Quá trình hình thành, tồn tại, phát triển của làng nghề gốm Bát Tràng cho đến ngày nay là nhờ sự năng động sáng tạo không ngừng của những người thợ gốm. Bát Tràng từng bước vượt qua khó khăn, thích ứng với mọi hoàn cảnh để phát triển cũng nhờ vào nguồn lực trí tuệ, kỹ năng, ý chí của những con người này. Ngày nay, nhiều thợ gốm đã vươn lên trở thành những nghệ nhân, những ông chủ doanh nghiệp nổi tiếng cả trong, ngoài nước.
Năng lực sáng tạo, nguồn lực quan trọng nhất cho sự phát triển kinh tế làng nghề
Nhìn vào lịch sử nghề gốm Việt Nam, có thể thấy rằng những sản phẩm gốm đặc sắc nhất đều có ở Bát Tràng. Những loại gốm quý, độc đáo nhất như gốm men ngọc (thời Lý – Trần), gốm hoa nâu hay gốm men nâu (cuối thời Trần, đầu thời Lê), gốm men rạn (thời Lê – Trịnh), gốm hoa lam (cuối thời Lê, đầu thời Nguyễn) đều được sản xuất ở Bát Tràng. Nhiều sản phẩm gốm men ngọc, men rạn, hoa lam của thợ Bát Tràng được coi là đỉnh cao của nghệ thuật, của kỹ thuật gốm ở Việt Nam. Gốm men rạn, gốm hoa lam của Bát Tràng gồm nhiều chủng loại, mẫu mã, có cả những tác phẩm nghệ thuật gốm cổ, quý giá. Trong suốt mấy trăm năm, gốm hoa lam vẫn có sức sống bền bỉ ở làng gốm Bát Tràng. Từ cuối thời Trần một khối lượng lớn các loại gốm của Bát Tràng đã được xuất khẩu sang nhiều nước trong khu vực, các nước vùng Trung Đông, một số nước châu Âu, được lưu giữ, trưng bày tại nhiều bảo tàng các nước.
Sự kết hợp giữa tri thức truyền thống với công nghệ hiện đại trong sản xuất, kinh doanh đã tạo bước ngoặt trong phát triển làng nghề gốm sứ của Bát Tràng. Những nghệ nhân đã biết mở rộng quy mô sản xuất, tăng năng suất lao động, đa dạng hoá sản phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm, quảng bá thương hiệu, kết nối khách hàng, mở rộng thị trường ra thế giới. Tất cả những việc làm này đều bắt nguồn từ tri thức, kỹ năng của người thợ thủ công, đặc biệt là năng lực nhạy bén, tiếp thu, vận dụng cái mới vào làm nghề.
Việc tiếp thu những kiến thức khoa học, công nghệ mới kết hợp với tri thức truyền thống để phát triển sản xuất ở Bát Tràng được thể hiện trên nhiều các phương diện.
Thứ nhất, việc tiếp nhận kỹ thuật mới vào sáng tạo khuôn đúc, tạo men mới, kỹ thuật bao nung, cải tiến lò nung, mở rộng quy mô sản xuất, đa dạng hoá sản phẩm. Theo quan niệm của người xưa, nói đến các vật phẩm bằng gốm là nói đến sự kết hợp hài hòa của ngũ hành (kim, mộc, thủy, hỏa, thổ), tạo nên giá trị của sản phẩm gốm. Đến nay, những yếu tố này vẫn được người thợ gốm coi trọng.
Kỹ thuật thủ công làm được ít sản phẩm, mất nhiều thời gian, giá thành cao, người thợ gốm Bát Tràng đã mạnh dạn áp dụng công nghệ mới vào sản xuất, giúp cho sản phẩm ra lò nhanh, bền, đẹp, giá thành thấp. Đồng thời, sáng tạo mẫu mã mới, tạo ra khuôn đúc dùng điện nhiệt dẫn. Việc sáng tạo ra khuôn đúc gỗ, thạch cao giúp sản xuất được nhiều sản phẩm hơn, tính công nghiệp của sản phẩm gốm đã được đẩy mạnh. Ưu điểm của loại kỹ thuật này là làm ra được một mặt hàng với số lượng lớn, tiết kiệm thời gian, hạ giá thành sản phẩm.
Chế tạo men gốm là một bí quyết nghề nghiệp. Khoảng cuối TK XIV về trước, men ngọc đã được chế tạo thành công. Từ thời Lê sơ trở đi (đầu TK XV), người thợ Bát Tràng đã chế tạo ra loại men gio có màu trắng đục, men nâu, men lam nổi tiếng. Đến đầu TK XVII, men rạn với nhiều sắc thái khác nhau được khám phá ra. Theo thời gian, cùng với những biến động của lịch sử, nhiều loại men truyền thống của Bát Tràng đã bị thất truyền. Ngày nay, nhiều nghệ nhân của làng đã nghiên cứu, thử nghiệm, khôi phục thành công những dòng men truyền thống; đồng thời, không ngừng nghiên cứu ra những dòng men mới như: men màu mận chín, màu xanh từ chất liệu mới… Việc chế tạo ra các màu men phong phú như hiện nay là sự kết hợp của tri thức truyền thống, tâm huyết người làm nghề với những hiểu biết về kiến thức hiện đại được đào tạo trong nền giáo dục hiện đại.
Hiện nay, người dân Bát Tràng đã sử dụng lò con thoi (lò ga), lò tuynel (lò hầm) để nung gốm, nguyên liệu đốt là ga hoặc dầu. Điều này đã giúp hạn chế được nhược điểm của các kiểu lò trước đây, giảm thời gian đốt, kiểm soát được nhiệt độ trong lò, nâng cao chất lượng sản phẩm, tránh được ô nhiễm môi trường, giảm lao động nặng nhọc.
Bên cạnh năng lực sáng tạo để sản xuất ra những sản phẩm mới, người Bát Tràng không ngừng áp dụng tri thức khoa học kỹ thuật hiện đại trong sản xuất, quản lý kinh doanh. Trước đây, các cơ sở sản xuất của làng chỉ quản lý dựa vào kinh nghiệm. Hiện nay, việc quản lý đã dựa trên quy luật kinh tế, pháp luật, thực hiện theo cơ chế thị trường kết hợp với truyền thống. Điều đó khiến việc sản xuất, tiêu thụ được tiến hành thuận tiện, thị trường được mở rộng hơn, giảm thiểu những rủi ro trên thương trường. Không những thế, cách quản lý hoạt động sản xuất này cũng cho ra đời những sản phẩm phong phú, thiết thực, bám sát thị hiếu khách hàng, mở ra cơ hội mới ở thị trường trong, ngoài nước.
Để công việc diễn ra nhanh chóng, thuận lợi, hiệu quả, giảm thiểu lao động nặng nhọc, người dân Bát Tràng đã áp dụng công nghệ mới, máy móc hiện đại từ khâu làm đất, trộn nguyên liệu, làm khuôn, nung sản phẩm… Để làm được những việc đó, người thợ làm gốm phải không ngừng học hỏi, tìm hiểu, áp dụng những tri thức mới vào sản xuất. Ngoài công nghệ về lò ủ, máy ép, lò đốt, nhiều công nghệ vệ tinh được áp dụng, như: công nghệ tẩy rửa, sấy khô bằng sóng siêu âm, làm sạch bằng tĩnh điện, phun phủ lớp ló, sấy khô sau 2 giờ, mạ chân không, tạo lớp mạ nhôm bóng, phun phủ lớp bảo vệ, tạo màu sắc…
Việc sử dụng công nghệ thông tin vào quảng bá sản phẩm, kết nối khách hàng, bán sản phẩm gốm sứ ra nước ngoài cũng được chú trọng.
Thứ hai, áp dụng khoa học công nghệ hiện đại đã góp phần bảo vệ môi trường trong sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu lao động nặng nhọc, chất lượng sản phẩm được đảm bảo. Không những vậy, việc làm này còn có thể tiết kiệm nhiên liệu, giảm thiểu sản phẩm bị thải loại, giảm chi phí, tăng thu nhập cho người làm gốm. Điều đó được thể hiện rõ nhất trong việc sử dụng lò nung hiện đại với nhiên liệu sạch, tránh tình trạng ô nhiễm môi trường với khói bụi độc hại khi sử dụng than để đốt như trước đây. Lò hiện đại có thiết bị theo dõi nhiệt, đảm bảo chất lượng sản phẩm, giảm thiểu chất thải rắn.
Mặt khác, việc áp dụng công nghệ hiện đại đã giúp Bát Tràng giải được bài toán phát triển bền vững của làng nghề, tiết kiệm nguyên, nhiên liệu, hạn chế tác động tới môi trường, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng doanh thu cho đơn vị sản xuất. Do đó, người dân Bát Tràng đã vững tin bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống, gắn với phát triển du lịch tại địa phương.
Trong khâu làm nguyên liệu gốm, trước đây chưa có máy móc hiện đại, người thợ làm thủ công theo cảm tính, tiến hành phân cỡ hạt bằng nước, nguyên liệu còn nhiều tạp chất như đồng, chì, kẽm… làm ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm. Người thợ trộn nguyên liệu bằng phương thức thủ công, vừa nặng nhọc, vừa không đảm bảo chất lượng. Hiện nay, Bát Tràng đã có nhiều máy móc hiện đại như máy ép, khung bảng, máy khử từ, phân cỡ hạt, sàn rung, máy hút chân không…, giúp cho sản phẩm làm ra đạt chất lượng như mong muốn, giải phóng sức lao động.
Tính năng động, nhạy bén với thị trường cũng là một yếu tố của nguồn lực văn hóa nội thể hóa
Người Bát Tràng rất linh hoạt trong công việc, cuộc sống, thương trường, ý thức được tầm quan trọng có ý nghĩa sống còn của làng nghề là ở tính thích nghi hoàn cảnh, nhạy bén, năng động. Họ tiếp thu nhanh các thành tựu gốm mới trong cả nước, bằng kinh nghiệm, sự sáng tạo của mình, phát triển chúng lên tới đỉnh cao, mà các loại gốm quý kể trên là bằng chứng không thể phủ nhận.
Thị hiếu, thẩm mỹ, yêu cầu sử dụng của khách hàng cũng được thợ Bát Tràng đặc biệt quan tâm. Nhu cầu luôn biến đổi, thậm chí là rất khác nhau giữa các nước, châu lục, dân tộc, vùng miền, tầng lớp dân cư. Sự phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa, văn minh, trình độ dân trí… cũng kéo theo những nhu cầu mới của khách hàng, đặt ra những thách thức đối với người thợ gốm Bát Tràng. Lời giải cho bài toán thị trường là đa dạng hóa sản phẩm, luôn thay đổi mẫu mã, nâng cao chất lượng mặt hàng, nắm bắt được nhu cầu thị trường trong, ngoài nước, quan hệ để dành thị trường xuất khẩu, nhanh chóng thay đổi mẫu hàng tương ứng, sản phẩm phải luôn đa dạng, chất lượng tốt, mẫu mã đẹp nhất, ưu tiên các mặt hàng cao cấp, đồ gốm giả cổ…, nhạy bén nắm bắt thị trường gắn với việc sáng tạo sản phẩm mới, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của khách hàng trong, ngoài nước. Hiện nay, để đáp ứng nhu cầu thị trường, người thợ gốm Bát Tràng đang song song phát triển sản xuất 2 chủng loại gốm lớn là gốm giả cổ (gốm bằng chất liệu, phương pháp cổ truyền), gốm hiện đại với kỹ thuật đồ sứ. Đồng thời, tích cực tìm tòi, sáng chế các sản phẩm mới có giá trị kinh tế, mỹ thuật để xuất khẩu, cải tiến mẫu mã, kiểu dáng sản phẩm.
Trải qua bao nhiêu thăng trầm của lịch sử, cho đến nay, Bát Tràng vẫn giữ được hồn cốt, những nét tạo nên bản sắc của làng giữa hàng ngàn ngôi làng ở đồng bằng Bắc Bộ, đó là nghề gốm truyền thống. Những thế hệ dân làng vẫn liên tục giữ lửa để tạo ra những sản phẩm gốm đặc sắc. Từ con người, những quan hệ văn hóa, xã hội tới những sản phẩm văn hóa đã tạo nên nguồn lực văn hóa có vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế của làng gốm Bát Tràng. Trong đó, nguồn lực con người là yếu tố xuyên suốt, quyết định tới sự phát triển kinh tế của làng. Chủ thể của nguồn lực văn hóa đồng thời cũng là một yếu tố của nguồn lực văn hóa, những người thợ thủ công, với những phẩm chất được tôi luyện nên bởi môi trường sống, nghề nghiệp, thị trường… đã hình thành nên một thứ văn hóa sinh kế rất đặc thù. Họ nhạy bén với thị trường, không ngừng đổi mới để gia tăng giá trị sản phẩm làng nghề. Xét về phương diện kinh tế, mẫu hình chủ thể nguồn lực văn hóa này có thể mang lại giá trị kinh tế trực tiếp do trao đổi thương mại những sản phẩm do mình làm ra.
Con người, quan hệ xã hội, các sản phẩm văn hóa là những yếu tố tạo nên nguồn lực văn hóa. Nguồn lực văn hóa có vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, cải thiện mức sống cho người dân, là nhân tố quyết định trong việc hoạch định các kế hoạch phát triển kinh tế mang tính tổng thể, cho từng hộ gia đình. Bao nhiêu đời nay, người dân làng Bát Tràng mưu sinh bằng nghề gốm. Hiện nay, nghề gốm truyền thống vẫn tiếp tục mang lại nguồn thu nhập chính cho dân làng, nhưng bên cạnh đó cũng mở ra những hướng đi mới, hứa hẹn tiềm năng phát triển kinh tế du lịch làng nghề.
Đối với làng gốm Bát Tràng, nguồn lực văn hóa có vai trò tích cực trong phát triển kinh tế ở những mức độ khác nhau. Nó trở thành nguồn vốn xã hội tạo ra sản phẩm kinh tế, sản phẩm hàng hóa cho người dân nơi đây; góp phần tích cực trong việc hoạch định các chiến lược, xây dựng các kế hoạch phát triển; góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng kinh tế dịch vụ; nâng cao mức sống của người dân.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 389, tháng 11-2016
Tác giả : ĐẶNG THỊ HỒNG HẠNH
Bài viết cùng chủ đề:
Tác động của nghề cơ khí và mộc dân dụng đối với đời sống văn hóa làng đại tự
Tư tưởng về đạo đức môi trường ở phương đông
Kiến thức văn hóa của nhà báo, thiếu và sai