Ngựa có tên khoa học là Equus Caballus, một phân loài động vật thuộc bộ guốc lẻ. Từ dạng sinh vật nhỏ, chân nhiều ngón, trải qua quá trình tiến hóa từ 45 đến 55 triệu năm, trở thành loài động vật lớn, chân một ngón như ngày nay. Ngựa được con người thuần dưỡng vào khoảng năm 4500 trước CN, sau đó được nuôi rộng rãi ở châu Âu từ năm 3000 trước CN, đến năm 1000 trước CN thì ngựa đã được nuôi ở hầu khắp các châu lục trên thế giới.
Trong quan niệm cổ xưa, ngựa là con vật có bản tính mau lẹ, hăng hái, sung mãn, được coi là biểu trưng cho yếu tố hỏa. Ở một số nơi, ngựa tượng trưng cho mặt trời hay là vật hiến tế trong tín ngưỡng thờ thần mặt trời. Sự mau lẹ của ngựa cùng với sức mạnh và năng lực có thể đi được chặng đường xa nên còn được gán cho những tên gọi như Gió Tây, Chân Mau, Tia Chớp, Thiên Lý Mã, Phi Mã… Ngựa thần Chollima xuất hiện trong thần thoại Triều Tiên có hình dáng và màu sắc là loài ngựa trắng có cánh. Chollima trong văn hóa dân gian châu Á nói chung cũng có đôi cánh rộng, khỏe, có thể bay được.
Thần thoại Hy Lạp ghi lại rằng sau khi giúp đỡ người anh hùng Bellerophon đánh bại Chimera, Zeus đã biến ngựa Pegasus thành một chòm sao trên bầu trời. Truyền thuyết Hy Lạp cổ đại có nêu mười hai kỳ công của Heracles, trong đó có kỳ công thuần phục đàn ngựa cái của Diomedes. Thần thoại Hy Lạp còn có hình ảnh về nhân mã, nửa thân trên là người và toàn bộ phần dưới là ngựa, sống tại vùng núi ở Thessalia.
Thần thoại Bắc Âu có loài Kelpie, thường được gọi là ngựa nước vì sống ở các con sông và hồ thuộc Scotland. Nhờ vẻ ngoài đẹp rạng rỡ giống một con ngựa bạch mà Kelpie đánh lừa rất nhiều người. Một khi đã cưỡi lên, nó sẽ đưa nạn nhân tới chỗ nước sâu và ăn thịt.
Tiểu thuyết Tây du ký của Ngô Thừa Ân có hình tượng về Bạch Long Mã, một con ngựa trắng là đồ đệ thứ tư của Đường Tam Tạng. Do có lỗi lầm nên bị Quan Thế Âm Bồ Tát bắt làm ngựa, phò giá Đường Tăng nhằm chuộc lỗi vì trước đây đã ăn thịt con ngựa của Đường Tăng.
Cư dân hồi giáo ở Đông Nam Á có tục thờ ngựa, coi ngựa là con vật linh thiêng. Ngựa là một trong những chòm sao của hoàng đạo phương Tây, được hình tượng hóa qua người bắn cung Sagittarius, xuất hiện ở vòng cung thứ chín dưới dạng hình nhân mã, giống như cung ngọ trong mười hai cung của phương Đông. Từ con vật đời thường, với bản tính tốt đẹp, dần dần, ngựa đã trở thành hình tượng nghệ thuật, hóa thân vào đời sống văn hóa tâm linh.
Ngựa là động vật được sử dụng nhiều trong những cuộc chiến tranh thời cổ, luôn là người bạn đồng hành của các chiến binh, kỵ binh trong các trận chiến tay đôi hay các trận đánh tập kích, đột phá, đồng thời còn được sử dụng để do thám, thông tin liên lạc, vận chuyển… Ngựa gắn với lịch sử chiến tranh lâu dài của loài người. Hình ảnh con ngựa gắn liền với các tướng lĩnh, nhất là các võ tướng trên chiến địa, những chàng dũng sĩ trong chiến đấu, săn bắn…
Trong các cuộc chiến tranh thời cổ cho đến thời kỳ cận đại, ngựa chiến, giáp trụ, vũ khí là sinh mệnh của võ tướng trên sa trường. Nhiều đơn vị chiến đấu lấy ngựa làm trung tâm như: chiến xa (xe ngựa kéo trong chiến tranh), kỵ binh, kỵ xạ, thám mã, khoái mã (lực lượng thông tin). Việc chiến đấu trên lưng ngựa tạo ra nhiều thế võ thuật. Một trong thế võ thuật trứ danh là tuyệt chiêu hồi mã thương của Dương Gia Tướng.
Về nhân tướng, theo quan niệm của phương Đông thì những người sinh năm ngọ thường có cá tính phóng khoáng, không căn cơ, có năng lực suy nghĩ độc lập và ít để bụng. Gặp việc gì họ cũng thường bắt tay làm ngay, không chần chừ do dự. Nhưng chính sự nhanh nhẹn tạo nên điểm yếu của họ là nóng vội, thiếu kiên nhẫn.
Loài ngựa trong quan niệm của người xưa khá phong phú và có những khác biệt nhất định ở mỗi dân tộc. Tuy vậy, nhìn chung ngựa là loài vật gần gũi với con người trong cuộc sống và chiến tranh, hiện thân của sức mạnh, sự nhanh nhẹn, dũng mãnh, kiên cường và may mắn…
Nguồn : Tạp chí VHNT số 356, tháng 2-2014
Tác giả : Hoàng Thị Thắm
Bài viết cùng chủ đề:
Giá trị lịch sử – văn hóa đình làng vân chàng
Sức hút của công tử bạc liêu qua lịch sử, giai thoại
Khu trưng bày khảo cổ học tầng hầm nhà quốc hội