Tiếng việt qua 151 năm báo chí


Những năm đầu của lịch sử, chữ quốc ngữ là một điều hết sức mập mờ, cho tới nay người ta cũng chưa xác nhận được cha đẻ của thứ chữ này. Những tài liệu còn lại quá ít, chỉ đủ giúp chúng ta hình dung lại một cách đại cương thời bình minh của thứ chữ đã góp công rất nhiều trong việc xây dựng nền văn hóa  nước nhà.

Có một điều chắc chắn, trước khi các giáo sĩ phương Tây đặt chân lên đất nước Việt Nam, dân ta chỉ biết say sưa với những câu thơ chữ Hán, thứ chữ được tôn phong là chữ của thánh hiền. Những tầng lớp được coi là trí thức hồi đó đã nhắm mắt bỏ mặc chữ Nôm, coi như thứ chữ chỉ dành riêng cho những phàm phu tục tử. Ngoài chữ Hán và Nôm, người Việt Nam không còn một thứ chữ nào khác.

Chữ quốc ngữ chỉ xuất hiện sau khi các giáo sĩ phương Tây tới Việt Nam, đây là sản phẩm của những nhà truyền giáo này. Theo những tài liệu ít ỏi còn lưu truyền tới nay, chữ quốc ngữ đã trải qua nhiều giai đoạn tiến triển, là công trình của các giáo sĩ Italia, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Pháp. Dĩ nhiên thứ chữ quốc ngữ sơ khai lúc bấy giờ còn rất nhiều thiếu sót và rất khác với thứ chữ quốc ngữ mà người Việt dùng ngày nay. Trong cuốn Lịch sử đạo Thiên chúa trên đất nước Việt Nam, người ta còn bắt gặp một số dấu vết của thứ chữ quốc ngữ trong thời kỳ sơ khai như sau: Muon bau dau christiam chiam? (muốn vào đạo Christiam chăng?) được dùng để truyền đạo trong thời kỳ từ năm 1615 – 1639. Cũng trong cuốn sách này, người ta còn ghi được những chữ như omgne (ông nghè), tui ciam biet (tôi chẳng biết). Như vậy, chữ quốc ngữ của những năm trước 1639 không có dấu.

Thời kỳ chữ Việt không có dấu kéo dài bao lâu là điều cho tới nay người ta cũng chưa rõ, chỉ biết trong cuốn Từ điển Việt – Bồ La (Dictionarium annamiticum – Lusitanum – Latinum) của giáo sĩ Alexandre de Rhodes in ngày 5 – 2 – 1631 tại Rôma thì chữ Việt đã có dấu. Như vậy Alexandre de Rhodes không phải là người sáng chế ra chữ quốc ngữ, mà chỉ là người đã hệ thống hóa thứ chữ này. Tuy vậy công của ông đối với chữ quốc ngữ không phải là nhỏ.


 

Qua gần 200 năm lịch sử, chữ Việt hình như chưa làm quen được với phần đông người dân Việt, do các giáo sĩ phương Tây sáng tạo, chữ Việt đã không vượt quá phạm vi các họ đạo. Tầng lớp nho sĩ, sau hàng nghìn năm đắm mình trong văn học Trung Hoa, đã tỏ ra nghi kỵ, chê ghét thứ chữ ngoại lai này. Mãi tới năm 1862, năm người Pháp bắt đầu đặt nền thống trị tại Việt Nam, chữ quốc ngữ mới một phần nào được quần chúng biết đến rộng rãi hơn. Giữa bối cảnh đó, tờ báo đầu tiên viết bằng tiếng Việt ra đời. Ngày 1- 4 – 1865, chính quyền đương thời cho phép xuất bản tờ Gia Định báo, với phương tiện truyền thông hoàn toàn mới này, tiếng Việt đã có cơ hội đến gần với quần chúng nhân dân. Thời kỳ hơn 200 năm e dè, trì trệ được chấm dứt, từ đây con đường tiến triển được mở rộng. Qua 150 năm gắn liền với lịch sử báo chí, chữ quốc ngữ đã được cải thiện, chuyển biến để tiến tới một thứ chữ hoàn hảo như ngày nay.

 Tiếng Việt trong tờ Gia Định báo là một thứ chữ dễ dãi như tiếng nói thường ngày, không một chút chải chuốt, sửa sang nào. Từ năm 1869, Trương Vĩnh Ký lãnh phần trông coi bài vở tờ Gia Định báo, cũng như một số người làm văn khác sinh trưởng ở miền Nam, đã chủ trương dùng một thứ tiếng Việt trơn tru như lời nói.

Gia Định báo ngày 23 – 1 – 1886 có một tin dây thép như sau : “Mỹ Tho ngày 14 janvier 1886, 8 giờ 15 phút buổi sáng. Quan tham biện Mỹ Tho gởi cho quan khâm mạng, cho quan thượng thơ cũng như quan chưởng lý ở Saigon. Ngày hôm qua tại làng Bình Cách tôi có bắt đặng một số bọn đúc bạc giả, lập ra tề chỉnh đã lâu, bắt nhằm hồi nó đương đúc. Bạc nó bằng đồng, nguyên là tiền túi Lang Sa bia vành có đề 8r Do 1883 MC, lấy được đồ nghề nó hết. Tôi không biết nó bán ra được bao nhiêu, có lẽ chắc nó bán ra được nhiều lắm. Ngày bắt nó, nó đã đúc được 55 đồng”. Cách truyền tin dây thép đã luộm thuộm, rắc rối và nhiều lời như vậy, nhưng trong những văn kiện lập quy, tiếng Việt cũng không được sử dụng một cách ngắn gọn hơn. Chỉ một bản tin nhỏ như vậy, nhưng ngày nay chúng ta phải vất vả lắm mới hiểu được ý cổ nhân.

Sau Gia Định báo, nhiều báo khác cũng được xuất bản tại Sài Gòn như: Phan Yên báo (1868), Nông cổ mín đàm (1900), Lục tỉnh tân văn (1907)… Gần nửa thế kỷ đầu của lịch sử, báo chí đã tạo ra được một hướng đi riêng nhưng còn hết sức thô sơ. Về lối truyền tin, thường xen vào những câu nhận xét có tính luân lý; câu văn thì mộc mạc, viết như nói chuyện hàng ngày; thường hay áp dụng lối văn có vần, có điệu trong khi viết tin hoặc tranh luận.

 Tại miền Bắc, phải 27 năm sau khi tờ Gia Định báo ra đời, người ta mới thấy xuất hiện tờ báo đầu tiên, đó là tờ Đại Nam đồng văn nhật báo. Tiếc thay, tờ báo này lại hầu như được viết bằng chữ nho, mãi tới năm 1905, tờ Đại Việt tân báo mới được xuất bản và dùng nửa chữ Việt.

Đầu TK XX, trong khi ở miền Nam chữ quốc ngữ đã được phổ biến sâu rộng, thì tại miền Bắc chữ quốc ngữ vẫn chỉ quanh quẩn trong các họ đạo và phải hết sức vất vả mới tìm được chỗ đứng. Phải đến khi Đông Dương tạp chí (1913) và Nam Phong tạp chí (1917) ra đời, chữ quốc ngữ mới được sử dụng một cách vừa trang trọng vừa đài các, kiểu cách. Tuy vậy, nền văn xuôi bằng tiếng Việt của hai miền Nam – Bắc không hẳn là không có một đặc điểm chung nào. Báo chí miền Nam hay dùng lối văn nói lối, thì các nhà báo miền Bắc lại có cái tật viết văn pha những vần thơ vào văn xuôi.

Trong thời kỳ này, báo chí vẫn còn dùng hai, ba thứ tiếng xen lẫn nhau: chữ Việt, chữ Nôm, chữ Hán, chữ Pháp. Muốn đạt được vị trí ưu thế, chữ quốc ngữ đã phải nhiều phen tranh đấu vất vả mới giành được. Với một lớp người theo Tây học thích dùng chữ Pháp và một lớp sĩ phu còn luyến tiếc thời kỳ vàng son hàng ngàn năm cũ của chữ Hán, lớp người cổ động cho việc dùng chữ quốc ngữ không khỏi gặp nhiều khó khăn gây ra bởi cả những người tân tiến lẫn thủ cựu. Vậy mà những khó khăn lớn đó đã không cản nổi bước tiến của chữ quốc ngữ, vị trí của thứ chữ dễ học, dễ dùng này ngày càng được cải thiện và giành được chỗ đứng vững chắc. Câu văn Việt Nam từ đây đã trưởng thành, có thể đứng vững một mình và đủ sức tung tăng trên mọi nẻo đường nghệ thuật. Hàng loạt các tên tuổi lớn, đại diện cho một thời kỳ văn học phồn thịnh, vẻ vang ra đời như: Phan Kế Bính, Nguyễn Bá Học, Thế Lữ, Xuân Diệu, Huy Cận, Lưu Trọng Lư… đã minh chứng rõ ràng cho sự phát triển vượt bậc của chữ quốc ngữ.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 393, tháng 3-2017

Tác giả : NGÔ VĂN TUẤN

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *