Nguyễn Đình Thi là một nghệ sĩ đa tài. Sự nghiệp sáng tác của ông được ví như một “cỗ xe tứ mã đầy sung sức” (1), bắt đầu vận hành từ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, trải rộng trên nhiều lĩnh vực như: thơ, tiểu thuyết, kịch, truyện ngắn, tiểu luận phê bình, âm nhạc. Nhắc đến Nguyễn Đình Thi không thể không nhắc đến Người Hà Nội, một tác phẩm gắn liền với tên tuổi của ông, ở đó có sự kết hợp tài tình giữa lý tưởng cách mạng và tình yêu quê hương đất nước…
1. Người Hà Nội với ngàn năm văn hiến
Ngay sau sự thành công của ca khúc Diệt phát xít, Nguyễn Đình Thi tiếp tục mang đến cho nền tân nhạc Việt Nam một bản trường ca mới Người Hà Nội – khắc họa lại cuộc chiến đấu anh dũng và kiên cường của nhân dân thủ đô trong những ngày đầu kháng chiến chống Pháp (2).
Trong cấu trúc tác phẩm Người Hà Nội có sự phơi trải của một vốn văn hóa, vốn tri thức sâu rộng, sự gặp gỡ, thăng hoa của cảm xúc với hiện thực vĩ đại ngay từ những ngày đầu kháng chiến. Sự cộng hưởng giữa nhạc và thơ trong Người Hà Nội đã tạo thành lực hấp dẫn riêng. Chính bởi vậy mà khi những ca từ vừa cất lên đã chạm đến sự rung động sâu sắc, tình cảm yêu mến của biết bao thế hệ đối với thủ đô Hà Nội:
Đây Hồ Gươm, Hồng Hà, Hồ Tây
Đây lắng hồn núi sông ngàn năm
Đây Thăng Long
Đây Đông Đô
Đây Hà Nội, Hà Nội mến yêu…
Âm hưởng tự sự, trữ tình đã tạo nên sức ngân vang đặc biệt cho bài hát. Đại từ chỉ định đây được sử dụng khá đắc địa, tạo ấn tượng mạnh, khẳng định niềm tự hào về lịch sử hào hùng dựng nước và giữ nước của dân tộc nói chung, của người Hà Nội nói riêng. Mỗi lần từ đây được lặp lại, thông tin như được mở rộng hơn, niềm tự hào được nhân lên. Hà Nội hiện ra thân thuộc qua những địa danh, gợi lên bao điều về thủ đô thân yêu với những trang sử hào hùng.
Hồ Gươm – hồ Hoàn Kiếm được bạn bè quốc tế ví như lẵng hoa đẹp giữa lòng Hà Nội. Bà mẹ tự nhiên đã ban tặng cho nơi này một hồ nước bốn mùa xanh biếc. Qua những thăng trầm lịch sử, hồ Gươm hiện hữu như một nhân chứng và được biết đến với những tên gọi khác như Thủy Quân, Tả Vọng… Đến TK XV, cùng với truyền thuyết Lê Lợi đánh giặc Minh và câu chuyện thần kỳ về thần Kim Quy, hồ mới có tên là Hoàn Kiếm, gọi nôm là hồ Gươm. Nơi đây, đã lưu giữ hồn thiêng đất nước, lịch sử, văn hóa dân tộc.
Khác với hồ Gươm, hồ Tây được bao phủ bởi làn sương sớm long lanh. Mỗi buổi mai ở nơi này, làn sương sớm mờ ảo giăng mắc, dệt thành tấm voan mỏng duyên dáng bao phủ mặt hồ. Bởi thế chăng hồ có tên là Dâm Đàm (hồ sương mù). Từ cảm khái của Dương Khuê về Hà Thành tức cảnh, bài thơ cảnh đẹp hồ Tây đã lan tỏa trong dân chúng bằng đời sống của một sáng tác đã được ca dao hóa: Gió đưa cành trúc la đà – Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương – Mịt mù khói tỏa ngàn sương – Nhịp chày Yên Thái, mặt gương Tây Hồ. Ngoài tên Dâm Đàm, hồ Tây còn có những tên gọi khác như: đầm Xác Cáo, hồ Kim Ngưu, Lãng Bạc, Đoài Hồ… Mỗi tên gọi đều mang chứa những dấu ấn văn hóa, lịch sử và cả những hình dung, tưởng tượng kỳ diệu của dân chúng về một quá trình dựng xây, làm ăn, đánh giặc.
Sông Hồng với lưu thủy của nó đã chuyên chở cả một nền văn minh nhân loại. Khi chảy qua Việt Nam, sông Hồng đã trở thành một phần của những miền đất đi qua, là máu thịt của những người dân nơi đây. Đặc biệt, dòng sông mẹ hiền từ, đỏ nặng phù sa, ở phần trung lưu đã như ngừng lại, ôm ấp, nâng niu một vùng thắng địa giữa trung tâm trời đất – nơi quần long hội tụ, nơi khí và thủy cùng vận hành, là chốn địa linh, địa lợi. Vùng thắng địa này đã được Lý Thái Tổ khẳng định trong Chiếu dời đô: “Ở vào nơi trung tâm trời đất, được cái thế rồng cuộn hổ ngồi. Đã đúng ngôi Nam Bắc Đông Tây; lại tiện hướng nhìn sông dựa núi. Địa thế rộng mà bằng; đất đai cao mà thoáng. Dân cư khỏi chịu cảnh khốn khổ ngập lụt; muôn vật cũng rất mực phong phú tốt tươi. Xem khắp đất Việt ta, chỉ nơi này là thắng địa. Thật là chốn tụ hội trọng yếu của bốn phương đất nước; cũng là nơi kinh đô bậc nhất của đế vương muôn đời!” (3).
Tên gọi Hà Nội – trở nên quen thuộc từ thời vua Minh Mạng, gắn với lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Trải qua các thời kỳ phát triển, Hà Nội từng được biết đến với những tên gọi như: Đại La, La Thành, Long Đỗ, Thăng Long, Đông Đô, Đông Quan, Đông Kinh, Bắc Thành…
Nguyễn Đình Thi đã phác họa một Hà Nội linh thiêng với sức chứa của một không gian văn hóa, một thời gian lịch sử, nơi lắng hồn núi sông ngàn năm!
2. Người Hà Nội những ngày khói lửa ngập trời
Ngày 19 – 12 – 1946 đã trở thành một sự kiện không thể nào quên về cuộc chiến tranh vệ quốc, giải phóng dân tộc ở Việt Nam TK XX. Hà Nội và cả nước vừa bước qua gần ngàn năm dưới chế độ phong kiến, hơn 80 năm tăm tối dưới sự thống trị của thực dân Pháp, nhiều năm trong sự kìm kẹp của phát xít Nhật. Niềm hân hoan của người dân một nước tự do, độc lập khiến triệu triệu con tim như muốn vỡ òa. Nhân dân còn chưa hết ngỡ ngàng thì thực dân Pháp tiếp tục quay trở lại xâm lược nước ta. Kẻ thù uy hiếp chính quyền bằng những hành động vũ trang thô bạo và bằng cả chính trị: phá nhà thông tin ở Tràng Tiền, gây những vụ thảm sát ở ngõ Yên Ninh, Hàng Bún; gửi tối hậu thư cho Chính phủ ta, đòi tước khí giới tự vệ, đòi Chính phủ giao quyền giữ trật tự, trị an ở Hà Nội cho quân đội Pháp…
Trước tình hình đất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến: “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”(4). Vào 20 giờ ngày 19 – 12, tại Pháo đài Láng, quân ta đã nổ tiếng súng đầu tiên báo hiệu toàn quốc kháng chiến. Cả Hà Nội bùng cháy. Cả Hà Nội ngùn ngụt lửa, lửa đấu tranh, lửa căm thù sục sôi trong lòng người. Tinh thần chiến đấu ngút ngàn cùng với nhiệt huyết cách mạng sục sôi đã tạo ra một hiện thực hào hùng, rực cháy của Hà Nội trong những giờ phút vùng dậy thiêng liêng:
Hà Nội cháy – khói lửa ngợp trời
Hà Nội hồng ầm ầm rung
Hà Nội vùng đứng lên
Hà Nội vùng đứng lên, sông Hồng reo
Hà Nội vùng đứng lên
Khúc thức bài ca đang trầm lắng bỗng chuyển mạnh. Khung cảnh Hà Nội trong những giờ phút quyết tử cho tổ quốc quyết sinh đã xuất hiện như vẹn nguyên trong ca khúc của Nguyễn Đình Thi. Sức mạnh của ngôn từ được phát huy tận độ, tái hiện một Hà Nội oai hùng, một Hà Nội đang chuyển rung, đang vùng đứng lên, mạnh mẽ, quyết liệt.
Chính ở giờ phút quyết tử ấy, hình ảnh của Hà Nội hào hoa, vàng son, mỹ lệ như một thước phim quay chậm hiện ra, tưởng như có thể quên đi tất cả để náo nức, để tíu tít, trào dâng cùng Hà Nội:
Ôi nước Hồ Gươm xanh thấm lòng
Bóng tháp Rùa thân mật êm ấm lòng
Hồng Hà tràn đầy
Hồng Hà cuốn ngàn nguồn sống tràn đầy dâng
Hà Nội vui sao
Những cửa đầu ô
Tíu tít gánh gồng, đây ô Chợ Dừa,
kia ô Cầu Dền, làn áo xanh nâu
Hà Nội tươi thắm
Sống vui phố hè
Bồi bồi chàng trai
Những đôi mắt nào…
Quanh co, chen nhau rộn ràng Đồng Xuân
Xanh tươi bát ngát Tây Hồ
Hàng Đào ríu rít, Hàng Đường
Hàng Bạc, Hàng Gai
Có lẽ mọi sự lý giải sẽ trở nên thừa thãi, bởi ai từng xa Hà Nội mà không đau đáu nhớ về thành phố ngàn năm tuổi, nhớ vẻ đẹp yêu kiều, diễm ảo mà tự nhiên đã ban tặng cho nơi này; nhớ vẻ thâm trầm, cổ kính của những phố phường năm xưa; vẻ duyên dáng, thanh lịch, hào hoa của những người con Hà thành… Và hơn thế nữa, mỗi tấc đất nơi đây đều “đượm thắm máu hồng tươi”.
Hơn cả mọi lời hô hào, hiệu triệu, Nguyễn Đình Thi đã thức gọi từ thẳm sâu những trái tim yêu của người Hà Nội với quê hương, xứ sở. Hãy bảo vệ Hà Nội. Hãy giữ lấy nguồn sống này! Hơi thở tự nhiên, tuôn chảy theo dòng cảm xúc mãnh liệt của tác giả.
Nét hào hoa và anh hùng đã được biểu hiện hài hòa, nhuần nhuyễn trong Người Hà Nội. Trong mạch cảm xúc đó, Nguyễn Đình Thi đã hình dung ngày về chiến thắng, ngày dân tộc ca vang khúc khải hoàn trong niềm hân hoan thắng lợi.
Bài hát để lại dấu ấn đặc sắc với sự hiện diện của vị lãnh tụ vĩ đại – người anh hùng dân tộc với đôi mắt sáng, mái tóc bạc phơ cùng nụ cười sáng, nụ cười của cả nước non đã tỏa sáng niềm tin chiến thắng. Nụ cười rạng rỡ của Người lan tỏa trong một không gian rực rỡ cờ đỏ sao vàng tạo nên bức tranh hoành tráng về tầm vóc, tư thế của Hà Nội, cũng đồng thời là của cả dân tộc Việt Nam trong ngày về chiến thắng huy hoàng.
Sự hiện diện của Người Hà Nội trong lòng những người ra trận năm xưa, với vị trí là nhạc nền cho chương trình của Đài truyền hình Hà Nội, lắng sâu vào tâm khảm của nhiều người dân Việt Nam đã nói lên sự thành công của Nguyễn Đình Thi ở lĩnh vực này. Phần ca từ của Người Hà Nội là một trong những áng thơ đẹp nhất, hào sảng nhất về thủ đô yêu dấu, về những con người hào hoa trên mảnh đất lịch sử linh thiêng, là khải hoàn ca vang lên trong giai điệu tự hào của dân tộc.
Chiến tranh đã lùi xa trong ký ức, thời gian vẫn cứ trôi, dòng đời vẫn chảy. Nhưng Người Hà Nội đã, đang, sẽ và mãi tỏa sáng, không chỉ song hành cùng các thế hệ hôm nay mà còn vang mãi đến mai sau.
______________
1. Chu Văn Sơn, Nguyễn Đình Thi – một hướng tìm tòi của thơ hiện đại, trong 50 năm văn học Việt Nam sau cách mạng tháng Tám, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 1996.
2. Phương An, Người Hà Nội – trường ca âm thanh đầu tiên của cách mạng, Tạp chí Truyền hình, tháng 10-1994, tr.8.
3. Nhiều tác giả, Thơ văn Lý Trần, tập 1, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1977, tr.230.
4. Việt Nam đất nước anh hùng, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1975, tr.77.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 394, tháng 4-2017
Tác giả : LA NGUYỆT ANH – HOÀNG ĐIỆP
Bài viết cùng chủ đề:
Giá trị lịch sử – văn hóa đình làng vân chàng
Sức hút của công tử bạc liêu qua lịch sử, giai thoại
Khu trưng bày khảo cổ học tầng hầm nhà quốc hội