Nghệ thuật trưng bày bảo tàng ở việt nam

Định nghĩa năm 1995 của ICOM được coi là mới nhất về bảo tàng “Bảo tàng là một thiết chế phi lợi nhuận hoạt động lâu dài phục vụ cho xã hội, mở cửa cho công chúng đến xem, có chức năng sưu tầm, bảo quản, nghiên cứu, tuyên truyền và trưng bày các bằng chứng vật chất về con người và môi trường của con người vì mục đích nghiên cứu, giáo dục, thưởng thức”. Về cơ bản định nghĩa này tương đồng với định nghĩa trong Luật Di sản Văn hóa của Việt Nam: “Bảo tàng là nơi bảo quản và trưng bày sưu tập về lịch sử tự nhiên, xã hội nhằm phục vụ nhu cầu nghiên cứu, giáo dục, tham quan và hưởng thụ văn hóa của nhân dân”.

1. Trưng bày bảo tàng

Ở Việt Nam hiện nay, bảo tàng đã và đang được đầu tư xây dựng, phát triển rộng rãi trên phạm vi cả nước và đã phát huy vai trò tích cực của nó trong xã hội. Tuy nhiên, do còn nhiều hạn chế về kinh phí, về các giải pháp thiết kế trưng bày… nên hầu hết các bảo tàng còn đơn giản, chưa thực sự hấp dẫn, chưa phát huy hết được vai trò tuyên truyền, giáo dục cho quần chúng. Bảo tàng hiện nay với nhiều nội dung phong phú, đa dạng, trước những yêu cầu khắt khe của xã hội, đã bộc lộ điểm yếu: vấn đề trưng bày nội thất vẫn còn nhiều bất cập, chưa thực sự sinh động và cuốn hút được nhiều khách tham quan. Vì vậy việc thiết kế trưng bày bảo tàng cần được quan tâm đúng mức và phải được xây dựng trên cơ sở lý luận về nghệ thuật trưng bày bảo tàng.

Bên cạnh đó, tình trạng nhiều bảo tàng đã bị xuống cấp, hư hỏng nặng, cấu trúc nội dung trưng bày có nhiều sự bổ sung… vì vậy việc chú trọng thiết kế nội thất trưng bày cho bảo tàng là điều vô cùng cần thiết.

Trưng bày hiện vật trong bảo tàng là công việc đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện chức năng và nhiệm vụ của bảo tàng. Nó không chỉ thể hiện tính khoa học, mà còn là nghệ thuật trưng bày. Việc trưng bày hiện vật không chỉ phản ánh nội dung khoa học, thuận tiện cho việc khai thác sử dụng, mà còn phải có tính thẩm mỹ, tính giáo dục, tính hấp dẫn.

Vậy trưng bày bảo tàng là việc trình bày các hiện vật một cách có tổ chức, có giải thích, có sự phân bổ chung phù hợp với ý đồ tư tưởng và các nội dung được xác định. Trưng bày có thể xem như là ngôn ngữ hay hình thức thông tin cơ bản của bảo tàng, là cầu nối giữa hiện vật bảo tàng và đông đảo quần chúng nhân dân. Trưng bày bảo tàng còn phản ánh trình độ dân trí, óc thẩm mỹ, tâm lý của mỗi dân tộc.

2. Một số hình thức nghệ thuật trưng bày bảo tàng

Mỗi loại hình bảo tàng hay từng bảo tàng riêng biệt đều có những phương pháp trưng bày khác nhau, nhằm truyền đạt, giới thiệu thông tin hiệu quả nhất về ý nghĩa, nội dung trưng bày đến khách tham quan. Mỗi loại hình bảo tàng riêng biệt thường phải tuân theo biện pháp và phong cách trưng bày nhất định. Do đó, cần nghiên cứu, xây dựng các phương án khác nhau về nghệ thuật cho từng loại hình bảo tàng để có được phong cách trưng bày riêng biệt, đa dạng phong phú về nội dung, hình thức. Từ nhu cầu thưởng thức văn hóa nghệ thuật của con người và yêu cầu của sự phát triển khoa học, kinh tế, văn hóa xã hội đã thúc đẩy sự ra đời của nhiều loại bảo tàng khác nhau, có nhiều chức năng phục vụ khác nhau. Để đạt được mục đích, người ta thường xây dựng những tiêu chí, đề ra chuẩn mực để phân chia các loại hình bảo tàng, dựa trên những dấu hiệu, đặc tính, thể loại, nhằm thống nhất bảo tàng lại thành nhóm và loại, phân biệt nhóm này với nhóm khác. Tuy nhiên phân loại luôn mang tính quy ước, trên thực tế, việc phân loại bảo tàng tốt sẽ chuẩn mực hóa phương hướng nghệ thuật trưng bày sau này.

Bảo tàng hiện nay có hai cách phân loại chính là cách phân chia theo chức năng xã hội của bảo tàng và theo mối quan hệ của bảo tàng với các ngành nghề khác.

Phân loại bảo tàng theo chức năng xã hội: là cách phân loại theo chức năng xã hội của bảo tàng, nói cách khác là để nói rõ mục đích và hình thức sử dụng bảo tàng đó đem lại những điều bổ ích, lý thú, phục vụ nhu cầu của con người. Mục đích của bảo tàng đó là gì, hình thức trưng bày phục vụ cho ai và vị trí của nó trong xã hội như thế nào… Theo cách này, bảo tàng được chia thành 3 nhóm chính: bảo tàng công cộng, bảo tàng nghiên cứu khoa học, bảo tàng học đường.

Phân loại bảo tàng theo mối quan hệ với các ngành nghề khác: là cách phân loại nhằm xác định xem bảo tàng đó có quan hệ với một ngành khoa học hoặc một nhóm ngành sản xuất hay nghệ thuật nào đó… Bảo tàng đó có tiến kịp trình độ hiện đại của các môn khoa học, nghệ thuật, ngành sản xuất, văn hóa thuộc loại hình của mình hay không. Phân loại theo loại hình này là bước đầu gom các loại hình bảo tàng có chung loại hình cơ bản giống nhau, như lịch sử chung, trường phái chung… sau đó phân chia sâu hơn, tương ứng với một ngành khoa học cụ thể nào đó. Theo cách này, bảo tàng được chia thành hai nhóm. Nhóm thứ nhất, bảo tàng khoa học xã hội gồm lịch sử, lịch sử cách mạng, lịch sử khoa học kỹ thuật, lịch sử tôn giáo, nhân chủng học, dân tộc học…, bảo tàng nghệ thuật. Nhóm thứ hai, bảo tàng khoa học tự nhiên: gồm bảo tàng động vật, thực vật, cổ sinh vật…; bảo tàng địa chất, địa tầng, thổ nhưỡng…; bảo tàng lịch sử hình thành phát triển tự nhiên, môi trường sống…

Nhìn chung, việc phân loại các bảo tàng đều nhằm mục đích xác định rõ nhóm, loại hình bảo tàng để hình thành cơ cấu quản lý, hệ thống phân loại, phân cấp, mức độ đầu tư xây dựng và đặc biệt là hệ thống trưng bày của mỗi bảo tàng để có thêm những hình thức trưng bày mới lạ, đa dạng, phong phú, hấp dẫn khách tham quan và truyền đạt nhanh, hiệu quả các ý đồ, ý tưởng, giải pháp trưng bày, giá trị hiện vật bảo tàng tới người xem.

Từ các loại hình bảo tàng trên, người họa sĩ thiết kế cần phân tích đánh giá và đưa ra các loại hình nghệ thuật trưng bày cho phù hợp từng loại bảo tàng. Sau đây là một số hình thức nghệ thuật trưng bày bảo tàng phổ biến tại Việt nam hiện nay:

Hình thức nghệ thuật trưng bày theo trình tự sắp xếp khoa học

Là hình thức nghệ thuật phô bày các hiện vật của bảo tàng được trưng bày từ trên xuống, từ trái qua phải theo một trật tự khoa học nhất định. Các hệ panô vách trưng bày ảnh, hiện vật được thiết kế đơn giản, không cầu kỳ kiểu cách. Trưng bày ảnh ở tầm quan sát thuận lợi nhất, tính theo kích thước, tầm nhìn của một người cao trung bình là 1,6m. Các hiện vật được thiết kế trưng bày trên bục, giá, kệ, trong tủ kính, có hệ thống ánh sáng, môi trường bảo vệ tốt. Hiện vật trưng bày quan sát được rõ ràng, dễ thấy, dễ nhận biết và phục vụ tốt cho các nghiên cứu, học tập, tham quan. Hình thức nghệ thuật trưng bày sắp xếp khoa học phù hợp cho việc trưng bày các hiện vật khảo cổ, địa chất, các di sản cổ vật, các hiện vật quý hiếm… Thông qua hình thức nghệ thuật trưng bày này người xem tự tìm hiểu, có các đánh giá nhận biết để nâng cao tri thức của chính mình.

Hình thức nghệ thuật trưng bày theo ước lệ sân khấu hóa

Hình thức nghệ thuật trưng bày này rất đa dạng, phong phú và được sử dụng tương đối rộng rãi trong các bảo tàng lịch sử tự nhiên, lịch sử xã hội. Nó thường xuất hiện dưới dạng các tổ hợp mỹ thuật trưng bày, các hiện vật trong một sự kiện lịch sử được trưng bày tập trung, liên hoàn, sắp xếp theo các tư thế hoạt động đặc trưng của hiện vật và được bố cục trong một không gian ước lệ. Ở đây cách trưng bày tương đối giống cách mượn hình tượng biểu hiện của nghệ thuật sân khấu, như trong các buổi diễn kịch, để diễn tả không gian trong nhà và ngoài trời, người thiết kế chỉ cần dùng một bộ cánh cửa đi đặt ở giữa không gian sân khấu, bên phải treo một ngọn đèn, bên trái để tối, cùng với động tác diễn xuất của diễn viên là người xem đã tưởng tượng được không gian bên trong và bên ngoài của căn nhà. Tính khái quát cao của nghệ thuật sân khấu được sử dụng làm phương pháp trưng bày trong một số bảo tàng. Tác dụng của hình thức nghệ thuật này rất cao, nó gần gũi dễ hiểu, gây ấn tượng, thu hút được sự quan tâm của người xem. Đặc biệt hình thức nghệ thuật trưng bày này trợ giúp, giải thích rất nhiều về các giá trị văn hóa, tinh thần của hiện vật, điều mà tự thân hiện vật không thể biểu hiện đầy đủ được.

Hình thức nghệ thuật trưng bày mô phỏng

Là hình thức nghệ thuật trưng bày được sử dụng tương đối phổ biến trong các bảo tàng về cuộc sống tự nhiên. Toàn bộ không gian tự nhiên, cảnh quan, môi trường nơi hiện vật đó cư trú tồn tại được mô phỏng như thật bằng các chất liệu bền vững. Bởi vậy hình thức nghệ thuật trưng bày này rất cần khoảng không gian rộng để mô phỏng và diễn tả, trong trường hợp không có nhiều diện tích có thể sử dụng cách cắt trích bối cảnh quan trọng để đặc tả những điều chủ yếu phục vụ cho chủ đề chính trong trưng bày. Hình thức nghệ thuật trưng bày này thường tận dụng các kết cấu không gian của hiện vật, không gian kiến trúc của công trình bảo tàng để tạo ra mối quan hệ giữa không gian kiến trúc trưng bày bên trong.

Hình thức nghệ thuật trưng bày khoa học kỹ thuật

Hiện vật của hình thức nghệ thuật trưng bày này thường có kích thước rất lớn như cả một toa tàu hỏa, một toa xe, một cái xe, một dây truyền khoa học kỹ thuật, một quá trình phát triển khoa học kỹ thuật công nghệ từ khi ra đời đến nay. Phương thức trưng bày loại hình này rất đa dạng và phong phú, như bảo tàng khí quyển và vũ trụ Washington, bảo tàng khoa học ở London, bảo tàng khoa học kỹ thuật BMW ở Munich… là những bảo tàng lớn có bề dày lịch sử, diện tích trưng bày trên 5.000m2, tuyến tham quan dài 16km… Ở dạng bảo tàng này thông qua hướng dẫn viên có thể trực tiếp thử vận hành, thao tác kỹ thuật dây chuyền đó, loại hình bảo tàng kỹ thuật tuy mới được hình thành nhưng đã thu hút rất nhiều sự chú ý của khách tham quan, gây sự tò mò, tự tìm hiểu nghiên cứu và đặc biệt, nó làm thay đổi mối quan hệ của con người với hiện vật, tạo cảm giác hấp dẫn hứng thú cho khách tham quan.

Tóm lại, nghệ thuật trưng bày là sự tổng hợp các mối liên quan qua lại khăng khít với nhau của các thành phần hợp thành, kết hợp chặt chẽ, logic giữa các hình tượng, ý tưởng nghệ thuật trưng bày với các loại hình nghệ thuật và các lĩnh vực khác, mối liên quan khi nhiều, khi ít, hỗ trợ lẫn nhau để thể hiện một nội dung tư tưởng của vấn đề. Người thiết kế cần phải nắm chắc các quy luật, sự tác động lẫn nhau của các loại hình nghệ thuật, hiểu rõ các mối quan hệ của màu sắc, ánh sáng, âm thanh, các tài liệu bổ trợ, tài liệu khoa học phụ, các hình ảnh hiện vật… để xây dựng tốt một công trình, truyền đạt tốt nhất ý đồ, ý tưởng giải pháp thiết kế trưng bày hiện vật bảo tàng tới khách tham quan. Trưng bày hiện vật luôn được tôn trọng, tập trung các giải pháp thiết kế nhằm tôn vinh giá trị của hiện vật, dễ quan sát, bảo quản và hiểu sâu sắc mọi giá trị của hiện vật đó mang lại. Hay nói cách khác nghệ thuật trưng bày là thổi hồn vào hiện vật làm cho nó như được sống lại trong thời khắc lịch sử mà nó đã trải qua.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 384, tháng 6-2016

Tác giả : NGUYỄN HOÀNG HƯNG

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *