Người thương binh thích làm “chuyện bao đồng”


Ông Nguyễn Ngọc Đức – thương binh hạng 4/4 và là hội viên Hội Cựu chiến binh (CCB) phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân, TPHCM. Người dân nơi đây hay gọi ông với cái tên thân thương là “Ông Đức vớt rác” bởi công việc đầy ý nghĩa mà ông đang cống hiến cho địa phương.

Làm đẹp cho khu phố

Ông chia sẻ: Tôi sinh năm 1954 tại Quảng Ngãi. Đến năm 1977, ông thi hành nghĩa vụ quân sự sau đó được điều động sang giúp nước bạn Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng của bọn Polpot. Năm1980, ông bị trúng đạn trong lúc làm nhiệm vụ và năm 1981, ông một lần nữa bị thương. Sau một thời gian dưỡng thương tại quân ngũ, năm 1982 ông được xuất ngũ trở về địa phương. Trở lại cuộc sống đời thường, mặc dù vết thương chiến tranh vẫn ngày đêm dày vò cơ thể, ông vẫn luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, giữ vững chuẩn mực, tác phong người lính Cụ Hồ, vừa làm kinh tế để nuôi gia đình.

Đến năm 1991, vết thương thời chiến tranh còn âm ỉ, sức khỏe cũng hạn chế nhưng do gia đình quá khó khăn, ông một mình vào Sài Gòn ở trọ và làm thuê đủ nghề để kiếm tiến gửi về quê nuôi vợ và con nhỏ. Nhờ sự cần cù, chịu khó và tiết kiệm, ông đã mua được căn nhà tại xã Bình Trị Đông, huyện Bình Chánh (nay là phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân) và rước vợ con vào ở cùng. Lúc này, hai vợ chồng ông thuê sạp ở chợ Phú Lâm để buôn bán trái cây. Lo cho gia đình xong việc, ông lại về địa phương tham gia sinh hoạt…

Hằng ngày đi ngang qua dòng kênh Chiến Lược, ông thấy bức xúc bởi rác nổi lềnh bềnh đầy kênh bốc mùi hôi. Với ý nghĩ làm sao để người dân sống tại nơi đây bớt nghe mùi hôi thối từ dưới lòng kênh bốc lên nên người thương binh ấy đã ngày ngày tình nguyện ra dọn rác ở dọc kênh Chiến Lược thuộc Khu phố 8.  Theo ông, “do người dân thiếu ý thức nên cứ vứt rác, xả chất thải xuống kênh khiến dòng kênh tắc nghẽn, bốc mùi. Không chịu nổi cảnh dòng kênh trong xanh ngày nào giờ lại biến thành cái cống khổng lồ nên hằng ngày tôi ra vớt rác nhằm bớt phần nào…”. Lúc đầu làm việc bao đồng này, nhiều người dân cũng xì xào bàn tán vì thấy ông rỗi công đi lo chuyện của “thiên hạ” nhưng lâu dần, thấy ông làm việc một cách tận tâm và có ích cho cuộc sống nên ai nấy đều khen ngợi. Có người đi ngang qua, thấy ông đang vớt rác nên dừng lại biếu ít tiền để ông chi dùng, người khác lại mời ông ổ bánh mì, chai nước để ông có sức khoẻ làm “chuyện bao đồng”.

Được Nhà nước vinh danh

Tiếng lành đồn xa, ông được UBND phường hỗ trợ 5 triệu đồng/tháng. Đến nay, ông vẫn tiếp tục vớt rác trên tuyến kênh Chiến Lược (dài 900m) thuộc địa bàn phường Bình Trị Đông. Nhiều lúc ông vớt rác xong, hôm sau có một số người dân ý thức kém lại vứt rác xuống lòng kênh, dù hết sức buồn lòng nhưng không vì chuyện đó mà ông ngừng công việc vớt rác. Với trách nhiệm của người lính Cụ Hồ, ông luôn tiên phong, mẫu mực trong cộng đồng khu dân cư và luôn tâm niệm với lời dạy của Bác: “Việc gì có lợi cho dân thì hết sức làm, việc gì có hại cho dân thì hết sức tránh”. Ông bảo: “Nhìn rác thải lấp kín kênh rạch khiến tôi bức rứt, như thể có cái gai trong mắt vậy”. Ở dưới lòng kênh các loại rác thải từ túi nylon, xác động vật, các mảnh kim loại… ất nguy hiểm. Trong lúc làm việc, ông thường bị các mảnh kim loại đâm chảy máu nhiều lần. Ông chia sẻ thêm: “Tôi rất cảm ơn vì phường quan tâm hỗ trợ tiền hằng tháng để tôi trang trải cuộc sống và cho tôi cái đầu lôi để tôi kéo rác dễ dàng”. Hiện tại, gia đình ông rất khó khăn, vợ mất để lại cho ông người con trai bệnh tâm thần và người con gái (với đứa cháu ngoại) không có công ăn việc làm ổn định. Điều ông trăn trở và mong mỏi nhất là: “Tôi mong mình luôn có sức khoẻ để làm công việc này suốt mới có thu nhập lo cho con cháu của tôi”.

Với sự nỗ lực, âm thầm cống hiến, ông Nguyễn Ngọc Đức nhận được nhiều Giấy khen từ quận và xã. Đặc biệt, vào tháng 11/2018, ông vinh dự được UBND TP. HCM tặng Bằng khen tuyên dương”Những tấm gường thầm lặng mà cao cả”. Trao đổi với chúng tôi, ông Trương Văn Hải, Phó Chủ tich Hội CCB phường cho biết: ” Với nhiều người, ở lứa tuổi như anh Đức khi về già là họ dành thời gian để nghỉ ngơi, sum vầy cùng con cháu nhưng riêng anh Đức thì ngược lại, anh không chỉ lo cho gia đình mà còn lo cho xã hội. Anh đúng là một CCB gương mẫu”. 

Tác giả: Nguyễn Hoàng Duy

Nguồn: Tạp chí VHNT số 453, tháng 2-2021

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *