Trong tiến trình phát triển lịch sử và kinh tế – xã hội của mỗi quốc gia, kinh tế công – thương luôn là một bộ phận hợp thành và có vai trò quan trọng. Nhìn nhận sự phát triển kinh tế gắn với đặc tính của các nhà nước, chúng ta thấy chí ít ở khu vực Đông Á đã xuất hiện ba mô hình tiêu biểu: thể chế nông nghiệp gắn với các châu thổ, thể chế du mục hình thành trên các vùng thảo nguyên và thể chế thương nghiệp được thiết lập dựa trên nền tảng của các trung tâm sản xuất thủ công cùng các tuyến giao thương khu vực, quốc tế. Nhìn chung, lịch sử kinh tế – xã hội miền Bắc Việt Nam mà người phương Tây vẫn quen gọi là Tonkin (Đàng Ngoài) chịu ảnh hưởng mạnh của mô hình thứ nhất. Tuy kinh tế nông nghiệp giữ vai trò chủ đạo nhưng kinh tế công – thương cũng luôn có vị trí quan trọng trong việc tạo nên chỉnh thế kinh tế của một quốc gia.
Từ nhận thức đó, bài viết sẽ tập trung phân tích và góp phần làm sáng tỏ truyền thống và hoạt động ngoại thương của Đại Việt thời Lê – Trịnh trong diễn trình lịch sử dân tộc. Với các quốc gia châu Á, thế kỷ XVI – XVIII được coi là thời đại có những phát triển trội vượt trong quan hệ giao thương quốc tế. Vào thời gian đó, kinh tế Đại Việt nói chung và kinh tế đối ngoại nói riêng đã có nhiều biến chuyển sâu sắc và thực tế đã dự nhập tương đối mạnh mẽ vào hệ thống kinh tế khu vực. Chính quyền Lê – Trịnh đã tham gia, khẳng định chủ quyền trong các hoạt động kinh tế đối ngoại. Nhìn nhận vấn đề từ “cách tiếp cận ngoại vi”, bài viết cố gắng làm rõ một số hoạt động và đặc tính của quan hệ ngoại thương của Đàng Ngoài qua một số nguồn tư liệu phương Tây. Trong số đó, có nhiều nguồn tư liệu do chính những người Âu từng đến sinh sống, buôn bán, truyền giáo… ở Đại Việt viết và ghi chép lại.
1. Tiềm năng kinh tế, tự nhiên
Cũng như hầu hết các quốc gia phương Đông khác, với Đàng Ngoài, nông nghiệp từ lâu vẫn được coi là ngành kinh tế căn bản. Tuy nhiên, hoạt động thương mại cũng được nhà nước chú trọng. Theo một số nguồn sử liệu, mối liên hệ, quan hệ giao hương giữa Ấn Độ và Trung Hoa qua biển Giao Châu đã sớm được xác lập. Nhiều khả năng, vào những thế kỷ đầu sau Công nguyên, các môn đồ của tòa thánh Roma theo các đoàn thương thuyền đã đến Phù Nam. Trong thời gian đó họ cũng đã đến Giao Châu buôn bán, truyền đạo. Trải qua thời gian, đến cuối thế kỷ XV đầu thế kỷ XVI, người Âu bắt đầu thăm dò rồi từng bước xác lập quan hệ với các quốc gia phương Đông. Là những quốc gia tiên phong, thuyền buôn Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha đã đến nhiều vùng đất trên thế giới để trao đổi hàng hóa, buôn bán. Trong thời gian đó, các tổ chức truyền giáo cũng đã được thiết lập(1).
Trên con đường từ Địa Trung Hải tiến sang phương Đông, sau khi vượt qua dải bờ biển Tây Nam Á và eo biển Malacca, các nhà thám hiểm, thương nhân, giáo sĩ châu Âu bắt đầu tiếp xúc với cư dân Việt ở xứ Đàng Trong. Từ đó, họ tiến dần lên phía Bắc, tiếp xúc với người Đàng Ngoài(2). Ở đây, dựa theo Con đường tơ lụa trên biển được thiết lập từ thời Đường (618 – 907) và tuyến Tây dương hàng lộ do nhà Tống (960 – 1279) xác lập, người Âu đã từng bước thâm nhập vào khu vực thị trường Đông Bắc Á mà trọng tâm là Trung Quốc, Nhật Bản… Trong hệ thống đó, chính tiềm năng kinh tế và vị thế biển của Đại Việt đã có sức cuốn hút đối với các thương nhân phương Tây. Sự giàu có của thị trường Đông Bắc Á đặc biệt là Trung Hoa, Nhật Bản cũng đã tạo nên cho kinh tế ngoại thương Đàng Ngoài những động lực mạnh mẽ trong các hoạt động giao thương khu vực.
Dựa vào những tường thuật, mô tả của người em trai Daniel Tavernier, vốn là sĩ quan phụ trách kế toán, hành chính trên tàu buôn của VOC (người từng đến Đàng Ngoài trong khoảng thời gian 1639-1645), Jean Baptiste Tavernier đã ghi lại và xuất bản thành công trình Relation nouvelle et singuliére du Royaume de Tunquin (Tập du ký mới và kỳ thú về vương quốc Đàng Ngoài). Tác giả cho rằng, Đàng Ngoài là một “xứ phì nhiêu, có khí hậu tốt và do đó là một xứ đông dân nhất”(3). Đến Đàng Ngoài năm 1688, thương nhân kiêm nhà thám hiểm người Anh W.Dampier ghi nhận: “Vương quốc Đàng Ngoài rất đông người, khắp nơi thị trấn và xóm làng mọc san sát”(4). Ở đó, “tỉnh Kẻ Chợ – trung tâm của vương quốc – nằm giữa các tỉnh Đông, Tây và Nam. Đây là một vùng đất rất đẹp và trù phú. Đất đai màu vàng hay màu xám và có khá nhiều gỗ. Hai mặt hàng chính của nền thương mại là sơn sống và tơ tằm có rất nhiều ở đây”(5).
Nhìn nhận về tiềm năng xuất khẩu của Đàng Ngoài, các thương nhân quốc tế đều có chung nhận xét: tơ lụa, trầm hương là nguồn tài nguyên chủ yếu của Đàng Ngoài. Do vậy, trong tất cả các chuyến buôn bán với Tonkin, thương nhân ngoại quốc đều muốn cất nhiều loại hàng hóa trong đó có tơ lụa(6). Cũng theo J.B. Tavernier thì “tơ, xạ hương và những thứ hàng hóa khác ở xứ này rẻ hơn tất cả những xứ lân cận”(7). Trong phần Những đặc sản của vương quốc Đàng Ngoài, ông cũng cho biết thêm: “ở vương quốc Đàng Ngoài có rất nhiều tơ lụa, bởi vậy mọi người trong xứ giàu cũng như nghèo, đều mặc áo tơ lụa. Người Hà Lan len lỏi vào mọi nơi để buôn bán. Chỗ nào có thể kiếm lời được là họ đến. Hàng năm, họ mua của xứ này rất nhiều tơ lụa mang đi. Ngày nay Hà Lan là nước mua nhiều tơ lụa nhất của Đàng Ngoài để đem bán cho Nhật Bản”(8). W.Dampier cũng bổ sung thêm: “Hàng hóa mang ra ngoài bán ở vương quốc này là vàng, xạ hương, tơ sống cũng như tơ đã chuốt”(9).
Theo một nghiên cứu công bố gần đây, trong buôn bán của VOC với các nước Viễn Đông, sản phẩm tơ lụa của Đàng Ngoài luôn được đánh giá cao, không thua kém tơ lụa Trung Hoa, vốn được coi là một trong những sản phẩm đặc thù, tinh xảo nhất của thế giới phương Đông. Theo đó, trong suốt 14 năm, từ 1641-1654, lợi nhuận thu được từ việc buôn bán mặt hàng tơ lụa là rất cao, trung bình vào thập kỷ 40 TK XVII, tơ lụa thường chiếm trên 100%(10). Tơ lụa Đàng Ngoài mà VOC bán ở thị trường Nhật Bản với giá 272 tael/ picul (lợi nhuận 120%), tơ lụa Trung Quốc loại 1 mới bán được 275 tael/picul còn tất cả đều dưới giá của tơ lụa Đàng Ngoài(11). Bên cạnh đó, chính các thương nhân phương Tây cũng ấn tượng về cách mặc đồ lụa hay các sản phẩm tơ, vải khác rất thịnh hành, “do đó có thể kết luận rằng trong xứ sản xuất ra nhiều tơ lụa”(12)và họ đã thực sự ngạc nhiên khi phát hiện ra rằng các tầng lớp xã hội “ai cũng mặc hàng tơ lụa”(13).
Dựa vào tài liệu lưu trữ của Công ty Đông Ấn Anh (EIC), nhà nghiên cứu Anthony Farrington đã cung cấp nhiều thông tin giá trị về các mặt hàng nhập của Kẻ Chợ. Trong đó, ngoài bạc còn có diêm tiêu, lưu huỳnh, chì, vũ khí, toutenague (loại hợp kim kẽm, đồng, sắt) dùng để đúc tiền, dạ khổ rộng Anh Cát Lợi, nỉ xoắn tuyết, vải in hoa… Tuy nhiên, hàng Công ty mua hoặc đặt gia công nhiều nhất vẫn là tơ lụa, cùng các loại như nhung, lĩnh, sồi, lụa, the, dạ, lượt… và sau tơ lụa là gốm sứ chủ yếu là của các làng gốm Bát Tràng, Thổ Hà(14)… Các mặt hàng nhập đó đã tạo nên nguồn hàng phong phú, hấp dẫn cho thị trường Đàng Ngoài.
Một loại hàng hóa xuất khẩu nữa phải kể đến là gốm sứ từ các làng nghề nổi tiếng như Chu Đậu, Thổ Hà, Bát Tràng… Trên thực tế loại gốm Kochi rất được ưa chuộng ở thị trường Nhật Bản, được sử dụng trong nhiều nghi lễ, sinh hoạt văn hóa của người Nhật(15). Trong một thời gian khá dài, nhiều người cho rằng sự xuất hiện của gốm sành có nguồn gốc từ An Nam chỉ là sự ngẫu nhiên hoặc giả đó chỉ là những vật dụng đựng mật ong, hồ tiêu, đường… Nhưng khi nghiên cứu hiện vật phát hiện được ở các thương cảng Ryukyu, Nagasaki và thành Sakai, Osaka… cũng như lưu truyền trong dân chúng với một số lượng lớn các chủng loại phong phú, đến nay, hầu hết các nhà nghiên cứu đều cho rằng thực sự đã có một dòng chảy gốm sứ từ Đại Việt đến Nhật Bản trong lịch sử (16). W.Dampier cũng nói đến các sản phẩm gốm sứ của Đàng Ngoài. Vào TK XVII, một số lượng lớn gốm sứ, đặc biệt là loại chén có dung tích nửa pint (khoảng 0,29 lít), đã được người Âu đem đến bán ở thị trường Mã Lai và cả vùng Rackan thuộc vịnh Bengal (Ấn Độ)(17).
Trong một số hồi ký của các thương nhân châu Âu, cũng thường thấy nói đến việc mua bán nô tỳ (có thể hiểu là đày tớ hay nô lệ?). Tuy nhiên, dù dưới bất kỳ hình thức nào thì đây là loại “hàng hóa” đặc thù. Nhìn chung, việc buôn bán thường được tiến hành theo kiểu phi quan phương mà mối lợi thu được thì không thể tính được. Ngoài ra, không thể không nói đến các mặt hàng vừa là sản phẩm nhập khẩu vừa sử dụng trong quá trình xuất khẩu như gạo, đường, xạ hương, vàng… Trong không ít trường hợp, các sản phẩm đó được dùng để thay thế cho nguồn thương phẩm chính như trầm hương, tơ lụa vốn ngày càng trở nên khan hiếm trên thị trường Đàng Ngoài cũng như khu vực.
Nhìn một cách tổng thể thì hầu hết người Tây phương đến nước ta lưu trú lâu dài hay chỉ đi ngang qua bờ biển đều có chung một nhận xét về một vùng tài nguyên giàu có và sự cường thịnh của xứ sở nằm giữa Ấn Độ và Trung Hoa. Họ cũng luôn có ấn tượng sâu sắc, tình cảm tốt đẹp về những người dân thuần hậu, có nhiều đặc tính khác biệt so với cư dân Đông Nam Á và Đông Bắc Á.
2. Chủ trương và chính sách
Trước TK XV, nhiều quốc gia trong khu vực Đông Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Xiêm, Indonesia, Philippines… đã có nền thương mại phát đạt. Các quốc gia Đông Á đã tự thiết lập nên mạng lưới giao thương nội Á. Bước sang thế kỷ XVI, tình hình kinh tế bắt đầu có nhiều chuyển biến căn bản bởi sự thâm nhập của các nước phương Tây. Sự xuất hiện của người châu Âu và quá trình thâm nhập của các công ty Đông Ấn phương Tây đã gây nên nhiều biến động xã hội cũng như quan hệ truyền thống của toàn thể khu vực.
Dưới cái nhìn so sánh khu vực, học giả người Pháp J. Buttinger đã có lý khi viết rằng: “Nền kinh tế Việt Nam không cho phép sự phát triển ở cấp độ làng xã bởi sự tăng trưởng lạ thường của đất nước… Sự ổn định kinh tế đã giúp Việt Nam ở mức độ nào đó tồn tại một cách kỳ diệu; sự mở rộng lãnh thổ bằng cách này hay cách khác đã giải quyết vấn đề tăng dân số; chắc chắn Việt Nam sở hữu nền hành chính tự nhiên tiên tiến nhất Đông Nam Á, nhưng sự cấu thành chế độ phong kiến riêng biệt trong cấu trúc xã hội đã kiểm soát được toàn bộ sự phát triển kinh tế – xã hội”. Dẫn lại nhận định của chuyên gia nổi tiếng về Đông Nam Á D.G.E.Hall, tác giả cũng cho rằng: “Chúa Trịnh đã thừa hưởng một hệ thống hành chính có chức năng tương đương với bất kỳ nền hành chính bản địa nào ở Đông Nam Á. Nhưng họ đã cải tiến đi rất nhiều. Trịnh Cương (cq: 1709-1729) bắt đầu cho điều tra điền địa và cải cách chế độ thuế…”(18). Như vậy, kinh tế Đàng Ngoài không thể là nền kinh tế thuần nông. Trên thực tế chúa Trịnh đã thiết lập nên một hệ thống quản lý năng động, hiệu quả, đạt trình độ cao so với các quốc gia khác ở Đông Nam Á.
Khi đến Đàng Ngoài, nhiều người ngoại quốc không khỏi ngạc nhiên về sự tồn tại của thiết chế song trùng lãnh đạo của chính quyền Lê – Trịnh. Cơ chế vận hành, chia sẻ quyền lực của chính quyền này vô cùng phức tạp khiến cho không ít nhà truyền giáo, thương nhân đã có những hiểu biết, nhận thức không thật chính xác, thậm chí sai lệch về ngôi vị và quyền lực thực tế giữa vua (king) và chúa (lord). Tuy vậy, trên những nét khái quát nhất những nhận xét của họ cũng rất tinh tế. J.B.Tavernier cho rằng: “Những vị tướng họ Trịnh rất ít chú ý đến danh hiệu của nhà vua mà chú ý hơn đến quyền lực thực tế. Họ để cho vua Lê tất cả các hình thức bề ngoài, còn họ thì chuyên giữ quyền chỉ huy quân đội và tự mình nắm hoàn toàn quyền sử dụng một phần lớn thu nhập của vương quốc. Từ đó đến nay, có thể nói rằng có hai vua ở Đàng Ngoài, vua thực sự chỉ làm vì, còn chúa nắm hết quyền hành, giải quyết hết mọi việc”(19). Điều đó cũng có nghĩa rằng, trong quan hệ bang giao, giao thương quốc tế, phủ chúa, chứ không phải cung vua, là cơ quan có quyền định đoạt về các chủ trương, chính sách cũng như các hoạt động ngoại thương. Tuy nhiên, nhiều nguồn tư liệu cũng cho thấy, quyền lực của phủ chúa không phải bao giờ cũng có vai trò tuyệt đối.
Để thiết lập quan hệ buôn bán thường xuyên, lâu dài và để bảo đảm những lợi ích thương mại, vào TK XVII, nhiều tập đoàn thương nhân quốc tế đều mong muốn được thiết lập cơ sở buôn bán ở Đàng Ngoài. Kết quả là, chính quyền Lê – Trịnh đã cho phép Hà Lan, Anh lập thương điếm ở Thăng Long. Người Hà Lan đã đến buôn bán ở Đàng Ngoài từ năm 1637 đến 1700. Người Anh đến Đàng Ngoài năm 1672 và bị buộc phải cư trú ở Phố Hiến đến năm 1683 mới được phép chuyển lên Kẻ Chợ và hoạt động ở đây đến năm 1697. Theo W.Dampier: “Người Pháp cũng có trạm buôn của họ ở Hiến nhưng người ta không cho phép họ đặt một thương quán thứ hai ở Kẻ Chợ”(20). Trong thời gian đó, đối sách của chính quyền Lê – Trịnh với các tập đoàn thương nhân ngoại quốc tương đối khác nhau. Sự khác biệt đó còn được biểu hiện theo thời gian, theo tư duy kinh tế của người cầm quyền và thậm chí còn lệ thuộc vào những gì mà các thương nhân quốc tế đem đến buôn bán, biếu tặng(21).
Là một quốc gia ven biển, có nhiều hệ thống sông chảy qua lãnh thổ, người Đàng Ngoài vốn quen với cuộc sống sông nước, đi lại bằng thuyền và rất coi trọng lực lượng thủy binh. Theo J.B.Tavernier: “Xứ này có nhiều sông chảy qua, có những dòng sông luôn có nhiều thuyền chiến lớn của nhà vua và những thuyền to (của tư nhân), do đó việc buôn bán của người trong xứ được thuận tiện”(22). Nhìn chung, khi đến Đàng Ngoài, thương nhân ngoại quốc luôn muốn đến các trung tâm kinh tế lớn như Phố Hiến, Thăng Long… Các trung tâm đó đều nằm ở ven sông, thuận lợi cho việc đi lại, chuyên chở hàng hóa. Do vậy, chính quyền Lê – Trịnh đã thiết lập một hệ thống kiểm soát từ vùng cửa biển, dọc theo hệ thống ven sông và đặc biệt là vùng ngã ba sông. Những cứ liệu hiện nay cho thấy, vùng Domea (Đò Mè, thuộc khu vực cửa sông Thái Bình), Phố Hiến có vai trò rất quan trọng. Đó vừa là tiền cảng của Thăng Long vừa là hệ thống kiểm soát bảo vệ cho kinh đô đồng thời cũng là trung tâm kinh tế lớn nhất của Đàng Ngoài(23). Theo mô tả của W.Dampier thì ở Phố Hiến: “Quan Trấn thủ của tỉnh sống ở đây (tức Trấn thủ Sơn Nam Lê Đình Kiên – TG). Ông là một trong những ông quan to nhất của vương quốc và bao giờ cũng giữ trong thị trấn một số lớn binh lính và quan lại để dùng vào những việc ông cần… Quan Tổng trấn hoặc viên phó quan cấp giấy thông hành cho tất cả mọi thuyền bè đi ngược xuôi trên sông. Người ta không cho phép một thuyền nào đi qua mà không có giấy thông hành”(24). Một số nhà nghiên cứu cho rằng đó là chính sách kiểm soát ngặt nghèo của chính quyền Đàng Ngoài, thể hiện tư tưởng ngăn sông, cấm chợ. Tuy nhiên, nếu so sánh với các quốc gia khác trong khu vực Đông Á thì chính sách hay biện pháp đó chỉ là thông lệ trong giao thương quốc tế. Tất cả các chính quyền trong khu vực đều thực thi những biện pháp chặt chẽ để bảo vệ an ninh, chủ quyền kinh tế quốc gia.
Vào TK XVI – XVIII chính quyền Lê – Trịnh rất chú trọng đến vấn đề ngoại thương và thường trực tiếp giải quyết, can thiệp vào các hoạt động kinh tế đối ngoại. Trên thực tế, tuy có những ưu ái với một số thương nhân quốc tế như Nhật Bản(25), Hà Lan… nhưng chính quyền Thăng Long cũng đã cho phép tất cả các thương nhân ngoại quốc đến xác lập quan hệ giao thương. Đến Đàng Ngoài năm 1688, W. Dampier xác nhận: “Khoảng 4 hoặc 5 ngày sau khi chúng tôi buông neo, viên giám đốc thương điếm cùng với vài viên quan đại diện cho vua (hẳn là chúa Trịnh? – TG) Đàng Ngoài lập tức xuôi dòng xuống gặp chúng tôi. Các nhân viên của nhà vua đến để kiểm soát tàu và số hàng chúng tôi chở đến. Thuyền trưởng đón tiếp họ rất lịch sự. Ông ta cho bắn vài loạt thần công và thết đãi họ trong khoảng 2 đến 3 ngày, sau đó còn biếu quà cho họ khi trở về kinh đô”(26). Trước đó (năm 1627), giáo sĩ Alexandre de Rhodes cũng cho rằng: “Tàu chúng tôi chưa vào tới bờ thì đã thấy rất đông người tụ tập để xem hàng hóa trong tàu”(27). Nhật ký tàu Grol của Công ty VOC đến vùng cửa sông Thái Bình năm 1637 nhằm thiết lập quan hệ với Đàng Ngoài cũng đã ghi lại nhiều thông tin giá trị về sự quan tâm đặc biệt cùng chính sách thuế của chính quyền Đàng Ngoài với các tàu, thuyền buôn ngoại quốc(28).
Để bảo đảm an toàn cho kinh đô, sau một thời gian thực thi chủ trương đối ngoại tương đối thoáng mở, năm Chính Hòa thứ tám (1687) chính quyền Lê – Trịnh đã ra lệnh cấm thương nhân ngoại quốc, trong đó có Hoa thương, lưu trú trong kinh thành. Trong khi các thương nhân châu Âu gặp một số khó khăn trong việc thiết lập thương điếm thì giới Hoa thương phải chuyển về Phố Hiến hoặc khu vực ngoại vi Thăng Long. Nhưng dường như chính sách đó của Thăng Long đã không được thực hiện nghiêm ngặt. Theo W.Dampier: “Mặc dù đã có chiếu chỉ cấm đoán, những nhà buôn người Hoa vẫn không ngừng đi đến Kẻ Chợ để mua bán hàng hóa”(29).
Trong khi thực thi chính sách kiểm soát ngoại thương tương đối chặt chẽ nhiều khả năng chính quyền Lê – Trịnh cũng đã cho phép một số thuyền buôn ra nước ngoài buôn bán. Trong tác phẩm Lịch sử vương quốc Đàng Ngoài, Alexandre de Rhodes từng nêu một số nguyên nhân dẫn đến hạn chế quan hệ ngoại thương của Đàng Ngoài, nhưng chính ông ngay sau đó cũng từng xác nhận: “Tuy vậy, mỗi năm chúa phái tàu tới các nước Campuchia và Thái Lan bởi vì những nước này không xa Đàng Ngoài và tàu thuyền không rời khỏi bờ biển của họ, không cần ra xa biển cả”(30). Theo J.B.Tavernier thì, trong những chuyến đi đến nhiều vùng đất Đông Nam Á, chính ông đã từng gặp, giao tiếp với thương nhân người Việt. Họ là những người từ Đàng Ngoài đến. Ông đã gặp các thương nhân Việt ở Batavia, Bantam… họ đều là những người hiểu biết, rất lương thiện(31). Những cứ liệu lịch sử hiện nay cho thấy, vào thế kỷ XVI – XVIII thương nhân Việt, cả Đàng Ngoài và Đàng Trong, cùng với các hoạt động giao thương trong nước cũng đã chủ động cử thuyền buôn ra nước ngoài buôn bán. Thuyền buôn Việt đã tiếp tục đến các thương cảng miền Nam Trung Hoa, một số đến Nhật Bản nhưng tập trung hơn là các cảng Đông Nam Á. Hồ sơ ghi chép của hải quan Nhật Bản ở thương cảng quốc tế Nagasaki cũng như bản đồ phân bố các thương điếm nước ngoài ở Ayutthaya TK XVII là những minh chứng lịch sử tin cậy(32). Đối sánh với nhiều nguồn sử liệu quốc tế có lẽ cũng đã đến lúc chúng ta cần phải thay đổi một số quan niệm truyền thống về tính thiếu tích cực, chủ động của thương nhân Việt trong các hoạt động giao thương quốc tế. Theo quan điểm của chúng tôi, trong thời kỳ hoàng kim của hệ thống hải thương châu Á cùng với việc cử thương nhân, thuyền buôn ra nước ngoài buôn bán thì việc ứng đối thành công với các thương nhân ngoại quốc ngay trên chính địa bàn và thị trường dân tộc cũng thể hiện rõ tính tích cực cũng như bản lĩnh của thương nhân Việt.
Cũng cần phải nói thêm là, từ những thông tin mà J.B.Tavernier cung cấp, trên cơ sở phê phán cuốn du ký của ông, một số nhà nghiên cứu cho rằng vào TK XVI – XVII ở Việt Nam không có nền thương mại tư nhân. Tuy nhiên, dưới tác động của các mối giao thương trong nước, quốc tế sôi động thời bấy giờ điều chắc chắn là ở Việt Nam đã xuất hiện một tầng lớp thương nhân chuyên nghiệp. Tham gia vào các hoạt động kinh tế lúc đó hiển nhiên luôn có đội ngũ quan lại – thương nhân đại diện cho nhà vua hay phủ chúa nhưng bên cạnh đó cũng đã xuất hiện một tầng lớp thương nhân chuyên nghiệp xuất thân từ giới bình dân(33). Trong lịch sử, những hoạt động kinh tế mang tính tư nhân đã từng xuất hiện rất sớm. Nhiều người rất thành thạo nghề buôn. Từ thời Lý – Trần, nhiều hoạt động kinh tế phi quan phương đã diễn ra mà trường hợp Trần Khánh Dư là một ví dụ tiêu biểu (34).
Đến TK XVI, với tư cách là một dòng họ vươn lên từ vùng ven biển nhà Mạc (1527-1593) đã thực hiện nhiều chủ trương khai mở trong quan hệ đối ngoại. Triều đại này đã phát triển kinh tế giao thương trong nước, quốc tế. Thời Lê – Trịnh, những hoạt động kinh tế phi quan phương càng diễn ra mạnh mẽ. Qua các nguồn tư liệu cũng có thể cho rằng, dường như chính quyền Lê – Trịnh không có những biện pháp quá ngặt nghèo ngăn cản thương mại tư nhân phát triển. Nhưng, giới cầm quyền luôn tự giành cho mình “quyền ưu tiên” trong các hoạt động kinh tế đối ngoại. Hệ quả là, tình trạng tham nhũng, ép giá, mua rẻ bán đắt, trì hoãn nợ nần… thuần chất phong kiến đã diễn ra. Trên thực tế, theo mô tả của nhiều nguồn tư liệu quốc tế, giữa hai loại thương nhân đã hình thành hai hình ảnh, tính cách, phương thức buôn bán khác biệt. W.Dampier từng có một nhận xét rất đáng chú ý: “Nhà Vua (tức chúa Trịnh – ND) mua những khẩu súng thần công và một số súc dạ khổ rộng, nhưng ngài trả giá thấp đến nỗi các nhà buôn không muốn giao dịch với ngài nếu họ có thể lẩn tránh được”. Trong khi đó, “những người làm nghề buôn bán thì họ sòng phẳng và thật thà. Tôi nghe một người kể lại rằng, trong mười năm buôn bán ở đây ông ta đã giao dịch hàng nghìn bảng Anh nhưng chưa bao giờ ông ta bị thiệt tới 10 bảng với họ”(35).
Trong khi chúng ta có cái nhìn phân lập về sự tồn tại và hành vi của hai giới thương nhân thì cũng cần chú ý rằng ngay đối với loại thứ nhất không hẳn đã có tư tưởng kỳ thị với các hoạt động ngoại thương. Ngược lại, vì những thói quen dùng hàng xa xỉ và quyền lợi ích kỷ giai cấp họ cũng luôn tạo điều kiện cho thương nhân ngoại quốc, nhất là những người giàu có, thường xuyên đến buôn bán. Nhiều nguồn tư liệu nước ngoài cho thấy, chính quyền Lê – Trịnh luôn trọng đãi các thương nhân ngoại quốc. J.B.Tavernier từng viết: “Vì rằng em tôi nhiều lần đi đến Đàng Ngoài, lần nào em tôi trở lại cũng được chào đón, lần sau trọng thị hơn lần trước. Do đó, điều nhà vua và các đại thần nhớ nhất về em tôi là cậu ấy luôn vui vẻ đánh bạc với vua và các đại thần, đôi khi chơi với số tiền lớn. Vì cờ bạc là may rủi nên có chuyến đi đến Đàng Ngoài em tôi bị thua hơn hai vạn đồng écu (tiền vàng). Nhưng nhà vua là bậc rộng lượng không muốn để em tôi bị thua thiệt như thế, bèn tặng lại cho em tôi một số tặng phẩm để bù lại”(36).
Từ thông tin đó, có thể có nhiều suy nghĩ khác nhau về tư duy kinh tế của chính quyền Lê – Trịnh. Hơn thế, với không ít thương nhân, giáo sĩ ngoại quốc, chính quyền Đàng Ngoài còn cho phép họ được đi sâu tìm hiểu đời sống kinh tế, xã hội. Mặt khác, nhà vua và các quan lại cao cấp cũng là những người ham hiểu biết về tình hình chính trị, kinh tế – xã hội bên ngoài(37). Hiển nhiên, khi đến Đàng Ngoài, một số người Âu cho rằng cư dân ở đây dường như thiếu chủ động và năng động trong giao thương quốc tế. Nhưng cũng có một sự thật là, chúa Trịnh luôn có một đội thủy binh mạnh, bảo vệ an toàn chủ quyền lãnh hải đồng thời sẵn sàng đối chọi với các thế lực khu vực và phương Tây.
(còn nữa)
_______________
1. Một vài tác giả khi nghiên cứu về nguồn gốc đạo Thiên chúa du nhập vào Việt Nam lấy thời điểm “ngay từ thời kỳ đầu của Giáo hội Kitô giáo đã có một số môn đệ của Thánh Romas Tông đồ xứ Ấn, theo tàu buôn của các nước lân cận đến truyền giáo cho người Việt”. Xem Nguyễn Hồng, Lịch sử truyền giáo ở Việt Nam – các thừa sai dòng Tên 1615-1665, Nxb Hiện tại, 1959, tr.15.
2. Pierre Yves Manguin đã chứng minh vào TK XVI- XVII, thương nhân Bồ Đào Nha và Hà Lan thường đi dọc theo bờ biển Đàng Trong, rồi đến Macao hay Nhật Bản, ít khi lên tới Đàng Ngoài. Trước đó, C.Borri cho rằng trong thời gian đó, chưa ai để ý tới xứ Bắc (Đàng Ngoài). Christophoro Borri, Xứ Đàng Trong năm 1621, sđd, tr.82.
3, 7, 8, 19, 22, 36. Jean Baptiste Tavernier, Tập du ký mới và kỳ thú về vương quốc Đàng Ngoài, Nxb Thế giới, Hà Nội, 2005, tr.29, 24, 37, 72, 32, 26.
4, 5, 9, 17, 26, 35. William Dampier, Một chuyến du hành đến Đàng Ngoài năm 1688, Nxb Thế giới, Hà Nội, 2006, tr.59, 42, 80, 83, 34, 85.
6, 12. Thành Thế Vỹ, Ngoại thương Việt Nam hồi TK XVII, XVIII và đầu XIX, Nxb Sử học, Hà Nội, 1961, tr.113, 115.
10. Trong cuốn du ký nổi tiếng của mình, W.Dampier đã ghi nhận rằng các thương nhân đã “mua tơ sống vào mùa nhàn rỗi trong năm và thuê đám thợ nghèo làm trong lúc nông nhàn. Theo cách này mà họ có được những thưa vải dệt tốt hơn trong khi chi phí thấp hơn nhiều so với thời điểm tàu cập bến”. Sđd, tr.70.
11. Xem Hoàng Anh Tuấn, Mậu dịch của Công ty Đông ấn Hà Lan với Đàng Ngoài, 1637-1670, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 3 (359), tr.10-20; số 4 (360), tr.24-34. Li Tana cũng cho rằng giai đoạn 1641-1654 là thời vàng son không chỉ việc mua bán tơ rẻ ở Đàng Ngoài… VOC thường thu được 250% hay hơn nữa trong việc kinh doanh này trong đó chủ yếu là quan hệ với Nhật Bản. Từ năm 1636 đến 1668 nguồn lợi trung bình hàng năm của VOC là 186% từ Đàng Ngoài (119% từ Trung Quốc, 183% từ Bengal). Xem Li Tana, Xứ Đàng Trong: Lịch sử kinh tế xã hội Việt Nam TK XVII-XVIII, Nxb Trẻ, TP.HCM, tr.110.
13.Christophoro Borri, Xứ Đàng Trong năm 1621, Nxb Trẻ, TP.HCM, 2003, tr.53.
14. Anthony Farrington, Những tài liệu của Công ty Đông ấn Anh liên quan đến Phố Hiến và Đàng Ngoài, trong Phố Hiến, Sở VHTTTT Hải Hưng, 1994, tr.150-155.
15. Hiromu Honda and Noriki Shimazu, Vietnamese and Chinese Ceramics Used in the Japanese Tea Ceremony, Oxford University Press, 1993, p.1-138.
16. Nhiều tác giả, Kỷ yếu Hội thảo quốc tế: Quan hệ giao lưu gốm sứ Việt – Nhật TK XV-XVII, Hà Nội, 1999.
18. Joseph Buttinger, The Smaller Dragon – A Political History of Vietnam, Praeger Publishers, 1958, p.171, 195.
20. W.Dampier, Một chuyến du hành đến Đàng Ngoài năm 1688, sđd, tr.36: “Thương điếm của người Anh không có nhiều người, tọa lạc một cách yên bình ở phía Bắc thành phố và quay mặt ra ngoài sông. Đây là một ngôi nhà thấp, trông đẹp mắt và là ngôi nhà đẹp nhất mà tôi đã trông thấy trong thành phố… ở góc sân phía bờ sông có một cột cờ treo cờ Anh trong các dịp lễ vì người Anh chúng ta có thói quen treo quốc kỳ trong ngày Chủ nhật cũng như các ngày lễ tiết khác”. Gần đó: “Thương điếm của người Hà Lan giáp thương điếm của người Anh ở mạn Nam… Khu thương điếm của họ không rộng như của chúng ta tuy rằng họ đã đến đây trước chúng ta nhiều năm và bởi người Anh vừa chuyển về đây từ Phố Hiến, nơi họ lưu trú trước đây”. Sđd, tr.67. Tham khảo thêm Phố Hiến, Sở VHTTTT Hải Hưng, 1994; Tôn Nữ Quỳnh Trân: Người Pháp tại Phố Hiến vào TK XVII, Tạp chí Xưa & Nay, số 28, tháng 6-1996, tr.19-20. Theo tác giả, những người Pháp đầu tiên đến Đàng Ngoài năm 1626, lập thương điếm ở Phố Híến năm 1669 để vừa buôn bán vừa truyền giáo và hoạt động liên tục đến cuối TK XVII (1696?).
21. Trong Tập du ký mới… J.B.Tavernier nhận xét: “Bao giờ em tôi cũng mang theo một số tiền to, hơn nữa lại mang theo nhiều đồ vật lạ để biếu vua và các đại thần trong triều đình theo như tục lệ của tất cả các xứ phương Đông. Khi tới các xứ này thì chớ bao giờ đến yết kiến các hoàng tử và đại vương mà lại không mang tặng vật gì. Bằng cách đó, khi đến xứ này, em tôi được tiếp đón nồng hậu”, Sđd, tr.25. Bức thư của thương điếm Anh ở Bantam đề ngày 29-1-1677 cũng viết: “Người châu Âu đã bị chúa Đàng Ngoài đối xử không quý trọng vì chúa nhận được một số lượng lớn bạc từ Nhật Bản tới”, Charles B.Maybon, Những người châu Âu ở nước An Nam, Nxb Thế giới, Hà Nội, 2006, tr.229.
23. John Cleinen, Bert van der Zwan, Hans Moors, Ton van Zeeland, Sư tử và rồng – Bốn thế kỷ quan hệ Hà Lan – Việt Nam, Nxb Thế giới, Hà Nội, 2008, tr.82.
24. W.Dampier, Một chuyến du hành đến Đàng Ngoài năm 1688, sđd, tr.37. Xem thêm Hoàng Khôi, Lê Đình Kiên – Một người có công xây dựng Phố Hiến, trong Phố Hiến, Sở VHTTTT Hải Hưng, 1994, tr.141-142. Lê Đình Kiên làm trấn thủ Sơn Nam trong suốt 40 năm (1664-1704), đúng vào thời kỳ phát triển rực rỡ nhất của Phố Hiến và hệ thống thương mại châu Á. Sau khi ông qua đời, cư dân địa phương và người Hoa đã dựng 2 tấm bia năm 1723, 1727 để ghi nhớ, ca ngợi công đức của ông.
25. Trong bức thư của Thanh đô vương Trịnh Tráng (1623-1657) gửi chính quyền Nhật Bản năm 1624 viết rõ: “Đại Nguyên soái Tổng chính Thanh đô vương nước An Nam đã xây dựng lại đất nước, khôi phục trung hưng, xa thư quy về một mối, lân bang giao hiếu hòa hợp, rộng ban ân trạch, tạo thành nghĩa lớn. Nay nhân vào tiết Hạ, thấy các thuyền trưởng của Quý quốc Nhật Bản là Giác Tàng (Suminokura) và Mạt Cát (Sueyoshi), tổng cộng 20 chiếc đến nước chúng tôi buôn bán. Chúng tôi chỉ muốn phát triển, không dừng lại ở việc buôn bán nhỏ, nên thăm hỏi kỹ càng. Nghe nói quốc chủ Nhật Bản đang lúc tuổi xuân đang độ, đức tính khoan hòa, tôi muốn kết làm nước anh em”. Xem Phan Thanh Hải: Quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản TK XVI-XVII nhìn từ 35 bức văn thư ngoại giao; trong Việt Nam trong hệ thống thương mại châu Á TK XVI-XVII, Nxb Thế giới, Hà Nội, 2007, tr.240-241.
27. Alexandre de Rhodes, Hành trình và truyền giáo, Ủy ban đoàn kết Công giáo TP.HCM, 1994, tr.69.
28. Xem Nguyễn Thừa Hỷ, Những thương nhân Hà Lan đầu tiên đến Đàng Ngoài và Kẻ Chợ năm 1637 (Bản dịch: Chuyến du hành của chiếc tàu Hà Lan Grol từ Nhật Bản tới Đàng Ngoài 31-1-1637 – 8-8-1637), Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử số 4(396) & 5(397), 2009, tr.68-77; 57-66. Trong trường hợp tàu Grol, người Hà Lan “phải trả thuế nhập cảng đánh vào hàng hóa, thuế neo đậu tàu”. Bên cạnh đó “hàng hóa sẽ không bắt đầu được dỡ khỏi tàu trước khi lệnh cho phép được gửi tới và tất cả sẽ bị tịch thu nếu vi phạm những quy tắc đó”, Nghiên cứu Lịch sử số 4, tr.71-72.
29. W.Dampier, Một chuyến du hành đến Đàng Ngoài năm 1688, Sđd, tr.36. Xem Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Một số văn bản điển chế và pháp luật Việt Nam, tập I, từ TK XV đến XVIII, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2006, tr.643. Có thể tham khảo thêm Trần Thị Vinh, Chính sách ngoại thương thời Lê – Trịnh TK XVI-XVII, trong Việt Nam trong hệ thống thương mại châu Á TK XVI-XVII, sđd, tr.464-476.
30. Là một nhà truyền giáo và trí thức phương Tây, đến Đàng Ngoài đầu TK XVII, Alexandre de Rhodes từng đưa ra nhận xét về khả năng và điều kiện hàng hải của người Việt. Theo ông, người dân Đàng Ngoài không thể đưa thuyền ra khơi xa vì rằng: Một là, họ không thành thạo la bàn và nghề hàng hải; thứ hai, thuyền không chịu đựng được với những con sóng ngầm và bão biển…; lý do thứ ba, vì nhà vua xứ này không cho phép dân chúng đi xa. Xem Alexandre de Rhodes, Lịch sử vương quốc Đàng Ngoài, 1994, tr.35-36.
31. Nhận xét về các thương nhân người Việt Đàng Ngoài J.B.Tavernier cho rằng: “Khi ra nước ngoài, họ luôn đem theo mấy nhà sư là những người cầu kinh cho họ và cả mấy thầy đồ để dạy cho con cái họ và tập viết. Vì rằng họ luôn đi xa trên biển, họ luôn mang theo cả gia đình. Bản thân tôi đã hỏi chuyện những vị sư tăng và Nho sĩ này vì thế mà biết được nhiều điều. Họ đã vui lòng kể lại cho tôi về xứ Đàng Ngoài, vì họ cũng rất thích tôi nói cho họ biết cách cai trị của nước Pháp như thế nào và vì rằng bất cứ lúc nào đi viễn du tôi cũng mang theo tập bản đồ (Atlas) và nhiều bản đồ chuyên biệt khác nữa. Khi tôi chỉ cho họ xem thế giới gồm những châu nào và những quốc gia nào, họ luôn tỏ ra rất hứng khởi”. J.B.Tavernier, Tập du ký mới và kỳ thú về vương quốc Đàng Ngoài, sđd, tr.25.
32. Yoneo Ishii (Ed.), The Junk Trade from Southeast Asia – Translations from the Tosen Fusetsu-gaki, 1674-1723, Institute of Southeast Asian Studies, Singapore, 1998. Anthony Reid, Southeast Asian in the Age Commerce 1450-1680, Yale Uinversity Press, 1993, p.81.
33. Mô tả về Lễ đăng quang của vua Đàng Ngoài (Lê Thần Tông?) J.B.Tavernier xác nhận sau ngày lễ thứ nhất: “Sau đó, dân chúng được phép vào chầu, hai đại biểu một đại biểu cho thương nhân và một đại biểu cho thợ thủ công, đọc lời chúc tụng vua, nội dung là những trưởng giả (bourgeois) và dân chúng thành Kẻ Chợ công nhận vua là vị chúa tể chính thức, và có thể xin hết đời trung thành với đức vua. Nghe chúc tụng xong, nhà vua ban cho đoàn thể thương nhân 50 đĩnh vàng và 300 thỏi bạc, và ban cho đoàn thể thủ công 20 đĩnh vàng và 100 thỏi bạc”. Cũng cần biết thêm là, trong dịp đăng quang đức vua đã ban cho chúa 20 đỉnh vàng và 40 thỏi bạc còn quan Tể tướng 10 đĩnh vàng và 20 thỏi bạc; sđd, tr.81 & 83.
34. Ngô Sĩ Liên…, Đại Việt sử ký toàn thư, Nxb. Khoa học Xã hội, tập II, H., 1993, tr.61. Tham khảo thêm Nguyễn Tiến Dũng, Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư và những hoạt động kinh tế ở Vân Đồn nửa cuối TK XIII, trong Thương cảng Vân Đồn: Lịch sử, tiềm năng kinh tế và các mối giao lưu văn hóa, Kỷ yếu hội thảo khoa học, Quảng Ninh, 2008, tr.390-407.
37. Viết về sự hiện diện của người Hà Lan ở (thị trấn) Domea – vùng cửa sông Thái Bình, W.Dampier ghi nhận: “Những tàu buôn Hà Lan đến đây buôn bán bao giờ cũng đậu ở trên sông trước thị trấn này. Những thủy thủ Hà Lan hàng năm đến đây từ Batavia là những bằng hữu rất thân thiết của dân trong xứ và họ cảm thấy tự do y như sống ở nhà riêng của họ vậy. Người Đàng Ngoài nhìn chung lịch thiệp, nhất là những thương nhân và người nghèo. Người Hà Lan đã dạy dân địa phương các kỹ năng làm vườn và nhờ đó họ có rất nhiều rau để làm món sa lát trộn”. Những ghi chép đó có thể đem lại cho chúng ta một hình ảnh khác biệt về chính sách của chính quyền Đàng Ngoài trong ứng đối với các nền văn hóa khác lạ phương Tây. W.Dampier, Một chuyến du hành đến Đàng Ngoài năm 1688, sđd, tr.32-33.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 352, tháng 10-2013
Tác giả : Nguyễn Văn Kim – Nguyễn Mạnh Dũng
Bài viết cùng chủ đề:
Bảo tồn văn hóa si la trong bối cảnh hiện nay
Giữ gìn văn hóa truyền thống tộc người tày ở thái nguyên
Vai trò của người dân trong bảo tồn giá trị quan họ làng vân khám