Quá trình hình thành và phát triển nghệ thuật tranh khắc gỗ TP.HCM có những chuyển biến rất rõ về đề tài cũng như hình thức thể hiện tác phẩm của từng tác giả. Đội ngũ họa sĩ làm tranh khắc gỗ ngày càng hùng hậu và đặc biệt trong các triển lãm khu vực thời gian gần đây, số lượng tác phẩm, tác giả tăng lên và có nhiều tác phẩm đạt giải thưởng cao. Nghệ thuật tranh khắc gỗ hiện đại tại TP.HCM luôn đóng vai trò quan trọng đối với mỹ thuật khu vực Nam Bộ cũng như nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế.
Phần lớn các họa sĩ đã kế thừa kỹ thuật và chất liệu của những dòng tranh dân gian như Đông Hồ, Hàng Trống, Kim Hoàng, Làng Sình, Đồ Thế, kết hợp với kỹ thuật, chất liệu mới tạo nên dòng tranh khắc gỗ hiện đại. Từ kỹ thuật in bằng tay với giấy dó, giấy điệp, dùng chất liệu từ thiên nhiên, kích thước nhỏ thì ngày nay, các họa sĩ đã có điều kiện mua những tờ giấy nhập khẩu có khổ lớn, được sản xuất công nghiệp hoặc thủ công; một số người thậm chí còn in trực tiếp trên vải, kết hợp với máy in hiện đại, để tạo nên những tranh khắc gỗ có kích thước lớn với chất lượng nghệ thuật cao.
Đặc biệt, tranh khắc gỗ hiện đại tại TP.HCM rất đa dang và phong phú về kỹ thuật chất liệu. Ngoài kỹ thuật khắc gỗ truyền thống, các họa sĩ đã nghiên cứu về sự thay đổi trong kỹ thuật chất liệu như in gỗ trên lụa của họa sĩ Tú Duyên, kỹ thuật khắc phá bản gỗ (1). Kỹ thuật này đưa vào giảng dạy từ năm 2006 tại khoa Đồ họa, Đại học Mỹ thuật TP.HCM.
Thực tế, những mở rộng về chất liệu, công nghệ, phương tiện chế ván in và kỹ thuật in là tiền đề dẫn đến sự phong phú, đa dạng về hình thức cũng như phong cách tạo hình trong nghệ thuật tranh khắc gỗ. Sự kết hợp giữa hình, mảng và nét nhuần nhuyễn, cùng với quá trình tiếp cận nghệ thuật Á Đông và phương Tây đã tạo nên những nét đặc trưng vùng miền của nghệ thuật tranh khắc gỗ hiện đại tại TP.HCM.
Trong bức tranh Thà làm quỷ nước Nam, còn hơn làm vương đất Bắc, họa sĩ Tú Duyên đã chủ động cho nét liền với mảng và dùng màu để giải quyết không gian, với phong cách mang đậm tính Á Đông. Từ kỹ thuật khắc gỗ truyền thống dân tộc, họa sĩ đã nghiên cứu về sự thay đổi trong kỹ thuật chất liệu này như in gỗ trên lụa và gọi là thủ ấn họa (2). Tác phẩm, với câu nói đầy khí phách của danh tướng Trần Bình Trọng trước mặt quân xâm lược Nguyên Mông, đã khơi dậy nguồn cảm hứng cho họa sĩ tạo nên hình ảnh một Trần Bình Trọng bất khuất, tư thế hiên ngang. Tranh như lột tả được tính chất của một bậc anh hùng đã quên thân vì nước, vì dân. Nhiều tác phẩm thủ ấn họa khác của họa sĩ Tú Duyên đã có một vị trí xứng đáng, độc đáo trong thể loại tranh khắc gỗ tại TP.HCM. Theo lời kể của họa sĩ Trương Văn Ý, “khác với các loại tranh ấn mộc bản thông thường, chỉ có hai bản khắc gỗ là bản nét và bản màu, họa sĩ Tú Duyên đã tạo ra các tác phẩm có nhiều độ màu. Với những đầu ngón tay đầy màu của anh thay cho bút cọ, đã tạo cho sắc màu trên bản gỗ trở thành một bức tranh huyền ảo, một mảnh lụa tơ tằm được đặt lên bản màu, dùng tay vuốt nhẹ và thỉnh thoảng ấn mạnh lòng bàn tay một vài chỗ cần thiết, xong lấy lụa ra đưa sang bản khắc nét đã vô màu và cũng dùng tay vuốt đều trên mảnh lụa cho đến lúc hoàn chỉnh. Xong nhấc tấm lụa lên đặt trên mặt ván phẳng, xăm xoi và hoàn thiện với triện son và chữ ký một cách trịnh trọng để hoàn tất tác phẩm này” (3).
Bên cạnh đó, cách tạo hình, diễn tả không gian trong tranh theo luật viễn cận phương Tây được một số họa sĩ khác tiếp thu đầy sáng tạo qua các tác phẩm Phong cảnh Budapest của họa sĩ Đoàn Minh Ngọc, Đường về của Nguyễn Đại Phú Cường. Tác giả đã vận dụng rất tốt luật viễn cận, đồng thời chủ động dùng nét, hình và mảng đậm trên nền sáng nhằm tạo nên sự tương phản mạnh về không gian. Qua việc phân tích một số tác phẩm trên, chúng ta có thể thấy tính đặc thù vùng miền thể hiện rất rõ và toát lên được nội dung, chủ đề của tác phẩm qua từng tác giả. Tất cả những điều đó đã biểu lộ nội dung, ý tưởng đa chiều, đa nghĩa và tạo nên bức tranh toàn cảnh của tranh khắc gỗ hiện đại TP.HCM thật sinh động và sáng tạo.
Trong thời gian gần đây, nhiều họa sĩ trẻ đến tham gia câu lạc bộ Đồ họa của Hội Mỹ thuật thành phố để sáng tác tranh khắc gỗ. Điều này được thể hiện qua những cuộc triển lãm, báo cáo tại các trại sáng tác, triển lãm khu vực và triển lãm mỹ thuật Việt Nam 2015. Đặc biệt, sau khi triển lãm, một số tranh khắc gỗ đạt giải thưởng cao đã được chính quyền, Bảo tàng Mỹ thuật thành phố và Hội Mỹ thuật Việt Nam mua để lưu giữ, như các tác phẩm Mùa xuân trên Thành phố Hồ Chí Minh của họa sĩ Tố Uyên, đạt giải đầu tư năm 2014 của Hội Mỹ thuật TP.HCM và sau đó được Thành ủy mua. Tác phẩm Phong cảnh của Đoàn Minh Ngọc đạt giải B (không có giải A), triển lãm khu vực VII năm 2015, được Hội Mỹ thuật Việt Nam mua…
Bước chuyển biến mới về kinh tế, văn hóa, chính trị những năm đầu TK XXI đã ảnh hưởng đến các phong trào nghệ thuật tại TP.HCM. Nhưng với lợi thế là thành phố lớn của cả nước, trung tâm giao lưu của các nền văn hóa khác nhau đã tạo nên những trào lưu nghệ thuật rất sôi nổi. Đặc biệt là trong giai đoạn 2000 – 2015, số lượng các họa sĩ làm tranh khắc gỗ tại TP.HCM ngày càng nhiều và sáng tác được những tác phẩm chất lượng, có giá trị thẩm mỹ cao. Có thể kể đến họa sĩ Lê Thanh Trừ, Trần Văn Quân, Nguyễn Mạnh Hùng, Tố Uyên, Nguyễn Thành Công, Đoàn Minh Ngọc, Đặng Minh Thành, Lê Phi Hùng, Nguyễn Đại Phú Cường… Có thể nói, nghệ thuật tranh khắc gỗ hiện đại TP.HCM luôn đóng vai trò quan trọng đối với mỹ thuật khu vực Nam Bộ cũng như nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế.
_______________
1. Cách chế ván in tranh khắc gỗ nhiều màu chỉ trên một tấm gỗ. Khắc phá bản gỗ (reduction woodcut) là thuật ngữ sử dụng phổ biến trong chuyên ngành tranh in. Năm 1982, kỹ thuật này được phát triển bởi họa sĩ Cheng Xu, Học viện Mỹ thuật Vân Nam, Trung Quốc. Nhưng nguồn gốc của kỹ thuật này lại thể hiện rất rõ ở những tác phẩm khắc cao su phá bản của danh họa Picasso, giai đoạn cuối những năm 50 đến đầu những năm 60 TK XX.
2. Tú Duyên đã có sáng kiến phát triển tranh khắc gỗ theo cách thay vì bảng vẽ bốn màu phải thể hiện bốn bản khắc, ông chỉ làm một hoặc hai bản mà thôi. Trong khi các họa sĩ khác lấy cọ phết màu hay lăn màu lên bản gỗ thì ông lại dùng tay của mình chấm màu và xoa lên bảng gỗ, sau đó in trên lụa hoặc giấy dó. Kết quả màu sắc của các bảng vẽ có khi khác nhau và tạo một vẻ đẹp khác thường. Ông cho nó một tên có vẻ chuyên môn là thủ ấn họa (in bằng tay).
3. Trương Văn Ý, Từ kỹ thuật in mộc bản cổ truyền đến nghệ thuật thủ ấn họa, Thông tin, Đại học Mỹ thuật TP.HCM, số 7, 8, tháng 11-2005, tr. 36.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 387, tháng 9-2016
Tác giả : ĐOÀN MINH NGỌC
Bài viết cùng chủ đề:
Năng lực phản biện khoa học của giảng viên trong nhà trường quân đội
Thế giới quan và phương pháp luận của giảng viên trẻ trong các trường quân đội
Sự chuyển đổi sinh kế của người dân nà lầu, lạng sơn