Trong bài viết này, sự kiện được hiểu là những hoạt động quan trọng, tập trung và nổi trội trong đời sống của cộng đồng như: lễ kỷ niệm, lễ khai trương, hội nghị, hội thảo, thi đấu thể thao, trình diễn nghệ thuật, hội chợ triển lãm… Các sự kiện có quy mô từ cộng đồng gia đình, làng xóm tới cấp huyện, tỉnh, quốc gia và toàn cầu. Các sự kiện đều có khả năng tập hợp cộng đồng, tôn vinh giá trị và quảng bá thương hiệu.
Các sự kiện đóng vai trò quan trọng trong phát triển du lịch, góp phần tạo lợi thế cho địa phương, tuyến điểm du lịch, giúp du khách biết thông tin về điểm đến và sản phẩm du lịch. Ngoài ra, nó còn tạo ra nguồn du khách cho riêng sự kiện, từ đó tạo dựng hình ảnh có tính thương hiệu cho địa phương và đất nước. Sự kiện cũng góp phần tạo sức hút và quảng bá cho địa điểm tổ chức sự kiện cũng như các tuyến điểm liên quan. Khách đến sự kiện không chỉ được hưởng thụ các sản phẩm của sự kiện mà còn tham gia tích cực vào nhiều hoạt động trải nghiệm đời sống văn hóa xã hội bản địa, thúc đẩy hoạt động thương mại, làm gia tăng thu nhập và tạo công ăn việc làm cho địa phương.
Mặt khác, các sự kiện và lễ hội còn tác động đến việc hoạch định chính sách phát triển du lịch, thúc đẩy ngành kinh tế dịch vụ, phát triển hạ tầng, thậm chí làm thay đổi diện mạo của một cụm cư hay đô thị. Ở những vùng du lịch bị chi phối bởi mùa vụ, các sự kiện và lễ hội còn có thể gia tăng thời gian khai thác, hạn chế những hệ quả không mong muốn của tác động khí hậu, nhất là đối với du lịch biển ở các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.
Sầm Sơn là khu du lịch biển nổi tiếng của tỉnh Thanh Hóa với bãi biển chạy dài gần 6 km từ cửa Lạch Hới đến chân núi Trường Lệ và là bãi tắm cát vàng, làn nước trong xanh có nồng độ muối vừa phải rất tốt cho sức khỏe con người. Sầm Sơn có nhiều thắng cảnh đẹp như: hòn Trống Mái, đền Cô Tiên, Độc Cước,… cùng với khung cảnh thiên nhiên kỳ vỹ đã tạo nên không gian sơn thủy hữu tình độc đáo. Ngay từ thời Pháp thuộc, Sầm Sơn đã hình thành nhiều khu nghỉ mát nổi tiếng của cõi Đông Dương. Rất nhiều biệt thự nghỉ mát đã mọc lên ở đây.
Hiện nay, hệ thống nhà nghỉ, khách sạn, khu nghỉ dưỡng đang được xây dựng đa dạng, phong phú. Một loạt công trình văn hóa trọng điểm được xây dựng, hạ tầng du lịch tại các khu du lịch trọng điểm được đầu tư và đưa vào khai thác. Các dự án nghìn tỷ trong lĩnh vực du lịch lần đầu tiên được xây dựng tại Thanh Hóa, điển hình là khu nghỉ dưỡng cao cấp FLC Sầm Sơn, những dự án khách sạn lớn như Mường Thanh, Phượng Hoàng… Du lịch nghỉ dưỡng biển ở Thanh Hóa gắn liền với các loại hình dịch vụ, du lịch biển như lưu trú, nghỉ ngơi, tắm biển, bơi lặn, chèo thuyền, lướt ván, tìm hiểu văn hóa, ẩm thực, hệ động thực vật biển. Sầm Sơn đang tạo động lực to lớn đẩy nhanh sự phát triển kinh tế – xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của khu vực Bắc Trung Bộ.
Có thể coi Sầm Sơn là trung tâm nối nhiều tuyến điểm du lịch Thanh Hóa, đặc biệt là du lịch biển. Vùng ven biển có các huyện từ Nga Sơn, Hậu Lộc, Hoằng Hóa, Quảng Xương đến Tĩnh Gia, chạy dọc theo bờ biển gồm vùng sình lầy ở Nga Sơn và cửa sông Hoạt, sông Mã, sông Yên và sông Bạng với những bãi biển đã có thương hiệu như Quảng Vinh (huyện Quảng Xương), Hải Tiến (huyện Hoằng Hóa), Hải Hòa (huyện Tĩnh Gia)…
Cùng với sự đầu tư và những lợi thế có được, Sầm Sơn được đánh giá là đầu tàu kéo du lịch Thanh Hóa phát triển nhanh, mạnh và bền vững. Thanh Hóa đã đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ đón trên 11.200.000 lượt khách (gấp 1,8 lần), tổng thu từ khách du lịch ước đạt 20.500 tỷ đồng, tỷ trọng GRDP du lịch so với GRDP cả tỉnh đạt 12,7%. Như vậy, tìm ra các yếu tố phù hợp với mục tiêu đã đặt ra, trong đó có nghiên cứu xây dựng những sự kiện và lễ hội nhằm gia tăng thời gian và hiệu quả khai thác du lịch, góp phần xây dựng và quảng bá thương hiệu địa phương là nhu cầu khách quan hướng tới phát triển bền vững của du lịch Sầm Sơn nói riêng và Thanh Hóa nói chung.
Xuất phát từ những lợi thế của các sự kiện đối với phát triển du lịch, tỉnh Thanh Hóa đã quan tâm đầu tư tập trung vào tổ chức trên quy mô lớn sự kiện mở mùa du lịch biển ở Sầm Sơn.
Năm 2015, lễ hội du lịch Sầm Sơn diễn ra với các màn bắn pháo hoa tầm thấp, ca nhạc chào mừng mùa du lịch biển. Ngoài ra, trong khuôn khổ lễ hội còn tổ chức các hoạt động thể dục, thể thao như giải bóng bàn, cầu lông, quần vợt… Lễ hội Sầm Sơn 2015 được tổ chức thành chuỗi gồm 3 đợt: đợt 1 là tuần lễ văn hóa du lịch Sầm Sơn (từ ngày 28-4 đến ngày 08-5-2015); đợt 2 là các hoạt động lễ hội, văn hóa, thể thao (từ tháng 6 đến tháng 9-2015); đợt 3 là các hoạt động văn hóa, thể thao, lễ hội (từ tháng 10 đến 12-2015).
Năm 2016, lễ hội Sầm Sơn có chủ đề Sầm Sơn bừng sáng tương lai, được tổ chức hoành tráng với sự tham gia của nhiều ca sĩ, nghệ sĩ như Mỹ Linh, Trọng Tấn, Thùy Dung, Hương Tràm, Thái Thùy Linh, Minh Chuyên,… Ngoài ra, còn diễn ra các hoạt động thể thao như giải bóng bàn, cầu lông, quần vợt…
Dự kiến mở mùa du lịch biển Sầm Sơn 2017 tổ chức nhằm chào mừng kỷ niệm 110 năm du lịch Sầm Sơn. Chương trình có kết cấu gồm 2 phần: phần hội diễn ra với sự kết hợp giữa lễ hội đường phố và biểu diễn nghệ thuật tại sân khấu bãi B phường Trường Sơn (thị xã Sầm Sơn). Điểm nhấn của phần hội là chương trình nghệ thuật với chủ đề Sầm Sơn bốn mùa biển hát, có sự tham gia của gần 400 nghệ sĩ chuyên và không chuyên trong và ngoài tỉnh. Chương trình nghệ thuật giới thiệu khái quát lịch sử hình thành, phát triển của Sầm Sơn trong suốt 110 năm, nhấn mạnh những đổi thay mạnh mẽ về diện mạo và chất lượng dịch vụ du lịch, cùng những danh thắng, lễ hội, nét đẹp văn hóa truyền thống tiêu biểu, độc đáo của Sầm Sơn. Lễ hội cũng có các hoạt động như: hội chợ thương mại – du lịch, giải bóng bàn, cầu lông, quần vợt hè Sầm Sơn, giải fulsal cúp delta…
Du lịch biển Sầm Sơn. Ảnh Hoàng Việt
Nhìn chung, các sự kiện mở mùa du lịch Sầm Sơn đã tạo ra luồng gió mới cho du lịch Thanh Hóa. Lượng khách về trong thời gian diễn ra sự kiện và cả mùa đều tăng mạnh. Thu nhập trực tiếp từ du lịch cũng như các dịch vụ khác tăng theo lượng du khách. Diện mạo đô thị và khu vực bãi tắm được chỉnh trang theo hướng văn minh, xanh – sạch – đẹp. Việc làm và thu nhập của người dân vùng du lịch được cải thiện đáng kể.
Tuy nhiên, qua các kỳ sự kiện mở mùa du lịch Sầm Sơn, cho thấy tỉnh Thanh Hóa chỉ mới tập trung đầu tư lớn cho lễ hội có tính nghi thức khai mạc, những sự kiện khác trong mùa chưa được quan tâm. Các yếu tố văn hóa truyền thống địa phương cũng như nhiều sự kiện có tính giải trí bãi biển ăn khách chưa được quan tâm khai thác triệt để.
Chúng tôi cho rằng tài nguyên văn hóa và các nguồn lực cho tổ chức, quản lý sự kiện du lịch sẵn có ở Thanh Hóa rất dồi dào, nếu được khai thác triệt để và tích cực sẽ đem lại hiệu quả kinh tế xã hội. Với các tài nguyên tự nhiên và nhân văn, cùng điều kiện về cơ sở hạ tầng của Sầm Sơn, có thể nghiên cứu xây dựng và phát triển chuỗi các sự kiện du lịch dưới nhiều hình thức, quy mô và thời gian khác nhau, nhằm gia tăng khai thác du lịch cả bốn mùa, tạo yếu tố có tính điều kiện về sản phẩm, thúc đẩy liên kết tuyến điểm và sản phẩm du lịch nội tỉnh, mở rộng liên tỉnh và quốc tế. Theo cách đó có thể nghĩ đến các hình thức sự kiện du lịch tổ chức tại Sầm Sơn, cụ thể:
Trước hết, mở rộng những ngày lễ hội mở mùa du lịch Sầm Sơn với các hoạt động như: lễ khai mạc với chương trình nghệ thuật tập trung vào chủ đề, có sự tham gia chủ đạo và tích cực của các nhân tài xứ Thanh; diễu hành kết hợp giữa dân gian và hiện đại, phô diễn các hình tượng đặc trưng văn hóa vùng biển Thanh Hóa và tài nguyên, sản phẩm du lịch cả truyền thống và hiện đại. Cuộc diễu hành chủ yếu do các cộng đồng địa phương thực hiện; xây dựng lễ hội sông nước Sầm Sơn như: giải đua thuyền Sầm Sơn mở rộng (các địa phương trong tỉnh và vùng Bắc Trung Bộ). Có thể có các hình thức như: giải đua tàu đánh cá của ngư dân, đua thuyền thúng dành cho du khách, giải đua bè kết bằng tre luồng truyền thống Thanh Hóa…; tổ chức hoạt động giải trí nổi bật trong tuần lễ hội và suốt mùa hè cho du khách đến với Sầm Sơn như: trò chơi dân gian trên cát, trên mặt biển và trên cả hè phố; tổ chức các trò chơi trên sóng biển hiện đại như đua mô tô nước, đua thuyền buồm, dù bay, lướt ván…; tổ chức hội chợ và các hoạt động ẩm thực đặc trưng Thanh Hóa và vùng biển Bắc Bộ; tổ chức các sân khấu ca nhạc, thi hát karaoke ngoài trời bên bờ biển dành cho du khách; xây dựng loại hình du lịch trải nghiệm văn hóa biển tại các làng đánh cá, nuôi trồng thủy sản ven khu vực Sầm Sơn cùng với những hoạt động như thi câu cá, câu mực, kéo lưới…; tổ chức sân chơi nghệ thuật dân gian của các dân tộc có trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa ngay trong thành phố biển Sầm Sơn; xây dựng và truyền thống hóa một festival chuyên đề thời trang biển mang thương hiệu Sầm Sơn. Bao gồm các hoạt động như diễu hành thời trang, hóa trang phong cách biển, trình diễn sân khấu thời trang biển, trưng bày, hướng dẫn thời trang; xây dựng và truyền thống hóa một festival nghệ thuật đương đại. Lấy nghệ thuật đương đại như âm nhạc, nhảy múa, mỹ thuật… cùng các nhóm bạn trẻ tuổi làm nòng cốt…
Các hoạt động này được tổ chức vào nhiều mùa hè và theo phương thức dịch vụ, kích thích chi tiêu của du khách, tăng thu nhập cho người dân và ngân sách địa phương.
Trong các mùa ít khách du lịch biển, có thể tổ chức các giải thể thao nhằm thu hút người tham gia sự kiện như: xây dựng giải việt dã mạo hiểm đa phương tiện Sầm Sơn – ngược nguồn sông Mã – Tây Bắc; xây dựng giải thể thao trên cát mang thương hiệu Sầm Sơn như giải việt dã trên cát, bóng đá trên cát, cầu lông trên cát, đua xe đạp địa hình trên cát, đua xe máy dân dụng trên cát…
Để có tính khả thi, cần phát triển một đề án quy hoạch chuỗi sự kiện bốn mùa du lịch biển Sầm Sơn trong liên tuyến và phối hợp cùng các địa phương trong và ngoài tỉnh. Trong đó, nhấn mạnh đến sự tìm tòi sáng tạo trên cơ sở bối cảnh chung và các điều kiện thực tế của Sầm Sơn và Thanh Hóa. Nhất là xây dựng được chiến lược và biện pháp marketing, quảng bá phát triển thương hiệu Sầm Sơn một cách phù hợp, hướng đến hiệu quả kinh tế xã hội. Mặt khác cần xây dựng chính sách cụ thể khuyến khích cộng đồng địa phương chủ động sáng tạo tổ chức và quản lý các sự kiện với tư cách chủ nhân sáng tạo và sở hữu.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 395, tháng 5-2017
Tác giả : PHẠM THỊ THANH HÀ
Bài viết cùng chủ đề:
Nên đi du lịch Đà Nẵng vào tháng mấy là đẹp nhất?
Sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực văn hóa và du lịch ở việt nam
Tổ chức các hoạt động du lịch tại khu trung tâm hoàng thành thăng long