Nghiên cứu văn hóa gia đình trên thế giới hiện nay


Những năm gần đây, thế giới đã quan tâm sâu sắc hơn đến việc nghiên cứu vấn đề gia đình và thông qua việc tìm hiểu sâu các khía cạnh của đời sống gia đình mà vai trò của gia đình đối với cá nhân và xã hội cũng được nhận thức đầy đủ hơn. Gần như quốc gia nào cũng có cơ quan nghiên cứu hoặc có chức năng nghiên cứu về gia đình. Các công trình nghiên cứu đang ngày càng tăng lên và đa dạng hơn, sâu hơn về mọi lĩnh vực của đời sống gia đình và văn hóa gia đình.

Ngoài việc phân tích thực tiễn, đánh giá xu hướng vận động, các công trình đặc biệt lưu ý tới những nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực đến những giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình. Trước tình hình biến động của xã hội, nhiều vấn nạn, nhiều nguy cơ tiềm ẩn ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến con người, gia đình, xã hội đã đặt ra cho các cơ quan nghiên cứu nhiều nhiệm vụ. Chẳng hạn, bảo vệ và đề cao những giá trị truyền thống; khuyến khích sinh con và chăm sóc con chu đáo; lấy nhau vì tình yêu, các thành viên trong gia đình có trách nhiệm với nhau; thực hiện bình đẳng giới; coi trọng kinh tế gia đình; chăm sóc và dạy dỗ con cái…; điều chỉnh các quan niệm “hiện đại” về gia đình đơn giản, phiến diện như không thích sinh con, sinh con mà không cần kết hôn; sống chung mà không nhất thiết phải kết hôn; các mối quan hệ gia đình lỏng lẻo; tự do cá nhân cực đoan, tình trạng sống thử tràn lan; tình trạng ly hôn gia tăng…

Mỹ là một trong những nước có nhiều cơ quan nghiên cứu về gia đình, về văn hóa gia đình, đồng thời hoạch định ra những chiến lược phát triển cho gia đình, xã hội. Có thể kể ra đây một số địa chỉ. Viện quản lý Trẻ em và Gia đình Quốc gia nhiệm vụ là đẩy mạnh tình hình phát triển kinh tế và xã hội của gia đình, trẻ em và cộng đồng với mục tiêu: thúc đẩy sự độc lập và tiềm năng tài chính của mỗi gia đình và cá nhân; khuyến khích những cộng đồng mạnh và đoàn kết để gây ảnh hưởng tốt tới chất lượng cuộc sống và sự phát triển của trẻ em; liên kết với từng cá nhân, cộng đồng, bộ lạc, thành phố, tiểu bang, và quốc hội, để đưa ra những phương án nhằm vượt qua những giới hạn truyền thống; quan tâm và động viên đến những gia đình khuyết tật, những công dân tị nạn và di trú để giúp đỡ họ vượt qua khó khăn và những rào cản xã hội, khuyến khích khả năng đóng góp cho xã hội. Hội đồng Quốc gia về nghiên cứu gia đình được thành lập năm 1983 với mục đích nghiên cứu và thúc đẩy sự lành mạnh và bình đẳng trong hôn nhân và gia đình; xem xét những đề nghị cụ thể và quyết định nên thông qua ý tưởng nào, nhằm dẫn tới những kết quả tốt nhất cho hôn nhân và gia đình. Những chương trình gần đây nhất là: thảo luận về việc tiểu bang California thông qua luật cho phép người đồng tính kết hôn; thảo luận về luật phá thai; chương trình học tập chuẩn bị tâm lý và kỹ năng cho những thanh niên sắp làm cha mẹ (sắp có con) trên toàn quốc; Chương trình tư vấn cho những cặp vợ chồng có ý định ly hôn… Viện xã hội học Hoa Kỳ được thành lập với mục đích nghiên cứu những vấn đề đáng được quan tâm trong xã hội và tìm giải pháp để khắc phục khó khăn và điểm yếu, phát huy những điểm mạnh để thúc đẩy xã hội phát triển lành mạnh. Những chương trình gần đây liên quan đến thành viên của gia đình cũng như gia đình nói chung là: chế độ trợ cấp xã hội cho người lao động về hưu và người tàn tật không có khả năng lao động; chế độ trợ cấp những người góa chồng/vợ; tỉ lệ trẻ sơ sinh ở Hoa Kỳ (thống kê số trẻ em được sinh ra hàng năm, với số liệu giới tính, sắc tộc, hoàn cảnh gia đình…); thống kê những cái tên phổ biến nhất được đặt cho trẻ em hàng năm… Những cơ quan trên đây đều coi việc nghiên cứu văn hóa gia đình để tìm ra những giải pháp bảo vệ sự bền vững của gia đình, chú trọng việc bảo tồn những giá trị truyền thống của văn hóa gia đình, quan tâm đến con người – thành viên của gia đình – thành viên của xã hội… là mối quan tâm cơ bản. Thông qua những chương trình nghiên cứu của các cơ quan này mà chính phủ hoạch định ra chính sách phù hợp hơn.

Mỹ là một đất nước đa sắc tộc, tôn trọng tự do cá nhân, dễ dàng chấp nhận những giá trị mới, nhưng những giá trị truyền thống cũng luôn được đề cao và coi trọng. Chẳng hạn, với việc sinh con mà không nhất thiết phải kết hôn hay việc không chủ động cho đứa trẻ ra đời kéo theo khá nhiều hệ lụy mà xã hội cần giải quyết. Vì vậy, chính phủ luôn khuyến khích các nhà khoa học nghiên cứu hiện trạng này và đưa ra được những khuyến cáo. Trình độ dân trí thấp, trình độ học vấn chưa đầy đủ, đề cao tự do cá nhân, quan niệm xã hội… Là những yếu tố ảnh hưởng lớn tới việc những đứa trẻ ra đời trong một tâm thế chưa được chuẩn bị kỹ lưỡng. Một số công trình nghiên cứu cho biết, hiện nay, trung bình khoảng một phần ba trẻ em Mỹ được sinh ra khi cha mẹ chúng chưa kết hôn, trong khi tỉ lệ này chỉ là 1/20 trong những năm 1950. Con số này rất cao trong tầng lớp có thu nhập thấp của Mỹ. Cuốn Unmarried couples with children (Những cặp tình nhân có con khi chưa kết hôn) của Paula England và Kathryn Edin, xuất bản năm 2007, đề cập đến tình trạng này, dựa vào nghiên cứu các trường hợp trẻ em Mỹ được sinh ra vào những năm đầu TK XXI. Dựa trên cách nhìn và lời kể của những người cha, người mẹ trong 4 năm đầu tiên của cuộc đời đứa trẻ, từ lúc người mẹ mang thai, đến khi đứa trẻ được sinh ra, đến tận ngày sinh nhật thứ 4 của nó, tác giả đã rút ra những nhận xét và kết luận thú vị: 80% cha mẹ những đứa trẻ này vẫn yêu nhau sau khi đứa trẻ được sinh ra, gần 50% sống chung dù không kết hôn. Nhưng khi đứa trẻ được gần 3 tuổi, trong hơn 1 nửa các trường hợp được nghiên cứu, cha mẹ chia tay nhau.

Một lý do chung dẫn đến chuyện chia tay là do người cha hoặc mẹ, hoặc cả hai, có những mối quan hệ khác, hoặc có con riêng từ những cuộc hôn nhân trước, và việc họ dành toàn bộ tình cảm và trách nhiệm cho nhau và đứa con chung, khi không mang danh nghĩa vợ chồng, là điều gần như không tưởng. Xã hội ngày càng phát triển, điều kiện xã hội thay đổi, vị trí của những thành viên trong gia đình cũng thay đổi. Khả năng tham gia làm kinh tế, tính chủ động tham gia đóng góp vào kinh tế gia đình của người phụ nữ trở thành phổ biến so với những năm giữa thế kỷ trước. Khả năng độc lập về mặt kinh tế cũng giúp người phụ nữ tự tin hơn và sẵn sàng sống độc lập mà không nhất thiết phải có người đàn ông làm trụ cột, làm chỗ dựa nữa. Hơn 40 năm trở lại đây, số gia đình Mỹ có người mẹ ở nhà làm nội trợ đã giảm đi đáng kể, bởi hai lý do: Người phụ nữ phải tham gia kiếm thu nhập cùng chồng và càng ngày càng có nhiều người phụ nữ nuôi con một mình sau những cuộc ly hôn. Chính quyền rất lo ngại rằng với sự thay đổi này, thời gian người phụ nữ dành cho con cái sẽ ngày càng ít dần. Trong cuốn Changing Rhythms of American Family Life (2006), (Sự thay đổi trong gia đình Mỹ) 3 nhà xã hội học Suzanne M. Bianchi, John P. Robinson, và Melissa Milkie đã phân tích rất kỹ cách những gia đình Mỹ ngày nay sử dụng quỹ thời gian, cách họ cân bằng giữa gia đình và công việc. Nghiên cứu cho thấy, trọng trách công việc dành cho cả đàn ông lẫn phụ nữ đều tăng, nhưng trung bình người phụ nữ đi làm gánh nhiều việc và bổn phận hơn người đàn ông đi làm 5 tiếng mỗi tuần và hơn những người phụ nữ nội trợ gần 19 tiếng mỗi tuần. Chính vì thế, những người phụ nữ đi làm phải bớt thời gian làm việc nhà, nấu nướng, lau chùi, quét dọn, thậm chí cả thời gian ăn và ngủ, và bắt buộc phải biết cách làm nhiều việc một lúc để có đủ thời gian cho chồng con.

Một công trình nghiên cứu của Hans Peter Blossfeld ở 9 nước Thụy Điển, Ý, Anh, Đức, Tây Ban Nha, Hà Lan, Pháp, Hungary, và Hoa Kỳ đã cho thấy những thay đổi trong sự hình thành của gia đình và vai trò mới của người phụ nữ trong xã hội kinh tế hiện đại, được xuất bản thành sách với tiêu đề The New Role of Women: Family Formation in Modern Societies (Vai trò mới của người phụ nữ: Nền tảng gia đình trong xã hội hiện đại) xuất bản năm 1995. Blossfeld giả thuyết rằng học vấn có thể gây ảnh hưởng đến thời điểm người phụ nữ lập gia đình bằng 2 cách: kết hôn muộn vì chưa kết thúc việc học và lợi ích (quyền lợi) của người chồng khi kết hôn được tăng lên bởi thu nhập gia đình cũng tăng cùng với bậc học vấn của người vợ. Giả thuyết 1 đúng với tất cả các quốc gia được nghiên cứu, tuy nhiên, giả thuyết 2 chỉ đúng đối với những quốc gia truyền thống, ở đó nhiệm vụ chính của người đàn ông là lao động kiếm sống nuôi gia đình, còn người phụ nữ chịu trách nhiệm chăm sóc con cái và nhà cửa. Tác giả nghiên cứu theo hướng tập trung vào trình độ học vấn của nữ giới để từ đó đưa ra những luận giải cho việc thay đổi của những giá trị truyền thống trong văn hóa gia đình. Số liệu nghiên cứu bao gồm các tiêu chí cụ thể về thời gian hoàn thành bậc học vấn, trình độ học vấn đạt được, tuổi của người phụ nữ khi lập gia đình và khi có con. Ở Thụy Điển, Tây Đức, Hà Lan và Anh, độ tuổi lập gia đình và có con ở nhóm người trẻ không quá khác biệt so với nhóm người sinh vào năm 1945 trở lại. Tuy nhiên, ở Hoa Kỳ, phụ nữ thuộc thế hệ sinh ra khoảng năm 1930 lập gia đình sớm hơn những 15 năm so với những thế hệ sau này. Ở những nước Nam Âu như Ý và Tây Ban Nha thì sự khác biệt là khoảng 10 năm. Một kết luận chung dễ thấy ở tất cả những nước này là, khi người phụ nữ có học vị cao, thì họ cũng có xu hướng làm những công việc xã hội và liên quan đến ngành học hơn, thay vì tập trung vào việc lấy chồng, sinh con và ở nhà chăm sóc gia đình. Vấn đề này không chỉ đang đặt ra ở châu Âu, mà các nước châu Á, nơi mà những giá trị của gia đình truyền thống vốn được coi trọng, cũng ngày càng quan tâm nhiều hơn đến những vấn đề liên quan đến gia đình và văn hóa gia đình bởi vì tình trạng chọn lựa cuộc sống độc thân ngày càng trở nên phổ biến khiến tỷ lệ sinh đẻ ngày càng thấp, lực lượng lao động già cỗi, gánh nặng an sinh xã hội đã trở thành nỗi quan ngại của nhiều chính phủ.

Theo một tài liệu nghiên cứu tại Mỹ, các tác giả Everett Rogers, Rabel Burdge, Peter Korsching, và Joseph Donnermeyer cho biết những sự thay đổi rõ nét trong cộng đồng nước Mỹ, trong đó có khía cạnh gia đình. Số thành viên trong gia đình Mỹ đã thay đổi đáng kể trong vòng 200 năm trở lại đây. Năm 1790, mỗi gia đình Mỹ có trung bình 5,9 người. Con số này giảm xuống còn 5,0 vào năm 1890, 3,8 vào năm 1940, và đến năm 1980 chỉ còn 2,9 người. Có rất nhiều lý do dẫn đến sự thay đổi này. Nhiều người quyết định không kết hôn hoặc có con để tập trung vào sự nghiệp; trong xã hội nước Mỹ nói chung, nhiều cha mẹ già sống độc lập trong những trại dưỡng lão, thay vì sống chung và phụ thuộc vào con cái như ngày xưa; nhiều cặp vợ chồng dùng các biện pháp kế hoạch hóa gia đình để hạn chế số con vì lý do kinh tế và xã hội; Con cái không còn được coi như một thứ “của cải” như một nguồn lao động để đóng góp vào thu nhập của gia đình nữa. Ở những gia đình nông thôn, số người trong một gia đình vẫn nhiều hơn ở thành thị, vì lý do cần người lao động nông trang, nhưng cũng đã giảm rất nhiều so với trước kia… Trong vòng 2 thập kỷ trở lại đây, cấu trúc gia đình Mỹ cũng đã thay đổi nhiều. Tỉ lệ trẻ em sống chung với cả cha và mẹ đã giảm từ 85% trong năm 1970 xuống còn 75% hiện nay. Vào năm 1970, chỉ có 11% trẻ em sống với mẹ, nhưng hiện nay con số đó là hơn 20%. Điều này xảy ra do tỉ lệ ly hôn cao trong xã hội Mỹ, và ngày càng nhiều cha mẹ độc thân nuôi con.

Khoa học kỹ thuật, tiến bộ công nghệ cũng ảnh hưởng nhiều đến việc nuôi dưỡng và chăm sóc con trẻ. Để phù hợp xu thế phát triển của thời đại, mỗi gia đình đều có những thích ứng, có “chuẩn” chung và riêng, thông qua truyền thống, quan niệm, cách đánh giá… để thừa nhận, coi trọng những giá trị của văn hóa gia đình. Điều này có thể thấy qua cuốn sách Infant care and Motherhood in an Urban Community (Chăm sóc trẻ sơ sinh và trách nhiệm làm mẹ ở thành thị) của John Newson và Elizabeth Newson, nghiên cứu cách ứng xử và thái độ của 709 người mẹ có con nhỏ, và cách những đứa trẻ được nuôi và dạy. Có quá nhiều sách vở với những lời khuyên dạy của các nhà khoa học, những chuyên gia trong ngành nghiên cứu tâm lý trẻ em về cách nuôi dạy con nhỏ. Tuy nhiên, chỉ có chính những người cha và nhất là người mẹ, khi có con, mới thực sự biết rằng điều gì tốt và xấu cho con mình, vì cách nuôi dạy con còn tùy thuộc vào từng đứa trẻ, người mẹ, và hoàn cảnh gia đình chứ không thể dựa trên một công thức nhất định nào cả.

Trên thế giới ngày nay, việc ít con, mỗi gia đình chỉ sinh 1 hay 2 con, đã làm tăng cơ hội để trẻ em được quan tâm chăm sóc tốt hơn, nhưng mặt khác, các bậc cha mẹ cũng nhận thấy một vấn đề là nuôi dạy con, nhất là con một khó hơn nuôi dạy con đàn. Những trẻ con một thường khó bảo, dễ hư, hay làm phiền lòng cha mẹ… Chẳng hạn, một nghiên cứu gần đây ở Trung Quốc cho thấy, tình trạng con một đang làm gia tăng hội chứng “những ông vua con” hay còn gọi là “những hoàng đế không ngai”. Chính sách 1 con ở nước này đã làm xuất hiện nhiều trẻ hư do được nuông chiều, bao bọc quá mức khiến chúng trở nên tham lam, ích kỷ, chỉ biết đòi hỏi, hưởng thụ mà không làm gì. Khả năng tự lập của chúng bị giảm tới mức tối thiểu, không thể hoạt động độc lập, thiếu can đảm và kém khả năng giao tiếp. Do chính sách 1 con mà một thực tế đau lòng đã xảy ra. Sau trận động đất tỉnh Tứ Xuyên tháng 5-2008, nhiều gia đình đã không còn người để duy trì nòi giống, nhiều gia đình không còn có cơ hội “nối dài” thế hệ. Điều này thật sự đã làm cho nhiều gia đình nạn nhân mất con phải chịu nỗi shock kinh khủng. Sự đau đớn tột cùng ấy của thực tế, cũng đã cho thấy, để duy trì tốc độ tăng dân số theo một định hướng cũng phải vượt qua biết bao khó khăn, nhiều gia đình phải vượt lên chính mình, và về một mặt nào đó, họ đã phải chấp nhận trả giá.

Nhiều chủ đề liên quan trực tiếp hay gián tiếp đến gia đình, đến văn hóa gia đình, sự ảnh hưởng hay những tác động của xã hội, của thời đại đến gia đình đã được các nước quan tâm. Trên cơ sở nghiên cứu, phân tích, đánh giá, các tác giả có thể đề xuất với nước sở tại các giải pháp, các định hướng, chính sách cụ thể nhằm giải quyết những vấn đề đang đặt ra cho gia đình và văn hóa gia đình.

        Bước vào thời kỳ hội nhập, Việt Nam ngày càng tham gia sâu rộng hơn vào mọi lĩnh vực của đời sống nhân loại. Một khi kinh tế phát triển, xã hội cũng có những biến đổi, cả tích cực và tiêu cực. Đan cài trong biến đổi chung đó sẽ xảy ra biến đổi riêng trong từng gia đình. Cơ chế kinh tế thị trường, xu hướng hội nhập thật sự tạo ra những điều kiện cho quá trình hình thành, phát triển những giá trị mới trong văn hóa gia đình, đồng thời cũng đặt ra những vấn đề mới có thể hạn chế, cản trở đến chính quá trình ấy. Mọi thành viên trong gia đình có cơ hội phát huy khả năng riêng, để cống hiến được nhiều nhất cho gia đình và cũng là cho xã hội. Sự phát triển cá nhân được khuyến khích, không phụ thuộc lứa tuổi cũng như giới tính. Song cơ chế thị trường cũng có những mặt trái dữ dội của nó. Mọi giá trị của lao động đều được tính bằng tiền, bằng thu nhập. Đồng tiền đang dần có quyền quyết định trong đời sống từng cá nhân cũng như mỗi gia đình. Để đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn, tính năng động, kiến thức mọi mặt và sự sáng tạo, sự tự tin cũng như lòng quả cảm đòi hỏi mỗi cá nhân, mỗi gia đình sẽ phải tự hoàn thiện chính mình. Sự tự hoàn thiện cũng chính là tiền đề cơ bản cho sự phát triển của văn hóa cá nhân, văn hóa gia đình theo hướng truyền thống – cách tân.


Nguồn : Tạp chí VHNT số 300, tháng 6-2009

Tác giả : Vũ Thy Huệ

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *