng ánh sáng mang tính hội họa một thời luôn chiếm vị trí chủ đạo trong nghệ thuật tạo hình của điện ảnh thế giới. Sau thế chiến thứ hai bắt đầu có những thay đổi, nhưng mãi đến thập niên 60 mới diễn ra sự thay đổi cơ bản mang tính cách tân trong nghệ thuật sử dụng ánh sáng quay phim. Tuy nhiên, có luận điểm cho rằng việc sử dụng ánh sáng để tạo nên hình ảnh không hoàn toàn lý giải được bản chất của nghệ thuật quay phim điện ảnh. Hình tượng mà người quay phim tái hiện trên màn ảnh có thể là hình ảnh, mà cũng có thể không phải là hình ảnh.Bản chất đặc trưng của quay phim điện ảnh là tính chụp hình, nghĩa là nó có thể ghi lại hoặc phục chế hiện thực cuộc sống, tái hiện hiện thực vật chất. Quay phim điện ảnh phải hấp thụ thêm nhiều tinh hoa của các ngành nghệ thuật khác, đặc biệt là hội họa, để hoàn thiện nghệ thuật biểu hiện ánh sáng, màu sắc, cấu tứ của nó. Cùng với sự thay đổi về tư tưởng mỹ học và quan niệm về điện ảnh, phong cách quay phim tả thực không đi ngược lại nguyên tắc mỹ học – tính giống thật trong việc tái hiện cuộc sống, dần từ bỏ hiệu quả ánh sáng sân khấu, thay vào đó là tận dụng tối đa ánh sáng tự nhiên – thành nguồn sáng chính, rồi mới sử dụng thêm một số ánh sáng nhân tạo.

Ống kính tạo hình điện ảnh không giống y như hội họa, cũng không giống hoàn toàn với nhiếp ảnh. Hội họa ghi lại hoàn chỉnh một khoảnh khắc điển hình của đối tượng sự vật; nhiếp ảnh ghi lại những hình ảnh tĩnh; còn quay phim thì ghi lại một loạt các hình ảnh thị giác đa diện trong các khuôn hình (khác nhau về cỡ cảnh, đồng dạng về kích thước chữ nhật nằm theo chiều ngang) tức là thể hiện các hình ảnh bằng ánh sáng không ngừng chuyển động và biến đổi.Màu sắc dưới những ánh sáng khác nhau sẽ trở nên khác nhau, truyền đạt những tâm tư và tình cảm rất riêng của nhân vật hoặc đối tượng sự vật. Vì vậy khi thiết kế màu sắc, họa sĩ và quay phim đồng thời phải tính đến việc xử lý ánh sáng, bởi cường độ ánh sáng thay đổi sẽ tạo nên những màu sắc tương ứng. Màu sắc và ánh sáng là hai yếu tố không thể tách rời. Màu sắc là nhân tố của tình cảm và có vai trò rất quan trọng trong quá trình sáng tác hội họa. Đối với các nhà điện ảnh, màu sắc cũng là một thủ pháp giàu sức sống trong nghệ thuật tạo hình màn ảnh.

Thực tế cho thấy những màu sắc khác nhau đem lại những cảm nhận về tâm tư tình cảm khác nhau. Thế giới có vô vàn màu sắc, mỗi vật thể bất kỳ đều có những sắc màu riêng. Từ các màu sắc của tự nhiên từ đỏ, cam, vàng, lục, lam, chàm, tím… cũng có thể tạo ra hàng vạn loại màu nóng, lạnh, đậm, nhạt… phong phú; còn các màu được dùng trong hội họa, in nhuộm… cũng có tới hàng ngàn loại. Màu sắc thể hiện tính cách khác nhau và gây cho con người những cảm giác hết sức đa dạng. Đỏ – sôi nổi, náo nhiệt, trắng – thuần khiết, xanh da trời – tạo sự yên bình, cam và xanh lá non – sức sống rạo rực… Đương nhiên, sự cảm nhận của mỗi người có thể không giống nhau, do sự không giống nhau về quan niệm, sở thích, điều kiện xã hội, thói quen dân tộc… Đồng thời, sự cảm nhận của con người về màu sắc cũng có thể thay đổi do sự khác nhau về thời đại, hoàn cảnh, tâm tư tình cảm, trình độ cảm thụ, trạng thái tâm lý…

Trong nghệ thuật phim truyện, yêu cầu thẩm mỹ của người xem về màu sắc trong phim không chỉ giới hạn ở mức độ khiêm tốn như thế, mà ở mức độ cao hơn, tức là phải có tính biểu hiện nghệ thuật.

Gam màu cơ bản trong phim phải cố gắng thể hiện được nội dung tư tưởng, phong cách tác phẩm thông qua việc tạo hình màu sắc của nhân vật và bối cảnh phù hợp với nội dung kịch bản, bao gồm cả đặc trưng tính cách nhân vật, diện mạo xã hội, thời đại, khu vực, địa lý, các mùa… Quan hệ màu sắc trong cảnh, sự miêu tả chi tiết trong nghệ thuật xử lý màu sắc không chỉ ở việc tạo ra màu sắc giống thật, mà còn ở chỗ người quay phim phải hiểu rõ thuộc tính và tính tương quan, khả năng đối chọi và hòa hợp, sự phối hợp và cấu tứ, chức năng nghệ thuật độc đáo của màu sắc nhằm bật lên tư tưởng, tình cảm, ý tưởng nghệ thuật mà người làm phim theo đuổi trong tác phẩm. Bối cảnh chính trong Mê Thảo – Thời vang bóng của đạo diễn Việt Linh là ngôi làng cổ Mông Phụ – Ninh Bình. Những ngôi nhà đá ong, những con đường làng, giếng đất và đặc biệt là những ngôi đình cổ in dấu những huyền thoại thuở xa xưa là chất liệu tạo hình của phim. Người làm phim đã thành công trong việc sử dụng màu sắc tạo nên không khí cổ xưa, đưa người xem vào những hoài niệm quá khứ vừa bí ẩn, vừa lạ lẫm. Gam màu nâu bao trùm hầu khắp những bộ trang phục người dân mặc quanh năm, đến sắc nâu trải dài bên những bến nước, con đò, mái nhà, sân gạch, khác biệt những gam màu hồng tía nơi phố xá, thành thị. Thẩm mỹ tạo hình trong bộ phim nổi tiếng Cao lương đỏ của đạo diễn Trương Nghệ Mưu cũng chủ yếu dựa vào thủ pháp sử dụng màu đỏ – tượng trưng của lửa, tượng trưng cho sự náo nhiệt, mạnh mẽ, phóng khoáng của con người và nồng ấm, say sưa của rượu, rất phù hợp để thể hiện cái khí chất rực rỡ, phô trương, sảng khoái trong phim. Thái độ nhân sinh thoáng đạt và trời cao đất rộng là hình ảnh xuyên suốt tác phẩm qua hàng loạt những khuôn hình nhuộm trong gam màu đỏ: cao lương đỏ dập dìu nhảy múa, mặt trời đỏ, bầu trời màu đỏ, rượu đỏ sóng sánh, ngập tràn…

Việc xử lý màu sắc về cơ bản đều mang phong cách tả thực hoặc ghi hình chân thực.Nhưng phong cách quay như hội họa trong việc vận dụng màu sắc lại có những xử lý đặc trưng riêng của nó. Bám sát nguyên tắc không đi ngược lại cuộc sống, khuôn hình mà các tạo hình phim truyện theo phong cách trên phải “đạt tới cái đẹp của hội họa”. Do màu sắc có tác dụng rất rõ rệt trong việc tạo dựng bầu không khí trong bố cục khuôn hình, cũng như trong việc truyền đạt tâm tư, tình cảm của nhân vật… nên nó cũng tham gia hình thành nên tiết tấu của phim.Việc tạo nên những màu sắc khác nhau có thể tạo nên những tiết tấu bên trong hoặc bên ngoài khuôn hình, lúc sôi nổi mãnh liệt, khi lắng đọng, êm đềm… Chưa kể, một số nhà làm phim ưa sử dụng những hòa sắc vừa có tính tái hiện, vừa có tính biểu hiện mạnh mẽ như bộ phim truyện võ thuật – tâm lý xã hội Việt Nam: Dòng máu anh hùng.

Ánh sáng và màu sắc là những phương tiện quan trọng để thể hiện ý đồ nghệ thuật. Cũng như tranh hội họa, màu sắc trong phim mang đến cảm xúc trực tiếp cho người xem ở gam màu tương đồng hay tương phản, nóng hay lạnh, đậm hay nhạt… và quyến rũ khán giả ở khả năng biểu cảm phong phú. Sự phối trộn hợp lý của hòa sắc như một bí quyết kỳ lạ nhất đưa đến những gợi cảm khác biệt và làm cho mỗi bố cục khuôn hình thêm thẩm mỹ, không gây cảm giác nhàm chán. Sự tham lam, lòe loẹt, rối rắm của màu sắc là kẻ thù của cái đẹp và không tạo nên cảm giác quý. Trong toàn bộ cái nền màu êm, màu chìm, ửng lên một màu nguyên chất rực rỡ sẽ tạo hiệu quả tăng giá trị tất cả những màu xung quanh. Trong Tình xa của đạo diễn Trung Hiếu, người xem được thấy một toàn cảnh bầu trời và bờ biển khi cơn mây giông vần vũ đen kín, trong lúc biển cũng thẫm tối, đục ngầu bọt sóng… và nhân vật nữ chính Thùy (diễn viên Lê Vân) mặc một chiếc áo màu đỏ, chạy ùa ra biển. Về hiệu quả thị giác, cái đốm đỏ di động ấy cứ chuyển động trên một nền ghi xám sẫm tối đã không chỉ làm thành một khuôn hình đẹp mà còn tạo ấn tượng khó quên. Nhiều lúc, khuôn hình điện ảnh cũng như tranh, với hàng loạt màu tươi rói nhưng được điều chỉnh khá tinh tế, tương quan hài hòa, phong phú khiến nó trở nên lung linh, hấp dẫn hơn.

Bàn đến sự hài hòa màu sắc trong khuôn hình phim truyện người ta hay dùng trạng thái động liên tục để so sánh với nghệ thuật hội họa vốn ở trạng thái tĩnh, để chuyển từ hình thức khép kín (tranh) sang hình thái mở (khuôn hình phim). Tuy vậy, các nhà làm phim vẫn học tập các họa sĩ truyền thống trong sự đeo đuổi sự thống nhất, hòa hợp về màu sắc, đảm bảo tính tổng thể của khuôn hình. Dù trong tranh hay trong khuôn hình điện ảnh, những màu sắc tồn tại đơn lẻ đều không đem lại nhiều giá trị. Màu sắc, không hề liên quan với nhau, nhất thiết phải qua sự tổ chức tỉ mỉ, tinh tế để chúng trở nên hòa hợp. Sự hòa hợp này thông qua kinh nghiệm, trình độ thẩm mỹ mà gợi lên trí tưởng tượng, óc liên tưởng và sự đồng cảm nhờ tác dụng truyền đạt tình cảm của thị giác.

Màu sắc trong khuôn hình điện ảnh được thể hiện thông qua việc thiết kế bối cảnh, kiểu loại, chất liệu trang phục của nhân vật, các loại đạo cụ… khiến cho tạo hình khuôn hình trở nên hài hòa hơn, hoặc mang màu sắc trang trí, cách điệu… Màu sắc là yếu tố tạo hình đóng vai trò quan trọng, nhất là trong các bộ phim màu.

Việc sử dụng màu đúng chỗ thường nâng giá trị khuôn hình, do vậy, việc sử dụng màu càng được cân nhắc một cách thận trọng. Trong những phim trắng đen, người làm phim có thể dùng những màu đơn sắc (những màu và sự chuyển màu của chúng cũng như sắc thái, cường độ thường được dựa trên một màu thứ ba) như màu nâu (sự pha trộn giữa màu cam và màu tía). Tuy nhiên, phim trắng đen luôn mang lại hiệu quả rất lớn. Bộ phim Mỹ Bản danh sách Sinđơ (1994) của Spielberg hay là nhờ hiệu quả của việc phối hợp hài hòa màu sắc, độ sáng, tối tạo nên hiệu quả tương phản. Cách thể hiện này khá phổ biến, được khởi nguồn từ những phim trinh thám mang tính chất huyền thoại, cổ tích. Trong lịch sử điện ảnh, phim hình sự đen trắng Tâm thần hoảng loạn của đạo diễn tài danh A.Hitchcock và họa sĩ Sonbad đã tạo ra một kinh nghiệm quý báu: trên màn ảnh màu máu sẽ thật hơn trong phim trắng đen khi dùng syrô sôcôla và những tiếng động phát ra từ nhiều nhát dao hung thủ, nghe sẽ thực hơn khi được thu âm từ những nhát chém vào trái dưa hấu!

Tạo hình phim truyện cần phải chú ý đến đường nét. Những hình dạng đường nét khác nhau trên khuôn hình đem lại cảm giác và ấn tượng thị giác rất đặc biệt. Đường thẳng đứng (cây cối, nhà lầu…) dễ gây cảm giác cao ngợp; đường ngang (đường chân trời, mặt hồ tĩnh lặng…) khiến cho ta có cảm giác thông thoáng, rộng mở; đường xiên (sườn núi, cầu thang…) tạo thế chênh vênh, trôi trượt; đường cong, đường sóng tạo sự thay đổi, uyển chuyển… Người tạo hình cần vận dụng thành thạo các kết cấu đường nét, liên kết những cảnh vật nằm phân tán rải rác trong khuôn hình, vào trong mối quan hệ tương hỗ giữa chúng với nhau, xác định kết cấu đường nét chủ yếu để tạo thành bộ khung định vị tạo nên bố cục khuôn hình hoàn chỉnh và hài hòa. Những dạng của đường nét được đề cập trên đây chỉ là yếu tố cấu tứ hình ảnh cơ bản, còn việc xử lý chúng ra sao lại hoàn toàn do những người làm phim, căn cứ theo nhu cầu tạo hình của tác phẩm mà lựa chọn phương án thích hợp.

Những khuôn hình mang tính chân thực cho thấy điện ảnh là loại hình nghệ thuật trẻ nhất, được hấp thụ và bồi bổ không ít tinh hoa của các bộ môn nghệ thuật khác.Kết cấu khuôn hình điện ảnh cũng chịu nhiều ảnh hưởng từ nghệ thuật hội họa.Trong quá trình lịch sử hơn một trăm năm của điện ảnh, khái niệm về cấu tứ bố cục khuôn hình điện ảnh đã biến đổi nhiều. Trước thập niên 60, giới nghiên cứu điện ảnh cho rằng sự hoàn chỉnh, cân đối trong cấu tứ mới là yếu tố vẻ đẹp cho khuôn hình, nhưng về cơ bản là cấu tứ khép chặt. Sau 1945, người ta không còn hài lòng về vẻ đẹp tạo hình truyền thống của hình thức đóng đó nữa và bắt đầu tìm kiếm vẻ đẹp của kiểu tạo hình phá bỏ quy tắc và thấy nó có phần sống động và biến hóa hơn. Kết cấu này khác với kết cấu khuôn hình mang tính hội họa, thậm chí có một số động tác quay ngược lại với quy tắc bố cục hội họa với chủ ý phá vỡ đi sự cân đối, tính đối xứng trong bố cục khuôn hình, đảo lộn quan hệ chủ thể-khách thể. Nhờ không khí tổng quan của các cảnh, dường như người xem cảm nhận rõ hơn hơi thở tự nhiên của cuộc sống.

Không chỉ riêng đối tượng quay chuyển động, mà ngay cả máy quay – tức vị trí đặt, góc máy… cũng biến đổi và song hành chuyển động. Đặc điểm động này khiến khuôn hình điện ảnh có khả năng phá vỡ giới hạn về khuôn thước kỹ thuật gò bó để thể hiện cái thế giới khách quan vô hạn. Vì vậy, chỉ thông qua một loạt khuôn hình, thậm chí một khuôn hình, có thể biểu hiện đầy đủ cấu tứ sáng tác tổng thể qua sự phá vỡ cân bằng trong kết cấu khuôn hình mà tìm ra sự cân bằng đích thực, qua việc đảo lộn trật tự hoàn chỉnh để tìm đến sự hoàn chỉnh cần thiết. Bên cạnh đó, cấu tứ khuôn hình còn có mối liên hệ mật thiết với âm thanh. Trong khuôn hình có thể thấy được không gian, còn âm thanh có thể giúp người xem liên tưởng tới không gian bên ngoài khuôn hình, vốn không chỉ là sự gia tăng lượng thông tin cho khuôn hình, mà còn là thủ pháp biểu hiện giàu tính sáng tạo.

Chuyển động chính là đặc trưng quan trọng nhất và độc đáo nhất của khuôn hình điện ảnh. Tạo hình mang tính tả thực và tạo hình theo phong cách hội họa hướng tới những mục đích thẩm mỹ riêng: một mặt lôi cuốn khán giả cùng tham gia vào bộ phim, cùng sáng tác với người làm phim; mặt khác lại để tự khán giả cảm nhận và đồng hành cùng nhân vật trong phim. Nhờ những xử lý tinh tế của những người làm phim, cả hai phong cách trên vẫn có thể hòa hợp và thống nhất trong cùng một bộ phim. Để tăng thêm tính hội họa của khuôn hình có thể lược bớt hoặc bổ sung chi tiết, kể cả việc thiết kế bối cảnh trong trường quay, nhưng cốt yếu phải đạt được độ tự nhiên như thật.Và để đạt được độ hiệu quả tả thực, người làm phim phải khéo léo dấu ý đồ của mình.

Góc quay cũng là một trong những thủ pháp thể hiện tiết tấu điện ảnh, nhất là các góc quay đặc biệt. Góc máy hất do ống kính quay từ dưới ngược lên làm cho đối tượng được phóng to, tạo ấn tượng, ưu thế.Song, nếu kết hợp với khuôn hình có nội dung trái ngược, thì góc máy hất ấy có thể tạo nên tiết tấu gây tâm trạng thất thế, đau khổ. Góc máy cao do ống kính từ trên cao chụp xuống dễ tạo nên tiết tấu dồn nén, căng thẳng, u uẩn… Song, nếu kết hợp với khuôn hình có không khí khác đi thì sẽ đạt được tiết tấu tình tiết hoàn toàn ngược lại. Người làm phim có thể sử dụng cấu tứ khuôn hình cân chỉnh, đối xứng để tạo nên tiết tấu ổn định, khoan thai; dùng cấu tứ khuôn hình thiếu cân đối để tạo tiết tấu căng thẳng, bất bình thường; tận dụng đường nét thẳng đứng của đối tượng quay để tạo tiết tấu đè nén, bức bối; sử dụng đường nằm ngang bề mặt để tạo tiết tấu thông thoáng, thỏa mái…

Trong làm phim, người xây dựng hình ảnh luôn vận dụng các loại thủ pháp tạo hình để tạo nên tiết tấu thị giác mà nội dung bộ phim yêu cầu.

Lý luận hội họa Trung Quốc: lấy trắng làm đen, cho ta hiểu là cần biết giữ lại khoảng trống đơn giản trong bố cục tạo hình, mà không cần tới những chi tiết rườm rà. Khoảng trống ấy sẽ là tâm điểm được chú ý nhiều nhất trong toàn bộ khuôn hình. Như thế, trong và ngoài phạm vi khoảng trống đều có hình ảnh ở cả phần động và cả phần tĩnh, chúng đan xen liên hoàn một cách hư ảo.

Sự phát triển của công nghiệp điện ảnh với những thước phim dài hơn với nhiều bối cảnh, đạo cụ, trang phục nhân vật… ngày càng phức tạp hơn đã hình thành đòi hỏi sự gia công chuyên nghiệp về tạo hình.

Tạo hình cho phim là từ cảm quan, tư duy của tập thể làm phim chỉ đạo diễn xuất, biểu diễn, dàn dựng, trình bày sắp xếp những bối cảnh, những đối tượng cảnh quay bằng ngôn ngữ nghệ thuật tổng hợp: vừa mang tính mỹ thuật (tạo hình) vừa mang tính kỹ thuật thiết kế xây dựng (dàn, dựng, cải tạo, phục chế bối cảnh… tại nội, ngoại cảnh hoặc trong phim trường, đạo cụ…) phù hợp theo nội dung kịch bản, chứ không được tự do phóng túng như khi vẽ tranh nghệ thuật, hay làm điêu khắc, nghệ thuật sắp đặt… cho dù cũng có sự giống nhau là những hình ảnh được đưa ra đều phải mang tính chắt lọc, có sự lựa chọn.

Tạo hình phim truyện điện ảnh, ngoài những đòi hỏi về sự am hiểu và vận dụng những nguyên lý hội họa cơ bản về hình họa, đạc biểu kiến trúc, phối cảnh, điêu khắc… và kỹ năng sử dụng thành thạo các chất liệu, họa phẩm…; kiến thức về định luật xa gần, giải phẫu tạo hình; sự vận dụng nghệ thuật xử lý không gian thông qua các bố cục trình bày, sắp đặt…; còn cần những kiến thức chuyên ngành về điện ảnh; sự tích lũy không ngừng vốn sống, kinh nghiệm từng trải trước những vấn đề đời sống, xã hội; kỹ năng cảm thụ kịch bản phim thông qua việc hình ảnh hóa những ý đồ tạo hình từ phác thảo đến thể hiện; phương pháp tham gia sáng tạo tập thể (cùng đạo diễn, quay phim, chủ nhiệm và các thành phần khác…) trong dây chuyền sản xuất phim; nguyên lý dàn dựng bối cảnh, có khả năng mường tượng và định hình sớm về tạo hình những cảnh quay của bộ phim tương lai.

Khi cho rằng mỹ thuật điện ảnh là sáng tạo ra khung cảnh chân thực, điển hình, công việc của người tạo hình là tổ chức dàn dựng ra bối cảnh; thì ngày nay, ta nhận thấy rõ rằng quan niệm như thế còn rất hạn chế. Điện ảnh vốn là nghệ thuật nghe nhìn – thứ nghệ thuật lấy thị giác làm ngôn ngữ chính. Nhiệm vụ tạo hình phim truyện không chỉ dừng lại ở chỗ sáng tạo ra một khung cảnh cụ thể mang tính bối cảnh, mà còn phải kết hợp đủ mọi thủ pháp tạo hình như: đường nét, sáng tối, màu sắc, hiệu quả hư, thực, thủ pháp tả thực và tả ý, hiện thực và mơ mộng, vĩ mô và vi mô… rồi chuyển hóa chúng thành những cảnh vật có thể nhìn thấy được, đưa chúng vào phim. Do đó, cả tập thể làm phim cần phải cùng nhau nghiên cứu và thống nhất ý tưởng tạo hình trong tổng thể bộ phim.

Trong thời kỳ đầu còn non yếu của điện ảnh, người ta chưa nhận thức hết đặc tính của nghệ thuật này, lại càng chưa có nhận thức đầy đủ về mỹ thuật điện ảnh. Vì thế, đương nhiên điện ảnh chỉ đơn giản như ghi lại những vở kịch sân khấu và đã có không ít những nhà sáng tác điện ảnh đã hết lời ca ngợi và đầu tư công sức vào việc dựng bối cảnh phim hệt mô hình sân khấu. Lúc này người ta đã ý thức được tác dụng trực tiếp của cảnh thật đối với thế giới nội tâm của nhân vật, thế nhưng vẫn không thay đổi nguyên tắc cơ bản của sân khấu. Khung cảnh nhiều khi mang tính minh họa, phụ họa, như một thứ trang sức nhiều khi tới mức hoa lệ, hùng vĩ nhưng trông vẫn giả.

 

Thực tế cho thấy, mỹ thuật trang trí điện ảnh không đơn thuần là việc tạo cảnh, xử lý không gian… mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng hình tượng nhân vật điện ảnh.Vì thế, nếu xét về kỹ năng, mỹ thuật điện ảnh khác với mỹ thuật truyền thống và việc tạo hình khuôn hình điện ảnh có ranh giới rõ ràng với nghệ thuật truyền thống; nếu xét về ý nghĩa thì mỹ thuật trang trí điện ảnh là một thể loại sáng tạo đặc biệt của nghệ thuật tạo hình.

Phim truyện là tác phẩm của sáng tạo tập thể. Hiệu quả của nó phụ thuộc trước tiên vào chất lượng kịch bản của nhà biên kịch, nhưng được quyết định bởi đạo diễn – người có kiến thức tổng hợp và khả năng tập hợp xung quanh mình những thành phần cộng sự để biến những nội dung ý tưởng thành hiện thực màn ảnh. Người đạo diễn miêu tả và diễn giải những ý đồ kịch bản bằng sự tìm tòi sáng tạo của bản thân nhưng không thể độc lập, thoát ly khỏi sự sáng tạo, đóng góp của các diễn viên, quay phim, họa sĩ, những chuyên viên dựng cảnh, đạo cụ, ánh sáng, âm thanh…

Tạo hình màn ảnh vốn là cái nhìn ngay thấy được, vì vậy nó rất có lợi thế khi thể hiện bầu không khí bối cảnh. Ngay từ khi viết kịch bản, nhà biên kịch cũng cần miêu tả bằng tư duy hình ảnh nhất định cho khung cảnh. Khi hình tượng văn học được chuyển biến thành hình tượng thị giác, nhất định phải cần có sáng tác tạo hình. Nghệ thuật tạo hình phim truyện từ tạo hình khung cảnh đã hòa hợp chung với nhân vật và tình tiết cốt truyện để thành một thể thống nhất. Như vậy, có thể nói nghệ thuật tạo hình và nghệ thuật điện ảnh có mối quan hệ gắn bó như anh và em trong một gia đình nghệ thuật.

_______________

           3. Dương Quang Viễn, Nghệ thuật quay phim Điện ảnh, Hội Điện ảnh Việt Nam, 2004.


Nguồn : Tạp chí VHNT số 301, tháng 7-2009

Tác giả : Đỗ Lệnh Hùng Tú

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *