Con người luôn luôn cần phải có những nghi lễ để đánh dấu vị thế của mình trong bất cứ hoàn cảnh, điều kiện, môi trường nào. Nghi lễ chuyển tiếp là một loại hình sinh hoạt văn hóa được thực hiện nhằm đánh dấu sự chuyển đổi vị thế của con người trong xã hội, từ một giai đoạn sống này, sự kiện này sang một giai đoạn sống khác, sự kiện khác. Được tiến hành như một sự tiếp nhận khi một cá nhân được chuyển từ vị thế xã hội này sang vị thế xã hội khác, nghi lễ chuyển tiếp được đánh dấu bởi những giai đoạn rời bỏ, chuyển tiếp và tái hội nhập (1). Trong bài viết này, chúng tôi dựa trên lý thuyết về nghi lễ chuyển tiếp của Arnold Van Gennep để tiếp cận đặc trưng văn hóa của người Si La ở huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu qua các ứng xử và thực hành nghi lễ vòng đời người (2).
1. Nghi lễ trong đám cưới
Đám cưới truyền thống của người Si La trải qua các bước từ dạm hỏi, xin dâu đến tổ chức lễ cưới (3).
Để thực hiện nghi thức dạm hỏi, nhà trai nhờ ông mối, người khác họ với cả hai bên gia đình, có uy tín, hiểu phong tục, thạo lý lẽ, khéo ăn nói, thay mặt nhà trai sang nói chuyện với nhà gái, thống nhất ngày đón dâu (4). Việc thực hiện nghi thức dạm hỏi đánh dấu sự thay đổi vị thế xã hội của cô gái từ người tự do sang người đã xác định đối tượng hôn phối. Vì thế, từ nay, mọi quan hệ với người khác giới không phải họ hàng đều bị hạn chế tối đa. Đây là bước đầu của giai đoạn cách ly, không chỉ của cô gái mà còn cả người bạn đời tương lai.
Lễ xin dâu là nghi thức nhà trai đón cô gái về làm dâu (5). A. V. Gennep cho rằng “hôn nhân cấu thành điều quan trọng nhất trong sự chuyển tiếp từ tình trạng xã hội này sang tình trạng xã hội khác” (6). Ở đây, sự chuyển tiếp trong hôn lễ liên quan đến sự chuyển đổi lãnh thổ. Người con gái rời gia đình đến sống ở nhà chồng sau khi thực hiện nghi lễ nhập họ, nhập ma vào gian thờ cúng ma nhà của gia đình chồng. Nhà trai bày mâm cúng gồm 1 con gà, 2 nắm cơm nếp, 1 quả trứng gà, ống rượu cần và bát nước lã. Thày cúng bẻ đôi quả trứng, đặt lên 2 nắm cơm nếp, cầm trên 2 tay, căn dặn chàng rể, nàng dâu nghĩa vụ của người chồng, người vợ. Chú rể bắt chéo tay, tay trái để trên, tay phải để dưới, đón lấy 2 nắm cơm cùng 2 nửa quả trứng, đi ra trước bậc cửa trao cho cô dâu. Mỗi người ăn hết nắm cơm với nửa quả trứng trước sự chứng kiến của tổ tiên và họ tộc. Chú rể dắt tay cô dâu bước qua đống lửa trước bậc cửa, đi vào nhà để làm lễ buộc chỉ cổ tay báo cáo tổ tiên (7). Lễ buộc chỉ cổ tay nhập họ cho cô gái đánh dấu thời điểm chuyển tiếp quan trọng, chính thức hợp nhất hai con người lại trong một gia đình. Từ đây, người con gái đã trở thành con dâu nhà chồng và người con trai đã trở thành con rể nhà vợ. Từ cuộc sống độc thân, họ đã chuyển sang vị thế cuộc sống vợ chồng.
Ba ngày sau lễ đón dâu, lễ cưới được diễn ra, nhà trai, nhà gái mổ lợn làm cỗ mời họ hàng, bà con làng bản đến dự chung vui (8). Trong lễ cưới, nhà trai mang sính lễ dẫn cưới là 3 miếng thịt, lá lách, gan đến nhà gái để làm lễ vật lên bàn thờ tổ tiên, thông báo về việc cô gái đã làm dâu họ khác. Tại nhà trưởng họ, nhà trai cũng làm lễ nhập họ cho cô gái với lễ vật là thịt lợn, tim, gan, cật và dẻ sườn. Sự chuyển tiếp trong lễ kết hôn, như A. V. Gennep khẳng định, là từ thanh thiếu niên thành người trưởng thành, từ người độc thân thành người có đôi, từ người của dòng họ này thành người của dòng họ khác (9). Lễ cưới đánh dấu sự hội nhập của cô dâu với nhà chồng. Đôi vợ chồng trẻ sẽ xuất hiện trước anh em họ hàng và bà con hàng xóm với vị thế, vai trò và trách nhiệm mới. Họ không chỉ hoàn thành nghĩa vụ làm chồng, làm vợ mà còn phải có trách nhiệm với họ hàng hai bên. Kể từ đây, vợ chồng mới cưới tái hòa nhập với cuộc sống cộng đồng như những thành viên khác. Đó là giai đoạn hậu ngưỡng hay còn gọi là giai đoạn tái hợp, tái hòa nhập cộng đồng.
2. Nghi lễ trong mang thai và sinh đẻ
Nghi lễ trong quá trình mang thai và sinh con bắt đầu bằng việc người phụ nữ mang thai cách ly với xã hội, mục đích là tạo thuận lợi cho việc sinh nở để bảo vệ người mẹ và đứa bé khỏi những điều không tốt đẹp. Việc mang thai và sinh con đầu lòng luôn là niềm mong mỏi đối với các cặp vợ chồng, gia đình, dòng họ người Si La. Vì vậy, khi người phụ nữ có thai là lúc mọi người thực sự vui mừng và thực hiện các nghi thức, kiêng cữ để mong “mẹ tròn, con vuông” (10).
Theo phong tục, khi sản phụ chuyển dạ, các thành viên nhà chồng phải ra khỏi nhà, nhường lại công việc đỡ đẻ cho bà đỡ và mẹ của sản phụ. Trước đó, người chồng chuẩn bị một cái giường đặt cạnh gian bếp nấu, làm nơi người vợ vượt cạn. Chúng ta thấy ở đây tiến trình nghi lễ là: phân ly (kiêng kỵ), chuyển tiếp dần đến những chướng ngại vật (quá trình sinh nở) và tái hội nhập cuộc sống thường nhật. Người Si La quan niệm, người phụ nữ mang thai là ô uế và sự ô uế đó sẽ truyền cho đứa trẻ, vì vậy người mẹ phải tuân thủ những cấm kỵ, đây là giai đoạn cuối cùng để người phụ nữ trở về xã hội của mình sau khi sinh. Họ thực hành các nghi lễ để chống lại thế lực xấu, sự nguy hiểm, bệnh tật và tất cả những gì có thể làm hại đến người mẹ, đặc biệt là đến đứa trẻ. Đứa trẻ khi mới sinh, đầu tiên phải cách ly với môi trường trước đó, đơn giản là cách ly với mẹ của nó. Đứa trẻ được bà đỡ cắt rốn, tắm rửa, chăm sóc trước khi đưa trả lại cho người mẹ. Người ta thực hiện vài nghi lễ như buộc ống nhau thai bằng 7 hay 9 lá dong và ngọn dẻ dại, đặt nhau thai vào chỗ linh thiêng để đứa trẻ vững chãi, khéo léo. Đứa trẻ mới sinh chưa hoàn toàn thuộc về thế giới loài người, sau 12 ngày, nếu chúng không có mệnh hệ gì mới được xem là người thực thụ và tiến hành làm lễ đặt tên (11).
Lễ đặt tên được làm vào ngày thứ 13 sau khi sinh. Người Si La thường chọn ngày con gà hoặc ngày con khỉ để làm lễ đặt tên cho con cháu, kiêng ngày giỗ ông bà, ngày sinh bố mẹ, ông bà. Họ đặt tên đệm cho con trai là Chà, con gái là Cố, còn tên chính thì không theo quy luật nào, nhưng luôn lưu ý tìm một cái tên không giống tên ai trong bản, bởi sự trùng lặp có thể đem lại điều không may mắn (12). Họ tổ chức ăn mừng thành viên mới chính thức bước vào đời sống của gia đình, dòng họ và cộng đồng.
Lễ buộc chỉ cổ tay – nhập họ cho trẻ sơ sinh, mang ý nghĩa cầu chúc sức khỏe, tránh sự quấy nhiễu của ma quỷ và công nhận thành viên mới trước sự chứng kiến của tổ tiên (13). Thày cúng bày lễ vật, tiến hành các nghi thức cầu khấn tổ tiên, đặt tên, buộc chỉ cho thành viên mới của gia đình, chính thức thừa nhận sự chuyển tiếp từ mang thai, sinh nở qua giai đoạn tuổi thơ ấu. Sau lễ, sản phụ được rời khỏi nơi ở cữ bên bếp nấu để ra suối tắm, coi như việc kiêng cữ kết thúc. Cũng từ đây, người mẹ và đứa con được trở lại phòng ngủ cùng gia đình, đi lại tự do và tham gia vào các hoạt động chung của làng bản (14). Buổi lễ kết thúc, đứa trẻ được bế ra ngoài để giới thiệu với họ hàng, làng bản, tức là xuất hiện trước cộng đồng với một tên gọi chính thức và được cộng đồng chấp nhận như một thành viên mới. Lễ đặt tên còn tiếp nối một sự chuyển tiếp khác trong đời sống hôn nhân. Sự ra đời của đứa con đã thắt chặt mối quan hệ vợ – chồng, nâng cao vai trò, vị trí của người con dâu với dòng họ nhà chồng.
3. Nghi lễ trong tang ma
Nghi lễ tang ma của người Si La thường diễn ra trong 4 ngày 3 đêm với nhiều nghi lễ như: cúng chỉ đường, xua đuổi tà ma, phúng viếng, đưa người chết lên nhà mồ, gọi vía người sống trở về, viếng mộ, bỏ tang, nhập bàn thờ. Người Si La quan niệm, chết là quá trình tạm dừng sự sống ở trần gian để bắt đầu một sự sống mới ở thế giới khác (15), con người vẫn tiếp tục sinh tồn, vì thế tang lễ và những ứng xử với người thân qua đời có thể được xem là biểu hiện của đức tin và triết lý về sự chuyển tiếp sau cái chết. Đồng thời, đó cũng là dịp để người sống thực hiện đạo lý với người đã khuất.
Ngoài ra, người Si La cho rằng cái chết là sự mất mát lớn của cả gia đình và cộng đồng nên nghi lễ tang ma không chỉ để an ủi gia đình người chết mà còn để chuyển tiếp địa vị của người chết vào thế giới tổ tiên. Tất cả lễ tang đều nhằm bốn mục đích là đưa linh hồn người quá cố vào thế giới linh hồn một cách an toàn, an ủi linh hồn, biểu lộ sự đau khổ của người sống và đảm bảo cái chết không mang lại những điều không mong muốn cho gia đình (16).
Trong những ngày diễn ra lễ tang, thày cúng thực hiện những nghi lễ chính và quan trọng nhất: chỉ đường, phúng viếng, đưa người chết lên nhà mồ, cúng bỏ tang, dựng lại vách và gọi hồn cho những người đã tham gia vào các công việc trong tang lễ (17). Sau 3 năm, người Si La làm lễ nhập hồn, vía cho người chết vào bàn thờ của tổ tiên dòng họ tại nhà người trưởng họ trong dịp Tết năm mới.
Kết thúc các nghi lễ, theo quan niệm của người Si La, linh hồn người chết đã được dẫn về với thế giới tổ tiên và được con cháu lập bàn thờ với tư cách là ma nhà tổ tiên. Như vậy, vị thế cũ của người chết đã được thay thế bằng một vị thế mới: người chết đã hòa nhập thế giới tổ tiên, được con cháu thờ phụng. Sau một thời gian gián đoạn với những hoạt động thường nhật, gia đình người có tang trở lại sinh hoạt bình thường.
Tóm lại, lý thuyết nghi lễ chuyển tiếp được chia thành 3 giai đoạn rõ ràng, nhưng đôi khi những giai đoạn đó không có ranh giới tách bạch. Vì thế, cần linh hoạt khi nghiên cứu về nghi lễ chuyển tiếp, bởi chủ thể của nó thường là cá nhân sống trong một cộng đồng. Việc thực hiện nghi lễ chuyển tiếp có vai trò điều chỉnh hành vi và biểu hiện giá trị, tạo đặc trưng văn hóa riêng trong thực hành nghi lễ vòng đời của người Si La ở huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu.
_______________
1. Emily A.Schultz, Robert H.Lavenda, Nhân học tình trạng quan điểm nhân sinh, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr.226.
2. Người Si La còn có nhiều tên gọi khác như Cù Dề Sừ, Khả Pẻ, Khờ Pướ, Pờ Mạ và Si La là tên gọi chính thức. Ở Can Hồ, người Si La sinh sống ở 2 bản: Seo Hai (67 hộ, 251 người) và Sì Thao Chải (73 hộ, 291 người), chiếm 29% dân số, đứng thứ hai sau dân tộc Hà Nhì.
3. Bùi Quốc Khánh, Phong tục hôn nhân và nghi lễ cưới của người Si La ở xã Can Hồ, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu, Tạp chí Nguồn sáng dân gian, số 3 (56), 2015, tr.62-68.
4, 10, 11, 12. Khổng Diễn, Dân tộc Si La ở Việt Nam, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 2001, tr.184, 90, 191, 193 và Bùi Quốc Khánh, tư liệu đã dẫn (tlđd), tr.63.
5. Nhà trai cử em gái út của chú rể đi xin dâu trong 3 buổi sáng liên tiếp, gia đình nhà gái mới đồng ý, lúc đó mẹ của cô gái dắt tay con gái trao cho các cô gái đến đón dâu và họ đưa cô gái vào rừng, tránh sự nhìn thấy của người dân trong bản. Ngày nay, việc đưa cô dâu vào rừng không còn diễn ra, đoàn đón dâu đi quanh bản chào bà con họ hàng trước khi về nhà chồng. Đây là nghi lễ thông báo cho họ hàng, bà con lối xóm biết cô gái đã đi lấy chồng và trở thành người của dòng họ khác.
6, 9. Gennep Arnold Van, The rite of passage, Routledge & Kegan Paul, London, 1960, tr.116, 124.
7. Xem thêm Khổng Diễn, tlđd; Bùi Quốc Khánh, tlđd.
8. Trước đây kinh tế khó khăn, nghi lễ này thường được diễn ra sau từ 1 – 2 năm, khi gia đình có đủ điều kiện tổ chức lễ cưới. Nhiều trường hợp ở với nhau có con vẫn chưa tổ chức được lễ cưới chính thức.
13. Lễ buộc chỉ cổ tay của người Si La chỉ làm khi có thành viên mới gia nhập vào bàn thờ tổ tiên, gia đình, dòng họ (làm cho cô dâu mới về nhà chồng trong lễ cưới và làm cho trẻ mới sinh trong lễ đặt tên) hay khi người trong nhà ốm đau (để nhập lại hồn và chữa bệnh).
14. Người Si La kiêng việc người lạ thăm sản phụ và trẻ sơ sinh, họ cắm cành lá xanh ở cửa chính như là dấu hiệu thông báo và xua đuổi tà ma, không làm ảnh hưởng đến sức khỏe, hồn vía của sản phụ và trẻ sơ sinh.
15. Người Si La quan niệm, con người có hai phần là thể xác và linh hồn/ vía, phụ nữ 7 vía, nam giới 9 vía. Người chết là lúc vía lìa khỏi thể xác đi không trở về.
16. Francis L.K. Hsu, Under the Ancestors’ Shadow, Columbia University Press, New York, 1948, tr.154.
17. Được thực hiện vào ngày thứ bảy đối với nữ, thứ chín đối với nam tính từ thời điểm cha/ mẹ tắt thở. Lễ vật là thịt sóc khô, cua đá, cá suối, trứng gà, rượu, nước đặt lên chiếc chiếu bên cạnh bếp thiêng. Thày cúng dùng vòng bạc trắng, giọ đựng cơm, ống rượu cần làm lễ gọi hồn những người đã tham gia trong đám tang trở về.
Tác giả: Phan Mạnh Dương
Nguồn: Tạp chí VHNT số 424, tháng 10 – 2019
Bài viết cùng chủ đề:
Note ngay các trải nghiệm du lịch Huế dịp Valentine chi tiết nhất
Kinh nghiệm đi du lịch Đà Nẵng dịp tết nguyên đán 2023 chi tết A-Z
Top 11 địa điểm cho thuê xe máy Đà Lạt giá rẻ xe mới tinh 100%