Nghĩ về nhân lực của sân khấu truyền thống hiện nay


 

Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc đã tạo nên những biến đổi mạnh mẽ trong đời sống xã hội Việt Nam. Riêng với lĩnh vực văn học nghệ thuật nói chung, sân khấu truyền thống (SKTT) nói riêng, định hướng của Đảng đã giúp cho văn nghệ sĩ và các đơn vị nghệ thuật có thêm nhiều thành tựu mới. Tuy nhiên, bên cạnh những giá trị to lớn đạt được, SKTT vẫn đang tồn tại những bất cập cần sớm được tháo gỡ.

1. Thực trạng nhân lực và đào tạo nhân lực cho SKTT

SKTT được xem là một thành tố quan trọng góp phần làm nên bản sắc văn hóa dân tộc. Tuy nhiên, trước những biến đổi xã hội và quá trình toàn cầu hóa, SKTT và nhiều hình thức văn nghệ cổ truyền khác đang đứng trước nguy cơ thiếu hụt nhân lực.

Có câu nói: thày già con hát trẻ, nhưng hiện nay phổ biến ở nhiều đoàn nghệ thuật truyền thống, diễn viên có độ tuổi trung bình trên 35, thậm chí trên 45 tuổi. Dường như chỉ một số nhà hát ở trung ương và thành phố lớn có điều kiện thường xuyên bổ sung diễn viên, còn với các đơn vị nghệ thuật địa phương thì điều này là không thể.

Khảo sát các đơn vị nghệ thuật truyền thống ở khu vực miền Trung cho thấy: Nhà hát Tuồng Khánh Hòa, lớp diễn viên lành nghề đã ở vào lứa tuổi trên dưới 50. Nghệ sĩ ở Đoàn Nghệ thuật Bài chòi của Nhà hát Truyền thống Khánh Hòa cũng chỉ còn 10 người đã đứng tuổi, trong khi số diễn viên trẻ mới được bổ sung thì non về nghề.

Ở Nhà hát Tuồng Đào Tấn (Bình Định) và Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh (Đà Nẵng) tình trạng cũng không khá hơn. Vì quá thiếu diễn viên nên Nhà hát Tuồng Đào Tấn đang phải tuyển cả diễn viên ở các môn nghệ thuật khác như: ca nhạc, múa… để đào tạo lại. Một vài nghệ sĩ tài năng được xem là trẻ của Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh cũng ngoài 30 tuổi. Riêng Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế, do có những lợi thế nhất định nên đội ngũ diễn viên còn khá ổn định.

Với 18 đơn vị nghệ thuật chèo ở miền Bắc, tình trạng cũng không khá hơn. Hầu hết các diễn viên trẻ có tài ở địa phương thường ra đi, đầu quân cho nhà hát ở trung ương. Nhà hát Chèo Thái Bình, Nhà hát Chèo Ninh Bình, Nhà hát Chèo Hưng Yên đều là nhà hát ở những địa phương có thế mạnh về chèo nhưng cũng không tránh khỏi tình trạng thiếu diễn viên. Hiện nay, diễn viên chủ chốt của ba nhà hát này cũng đều trên dưới 30 tuổi. Năm 2011 vì thiếu diễn viên nên Nhà hát Chèo Ninh Bình không thể dựng vở tham gia hội diễn. Nhà hát Chèo Vĩnh Phúc còn đặc biệt hơn. Nhà hát này nguyên là Đoàn Nghệ thuật Cải lương Vĩnh Phúc, năm 2005 được chuyển đổi thành nhà hát chèo. Mặc dù đã bổ sung thêm một số diễn viên chèo nhưng đến nay, đội ngũ diễn viên chủ chốt của nhà hát vẫn là các nghệ sĩ cải lương.

Cùng với sự thiếu hụt về đội ngũ diễn viên là sự thiếu hụt về đạo diễn, biên kịch, họa sĩ… Với chuyên ngành đạo diễn, lực lượng nhân sự còn tương đối khả quan. Trong các hội diễn gần đây đã xuất hiện một số đạo diễn trẻ tiềm năng, như: Thúy Mùi (Nhà hát Chèo Hà Nội), Trương Hải Thọ (Nhà hát Chèo Thanh Hóa), Lê Tuấn Cường, Thanh Ngoan, Mạnh Huấn, Thanh Tùng (Nhà hát Chèo Trung ương), Quang Thập (Nhà hát Chèo Ninh Bình), Triệu Trung Kiên, Hoàng Mai (Nhà hát Cải lương Trung ương), Giang Mạnh Hà (Nhà hát Nghệ thuật Cải lương Đồng Nai)… Riêng đội ngũ tác giả thì thiếu hụt trầm trọng, số tác giả có thể viết kịch bản tuồng, chèo không đếm hết trên đầu ngón tay. Ngoài mấy tác giả kỳ cựu, mới chỉ xuất hiện thêm một Trần Đình Văn (Nhà hát Chèo Trung ương).

Vấn đề nhạc sĩ và họa sĩ cho SKTT cũng không kém phần nan giải, người có khả năng sáng tác và sung sức còn rất ít. Về âm nhạc chèo có Hạnh Nhân (Đại học Sân khấu – Điện ảnh), Đăng Toàn, Tuấn Hải, Duy Hòa (Nhà hát Chèo Trung ương), Quang Hiệp (Nhà hát Chèo Hà Nội), Gia Thiện (Nhà hát Tuồng Đào Tấn)… Về mỹ thuật SKTT cũng chỉ còn một vài tên tuổi quen thuộc như: Hoàng Song Hào, Lê Huy Quang, Doãn Bằng… Vì thiếu nhân lực như vậy nên trong các hội diễn có nhạc sĩ, họa sĩ phải đảm trách phần âm nhạc, mỹ thuật cho cả chục đơn vị nghệ thuật.

Trong khi các đơn vị nghệ thuật luôn thiếu người làm thì người theo học cũng ngày càng ít đi. Những năm qua, công tác tuyển sinh chuyên ngành kịch hát dân tộc ở các trường nghệ thuật đã cho thấy một thực trạng đáng buồn. Nếu ở thập niên 90 TK XX, thí sinh đăng ký thi tuyển vào diễn viên chèo, diễn viên cải lương ở Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội còn lên đến hàng trăm em thì từ năm 2000 trở lại đây, con số này đã giảm một cách đáng kể: năm 2009, thí sinh dự thi diễn viên chèo là 41/12, cải lương là 20/12 chỉ tiêu; năm 2010, là 31/12 và 19/12; năm 2011, là 21/12 và 16/12; năm 2012, là 39/15 và 12/15.

Năm 2011, Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh tuyển sinh một lớp biên kịch kịch hát dân tộc gồm 10 sinh viên, hầu hết trong số đó là cán bộ, diễn viên đã và đang hoạt động trong các đơn vị nghệ thuật. Đây cũng là dấu hiệu đáng mừng, song chặng đường để trở thành tác giả còn hết sức khó khăn.

Việc tuyển sinh đối với trường đại học đã khó nhưng với trường trung học và cao đẳng văn hóa nghệ thuật ở địa phương còn khó khăn hơn.

Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Thái Bình – một trong những chiếc nôi có bề dày về đào tạo diễn viên chèo và cải lương, bốn năm trở lại đây, thí sinh dự thi cũng ít đi trông thấy: năm 2009, thí sinh dự thi diễn viên chèo là 32/15 chỉ tiêu, năm 2010, 37/14, năm 2011, 32/15, năm 2011, thí sinh dự thi diễn viên cải lương là 30/17 chỉ tiêu, năm 2012, thí sinh thi diễn viên chèo là 15/10 chỉ tiêu.

Trường Cao đẳng nghệ thuật Khánh Hòa, hàng năm có đào tạo một lớp diễn viên tuồng và một lớp diễn viên bài chòi, chỉ tiêu cho mỗi lớp từ 5 – 7 em. Năm 2009, thí sinh dự thi diễn viên tuồng là 11, bài chòi là 10; năm 2010, là 14, và 13; năm 2011, thí sinh dự thi diễn viên tuồng là 7, năm 2012, thí sinh dự thi diễn viên bài chòi là 11. Học sinh vào học các lớp này được giảm tới 75% học phí nhưng khi tốt nghiệp, có lớp chỉ còn lại một hai em.

Từ năm 2010 đến nay, Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật Thừa Thiên Huế không thể tuyển sinh diễn viên tuồng vì không có thí sinh dự thi. Mỗi năm, Trường vẫn duy trì đào tạo một lớp diễn viên ca kịch để cung cấp nhân lực cho Nhà hát nghệ thuật cung đình Huế và Nhà hát nghệ thuật ca kịch, nhưng học sinh sau khi tốt nghiệp rất khó xin được việc làm vì diễn viên hết tuổi nghề nhưng chưa đủ tuổi về hưu ở các nhà hát thì nhiều mà biên chế thì có hạn.

2. Nguyên nhân

Thực trạng trên đây bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có một số nguyên nhân chủ yếu sau:

Nhà nước và các cơ quan chức năng chưa làm tốt công tác bảo tồn, phát triển SKTT

Kể từ sau Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc được đặc biệt coi trọng. Tuy nhiên, với di sản SKTT, vấn đề này vẫn chưa được triển khai triệt để. Có thể nói, đến nay không ít cơ quan quản lý cũng như đơn vị nghệ thuật còn chưa xác định được bảo tồn SKTT thì nên bảo tồn cái gì, bảo tồn ở đâu và bảo tồn như thế nào? Hội thảo bàn về bảo tồn, phát triển SKTT đã được tổ chức, triển khai nhưng đáng tiếc là không có tổng kết. Do vậy, đến nay việc bảo tồn cũng không ra bảo tồn mà phát triển cũng không ra phát triển. Cũng chính vì không có định hướng phát triển cụ thể nên việc phát triển SKTT luôn trong tình trạng trăm hoa đua nở, ai cũng có quyền thể nghiệm và đưa ra tuyên ngôn nghệ thuật. Bên cạnh đó, đội ngũ lý luận phê bình thì thiếu và chưa được coi trọng nên ít có tiếng nói giá trị, chưa phát huy được vai trò định hướng thẩm mỹ cho xã hội. Cùng với các yếu tố khác, những bất cập trên đã trở thành nguyên nhân chính khiến cho nhiều năm qua, không ít đơn vị SKTT luôn trong tình trạng dở sống dở chết.

Nhà nước chưa có chính sách, chế độ hợp lý để khuyến khích, động viên người làm SKTT

Trong khi giá cả thị trường biến động từng ngày thì nhiều năm qua chế độ bồi dưỡng và tiền lương đối với văn nghệ sĩ dường như vẫn ngủ yên. Nhìn chung, chính sách về lương đối với người làm SKTT đến nay không còn phù hợp. Ví dụ, quy định của nhà nước từ năm 1993 về xếp hạng (ngạch) diễn viên, theo đó diễn viên chỉ có ba bậc, khi hết bậc thì dừng lại, không có thi chuyển ngạch. Quy định này khiến cho nhiều diễn viên đã hết bậc hàng chục năm mà không tăng thêm được đồng lương nào.

Việc xếp ngạch như trên cũng gây khó khăn cho công tác tuyển dụng. Dù là nhạc công tốt nghiệp đại học cũng chỉ được xếp vào ngạch 17.159. Tương tự như vậy, diễn viên tốt nghiệp đại học được ưu tiên xếp lương diễn viên loại III, khởi điểm bậc 2/12 nhưng hệ số chỉ là 2,06 chứ không phải là 2,34. Và như vậy, thực chất là hạ mức lương xuống bậc trung cấp chứ không phải là lương đại học. Ngoài ra, chế độ ưu đãi nghề từ 15 – 20% lương là quá thấp, không thể khuyến khích diễn viên làm nghề.

Về bồi dưỡng tập luyện, hầu hết các đơn vị nghệ thuật vẫn áp dụng chế độ bồi dưỡng theo quyết định số 180/CP của Chính phủ. Theo đó, tiền bồi dưỡng cho một buổi tập có ba mức là: 10.000đ, 15000đ và 20000đ; bồi dưỡng vai diễn theo 3 mức: loại A: 50.000đ, loại B: 30.000đ, loại C: 20.000đ. Với những đơn vị nghệ thuật ở trung ương và thành phố lớn, đời sống của anh em nghệ sĩ còn đỡ vất vả, nhưng với đơn vị ở địa phương thì đời sống nghệ sĩ rất khó khăn. Bồi dưỡng cho cả tháng tập vở đi hội diễn năm 2011 của diễn viên Đoàn nghệ thuật tỉnh Yên Bái chỉ được không quá 150.000đ/người. Với mức bồi dưỡng như vậy, phải tập luyện và đi biểu diễn là hết sức miễn cưỡng đối với nghệ sĩ.

Cùng với những bất cập trên còn hàng loạt bất cập về chế độ, thù lao đối với tác giả, đạo diễn, họa sĩ… Điều đáng buồn là một số đoàn chèo địa phương đã phải giải tán hoặc co lại thành đội chèo như ở Thái Nguyên, Tuyên Quang, Yên Bái… Đến kỳ hội diễn, các đơn vị này nếu muốn tham gia phải huy động cả diễn viên ca, múa, kịch… và đến với hội diễn trong một tâm trạng vui gượng, tủi lâu. Thậm chí họ phải cố gắng xin đăng ký được biểu diễn trước để còn rút quân vì không có kinh phí cho anh em ở lại tham dự đến hết hội diễn. Và như vậy, nhiều đơn vị nghệ thuật ở địa phương không thể thu hút được nhân tài. Hoặc giả nếu ai đó tâm huyết với quê hương mà lặng lẽ trở về thì cũng phải vội vã ra đi.

SKTT không còn là lĩnh vực hấp dẫn đối với lớp trẻ khi lựa chọn nghề nghiệp

Sự thật là với một ngành học vừa khó, vừa bấp bênh, lương bổng lại thấp thì dù yêu SKTT đến mấy, người học cũng phải cân nhắc. Hiện nay, ngay cả cán bộ, giảng viên ở trường nghệ thuật và nhiều nghệ sĩ ở các nhà hát cũng không mấy ai muốn cho con em theo nghề. Bên cạnh đó, trong xu thế hội nhập, vì nhiều lý do khác nhau, khán giả của SKTT không còn đông như trước nên đời sống của người nghệ sĩ không chỉ eo hẹp về kinh tế mà còn thiếu cả sự động viên về tinh thần. Thực trạng như vậy khiến cho số người theo học ngày càng giảm sút. Những năm gần đây, thí sinh dự thi vào các chuyên ngành diễn viên, nhạc công tuồng, chèo, cải lương… chủ yếu là con em nông dân, ở nông thôn. Với lượng thí sinh dự thi vừa ít, chất lượng đầu vào lại không cao thì việc cung cấp nhân tài cho các đơn vị nghệ thuật là quá nan giải.

3. Thay cho lời kết

Chúng tôi được biết, trong thời gian qua, lãnh đạo ở một số địa phương đã quan tâm hơn đối với nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực SKTT. Ở TP Đà Nẵng, mỗi năm chính quyền thành phố hỗ trợ cho Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh 350 triệu đồng cho 100 xuất diễn vào các tối thứ tư và thứ bảy để phục vụ khách du lịch; tỉnh Ninh Bình trợ cấp thêm cho cán bộ diễn viên Nhà hát Chèo mỗi tháng một suất lương. Theo NSND Giang Mạnh Hà, những năm gần đây tỉnh Đồng Nai đã xé rào cho phép bồi dưỡng diễn viên mỗi buổi tập 100.000đ, bồi dưỡng biểu diễn cao nhất là 350.000đ/ xuất. Địa phương này cũng đang xem xét chế độ ưu tiên cấp nhà cho nghệ sĩ. TP.HCM đã ủng hộ cho Hội Nghệ sĩ thành phố, thành lập Ban ái hữu nghệ sĩ và xây dựng chùa nghệ sĩ, nghĩa trang nghệ sĩ

Những giá trị vật chất và tinh thần trên tuy chưa phải là lớn nhưng đã vô cùng đáng quý vì trong thời buổi hiện nay nó là mơ ước của nhiều đơn vị nghệ thuật.

Như vậy, hiện nay SKTT rất cần một giải pháp đồng bộ từ phía nhà nước để giải quyết vấn đề nhân lực. Nếu nhà nước và cơ quan chức năng không sớm có biện pháp bảo tồn một cách cụ thể, cũng như chính sách ưu tiên, đãi ngộ để khuyến khích người làm nghề này thì chắc chắn SKTT sẽ rơi vào khủng hoảng trầm trọng về nhân lực.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 348, tháng 6-2013

Tác giả : Đinh Quang Trung

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *