Nghệ thuật tự sự là sự tổ chức, sắp xếp, sáng tạo tác phẩm truyện thành những sinh mệnh nghệ thuật độc đáo ở hai cấp độ: kết cấu hình tượng, kết cấu trần thuật. Tuy nhiên, trong khuôn khổ bài viết này, nghệ thuật tự sự chỉ đi vào một phạm vi hẹp thuộc cấp độ kết cấu trần thuật là nghệ thuật kể chuyện cùng ngôn ngữ giàu tính biểu tượng qua bộ ba tiểu thuyết của Yasunari kawabata.
Nghệ thuật kể chuyện
Nói đến nghệ thuật kể chuyện là nói đến người kể chuyện. Người kể chuyện trong bộ ba tiểu thuyết Xứ tuyết, Ngàn cánh hạc, Cố đô của Y.Kawabata là người kể chuyện ở ngôi thứ ba. Đây là người kể chuyện hàm ẩn, tuy không có cái nhìn bao quát nhưng biết sử dụng khéo léo điểm nhìn bên ngoài với điểm nhìn bên trong nên vẫn có thể đem đến cho tác phẩm một giọng điệu để làm nên sự đánh giá bổ sung về mặt tâm lý, nghề nghiệp hay lập trường xã hội một cách độc đáo.
Điểm nhìn bên ngoài là nơi người kể chuyện giữ cái nhìn khách quan từ vị trí bên ngoài, có khoảng cách nhất định với đối tượng được kể, nên thế giới được miêu tả thường hiện ra chân thực, khách quan nhưng chỉ mang tính chất tương đối. Bởi hiện thực cuộc sống khi được nhìn qua lăng kính của nhà văn hay một người kể chuyện nào đó bao giờ cũng chứa đựng yếu tố chủ quan, tức là sự đáng giá, cảm thụ riêng của chủ thể nhận thức mang những dấu ấn riêng, độc đáo. Với bộ ba tiểu thuyết đã dẫn, điều này thể hiện khá rõ.
Thứ nhất, từ điểm nhìn bên ngoài, người kể chuyện ở ngôi thứ ba hiện ra là kiểu người duy mỹ, duy tình, kiểu chủ thể sống thiên về tình cảm, rất yêu cái đẹp đặc trưng của Nhật Bản. Vì thế người kể chuyện bao giờ cũng tìm ra cái đẹp, đặc biệt là cái đẹp bên trong, cái thần thái, hồn cốt để yêu, trân trọng, ngợi ca.
Thứ hai, dù sự đánh giá, cảm thụ hiện thực theo lối trực tiếp hay gián tiếp, người kể chuyện ngôi thứ ba từ điểm nhìn bên ngoài luôn chú ý tạo ra những điểm nhìn hạn tri cho độc giả bằng cách định hướng, chi phối sự đánh giá, cảm thụ của độc giả qua lăng kính của sự nhìn nhận bản thân mình. Hoặc giấu kín sự đánh giá, cảm thụ của mình trong đường nét, màu sắc, trong cái vô ngôn như vẫn thấy trong thơ haiku, trong cái yugen mơ hồ, bỏ lửng khiến độc giả phải tự tìm tòi, giải mã.
Thứ ba, khi sử dụng điểm nhìn bên ngoài để kể, giới thiệu về lai lịch, hoàn cảnh sống nhân vật, người kể chuyện thường thể hiện được khả năng tri giác của mình với vốn sống phong phú, thấu hiểu lẽ đời. Tuy nhiên, những thông tin này lại không được kể hết, chỉ được kể theo lối bỏ lửng để tự người đọc suy luận, phán đoán. Đây là lối kể chuyện có sự tiết chế, tính toán để tạo nên điểm nhìn hạn tri của tiểu thuyết hiện đại mà Kawabata đã thử nghiệm thành công.
Cũng vẫn lối kể tiết chế này, nhưng khi người kể chuyện vào vai một thuyết minh viên để giới thiệu về một địa điểm văn hóa du lịch thì địa danh, nơi chốn ấy thường không được kể hết, không được kể liền trong một mạch truyện, mà được cắt rời thành nhiều phân đoạn rồi bị tung, ném vào các vị trí khác nhau để tạo ra những điểm nhìn hạn tri, nhằm lôi cuốn sự tò mò của độc giả. Chẳng hạn như khi tác giả thuyết minh về chùa Heian Dgingu.
Cùng với điểm nhìn bên ngoài, người kể chuyện ngôi thứ ba còn sử dụng điểm nhìn bên trong. Khi đó người kể chuyện thông qua lăng kính của tâm trạng một nhân vật để sáng tạo ra hai kiểu người kể chuyện có những nét độc đáo riêng.
Người kể chuyện thứ nhất, người kể chuyện hàm ẩn đã dời chỗ vào nhân vật, tựa vào nhân vật để kể bằng sự hiểu biết, cảm nhận của nhân vật nên trong quá trình kể chuyện người kể chuyện này bộc lộ bản thân mình ở hai phương diện. Phương diện thứ nhất là khả năng toàn tri, biết tuốt trong miêu tả tâm lý, tâm trạng nhân vật, đặc biệt là tâm lý phụ nữ. Phương diện thứ hai là khả năng hạn tri trong nhận thức, lý giải các vấn đề của các nhân vật. Ở phương diện thứ hai, tầm hiểu biết của người kể chuyện bằng với tầm hiểu biết của nhân vật, điểm nhìn người kể chuyện trùng với điểm nhìn nhân vật. Vì thế câu chuyện trong Xứ tuyết, Ngàn cánh hạc, Cố đô lại hiện ra với đầy khoảng trống, vẻ đẹp yugen mơ hồ, bỏ lửng, đòi hỏi độc giả phải tự lý giải, lấp đầy bằng vốn sống, sự hiểu biết của mình.
Người kể chuyện thứ hai, người kể chuyện lồng trong người kể chuyện. Đây là trường hợp người kể chuyện ngôi thứ ba kể lại một chuyện đã được các nhân vật kể cho nhau nghe. Nhờ vậy mà tạo ra kiểu truyện lồng truyện, truyện đan xen có khả năng tăng cường sức phản ánh hiện thực cho tác phẩm, tạo nên tính lôgic chặt chẽ, sự mạch lạc cho các mạch truyện đan cài, bện xoắn vào nhau trong mỗi tiểu thuyết. Đồng thời tạo ra môi trường để các nhân vật bộc lộ được cái nhìn, tình cảm, tính cách, tư tưởng, quan niệm của mình trước một hiện thực nào đó.
Hơn nữa, trong tiểu thuyết hiện đại như bộ ba tiểu thuyết của Y.Kawabata, điểm nhìn bên trong luôn được người kể chuyện sử dụng phối hợp, luân phiên với điểm nhìn bên ngoài, tự sự học gọi là tiêu cự trần thuật EF, CF. Sự phối hợp luân phiên điểm nhìn, tiêu cự trần thuật EF, CF vừa diễn tả quy luật vận động của tình cảm, sự tác động của ngoại cảnh tới tâm trạng con người, vừa có khả năng lật tẩy sự không thống nhất giữa con người bên ngoài với con người bên trong, hạ bệ cái đạo mạo, giải thiêng cái nghiêm túc để làm nổi bật tính chân thực của đời sống.
Cùng với điểm nhìn, cái chịu sự chi phối của điểm nhìn, góp phần thể hiện điểm nhìn là giọng điệu (1). Giọng điệu là yếu tố vô cùng quan trọng của tổ chức trần thuật, góp phần làm nên chân dung người kể chuyện, tạo phong cách nhà văn cùng sự ra đời của tác phẩm văn học. Trong một tác phẩm văn học có thể có nhiều giọng điệu, của người kể chuyện hay các nhân vật, tác phẩm càng nhiều nhân vật càng có nhiều giọng điệu khác nhau. Xứ tuyết, Ngàn cánh hạc, Cố đô của Y.Kawabata cũng có nhiều giọng điệu, trong đó nổi bật là giọng điệu tự hào, say mê, xót xa, nuối tiếc, góp phần làm nên vẻ đẹp, nỗi buồn sự vật cho tác phẩm (2) để làm nên tinh thần tự tôn, tình yêu dân tộc sâu sắc, giúp mỗi người tự tin, thánh thiện, trưởng thành trong cuộc sống. Đó cũng còn là giọng điệu thể hiện niềm say mê thích thú đặc biệt mang đặc trưng riêng cho từng kiểu nhân vật. Với người phụ nữ, hiện thân của cái đẹp, giọng điệu say mê, ham thích đặc biệt gắn với đức hy sinh, lòng vị tha, khát khao thuộc về thiên tính nữ vĩnh cửu. Còn với các nam nhân lữ khách lang thang đi tìm cái đẹp, giọng điệu say mê, bộc lộ sự ham thích đặc biệt lại gắn với trạng thái ngây ngất, si mê của sự hưởng thụ thẩm mỹ trước cái đẹp thiên nhiên, con người.
Tuy nhiên cái tốt đẹp làm nên sự hãnh diện, say mê cho các nhân vật đang ngày càng mất mát, tổn thương trong xã hội Nhật Bản hiện đại. Vì thế song hành với giọng điệu tự hào, say mê, bộ ba tiểu thuyết của Y.Kawabata nói chung, mỗi nhân vật trong từng tiểu thuyết nói riêng đều có thêm giọng điệu tiếc nuối, hoài niệm cho bản thân cuộc đời mình, cho cả công đồng dân tộc. Điều này vừa làm nổi bật cuộc sống hiện tại nhiều trái ngang, không được như ý muốn của các nhân vật, vừa làm nổi bật “nỗi luyến tiếc thời quá khứ đã qua không bao giờ trở lại có lẽ là cái chủ yếu nhất trong con người” (3).
Như vậy, việc sử dụng linh hoạt, khéo léo nghệ thuật kể chuyện ngôi thứ ba với điểm nhìn bên ngoài, bên trong, cùng giọng điệu tự hào, say mê, nuối tiếc hoài niệm, Y.Kawabata không chỉ làm nổi bật đặc trưng duy mỹ, duy tình của con người Nhật Bản mà còn chứng tỏ mình là “một người kể chuyện nhạy cảm sâu xa, là người khắc họa bức tranh xã hội với tư duy đầy khoáng đạt, với niềm cảm thông nhuốm màu bi quan trong buổi giao thời giữa cái cũ và cái mới” (4). Chính sự tài hoa của một người kể chuyện nhạy cảm, sâu xa đã nâng tầm bộ ba tiểu thuyết lên hàng quốc bảo của nền văn chương Nhật Bản, xứng đáng được trao giải thưởng Nobel văn học. Tuy nhiên để tạo nên những bộ tiểu thuyết có khả năng nâng tầm dân tộc, quốc gia trước thế giới, Y.Kawabata không chỉ sử dụng nghệ thuật kể chuyện độc đáo mà còn chú ý sử dụng ngôn ngữ giàu tính biểu tượng mang đậm dấu ấn thẩm mỹ thiền, thi pháp chân không, thơ haiku rất riêng của Nhật Bản.
Biểu tượng trong bộ ba tiểu thuyết của Y.Kawabata
Biểu tượng trong tác phẩm văn học là một thủ pháp đặc biệt,góp phần làm rõ thêm phong cách, dụng ý nghệ thuật của nhà văn trong cách tổ chức tác phẩm. Thủ pháp đặc biệt này đã được sử dụng hiệu quả trong Xứ tuyết, Ngàn cánh hạc, Cố đô chủ yếu trên nguyên tắc tương phản, đối lập, phép lặp ở cả hai cấp độ: văn bản, chi tiết.
Ở cấp độ văn bản, Xứ tuyết có ba cặp biểu tượng. Cặp biểu tượng thứ nhất là Xứ tuyết Tokyo, một bên tượng trưng cho vẻ đẹp tinh khôi, thanh sạch, hoang sơ, tràn trề sức sống, bao dung, độ lượng, của cõi vĩnh hằng; một bên tượng trưng cho sự ô nhiễm, xô bồ, bệnh tật, là cõi tạm mà đường hầm dài chính là ranh giới phân cách hai thế giới ấy. Cặp biểu tượng thứ hai là xứ tuyết vô trùng với vẻ đẹp riêng của từng mùa, xứ tuyết ô nhiễm bởi luồng gió thị thành theo chân du khách, người phụ nữ Bạch Nga bán hàng rong tới. Họ đem tới đây hoặc lối sống ích kỉ, dùng tiền để thỏa mãn dục vọng bản thân, hoặc là sự tồi tàn, bụi bặm, vô lối theo kiểu chắp vá không bản sắc. Cặp biểu tượng thứ ba là xứ tuyết với tuyết, nước, lửa, biểu tượng cho sự thống nhất của các mặt đối lập để làm nên vẻ đẹp kỳ ảo, đầy bí ẩn. Chính nguyên lý, vẻ đẹp này đã chi phối cách thức xây dựng nhân vật, đặc biệt là những nhân vật nữ trong bộ ba tiểu thuyết của Y.Kawabata.
Ở Ngàn cánh hạc, cô gái có chiếc khăn thêu ngàn cánh hạc xuất hiện 7 lần, còn cái bớt trà sư Chikako là 40 lần đã cùng làm nên một cặp biểu tượng mang nhiều lớp nghĩa. Lớp nghĩa thứ nhất là cô gái nhà Inamura có chiếc khăn thêu ngàn cánh hạc không chỉ là biểu tượng cho vẻ đẹp cao khiết của hương trà đang bay đi, thoát khỏi sự phàm tục, để lại nhiều nuối tiếc mà còn là biểu tượng cho cái thiện, cái mỹ có khả năng cứu rỗi tâm hồn con người, gieo vào tâm hồn con người mong ước về tình yêu, hạnh phúc. Lớp nghĩa thứ hai thể hiện cuộc đấu tranh giữa cái cao khiết, thanh tao, thoát tục với cái xấu xa, trần trụi, phàm tục để giữ lại những giá trị văn hóa mang tính đạo đức của dân tộc, đó là vẻ đẹp đích thực của trà đạo, tình yêu. Còn giữa cố đô xưa đẹp, cổ kính, thanh sạch, đầy sức sống với cố đô nay ít nhiều đã, đang bị ô nhiễm bởi làn sóng Mỹ, là biểu tượng cho văn hóa Nhật Bản đang tranh đấu giữ gìn bản sắc truyền thống của mình trong dòng chảy của hội nhập, hiện đại hóa.
Ở cấp độ chi tiết, tính biểu tượng được thể hiện rõ nét ở hệ thống ngôn ngữ miêu tả thiên nhiên,thân thể con người. Thiên nhiên là một đề tài, chủ đề lớn được Y.Kawabata quan tâm đặc biệt, được đặt là xứ tuyết, ngàn cánh hạc, vòm cây trong nắng chiều, ngôi sao kép, hoa mùa xuân, loài thông liễu trên Bắc Sơn, những cành thông xanh, thu muộn, hai chị em… Đặc biệt trong cả ba tiểu thuyết xuất hiện dày đặc các từ ngữ chỉ thiên nhiên đặc trưng của Nhật Bản với bốn trường từ vựng cụ thể: hoa lá, cỏ cây; loài vật; sự vật hiện tượng tự nhiên; màu sắc thiên nhiên. Vì thế, xứ sở Phù Tang hiện ra với “một thiên nhiên tuyệt đẹp, dịu dàng tinh tế nhưng cũng rất hung bạo; một cửa hàng thời tiết trưng bày mọi sản phẩm qua biến đổi tinh vi của bốn mùa” (5). Con người hiện ra với một lối sống hài hòa, gần gũi, tình yêu sâu sắc với thiên nhiên.
Điều đáng lưu ý là hệ thống từ ngữ chỉ thiên nhiên trong bốn trường từ vựng này không chỉ có chức năng định danh mà còn chuyển hóa thành tín hiệu thẩm mỹ, thành biểu tượng cho vẻ đẹp theo quan niệm thẩm mỹ Nhật Bản hay cho phẩm chất, tính cách, thân phận, số phận con người…như trường hợp cây phong già, hai khóm hoa tím, hoa anh đào, thông liễu, tuyết tùng…(Cố đô), tuyết, bá hương, đôi bướm, vải chijimi…(Xứ tuyết). Những ý nghĩa biểu tượng của các từ ngữ này có khi nằm ngay trong bản thân nó với sự quy ước của xã hội như trường hợp hoa anh đào cũng có khi phải đặt vào ngữ cảnh, hoàn cảnh cụ thể, tính liên văn bản mới thấy rõ như trường hợp hai khóm hoa tím, tuyết, hạt dẻ…
Cùng với hệ thống ngôn ngữ miêu tả thiên nhiên thì hệ thống ngôn ngữ miêu tả thân thể, mà chủ yếu là thân thể người phụ nữ trong Xứ tuyết, Ngàn cánh hạc, Cố đô cũng giàu tính biểu tượng. Xét về mặt cấu tạo, những từ ngữ này chủ yếu có cấu tạo là cụm danh từ, trong đó, danh từ có tác dụng gọi tên, định vị các đường nét của ngoại hình. Còn định ngữ thường là tính từ chỉ tính chất hoặc đặc điểm hình dáng, màu sắc. Vì thế, vẻ đẹp diễm tuyệt cả thể chất, tinh thần của người phụ nữ Nhật Bản hiện ra. Đây là vẻ đẹp mà nhiều nam nhân lữ khách như Shimamura (Xứ tuyết), Kikuji (Ngàn cánh hạc), Takichiro, Hideo (Cố đô) đã cất công đi kiếm tìm, nâng niu, giữ gìn. Như vậy, dù chỉ là thành phần phụ của danh từ nhưng các định ngữ miêu tả lại trở thành các tín hiệu thẩm mỹ, đóng vai trò định ngữ nghệ thuật, tôn vinh vẻ đẹp thiên tính nữ truyền thống Nhật Bản, chuyển tải thông điệp về hành trình đi tìm thiên tính nữ, sự cứu rỗi tâm hồn con người.
Nói tóm lại, với việc lựa chọn, phối hợp khéo léo điểm nhìn bên ngoài, bên trong; điểm nhìn toàn tri, hạn tri từ người kể chuyện ngôi thứ ba, việc sử dụng giọng điệu tự hào, say mê, nuối tiếc hoài niệm cùng một hệ thống biểu tượng ở các cấp độ khác nhau, Xứ tuyết, Ngàn cánh hạc, Cố đô không chỉ mở ra thế giới cái đẹp ở xứ sở mặt trời mọc, làm nổi bật nghệ thuật tự sự bậc thầy với lối kể chuyện lôi cuốn có đôi nét tương đồng về khí chất với các nhà văn phương Tây, mà còn làm nổi bật được thi pháp Y.Kawabata; đó là thi pháp chân không, thi pháp thơ haiku, gắn với thứ ngôn ngữ “mẫu mực của phong cách Nhật ngắn gọn, súc tích, sâu xa, mang tính biểu tượng, ẩn dụ kỳ diệu”(6).
______________
1. Nhiều tác giả, Từ điển thuật ngữ văn học, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1992, tr.134, 135.
2, 3, 4, 6. Yasunari Kawabata, Tuyển tập tác phẩm, nhiều người dịch, Nxb Lao động, Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, Hà Nội, 2005, tr.670, 958, 959, 986, 1052.
5. Nhật Chiêu, Nhật Bản trong chiếc gương soi, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2003, tr.5.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 393, tháng 3-2017
Tác giả : NGUYỄN THỊ HUÂN
Bài viết cùng chủ đề:
Tiểu nữ thần hay nhân vật nữ nổi loạn trong truyện ngắn của ivan bunin
Vẻ đẹp của lục bát tình đương đại
Ngôn ngữ trần thuật trong hồi ký cát bụi chân ai và chiều chiều của tô hoài